Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

Chim gõ kiến

Chim gõ kiến

Hoài bão giả thí hoài bão thật.
(Triết ngôn dân dã)
Hai người cưỡi ngựa đi trong khoảng rừng cháy nham nhở. Rừng cây chết lặng, lá cây như nép vào nhau. Người đội mũ vải có lưỡi trai khoác khẩu AK. Người đầu trần mang khẩu súng thể thao và một cái ống nhòm. Họ chỉ trỏ, quan sát những cây cổ thụ rải rác đó đây chỉ hơi bị sém lá và bàn bạc nho nhỏ. Nom họ có vẻ ung dung và phởn phơ. Chợt "tộc, tộc, tộc"… tiếng chim gõ kiến nổi lên. Tiếng dội mơ hồ tựa gió vừa động lá. Cây khẽ cựa mình và đôi ngựa rung bờm. Người đội mũ vải máy người đầu trần. Hai người xuống ngựa nhẹ chân đi về phía có tiếng chim. Như có phép lạ, cây vàng tâm ở đó không bị ngọn lửa đụng tới một phiến đá nhỏ. Để ý nhìn, có thể thấy quanh cây quang quả như đã được dọn trước một vành đai an toàn. Hai người rón rét đi vòng quanh gốc cây ngấp nghé nhìn lên. Tiếng gõ đã im. Chẳng có dấu hiệu gì tỏ ra là có chim chóc trên cây. Người đầu trần đưa ống nhòm lên mắt sục sạo. Kia rồi! Một chú chim màu xám tít trên cao, hai chân bám vào thân cây, cái mỏ dài của nó đang tì vào vỏ cây. Có lẽ lúc này cái lưỡi dài thon, sắc nhọn và dễ uốn thành cái móc của chim đang khoan vào khe hở trong vỏ cây, cố lọt vào trong cái đường hầm lắt léo của con sâu nào đó để lôi nó ra. Người đầu trần trỏ cho người kia thấy. Anh này nâng khẩu A.K., nhưng người đầu trần ra hiệu ngăn lại:
- Nát mất. - Tiếng anh ta thoảng như tiếng khấn - Để còn sấy khô đưa vào phòng truyền thống.
Anh ta chỉ khẩu súng thể thao và gần như không cần ngắm, nổ ngay một phát. Anh ta vốn là tay thợ săn nghiệp dư cừ khôi. Con chim chỉ hơi động cánh rồi im lìm, cái đầu nghiêng nghiêng một bên ngó nhìn xuống dưới. Anh thợ săn lầm bầm một câu chửi tục, thay viên đạn mới lẩy một phát nữa. Vỏ cây toác ra một miếng nhỏ sát dưới đuôi chim. Con chim vẫn bất động như chọc tức. Người đội mũ gạt người đầu trần ra bên, giương khẩu súng của mình ngắm cẩn thận rồi kéo luôn một băng đạn. Cả một mảng lớn vỏ cây văng ra lao xuống hai bộ mặt đang nghếch lên. Hai người dạt ra tránh và đều ng• sõng soài, hai khẩu súng dằn mạnh xuống đất kêu đánh "bộp". Hú vía! Không ai hề hấn gì. Họ lồm cồm bò dậy và cùng trố mắt ra: con gõ kiến xám đầu đỏ đã chết cứng tự bao giờ, hẳn là từ phát đạn đầu, chân vẫn quặp chặt vào mảnh cơ thể của cây vàng tâm.
Khi ánh ngày vừa hửng thì trong các tán lá rừng đã lao xao gió và rộn rã tiếng chim. Họ nhà gõ kiến có thể sánh ngang những viên chức nề nếp, cần mẫn, năng nổ và có lương tâm nhất. Nhưng chúng quá khiêm tốn đến mức nhút nhát và an phận. ít ai được trông thấy chúng.
Tộc, tộc, tộc,… Chà! Chú mày đúng giờ khiếp. - Chị liếc nhìn đồng hồ tay mỉm cười một mình - mổ liên hồi ra cái điều ta đây tích cực. Nhưng chú mày có công hay có tội chưa được phân định đâu. Chị nhớ đến các cuộc tranh luận dai dẳng trong đội tu bổ và khai thác rừng. Cả vạt rừng này hình như chỉ có một con gõ kiến, và ai cũng đinh ninh nó là con trống. Chẳng biết tổ nó ở đâu? Nó có bạn đời không? Nó mổ để làm gì? Số đông cả quyết rằng gõ kiến chuyên săn lùng sâu bọ, côn trùng và kén của chúng, lắm khi còn mổ các tổ mối; nó là loài có ích. Đội trưởng, một người thích săn bắt từ thú đến chim, thì buộc tội gõ kiến là quân phá hoại. "Này nhé! - Anh ta đưa tay dứ dứ như những khi đăng đàn diễn thuyết - Nó khoét thân cây làm ổ có ảnh hưởng đến cây không nào? Nó mổ vỏ cây suốt ngày tránh sao khỏi làm hư hại cây! Nó mổ tìm gì? Nó xua đuổi và tiêu diệt kiến là loại bảo vệ cây chống sâu bọ, nhất là kiến đỏ". Còn đội phó từng giữ kho ở Trường Sơn thì nói với giọng không cho ai nghi ngờ: "Bảo gõ kiến mổ cây để tìm kiến ăn là láo khoét. Tôi đã từng quan sát rồi. Nó gọi bạn tình đấy". Cần một nhà sinh học có kinh nghiệm hoặc một "nhà kinh nghiệm" có kiến thức sinh học may ra mới phân giải được.
Làm việc trong rừng bạt ngàn cây cao bóng cả mà con người không cảm thấy bé nhỏ và đơn độc nhỉ? - Chị thầm nghĩ - Nếu hiểu được đời sống của rừng, nghe được những tiếng nói riêng của rừng thì sẽ là một niềm vui lớn. Tiếc là mình còn đang rất lơ mơ về chuyện này. Đó! Lại đang "tộc, tộc, tộc,…". Khoảnh rừng như ấm hẳn lên. Có tiếng dẫm mạnh trên cành lá khô phía sau, nét cười trên gương mặt chị nhòa mất. Không ngoảnh lại nhưng chị cũng biết người đó là ai rồi. Tầm này đội trưởng đội ba hay xuống kiểm tra, đôn đốc các tổ và người công tác lẻ rải rác trong các vạt rừng được giao. Anh ta thường cưỡi ngựa, đeo súng săn, có cả một chiếc ống nhòm lủng lẳng trước ngực. Như là một bức biếm họa người đi săn mô phỏng từ một bộ phim nước ngoài nào. Cũng có khi anh ta mang khẩu súng thể thao. Đó là những khi anh ta không chủ định đi lùng muông thú. Thiếu phụ giật mình vì tiếng ngựa hí gần ngay sau lưng. ít khi đội trưởng dừng lại nơi chị. Thoảng qua là một câu hỏi han chiếu lệ. Dẫu rằng sau đó chị khó lấy lại được sự thanh thản và ánh mắt sắc của đội trưởng như vẫn dán vào từng động tác của chị - cái mặc cảm của người bị theo dõi, chị vẫn lấy thế làm mừng, bởi chị không biết cách ăn nói với cấp trên các loại sao cho phải đạo. Chồng chị thường phiền lòng vì nhược điểm ấy của chị. Hôm nay anh ta cần gì mình nhỉ. Hay là vì cái chuyện hôm ấy? Chiều hôm ấy, chị nán lại sau buổi làm việc và bắt gặp đội trưởng đi "sát quần chúng" trở về. Vắt ngang trên yên ngựa phía trước là một con gấu chó. Loại thú này gần bị tuyệt diệt nên đã có nghiêm lệnh cấm săn bắt do chính giám đốc lâm trường truyền đạt. Chị là thành viên của hội bảo vệ môi sinh. Nhưng lúc đó chị đã quay đi vờ như không nhìn thấy rồi mà! Chị đâu biết rằng ngay tối đó, đội trưởng đã đến nhà riêng giám đốc biếu bốn bàn chân gấu - món đặc sản ngày xưa thường chỉ xuất hiện trên bàn tiệc của các bậc vua chúa. Giám đốc chẹp chẹp miệng: "Cơ quan bảo vệ động vật quý hiếm mà biết thì chết đấy!" Rồi cười lên khà khà. Ông ta ngừng cười, thân mật ghé mặt lại gần mặt cấp dưới: "Này! Mật gấu thấm vào giấy bản hong khô để dành là quí lắm, có giá lắm đấy nhá". Đội trưởng nắm bắt ngay được ý tứ của thủ trưởng.
Tối hôm đó chị phàn nàn với chồng:
- Họ phá rừng chưa đủ, lại còn phóng tay diệt chim, thú quí hiếm.
- Ồi! Chồng chị tặc lưỡi - ít nữa nơi này chẳng còn là nơi trú ngụ của chúng nữa đâu. Chẳng săn bắt thì cũng chẳng để làm gì.
- Còn việc bảo vệ môi sinh? - Chị không hiểu hàm ý của chồng.
- Cô cứ như con chim gõ kiến ấy, tưởng cứ khua mỏ là rừng phải động - Anh chồng bực bõ cắt lời vợ.
Chị phật ý xoay người vào tường, nhưng anh chồng vẫn nằm chắp tay sau gáy nhìn lên đỉnh màn mãi suy tính chuyện gì tận đâu đâu.
Lúc này chị đã lo hão. Chuyện chị bắt gặp con gấu chết oan, đội trưởng cho qua tự đời thuở nào rồi.
- Công việc tỉ mẫn này cũng vất vả đấy nhỉ. - Anh ta săm soi một lúc rồi lên tiếng.
- Cũng có cái thích anh ạ. - Chị không định trả lời thế.
- Ờ, thích cũng thích, mà vất vẫn vất chứ. Khoảnh rừng này xem ra toàn gỗ táp nham. - Anh ta nói với giọng bí thử, song mắt lại có ánh ranh mãnh.
- Chẳng táp nham đâu. - Chị thật thà nói - Lát hoa, gụ, lim… đủ cả. Ngoài những cây đã có thể khai thác, còn nhiều cây nhỡ, cây con.
Vừa lúc tiếng gõ kiến chợt lại rộ lên.
- Hừ! Tao định hỏi tội mày đã lâu. - Đội trưởng trật súng ra khỏi vai.
- Đừng, anh ạ. - Chị hốt hoảng nói, giọng van lơn - Để cho nó vui rừng. Chị không dám ra mặt bênh con chim.
- Được thôi! Anh ta nói vẻ dễ dãi - Để cho nó lêu têu ít lâu nữa. Nó không chết thì rồi cũng phải cuốn xéo.
- Sao vậy? Chị ngơ ngác hỏi.
- À, "tư duy mới" mọi cái đều có thể xảy ra. - Anh ta nói lấp lửng - Này! Có muốn lên công tác công đoàn với đức ông chồng không? Trên cho công đoàn lâm trường thêm chỉ tiêu một cán bộ chuyên trách nữa đấy. Nữ càng tốt.
Chị biết đội trưởng có quyền nói giọng ấy bởi anh ta ở trong thường vụ đảng ủy lâm trường. Lên làm ở văn phòng công đoàn hay lên làm một công việc gián tiếp trên lâm trường bộ là mơ ước của không ít công nhân, cán bộ đang hàng ngày dầu dãi trong rừng. Nhưng sao chị lại cảm thấy lo lắng. Mình có gì "sai lầm, thiếu sót hoặc sơ suất" nên bị điều đi? Chị đã có quá nhiều kinh nghiệm về những chuyện tương tự. Hồi đang là học sinh, cô bí thư chi đoàn lớp không đồng ý kết nạp vào đoàn một bạn học con ông, cháu cha vừa lười, vừa ngổ. Buổi sơ kết thi đua cuối tháng, cô được gần hết ban chấp hành chi đoàn, dưới sự chỉ đạo của bí thư đoàn trường và giáo viên chủ nhiệm, "góp ý thẳng thắng và chân thành" về khuyết điểm ít quan tâm đến phong trào học tập của lớp. Cô nhận là có phần đúng. Cô được chuyển sang làm cán bộ lớp phụ trách lao động, vì "có sức khỏe và tháo vát". Ngày mới ở trường lâm nghiệp ra xin được về làm ở lâm trường này, cô gái trẻ háo hức bước vào đời nhận việc bố trí và theo dõi phần việc thuê làm vệ sinh rừng. Mỗi toán người ngoài lâm trường đến làm công việc chặt dọn những cây gỗ tạp, những cây con lam nham, những dây leo, đều do một người đứng ra nhận khoán và thanh toán với lâm trường. Cô muốn chủ động làm việc, nhưng bao giờ cũng đụng phải một số nguyên tắc, thủ tục nào đó mà cuối cùng cũng phải qua tay trưởng phòng kế hoạch và trưởng phòng tài vụ quyết định. Được ít lâu, cô nhận thấy có những điều mờ am dính với bọn "cai đầu dài". Cô vừa nêu lên những nhận xét này với lãnh đạo tuần trước thì tuần sau trong cuộc họp của phòng kế hoạch, cô được góp ý cũng "chân thành và thẳng thắn" về những thiếu sót ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch của lâm trường. Cô nhận là có thiếu sót. Thế là cô được điều đi làm cái việc điều tra, tu bổ rừng "cho hợp với năng lực chuyên môn và nhu cầu công tác". Cô được giao hẳn một khoảnh rừng với một trách nhiệm khá mù mờ, khó gọi tên phân minh, nhưng nếu tận tâm làm thì cơ man là việc. Vốn được đánh giá là ý thức tổ chức tốt, cô chấp hành nghiêm chỉnh sự điều động. Tuy nhiên, từ đó cô đâm ra dè dặt trong lời nói, trong việc làm, và trong các cuộc họp kiểm điểm cô cứ lo nơm nớp. Người yêu cô có viết thư an ủi và động viên cô. "Học triết ở lớp chính trị mà em không nhớ: tự do nghĩa là nắm được qui luật. Qui luật đây, với chúng ta, là qui luật cách sống hiện tại, tự do đây là hoài bão mỗi người". Anh muốn nói đến qui luật sống nào vậy? Hoài bão nào vậy? Cô thấy mình mới nhỏ nhoi làm sao!
Những ngày ấy, trong khoảnh rừng này, đã có những giờ phút chị chỉ biết lầm lũi làm việc. Và may, những tiếng chim gõ kiến đã đến làm bạn với chị, như là một sự nâng đỡ.
Trong khoảnh rừng mình phụ trách chị phát hiện ra một cây vàng tâm. Nơi ấy là một góc rừng heo hút ngày trước nổi tiếng linh thiêng, những tay thợ rừng, thợ săn liều lĩnh nhất cũng không dám bén mảng tới. Câu chuyện dính với một truyền thuyết về một vạt rừng đầy những cây vàng tâm bị con người bòn rút đến kiệt. Ồ! Gỗ vàng tâm! Ngày còn học trường chuyên nghiệp, chị quen một ông già vốn là chủ một hiệu đồ gỗ xưa kia.
- Cháu ạ, làm đồ gỗ gia dụng, người ta hay chuộng những gụ, những lát. Các loại này thì đẹp thật, quí thật. Cái "anh" vàng tâm thì không có màu sắc tôn quí của gụ, vân hoa lộng lẫy của lát. Màu sắc nó giản dị, khiêm nhường thôi, nhưng nó lại có những cái hay khác: nhẹ mà bền, không mối, không mọt, không mục, không nứt, rất ít biến dạng.
- Cháu nghe nói gỗ vàng tâm chỉ làm áo quan thôi.
- Làm áo quan thì nhất đẳng rồi. Ngày trước có ngôi mộ hơn trăm năm đào lên cỗ săng vẫn y nguyên. Cái chất gỗ ấy dùng làm gì chả tốt. Tiếc là cây vàng tâm ở ta nay mất giống rồi hay sao ấy.
Nhớ lại lời ông già, trong đầu chị lóe lên một ý nghĩ: liệu có thể bảo tồn và phát triển giống cây này ở đây không? ý nghĩ vụt ra nhanh như tia chớp và không chịu rời khỏi trí óc chị nữa. Song… có được không nhỉ? Có nên không nhỉ? Chị viết thư cho chồng. Anh khuyến khích chị. Anh cho biết anh cũng đang thai nghén một đề tài. "Chúng mình cùng quyết tâm đạt đến những công trình khoa học, nho nhỏ thôi cũng được. Có nhỏ rồi mới có to! Nhưng em hãy ướm xem ý tứ lãnh đạo ra sao". Chị chưa dám "ướm" và chờ một dịp "may". Vậy mà giờ đây lúc có chồng bên cạnh… Linh tính báo cho chị cây vàng tâm đang bị đe dọa.
Đội trưởng bỏ đi khá lâu, chị vẫn còn phân vân. Tộc, tộc, tộc,… Con gõ kiến hiểu được nỗi lòng chị chăng mà tiếng gõ nghe rời rạc. Chị cảm thấy buồn nôn, phải vịn vào một thân cây. Phải chăng đây là một tín hiệu mừng? Với chị, cái mừng nào hình như cũng kề cận cái lo. Chị nhớ đến đứa con đầu, và lòng chị nhói lên. Ôi! Đứa con của tình yêu đang độ, của niềm tin tươi nguyên. ấy là một buổi trưa nắng dịu. Ngôi nhà lá im ắng náu mình trong vườn cây ven rừng. Tiếng chim ríu ran xa xa, và gió lướt nhẹ trên mái lá. Khung cảnh và không khí có chút gì quạnh quẽ rất dễ gợi buồn, làm mủi lòng những ông già đã về hưu và đẩy những cô cậu thanh niên đến những nơi ồn ã. Nhưng thần hạnh phúc đang đáp xuống căn nhà này. Chị chuẩn bị đi làm chiều thì chồng chị bước vào.
Anh ôm chị chặt chặt, cho biết anh theo một đoàn công tác, chỉ tranh thủ ghé qua chốc lát thôi. Lúc này chị đang nằm trong vòng tay chồng. Anh vừa vuốt ve vợ vừa thì thầm: "Em có nhớ anh không? Anh mới được kết nạp Đảng. Anh đang phấn đấu để được đi Tây, đi nghiên cứu sinh ấy mà. Đi về, anh sẽ không lùi xùi như thế này nữa. Anh sẽ…" Chị phụng phịu (chị không nỡ giận anh): "Anh không có chuyện gì để nói với em nữa hay sao?" Anh hôn hõm vai chị: "Anh muốn con chúng mình được hoài thai trong ước mơ và hoài bão của cha mẹ nó, lúc này này!" Chị khẽ "ứ ư" trong cổ và tiếp nhận anh. Trong đê mê, chị vẳng nghe tiếng chim gõ kiến âm âm, dồn dập, tựa hồ sóng âm thanh cũng có sức mạnh chao đảo. Nhưng chị đang như tự tan ra, và những âm thanh ấy rồi cũng mất hút đi trong hư ảo. Đúng như mong muốn của vợ chồng chị, hơn chín tháng sau chị sinh con, một đứa con trai tròn trĩnh, bụ bẫm, rất chóng biết nói, nhưng chậm biết đứng, biết đi. Ngày chồng chị xin chuyển công tác về quê nhà, đứa bé bỗng kém ăn, suốt ngày lầm lì, ủ dột. Đêm đến, nó trằn trọc và thở dài như người lớn. Sau ít ngày, nó thỉu dần và ra đi trên tay người mẹ. Nỗi vui được sum họp thường xuyên với chồng chẳng làm chị khuây khỏa bao nhiêu. Gia dĩ, anh có những lo toan mà chị không hiểu lắm. Đến khi được làm thư kí công đoàn lâm trường anh lại có thêm những đam mê mới. Một trong những cái mới ấy là thích khoác khẩu A.K cưỡi ngựa dạo rừng, khi thì với giám đốc, khi thì với đội trưởng đội ba.
Tôi thì tôi biết anh ta khá rõ. Anh ta với tôi đồng hương, hồi đó làm việc cùng cơ quan. Tôi tốt nghiệp đại học trước anh ta khá lâu. Vừa đến nhận việc hôm trước, hôm sau anh ta đã tìm đến thăm tôi. Anh ta kể những mẩu chuyện quê hương làm quà khá hấp dẫn, rồi chuyển qua bộc bạch lúc nào tôi chẳng kịp nhận ra.
- Khóa em ra trường khối người còn nằm chờ. Ông chú thứ trưởng của em định xin cho em về một viện nghiên cứu trung ương. Phải chờ biên chế hơi lâu. Em không muốn về quê. Muốn thì xong ngay. Hãy bay nhảy cái đã. Cân nhắc mãi rồi em chọn thành phố này. Cũng là một trung tâm kinh tế, văn hóa đấy chứ nhỉ. Ông giám đốc cơ quan ta thế nào anh?
Tôi thấy ưa anh ta. Tiếp chuyện anh ta một lúc, tôi đã giới thiệu cặn kẽ cho anh ta biết tính nết, sở thích của thủ trưởng và các nhân vật khác có máu mặt trong cơ quan.
Hai năm sau, giám đốc cử anh ta làm tổ trưởng tổ công tác gồm hơn mười người.
- Các anh biết không? - Thủ trưởng kìm giọng giải thích cho người nào đó đã huýt sáo miệng khi biết tin ấy - Mấy ai năng nổ được như hắn ta. Có nhớ hồi sơ tán tránh thằng Ních-xơn không? hắn ta đã lặn lội cắt cho cơ quan bao nhiêu là cói để lợp tán.
Tôi cũng giữ một cương vị lãnh đạo trong cơ quan, tuy ở vào một vị thế mà tiếng nói kém sức nặng, tôi hiểu rằng chừng ấy chưa đủ để làm trưởng về chuyên môn dù chỉ là một tổ.
- Thôi, hắn ta chẳng quá dốt và chưa nát hơn số người khác. - Tôi tự nhủ để cảm thấy yên lòng.
Anh ta có vẻ là người khá. Chịu khó học hỏi, cả trong lĩnh vực khó thừa nhận người khác hơn mình nhất. Dĩ nhiên, anh ta cũng chọn người và chọn lúc để học hỏi.
Anh ta hay tâm sự với tôi. Hôm cưới vợ, anh ta nài tôi về quê dự cho được. Anh ta lấy một cô gái cùng huyện học trường lâm nghiệp ra. Cô gái xinh xắn và đôn hậu ấy đã trao mối tình đầu một cách thơ ngây pha chút dại khờ như mọi niềm yêu chất phác và trọn vẹn. Điều đó mơn trớn cái hãnh diện của anh ta khiến anh ta thấy mình bao dung, nhất là mỗi khi anh ta ngậm ngùi một cái bóng yêu kiều thị thành vờn qua cuộc đời mình. Tuy vậy, anh ta cũng đã lần chần mãi mới cưới. Cưới xong, cô vợ vẫn ở lại nhà mẹ đẻ. Vẫn ngóng đợi chồng mỗi năm hai lần nghỉ Tết và nghỉ "tranh thủ" như đã từng ngóng đợi người yêu. Và trong những lần ấy, cô sung sướng được chi xài những thứ ki cóp được trong cuộc sống tằn tiện: gạo nếp, đỗ, lạc, gà vịt, mật ong,… Sự ngóng chờ nhẹ bớt đi khi chồng cô để lại cho vợ "bản sao" của mình được hoài thai trong mơ ước và hoài bão của họ, như chồng cô nói. Vậy là từ đó, niềm vui những ngày sum họp ngắn ngủi lại cộng thêm cái sướng được chồng khen khéo nuôi con. Dường như sự cách xa lại là một bảo đảm và một minh chứng cho hạnh phúc.
Cơ quan được cử một người đi "nghiên cứu sinh" ở nước ngoài. Giám đốc chọn anh ta. Nhưng anh ta thi sơ tuyển thiếu quá nhiều điểm. Anh ta lại được đi học lớp cao học trong nước. Học được nửa tháng, anh ta lại phải bỏ dỡ vì chứng nhức đầu, theo lời anh ta.
- Không cho mình đi Tây học một chuyến, quả là sai lầm. - Anh ta nói với tôi, dở nghiêm chỉnh, dở đùa đùa, không rõ định bảo ai sai lầm. ở tuổi chúng mình có lẽ phấn đấu theo con đường khoa học kĩ thuật không thích hợp nữa. - Anh ta nhấn mạnh "chúng mình", anh ta ba mươi hai, còn tôi thì đã hơn bốn mươi.
Một lần họp đại hội chi bộ, anh ta và tôi đều được đưa vào danh sách ứng cử ban chấp hành. Tôi trúng cử, anh ta trượt. Buổi tối, anh ta đến nhà tôi, lúc tôi đang chuẩn bị đi ngủ.
- Thằng em tôi đã được vào chi ủy năm ngoái… - Anh ta có vẻ ngùi ngùi - Nó vào Đảng trước tôi có ba tháng hai ngày. Ông chú thứ trưởng của tôi cứ bảo tôi phấn đấu… - Những lúc vui chuyện, cũng như lúc có điều bất như ý, anh ta hay nhắc đến "ông chú thứ trưởng" một ông chú họ xa làm thủ phó một cơ quan gần ngang bộ, sau này bị mất chức vì một vụ bê bối và không được anh ta nói đến một lần nào nữa.
Bỗng nhiên anh ta vạch tội thủ trưởng kiêm bí thư đảng một cách dè bỉu không ngờ. Anh ta đoán tôi chẳng đời nào dám đưa những lời ấy đến tai thủ trưởng. Song le…
- Anh có hứa hẹn gì với thằng ấy không mà sau cuộc bầu chi ủy nó có vẻ oán anh đấy. - Lựa lúc thuận tiện, tôi nói vậy với thủ trưởng, và cũng chỉ nói đến vậy.
Bây giờ nhớ lại, ngồi đối lương tâm mình, tôi thấy mình làm thế quả chẳng phải do ý tốt. Song, tác dụng lại quá bất ngờ đối với tôi. Lúc bấy giờ, tôi chưa biết mỗi lần về quê ra anh ta đều có quà biếu thủ trưởng, một chuyện không hề "dĩ nhiên" như sau này. Đến kì đại hội chi bộ tiếp đó, bí thư đề nghị bầu năm ủy viên chấp hành (trái với thông lệ các khóa trước, và cả các khóa sau đó, chỉ bầu có ba). Và anh ta đã trúng cử thứ năm. Hầu như chỉ chờ có thế cuối năm anh ta xin chuyển công tác về quê. Đúng ra, anh ta chỉ dứt khoát xin chuyển sau khi thủ trưởng có ý kiến đề bạt anh ta nhưng không được trên chấp thuận.
Với cái vốn liếng chính trị vừa thu lượm được, anh ta hi vọng đạt được một chức cán bộ quản lí mà anh ta hằng ao ước tại nơi công tác mới. Buồn thay! Đến cái chức tổ trưởng rẻ rúng cũng đang có người tại vị rồi. Mà tổ trưởng đâu phải là cán bộ quản lý!
Bẵng đi gần hai năm, anh ta mới gửi thư thăm hỏi tôi. Anh ta báo tin vừa được làm thư kí công đoàn cơ sở. Tôi biết đó là một bộ phận nhỏ phụ vào một lâm trường có tầm cỡ, nơi vợ anh ta đang làm việc. Anh em trong cơ quan tôi đùa rằng đó là "thiếp báo hỉ" còm. Với cái láu lỉnh của một anh trí thức nửa vời lại lai ghép vào một đầu óc nông dân hành tiến, hắn đang khai phá lối đi - tôi đoán.
Chừng sáu, bảy tháng sau, anh ta bỗng lù lù hiện ra trước cửa nhà tôi. Anh ta cười rất tươi, nhưng cố nói giọng điềm đạm:
- Tôi ra ngoài này họp hội nghị thư ký công đoàn các lâm trường trực thuộc bộ, ghé thăm các anh.
Vậy là anh ta phải đi vòng khá xa vì trái nẻo. Tôi lây cái tật xấu thích đọc ý đồ người khác để chiêm nghiệm về con người. Tôi nghĩ ngay: Âu cũng là một cú "vinh qui" về địa bàn công tác cũ. Anh ta rủ tôi đến thăm giám đốc. Tôi báo tin ông ta đã về hưu. Đang hào hứng anh ta xìu đi thấy rõ. Vì cớ gì nhỉ? Chẳng nhẽ đây chỉ tại cái nhìn thiên kiến khỉ khô của mình. Tôi thầm tự rủa. Từ ngày nghỉ việc, thảng hoặc được ai cấp dưới cũ đến thăm, vị cựu giám đốc tiếp nồng hậu hẳn lên. Khỏi nói lần này… Anh bạn nguyên tổ trưởng đĩnh đạc bắt tay chủ nhà, vắt vẻo ngồi trong ghế bành đối diện thủ trưởng cũ, ung dung nhấm nháp chén trà thơm, hồ hởi hỏi chuyện và kể chuyện với phong thái của người bằng vai. Thấy rõ anh ta mãn nguyện, song dường như còn thiếu cái gì đó để được mười phân vẹn mười.
Trên đường về, tôi cười vui bảo: - Đáng tiếc, cậu nhỉ! Giá ông ta còn tại chức thì hẳn cuộc gặp này khoái hơn, phải không?
Đang đi, anh ta chững lại. Dưới ánh đèn cao áp, tôi đâm ân hận khi thấy mặt anh ta như méo đi. Anh ta vội vã chia tay tôi, hẹn sáng hôm sau sẽ đến mượn tài liệu lâm sinh cho vợ. Nhưng rồi anh ta đã lẳng lặng giã từ thành phố và những người quen cũ.
Tộc, tộc, tộc,… Tiếng chim gõ kiến hôm nay nghe như tiếng mõ. Và trong lồng ngực chị, tim đập sao mà dội thế! Chị cảm thấy khó thở. Rừng im gió và vắng tiếng chim hót. Thiếu gió và thiếu tiếng chim thì dù có tia nắng lọt xuống rừng vẫn mang vẻ gì bí hiểm. Chị ngước tìm bầu trời qua kẽ tàn cây. Thấp thoáng vài vệt xanh cẩm thạch trên nền mây xám. Những vệt ấy hầu như không xê dịch. Không gian lắng đọng mà lòng chị nôn nao. Cuộc họp cán bộ cốt cán mở rộng do giám đốc triệu tập vừa mới đây còn hằn trong tâm hồn chị. Chị đâu còn giữ mãi niềm tin trẻ thơ của một cô gái mang nhiều hoài bão nhìn cuộc đời: Một lâm trường cơ giới hoá và điện khí hoá, máy bay phun thuốc trừ sâu và giàn mưa nhân tạo, nhà máy chế biến lâm sản và thành phố miền rừng. Chị đã cố quen với lề thói: nghĩ thì giản đơn và tuỳ tiện mà làm thì rối rắm và trì trệ của những người điều hành. Nhưng chị không sao hiểu nổi cái chủ trương phá hẳn một khoảnh rừng để giao cho công nhân viên lâm trường và dân vùng ven trồng trọt. Không chỉ vì cây vàng tâm. Tin cậy ở không khí "dân chủ cơ sở", chị đã mạnh dạn đứng lên bày tỏ ý kiến. Người ta giải thích cho chị nào là lâm nghiệp và nông nghiệp phải dựa vào nhau, nào là tháo gỡ khó khăn,.v.v…
Cái số đông đã thay nhau, chen nhau bảo ban, thuyết phục chị bằng đủ các thứ giọng. Chị tìm ánh mắt chồng. Chồng chị đã trang trọng đứng lên. Anh nói về cải thiện đời sống, về sự đa dạng của kế hoạch, về tính nhạy bén và tính chủ động sáng tạo, vân vân và vân vân. Không có lời nào trực tiếp phản bác chị. ở nhà, anh cũng chưa lần nào thẳng thừng bác bỏ những gì chị đưa ra trái ý anh. Lần nào thì cuối cùng chị vẫn làm theo anh, kể cả khi chị đã bắt đầu cảm thấy trong con người chồng mình lộ diện một con người khác. Hôm trước đó, chồng chị ra đi từ chập tối về muộn. Không đi ngủ ngay như mọi lần, anh tới ngồi sát bên chị đang khâu vá, vẻ tươi tỉnh và cởi mở, người thoảng hơi rượu. Anh hỏi công việc và tình hình ở rừng của chị. Đã lâu, anh mới lại hỏi han chị như thế khiến chị bối rối. Anh bỗng chuyển sang nói vui về những ước mơ bay bổng hồi trước của hai người, giọng như cười cợt cái ngây ngô của chính mình. Từ chuyện nọ xọ sang chuyện kia, như chẳng có dụng ý, anh nói tới chuyện ba tháng nữa thư ký liên hiệp công đoàn thành phố phải về hưu hơi sớm. Anh cười nhạt:
- Nếu những bê bối trong các vụ tuyển lao động xuất khẩu không toé loe thì đời nào lão chịu về. Cũng đã ních đầy túi rồi.
Anh trầm ngâm đi đi lại lại trong phòng, có cái gì đó vừa háo hức vừa băn khoăn. Chị chờ anh nói thêm, nhưng anh chưa vội lộ những điều mình đang nghĩ. Thì đó, phó bí thư thành uỷ bây giờ nguyên là thư kí liên hiệp công đoàn; còn bí thư thành đoàn thanh niên cách đây hai khoá nay đã lên chủ tịch thành phố.
Lên giường nằm cạnh vợ, anh nghịch chị khiến chị phải oằn người nép vào anh, một phản ứng rất con gái mà từ lâu đã phôi pha đi. Anh xiết vòng tay hỏi nhẹ:
- Cây vàng tâm tốt gỗ đấy chứ em?
Chị chưa kịp hiểu thì anh đã thủ thỉ:
- Thư ký riêng của đồng chí bí thư thành uỷ tiết lộ là đồng chí ấy đang cần một cỗ ván vàng tâm. Chắc là cho bà mẹ.
Chị xoay người né khỏi cánh tay chồng, nhìn thẳng vào anh hỏi lại:
- Chuyện ấy thì can gì đến mình?
Cô này thật vô tâm vô tính. - Anh phiền muộn và bực bội nghĩ - Nhiều kẻ rửng của dễ dàng dâng hiến, cống nạp những vàng, những đô-la, nhưng đố tầm nổi một cỗ áo quan gỗ vàng tâm hảo hạng đúng lúc.
Trong ánh sáng mờ của cây đèn ngủ, chị chợt nhìn thấy cái nhếch mép rất lạ của chồng. Chị nói như tự nhủ:
- Cây vàng tâm đang có dấu hiệu ra hoa.
- Ồi! - Chồng chị nén bực mình, chị cũng cảm nhận được- Có ai quan tâm gây lại cái giống vàng tâm. Vớ được cây nào sót lại phải nhanh tay mà chộp lấy, ai dại!
- Anh chẳng đã khuyến khích dự định của em đấy thôi.
- Cái thời ấu trĩ ấy thì nói làm gì. Cuộc sống mở mắt cho anh rồi. Bây giờ người ta trồng bạch đàn chứ không trồng lim, nói chi vàng tâm. Bạch đàn, sau dăm năm đã xài được, lim ít ra vài ba chục năm. Trồng lim tuy vậy vẫn không bông lông như cái việc nghiên cứu. Đâm đầu vào khoa học kĩ thuật thì chỉ thấy then với thấy chốt.
- Nhưng chẳng lẽ những hoài bão…
- Thôi! Ngủ đi!
Anh ta duỗi thẳng người và thở đều đều ngay. Chồng chị ngủ thật hay vờ chẳng rõ, riêng chị thì còn thao thức lâu. Chị nghĩ lung tung lắm chuyện song lại không dè được lúc này…
Giám đốc nhẹ nhàng lái hội nghị đi đến một nghị quyết viết sẵn. Chị cố nèo một ý kiến:
- Tôi đề nghị chưa thực hiện nghị quyết này vì vấn đề đặt ra nằm ngoài quy hoạch của lâm trường. Đoàn kiểm tra của bộ cũng sắp về.
Lần đầu tiên trong đời, chị đã dám có ý kiến riêng. Hơn nữa, ý kiến ấy lại ngược với ý kiến lãnh đạo, ngược với số đông. Trước kia chỉ mới mường tượng mình lâm vào cảnh này, tim chị đã đập thình thịch rồi. Ai nói ở đâu nhỉ? Con người lúc nào cũng sợ thì chẳng thể làm chủ ngay bản thân mình, nói chi đến dân chủ với tự do! Tự do, trước hết là không phải sợ.
Có tiếng từ hàng ghế đầu:
- Quyền tự chủ kinh doanh của cơ sở để đâu?
Một tiếng khác đế thêm:
- Làm chủ tập thể chứ không phải cá nhân làm chủ.
Chị nghĩ thầm: toàn lợi dụng mĩ từ! Nói "tập thể", nói "nhân dân" mà chẳng phải tôi, chẳng phải anh, chẳng phải ai cụ thể trong đám quần chúng cả thì chỉ suông thôi. Chị nói dứt khoát:
- Tôi xin được bảo lưu ý kiến.
Giờ đây đứng tựa vào gốc cây chị cảm thấy rõ ý kiến mình mới mong manh làm sao, thế của mình mới chông chênh làm sao! Chị bỗng thấy thổn thức nơi bụng dưới. Chị đặt nhẹ tay vào đó. Chị cảm thấy một mầm sống đang khẽ cựa, một mầm sống mà chị hằng thấp thỏm và dồn tinh chất của mình vào. Chị quên hết mọi nhọc nhằn, tinh thần và thể xác, chìm trong niềm vui và nỗi lo sắp lại được làm mẹ. Tuy không còn là niềm vui và nỗi lo lần trước, khờ khạo mà trắng trong.
Chị có nghĩ đến chăng: Lần này đứa con được hoài thai khi hoài bão của cha và mẹ nó đã rất khác biệt nhau, nếu cứ coi những mưu tính của người chồng là hoài bão.
Tộc, tộc, tộc, … tiếng gõ kiến khẩn cấp. Chị ngừng công việc quay nhìn. Khu rừng như giãn co cho chị nhìn thấy chỗ búi rừng có cây vàng tâm. Phía đó đang có gió xoáy và hình như có cả chớp giật. Chị sững sờ muốn chạy tới mà không sao chạy được, muốn kêu lên mà không sao kêu được. Tiếng gõ cứ giục. Cây vàng tâm bỗng bật rễ, lung lay mạnh muốn rời mặt đất. Tiếng gõ càng thôi thúc. Chị vùng mạnh một cái và thấy mình đang nằm trên giường. Kề bên, anh chồng đang bình thản ngáy. Chị nghe rõ tiếng vó ngựa khua trên đường lát đá ngoài kia. Trong nhà nhập nhoạng một thứ ánh sáng hồng hồng len vào qua các khe hở. Chị thở sâu mấy cái cho dịu bớt nhịp tim và ngồi dậy lay chồng. Anh ta ngáp một cái rõ dài, dụi mắt: - Cái gì thế? Anh ta hờ hững hỏi. Chị mở cửa ra ngoài và nhìn thấy ngay đám cháy rừng, chỉ kịp nói vọng vào nhà hai tiếng gọn lỏn, chị vội chạy đi. Vừa chạy, chị tự vừa hỏi không biết ngựa chạy đi cấp báo hay xe ngựa chở đồ cứu hỏa. Lâm trường có hai xe chữa cháy thì đều nằm liệt cả hai. Vả chăng, nếu không liệt thì cũng khó có đường vào được nơi đang cháy. Đúng như dự cảm của chị, cháy đúng khoảnh rừng chị phụ trách. Chị gò sức để chạy cho mau, song bước chân cứ chuệch choạc dần. Chồng chị đuổi kịp và chạy vượt lên, quát lại một câu mà chị không nghe rõ. Đã nhìn rõ khói trắng, khói đen. Đã nghe tiếng lửa. Đã nghe tiếng lửa reo phù phù. Đã cảm nhận hơi nóng hừng hực. Chị vẫn chạy tới, miệng há ra, trống tai đánh lùng bùng. Trước mắt chị hoa lên những lưỡi lửa đang liếm các cành lá, đang táp vào thân cây, và nhốn nháo những bóng người đang chạy đi chạy lại. Chị bỗng ôm bụng lảo đảo rồi khụy xuống, đổ nghiêng người trên bờ cỏ ướt sương đêm.
o O o
Nom qua, khoảng rừng có vẻ bị hại nặng. Thực ra, chỉ bị cháy lem nhem, rải ra nhiều nơi, chẳng ai có thể ngờ đến một vụ sắp đặt. Các cây gỗ có giá trị ít bị lửa chạm tới, hoặc giả có bị thì cũng chỉ qua loa. Qua báo cáo của giám đốc lâm trường gửi tới những nơi cần thiết, người ta hình dung ra cái chết không may của một khoảnh rừng do sự bất cẩn của số kẻ nào đó ngoài lâm trường lẻn vào hun các tổ ong mật, ong lỗ, ong vò vẽ sao đó. Công quỹ sẽ phải chi ra một khoản kha khá để trả công dọn. Báo cáo không nói tới những cây gỗ, nhưng phương án giải quyết nội bộ thì đã có từ trước rồi. Có người đã đề xuất rất chí lí rằng phải năng động biếu những ai đó, những cấp nào đó, đừng để thụ động tiếp các vị đến hôi của, nhất là đừng để bị quở. Nhưng cũng chớ không dưng lại khoe mỡ với mèo. Trong nội bộ, thu hẹp nên gọn thôi. Thứ dành cho nhu cầu riêng mỗi người, thứ liên hệ với "nhà thầu" khai thác gỗ, cái lưu tâm hàng đầu là làm sao cho nhẹm. Giời xui, đất khiến thế nào mà những gì mỗi vị đã chấm sẵn ít trùng nhau. Có trùng sơ sơ thì thương thảo cũng chóng vánh. Tiền "quả thực" thì phân theo vị thế. Sau này có ai ấm ức không thì chưa thể biết, hiện tại đang "đều vui vẻ cả". Vả chăng, trong "hoạn nạn chung của lâm trường" cần phải "tăng cường đoàn kết nội bộ".
Chị không được biết tất cả những chuyện đó. Người ta nhặt được chị và đưa đến bệnh xá ngay. Vừa tỉnh lại chị đã hỏi về đám chay. Chồng chị cho chị biết là mọi chuyện đều đã ổn. Mắt chị sáng lên trên bộ mặt xanh mướt, và môi chị phảng phất một nụ cười yếu ớt. Gần sáng, chị đau bụng dữ dội, và cái thai đã rời bỏ cái bọc ôm ấp nó thoát ra ngoài. Có lúc trong mê, chị thấy con gõ kiến chui từ người chị ra chờn vờn phía trước, và trong người chị trở nên rỗng không.
Chồng chị đều đặn vào bệnh xá thăm nom chị. Anh ta cũng đều đặn thăm nom cây vàng tâm để trù liệu cách hạ nó cho êm mọi nhẽ.
Hôm nay, chị có ý ngóng chồng. Chồng chị đang ở trong rừng với đội trưởng đội ba như ta đã thấy đầu truyện. Rồi anh ta cũng đến. Anh ngồi cạnh giường chị, cúi bộ mặt hồng hào và thỏa mãn xuống vợ. Chị thều thào hỏi:
- Cây vàng tâm ra sao?
- Không bị sém đến một nhánh con. Ầy! Thế mới tài. - Anh ta cao giọng, quên mất là đang ở buồng những người bệnh.
- Nó còn về đấy nữa không? - Chị gượng hỏi thêm.
- Ai kia? - Người chồng thực sự ngạc nhiên.
- Con gõ kiến ấy.
- Vẫn. à… mà hình như nó đã bỏ đi đâu mất rồi ấy. Nó phải hoảng chứ em.
Nó có hoảng không nhỉ? Chị mơ màng nghĩ.
Tôi đã nhìn thấy con chim ấy. Con gõ kiến nhồi trấu sấy khô vẫn bám chặt vào mảnh vỏ cây đính cao trên bức tường phòng khách lâm trường ở chỗ trang trọng nhất. Ngày ngày nó vẫn lé một bên mắt ngó xuống các hình người ngồi chễm chệ trong những chiếc ghế bành có đệm bọc nỉ sang trọng. Cứ ngỡ đến một lúc nào đó, nó sẽ lại quay về với công việc của nó và..."tộc, tộc, tộc,...".
Tiếng gõ của mày giúp ích hay phá hoại? Hay đơn giản chỉ là tiếng gọi tình, hả chim?.
Hải Phòng, 1/4/1997
Sưu tầm
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...