Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

Nghệ thuật dựng chân dung nhân vật của nhà văn Nguyên Ngọc

Nghệ thuật dựng chân dung
nhân vật của nhà văn Nguyên Ngọc

Nhà văn Nguyên Ngọc là một nhà văn có phong cách xây dựng nhân vật độc đáo, giàu sức sáng tạo. Cái tài của Nguyên Ngọc là dựng bức tranh hiện thực, hào phóng dữ dội, quyết liệt, nguyên sơ thuần chất. Phương thức mô tả hiện thực không lặp lại, mà mỗi truyện mỗi tác phẩm lại sử dụng quen thuộc nếp tư duy nghệ thuật là dạng thức khái quát. Từ cái nhỏ để suy ra cái lớn, từ một trường hợp đơn nhất mà ngẫm đến những chân lý, đem quy luật chung mà ngẫm đến những hiện tượng rất riêng bám rất sâu  sát hiện thực, phản ánh đúng bản chất cuộc sống. Nguyên Ngọc thể hiện cái phi thường mà con người và cuộc sống từng trải.
Nhà văn Nguyên Ngọc
Trong những tác phẩm viết về chiến tranh các nhà văn thường giải quyết vấn đề quan hệ giữa sự kiện và nhân vật. Qua mô tả sự kiện thì nhân vật lại bị mờ nhạt. Ngược lại, tập trung miêu tả nhân vật thì việc tạo dựng sự kiện bị hạn chế. Nguyên Ngọc dùng sự kiện để miêu tả tính cách nhân vật, tính cách nhân vật phát triển cùng sự kiện. Nguyên Ngọc có biệt tài về dựng. Dựng cao hơn kể. Nguyên Ngọc là nhà văn viết kỹ lượng và lại có sự chọn lọc, khái quát. Nhà văn miêu tả cụ thể chi tiết về các sự kiện: Trận đánh, cuộc vận động quần chúng… và từ cái nhìn đó để miêu tả nhân vật. Đặc biệt, trong bút ký nhân vật được khắc họa rất chân thực trọn vẹn, mặc dù số trang văn miêu tả mỗi nhân vật rất ít. “Cát cháy” (Nguyên Ngọc, tản mản nhớ và quên) là tập bút ký viết về xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam vào thời điểm 1969-1970. Nguyên Ngọc chú trọng viết về số phận nhân vật. Những con người sinh ra trên cát và lớn lên giữa vùng cát. Những năm đánh Mỹ, Nguyên Ngọc từng làm bí thư chi bộ một xã vùng cát và ông hiểu rất rõ cuộc sống người dân ở đó trong chiến tranh. Càng bám sát thực tế, sống bằng thực tế thì những trang văn của Nguyên Ngọc có sức hấp dẫn đặc biệt. Đây là một đoạn văn trong bút ký “Cát cháy”
Chị Huyền cười:
Em là bí thư thời mất dân, mất nước mà, các anh. Nhưng mà, quả thực em đã được chuẩn bị cho giai đoạn đó. Tất nhiên khốc liệt đến nước đó, phải nói thật trước đó mình cũng chưa hoàn toàn lường hết. Nhưng chuẩn bị cho mọi tình huống thì mình đã có rồi. Chuẩn bị lực lượng. Chuẩn bị thế trận. Như các anh quân sự hay nói: Lập thế trận. Mà thế trận từ hàng chục năm trước. Có khi em cũng nghĩ: Sao mình lại tài tình vậy? Nhưng rồi nghĩ lại: Chắc là  do tự cuộc đấu tranh sinh tử nó dạy cho. Sơ hở, chậm chạp là trả giá ngay, mà trả bằng máu… ta chuẩn bị trước hàng chục năm. Em cũng thuộc loại được chuẩn bị đó…
Các anh cứ uống nước đi, các anh thông cảm, nhà không có đàn ông, chẳng có trà - chị Huyền nhắc lại. Các anh uống nước đi, chuyện sẽ rất dài…”.
Những trang văn đầy xúc động, Nguyên Ngọc đã viết về số phận của bao cô gái đã từng làm nên bao chiến công trên vùng đất Bình Dương oanh liệt và sau chiến tranh họ trở về cuộc sống từng ngày: “Họ chỉ hẹn thỉnh thoảng gặp nhau, ngồi với nhau, chỉ riêng với nhau thôi, nhắc lại chuyện xưa, những chuyện chỉ họ biết và hiểu. Họ chọn cái quán ngã ba này làm điểm hẹn, vì bị chủ quán, cô gái trông ỏn ẻn đó, hơn hai mươi năm trước từng là người chỉ huy du kích mật trong khu đồn. Những người đến trông xấp xỉ bằng tuổi nhau: Trên dưới bốn mươi. Chỉ có một chị hiện nay là phó chủ tịch xã. Còn thì, người đi buôn vặt, người thì chuyên đi giữ bò… Tất cả họ, không trừ một ai, đều long đong. Có gần một nửa không  có chồng. Chiến tranh đi qua, và bỏ lại họ. Cuộc sống mới đi tới, và bỏ quên họ. Họ bị quá lứa. Người nào cũng thương tật, có người đến tàn phế, tuy nhìn bên ngoài hầu như không thể thấy dấu hiệu nào của vết thương cả: Toàn nội thương, do bị tra tấn. “Không có vết thương nhược thể” như cách nói của các cơ quan làm chính sách hiện nay, không có vết thương nhược thể “nên cũng chẳng có bằng chứng thực thể” gì để có thể cấp cho họ một cái thẻ thương binh, các anh cán bộ làm chính sách bảo vậy…
Gặp nhau, cũng có lúc họ trêu nhau chuyện chồng con long đong: Gả người này cho ông góa vợ nào đó, hoặc xui người kia thôi thì lấy đại một ông đã đàng hoàng vợ con, làm lẽ cũng được, hoặc nữa cùng lắm “tự túc” một đứa con mà nuôi, thì đã sao!… Lao xao ầm ĩ. Rồi chợt im lặng, ứa nước mắt, rồi đột ngột ôm nhau ngã ra cười rũ rượi…
Rất nhiều khi họ cùng nhau nhắc lại những chuyện chiến đấu cũ, những trận đánh mạo hiểm, những phen bị bắt, ở tù, bị tra tấn chết đi sống lại… và, đôi lúc chợt như sững sờ, họ nhìn đăm đắm vào mắt nhau, và hỏi, hỏi nhau hay tự hỏi chính mình:
Tại sao hồi đó bon mình ghê gớm như vậy he?
Câu hỏi không ai trả lời”.
Có những chuyện không có cốt truyện, Nguyên Ngọc dựng trọn vẹn chân dung nhân vật, cái tài kết hợp giữa kẻ, tả và dàn dựng, khâu nối hệ thống các chi tiết. Nguyên Ngọc kẻ về một ông già người Mèo có tên là Cắm trong truyện “Rẻo cao”: “Cắm say mê hoạt động cách mạng, về già hoạt động cách mạng ở quê. Công việc của Cắm là chuyển thư từ, báo Đảng xuống các bản làng. Người cán bộ này có điều đặc biệt là không biết chữ, vì vậy thằng cháu ruột của Cắm một anh chàng bưu tá huyện đã phải đánh dấu cho ông bằng những sợi chỉ xanh, chỉ đỏ. Nguyên Ngọc dựng chuyện tự nhiên, đan cài vào trong mạch chuyện chất trữ tình đằm thắm, mạch tự sự về cuộc đời nhân vật phát triển lô gích, giản dị.
Nguyên Ngọc là nhà văn rất chú trọng xây dựng những chi tiết nghệ thuật hay. Trong bút ký “Cát cháy”, có chi tiết đám cưới sau chiến tranh không đủ đũa dùng, nhiều gia đình thiếu đũa, nhà văn ghi lại thật cảm động: “Tre vót đôi đũa ăn cơm cũng không có. Ai mang được đôi đũa ở Đà Nẵng về là phải giữ cẩn thận. Lỡ gãy là ăn bốc!… Mà bữa ăn hồi đó, cực quá chừng. Có chút rau chút khoai, có hột cơm rồi, nhưng trống trơn thế này, có cơn gió là cát chen đầy bữa cơm. Mà cơm nhai lạo xạo trên cát. Bụi cát mù mịt suốt ngày. Bọn em con gái con lứa mà đứa nào đứa nấy toét mắt hết… giữa bữa tiệc cưới hồi đó, tự nhiên anh Bốn đứng dậy quát ầm ầm: “Tới cái đũa cũng không có mà ăn, ăn bốc mọi rợ, sống không ra người. Sống không có màu xanh, sống làm gì!… Ai cũng ứa nước mắt...”.
Những chi tiết xúc động gợi cho ta liên tưởng đến sự phi thường của con người trong chiến tranh ác liệt. và những chi riết đó đã khắc họa rõ nét chân dung nhân vật. Hình ảnh con Xuyến trong tiểu thuyết “Đất Quảng” (tập 1) được mô tả thật xúc động ngay từ đầu, Xuyến có một số phận đau thương: “Thắm sinh đứa con đầu lòng trong lao quận, hai tay còn bị đóng chặt trong xiềng sắt và con Xuyến rơi ra trên nền xi măng lạnh đến nỗi suốt một ngày không cất được tiếng khóc, chỉ chớp mãi đôi môi tím rịm như con cá bị ném lên cạn. Người mẹ gửi Xuyến lại rồi lại đi tìm xác chồng. Thắm gửi con Xuyến cho cha thất thưởng đi suốt dọc bờ sông Trúc đi tìm xác chồng. Khi lớn lên Xuyến đã biết sống như một người cách mạng, Xuyến căm thù giặc sâu sắc. Con Xuyến thường rủ rê với mẹ: Khi mô thằng Min về mẹ cho đi diệt hắn nghen mẹ, được mà, con có lựu đạn, con trả thù cho cha”.
Cách giới thiệu nhân vật thường nhắc đi nhắc lại một đặc điểm nào đó của nhân vật. Cách giới thiệu này có ngọn nguồn từ cách giới thiệu nhân vật trong sử thi. Trong tác phẩm “Rừng xà nu” Nguyễn Trung Thành tập trung miêu tả hai bàn tay của nhân vật Thú, điệp lại ba lần hình ảnh những vết dao trên lưng Thú ngày nhỏ để làm nổi rõ dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Nguyên Ngọc miêu tả ngoại hình nhân vật, cái lối so sánh theo lối tư duy sử thi đã tạo nên tính biểu tượng rất cao: Người tiểu đội trưởng Y kơ bin (Kỷ niệm Tây Nguyên) được miêu tả: “ Vạm vỡ và im lặng như một hòn núi, bàn tay vạm vỡ và sần sùi, bộ ngực rộng rãi và căng thẳng, bộ ngực chắc như một cây gỗ lim dài”. Những nét ngoại hình ấy rất giàu biểu tượng, được lặp lại ở nhân vật cụ Nết trong “Rừng xà nu”: “Ông cụ vẫn quắc thước như xưa, râu bây giờ đã dài tới ngực và vẫn đen bóng, mắt vẫn sáng và xích ngược, vết sẹo ở má bên phải vẫn lảng bóng, ông ở trần ngực căng như một cây xà nu lớn. Với nhân vật Thú: “Hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai”. Trong quá trình thể hiện chân dung nhân vật, nhịp văn của Nguyên Ngọc có độ rung cảm đặc biệt. Nhiều khi thông qua lời của một nhân chứng mà ta hiểu được tính chất của hiện thực chiến tranh trong nội tâm của con người: “Chưa bao giờ em thấy người chết nhiều như lần ấy. Tất cả dồn xuống hố bom, xác chồng chất lên nhau. Tối bọn em mò về. Không còn nước mắt mà khóc nữa. Suốt đêm đi chôn. Xác trẻ con thì cứ quang gánh một em một đầu rổ sáo gánh đi. Xác người lớn thì khiêng…” (Cát cháy). Câu chuyện Nguyên Ngọc viết vừa khép lại nhưng dư vị về thiên nhiên đất nước, con người ở rẻo cao cứ sâu thẳm dai dẳng mãi, bởi cái hồn khí thiêng núi rừng, cái đẹp của tạo hóa bắt nhịp vào cái đẹp của hồn người, thật dung dị bền chặt: “Cắm đi một mình trong đêm đúng như báo Đảng nói, đêm nay trời ít mây và có gió nhẹ. Thỉnh thoáng có mưa nhưng là mưa nhẹ sương. Mùa xuân về trên “Rẻo cao” đã làm nở những thứ hoa chỉ thơm ban đêm kín đáo như nụ cười tình của một cô gái Mèo. Tiếng kêu của con hoẵng lạc bầy trong rừng khuya nghe như tiếng gọi tha thiết của một con người. Cắm nghĩ chưa bao giờ anh nghe báo nói về tiếng kêu của con hoẵng đó. Nhưng nói làm gì trên khắp đất nước ta, có nơi nào mà một đêm mùa xuân mà lại không nghe thấy tiếng kêu tha thiết của một con hoẵng con. Cắm xốc lại dây súng nhưng không phải để bắn. Anh đi nhanh trong đêm quen thuộc”.
Nguyên Ngọc đã viết bằng tấm lòng tha thiết gắn bó với cuộc sống con người. Nhà văn hiểu sâu sắc tường tận sự hy sinh, phi thường của con người Việt Nam trong chiến tranh cách mạng. Trong mạch dẫn chuyện, xen giữa mạch tự sự của nhà văn, có hồi ức của nhân chứng, phả vào đó là cái trạng huống tinh thần, thế giới trữ tình của người viết.
23/12/2021
Nguyễn Văn Ngọc
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...