"Nữ tướng cờ đào" Diệu Hiền
Sân khấu là bức tranh thu hẹp xã hội con người, phản ánh đủ
trạng thái tình cảm: hỷ (mừng), nộ (giận), ái (thương), ố (ghét), ai (buồn), lạc
(vui), dục (muốn)… qua diễn xuất của nghệ sĩ. Vở hát nào cũng ít khi vắng nụ cười
và tiếng khóc, thể hiện tâm trạng nhân vật trong hoàn cảnh khác nhau. Tính chất
bi hùng luôn là yếu tố tùy lúc mà nhân vật thể hiện trong vở diễn. Khi khán giả
cải lương nhớ đến tiếng ca vọng cổ ngậm ngùi ai oán của nữ hoàng sân khấu Thanh
Nga, hay cải lương chi bảo Bạch Tuyết thì chắc hẵn cũng không thể nào quên giai
điệu hùng tráng mạnh mẽ của nghệ sĩ Diệu Hiền trong bài ca vua ở các vở diễn ấn
tượng: Nhụy Kiều tướng quân, Nữ tướng cờ đào, Người nhện xám, Thoại
Khanh – Châu Tuấn…
Thuộc thế hệ Bạch Tuyết, Thanh Nga, Phương Liên… được mệnh
danh là “Đệ nhất đào võ sân khấu cải lương”, Diệu Hiền được Nhà nước phong tặng
Nghệ sĩ Ưu tú (1993), và chị vẫn găn bó ở nước nhà với hoạt động nghệ thuật dân
tộc cho đến lúc nghỉ hưu.
Nghệ sĩ Diệu Hiền sinh năm 1945, là gương mặt quen thuộc của sân khấu cải lương
qua các vở Nhụy kiều tướng quân, Nữ tướng cờ đào… Bà được nhiều người ưu ái gọi
với danh xưng “Đệ nhất đào võ”.
Vào thời kỳ hoàng kim của sân khấu ca nhạc dân tộc từ ba thập
niên đầu của nửa sau thế kỷ 20, NSƯT Diệu Hiền là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng
hàng đầu bên cạnh các ngôi sao: NSƯT Thanh Nga, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Phượng
Liên,… Nhưng chị nổi bật ở một trường phái riêng trong phong cách ca diễn, khiến
công chúng mộ điệu ca nhạc cải lương rất khó nhầm lẫn giai điệu tiếng ca và
phong cách ca diễn độc đáo của chị với bất cứ một nữ nghệ sĩ trang lứa nào cùng
thời.
Nghệ sĩ Diệu Hiền (sinh năm 1945) có tên thật là Lâm Thị Hiền,
sinh ra tại Bạc Liêu, quê hương của bài Dạ cổ hoài lang (Tiếng trống
khuya nhớ chồng) của nghệ sĩ Cao Văn Lầu. Nơi đây cũng là miền đất từng được
nhiều người biết đến qua giai thoại thú vị về chàng Hắc công tử hào hoa Trần
Trinh Huy một thời đốt tiền như đốt hàng mã. Là con thứ năm trong gia đình có đến
7 người con, nhưng cha lại mất sớm nên cô bé Hiền phải theo mẹ lên Sài Gòn kiếm
sống. Say mê ca hát từ thuở bé, lên 9 tuổi, Hiền tỏ ra thích thú khi được đi
theo mẹ xem tuồng “Lòng mẹ Việt nam” (sau đổi là Tình Mẫu tử) với hai giọng ca
trứ danh của thập niên 1950 là Út Trà Ôn và cô Kim Anh khiến Hiền nuôi mộng đi
hát cải lương. Nhưng mẹ Hiền không muốn xa con gái nên không bằng lòng. Mãi cho
tới năm 14 tuổi, Hiền mới chính thức được mẹ cho cô đi theo ghe hát, để cuộc đời
cô bé bắt đầu sống cảnh gạo chợ nước sông cùng anh chị nghệ sĩ trong đoàn. Ban
đầu mới đi hát, Hiền vốn mê giọng ca của vua Xàng Xê Minh Chí nên cô xin đoàn
được lấy nghệ danh là Minh Hiền. Dịp may đã đến. Trong một lần Minh Hiền đang
theo đoàn hát Hoa Sen của ông bầu Bảy Cao đang diễn vở Hoa tàn trong am vắng tại
Đà Lạt, anh kép Mộng Vân đến giờ diễn mà chưa có mặt, soạn giả Hoàng Khâm đề
nghị cho Minh Hiền thế vai. Soạn giả Hoàng Khâm đổi vai chú tiểu của Mộng Vân
thành ni cô Diệu Hiền để cho Minh Hiền thủ diễn. Không ngờ, sau suất diễn đó,
khán giả không còn nhớ đến cái tên Minh Hiền mà bắt đầu gọi cô là Diệu Hiền cho
đến hôm nay.
Ảnh thời trẻ của NSƯT Diệu Hiền. Trong suốt cuộc đời đi hát, Diệu Hiền đã có dịp đứng chung
sân khấu với nhiều kép chánh tên tuổi lẫy lừng như Út Trà Ôn, Minh Cảnh, Thanh
Hải, Tấn Tài, Út Hiền, Minh Phụng, Minh Vương, Hoài Thanh… qua nhiều sân khấu:
Thống Nhất, Kim Chung, Hương Tràm, Tháp Mười, Sài Gòn 2, Phước Chung… Trên con
đường nghệ thuật hát ca, Diệu Hiền may mắn được thụ giáo với những bậc tiền bối
cả lương như Bảy Nhiêu, Năm Châu, Ba Vân, Phùng Há, Út Trà Ôn, Hoàng Giang,… Dù
sớm gặp chuyện không vui trong đời – ly hôn với nghệ sĩ cải lương Út Hậu và bị
thương tật trong một chuyến lưu diễn tại đất Mũi, Diệu Hiền vẫn chịu khó học hỏi
kiến thức kinh nghiệm ở thế hệ tiên phong để biến thành cái sở hữu độc đáo
riêng của mình. Có người cho rằng ở Diệu Hiền trời khiến cách ca diễn gần gũi với
những nam nghệ sĩ nổi tiếng nhiều hơn là các bậc nữ nghệ sĩ hàng sư tỷ. Nghe lối
dứt câu hơ…hơ… khi hát, khán giả nghĩ đến lối ca ảnh hưởng từ nghệ sĩ Bảy Cao
dù chị đã cách tân cho giọng ca liền hơi, êm nhẹ, không còn ngắt quảng mà hóa
ra truyền cảm hơn. Kết hợp cả lối ca diễn hùng tráng, oai phong trên sân khấu của
Diệu Hiền thì mang đậm phong cách của Vua Xàng Xê Minh Chí. Cách vô bài sáu câu
thì phảng phất màu sắc lối ca của vua vọng cổ Út Trà Ôn, cả đến bộ chân, bộ tay
khi trình diễn trên sân khấu, khán giả cũng dễ nhận ra ảnh hưởng từ nghệ sĩ
Hoàng Giang ( ). Nhờ tinh thần cầu tiến, không ngừng rút tỉa tinh hoa nghệ thuật
từ các bậc nghệ sĩ cha anh đi trước nên Diệu Hiền mới có được cái sở trường độc
đáo riêng của mình. Do vậy mà có người gọi vui cái phong cách đậm võ tính đó của
nghệ sĩ là thuộc trường phái Diệu Hiền và vinh danh chị là đệ nhất đào võ hiệp.
Lối ca gọt ngào mà hùng dũng cộng với cách diễn mạnh mẽ oai
phong của Diệu Hiền khiến cho nghệ sĩ có đủ yêu tố ưu tiên để sắm các vai đào
võ trên sân khấu. Mặc dù bình thường, ngoài đời khi Diệu Hiền còn đang độ xuân
thì, người ta trông khuôn mặt trái xoan của chị rất sắc sảo, phảng phất vẽ đẹp
của giọng hát liêu trai Thanh Thúy – một trong Tứ Đại Mỹ Nhân của đất Sài thành
hoa lệ năm xưa.
Do vậy mà NSƯT đã sở hữu được hai vai diễn để đời rất khó có
một nữ nghệ sĩ cải lương nào khả dĩ thay thế chị. Đó là vai Triệu Thị Trinh
trong vở Nhụy Kiều Tướng Quân và vai Bùi Thị Xuân trong vở Nữ Tướng
Cờ Đào.
Trước hết, Nhụy Kiều Tướng Quân là một vở hát rất
kén nữ nghệ sĩ để sắm vai diễn chính đào võ. Nhưng phong cách ca diễn của Diệu
Hiền là nghiệm số giải đáp chính xác cho phương trình vai diễn này. Đoạn hấp dẫn
gây xúc động nhất cho người mộ điệu cải lương ngày nay, yêu cầu nghệ sĩ diễn lại
nhiều lần, là đoạn Triệu Thị Trinh đứng trước thi thể của người bạn đồng thời
cũng là thuộc tướng của mình là Lê Minh do nghệ sĩ Hoài Thanh nhận vai. Triệu
Thị Trinh Diệu Hiền khóc thương và đinh ninh tuyên thệ tiếp tục cuộc chiến đấu
bảo vệ quê hương. Nhụy Kiều Tướng Quân Diệu Hiền ca hai câu vọng cổ xuất sắc và
mùi mẫn khiến khán giả muốn đứng tim. Nữ tướng lạy người hy sinh ba lạy rồi
quay ra hô hào binh sĩ tiếp tục xông lên đuổi giặc. Thời khắc thiêng liêng mà
sôi sục buồng máu căm thù giặc này, Diệu Hiền diễn không còn bi lụy. Như một nhạc
sĩ tài hoa chuyển cung điêu luyện, từng ánh mắt, điệu bộ, đến cái vẫy tay, sụp
cúi lạy… Diệu Hiền đã thể hiện được tất cả cái khí thế oai phong lẫm liệt của một
đào võ ở đỉnh cao nghề nghiệp. Hòa quyện vào phong cách diễn xuất uy nghi trong
từng động tác đó là tiếng ca bi hùng lanh lảnh xen lẫn với giọng cười độc nhất
vô nhị của Diệu Hiền như chứa chan cả một trời uất hận đã khiến cho bao khán giả
không sao tránh khỏi quặn thắt tâm can. Nghệ sĩ Diệu Hiền như thục sự đã nhập
vai Nhụy Kiều Tướng Quân, trình diễn xuất thần như đang truyền sang cho người
xem cả biển lửa sôi sụt căm thù chống giặc ngoại xâm.
Tuồng Nữ tướng Cờ Đào, với tình tiết khô khan của một vở
hát lịch sử đã ca ngợi hai danh tướng Tây Sơn là Bùi Thị Xuân và chồng là Trần
Quang Diệu. Cặp uyên ương anh hùng – hai đại tướng khí khái lẫm liệt của hoàng
đế Quang Trung đã dũng mãnh chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Để rồi sau khi
Nguyễn Huệ mất, cả gia đình đã bị Nguyễn Ánh xử tử hết để trả thù. Diệu Hiền đảm
nhận vai chính Bùi Thị Xuân như càng khắc đậm thêm phong cách ca diễn độc đáo
tích cực ở vai võ tướng của nghệ sĩ. Vì lẽ trong vở diễn ngặt nghèo không có cảnh
thể hiện tình cảm bi lụy ướt át, lẫn với những giọt nước mắt sụt sùi. Hoặc một
trường đoạn để diễn viên trổ tài ca hát nhiều loại bài bản nhất là có cơ hội để
ém hơi, nhả giọng quăng bắt, bay lượn khi bắt đầu vô câu 1 bài ca vua vọng cổ.
Sau hai vai diễn ấn tượng nổi bật về cả hai phong cách ca và
diễn đáng để đời ấy, nghệ sĩ Diệu Hiền tạo dấu ấn độc đáo riêng về nghệ thuật
ca vọng cổ. Khán giả mộ điệu cải lương cách nay sáu bảy thập niên từng nhớ lại
chuyện thú vị thấy tận mắt tại rạp hát cải lương Nguyễn Văn Hảo ở đường Trần
Hưng Đạo, Sài Gòn lúc bấy giờ. Mỗi khi vua vọng cổ út Trà Ôn, nữ hoàng sân khấu
Thanh Nga dứt tiếng hò… ở câu 1 của bài ca sáu câu, hoặc vua Xàng Xê Minh Chí hạ
tiếng Xề ở cuối câu đầu bài ca cùng tên, thì xảy ra hiện tượng độc đáo.
Những tờ giấy bạc giá trị láng mướt mới toanh từ dưới hàng ghế khán giả tung
lên sân khấu như đàn bướm lượn để sốt dẻo tưởng thưởng cho nghệ sĩ! Riêng ở
NSƯT Diệu Hiền đã tỏ rõ một nét lạ đặc trưng nghe rất hay, rất đã không một nghệ
sĩ nào thể hiện được. Đó là cách nghệ sĩ nuôi giọng vuốt âm các chữ có dấu hỏi,
dấu ngã nhất là dấu nặng – giống như nhạc sĩ vuốt dây đàn – theo âm ơ… ơ… xuống
lên rồi mới dứt ngọt chữ có dấu huyền (hò) trong lúc khán giả bên dưới sân khấu
đang đứng tim chờ nghe!
Trong các bản vọng cổ do soạn giả Viễn Châu (1924-2016) sáng
tác, trong đó chứa đựng tâm sự uẩn khúc, sự hối hận của một ông vua hoang dâm
vô đạo bị quân khởi nghĩa bao vây, phải tự thiêu mình (Trụ Vương thiêu mình).
Và bao nỗi éo le rỉ máu trái tim trong tình bằng hữu (Tần Quỳnh khóc bạn), nghệ
sĩ Diệu Hiền cũng diễn đạt bằng phong cách nghệ thuật riêng của mình một cách
thành công dù rằng trước đây hai bài ca trên đã được trình bày tốt bởi danh ca
Út Trà Ôn (1919-2001) và nghệ sĩ Thanh Hải (1933-2014).NSND soạn giả Viễn Châu và NSƯT Diệu Hiền tại rạp Hưng Đạo năm 2003.Tóm lại, NSƯT Diệu Hiền có thể coi là một trong những ngôi
sao hàng đầu trong suốt ba thập niên vàng son của không gian nghệ thuật dân tộc
từ nửa sau thế kỷ 20. Phong cách ca diễn mạnh mẽ, đậm tính con nhà võ của nghệ
sĩ Diệu Hiền sau này còn in đậm dấu ấn trong phong cách trình diễn của các nghệ
sĩ Vũ Linh và Hà Mỹ Xuân vốn là thế hệ kế thừa được Nhụy Kiều Tướng Quân Diệu
Hiền tận tâm truyền thụ. Nhận xét về NSƯT Diệu Hiền, vua soạn giả cải vọng cổ –
NSND Viễn Châu có ý kiến chính xác: “Diệu Hiền là một giọng ca lạ. Tiếng
ca chị ca có vẻ ẩn ức uất nghẹn mà diễn rất đạt các vai võ tướng, rất xứng đáng
với danh xưng là Đệ nhất Đào võ trên san khấu cải lương nước nhà”.
14/12/2021 Nguyễn Thanh
14/12/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét