Dòng văn chương bác học và bình dân
cũng thế. Sự xao động của một cây đâm rễ dưới mặt nước không giống như sự xao
động của một con thuyền. Kẻ ngồi trên thuyền bị nước cuốn trôi đi, nhìn thấy
muôn vật chung quanh
xao động tưởng như muôn vật cùng trôi theo với con thuyền mình.
Chính vì cảm nghĩ như vậy mà ông
Xuân-Diệu đã có lần bày tỏ ý kiến bênh vực tính chất « Âu-hóa » của
văn chương Việt-nam trong báo Ngày nay (số 147 ngày
28-1-1939). Ông
viết : « …Cái
học của Âu Tây đã làm cho chúng ta tinh vi, kỹ lưỡng, tại sao chúng ta không
nói đến những điều ấy trong văn chương Việt-nam. Ta viết văn An-nam, ta tả cái
tình cảm của ta, thì có hại cho văn An-nam chứ ? Chúng ta là người An-nam
có chịu ảnh hưởng Âu-Tây là người gì ? Họ cũng là người trừ những điều
riêng tây quá, chứ cái « nho », cái « dãy », cái
« vốn » của con người đâu đâu cũng giống nhau. Trong lòng người
An-nam chúng ta phần nhiều vẫn có những ý, những tình, những cảm giác mà Tây
có, xưa kia ta không nói vì không ngờ. Bây giờ cái nào khoa học của Âu-Tây đã
cho biết rằng ta có, vẫn có đã lâu những của cải chôn giấu ở trong lòng thì sao
ta không nói. Điểm là ta dùng tiếng An-nam và dùng đúng, tức là ta đã viết văn
An-nam »…
Ý kiến ông Xuân-Diệu trên đây bị ông
Lưu-trọng-Lư chống đối. Lưu trọng Lư viết : « Mỗi dân tộc có một tình cảm, sinh
hoạt, ý thức riêng. Đó là bản ngã của nó. Cũng là người cả, người Âu cũng như
người Á, ai cũng phải ăn, phải ngủ, phải thở khí trời để sống, nhưng ngay trong
bản ngã của mỗi cá nhân đã không giống nhau thì giữa hai dân tộc không thể
giống nhau về tính chất được… »
Ông Xuân-Diệu trái lại, cho
rằng : « Cái
không giống nhau chỉ vì mình không chịu khai thác. Nước Việt-nam trước kia không
có mỏ dầu, nhưng lúc người Tây khai thác được thì Việt-nam cũng có mỏ dầu như
các nước khác. Ở lãnh vực tinh thần cũng thế. Nếu cái gì chưa có, không phải là
không có mà do chúng ta chưa khai thác nó ra… »
Ngoài ông Lưu-trọng-Lư và ông
Xuân-Diệu, còn có rất nhiều văn nhân thời tiền chiến tranh luận về tính chất
vong bản của nền văn chương bác học Việt-nam. Tuy nhiên, tựu trung vẫn quanh
quẩn trong yếu tố « tác động và dung hợp của thi ca », ngoài ra, chưa
ai khảo sát tính chất căn bản của mỗi dòng văn chương bình dân và bác học.
Dòng văn chương bình dân sở dĩ giữ
được tính chất căn bản trước mọi biến động của thời gian, không gian, chỉ vì nó
phát nguồn từ tình cảm sinh hoạt địa phương. Người nông dân sống trong ruộng
lúa, nương dâu, quanh năm vẫn trồng tỉa, gặt hái, dù cho những biến cố chính
trị có đổi thay bộ mặt xã hội, dù cho nền văn hóa ngoại lai có du nhập từ đâu
đến, cuộc sống quanh năm của họ vẫn với ruộng lúa, nương dâu, và với công việc
trồng tỉa, gặt hái. Họ không vì biến cố chính trị, hoặc tư tưởng ngoại lai làm
cho đời sống họ đổi khác, bỏ ruộng nương nhà cửa, nghề nghiệp cố hữu đi được.
Tính chất cố định của sinh hoạt nông thôn là nguồn gốc giữ vững tình cảm của
giới bình dân.
Dòng văn chương bác học trái lại, vì
sống trên tư thế xã hội, lấy địa vị xã hội làm nền tảng cho tâm tư. Cho nên,
khi những biến cố chính trị đổi thay thì tâm tư mất hẳn chỗ tựa, phải phiêu lưu
theo thế đứng của họ trước mọi diễn biến của lịch sử.
Tìm được tính chất căn bản ấy, chúng
ta mới thấy rõ tại sao các nhà văn trong lãnh vực bác học phải tự thú rằng mình
thiếu lập trường dân tộc, mà chỉ có văn chương bình dân mới phản ánh được tinh
thần dân tộc trong thi ca.
Và, như trên đã nói, dòng văn chương
bình dân tuy không tách rời tính chất căn bản, nhưng không phải không biến
động.
Bây giờ chúng ta thử tìm sự tác động
trong trạng thái dung hợp ấy.
Căn cứ vào sinh hoạt xã hội, dân tộc
Việt-nam phần lớn là nông dân, sống gần gũi với thiên nhiên, tình cảm của họ
thuở ban đầu (lúc mà chế độ xã hội chưa đi đến chỗ người bóc lột người) rất mộc
mạc, chất phác. Do đó, từ quan niệm nhân sinh đến xã hội, vũ trụ, gần như mọi
sinh vật khác, nghĩa là chỉ biết tìm thức ăn để sống, và sống ngoài trạng thái
đấu tranh xã hội, chỉ có đấu tranh với thiên nhiên mà thôi.
Tính chất mộc mạc, hồn nhiên ấy còn di
lưu trong ca dao Việt-nam đến ngày nay không phải ít. Ví dụ những câu
như :
Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua.
Hoặc :Con mèo, con
chó có lông,
Cây tre có mắt, nồi đồng có quai.
Hay :Chiều chiều én liệng,
cò bay,
Ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng.
Những câu ca dao như vậy chúng ta
không biết đã có tự thời nào, nhưng một điều chắc chắn là nó phản ánh tâm tư
của thời đại, khi mà cảm giác con người còn dính liền với thiên nhiên, chưa bị
tranh đấu xã hội chi phối.
Với căn bản tâm tư ấy, chúng ra không
thể phủ nhận một nguồn gốc phát xuất ở sinh hoạt bình thường về nông nghiệp, do
điều kiện địa lý và yếu tố thiên nhiên tạo nên.Nó là bản chất của dân tộc tính.
Từ sự hồn nhiên, chất phác ấy, xã hội
Việt-nam dần dần tiến đến mọi chế độ chính trị, mà phần lớn là nô lệ phong
kiến. Những chế độ chính trị đã phân hóa xã hội Việt-nam thành đẳng cấp, đồng
thời cũng chia rẽ nền văn học dân tộc làm hai dòng : bác học và bình dân.
Nền văn học bình dân vì đã có sẵn tính
chất căn bản của nó, và đã tạo thành những lề thói, tập tục trong nếp sống, nên
dù bị xã hội phân hóa, nền văn học ấy vẫn tự tồn, cũng như một nông dân đã khai
phá được một mảnh đất, dù xã hội có đổi thay mọi chế độ chính trị, họ vẫn bảo
vệ quyền sống của họ trên mảnh đất của họ, nói như thế cũng có nghĩa là nền văn
hóa dân tộc đã phát nguồn từ một căn bản cố định, và những đổi thay của mọi chế
độ xã hội chỉ ảnh hưởng mà thôi, không thể làm mất tính chất căn bản của nó
được.
Để chứng minh điều này chúng ta lần
lượt khảo sát theo dòng lịch sử thi ca bình dân qua trạng thái diễn biến của
nó, mà chúng tôi đã dùng ngôn từ « biến thái trong thi ca ».
Nói đến biến thái, nếu chúng ta chỉ
quan niệm sự đổi thay và dung hợp giữa dòng văn chương bình dân và bác học thì
quả là một điều sơ sót, vì tác động dung hợp giữa dòng văn chương bình dân và
bác học chỉ là một phần trong lịch sử diễn biến của dòng thi ca bình dân mà
thôi.
Bắt nguồn từ cuộc sống hồn nhiên, vô
tư của dân tộc, xem mọi hiện tượng thiên nhiên, cũng như mọi sinh vật trong vũ
trụ đều có tương quan với tình cảm con người, xã hội đi vào những chế độ cai
trị, khiến cho tính chất vô tư, hồn nhiên ấy cũng bắt đầu biến thái. Đó là sự
biến thái của tâm tư, của tình cảm.
Chúng ta thử so sánh, giữa hai tính
chất của hai câu ca dao như :
Con cò bay lả, bay la,
Bay qua ruộng lúa, bay qua cánh đồng.
Và :Con cò mắc giò mà
chết,
Con quạ mua nếp làm chay.
Con cu đánh trống ba ngày,
Chóp mào đội mũ làm thầy đọc văn.
Với những câu trên, ta thấy tâm tư
người bình dân hòa đồng với trạng thái hồn nhiên của con vật trong cuộc sống
thanh thản, không vương một tí lo âu, một cảm giác thắc mắc gì đối với cuộc
sống.
Bầu trời xanh bao la, bát ngát, cánh
chim trắng xóa lả lướt bay qua cánh đồng, hình bóng thiên nhiên ấy cũng là hình
bóng tượng trưng cho tâm tư con người khi chưa bước vào trường đấu tranh xã
hội.
Nhưng khi « con cò mắc giò mà
chết », cái chết của con cò biểu tượng cho sức tranh đoạt của loài người
qua lẽ sống, thì những sinh vật khác, cũng như tâm tư của con người, không còn
hồn nhiên nữa, mà bắt đầu gieo vào cảm giới những thắc mắc sâu xa.
Đó là một biến thái của tâm tư.
Con cò chỉ « bay lả bay la »
khi cuộc sống chưa đụng chạm với chế độ xã hội loài người, nghĩa là còn ở trong
trạng thái thiên nhiên. Còn khi đã đụng chạm với mọi chế độ xã hội thì :
Cái cò, cái vạc, cái nông,
Sao mày giậm lúa nhà ông hỡi cò ?
- Không, không, tôi đứng trên bờ,
Mẹ con cái vạc đổ thừa cho tôi.
Chẳng tin thì ông đi đôi,
Mẹ con nhà nó còn ngồi đây kia.
Quyền lợi tư hữu, tham vọng cá nhân
tạo thành những chế độ xã hội đầy tranh chấp. Tâm tư người bình dân không còn
giữ được trạng thái thuở ban đầu, và dần dần đi vào lịch sử. Bản chất hồn nhiên
của họ không còn gởi vào cánh cò « bay lả bay la » mà gởi vào những đau khổ :
Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non.
Tình cảm con người do sinh hoạt xã hội
ảnh hưởng, thì tình cảm con người cũng vì sinh hoạt xã hội mà biến thái. Ca dao
Việt-nam đã chứng minh điều đó, nếu bản chất hồn nhiên của tinh thần người Việt
đã gởi gắm vào cảnh vật thì khi trạng thái tâm tư biến động, họ cũng gởi gắm
vào cảnh vật những biến cố ấy.
Khảo sát về lãnh vực này, chúng ta thử
phân chia từng yếu tố tình cảm qua các tiết mục sau đây :
I. TÁC ĐỘNG VỀ TÌNH ÁI
Trong ca dao Việt-nam chúng ta đã tìm
thấy những ý niệm rất giản dị trong yêu đương. Ví dụ :
Cô kia cắt cỏ một mình,
Cho anh cắt với chung tình làm đôi.
Cô còn cắt nữa hay thôi,
Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng.
Hoặc : Đói lòng ăn
nửa trái sim,
Uống lưng bát nước đi tìm người yêu.
Ái tình rất đơn giản, không bị cuộc
sống xã hội ràng buộc mà chỉ theo tiếng gọi của con tim. Trong yêu đương cũng
như bày tỏ dục tính, bản chất người bình dân hàm chứa một quan niệm tự
do ; nhưng tự do trong hồn nhiên, mộc mạc, đáp ứng theo qui luật thiên
nhiên mà thôi.
Tính chất ấy khi bị nhốt vào khuôn khổ
xã hội, nghĩa là khi bị mọi chế độ cai trị chi phối, bỗng nhiên, chúng ta thấy
có đổi thay. Người bình dân không còn hồn nhiên với trạng thái giản dị thuở ban
sơ nữa. Dù phải chung tình, chung sức với nhau trong sinh hoạt để tìm thú yêu
đương thì :
Củ lang Đồng-phó, đỗ phụng Hà-nhung,
Chàng bòn thiếp mót đổ chung một gùi.
Chẳng qua duyên nợ sụt sùi,
Hay này ta bỏ cái gùi ta đi.
Duyên nợ chính là diễn biến của tâm
tư ! Tâm tư con người bắt đầu với cảm giác đắn đo trong lẽ sống. Duyên nợ
chỉ là quan niệm tiêu cực để tự chế ngự ước muốn của mình trong tình ái, khi bị
ái tình đi vào lẽ sống.
Tình ái đã đi vào lẽ sống, duyên nợ
không thể chỉ còn trong lãnh vực tín ngưỡng nữa. Duyên nợ trắc trở cũng có khi
là sự đổi thay của cảm giác yêu đương. Cho nên :
Chim kêu dưới suối Từ-bi,
Nghĩa nhân còn bỏ, luận chi cái gùi.
Cái gùi chứa đựng lẽ sống, và lẽ sống
đã làm cách biệt yêu đương. Bỏ cái gùi mà đi tức là phản đối ý thức đưa lẽ sống
vào ái tình.
Trạng thái biến động của tâm tư trong
lãnh vực ái tình luôn luôn dấn bước theo dòng lịch sử xã hội, để rồi mang sắc
thái tủi hờn, đau khổ. Đó là trạng thái biến động, mà cũng là trạng thái phản
động của tâm tư người bình dân khi bị xã hội làm mất tính chất căn bản của họ.
Ở lãnh vực ái tình, chúng ta còn thấy
trong ca dao Việt-nam chứa đầy thắc mắc. Như giàu nghèo :
Em ham giàu em lấy thằng bé tí ti,
Làng trên xóm dưới thiếu gì trai tơ.
Đó là những tiếng than, những lời
thống hận đối với xã hội đã làm mất trạng thái hồn nhiên của bản tính con
người.
Trạng thái của tâm tư đưa đến biến
thái trong lời ca, câu hát. Chúng ta có thể viện dẫn một vài ví dụ sau
đây :
Trai : Ớ cô hai mày
ơi !
Ta thấy cô hai mày bảnh lảnh bẻo lẻo,
Ta cũng muốn tình tang, tang tình.
Đi đâu, đứng đó một mình,
Lại đây ta hỏi tiết trinh lẽ
nào ?
Có thương ta, ta mới bước vào,
Phụng loan kết cánh hòa giao ân tình.
Gái : Nghe lời đó
nói thất kinh,
Bông sen tàn ai nỡ cắm lục bình bát
xưa.
Cóc mà mang guốc ai ưa,
Đỉa đeo chân hạc sao vừa mà mong.
Thôi thôi đừng tưởng, đừng hòng,
Tôi đây có xấu cũng con dòng lương
gia.
Vô duyên ở vậy đến già,
Dại chi lấy chú thiên hạ mà cười chê !
Vụng về, dốt nát đủ bề,
Suốt năm, suốt tháng giữ nghề ở trai.
Trai : Ớ cô
kia ! cô đừng khoe sắc, khoe tài,
Tốt xinh chi đó, chê ai trai cày.
Sử kinh ta nắm trong tay,
Tỉ như vua Thuấn còn cày Lạch sơn.
Mái-Thần lúc trước khổ nghèo,
Trọng-Yêm, Hàn-Tín ra thân khó hèn.
Gái : Thôi
thôi ! Chú đừng nhắc tích vòng vo,
Mấy ông lúc trước ai so cho bằng.
Chú ăn học sao không thấy đi thi,
Ăn thời xó bếp, nằm thì chuồng trâu.
Thôi thôi ! Tôi chẳng ưng đâu,
Chạng không xứng chạng đừng cầu uổng
công.
(Câu hát bài chòi)
Rõ ràng tình cảm trên đây rất cách
biệt đối với tính chất hồn nhiên của thuở ban đầu. Ý thức yêu đương đã cấu kết
với sinh hoạt xã hội, và mỗi lúc mỗi biến động theo dòng thời gian.
Tuy nhiên, có điều chúng ta không thể
lầm lẫn là ý thức biến động của người bình dân bao giờ cũng từ tính chất căn
bản phát sinh. Cho nên, sự biến động cũng có nghĩa là trạng thái chống đối,
muốn bảo tồn bản năng, đưa con người giả tạo của xã hội trở về con người đơn
thuần của thiên nhiên.
II. TÁC ĐỘNG VỀ CHÍNH TRỊ
Nếu chúng ta tìm về bản chất thì người
bình dân vốn là kẻ ưa thích một cuộc sống tập thể, trong đó có sự công bằng,
bác ái, bình đẳng. Bản chất ấy phát xuất trong những tâm tư như:
Chiều chiều con quạ lợp nhà,
Con cu chẻ lạt, con gà quăng tranh.
Hoặc: Trâu ơi ta
bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây, trâu đấy, ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Tâm tư bình đẳng, tự do của người bình
dân chất chứa trong tình cảm họ một cách khoáng đạt, chẳng những đối với đồng
loại mà cả đến mọi sinh vật khác.
Tuy nhiên, tâm tư ấy không thể giữ mãi
trước những biến cố chính trị trong xã hội loài người. Trong ca dao Việt-nam,
chúng ta thấy tình cảm con người về phương diện chính trị đã bị tác động liên
tục, khiến cho họ cảm thấy ray rức, xót xa, hờn giận.
Thật vậy, chỉ vì tham vọng mà xã hội
loài người đi dần đến chỗ điêu ngoa, xảo trá trong các chế độ, phá vỡ tình cảm
thiên nhiên giữa con người và con người, giữa con người và muôn vật.
Cho nên, khi những chế độ chính trị đã
ngự trị trong đời sống con người thì chúng ta làm sao còn tìm thấy những câu ca
dao chất phác như:
Tay cầm con dao
Làm sao cho sắc
Để mà dễ cắt
Để mà dễ chặt
Chặt lấy củi cành
Chặt lấy cành cây
Trèo lên rừng xanh
Chạy quanh sườn núi
Một mình thui thủi
Chặt cây chặt củi
Tìm chốn ta ngồi
Ta ngồi, ngồi mát thảnh thơi
Kìa một đàn chim
Ở đâu bay đến
Ở đâu bay lại
Con đang cắn trái
Con đang tha mồi
Qua lối nọ nó ăn
Cái con hươu kia
Mày đang ăn lộc
Lộc vả, lộc sung
Mày trông thấy tớ
Tớ không đuổi mày
Mày qua lối nọ làm chi.
Mà, chúng ta bắt đầu thấy những trạng thái biến động của
tâm tư đi lần đến chỗ pha trộn vào cuộc sống. Ví dụ:
Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ! ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
Có xáo, thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
Con cò trước khi chết còn nghĩ đến
thanh danh, đó cũng là phản ứng của tâm tư con người trong biến thái đối với
chế độ chính trị.
Nói chung, tác động chính trị đã làm
cho tâm tư người bình dân biến thái, và tính chất biến thái cũng lại là tính
chất phản ứng để bảo vệ nguyên trạng xã hội.
III. TÁC ĐỘNG VỀ KINH TẾ
Nếu chúng ta đã thấy mọi chế độ chính
trị đưa tâm tư con người từ tính chất hồn nhiên đến trạng thái biến động, thì
kinh tế cũng là yếu tố quan trọng trong cảm giới con người. Chúng ta không cần
tìm đâu xa, thử đọc vài câu ca dao quen thuộc như :
Tháng giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.
Tháng tư đong đậu nấu chè,
Ăn Tết Đoan-ngọ trở về tháng năm.
Tháng sáu buôn nhãn bán trâm,
Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân.
Tháng tám chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng chín chung chân buôn
hồng.
Tháng mười buôn thóc bán bông,
Tháng một, tháng chạp nên công hoàn
toàn.
Hoặc : Tháng giêng là tháng
ăn chơi,
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai,
trồng cà.
Tháng ba thì đậu đã già,
Ta đi, ta hái về nhà phơi khô.
Tháng tư đi tậu trâu bò,
Để ta sắp sửa làm mùa tháng năm.
Sớm ngày đem lúa ra ngâm,
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra.
Gánh đi ta ném ruộng ta,
Đến khi lên mạ thì ta nhổ về.
Lấy tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi.
Cỏ lúa dọn đã sạch rồi,
Nước ruộng vơi đầy còn độ một hai.
Ruộng cao đóng một gàu giai,
Ruộng thấp ta lại đóng hai gàu sòng.
Chờ cho lúa có đòng đòng,
Bấy giờ ta sẽ trả công cho người.
Bao giờ cho đến tháng mười,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng
ta ;
Gặt hái ta đem về nhà,
Phơi khô quạt sạch ấy là xong công.
Hai bài ca dao điển hình trên đây cho
chúng ta thấy lúc làm lụng cũng như lúc ăn chơi, người bình dân Việt-nam sống
một cách ung dung, tâm hồn họ thơ thới, tin cậy vào khả năng tự lực của mình,
không tham giàu, không sợ nghèo, và giào nghèo dường như họ không nghĩ đến.
Sở dĩ tâm tư họ phát sinh trạng thái
như vậy là vì nước Việt-nam thuở ban đầu đã là một nước nông nghiệp, với nền
kinh tế tự túc, ai cũng phải làm để nuôi sống, và đã làm nhất định ấm no. Bởi
vậy, họ bảo :
Có làm thì mới có ăn,
Không dưng ai dễ mang phần đến cho.
Nhưng, lần lần với nền kinh tế phong
kiến mỗi ngày một phát triển, sự giàu nghèo trở thành chênh lệch, và kẻ ăn
không ngồi rồi lại chiếm ưu thế trong địa vị xã hội, do đó tâm tư người dân trở
nên biến động. Để chứng minh
điều đó, chúng ta thử nghe họ nói :
Tin nhau buôn bán cùng nhau,
Thiệt hơn, hơn thiệt trước sau như
lời.
Hay gì lừa đảo kiếm lời,
Một nhà ăn uống, tội trời riêng mang.
Theo chi những thói gian tham,
Pha phôi, thực giả tìm đàng dối nhau.
Của phi nghĩa có giàu đâu,
Ở cho ngay thực, giàu sau mới bền.
Hoặc : Khó ở giữa
chợ không ai hỏi han,
Giàu ở lâm san, ai cũng tìm tới.
Hay : Vai mang bị
bạc lè kè,
Nói bậy, nói bạ, họ nghe rầm rầm.
Trạng thái biến động của tâm tư người
bình dân cũng là ý thức phản đối, chống lại mọi chế độ kinh tế đưa đến cuộc
sống chênh lệch bất công, làm mất ý nghĩa sinh hoạt hồn nhiên của họ.
Tuy nhiên, dù chống đối để bảo tồn
nguyên trạng, người bình dân cũng đã một phần nào chịu ảnh hưởng những biến đổi
về kinh tế qua tâm hồn họ. Ví dụ họ bảo :
Ước gì anh lấy được nàng,
Để anh mua gạch Bát-tràng anh xây.
Xây dọc rồi lại xây ngang,
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.
Có rửa thì rửa chân tay,
Chớ rửa lông mày chết cá ao anh.
Mơ ước và cảm nghĩ trong câu ca dao
trên đây rõ ràng một phần nào người bình dân đã biến đổi tính chất hồn nhiên,
giản dị, chất phác của họ rồi. Cũng như
trong ca dao có những câu như :
Năm nay anh lắm bạc nhiều vàng,
Để anh sắm sửa thì nàng lấy anh.
Lấy anh, anh sắm sửa cho,
Sắm ăn, sắm mặc, sắm cho chơi bời.
Khuyên em có bấy nhiêu lời,
Thủy chung như nhất là người phải
nghe.
Mùa đông lụa lụa, the the,
Mùa hè bán bạc hoa hòe sắm khăn.
Sắm gối thì phải sắm chăn,
Sắm gương, sắm lược, sắm ngăn đựng
trầu.
Sắm cho em đôi lược chải đầu,
Cái ống đựng sáp vuốt đầu cho xinh.
Thì rõ ràng trạng thái giàu nghèo
trong xã hội đã ảnh hưởng không ít trong cuộc sống lam lụ, khổ sở của lớp người
bình dân qua bao nhiêu thế hệ. Nếu không bị
ảnh hưởng làm gì trong ca dao có những câu như :
Mẹ em tham thúng xôi dền,
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh-hưng.
Em đã bảo mẹ rằng :
« Đừng »,
Mẹ hứ, mẹ hé, mẹ bưng ngay vào.
Bây giờ kẻ thấp người cao,
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.
Hoặc những câu thách cưới như :
Em là con gái nhà giàu,
Cha mẹ thách cưới ra màu xinh sao.
Cưới em trăm tấm lụa đào,
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông
sao trên trời.
Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi,
Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng.
Sắm xe tứ mã đem sang,
Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu.
Ba trăm nón Nghệ đội đầu,
Mỗi người một cái quạt Tàu cầm xinh.
Anh về sắm nhiễu Nghi-đình,
May chăn cho rộng, tôi mình đắp chung.
Cưới em chín chĩnh mật ông,
Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò.
Cưới em tám vạn trâu bò,
Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm.
Lá đa, mặt nguyệt hôm rằm,
Răng nanh thằng Cuội, râu cằm
Thiên-lôi.
Gan ruồi, mỡ muỗi cho tươi,
Xin chàng chín chục con dơi góa chồng.
Thách thế mới thỏa trong lòng,
Chàng mà lo được thiếp cùng theo chân.
Nhìn chung, kinh tế của mỗi nước bao
giờ cũng chi phối sinh hoạt xã hội, và sinh hoạt xã hội là sản phẩm của tình
cảm con người. Bởi vậy, ngược dòng lịch sử văn học bình dân, chúng ta không thể
nào phủ nhận tầm ảnh hưởng quan trọng ấy trong ca dao Việt-nam được.
IV. TÁC ĐỘNG VỀ XÃ HỘI
Trong lãnh vực này chúng ta gặp rất
nhiều khía cạnh, bởi lẽ khi nói đến ảnh hưởng xã hội là bao gồm mọi quan niệm
về lẽ sống. Ở đây chúng ta đã tách rời địa hạt kinh tế và chính trị, nên chỉ
khảo sát qua tâm tư người bình dân khi biến động trước những tệ nạn của sự hợp
quần mà thôi.
Tệ nạn xã hội, một danh từ chúng ta có
thể hình dung như một cái đáy, góp nhặt tất cả những cặn bã của nền móng sinh
hoạt đương thời.
Không có xã hội nào không có tệ nạn,
nó là phản ảnh của mọi chế độ kinh tế, chính trị, hay nói rộng hơn, nó là con
đẻ của tàn tạ mỗi ngày một lớn dần để đánh ngã hiện hữu, đưa lịch sử loài người
tiến tới.
Người ta than trách, nguyền rủa những
tệ nạn xã hội nhưng chính tệ nạn xã hội lại do con người tạo nên. Nó là sản
phẩm của tham vọng vật chất. Xã hội nào tham vọng vật chất càng nhiều thì tệ
nạn xã hội ấy càng phát triển.
Cuộc sống người nông dân thuở ban đầu
do nền móng kinh tế tự túc, tâm hồn họ gần với thiên nhiên, khoáng đãng, nên
tham vọng vật chất rất ít. Họ chỉ hưởng thụ trên sức sản xuất của họ mà không
đòi hỏi những tiện nghi ưu tú. Vì vậy ca dao Việt-nam phản ảnh rất nhiều trạng
thái đó. Ví dụ họ bảo :
Chẳng lo chi áo rách tay,
Trời kia ngó lại vá may mấy hồi.
Một chiếc nón cời không làm cho họ cảm
thấy khổ sở trong cảnh nghèo nàn. Như vậy, cần gì họ phải hành động bất lương.
Cho nên :
Áo rách có cách anh thương,
Nón cời có nghĩa anh thương nón cời.
Dù người bình dân không là những triết
gia, nhưng ý thức đạo lý Đông-phương vẫn là nền tảng cho quan niệm nhân sinh
của họ.
Khi đã lấy quan niệm đạo lý làm căn
bản cho lẽ sống, mà đạo lý rất đối nghịch với tham vọng vật chất, trong lúc đó
xã hội loài người từ chỗ hồn nhiên tiến dần đến phức tạp, nghĩa là tham vọng cá
nhân luôn luôn nẩy nở trong xã hội loài người. Chính vì vậy mà tâm tư hồn nhiên
của người bình dân thuở ban đầu phải biến thái.
Sự biến thái của họ trong lãnh vực xã
hội rất rõ rệt. Nó là sức chống đối tất cả những gì dối trá, điêu ngoa, bắt
buộc họ phải xa rời tính chất căn bản của họ thuở ban sơ. Đây, chúng ta thử lấy
một ví dụ :
Con gà, con vịt chít chiu,
Mấy đời gì ghẻ thương yêu con
chồng !
Trạng thái ích kỷ xấu xa đó xã hội tạo
cho con người, và con người trở thành tệ nạn xã hội.
Tại sao gì ghẻ lại không thể yêu
thương con chồng, trong lúc đối với người bình dân, một con chim, một con thú,
một luồng gió cũng có thể gieo vào tình cảm họ những trìu mến ?
Thật ra, chúng ta không thể nào nói
hết những phức tạp của xã hội con người, chúng ta chỉ nêu lên đây một số tục
ngữ, ca dao tiêu biểu để chứng minh những thắc mắc trong tâm tư người bình dân
qua trạng thái sinh hoạt xã hội mà thôi. Ví dụ :
- Lỗ miệng thì nói Nam-mô,
Trong lòng thì chứa một bồ dao găm.
- Lưỡi không xương nhiều đường
lắt léo,
L… không cạp, l… méo làm ba.
- Lươn ngắn mà chê trạch dài,
Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.
- Một trăm ông chú không lo,
Lo vì một nỗi mụ o nỏ mồm.
- Khi vui thì vỗ tay vào,
Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai.
- Khi lành quạt giấy cũng cho,
Khi dữ quạt mo cũng đòi.
Khi lành cho nhau ăn cháy,
Khi dữ mắng nhau cạp nồi.
- Lời nói quan tiền thúng thóc,
Lời nói dùi đục cẳng tay.
- Nhà giàu yêu kẻ thật thà,
Nhà quan ưa kẻ vào ra nịnh thần.
Nhà giàu trồng lau ra mía,
Nhà nghèo trồng củ tía ra củ nâu.
- Nhà giàu tham việc,
Thất nghiệp tham ăn.
- Đã gian lại ngoan,
Đã đi làm đĩ lại toan cáo làng.
- Chưa mua thì nói rằng hèn,
Đến khi mua được vừa khen, vừa mừng.
- Cả vú lấp miệng em,
Cả hèm lấp miệng hũ.
- Cây không trồng không tiếc,
Con không đẻ không thương.
- Mèo nào mèo lại ăn than,
Bởi chưng có mỡ đổ tràn lên trên.
- Nực cười châu chấu đá xe,
Tưởng châu chấu ngã ai dè xe nghiêng.
Nực cười cơm nguội lên hơi,
Cạnh buồm kẽ tố, áo tơi viền tà.
- No cơm ấm cật, dâm dật mọi nơi,
Đói rách tả tơi, mọi nơi không dật.
Trong ca dao Việt-nam những lời thống
trách, nguyền rủa xã hội loài người tưởng không sách nào chép hết được. Tại sao
người bình dân lại tỏ thái độ bất mãn với xã hội ? Nếu chúng ta khảo sát
tường tận thì đó gây ra bởi ý thức chống đối khi họ bị xã hội loài người càng
văn minh càng làm mất dần bản chất hồn nhiên của họ. Mặc dù chống đối
nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận mọi ảnh hưởng của lịch sử xã hội tác
động vào sinh hoạt bình dân, làm cho chính họ, những kẻ bất bình, chống đối,
nhiều lúc lại hành động theo ảnh hưởng của xã hội. Do đó, tâm tư họ bị
tác động và biến thái trong văn học.
Tóm lại, sự biến thái trong văn học
bình dân là trạng thái biến động của tâm tư theo dòng lịch sử sinh hoạt xã hội,
đúc kết thành dòng lịch sử văn học bình dân. Vậy, chúng ta có thể kết luận rằng, tính chất lịch sử văn
học bình dân là một dòng tâm tư nối kết đi từ trạng thái thiên nhiên đến trạng
thái xã hội. Khi đã đi vào xã hội, tính chất bình dân trở thành đối tượng tranh
chấp với thực tại, để bảo tồn và di lưu những gì căn bản của nó. Đó là dân tộc tính.
Sau mục biến thái về thi ca bình dân,
chúng tôi tưởng cũng nên khảo sát qua một số tác phẩm mà từ trước đến nay chúng
ta gọi là thơ bình dân.
Thơ bình dân là gì ? Ở đây chúng tôi bước
ra ngoài phạm vi tục ngữ, phong dao, để đi vào một mảnh đất gần gũi với người
bình dân. Nó là những tập thơ được người bình dân yêu chuộng, di lưu từng thế
hệ trong đồng ruộng lũy tre.
Dĩ nhiên, những thi phẩm có đầu có
đuôi như vậy phải do một cá nhân nào sáng tác, khác với loại tục ngữ, phong dao
là của chung do nhiều người truyền tụng, góp nhặt, sửa đổi và ứng dụng trong
cuộc sống thường ngày.
Những thi phẩm mang danh « thơ bình dân »
tuy do một cá nhân sáng tác, hoặc sưu tầm những tích truyện có khuynh hướng
bình dân, và hợp với quan niệm nhân sinh của thế giới cần lao, tuy nhiên, chúng
ta cũng không thể phủ nhận trên thời gian, khi truyền tụng, nhiều người đã sửa
đi sửa lại, thêm bớt cho hợp với địa phương mình.
Nhưng dù thế nào đi nữa, những thi
phẩm đã mang danh « thơ bình dân » và được giới bình dân ưa thích,
thì những thi phẩm ấy phải gần gũi với tâm hồn bình dân, cuộc sống bình dân
rồi.
Sau đây chúng ta thử phân tích một số
thi phẩm thuộc loại «thơ bình dân» để thấy sự gần gũi của nó đối
với giai cấp cần lao.
1) Thơ «Con Tấm con Cám»
Tích truyện Con Tấm con Cám là
truyện tích Việt-nam, tác giả đã ấn định thời gian rõ ràng, tuy đó là câu
chuyện giả tưởng :
Nhà Đinh vừa rốt đời trào,
Quốc gia biến sự chuyện sao lạ lùng.
Với khung cảnh xã hội phong kiến
Việt-nam, thi phẩm «Con Tấm con Cám» mô tả một cảnh ác nghiệt của
mẹ ghẻ đối với con chồng, nói lên sự thối nát của chế độ xã hội phụ quyền.
Trước hết, chúng ta thấy cảnh gia đình
ông Bá, tha thiết với ý muốn được một đứa con trai để nối dõi tông đường, mặc
dù sinh được một đứa con gái tên Tấm :
Lữ-Thị đặng sanh một nàng,
Đặt tên con Tấm dung nhan kém người.
Ông Bá than thở đất trời,
Không trai kế hậu lòng thời chẳng yên.
Quan niện « Nhất nam viết hữu,
thập nữ viết vô » của Nho giáo đã đi vào tâm tư người bình dân bằng chế độ
phụ quyền của xã hội phong kiến. Nhưng điều đó không quan trọng bằng cuộc sống
xã hội tạo cho con người những ích kỷ, độc ác, mà người bình dân luôn luôn
chống đối. Thật vậy, con
người sở dĩ độc ác là do lòng ích kỷ. Sự thương ghét phát nguồn ở đây :
Lần hồi xuân mãn, hè qua,
Cám lên chín tuổi, Tấm đà mười lăm.
Cám thì đẹp tợ trăng rằm,
Khuynh thành quốc sắc ai bằng, ai qua.
Tấm thì hình dáng xấu xa,
Tay chận cục mịch, nước da đen sì…
Mụ Tấm sửa soạn hàng ngày,
Trau giồi son phấn cho tày người ta.
Lại sanh lòng dạ yêu ma,
Thấy Cám đẹp đẽ lòng tà ghét ganh.
Nếu ở Truyện Kiều, Nguyễn-Du đã đưa ra
thuyết « tài mệnh tương đố » để oán trách đất trời :
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua trăm cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
(Kiều)
thì thơ « Con Tấm con Cám »
lại quan niệm khác. Thơ Con Tấm con Cám không trách trời trách
đất, không viện lẽ « Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen » mà đi thẳng vào
lòng người, vào thực trạng xã hội.
Xã hội đã gây nên chế độ gia đình, chế
độ phụ quyền, đem lại cho mọi gia đình quyền hạn của cha mẹ và bổn phận của con
cái. Quyền hạn và bổn phận ấy, trong chế độ phong kiến, là một bất công, nếu
bên trong hàm chứa tính chất vị kỷ của con người.
Nếu một ông vua có quyền chém giết,
đối xử tệ mạt với bầy tôi, thì cha mẹ cũng có quyền ruồng rẫy, hành hạ đứa con
mình một cách vô điều kiện :
Quân sử thần tử, thần bất tử bất
trung.
Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu.
Đưa ra một câu chuyện dì ghẻ ác nghiệt
với con chồng, thơ Con Tấm con Cám đã đưa ra một bức tranh xã
hộ để nguyền rủa chế độ bất công ấy :
Bắt làm công việc trong nhà,
Ngày ngày chửi rủa ông bà, tổ tiên.
Mằng nhiếc, đánh đập liên miên…
Sự ganh ghét ấy chính là lòng ích kỷ
của con người, do xã hội loài người tạo nên.
Trong chế độ xã hội vị kỷ, người ta
thường tranh đua nhau, nhưng với bậc tài danh thì lấy tài trí để tranh đua, còn
với hạng hèn mạt thì tìm cách hại người khác ; làm nhục người để cho mình
được nổi lên. Tâm trạng ấy,
thơ Con Tấm con Cám đã diễn tả rất rõ ràng. Ví dụ ở đoạn thơ Tấm,
Cám cùng đi xúc cá để tranh tài :
Con Cám lặn lội khắp nơi,
Siêng năng lo xúc, không chơi chút
nào.
Cá đầy giỏ lớn xinh sao,
Mới rủ con Tấm mau mau lo về.
Con Tấm mặt mày ủ ê,
Giỏ không có cá liệu bề làm sao.
Nghĩ ra một kế thực cao,
Gạt Cám lấy cá bỏ vào giỏ mây.
Cái gì đã tạo cho lòng người những
điêu ngoa, gian xảo, nếu không phải là do chế độ xã hội gây nên?
Để chứng minh sự điêu ngoa, gian xảo
của lòng người, những nhà thơ trong giới bác học thường tránh né, không dám
nhìn thẳng vào guồng máy của mọi chế độ xã hội, mà chỉ đổ lỗi cho tạo hóa an
bài. Những tiếng rên than của họ không vì bất công xã hội mà đi tìm những gì
ngoài cuộc sống hiện hữu.
Một cành hoa đẹp bị người ta ngắt đi,
nhà thơ bác học không oán trách kẻ ngắt hoa, mà oán trách số phận cành hoa. Vì
hoa đẹp nên mới bị người ngắt. Quan niệm như vậy tức là đặt tham vọng cá nhân
ra ngoài cảm giới, và hình dung xã hội loài người là trạng thái tất yếu, không
thể cải tiến được.
Người bình dân trái lại, đặt cảm giới
vào thực tại, gắn liền với cuộc sống, cho nên, đối với họ, chỉ có chế độ xã hội
là đáng nói. Mọi bất công, đau khổ đều do chế độ xã hội gây nên cả. Quan niệm
như vậy, những thi phẩm có tính chất bình dân đều phát nguồn ở lẽ sống, và
tiếng rên than, phản đối của họ là đối tượng của xã hội loài người.
Thơ Con Tấm con Cám được
giới bình dân ưa thích chính là vì lẽ đó.
Tuy nhiên, khi nêu những xấu xa của xã
hội loài người do lòng ích kỷ tạo nên, người bình dân cũng cảm thấy phần nào
bất lực trước công cuộc cải tiến xã hội. Vì vậy, họ chỉ cần mong sự tiến hóa
của xã hội loài người bằng một quyền lực siêu hình. Hy vọng ấy, những thi phẩm
bình dân đi vào thần thoại để giải quyết nguyện vọng của họ.
Người hiền gặp lành, người ác gặp dữ,
đó là sự khát khao của tâm tư bình dân. Nhưng làm thế nào để gặp lành, để chiến
thắng dã tâm của xã hội loài người ? Con đường giải quyết chỉ còn nhờ ở
tưởng tượng. Họ phải nhờ vào quyền phép siêu linh để thỏa mãn ước mơ của họ đối
với lẽ sống.
Bởi vậy, khi chế độ gia đình phong
kiến cho phép sự khắc nghiệt giữa dì ghẻ con chồng, và thực tại xã hội đã diễn
biến như vậy. thơ Con Tấm con Cám rơi vào quan niệm thần linh
cũng là chuyện tất nhiên.
Đây, chúng ta thử đọc đọc một đoạn thơ
khi con Cám bị con Tấm lấy hết cá :
Con Cám chi xiết khóc than,
Về không dì đánh biết đàng nào thưa…
Thượng đình thấy trẻ thương thay,
Liền sai tiên trưởng truyền rày phép
linh.
Báo cho nàng Cám hay tin,
Ban cho Bóng-mú sau mình đặng an.
Đồng-Tân vưng lệnh bệ vàng,
Đằng vân giá võ dương gian tới rày.
Hóa hình lão trượng ăn mày,
Đi gặp con Cám ông rày hỏi qua.
Con Cám nước mắt nhỏ sa,
Thủy chung bày kể thưa qua sự mình.
Lão rằng : « Lòng chị bất
bình,
Con tua an dạ làm thinh một bề.
Con mau đem cá Mú về,
Con nuôi cá Mú chớ hề lảng xao.
Khá làm bàu, giếng, hồ, ao,
Ngày đêm săn sóc ra vào cho ăn.
Ngày sau nhờ nó vô ngần,
Nên thân nên phận ai bằng vinh vang.
Bây giờ con lại gia đàng,
Giữ lời ông dặn lòng vàng chớ ly ».
Con Cám cúi lạy tức thì,
Ngó lên lão trượng mất đi đường nào.
Nghĩ suy không rõ âm hao,
Hay là Thần Thánh vị nào giúp ta.
Vội vàng bèn trở về nhà,
Bưng một Bóng-mú, xót xa lụy phiền.
Phù hộ người hiền, cứu giúp kẻ cô đơn,
người bình dân phải cầu viện đến thần linh. Sự cầu viện ấy chính là ước vọng
của họ trên phương diện cải tiến xã hội. Tuy nhiên, người bình dân cũng nhận
thấy thực trạng xã hội không phải đơn thuần. Lòng độc ác của con người từ trạng
thái này đến trạng thái khác, nối tiếp như một xâu chuỗi, mà kẻ hiền lành không
thể an thân được. Quan niệm như
vậy, thơ Con Tấm con Cám đã diễn tả qua câu chuyện « nuôi
cá bóng mú » :
Con Cám mặt ủ mày châu,
Gói cơm sắm sửa thả trâu ra đồng.
Bữa ăn chẳng dám no lòng,
Nhịn ăn nuôi mú thong dong tháng ngày.
Chiều về, trời xế hiên tây,
Cám ngồi thềm giếng kêu :
« Này mú ơi ! »
Phận người cơm trắng cá tươi,
Phận chị dưa muối khuyên người tạm
dùng.
Mú nghe quày quả vẫy vùng,
Quạt đuôi dợn nước, mắt trừng tợ sao.
Dần dà ước được ba trăng,
Con Tấm rình thấy khen rằng :
« Béo thay !
Đừng cho con Cám nó hay,
Đem cơm ta nhử, dao này chém đi ».
Lòng ác độc con người tìm những nhỏ
nhen, hèn mọn để hành động. Sự thành công trong thơ bình dân chính là những nét
phản ảnh trung thành mọi trạng thái thực tế trong cuộc sống xã hội :
Con Tấm giấu dao, ngồi rình,
Thấy Mú nổi hết cả mình, mừng thay.
Rút dao chém Mú thác rày,
Máu ra đỏ giếng, đem thây về nhà.
Làm vảy rồi chặt khúc ra,
Khúc kho, khúc nướng ăn đà ngon
sao !
Một bên diễn tả sự đau đớn của con
Cám, một bên diễn tả sự độc ác, đắc thắng của con Tấm, tập thơ đã đi sâu vào
tình cảm của lớp người bị giày vò, cơ cực, và đó cũng là sự trùng hợp của cuộc
sống bình dân trong lịch trình xã hội. Cuộc sống con Cám trong gia đình cũng
chính là cuộc sống của lớp người bình dân ngoài xã hội.
Tuy nhiên, ước vọng của con người, dù
phải sống trong đọa đày, áp bức cũng hy vọng ở sự vươn lên để xóa nhòa nỗi khổ
cực ấy, cho nên, dẫu phải bị kềm kẹp ác nghiệt trong chế độ dì ghẻ con chồng,
cuối cùng con Cám vẫn đạt lấy sự thỏa đáng trong cuộc sống :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét