Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2022

Tình yêu trong thơ Hà Quảng

Tình yêu trong thơ Hà Quảng

Nhà thơ Hà Quảng tên thật là Đoàn Văn Khánh sinh năm 1961, quê ở xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, quê vợ ở Hà Tĩnh. Anh là hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi, hiện đang thường trú ở xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Anh mê thơ và làm thơ từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường. Những năm tháng dạy học, anh vẫn lặng lẽ viết, âm thầm sáng tác, trải những vui buồn trên trang giấy như lời tự tình với chính mình.
Nhà thơ Hà Quảng.
Đến nay, nhà thơ Hà Quảng đã xuất bản bốn tập thơ:
– “Con sóng tình yêu” Hội VHNT Quảng Ngãi 2010,
– “Thao thức” Nhà xuất bản Văn học 2013,
– “Mưa hoang”, Nhà xuất bản Văn học 2015,
– “Hồn quê” Nhà xuất bản Văn học 2017.
Thơ anh thường viết về đề tài tình yêu.
Những tập thơ của Hà Quảng.
Tình yêu luôn là đề tài bất tận cho văn nghệ sĩ, với nhà thơ Hà Quảng tình yêu không đơn thuần là tình yêu lứa đôi mà còn là một tình yêu rất đỗi thiêng liêng mà anh dành cho quê hương. Tình yêu ấy dung dị nhưng thật xúc động. Nó đã chạm vào trái tim bao bạn đọc bởi sự chân thành: “Bao kỷ niệm ùa về xa xăm quá/ Sông Vệ mùa này con nước đầy vơi/ Để anh nhớ đêm trăng vàng Vạn Mỹ/ Anh ngập ngừng đếm từng giọt sao rơi” (Sông Vệ).
Những câu thơ mộc mạc chân thành nhưng mang ý nghĩa sâu nặng, nó như cánh cửa mở vào cõi tâm hồn trĩu nặng tình yêu thương của anh đối với quê hương: “Con sóng lòng lênh đênh/ dáng ai chiều Cửa Lở/… mưa xuân giăng giăng/ ngày anh về/ âm vang Thu Xà xưa/ xa…/ đã xa!” (Âm vang Thu Xà xưa). Thời gian buổi chiều đã được Hà Quảng cảm thức, trở thành nỗi ám ảnh miên man, thẳm sâu tâm hồn anh mà hình thành nên tứ thơ: “Chiều cuối năm sao bâng khuâng đến lạ/ Lòng miên man thao thiết nhớ vọng về/ Tuổi thơ tôi là một mảnh hồn quê/ Nên thương nhớ dâng tràn lên khóe mắt.” (Hồn quê). Cái hay của bài thơ “Hồn quê” là hình ảnh đẹp, thơ mộng, gợi cảm khiến người đọc phải suy ngẫm về cội nguồn của mình.
Đọc thơ Hà Quảng ta càng nhận ra tình yêu quê hương của anh thật sâu sắc đã làm nên hồn thơ rất Hà Quảng: “Chiều sông quê dạt dào ước mơ/ Tiếng sáo diều ngân nga triền sông trầm lắng/ Con đường làng vương vương màu nắng/ Hoa ngọc lan nhà ai… theo gió đi về” (Chiều sông quê). Tình yêu quê hương đất nước được Hà Quảng bộc lộ bằng niềm tự hào về những địa danh quen thuộc như Lý Sơn, Mộ Đức, Minh Long… “Đỉnh Thới Lới muôn đời vẫn vậy/ Vẫn uy nghi sừng sững giữa biển Đông/ Vẫn ung dung như người dân đất đảo/ Giong thuyền ra khơi giữ biển yêu thương.” (Bến xưa).
Những hình ảnh quen thuộc trong đời sống của làng quê đã đi vào tâm thức của Hà Quảng trở thành nỗi nhớ khi xa quê. Chúng lặp đi lặp lại trở thành hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho quê hương khi anh nhớ về. Đọc một số bài thơ như “Em có về Quảng Ngãi?”, “Quảng Ngãi vào xuân”, “Mùa xuân trên đất Quảng quê mình”, “Em có về Mộ Đức?”, “Em có về Đức Nhuận?”, “Lý Sơn quê em”, “Mùa Đông Lý Sơn”… ta sẽ thấy rõ điều đó.
Tình yêu quê hương trong thơ Hà Quảng không chỉ là tình yêu nơi chôn nhau cắt rốn mà còn ở nơi quê vợ Hà Tĩnh. Anh đã dành cho Hà Tĩnh những câu thơ trân quý: “Mẹ con quê Hà Tĩnh/ Tuy đất hẹp khô rang/ Nhưng tình người chan chứa/ Biết yêu chồng thương con.” (Quê hương). Anh ca ngợi quê hương Hà Tĩnh qua lời dặn con cái: “Quê ngoại con có cà/ Có nhút tương làm mắm/ Có cam vàng chín mọng/ Đợi con về bà vui.” (Quê hương). Chính tình yêu quê vợ Hà Tĩnh mà anh đã lấy bút danh Hà Quảng.
Tình yêu quê hương trong thơ Hà Quảng thường gắn liền với tình yêu đôi lứa. Tình yêu ấy rất sâu đậm, rất nhân văn. “Em có về Mộ Đức yêu thương?/ Nơi anh sống những ngày đầy mong ước/ Tình yêu em làm sao anh nói được/ Cánh cò bay chấp chới giấc mơ xanh.” (Em có về Mộ Đức?).
Tình yêu đôi lứa trong thơ Hà Quảng là tình yêu đơn phương mang niềm tiếc nuối: “Hoa cải vàng sương bên kia lãng đãng/ Em có chồng anh nhớ tháng ba xưa!” (Tháng ba vàng nỗi nhớ).
Đọc thơ Hà Quảng ta nhận thấy bên cạnh tình yêu lứa đôi còn có tình cảm thầy trò sâu nặng. Hình ảnh đẹp về người thầy được thể hiện trong các bài như: “Thầy giáo già”, “Khúc chậm trước khi về hưu”, “Cõng chữ lên non”, “Về lại trường xưa”… “Cô giáo vùng cao lòng nao nao vui sướng/ Cõng chữ lên non cho những học trò” (Cõng chữ lên non).
Tình yêu trong thơ Hà Quảng sâu lắng, tin chắc thơ anh sẽ đọng mãi trong lòng người đọc.
10/1/2022
Phạm Văn Hoanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...