Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2022

Tomas Tranströmer - Thi nhân, thầy phù thủy cao tay trong nghệ thuật miêu tả chuyển động của tĩnh lặng

Tomas Tranströmer - Thi nhân, thầy phù thủy
cao tay trong nghệ thuật miêu tả
chuyển động của tĩnh lặng

Tomas Tranströmer sinh ngày 15 tháng 4 năm 1931, là con trai của Gösta và Helmy, nhũ danh Westerberg. Họ đã dành cả mùa hè tại trạm thí nghiệm của ông ngoại anh trên đảo Runmarö thuộc quần đảo Stockholm, một môi trường luôn là điểm khởi đầu quan trọng cho thơ. Tại đây, giữa các hòn đảo nhỏ và bầu trời, ông đã sớm phát triển niềm yêu thích đối với địa lý và khoa học, đặc biệt là côn trùng học. Do công việc của mình trong việc thu thập côn trùng, một loài bọ mới được phát hiện hiện mang tên của Tranströmer.
Nhà thơ Thụy Điển Tomas Transtromer.
“Chân lý nằm lăn lóc ở ngoài đường, chỉ có không ai chịu nhặt lên mà thôi”
Câu nói có vẻ như vô thưởng vô phạt trong một cuộc phỏng vấn của nhà thơ đoạt giải Nobel với báo giới, nhưng nó cho chúng ta thấy rõ cả một thế giới quan, một phương pháp sáng tác của người đã được nền văn hóa Âu châu vinh danh. Nhà thơ Mỹ gốc Nga Joseph Brodsky đã gọi ông là nhà thơ vĩ đại nhất của thời đại chúng ta. Transtroemer là người giành được gần như tất cả các giải thưởng danh giá nhất của Thụy Điển và châu Âu. Nếu bạn hỏi người Thụy Điển rằng họ có thể xem ai là “nguyên khí” của tổ quốc, thì cùng với Emanuel Swedenborg, August Strindberg và Ingmar Bergman, cái tên Transtroemer chắc chắn sẽ vang lên.
Khi còn là một thiếu niên, Tranströmer đã nuôi dưỡng sở thích nghệ thuật. Ông bắt đầu chơi piano và sớm tiếp cận với thơ ca. Những bài thơ đầu tiên của ông được đăng trên tạp chí sinh viên vào cuối những năm 1940. Sau khi hoàn thành trung học, Tranströmer theo học lịch sử văn học (viết bài luận tốt nghiệp về thơ Baroque của Thụy Điển), lịch sử tôn giáo và tâm lý học tại Đại học Stockholm. Vào cuối những năm 50, ông làm việc trên cương vị nhà tâm lý học tại Roxtuna, một cơ sở cải tạo thanh thiếu niên.Từ  năm 1965 đến năm 1990 với tư cách là nhà tâm lý học tại Viện Thị trường Lao động ở Västerås.
Trong những năm 50, ông cũng đã thực hiện một số chuyến đi, chẳng hạn đến Iceland, Nam Tư, Hy Lạp, Ý, Maroc, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ai Cập. Những chuyến đi khắp thế giới sau này của ông, bao gồm nhiều chuyến thăm đến Hoa Kỳ, chủ yếu bao gồm các chuyến tham quan đọc sách và tiếp xúc với các dịch giả.
Ông được biết đến với tư cách là dịch giả của người sáng lập chủ nghĩa siêu thực, André Breton. Năm 1954, sau khi xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình, “17 bài thơ”, Transtroemer  giành ngay được một chỗ trang trọng trên chiếu thơ Thụy Điển. Đây là sự khởi đầu của một cuộc hành trình kéo dài nửa thế kỷ. Với những hình ảnh và mô-típ có từ thời chủ nghĩa siêu thực Pháp, ông đã đi đến một cách thể hiện thơ hoàn toàn mới và khác thường. Ở một mức độ đáng kể, ông đã phát triển ngôn ngữ đặc biệt của mình: các phép ẩn dụ nguyên bản và đường nét sắc sảo, tính thần bí của thiên nhiên, tính âm nhạc, tính nghiêm ngặt của hình thức và sự thay đổi tự nhiên – những phẩm chất xuất hiện trở lại trong các tập thơ sau này của ông.
Ủy ban Nobel đã biện minh cho quyết định của mình như sau: Giải thưởng được trao “vì những hình tượng thơ đậm đà phong phú, dường như trong suốt của ông đã cho chúng ta một cái nhìn mới về thực tế”.
Dịch thơ của ông có khó không?
Vâng, thật khó, luôn luôn khó dịch những câu thơ tưởng như đơn giản, bởi vì sự đơn giản như vậy lại bao hàm nhiều  ý nghĩa – Nó chứa trong mình  đầy đủ cả bản thể, nó đong đầy các màu sắc. Ông rất  thích mô tả chuyển động và trạng thái của tĩnh lặng. Ông sử dụng hàng tá động từ chuyển động trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, điều này rất thú vị. Đây là bằng chứng của kỹ năng và kỹ thuật tuyệt vời. Tất nhiên, ông có thể viết theo vần nếu muốn. Nhiều bài thơ được xây dựng trên trò chơi của các vần điệu. Transtremer cho thấy rằng vần không khác gì một tiểu xảo kỹ thuật, như nó vẫn luôn như vậy. Chúng ta chỉ quên nó đi và bị cuốn đi, dường như đối với chúng ta một bài thơ không vần không phải là một bài thơ. Và nói chung ở phương Tây không có sự phân chia thơ có vần và thơ không có vần, điều này là vô nghĩa.
Thơ của ông không ngừng tiến gần hơn đến những bí mật của sự tồn tại – lưu ý những tựa sách như Hemligheter på vägen, 1958 (Bí mật dọc theo con đường), Den halvfärdiga himlen, 1962 (Một nửa thiên đường) và cuốn sách mới nhất của ông, Den stora gåtan, 2004 ( Bí ẩn vĩ đại, 2006). Tuy nhiên, sự quan tâm của ông đối với những gì không thể diễn tả được, nhưng lại được quyết định bởi khát vọng về tính cụ thể của thi ca – như thể, những vùng không thể tiếp cận của tâm trí và của sự tồn tại chỉ có thể được cảm nhận hoặc chạm vào bằng các công cụ chính xác của cảm giác.
Sự khám phá của Tranströmer về bản chất phức tạp của danh tính con người và những cây cầu được xây dựng giữa thiên nhiên, vũ trụ và người chết không bao giờ dẫn đến những lời thú nhận ồn ào. Cái chết – dù chưa bao giờ là một vị khách xa lạ trong thơ ông – ngày càng đòi hỏi nhiều không gian hơn, nhưng không phải là một mối đe dọa rõ ràng. Với sự tĩnh lặng đáng tin cậy, Tranströmer lưu ý rằng cuộc sống bao gồm cái chết và ngược lại. Thơ của ông là một lời khẳng định tĩnh lặng, ít lời, nhưng vẫn là một hình thức phản kháng lại quyền lực, thị trường và các phương tiện truyền thông sáo rỗng.
Vì hơn một phần nghìn dân số thế giới không thể đọc được tiếng Thụy Điển, nên sự khéo léo của các dịch giả đặc biệt quan trọng. Kể từ khi nỗ lực dịch các tác phẩm của ông một cách nghiêm túc trong những năm 60, danh tiếng quốc tế của Tranströmer đã không ngừng tăng lên. Ngày nay các tác phẩm của ông đã hiện diện qua 70 ngôn ngữ.
Năm 1990, Tranströmer bị đột quỵ và liệt nửa người bên phải. Ông gần như mất hoàn toàn khả năng nói. Kể từ đó, việc viết lách đã khiến ông mất nhiều thời gian hơn. Tranströmer ngày càng chấp nhận các hình thức thơ ngắn như haiku, điều này chỉ củng cố sự tập trung của ông vào cách diễn đạt. Nhưng ngay cả trước khi bị bệnh, ông đã dành nhiều thời gian để viết nên những vần thơ sống động và chính xác của mình. Một số bài thơ ông đã mất nhiều năm để hoàn thành...
Từ năm 1965 đến năm 2000, Tranströmer sống ở Västerås, Thụy Điển. Năm 1997, Thành phố Västerås đã thành lập Giải thưởng Tranströmer, trao giải thưởng cho những bài thơ xuất sắc. Từ năm 2000, ông đã sống ở thành phố Stockholm thời thơ ấu của mình cho đến khi qua đời năm 2018.
Tác giả của bài viết này đã trực tiếp bút đàm bằng tiếng Anh với vợ của thi hào là cụ bà Monica Tranströmer. Họ cưới nhau năm 1958, và sinh hạ được hai cô con gái –  Emma và Paula.
* Vũ Tuấn Hoàng: Thưa bà Monica, chồng bà đã là một đỉnh núi cao trong nền thi ca thế giới. Điều này đã được khẳng định bởi giải thưởng Nobel về văn chương năm 2011. Nhưng theo ý kiến của tôi, thế giới ít biết đến con người đích thật “bằng xương bằng thịt” của ông. Bà có thể chấm phá vài nét, ông ấy là người thế nào trong đời thường?
– Bà Monica Tranströmer: Tôi nghĩ, chồng tôi cũng là một người bình thường thôi nhưng với rất nhiều tính hài hước, dí dỏm. Và, tận tình  quan tâm nhiều đến người khác. Phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình, ông nhà tôi làm việc như một nhà tâm lý học. Sở thích và kiến thức về âm nhạc của ông ấy rất đặc biệt và bản thân cũng là một nghệ sĩ piano nghiệp dư giỏi. Mối quan tâm cả đời của Tranströmer đối với âm nhạc, vốn đã để lại những dấu vết đáng kể trong các tác phẩm của ông. Một số nhà soạn nhạc đã lấy cảm hứng từ thơ của ông và đã chuyển thể thành âm nhạc.
* Ông và bà gặp nhau lần đầu tiên trong hoàn cảnh nào? Với tư cách là một người vợ, bà đã làm những gì để chồng của mình đạt được thành công?
– Chúng tôi gặp nhau  qua những người bạn chung khi tôi 18 tuổi và anh ấy 26 tuổi. Anh ấy chuẩn bị xuất bản tập thơ thứ hai của mình. (Tôi đã đọc tập thơ  đầu tiên của anh ấy mà tôi thấy hay như một nhà thơ Thụy Điển gạo cội tên là Harry Martinsson). Một năm sau, chúng tôi kết hôn!
Trong suốt cuộc hôn nhân dài của mình, chúng tôi ngày càng thân thiết hơn và thơ của anh ấy đối với tôi cũng vậy.
Ở thế hệ của tôi, người ta rất thường thấy rằng phụ nữ chịu trách nhiệm lớn nhất đối với gia đình và nuôi dạy trẻ con. Tôi cũng vậy. Đó là cách tôi giúp nhà tôi.
* Theo bà, cha mẹ của nhà thơ đã có những ảnh hưởng gì đến thiên tài của ông? Các cô con gái của bà có ai thừa hưởng được tài năng thi ca của cha không?
– Bố mẹ chồng tôi ly dị nhau khi nhà tôi mới ba tuổi. Anh ấy sống với mẹ, một cô giáo. Bà đã chú ý chăm sóc tài năng của con trai ngay từ khi còn nhỏ tuổi. Tôi nghĩ, bà là một người mẹ tuyệt vời đối với nhà tôi và cũng là người mẹ chồng lý tưởng đối với tôi.
Tôi không nghĩ các con gái tôi thừa hưởng được của cha tài năng thi ca, nhưng năng khiếu âm nhạc và sự tinh tế và nhạy cảm trong quan sát cuộc đời thì có. Con gái đầu của chúng tôi là một ca sĩ, con gái thứ hai là nhiếp ảnh gia có đẳng cấp.
* Bà có thể cho biết, trong những điều kiện nào thì ông ấy sáng tác tốt nhất? Bà nghĩ gì khi được tin chồng đoạt giải Nobel? Cuộc sống của bà khác nhau như thế nào trước và sau Nobel?
– Với tư cách là một nhà thơ đã có tên tuổi, ông ấy rất bận bịu với các lời mời nói chuyện hay đọc thơ ở trong và ngoài nước. Nhà tôi rất đam mê du lịch. Bởi vậy, không có nhiều thời gian lắm cho viết lách. Ông ấy sáng tác tốt nhất khi sống trong một ngôi nhà nhỏ trên hòn đảo thuộc quần đảo Stockholm. Đây là món quà thừa kế của ông nội. 
Tại Thụy Điển cũng đã có nhiều lần đề cử nhà tôi vào giải Nobel nhưng không ai tin rằng điều đó trở thành sự thật. Chúng tôi cũng hết sức bất ngờ khi điều này trở thành hiện thực. Tất nhiên là chúng tôi vô cùng hạnh phúc. Nhưng sau đó là một quãng đời bận rộn quá sức.
* Dịch thơ không chỉ là dịch các từ mà là chuyển dịch cả một nền văn hóa. Tốt nhất là dịch từ nguyên bản, nhưng do không biết tiếng Thụy Điển, tôi dịch qua bản tiếng Anh và tiếng Nga. Theo ý bà, thơ của ông được dịch ra tiếng Anh sát với bản gốc tiếng Thụy Điển không?
– Trước khi được nhận Nobel, thơ của chồng tôi đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhiều bản dịch thành công ra tiếng Anh. Theo tôi nghĩ bản dịch tiếng Anh của dịch giả Robin Fulton  sát  nhất với nguyên bản tiếng Thụy Điển.
Mùa xuân trống vắng hoang vu
Dòng mương lững thững âm u mơ màng
Tôi chân cất bước nhẹ nhàng
Bóng  hình phản chiếu như đang nhạt mờ
Nguồn sáng duy nhất trên bờ
Vạt hoa vàng nở bơ vơ ven đường
Bóng đêm sập xuống bốn phương
Hộp da nhốt gọn đàn hương vĩ cầm
Điều tôi thổ lộ thực tâm
Ngoài tầm tay với, âm thầm phát quang
Như bạc trong túi kẻ sang
Cho vay lãi nặng lại càng giàu hơn.
Ánh mắt thận trọng nghi ngờ
Giết tia nắng đẹp như mơ ngoài trời
Tiếng cười ầm ĩ ngông chơi
Xuyên trần căn hộ phiền người tầng trên
Như cánh hoa lạ ưu phiền.
Đồng bằng thẳng phóng xe nhanh
Bóng đêm lẳng lặng buông quanh lưng trời
Ô hay, xe chạy hết hơi
Mà như đang đứng chơi vơi một mình.
Trời sao trống vắng lặng thinh
Giật mình vì tiếng chim rình rạng đông. 

19/1/2022
Vũ Tuấn Hoàng dịch
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...