Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2022

Âm nhạc dân tộc vụt tắt một vì sao

Âm nhạc dân tộc vụt tắt một vì sao

GS Trần Quang Hải đột ngột từ trần tại Pháp ngày 30/12/2021 khiến giới âm nhạc Việt Nam bàng hoàng. Vậy là sau khi người cha của anh – GS-TS Trần Văn Khê mất đi (năm 2015), bầu trời âm nhạc dân tộc lại mất thêm một vì sao chói sáng.

Lúc GS-TS Trần Văn Khê còn tại thế, người viết đã nhiều lần lui tới căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) của ông để phỏng vấn, viết bài. Qua đó, thỉnh thoảng cũng được gặp các con trai của thầy Khê là GS Trần Quang Hải (mỗi khi ông ở nước ngoài về) và kiến trúc sư Trần Quang Minh. Từ đó, giữa tôi và các anh Hải, anh Minh có sự giao tình thân thiết, các anh luôn coi tôi như em trai… Thích nhất là duyên may được gặp gỡ cả hai anh em. Tính khí, phong cách của họ giống hệt người cha: giọng nói hào sảng, đặc sệt Nam bộ, anh tung em hứng, nói cười rổn rảng. Những lúc như thế, tôi thường đề nghị anh Hải biểu diễn nhạc muỗng. Thật không hổ danh là “vua muỗng Việt Nam”, nhìn anh “làm xiếc” với những chiếc muỗng, anh gõ tới đâu thì nhạc điệu với những âm đục, âm trong phát ra tới đó. Anh gõ vào đùi, đầu gối, lòng bàn tay, cùi chỏ, trên trán, trên gáy… chỗ nào cũng vang lên những âm thanh rộn rã, sinh động…
Còn nhớ, cách đây 6 năm, lúc GS-TS Trần Văn Khê vừa tạ thế, chính anh Trần Quang Hải đã đề nghị với hai vị được cha anh chọn cùng anh phụ trách tổ chức tang lễ là nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và ông Trần Bá Thùy (phu quân của nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương) trao cho Báo Thanh Niên (mà đại diện là tôi) được độc quyền nắm giữ bản di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê mà không một báo nào được khai thác. Tôi rất biết ơn anh Trần Quang Hải về điều này…
Vợ chồng Giáo sư Trần Quang Hải - danh ca Bạch Yến.
Bước ngoặt cuộc đời
GS Trần Quang Hải sinh năm 1944, là con đầu của ông Trần Văn Khê và bà Nguyễn Thị Sương (bà là bạn học cùng lớp với chồng, họ cưới nhau trước khi ông lên đường ra Hà Nội học Trường Y, năm 1943). Ông Khê qua Pháp du học năm 1949. Sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (khoa violin) vào năm 1961, Trần Quang Hải được cha đưa sang Pháp.
Tại Pháp, Trần Quang Hải tiếp tục học violin với GS Đỗ Thế Phiệt. Có thể nói cuộc đời của anh sẽ gắn bó với cây vĩ cầm và cũng chìm khuất vào muôn vàn nhạc công chơi violin ở Paris, nếu anh không gặp và nhận được lời khuyên chí tình của GS Yehudi Menuhin (bậc thầy thế giới về violin) rằng anh đang có một may mắn mà không ai có được: Là con trai của một bậc thầy thế giới về âm nhạc phương Đông và âm nhạc dân tộc Việt Nam, tại sao không tận dụng ưu thế này? Lời khuyên này chính là bước ngoặt để sau này Trần Quang Hải là người thứ hai (sau chính người cha của mình) lấy được tấm bằng tiến sĩ âm nhạc dân tộc tại Pháp, sau khi tốt nghiệp các trường đại học Louvre, Sorbonne (Pháp) và Cambridge (Anh)… Từ đó, Trần Quang Hải và vợ (danh ca Bạch Yến) đồng hành với chí hướng của cha mình, đi khắp thế giới (hơn 70 quốc gia) để giới thiệu âm nhạc Việt Nam. Không chỉ thế, anh còn phát kiến ra kiểu hát “đồng song thanh” (vận công lấy hơi, để khi hát cùng lúc phát ra âm thanh ở vòm họng và bụng), một kiểu hát độc nhất vô nhị trên thế giới.
Trần Quang Hải còn được tôn xưng là “vua đàn môi”. Anh đã có đến 50 năm nghiên cứu và biểu diễn đàn môi của dân tộc H’mông và các loại đàn môi của hơn 30 quốc gia trên thế giới, loại nào anh cũng biểu diễn thật xuất sắc… Chỉ tính riêng vợ chồng anh đã có khoảng 1.500 buổi diễn giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam trên khắp thế giới (trong đó có đàn môi).
Anh cũng rất quan tâm đến thế hệ kế thừa. Còn nhớ năm 2015, từ Pháp anh đã gửi email cho người viết để giới thiệu một “truyền nhân” của anh một cách đầy tự hào (về học trò) và rất khiêm tốn (về mình), như sau: “Em Khai Nguyên sinh sống ở Việt Nam, chỉ học hàm thụ với anh mà nay trở thành người chơi nhiều loại đàn môi trên thế giới và đã tiến xa hơn anh nhiều… Gần đây nhất, ngày 17/1/2015, em Khai Nguyên đã cùng anh biểu diễn và dạy đàn môi ở Trường Mầm non Hoa Hồng Đỏ Q.9, TP.HCM với kết quả rất tốt”. Từ sự giới thiệu của anh, tôi đã về vùng Phương Lâm (Đồng Nai) tìm em Khai Nguyên và viết bài giới thiệu “Truyền nhân đàn môi của GS Trần Quang Hải” trên Báo Thanh Niên.
Giáo sư Trần Quang Hải.
Người bạn đời tri âm
Trần Quang Hải gặp nữ danh ca Bạch Yến (từng rất nổi tiếng với ca khúc Đêm đông của Nguyễn Văn Thương) lần đầu vào năm 1961 tại Paris (Pháp), khi nữ danh ca từ Mỹ sang biểu diễn tại Pháp. Bạch Yến được ghi nhận là một trong những ca sĩ Việt Nam đầu tiên biểu diễn ở Mỹ và cũng là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên xuất hiện trong một chương trình lớn (chương trình Ed Sullivan Show nổi tiếng của Mỹ năm 1965, là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất có cơ hội trình diễn với những tên tuổi nổi tiếng của Mỹ như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone, Frankie Avalon, Jimmy Durante, Joey Bishop, Mike Douglas, Liberace…). 17 năm sau (1978), họ gặp lại nhau cũng ở Paris và định mệnh đã gắn kết hai con người của âm nhạc ấy lại với nhau bằng một đám cưới được tổ chức vào ngày 17/6/1978 tại Paris.
Cũng như chồng mình đã từng dứt khoát từ bỏ âm nhạc Tây phương, từ ngày “xuất giá tòng phu”, Bạch Yến cũng từ giã chuỗi ngày ca hát “Tây hơn cả Tây” (trước đó chị chuyên hát nhạc ngoại, lời Anh, Pháp, Tây Ban Nha…) để quay về hát dân ca, minh họa cho các tiết mục giới thiệu âm nhạc của chồng. Đầu năm 2011, trong một cuộc phỏng vấn dành cho người viết, chị đã tiết lộ khi cầu hôn với chị, “sính lễ” của anh Trần Quang Hải là ca khúc Tân hôn dạ khúc anh dành riêng cho “đêm nhớ đời” của anh chị. Chị còn nói thêm: “Sau khi nên vợ chồng, tôi ở luôn tại Pháp và bắt đầu hiểu về nhạc cổ truyền, khám phá ra cả một vườn hoa âm nhạc mới. Tôi vốn là một ca sĩ chuyên hát nhạc ngoại quốc, nay anh Hải ngỏ ý hướng tôi về nhạc dân tộc mà tôi rất yêu thích từ lâu nhưng không dám hát vì sợ sẽ làm một việc sai lầm. Bây giờ có người am hiểu một cách thấu đáo dòng nhạc này – dìu dắt, giúp tôi hiểu thêm nhạc của nước tôi. Ngoài người bạn đời, còn có thêm ba tôi (GS-TS Trần Văn Khê) giúp tôi hát nhạc dân ca một cách chính xác…”.
Từ khi GS Trần Quang Hải phát hiện mình bị ung thư máu kết hợp với bệnh tiểu đường (năm 2017), chị Bạch Yến luôn cận kề chăm sóc chồng. Anh chị không có con chung nhưng họ cùng chăm sóc và yêu thương đứa con gái riêng của anh tên là Minh Tâm (cũng từng học nhạc ở Đại học Sorbonne nhưng sau này chuyên nghiên cứu và giới thiệu những món ăn thuần Việt, tác giả cuốn Nouilles d’Asie, ấn hành năm 2016).
Từ Việt Nam, chúng tôi xin tiễn biệt anh – người con nối chí cha – để quảng bá và giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt với thế giới một cách không ngơi nghỉ… Tin rằng không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới sẽ mãi nhớ đến anh.
4/1/2022
Hà Đình Nguyên
Nguồn: Thanh Niên
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...