Thi ca bình dân Việt Nam quyển 2
Xã hội quan 1
LỜI CHUYỂN TIẾP
Qua tập đầu của «Thi
ca bình dân Việt Nam» chúng ta chỉ mới đi vào bản chất con
người, tìm hiểu con người trước lẽ sống.
Với sự hiểu biết ấy, chúng ta cũng chỉ mới nhóm lên một đóm lửa soi
rọi vào cõi u minh của dĩ vãng. Tuy nhiên, dù là một đóm lửa, một ánh sáng lù
mù, chúng ta vẫn thấy cần thiết khi phải nối lại một dĩ vãng với hiện tại, tìm
hiểu lịch sử diễn biến của con người.
Dòng thời gian ấy cho phép chúng ta xác định lịch sử con người là
cuộc diễn biến của tâm tư đi dần vào lịch sử tiến hóa của khối óc, và lịch
trình tiến hóa này đã làm lịch sử cho tâm tư con người, và cuối cùng chúng ta
dừng bước ở sự cách biệt hiện hữu giữa con người thời xưa và con người thời
nay. Sự cách biệt ấy đánh dấu một tiến trình lịch sử.
Như vậy, ở tập đầu chúng ta chỉ mới tìm hiểu quan niệm nhân sinh
của người bình dân thời xưa. Mà thế giới thi ca bình dân không phải chỉ riêng con người,
riêng tâm tư con người, mà còn có cả nếp sống xã hội, một tổ chức xã hội làm
nền tảng cho cuộc sống.
Nếu chúng ta quan niệm những cảm nghĩ, những suy tư đối với xã hội
con người là thượng tầng kiến trúc, thì chính guồng máy xã hội, nếp sống xã hội
lại là hạ tầng cơ sở để dung nạp những suy tư, cảm nghĩ ấy, nên hai lãnh vực
phải dung hòa với nhau ; nếu trái lại, chúng ta sẽ tìm thấy ở đó những nứt
rạn, đổ vỡ, mà tiếng nói con người chỉ là chứng tích của trạng thái nứt rạn, đổ
vỡ ấy. Cho nên, ở tập đầu chúng ta đi sâu vào tâm tư con người, tức là tìm hiểu
quan niệm nhân sinh, tìm hiểu thượng tầng kiến trúc, thì ở tập kế tiếp này, dĩ
nhiên chúng ta không thể bỏ qua việc thứ yếu là đi sâu vào tổ chức sinh hoạt,
guồng máy xã hội, để tìm hiểu hạ tầng cơ sở, tức là tìm hiểu quan niệm xã hội
đối với người bình dân, và xem chế độ xã hội ấy trải qua dòng lịch sử thời gian
có thích hợp với nhân sinh quan của họ chăng ?
Tổ chức sinh hoạt, tức guồng máy xã hội, tự ngàn xưa vẫn luôn luôn là hiện tượng độc
tài và ích kỷ, đáng lý phải bảo vệ lẽ sống của nhân quần, xã hội thì nó lại bị
lợi dụng như công cụ riêng tư của nhóm người thống trị dùng để đàn áp, bắt nhân
quần phải sống theo một qui chế, một tổ chức trái với nhân sinh quan của đa số
người đương thời. Do đó, chúng ta có thể nói lịch sử xã hội loài người là lịch
sử mâu thuẫn, chống đối, phá phách, để rồi kiến tạo giữa ý thức về lẽ sống và ý
thức tổ chức guồng máy xã hội. Muốn tránh khỏi trạng thái ấy, con
người cần phải tìm hiểu được nhân sinh quan đích thực của họ, và tổ chức guồng
máy xã hội cho hợp với quan niệm ấy.
Song việc tìm hiểu nhân sinh quan đích thực của con người là
chuyện khó khăn. Ngày
nay, khi xét đến nhân sinh quan, chúng ta chỉ nhận thấy quan niệm nhân sinh do
dục vọng cá nhân cấu tạo, tức là phần nhân sinh quan đã
bị pha trộn vào cuộc sống, nó biến thái thành thiên hình vạn trạng, phân hóa đủ
mọi tính chất, chúng ta không thể nào tìm ra nhân sinh quan đích thực của con
người nữa. Đã không tìm ra được thì cũng không thể nào vạch ra được một tổ chức
xã hội chân chính để phù hợp với lẽ sống con người. Không làm được điều đó,
chúng ta cảm thấy thân phận con người sẽ bi đát, dễ trở thành mục tiêu cho hủy
diệt.
Nhưng thế nào là nhân sinh quan đích thực ?
Nói một cách giản dị thì nó là quan niệm chung của con người đối
với lẽ sống. Nó không phải là những cảm nghĩ, suy tư của một cá nhân, một dân
tộc, một thời đại, nó là một hiện tượng dung hợp của toàn thể loài người đối
với diễn biến của vũ trụ qua mọi thời gian. Với tính chất cấu hợp duy nhất của
tâm tư, khiến loài người khi đã phân hóa để trở thành cá biệt, thì thực khó mà
tìm thấy.
Tuy nhiên, không tìm thấy không phải là không có. Cho nên, trong
lúc chúng ta không tìm thấy thì hiện tượng đích thực của nhân sinh quan vẫn
ngấm ngầm phá phách, chối bỏ, bất mãn với guồng máy
tổ chức xã hội
đã không phù hợp với bản chất của nó, tạo thành dòng lịch sử loài người chứa
đầy mọi chứng tích đấu tranh.
Nghiên cứu về lịch sử xã hội loài người, xưa nay các triết gia đã
đưa ra rất nhiều lập thuyết. Nhưng chúng ta có thể qui tụ vào hai quan
điểm : xã hội đạo học và xã hội khoa học.
Xã hội đạo học là xã hội hầu hết của các dân tộc Đông-phương.
Người Đông-phương trước kia xem tổ chức xã hội như một định lý thiên nhiên, tự
nó phải có, và tự nó tác thành mọi diễn biến ngoài khả năng con người. Họ cho
con người đối với xã hội như một thân phận lệ thuộc vào định lý ấy. Vì quan
niệm như vậy nên họ xem cuộc đời như là bể khổ trầm luân, như là tiền căn hậu
kiếp. Họ sống để
không làm gì cả, mà chỉ ép mình làm xong cái việc chịu đựng với
định mệnh, chờ giải thoát ra ngoài cái vòng biến dịch của tạo hóa. Cũng vì quan
niệm thế mà xã hội Đông-phương tự ngàn xưa mang mãi ý thức sống với sắc thái
tiêu cực. Nếu có tranh đấu thì họ tranh đấu để làm người hơn là để cải tạo xã
hội. Làm người đối với họ nghĩa là cố gắng chịu đựng những gian nguy, áp bức,
bất công, có nghĩa là an phận phục tùng mọi cơ cấu xã hội mà họ cho là thiên
mệnh.
Xã hội khoa học phát xuất từ Tây-phương do khả năng tiến bộ của kỹ
thuật. Sự phát minh của khoa học đã tạo cho dân tộc Tây-phương có một tầm mắt
khác biệt Đông-phương. Họ không coi tổ chức xã hội loài người như là một định
lý thiên nhiên mà họ cho con người có thể biến cải thiên nhiên, biến cải xã
hội. Từ chỗ tin tưởng ở khối óc thông minh, con người có thể giành cho con
người một cuộc sống khác với định luật vũ trụ, họ bắt đầu đi vào việc chinh
phục thiên nhiên, chinh phục xã hội, coi tổ chức xã hội là của con người, của
trí khôn con người, không lệ thuộc vào một định mệnh nào cả. Trong lúc họ phát
minh khoa học để chinh phục thiên nhiên thì họ cũng phát minh khoa học để chinh
phục con người, biến cải guồng máy xã hội trở thành những công cụ như những
công cụ khoa học.
Do đó, xã hội quan giữa hai miền Đông Tây trở thành cách biệt.
Cuộc sống ở xã hội Tây-phương đi vào con đường tranh đoạt để kiến tạo, lẽ dĩ
nhiên không tránh khỏi va chạm. Họ cho rằng tổ chức xã hội loài người chỉ là
phương tiện do con người tạo ra để tranh đoạt quyền sống cho một lớp người. Họ
cố đem khả năng trí óc để tiếm đoạt guồng máy ấy làm cho xã hội loài người biến
thành trạng thái hỗn độn, và chiến tranh phát khởi từ trong lòng của mỗi dân
tộc lan ra ngoài những xứ khác.
Nói như thế không có nghĩa là chỉ có tổ chức xã hội khoa học mới
có chiến tranh, mới có những mâu thuẫn trầm trọng trong guồng máy tổ chức xã hội. Tự ngàn xưa trên thế giới
loài người, từ Âu sang Á, từ Đông sang Tây, bất kỳ nơi nào, lịch sử xã hội
cũng mang những dấu vết tranh đoạt, những chứng tích đổ vỡ trong guồng máy tập
thể. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng tính chất chiến tranh và tính
chất mâu thuẫn của mỗi nơi một khác, tùy thuộc vào quan niệm xã hội
của con người thời ấy. Nói cách khác, cuộc chiến tranh trong tổ chức xã hội
khoa học không giống với cuộc chiến tranh trong tổ chức xã hội đạo học, cũng
như những mẫu thuẫn trong guồng máy xã hội khoa học không giống với những mâu
thuẫn trong guồng máy xã hội đạo học. Chúng ta có thể
lấy một vài thí dụ điển hình trong xã hội Trung-Hoa là một xã hội đạo học. Ở
Trung-Hoa, dòng lịch sử xã hội của họ là dòng lịch sử nối tiếp bằng những trận
chiến không ngừng qua các triều đại. Nhưng tính chất của nó không thoát ra
ngoài tầm quan niệm đạo học.
Một Trụ-vương say mê Đát-Kỷ, thi hành nhiều tàn bạo đối với dân
nên bị nhà Châu chinh phạt. Một Tần Thủy hoàng bạo ác bị Hạng-Vũ và Lưu-Bang
tiêu trừ… Hầu hết nguyên ủy chiến tranh đều không nằm trong tính chất chiếm
đoạt, mà nằm trong tính chất bảo vệ đạo lý. Bởi vậy chúng ta mới thấy những
việc như Tống
Tướng công đánh giặc dựng cờ nhân nghĩa. Mạnh-Thường-Quân, Bình-Nguyên-Quân đem
đạo nghĩa thu phục lòng người. Những tay kiếm sĩ như Kinh-Kha, Chuyên-Chư, Yếu-Ly…
toàn là những mẫu người điển hình về quan niệm đạo học.
Ngược lại, trong
xã hội khoa học, tính chất chiến tranh không phát xuất từ ý niệm ấy. Những trận
Nga – Nhật chiến tranh, Pháp – Đức chiến tranh, qua hai lần
thế giới đại chiến sử, chúng ta thấy rằng tính chất xã hội quan giữa hai miền
Đông Tây khác biệt hẳn. Thế giới khoa học đã đem mọi phát minh của
khối óc con người phá vỡ những niềm tin của thế giới đạo học, đưa thế giới đạo
học vào quĩ đạo tranh đấu, cướp đoạt tự tồn, và xã hội
quan của thế giới đạo học không còn nguyên vẹn nữa.
Thế giới đạo học bắt đầu hỗn độn theo đà tiến triển của khoa học.
Xã hội quan của nhân loại bắt đầu chuyển hướng chung là dùng khoa học để cải
tạo đời sống con người, lấy
guồng máy tổ chức xã hội làm phương tiện. Suốt thời gian mấy thế kỷ qua, kể từ
những phát minh trong ngành cơ khí, loài người vẫn mang khát vọng cải thiện
thân phận, nhưng khoa học lại không giải quyết được lẽ sống con người. Khoa
học càng tiến bộ, cuộc sống loài người càng dẫn đến chỗ cấu xé nhau bi đát. Cho
nên ngày nay con người phải đặt lại vấn đề lẽ sống trước sự tiến bộ cực kỳ tinh
vi của khoa học. Người ta bắt đầu nghĩ đến nền móng của đạo học bị lu mờ, trong
đó nguyên nhân chính yếu là sự chênh lệch, mất thăng bằng giữa hai tổ chức xã
hội : đạo học và khoa học.
Nước Việt-Nam ta từ ngàn xưa ảnh hưởng vào nền đạo học Trung-Hoa.
Các sử gia Việt-Nam đã ghi lại điều đó, và chúng ta cũng không thể nào phủ nhận được.
Tuy nhiên, nếu chúng ta đi sâu vào dân tộc tính, tức là phần cá biệt của guồng
máy xã hội thì chúng ta lại cũng không chối bỏ những dị đồng đối với nền đạo
học Trung-Hoa. Càng khác biệt hơn nữa, tính chất xã hội bình dân Việt-Nam không
thể nào giống như tính chất xã hội bình dân Trung-Hoa,
mặc dù cả hai nền xã hội vẫn cùng một căn bản đạo học.
Sự khác biệt như
thế nào ? Nguyên nhân khác biệt ấy do đâu ? Người bình dân có một ý
niệm về xã hội ra sao ? Đó là mục đích khảo sát của chúng ta trong tập
sách này. Những chứng tích trong thi ca bình dân sẽ giúp chúng ta minh định
những điều đó.
PHẦN
THỨ HAI : CHƯƠNG I
B) NGƯỜI BÌNH DÂN ĐỐI VỚI SINH HOẠT XÃ
HỘI
Tại sao có sinh hoạt xã hội ?
Đó là một câu hỏi mà xưa nay loài người đã giải đáp bằng nhiều
khía cạnh khác nhau. Nhà sử học có một nhận định không giống nhà triết học xã
hội, nhà triết học xã hội có một quan điểm không giống với nhà nhân chủng học…
Sự khác biệt ấy mang nặng tính chất do mọi khía cạnh chuyên môn của mỗi ngành
qua chiều hướng khảo sát của họ. Nhưng nhìn chung thì nền tảng xã hội bao giờ
cũng bắt nguồn từ cơ cấu gia đình. Cuộc sống chung đụng giữa con người và con
người khởi nguồn từ việc cấu tạo gia đình đi đến cấu tạo xã hội. Cho nên, gia
đình và xã hội luôn luôn tương quan mật thiết với nhau. Cơ cấu gia đình phát
sinh từ quan niệm luyến ái, nhưng lại ảnh hưởng sâu xa vào sinh hoạt kinh tế,
do đó, sinh hoạt kinh tế trở thành căn bản cho tổ chức gia đình. Sinh hoạt xã
hội là bao gồm nhiều sinh hoạt gia đình họp lại, cho nên tổ chức và sinh hoạt
xã hội phải cấu tạo trên cơ sở tổ chức và sinh hoạt gia đình.
Với nguyên lý trên, chúng ta bắt đầu tìm thấy dân tộc tính. Bởi vì
dân tộc tính là tính chất riêng biệt của một khối người, cùng sinh hoạt trong
một tổ chức xã hội, có những tâm tư giống nhau, có những ý thức sinh hoạt giống
nhau, mà những dân tộc khác, sống ở vị trí khác, một hoàn cảnh sinh hoạt khác
không thể có được.
Sự dị biệt của mỗi dân tộc trong mọi nếp sống đã đưa đến cho nhân
loại ngày nay một cảm nghĩ mới, đó là cảm nghĩ xem những đặc tính của mỗi dân
tộc như những sản phẩm của nhân loại, nền tảng của xã hội loài người. Bắt nguồn
từ đó, các nhà khảo cứu mở thêm một chân trời mới, khảo cứu về nhân chủng học,
tìm hiểu những đặc tính của ngôn ngữ, phong tục, tín ngưỡng, sinh hoạt… từng
mỗi dân tộc trên thế giới. Ngày nay khoa nhân chủng học được xem ngang hàng với
các môn khảo cứu khoa học khác.
Những yếu tố nào đã thúc đẩy con người phải khảo sát về nhân chủng
học ?
Trước nhất, chúng ta thấy rằng, cho đến ngày nay, khoa học đã thừa
nhận sự khác biệt giữa con người và con người, giữa xã hội và xã hội, trong đó
chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp. Sự khác biệt ấy chính là nguồn gốc đã đưa xã
hội loài người vào một trạng thái mâu thuẫn triền miên, mà con người, khi đặt
vấn đề nhân loại, tìm kiếm một khả năng tổ chức có thể dung hợp với mọi cuộc
sống, đem lại hạnh phúc chung cho loài người, thì loài người hầu như bất lực.
Sự bất lực của loài người phần lớn là do con người không tìm hiểu được con
người, không tìm hiểu được những khác biệt giữa con người và con người. Do đó
mà khoa nhân chủng học trở thành cấp thiết trong việc tìm hiểu con người, bản
tính con người, những khác biệt giữa con người để phụng sự lẽ sống.
Mặt khác, ngành nhân chủng học phát triển cũng có thể một phần do
tham vọng chinh phục của con người. Thế giới loài người phát triển trên tiến
trình cấu xé, cướp giựt giữa nhân loại, giữa chủng tộc này với chủng tộc khác.
Khoa học đã trở thành sức mạnh khống chế, ngự trị, tiêu diệt con người, nhưng
khoa học không thể nào khuyến dụ, mua chuộc, bắt con người bị trị đem lại sự
cảm mến, yêu thương đối với kẻ thống trị, nếu kẻ thống trị không hiểu thấu con
người họ, hiểu những khác biệt di lưu và cấu tạo trên dòng lịch sử xã hội của
họ. Cho nên ngành nhân chủng học phát triển, ngoài mục đích tốt đẹp nói trên,
cũng còn là yếu tố cần thiết đối với thế giới khoa học ngày nay trong lãnh vực
tranh đoạt, chinh phục nữa.
Trong quyển « Hành trình vào dân tộc học » do
Nam Sơn xuất bản năm 1966, ông Lê-Văn-Hảo đã phác họa mục đích nghiên cứu ngành
dân tộc như sau :
*
a) Mục
đích gần nhất của dân tộc học là thỏa mãn tính hiếu kỳ, nhưng đây không phải là
óc tò mò nông nổi, phù phiếm, vô thưởng
vô phạt mà là niềm hi vọng so sánh những nếp sống khác nhau để
hiểu thêm nếp sống của chính mình, và hiểu thêm về con người nói chung. Nếu dân
tộc học là khoa học hiếu kỳ thì cũng nên ghi nhận thêm rằng sự hiếu kỳ, kinh
ngạc là nguồn gốc của mọi cố gắng tìm tòi nghiên cứu, là động cơ thúc đẩy mọi
công tác khoa học…
b) Công
tác dân tộc học nhằm tìm hiểu những khía cạnh đời người khác nhau trong không
gian, thời gian, để đi đến một nhận thức về khả năng và giới hạn con người
trong sự nỗ lực xây dựng những xã hội con người quân bình và đích thực. Nói
cách khác, dân tộc học đưa đến sự hiểu biết về định luật chi phối nếp sống của
những đoàn thể người, đưa đến ý thức về tính cách thuần nhất của bản vị dân
tộc, tính cách quân bình của mỗi đơn vị xã hội từ thời đại khuyết sử đến giai
đoạn lịch sử ngày nay. Đóng góp vào công việc vẽ lại quá trình tiến hóa của con
người và phê phán những giải pháp do vấn đề sinh hoạt tập thể nêu ra, dân tộc
học là một khoa học có ích.
c) Đi
xa hơn nữa, kiến thức dân tộc còn có thể đưa đến sự kính trọng phẩm giá con
người và đề cao vinh dự làm người khi ta hiểu rằng con người cùng có một bản
chất nhân đạo chung mà các sắc thái văn hóa riêng chỉ nói đến sự phong phú đa
hình trạng của một loài sinh vật đang ở trong đà bành trướng và sáng tạo trên
những môi trường đất đai khác nhau. Nếu ta xem sự cố gắng xây dựng lại thế quân
bình trong mỗi hình thức xã hội người bất đồng chủng tộc như là một cứu cánh,
một nẻo ra, một chung quả của tiến bộ thì dân tộc học trở thành một khoa học
cần thiết, một khoa học có tính cách nhân bản khả dĩ hướng dẫn con người trở về
những quân bình và đích thực, bàng bạc trong tính người, tính nhân đạo.
Có thể nói rằng dân tộc học là một trong những bộ môn của ngành nhân
học, có khả năng cho ta thấy rõ chiều hướng đi lên của văn hóa vật chất và tinh
thần như là khuynh hướng của căn bản của việc tiến hóa tập thể và của tính
thiện hóa can nhân.
Ngoài ý kiến phác họa mục đích cấp thiết và lợi ích của ngành dân
tộc học, ông Lê-Văn-Hảo còn minh định đối tượng khảo sát riêng cho ngành học
này.
Theo ông, vấn đề đi tìm nguồn gốc loài người là vấn đề nhân loại
học. Nhân loại học là một khoa học tổng hợp nhằm phán đoán về bản chất con
người, về đời sống xã hội và cuộc tiến hóa của loài người, dựa trên những kiến
thức và lý giải căn bản của dân tộc học. Dân tộc học là môn khoa học phân tích
cùng cưu mang một tham vọng như sử học, là vẽ lại quá trình tiến hóa của con
người, nhưng khác với sử học, chủ yếu dựa trên những tài liệu sống động, rút ra
từ nếp sống và nếp nghĩ của các dân tộc không lấy chữ viết làm phương tiện
chính để chuyển vận văn hóa. Bản chất đặc biệt của tài liệu cũng như tính cách
khá độc đáo của phương pháp thu thập tài liệu làm cho dân tộc học dị biệt với
các môn học khác về mặt đối tượng và mục đích.
Với quan niệm trên, ông Lê-Văn-Hảo căn cứ vào các đối tượng sau
đây làm căn bản khảo sát :
*
1) Kỹ-thuật-học là khoa học về các dụng cụ, về cách thức chế tạo dụng cụ và phương
pháp khai thác thiên nhiên trong những công nghệ và kỹ nghệ. Những kỹ thuật
chính được sử dụng là : kỹ thuật về thân thể (cách đi, chạy, nhảy, trèo,
đứng, ngồi, nghỉ, ân ái), kỹ thuật chế tạo (dụng cụ, vũ khí), kỹ thuật thu thập
(chăn nuôi, làm rẫy, cấy cày…), kỹ thuật tiêu thụ (ăn uống, quần áo, nhà cửa).
2) Phong-tục-học là khoa học về các hình thức xã hội trong các đoàn thể người cổ sơ
và cổ truyền : cơ cấu gia đình, bộ lạc, thị tộc, thôn xã, ý nghĩa của hội
hè, của trò chơi…
3) Tín ngưỡng học là khoa học về các hiện tượng khơi nguồn cho tôn giáo : tín
ngưỡng và nghi lễ bao hàm trong thần thoại, đạo thờ hồn, đạo thờ thiên nhiên,
đạo thờ vật tổ, đạo thờ tổ tiên, đạo đồng
bóng… quan niệm về linh thiêng, cấm kỵ, tính cách tượng trưng và
huyền bí của thời gian, không gian…
4) Văn học dân gian chỉ toàn bộ các sáng tác văn chương truyền miệng như chuyện
thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, khôi hài, ngụ ngôn, tục ngữ, ca dao, như
phần văn chương của nghệ thuật sân khấu…
Tiếng nói mỗi một dân tộc, những thổ ngữ, những thuật ngữ dùng để
chỉ định các chi tiết của sự vật thông thường, đó là đối tượng của dân tộc ngữ
học.
5) Dân tộc nhạc học là một nghiên cứu đặc biệt về âm nhạc của xã hội cổ sơ, âm
nhạc dân gian của các xã hội tân tiến và âm nhạc bác học của các nền văn minh
thuộc mấy châu Á, Phi, Mỹ ; những loại thanh nhạc và khí nhạc, cơ cấu và
cách sử dụng nhạc khí, những điều kiện hình thành và lưu truyền của các nền dân
tộc nhạc ấy, những phương pháp kỹ thuật và những sự kiện phong tục liên hệ.
6) Dân tộc mỹ học là khoa học về những sáng tác mỹ thuật trong các xã hội cổ sơ và
cổ truyền. Những sáng tác phẩm của nền công nghệ địa phương, những điệu múa,
những tranh vẽ bình dân (tranh dân gian), những pho tượng có tính cách tôn
giáo.
7) Sau
hết dân tộc động
vật học và dân tộc thực vật học là hai khoa học nhằm ghi chép và giải
thích tất cả những thuật ngữ dùng để chỉ định loài vật và cây cối của một địa
phương cùng những tục ngữ, ca dao, thần thoại, truyền thuyết, tín ngưỡng của
những kỹ thuật liên hệ.
*
Theo phương pháp tìm những đối tượng trên đây để khai thác khoa
dân tộc học, nhà dân tộc đã tự đặt mình vào một thế đứng khách quan, không lệ
thuộc vào những truyền sử đã có sẵn, mà chỉ tìm những chứng tích di lưu của một
dân tộc để tự mình xác định những cá biệt, những điều kiện thực tiễn làm nền
tảng cho việc suy cứu quá trình tiến triển mỗi dân tộc.
Như vậy, nhà dân tộc học không căn cứ vào lịch sử, bởi vì họ cho
lịch sử dân tộc cũng chỉ là một huyền thoại được lưu lại, mà giá trị một huyền
thoại, theo họ, cũng không hơn những chứng tích do sinh hoạt xã hội lưu lại.
Quan niệm này, ông Nguyễn-Văn-Trung đã biện bạch trong bài « Đặt
lại vấn đề văn minh với Claude Lévi-Strauss » ở báo « Bách khoa thời đại » số 222 và 223 tháng 4 năm 1966.
Và, đi xa hơn nữa, ông Nguyễn-Văn-Trung còn cho phương pháp khảo
cứu dân tộc học là công trình thiết thực và cấp bách, cần phải được tranh thủ
với thời gian. Ông viết :
« Công trình khảo sát dân tộc học không còn là một tiêu
khiển thỏa mãn óc tò mò, hay một ưa thích cái ngoại lai xa xôi, mà là một nỗ
lực khai thác cái phong phú của con người, mở rộng những chiều cạnh còn bị che
giấu của nhân loại. Công trình đó phải được xúc tiến mau lẹ, vì nó bị thời gian
hạn chế. Dân tộc học mới phôi thai từ một thế kỷ này và cũng chỉ còn sống một
thế kỷ nữa mà thôi, vì những xã hội cổ sơ đang ở trong đà tan biến mau lẹ. Ngày
xưa nhân loại có nhiều văn minh khác nhau, nhưng cách biệt, không liên lạc gì
với nhau. Người ta có thể dự đoán đến thế kỷ thứ XXI chỉ còn một thứ văn hóa,
một thứ nhân loại. Do đó chúng ta lựa những nhà thiên văn được đứng ở địa điểm
dễ quan sát sự xuất hiện những vì sao đặc biệt và sẽ không còn xảy ra nữa.
Trong hai thế kỷ, và chỉ trong hai thế kỷ mà thôi, một nhân loại đi qua bên
cạnh một nhân loại khác và có thể quan sát nó. Chính thế mà tôi nghĩ rằng công
việc của chúng tôi khẩn cấp hơn là việc nghiên cứu nguyên tử hay chinh phục
không gian là những công trình, không như dân tộc học, bị hạn chế bởi thời
gian ».
Với quan niệm trên, ông Nguyễn-Văn-Trung đã đặt tâm tư mình vào sự
nghiệp của nhân loại, lo cho những gì mất mát không thể nào tìm ra nữa. Thời
gian, một năng lực bất khả kháng mà cho đến ngày nay, giữa thế hệ chúng ta, khi
mà văn minh khoa học tiến triển một cách siêu việt, thì ngược lại, những gì có
liên hệ đến thời gian, trong dĩ vãng, chúng ta thấy hầu như phai mờ, lãng quên
dần. Tại sao chúng ta lại ruồng bỏ những nền văn minh sơ cổ. Hay chúng ta cho
những gì sơ cổ, những gì của dĩ vãng là dã man, hoang dại, không giúp ích gì
cho đời sống con người, chỉ có khoa học tân tiến mới là văn minh, đáng cho ta
khảo cứu và giữ gìn ?
Sự thực, nếu định nghĩa một cách vô tư, đứng ra ngoài cái vị ngã
của con người thì văn minh thời sơ cổ và văn minh thời tân tiến chưa hẳn đã
phân định được cái văn minh nào hợp với lẽ sống con người hơn.
Trong bài báo trên, ông Nguyễn-Văn-Trung cũng có bày tỏ quan niệm
của ông về điểm này. Ông viết :
*
Từ lâu tôi vẫn nuôi ý định biên soạn một bộ khảo luận về Tư-tưởng
thuần túy Việt-Nam, nhưng tôi vẫn thắc mắc tại sao Việt-Nam không có triết học,
hiểu như công trình xây dựng hệ thống hẳn hoi ? Tại sao Việt-Nam không có
lý luận học ?
…Khi chúng ta có dịp lên vùng Cao-nguyên, gặp bên đường từng tốp
người đen sạm, đóng khố, cõng con nhỏ hay đeo củi rừng, chúng ta bảo nhau đó là
bọn Mọi. Tiếng mọi là tiếng chửi rủa, chê bai. Mọi là dã man, sơ khai, không
văn minh và dĩ nhiên người chê bai, chửi rủa là văn minh, nhân đạo… Ít lâu nay
chúng ta đã gọi người Mọi là người Thượng và hơn nữa « đồng bào
Thượng ». Nhưng thực ra ngôn từ « đồng bào » mới chỉ là ngôn từ
chánh trị, tuyên truyền, chưa biểu lộ một tình tự gì thân thiết, đích thực, có
khả năng rung động chúng ta như những người Việt-Nam với nhau. Vì một lẽ, chúng
ta vẫn thấy « họ » xa lạ, không dính líu gì đến chúng ta. Nếu muốn
tìm hiểu họ thì cũng chỉ vì tò mò muốn biết một thứ người xa lạ, như khi vào xem
vườn Bách-thảo, sở thú, và nếu có mua những đồ dùng của người Thượng cũng chỉ
để chơi, trang hoàng, vì chúng không liên quan gì đến nếp sinh hoạt ta…
Khi ngành nhân chủng học bắt đầu thành lập, những nhà nhân chủng
đầu tiên cũng có một thái độ tương tự đối với người « mọi rợ » sơ
khai. Họ coi những thổ dân đó như những chủng tộc sa đọa, đang trên con đường
bị tiêu diệt, hoàn toàn khác biệt với những dân tộc văn minh, và vì tò mò khoa
học, hay vì ưa thích ngoại lai, nên họ đi xa để khám phá ra những dân tộc mất
hút trong những rừng rậm Úc-châu, Phi-châu, Nam-Mỹ với một thái độ nghiên cứu
khoa học. Trong viễn tượng đó, người mọi rợ, sơ khai chỉ là một sự vật, đối
tượng nghiên cứu của nhà khoa học chứ không phải con người với những ý nghĩa,
giá trị phong phú vẫn được gán cho con người. Nhà nhân chủng đứng xa mà nhìn
tới, và đứng trên nhìn xuống người « mọi rợ » mà họ coi là một thứ
người chưa hẳn là người, một thứ người sơ khai, còn rất gần với thiên nhiên,
động vật, nghĩa là còn nhiều nhiên tính, thú tính, và chưa « nhân
loại » vì còn ở trần truồng, ăn sống nuốt tươi, ăn lông ở lỗ, và đôi khi
còn ăn cả thịt người, một thứ người chưa văn minh hay văn minh còn rất thấp kém
vì đời sống còn thu hẹp vào bản năng, tình cảm, chưa biết tư tưởng, sinh hoạt
trí thức, còn mê tín dị đoan, ngu muội.
Cũng xuất phát từ thái độ khinh bỉ, coi người mọi rợ là kém cỏi,
sơ khai, nhà thừa sai, nhà chính trị đã từng bạo động thi hành chính sách
« đồng hóa » đòi hỏi người Mọi, người Thượng từ chối nếp sống của họ,
ngôn ngữ của họ để theo lối văn minh của người chinh phục.
Hoặc là trái ngược hẳn với thái độ trên, là thái độ giận dỗi, chán
ghét xã hội văn minh bị coi là sa đọa, thối nát duy vật và chạy đi tìm ở
Đông-phương, Phi-châu sự cứu rỗi trong những học thuyết huyền bí, duy linh… hay
trong huyền thoại về những người sơ khai tốt lành.
Giữa hai thái độ đó, có thái độ xuất phát từ ý tưởng nhân bản đối
với những thổ dân sơ khai.
Người « văn minh » hay « bán khai » cũng chỉ là một con người, trước những hoàn cảnh địa lý khác nhau đã lấy tình cảm để biểu lộ, đã dùng trí tuệ để tìm hiểu và xây dựng những quan niệm về việc đời, những tổ chức chế lập xã hội thích nghi với hoàn cảnh riêng biệt của mình : Do đó có nhiều nền văn minh khác nhau, nhưng đều gặp nhau ở khởi điểm (cũng một cơ cấu trí tuệ, một khả năng cảm xúc, chỉ khác nhau cách cảm xúc, lãnh hội). Nói cách khác, cũng cùng một thiên tài, những lo lắng, khát vọng, những dụng cụ, chỉ khác nhau về kiến trúc xây dựng. Do đó, người sơ khai cũng có tư tưởng, có luận lý, có hệ thống siêu hình, có chế lập xã hội phức tạp, nghĩa là chỉ có những văn minh khác nhau, chứ không phải có và không có văn minh, hay văn minh hơn, văn minh kém, vì những văn minh khác nhau xây dựng trên những cách nhìn, quan điểm, những nguyên tắc khác nhau. Tuy nhiên, những kiến trúc xây dựng khác nhau đó đều bắt nguồn hay đều tựa trên một vài cơ cấu lược đồ trí tuệ căn bản của con người, mà sự khác biệt về kiến trúc chỉ là kết quả của một công trình biến thiên sắp xếp những cơ cấu trên. Vậy những văn minh có thể gặp nhau, hiểu nhau, thông cảm với nhau trong những cái phổ biến, cái nhân loại. Trong viễn tượng trên, nhà nhân chủng học đến với những thổ dân như đến với những con người, mà sự khác biệt về lối sống làm cho họ cảm thấy xa lạ, cách trở, nhưng ngược lại cũng làm cho họ cảm thấy gần gũi, thân thiết như anh em một gia đình lớn là xã hội loài người một khi họ đã cởi mở và tôn trọng tìm thấy được cái nhân loại trong những người trước đây bị coi là man di, phi nhân, sơ khai…
Nếu đứng vào lãnh vực nhân bản, đặt con người ra ngoài ý thức
tranh chấp, cá nhân, ích kỷ thì quan điểm của ông Nguyễn-Văn-Trung trên đây quả
thật không có gì lầm lẫn. Khi nói đến văn minh và dã man, đem so sánh hai cuộc
sống để xác định giá trị là chúng ta đã đặt mình vào ý thức tranh chấp rồi !
Sở dĩ chúng ta khinh bỉ một giống người dã man, thiếu văn minh, chỉ vì ta nhận
thấy lẽ sống chúng ta là đúng. Nhưng cái đúng của chúng ta là gì ? Nó chỉ
có nghĩa là hợp với ý thích của chúng ta mà thôi. Như thế, tại sao kẻ bị chúng
ta gọi là dã man, thiếu văn minh, họ cũng có ý thích của họ, mà không có quyền
tự hào cho họ là văn minh và cho chúng ta là dã man ?
Vì quan niệm lầm lạc như vậy, nên nhiều nhà chính trị đã cho nền
văn minh của xã hội loài người như một lịch trình tiến hóa duy nhất, mà kẻ
không làm giống với sự tiến hóa ấy là lạc hậu, họ bắt buộc mọi người thừa nhận
và sống theo lẽ sống duy nhất ấy.
Để chứng minh điều sai lầm này, ông Claude Lévi-Strauss có viết
trong tập du ký « Tristes tropiques » và được ông Nguyễn-Văn-Trung đem ra
viện dẫn trong báo « Bách khoa thời đại » :
« Điều làm cho tôi chú ý trước tiên là sự thất bại của những
nỗ lực đồng hóa do các nhà cầm quyền hay các vị thừa sai chủ trương. Chẳng hạn
người ta định cư, lập làng cho thổ dân theo kiểu hiện đại : trạm phát
thuốc, nhà thờ, nhà trường, phát quần áo, dụng cụ. Nhưng sau một thời gian tiếp
xúc với văn minh, những thổ dân trên chỉ còn giữ lại con dao, cái búa, cái kim
khâu, và từ chối mọi yếu tố văn hóa khác. Nhà cất cho họ ở, nhưng họ lại ra
ngoài rừng ở. Người ta muốn định cư họ, thì họ lại cứ thích du mục. Giường tặng
thì họ lại đập gãy làm củi đốt và vẫn ngủ dưới đất. Đàn bò chính phủ gởi về cho
họ chăn nuôi, không ai thèm nhận nên chúng lang thang thất lạc ngoài bãi vì họ
ghét ăn thịt bò và kinh tởm sữa bò. Hoặc ở Kejara, có một thanh niên được các
vị thừa sai giáo dục, và hình như là xuất sắc nhất, có thể nói được cả tiếng
Bồ-đào-nha. Thanh niên này được gởi sang La-mã và được đức Giáo-hoàng tiếp. Khi
trở về làng, người ta bắt ép chàng phải bỏ tục lệ cũ và lấy vợ theo đạo. Chàng
kinh hoàng bỏ trốn để có thể sống lại cuộc đời xưa của mình : ở trần
truồng, nhuộm đỏ mũi và môi dưới cắm que ngang, đầu quấn lông chim… »
Sự ghi chép của ông Claude Lévi-Strauss cho chúng ta thấy rằng mỗi
dân tộc có một đặc tính, một xã hội quan, giải quyết theo hoàn cảnh riêng biệt
của họ. Họ có thể thành công hay thất bại đối với con đường tiến triển của một
dân tộc. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là xã hội quan của mỗi dân tộc
luôn luôn cố định trên chiều hướng bất động, ứ đọng, nó có thể thay đổi, nhưng
sự thay đổi phải nằm trong trạng thái cá biệt của nó, nghĩa là mọi ảnh hưởng
bên ngoài chỉ du nhập trong chiều hướng thuận tiện của tính chất cá biệt ấy. Vì
thế mà tính chất cá biệt dù bị ảnh hưởng đến đâu cũng không thể đồng hóa.
Cho nên, khi thấy một dân tộc khác có những quan niệm tổ chức sinh
hoạt không giống với chúng ta thì đó cũng là do tính chất cá biệt của dân tộc
ấy, mà chúng ta không thể đánh giá họ là văn minh hay dã man. Cũng như chúng ta
sống trong xã hội ngày nay, chúng ta không thể cho xã hội thời sơ cổ là dã man,
lạc hậu. Bởi vì văn minh hay lạc hậu không chỉ căn cứ ở kỹ thuật phát minh
những vật dụng đem đến cho đời sống con người một phương tiện mới mẻ, mà còn
phải nói đến yếu tố quan trọng là điều hòa được cuộc sống, không làm cho cuộc
sống bị chênh lệch, mất thăng bằng, không đem đến cho loài người những khủng
hoảng tai hại.
Về quan niệm này, ông Nguyễn-Văn-Trung cũng đồng một nhận xét với
ông Lévi-Strauss, phác họa qua các trạng thái sau :
*
Những xã hội sơ khai không có lịch sử, nhưng không có lịch sử
không hẳn đã thấp kém, phản ảnh một giai đoạn tiền sử, mà chỉ có nghĩa là một
quan niệm khác về vũ trụ, cuộc sống mà thôi. Những dân tộc cổ sơ không có lịch
sử, không phải vì họ không thể có, nhưng vì họ không muốn có. Nói cách khác, có
lịch sử hay không đều bắt nguồn từ một quan niệm, một lựa chọn thái độ trước
cuộc đời. Những dân tộc có lịch sử vì đã coi sự thay đổi như một động lực của
một phát triển, trái lại đối với những dân tộc cổ sơ không gì đáng kết án hơn
là sự thay đổi, do đó, họ cố gắng tạo những quan niệm siêu hình tĩnh, thiết lập
những định chế xã hội lâu bền để giảm bớt hay loại trừ tác dụng của biến cố
lịch sử. Nói tóm lại, lý tưởng của họ là sự quân bình và liên tục.
Nhiều dân tộc cổ sơ giữ thế quân bình giữa con người và thiên
nhiên bằng cách tôn trọng trật tự của thiên nhiên. Đến thời kỳ lịch sử, theo
Lévi-Strauss, nhất là thời cận đại, con người đánh mất thế quân bình trên bằng
cách tiêu diệt thiên nhiên. Con người cận đại chỉ quý trọng sự sống của con người
mà không chú trọng sự sống dưới mọi hình thức : Cái mệnh danh là nhân bản
của con người cận đại không tôn trọng cây cỏ, loài vật, cả những xã hội nhân
loại không phù hợp với quan niệm hiện tại của nó. Kết luận, không bao giờ con
người lại tỏ ra dã man như ngày nay. Con người cận đại tưởng rằng càng chinh
phục thiên nhiên, tiêu diệt thiên nhiên là càng tôn trọng và phát huy con người
mà không biết rằng tiêu diệt thiên nhiên là tiêu diệt chính khung cảnh bảo vệ
tấm áo che chở con người. Trong viễn tượng đó, những tiến bộ kỹ thuật chẳng qua
chỉ có công dụng sửa chữa những bất tiện do sự mất thế quân bình giữa con người
và thiên nhiên gây ra.
Theo Lévi-Strauss, thời vàng son nhân loại là thời kỳ đá mới
(néolithique) lúc con người khám phá được kỹ thuật cày cấy, chăn nuôi, làm đồ
gốm, đủ đảm bảo cho khỏi bị lệ thuộc thiên nhiên, lúc con người thực hiện được
thế quân bình giữa con người và thiên nhiên.
Thế quân bình đó bị mất khi con người khám phá ra chữ viết, nghĩa
là lúc nền văn minh đầu tiên xuất hiện ở Trung-đông kèm theo những chế độ nô lệ
người bóc lột và đàn áp người.
*
Một số quan niệm trên đây của ông Lévi-Strauss đã minh định một
chiều hướng văn minh theo ý thức mới. Cũng như nhiều nhà khảo cứu dân tộc học
hiện nay trên thế giới, ông Lévi-Strauss chứng minh sự tiến bộ kỹ thuật trong
sinh hoạt loài người không hẳn là văn minh, mà văn minh chỉ có nghĩa là sự tiến
bộ ấy phải thăng bằng được cuộc sống giữa loài người và thiên nhiên.
Nhưng thăng bằng ở đây có nghĩa là gì ?
Chúng tôi đã nhiều lần xác định yếu tố thăng bằng trong quan niệm
nhân sinh của người bình dân Việt-Nam. Sự thăng bằng chính là mức điều hòa giữa
ý sống và trạng thái xã hội. Ý sống con người bao giờ cũng hàm chứa những gì
tươi đẹp của tình thương, của mọi khả năng bảo vệ lẽ sống, không đưa con người
vào quỹ đạo xâu xé, tranh đoạt ; còn trạng thái xã hội là trạng thái chinh
phục, luôn luôn vươn lên để chống đối mọi ảnh hưởng thiên nhiên, tác động vào
cuộc sống con người. Do đó mà ý sống con người tìm đến lãnh vực đạo học, còn
trạng thái sinh hoạt tìm đến lãnh vực khoa học. Lãnh vực khoa học phụng sự cho
Cuộc Sống, còn lãnh vực đạo học phụng sự cho Lẽ Sống. Hai trạng thái ấy phải
thăng bằng thì mới đem đến xã hội loài người ý nghĩa của văn minh.
Cho nên, với quan niệm này, nhà dân tộc học chỉ quan niệm văn minh
khi nào nền đạo học và khoa học được thăng bằng với nhau, nghĩa là cuộc sống
con người không bị lệ thuộc vào thiên nhiên mà cũng không dùng tiến bộ của kỹ
thuật phá vỡ những định luật thiên nhiên để đưa con người vào một trạng thái
khủng hoảng giữa cuộc sống con người và con người.
Sự tiến bộ loài người là do khối óc. Khối óc con người đem hòa lẫn
với sinh hoạt loài người. Trí khôn con người bắt nguồn từ đó tiến lên hai
chiều : đạo học và khoa học. Nếu chiều hướng khoa học tiến nhanh hơn sẽ
đưa con người vào vòng tranh đoạt, xa rời lẽ sống thiên nhiên, nếu chiều hướng
đạo học tiến nhanh hơn, sẽ đưa con người vào tình trạng lệ thuộc thiên nhiên,
lệ thuộc tín ngưỡng làm cho xã hội loài người cô đọng, thiếu ý thức cải tạo.
Tóm lại, không ai phủ nhận sự thông minh của khối óc con người,
bắt buộc khối óc con người phải cứng đờ, bất động. Lịch sử của khối óc con
người đã chứng tỏ một năng lực tiến triển phi thường và liên tục. Nhưng tại sao
khối óc con người khai triển về kỹ thuật sinh hoạt xã hội lại không kịp thời
khai triển về nền móng của lẽ sống, tìm trong những phương tiện mới mẻ do khả
năng kỹ thuật cung cấp cho loài người rút ra một hệ thống sinh hoạt hợp với lẽ
sống tốt đẹp của loài người. Nói khác đi, tại sao chúng ta không đặt vấn đề khoa
học và đạo học phải tiến bộ song song với nhau. Đó chính là điều mà các nhà
khảo cứu về dân tộc học đang nói đến, và đang tìm kiếm một nền văn minh đích
thực của một dân tộc. Những gì chúng ta cho là văn minh, tiến bộ hiện nay trên
phương diện khoa học thì đối với các nhà dân tộc học coi đó chỉ là « ảo
tưởng của tiến bộ ». Mà thực vậy, nếu chúng ta đã thừa nhận mỗi
con người có một bản năng đích thực của họ thì những gì của bên ngoài, do cuộc
sống đem đến chỉ là những hình bóng giả tạo. Nền văn minh cũng thế, nếu nền văn
minh ấy không đem lại cho nhân loại một ý sống tươi đẹp, thì sao gọi là văn
minh tiến bộ ?
Trong tạp chí « Réalités » (tháng 1-1965) và trong quyển « Tristes tropiques », ông Lévi-Strauss có luận về khả năng tiến bộ của văn tự,
được ông Nguyễn-Văn-Trung lược dẫn trong báo Bách khoa thời đại (tháng
4-1966) để biện luận về ý nghĩa trên :
*
Người ta thường coi văn tự như một tiêu chuẩn phân biệt văn minh
và không văn minh, hoặc văn minh thấp với văn minh cao. Những dân tộc văn minh
là những dân tộc có văn tự sớm, vì chữ viết là phương tiện hiệu nghiệm để ghi
chú, tích lũy và truyền đạt kiến thức, lịch sử. Do đó, có chữ viết mới có tiến
bộ văn hóa. Không ai chối cãi văn tự là yếu tố tiến bộ nhưng có bằng cớ nào
chứng minh rằng văn tự là yếu tố độc nhất của tiến bộ văn minh. Theo Lévi-Strauss,
thời kỳ mà nhân loại có nhiều sáng tạo lớn lao hơn cả là thời kỳ đá mới, cũng
là thời kỳ chưa có chữ viết, và ngược lại rất nhiều nền văn minh lịch sử về sau
đó có chữ viết mà vẫn ngưng đọng. Đằng khác, rất ít người để ý đến sự kiện sau
đây : Khám phá ra chữ viết song song với việc thành hình những xã hội có
tôn ti trật tự, phân chia thành giai cấp trong đó có chủ và nô, người thống trị
và kẻ bị trị.
Và như thế, văn tự có công dụng đầu tiên, chính yếu là làm cho
việc thống trị người được dễ dàng. Còn những công dụng vô vị lợi, trí thức (duy
trì, phổ biến kiến thức) chỉ là phụ thuộc.
Chữ viết là phương tiện để làm sổ sách, kiểm tra dân số, khai sinh
khai tử, ghi chú luật pháp, nghĩa là giúp cho quyền bính dễ dàng kiểm soát, xếp
hàng dân chúng trong một hệ thống chính trị và do đó đảm bảo, củng cố sự thống
trị…
Do đó, phải hiểu tiến bộ như một khái niệm rất tương đối và giới
hạn vào từng điểm, từng phương diện chứ không phải như một định luật, tổng quát
và tất yếu, vì thực ra đôi khi sự tiến bộ chỉ có cái vẻ bề ngoài, hoặc hơn nữa,
rất giả tạo…
*
Đem sự việc trên chứng minh vào giá trị tiến hóa của loài người,
ông Nguyễn-Văn-Trung muốn đi tìm cái văn minh tiến bộ đích thực của lẽ sống.
Khi con người đã ảnh hưởng vào lãnh vực văn minh kỹ thuật thì con người cũng xa
dần căn bản thuần túy của con người. Vì thế, ý niệm về lẽ sống bị bóp méo, vo
tròn theo đà văn minh của kỹ thuật. Đó chính là trạng thái chênh lệch, mất
thăng bằng. Mà, xã hội loài người khi đã mất thăng bằng, nghĩa là tiến vào một
ngả rẽ thì không thể nào gọi đó là hình thái của văn minh đích thực được.
Đi vào nhận xét khác, ở một phạm vi khảo cứu khoa học, nếu sự
thành công khoa học được áp dụng vào một chiều hướng thăng bằng với ý nghĩa
phụng sự con người một cách đích thực, tức là sự tiến bộ ấy thoát thai từ tinh
thần phụng sự nhân loại mà ra – hiểu đúng với nghĩa danh từ tốt đẹp của nó –
thì dĩ nhiên, sự tiến bộ ấy không thể làm cho cuộc sống loài người vượt ra
ngoài đạo lý, trở thành công cụ lợi dụng cho lòng tham lam, ích kỷ của con
người được. Cũng như công cuộc khảo cứu về dân tộc học, mục đích là tìm hiểu
những ý sống dị biệt của mỗi dân tộc từng địa phương để vạch định cho nhân loại
một chiều hướng sum họp trong đại gia đình của loài người. Nhưng mục đích cao
đẹp ấy khi bị loài người lợi dụng thì lại trở thành một khả năng tiến bộ giả
tạo, hoặc ảo tưởng.
Vì vậy, vấn đề văn minh tiến bộ, nên hiểu với nghĩa riêng rẽ, và
tương đối mà thôi. Khi đã đặt vấn đề trong tầm quan niệm ấy, hẳn chúng ta thấy
rằng, cái gì gọi là xa xưa, cổ lỗ, man rợ… sẽ không còn nữa, mà chúng ta phải
có nhiệm vụ khám phá, tìm hiểu những dị biệt ấy một cách khách quan trên phương
diện bản vị của con người.
Công tác khảo sát về dân tộc học được gọi là mới mẻ, chỉ phát
triển cách đây lối 50 năm, song thực ra từ trước đã có nhiều nhà khảo cứu nhúng
tay vào việc này, dầu chưa đặt thành một khoa học riêng biệt.
Theo giáo sư Lê-Văn-Hảo, người đã có công khảo sát về môn này thì
lịch sử khảo cứu ngành dân tộc học có thể chia làm hai thời kỳ. Thời kỳ thai
nghén của ngành dân tộc học là thời kỳ thượng cổ cho đến thế kỷ thứ 18. Thời kỳ
thành hình của ngành dân tộc học bắt đầu từ thế kỷ thứ 19 trở đi.
Việc phân định theo nhận xét trên, ông Lê-Văn-Hảo có ghi trong
tập « Hành trình vào
dân tộc học », xuất
bản năm 1966 như sau :
*
I. THỜI KỲ THAI NGHÉN CỦA DÂN TỘC HỌC
a) Thời Thượng-cổ
Có lẽ sách « Sáng thế kỷ » (La Genèse) quyển đầu của bộ Kinh Cựu Ước truyền bá rộng
rãi giữa dân Do-thái là tài liệu dân tộc học cũ nhất (khoảng 13.000 trước C.N.)
cung cấp cho chúng ta bản gia phả của những bộ tộc dị duệ của ông Noê còn sống
sót sau nạn Đại-hồng-thủy.
Bốn thế kỷ sau « Sáng thế kỷ » xuất hiện hai bản anh hùng ca của thi sĩ
Hy-Lạp Homère : Iliade và Odyssée (khoảng thế kỷ IX trước C.N.) đã mô tả
nhiều sắc dân có mặt trong đoàn quân Hy-Lạp. Các sử gia Hy-Lạp như Hérodote,
Xénophon (ở thế kỷ thứ V trước C.N.) có để lại nhiều tài liệu về vài dân tộc
láng giềng của Hy-Lạp ở miền Địa-trung-hải. Triết-gia Aristote, nhà tiên phong
xa xôi của xã hội học là học giả đầu tiên nói đến tương quan giữa con người và
môi trường sinh hoạt.
Thi sĩ La-mã Lucrèce, trong tác phẩm « Bàn về bản chất của sự vật » đã
xây dựng một lý thuyết sơ sài về cuộc tiến hóa của văn minh loài người (thế kỷ
I trước C.N.)
Mấy học giả La-mã trứ danh như Pline tác giả của « Lịch sử tự nhiên », Strabon với
tác phẩm « Địa lý học », Ptolémée với tác phẩm cũng có tên là
« Địa lý học » đều có cung cấp cho chúng ta nhiều tài
liệu về các dân tộc bị Đế-quốc La-mã thống trị vào đầu Công-nguyên.
Bên cạnh các tác giả Hy-Lạp, sách vở của Ấn-độ và Trung-Hoa thời
thượng cổ như Kinh-Thi của
Khổng-Tử, Sử-ký của Tư-mã-Thiên đều chứa đựng tài liệu dân tộc
học.
b) Thời Trung-cổ
Trong thời Trung-cổ, khoa học Âu-châu phát triển ít hơn ở các miền
do Đế-quốc Hồi-giáo chiếm đóng : ảnh hưởng của triết gia Aristote và của
thần học hạn chế công cuộc nghiên cứu, học hỏi về con người, trong khi ấy
Đế-quốc Hồi-giáo đếm được nhiều học giả và nhà bác học : Ibn Fozlan ;
Maçoudi, Ibn Hokal, Ibn Batouta, Ibn Khaldoun từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIV
đều có để lại nhiều tác phẩm quan trọng về lịch sử, địa lý và phong tục của các
dân tộc ở Nga, Âu-châu, Phi-châu và Cận-đông.
Đến thế kỷ thứ XIII, một số nhà du lịch và nhà truyền giáo Âu-châu
bắt đầu ghi chép về các dân tộc ở Trung-Á và Viễn-đông. Tác giả nổi tiếng nhất
là Marco Polo với tác phẩm mang tên ông Le livre de Marco Polo mà về sau người ta gọi là
« quyển sách về phong tục, tập quán các nước Á-đông » nhờ những tài
liệu mô tả các dân tộc ở Trung-Hoa, Ấn-độ, Nhật-Bản chứa đựng trong sách này,
người Âu-châu khám phá sự hiện hữu của những nền văn minh Á-châu rực-rỡ, xán
lạn.
c) Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII
Hai thế kỷ XV, XVI là thời đại Phục-hưng của Âu-châu, mà cũng là
thời đại của những cuộc thám hiểm và phát hiện địa lý lớn lao với Christophe
Colomb, Magellan, Vasco de Gama : lần đầu tiên người ta đi vòng quanh thế
giới. Một số nhà bác học chịu khó đi theo các nhà thám hiểm. Ví dụ cùng với
Magellan trong chuyến du hành năm 1519-1521 có Antonio Pigafetta, tác giả một thiên
ký sự đầy chi tiết về những thổ dân các miền Nam Mỹ, Nam Á và Úc-châu. Trong
thế kỷ XVI, XVII những sắc dân thuộc nền văn minh Pérou, Inca, Astèque đã được
học giả Garcilaso de la Véga và nhiều giáo sĩ Tây-ban-nha mô tả đến. Các giáo
sĩ Bồ-đào-nha, Ý-đại-lợi và Hòa-lan mô tả phong tục một số thổ dân ở Phi-châu,
Á-châu. Học giả Pháp Flacour mô tả thổ dân Madagascar. J.B. Tavernier đã du
lịch ở Thổ-nhĩ-kỳ, Ba-tư, Ấn-độ, Trung-Hoa, Việt-Nam và để lại nhiều thiên ký
sự về những nước này. Đặc biệt giáo sĩ Ý-đại-lợi, cha Giovani Filippo de Marini
đã viết một Lịch sử
mới lạ của nước Tung-Canh và nước Lào (xuất bản tại La-mã 1665).
Tung-Canh đây là nước Việt-Nam đàng ngoài thời Chúa Trịnh.
Tất cả những tác phẩm trên đây không phải là những công trình khoa
học mà chỉ là những thiên ký sự, trong đó người ta chú ý mô tả những khía cạnh
lạ lùng trong phong tục các thổ dân hơn là mô tả đời sống toàn diện của các thổ
dân ấy. Các nhà du lịch, các nhà truyền giáo đã sáng tác do sự thúc đẩy của óc
tò mò và khiếu năng quan sát của họ. Họ đã cung cấp một đống sự kiện hỗn hợp,
từ trong đó các nhà dân tộc học sẽ rút ra những tài liệu ít nhiều giá trị.
d) Thế kỷ thứ XVIII
Thế kỷ XVIII không còn là thời kỳ thám hiểm và phát hiện địa lý
nữa. Những cuộc hành trình dần dần mang tính chất thám sát khoa học. Ví dụ
chuyến đi Sibérie và Kamtchatka của học giả Đan-mạch Vitus Béring cùng với hai
nhà bác học Nga Müller và Fischer J.E. Chuyến đi của năm nhà bác học Đức trong
đó có Carsten Niebuhr đã cung cấp cho ta nhiều tài liệu về dân tộc Á-rập. Năm
1788, một học hội lấy tên là Hội Phi-châu (African Association) được thành lập
để khuyến khích những công cuộc nghiên cứu học hỏi về Phi-châu : Hoghton,
Mungo Park và Hornemann đã được hội này bảo trợ để thực hiện cuộc hành trình
nhằm thu thập tài liệu dân tộc về Phi-châu.
Nhà du hành nổi tiếng nhất thế kỷ XVIII là James Cook, tác giả
nhiều thiên ký sự về thổ dân các đảo Nam Thái-bình-dương và miền Nam-cực. Hai
nhà bác học là cha con ông Forster đã cùng với Cook để quan sát và mô tả các
dân tộc ở mấy miền này một cách có hệ thống.
Nhà bác học Pháp Alexandre de Humboldt, tác giả của hai thiên khảo
luận quan trọng về thổ dân Mỹ-châu là người đầu tiên đã áp dụng một nguyên tắc
chính yếu trong công tác nghiên cứu nhân học. Ông nhận định rằng học giả Âu-châu
phải thoát ra khỏi khuôn khổ luận lý của nền văn hóa Hy-Lạp mới mong thấu hiểu
tâm lý con người cổ sơ. Ông cũng đã triệt để chú ý đến ảnh hưởng của môi trường
thiên nhiên trên nếp sống con người.
Cuối thế kỷ XVIII, danh từ dân tộc học (ethnologie) xuất hiện
trong tác phẩm của Chavannes « Khảo luận về giáo dục trí thức với dự định thành lập một khoa học
mới » (Essai sur l’Éducation intellectuelle avec le projet d’une
Science nouvelle) xuất bản tại Thụy-sĩ năm 1787. Chavannes định-nghĩa dân tộc
học như là lịch sử của những tiến bộ của các dân tộc hướng về văn minh. Danh từ
« dân tộc chí » (ethnoraphie) cũng xuất hiện để chỉ định công cuộc
quan sát mô tả văn hóa các dân tộc.
II. THỜI KỲ DÂN TỘC HỌC HÌNH THÀNH : THẾ KỶ XIX
Vào cuối thế kỷ XVIII chấm dứt thời kỳ thai nghén của dân tộc học,
tài liệu chồng chất từ mười mấy thế kỷ do công trình quan sát, ghi chép của các
tác giả tài tử hay các học giả cho phép dân tộc học bắt đầu qui định và phê
phán giá trị của những sự kiện đã thu thập trong sách vở : Công việc đầu
tiên là cóp nhặt, ghi tên và phân loại các sự kiện theo hai chiều
hướng : dân tộc
học theo bề rộng (ethnologie extensive) nhằm thu thập tất cả các tài
liệu liên quan đến một sự kiện văn hóa nào đó trong toàn bộ các nền văn
minh ; dân tộc học theo bề sâu (ethnologie intensive)
nhằm thu thập tất cả những sự kiện cùng thuộc về hệ thống văn hóa của một dân
tộc.
Giai đoạn thứ hai của cuộc hành trình dân tộc học bao gồm những cố
gắng đầu tiên hướng đến sự hệ thống hóa và tổng hợp hóa các tài liệu : từ
dân tộc học miêu thuật hay dân tộc chí, người ta vươn đến dân tộc học khái quát
hay dân tộc học lý luận là giai đoạn xây dựng một số giả
thuyết để giải thích mối tương quan hay là sự khác biệt giữa các sự kiện :
Học giả Anh James Cowles Pritchard đã giải thích sự khác biệt về chủng tộc và
tâm lý của các dân tộc bằng thuyết quyết định địa lý (déterminisme
géographique) đề cao tác dụng của môi trường thiên nhiên trên đời sống con
người. Các học giả Đức K. Ritter, Th. Waitz, Ratzel cũng theo khuynh hướng giải
thích đó.
Năm 1839, nhà vạn vật học Anh William Edwards thành lập hội
« Dân tộc học Paris ».
Hội này sẽ giải tán tám năm sau, nhưng nó đã ảnh hưởng khá nhiều trên trào lưu
phát triển dân tộc học. Năm 1842, hội Dân-tộc Học Luân-đôn ra đời.
Năm 1885, Paul Topinard đã kiểm điểm những thành tích của khoa học
mới mẻ này trong tác phẩm « Khái niệm nhân loại học tổng quát » (Éléments
d’Anthropologie générale) và khẳng định rằng :
« Khía cạnh tinh thần và khía cạnh thể chất của con người
càng ngày càng trở nên mật thiết, tương quan, và nhân loại học hiểu theo quan
niệm của Topinard là ngã ba đường gặp gỡ của chủng tộc học, dân tộc học, xã hội
học và cả ngôn ngữ học nữa ».
Bài nhận xét của ông Lê-Văn-Hảo trên đây, chúng ta thấy rằng công
trình khảo cứu về ngành dân tộc học rất có liên quan đến công cuộc tiến triển
khoa học chinh phục không gian của con người. Lúc mà cơ giới chưa được phát
minh, sự đi lại còn hạn chế trong phạm vi địa phương, sự tương quan của con
người giữa các dân tộc chưa được mở rộng, thì ý thức tìm hiểu những dị biệt về
nếp sống của các dân tộc chưa thể đặt thành vấn đề, phải đợi đến khi công trình
cơ giới hóa phát triển, phương tiện giao thông thuận lợi, sự đụng chạm giữa các
cuộc sống ở những miền xa xôi tác động vào ý thức dị biệt của con người, thì
con người mới thấy mọi cách biệt giữa con người và con người. Ngành dân tộc học
chính là nhu cầu khám phá những dị biệt ấy, nối ráp thành một hệ thống chung
cho căn bản đích thực của lẽ sống nhân loại.
Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng nhân loại đang dần bước
trên khả năng khám phá của hai lãnh vực : tìm hiểu vũ trụ và tìm hiểu con
người.
Tìm hiểu vũ trụ là công việc của các nhà khoa học đem đến những
phương tiện phục vụ cho đời sống vật chất nhân loại.
Tìm hiểu con người là công cuộc của các nhà chính trị, cố phát
giác những tiềm năng về ý sống của mỗi dân tộc để đem đến cho loài người một xã
hội tươi đẹp.
Nhưng, công trình tiến triển khoa học và đạo học như thế
nào ?
Nhìn lại quá trình của dĩ vãng thì khả năng tiến triển của khoa
học đã lấn át mọi khả năng tiến triển của đạo học. Kể từ ngày những phương tiện
vật chất trong đời sống con người được cơ giới hóa thì mọi ý sống của con người
khuynh hẳn về khoa học. Người ta đem khoa học thay thế vào đạo học, tưởng chừng
như khoa học là yếu tố duy nhất có thể đem lại hạnh phúc cho đời sống con
người, mà không cần phải nói đến đạo học nữa. Do đó, đạo học lần lần lui vào
bóng tối, để mặc cho khoa học phong tỏa, ngự trị lẽ sống.
Lẽ sống của khoa học là lẽ sống vật chất, đứng ngoài cảm giới của
con người. Bởi vì khoa học là môn học về kỹ thuật, thành quả trên phương diện
phân tích, chứng minh, thực nghiệm, nên lẽ sống của nó phải là lẽ sống tranh
đoạt, giả dối, mưu mô, cốt đưa xã hội con người vào đường chinh phục và thống
trị. Kết quả, lẽ sống của khoa học không giải quyết được hạnh phúc của loài
người, chỉ đưa loài người đến thảm họa xâu xé lẫn nhau. Đó là trạng thái chênh
lệch giữa tinh thần và vật chất, giữa đạo học và khoa học.
Trước thảm trạng đó, người ta trở lại tìm kiếm bản ngã con người,
những sắc thái dị biệt của mỗi dân tộc mà chính lẽ sống khoa học đã làm mất
mát. Lẽ sống khoa học đã tạo cho xã hội loài người sống bằng những con người
giả, không phải là con người đích thực.
Trong một bài về mục xã luận, đăng ở « Tin sáng » số 175 ra ngày 9-7-1969, ông Nguyễn-Văn-Trung có một cảm
nghĩ về « Hiện tượng đi tìm con người ». Theo ông, văn hóa
không phải nhờ vào văn minh khoa học mà có. Một bà mẹ già mù chữ vẫn là người
có văn hóa. Và, ông cũng cho rằng văn minh khoa học chỉ tạo ra những con người
giả, mất tính chất con người đích thực. Ông viết :
*
Có vú giả, tóc giả, chứng chỉ giả, dân chủ giả, nên cũng có người
Việt-Nam giả và Việt-Nam thực.
…Chúng ta đã nói về con người Việt-Nam đích thực, về văn hóa dân
tộc, nhưng vấn đề là chúng ta « có nên », « có thể » thực
sự nói về văn hóa trong hoàn cảnh này không ? Và văn hóa muốn nói là văn
hóa nào ?
Trước nhất, không thể hiểu văn hóa chỉ như những công trình nghiên
cứu, biên khảo « thuần túy » hướng về « dĩ vãng » như sử
học, khoa học nhân văn, nhân chủng học, văn học nghệ thuật… Mặt khác, văn hóa
chúng ta nói đây cũng không phải là thứ văn hóa « thưởng ngoạn » có
tính cách sách vở, nghệ thuật dành cho một số người thưởng thức, chiêm ngưỡng
với nhau.
Trái lại, phải hiểu văn hóa theo nghĩa rộng rãi hơn, đó là nếp
sống « thể hiện » qua cách thức cảm nghĩ và làm của người Việt-Nam
trong những lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, giao tế… Tất cả đều
bao hàm một quan niệm về văn hóa, nền văn hóa này có tính cách chung cho một
tập thể nên nó là văn hóa dân tộc.
Hiểu theo nghĩa đó, bà mẹ già mù chữ vẫn là người có văn hóa, vì
bà mẹ ru con mang trong mình những kiến thức, những lối sống, lối suy nghĩ,
cách thức ru con, tuy bình dân nhưng vẫn sâu xa, văn vẻ, và có tính cách dân
tộc (ca dao, tục ngữ, lời thánh hiền, chuyện cổ tích…)
Vấn đề khẩn cấp bây giờ không phải bàn về nội dung nền văn hóa đó,
không phê phán nó tốt hay xấu, bảo thủ hay tiến bộ, cũng như không phải lúc để
tranh luận về những quan niệm văn hóa khác nhau… Vấn đề là tìm xem con người
văn hóa trong con người Việt-Nam có còn không. Nếu không, nó đang bị tiêu diệt
như thế nào trước những đảo lộn xã hội, những can thiệp của người ngoài. Không
phải chỉ là sự đe dọa với nền văn hóa mà là sự đe dọa tiêu diệt chính
« con người », chính đất đứng để làm người, để làm văn hóa của chúng
ta. Đất đứng hiểu như mọi điều kiện cần thiết khiến người Việt-Nam có thể sống,
nghĩ và hành động với tư cách một người Việt-Nam. Đất đứng đó có còn
không ?
*
Cảm nghĩ như trên, chính ông Nguyễn-Văn-Trung đã đặt vấn đề dân tộc
tính trước mọi khả năng tiến bộ về khoa học của ngoại lai. Chỉ có dân tộc tính
mới là con người đích thực của một dân tộc. Con người đích thực ấy biểu tượng
cho tình thương, cho lẽ sống của một xã hội, mà những dân tộc khác không thể có
được. Lẽ sống của một sắc tộc ở một vùng đất khác không thể thay thế vào lẽ
sống của một sắc tộc ở vùng đất kia, bởi lẽ lịch sử của họ không giống nhau, và
tính chất trong cơ thể của con người cũng chẳng giống nhau nữa. Yếu tố cá biệt
của mỗi dân tộc là nguồn gốc bảo tồn xã hội và chủng tộc. Nếu xóa bỏ những cá
biệt ấy tức là đã đi vào diệt vong.
Mặt khác, ông Nguyễn-Văn-Trung cũng muốn nói lên những chênh lệch
giữa khoa học và đạo đức ngày nay. Sở dĩ dân tộc chúng ta gắn liền được bốn
ngàn năm lịch sử trên mảnh đất Việt-Nam là nhờ chúng ta phát huy được đạo học
kịp với trào lưu khoa học xâm nhập trên lãnh thổ. Điều đó đã chứng minh qua mọi
sắc thái về đoàn kết, yêu thương, nhất trí… Đạo học của Việt-Nam không phải một
triết thuyết nào xa lạ, mà chính là « tình dân tộc », « dân tộc
tính ». Bảo vệ được dân tộc tính, tức là bảo vệ đạo học, bởi vì dân tộc
tính phát xuất từ nếp sống của địa phương, di lưu và hình thành một nền văn hóa
hiện hữu, trong đó chỉ có người Việt-Nam, tâm hồn người Việt-Nam mới cảm thông
được nó, mới thấy những nguy hiểm khi bị mất mát.
Cũng trong bài báo trên, ông Nguyễn-Văn-Trung viết tiếp :
« Trước những đe dọa diệt chủng, trước những sa đọa hiện
nay, các đoàn thể tôn giáo, trí thức đã lên tiếng phản kháng, tố cáo. Ai cũng
cảm thấy mối đe dọa khủng khiếp kia, người dân nghèo, bác nông phu cũng cảm
thấy, nhưng chịu đựng, câm lặng. Chính những thành phần trí thức là những người
có khả năng nhận định mạch lạc, hệ thống, có khả năng diễn tả, tố cáo hữu hiệu
hơn cả. Hành động của họ là hành động trí thức đạo đức, nhưng có hậu quả chính
trị. Trong hoàn cảnh sắt máu hiện tại, hoặc là nói lên, tố cáo, bày tỏ một thái
độ khác là im lặng chứ không nên bàn cãi về những quan niệm văn hóa trừu tượng,
xa vời, tách rời khỏi hoàn cảnh sống xung quanh. Ngoài ra, những cuộc bàn cãi
suông về văn hóa xa xôi, trừu tượng có thể trở thành những chiêu bài nguy hiểm,
chiêu bài mà người ngoài tung ra để lừa dối chúng ta, cũng như những chiêu bài
mà chúng ta đem dùng để tự lừa dối chính mình : thoát ly khỏi dân tộc
nhưng vẫn tưởng mình yêu nước, yêu dân tộc ».
Với nhận xét trên, ông Nguyễn-Văn-Trung xác định những gì ngoại
lai không bao giờ có giá trị hoặc tính chất dân tộc. Bởi vì tính chất dân tộc
phát nguồn từ nếp sinh hoạt cổ truyền, nó phải đúc kết và trưởng thành qua
nhiều thế hệ, không phải một sớm một chiều mà có, hoặc do một danh từ, một cảm
nghĩ của một nhóm người bịa ra để đánh lừa người khác.
Để chứng minh điều này, ông Nguyễn-Văn-Trung viết :
*
Dưới thời Pháp thuộc, phong trào Đông-kinh Nghĩa Thục đã cổ võ
dùng chữ quốc ngữ để vận động văn hóa dân tộc, để trang bị tinh thần dân chúng
trong cuộc chiến đấu chống thực dân. Người Pháp đã tiêu diệt phong trào đó, và
cho ra đời Hội Khai-trí Tiến-đức và tạp chí Nam Phong, một thứ Đông-kinh
Nghĩa-Thục của thực dân, cũng cổ võ chữ quốc ngữ, cũng ca tụng truyện Kiều,
cũng hô hào văn hóa dân tộc… nhưng theo chiều hướng có lợi cho thực dân. Nhiều
người đã lao mình vào công cuộc xây dựng văn hóa dân tộc giả đó.
Ngày nay, hồi 1964-1965, chúng ta nói đến cách mạng xã hội, nhưng
những người thực sự tranh đấu xuống đường, đòi chủ quyền cách mạng xã hội… đều
bị bắt bớ, giam cầm.
Chữ « cách mạng » bây giờ đây trở thành chiêu bài trong
những khẩu bích chương, biểu ngữ của Bộ Thông-tin hoặc trong những bài diễn văn
long trọng kê khai thành tích của nhà nước. Hồi năm 1966, chúng ta đã nói đến
văn hóa của dân tộc, nhưng đã bị đe dọa, đàn áp, bắt bớ. Ngày nay, tự nhiên
người ta lại để cho chúng ta nói về văn hóa dân tộc, phải chăng vì họ thừa biết
rằng chúng ta chỉ nói suông, chẳng làm được gì, cũng chẳng dám tố cáo đích danh
những người đang đe dọa, tiêu diệt nền văn hóa đó… Văn hóa dân tộc cùng những
khảo cứu sâu xa, uyên bác, trở thành những chiêu bài che lấp vấn đề nền tảng,
những lý do chính đáng để chúng ta tự biện hộ cho thái độ lẫn tránh, không dám xác định một thái độ của
mình. Nói về cách mạng xã hội mà không nói ai làm cho ai, làm như thế thì cũng
như nói về văn hóa dân tộc mà không nói ai làm cho ai, tại sao phải bảo vệ, bảo
vệ chống ai, chống cái gì, ai đang tiêu diệt văn hóa dân tộc, đều là nói về
những điều vô ích, mất thì giờ. Đúng ra, đó là thái độ ru ngủ, lẩn trốn.
Thực tế đã quá rõ ràng, đặt vấn đề văn hóa dân tộc là đặt vấn đề
sống còn của dân tộc, của chính mình, do đó không thể đặt vấn đề văn hóa dân
tộc mà không bày tỏ thái độ đối với những người đang tiêu diệt con người
Việt-Nam, đang tiêu diệt văn hóa dân tộc đó. Nếu chúng ta chỉ bàn cãi xa xôi,
trừu tượng, hoặc nói về những điều đã rõ rệt ai cũng chấp nhận như truyền thống
bất khuất 4.000 năm văn hiến, không bị đồng hóa, trống Đông-sơn… (Biết
rồi ! Khổ lắm, Nói mãi !) thì e rằng việc làm của chúng ta chỉ có
tính cách làm dáng tri thức, bày trò và ru ngủ mà thôi. Vấn đề là phải xác định
xem sự thực ai đang tiếp tục thể hiện truyền thống bất khuất của dân tộc, ai
đang phản bội truyền thống đó. Nếu không, dư luận sẽ nghĩ gì về ta ? Họ sẽ
nói phải chăng tri thức dùng chiêu bài văn hóa dân tộc để mưu cầu tư lợi và lừa
dối dân tộc để ru ngủ tri thức. Dù đúng hay sai, người dân cũng có quyền nghi
ngờ như vậy.
*
Cảm nghĩ của ông Nguyễn-Văn-Trung trên đây xác định rõ ràng tính
chất cá biệt của mỗi dân tộc, mà những gì ngoại nhập đều là những phá phách,
sang đoạt, làm mất tính chất thuần túy của mỗi địa phương.
Đối với các nhà nghiện cứu dân tộc học cũng thế. Khi nói đến dân
tộc tính, họ phủ nhận tính chất ngoại lai, mà lại đi tìm những căn bản của vết
tích lưu tồn trong nếp sống của mỗi bộ lạc. Những vết tích ấy là những vết tích
đặc biệt, riêng rẽ của mỗi bộ tộc mà những bộ tộc khác không thể có được. Như
vậy, dân tộc tính, khởi nguồn từ nếp sống địa phương, được dân chúng địa phương
ưa thích, bảo vệ, chứ không phải do những phong trào tân tiến tự bên ngoài
truyền vào.
Để bảo vệ quan niệm này, trong lời tựa quyển « Hành
trình vào dân tộc học » của Lê-Văn-Hảo, ông Nguyễn Bạt Tụy có
viết :
« …Những kẻ vọng ngoại, chẳng biết gì về sản nghiệp văn hóa
ông cha ta để lại, coi thường cả tinh thần nòi giống, chỉ lo ăn nói sao cho
đúng với chính kẻ thù truyền kiếp của tổ tiên mình, thậm chí họ lập nên những
công thức ngôn từ đầy tư cách nô lệ, chỉ là những cái lá vàng lạc lõng, nên dễ
cho gió thổi bay hẳn đi phương khác… »
Từ ý thức bảo vệ dân tộc tính, người ta đã nói đến một tinh thần
dân tộc rất mạnh mẽ. Thực vậy, từ xưa đến nay, trên thế giới không một dân tộc
nào yêu nước mà không bắt nguồn từ ý thức bảo vệ dân tộc tính. Người ta đã dùng
nền văn minh cố hữu của một dân tộc để tranh đấu, bảo tồn lẽ sống cho một dân
tộc trên mảnh đất của họ.
Hiện nay công trình tiến hóa của dân tộc cũng nhằm vào mục đích
ấy, cốt phô bày những nền văn minh dị biệt, những nếp sống căn bản của mỗi địa
phương, và bảo vệ nó như bảo vệ việc sinh tồn của một sắc thái tư hữu trên qui
luật cá biệt của nhân loại.
Cho nên, trái với việc phát minh khoa học, dân tộc học là môn
nghiên cứu về tính chất con người, tìm hiểu con người, khám phá những dị biệt
giữa con người và con người, chúng ta không nên xem việc khám phá con người như
là việc khám phá khoa học, mà phải xem đó là công trình đạo học.
Tiếng « đạo học » ở đây chúng tôi dùng với một ý nghĩa
rộng rãi và khác với ý thức tín ngưỡng hiện nay. Đạo học là gì ? Chúng tôi
muốn nói đến tâm hồn của con người, bản chất con người, tất cả những gì mà khi
đã là con người đều cảm thấy cần phải có. Mỗi con người chúng ta trên thế giới,
có thể khác biệt ở màu da, tầm vóc, tiếng nói, giọng cười, và khác biệt đến cả
những tâm hồn, ý nghĩ… nhưng có một điều không thể khác được là ai cũng đều có
một cái đầu, hai tay, hai chân, hai con mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi, v.v… vậy
thì trong cái khác biệt lại có những căn bản giống nhau. Nhà dân tộc học là
những người đi tìm trong những cái khác biệt để xác nhận những căn bản giống
nhau của con người. Cái giống nhau mà họ đi tìm trong những cái khác biệt của
từng dân tộc ; và cái giống nhau đó chính là « Đạo làm
người ».
Mỗi dân tộc đều có đạo làm người. Đạo làm người không nhất thiết ở
trong tâm hồn hay tín ngưỡng, cũng không ở trong sức thụ cảm của khoa học, mà
phát xuất từ một nếp sống, từ sự ràng buộc của ý sống giữa tâm tư con người với
con người, con người với thiên nhiên. Đó là nền đạo học của mỗi dân tộc.
Khi tìm hiểu khoa học, chúng ta có thể dùng bộ óc của một con
người để suy đoán, dùng kết quả của một nghiệm số để chứng minh, nhưng khi tìm
hiểu đạo học chúng ta không thể nào áp dụng vào sự tính toán của cá nhân chúng
ta để tìm hiểu con người chung của nhân loại.
Tìm hiểu đạo học, chúng ta lại phải tìm trong những đặc tính của
mỗi dân tộc, vì đạo học phát nguồn từ tính chất đặc biệt ấy, và những gì ngày
nay chúng ta thấy được trong sinh hoạt của con người đều chỉ là sản phẩm giả
tạo của nếp sống khoa học mà thôi.
Công trình nghiên cứu dân tộc học từ trước đến nay đối với dân tộc
Việt-Nam được ông Lê-Văn-Hảo lược dẫn qua bài « 65 năm nghiên cứu dân
tộc học Việt Nam » in trong phần phụ lục của quyển « Hành
trình vào dân tộc học » như sau :
*
PHẦN ĐÓNG GÓP CỦA CÁC NHÀ HỌC GIẢ ÂU-TÂY VÀO NỀN DÂN
TỘC HỌC VIỆT NAM
Đầu thế kỷ XX, trường Pháp-quốc Viễn-đông Bác-cổ được thành lập
cùng với cơ quan nghiên cứu là Tập-san Viễn-đông Bác-cổ. Trong Tập-san này xuất
hiện những công trình sưu tập đầu tiên của Bonifacy về sự tích các Thành hoàng
miền Bắc, nhất là các thần rắn mà Bonifacy gọi là génies thériomorphes (Tập-san
Viễn-đông Bác-cồ, tập X, XIV, XVIII), Dumoutier có sưu tập về hội đền Phù Đổng
(Tạp chí Tôn-giáo-sử Paris t. XXVII) về nghi lễ tống táng, về xã thôn miền Bắc
(tạp chí Đông-Dương, 1907), về tôn giáo dân gian (phù phép, tà thuật). Cũng
trong Tập-san Viễn-đông Bác-cổ (tập IX và X) Przyluski cống hiến hai thiên khảo
luận công phu về tục thờ cây cối, lễ nghi động thổ và tục thờ thần đất ở Bắc-Việt.
H. Oger trong một tác phẩm lớn chứa đựng nhiều tranh ảnh độc đáo
đã nghiên cứu về những kỹ thuật công nghệ của người Việt-Nam.
Pierre Huard đã có công lớn trong công tác nghiên cứu chủng tộc
Việt-Nam và những khía cạnh cổ truyền của Y-học Việt-Nam. Ông đã hướng dẫn cả
một thế hệ y khoa bác sĩ tại Viện Giải phẫu-học và Đại học Y-khoa Hà-Nội từ năm
1936 cho đến khi chấm dứt chiến tranh Đông-Dương. Ông đã từng nghiên cứu về thể
chất của người Việt kể cả khía cạnh phong tục học như trong bài về tục nhuộm răng
ở Đông-dương và Đông-Á (tạp chí Pháp-Á, 1948).
Ta có thể kể tên vài môn đệ của Pierre Huard như Đỗ-Xuân-Hợp,
Nguyễn-Đức-Nguyên, Đặng-Trần-Hoàng, Nguyễn-Huy-Tiếp, Phạm-Trọng-Lương,
Nguyễn-Ngọc-Thắng (luận án về Hải-thượng lãn-ông), Dương-bá-Hành, Nguyễn-trần-Huân
(Luận án về lịch sử y khoa cổ truyền), v.v…
Xã thôn Bắc-Việt về mặt địa ký đã được nghiên cứu tường tận trong
những tác phẩm của các nhà địa lý học Pierre Gourou (Người nông dân miền
Tam-giác châu Bắc-Việt, 1936), Charles Robequain (Tỉnh Thanh-hóa, 1929).
Trước năm 1954, nhà dân tộc học Tây-phương có công lớn nhất đối
với cuộc học hỏi nghiên cứu văn hóa cổ truyền Việt-Nam có lẽ là ông Léopold
Cadière (1869-1953). Sự nghiệp nghiên cứu của ông đã được công bố trên Tập san
Viễn-đông Bác-cổ và nhất là trên Tập-san Thân-Hữu Cố-đô Huế (xuất bản từ năm
1914 đến 1944) mà ông là chủ bút. Phần chính yếu của công trình nghiên cứu ấy
được tập hợp trong tác phẩm lớn : Tín ngưỡng và nghi lễ tôn giáo của người
Việt (3 tập, xuất bản tại Sài-Gòn và Paris 1955, 1957, 1958). Đó là những bài
báo súc tích về tôn giáo dân gian, hệ thống gia đình, nghi thức lễ Nam-giao,
tín ngưỡng và nghi lễ tôn giáo dân gian vùng Huế (đạo thờ cây cối, thờ đá, thờ
mốc ; tín ngưỡng, tục ngữ và phong tục dân gian miền Nguồn-sơn (Quảng Bình).
Nổi bật nhất trong tác phẩm này là hai thiên khảo luận dân tộc
ngôn ngữ học. Cadière đã phân tích một số danh từ căn bản của dân gian dùng để
chỉ quan niệm tín ngưỡng (trời, đất, thần, ma, quỷ, ông bà…) và bộ phận thân
thể (đầu, mũi, mắt, miệng bụng…) dựa trên đó ông đã phác họa một triết lý dân
gian mà ông gọi là vũ trụ quan và nhân sinh quan của đại chúng Việt-Nam.
Sau Cadière, ông Maurice Durand cũng có đóng góp đẹp đẽ vào nền
dân tộc học Việt-Nam. Không kể những công trình nghiên cứu sử học, ngữ học và
văn học của ông, chúng ta bắt gặp những tài liệu phong phú trong hai tác phẩm
đồ sộ về « Tranh dân gian Việt Nam » (1960), và về « Kỹ thuật
lên đồng », và về « Hệ thống thần linh trong đạo đồng bóng »
(1959). Đặc biệt trong tác phẩn thứ hai này, ông Durand cũng đã cung cấp nhiều
bài « văn chầu » phiên âm từ chữ nôm rất hữu ích cho những nhà nghiên
cứu tôn giáo dân gian và văn học dân gian Việt-Nam.
Ông Louis Bezacier tác giả quyển « Nghệ thuật Việt-Nam » (1955) và
tập « Lược đồ các công trình kiến trúc cổ ở Bắc-Việt » (1959) đã mô
tả kỹ lưỡng một số chùa (Minh-Phúc, Vạn-Phúc) và hệ thống thần linh thờ trong
các chùa, và vẽ lại những nét đại cương về hoành đồ các ngôi đình, chùa và đền
cổ của chúng ta.
Tất cả những tác phẩm trên đều được sáng tác bằng tiếng Pháp.
Ông Trần-Kinh-Hòa, nhà bác học Trung-Hoa, nguyên giáo-sư Đại-học
Huế, đã có công dịch thuật một số sử liệu cổ và đã từng nghiên cứu nhiều đề tài
văn hóa sử mật thiết liên quan đến dân tộc như những bài khảo luận về danh xưng
Giao-chỉ, danh xưng Kẻ-Chợ, đăng trong tạp chí Đại-học (1961-1962).
Roger Teulière, giáo sư trường Đại-học Văn-khoa Sài-Gòn đã xuất
bản trong Tập-san của Hội Nghiên-cứu Đông-Dương một loạt bài phong phú về nhà
cửa Việt-Nam, về nghề làm nước mắm, nghề trồng đậu phụng, sắn, dâu, dừa, tiêu,
bông vải, cà phê, chè, khoai lang, v.v…
Sau năm 1954, nông thôn miền Nam được nhiều học giả Ăng-lômoins
Xắc-xông chủ ý đến : làng Khánh-hậu đã được Q. Hickey, J. Hendry và
Woodruff nghiên cứu về ba phương diện xã hội, kinh tế và hành chính (1959-1960-1961).
Năm 1964, Hickey xuất bản « Làng Việt-Nam » (Village in Vietnam) tại
New Haven (Mỹ) và Luân-đôn là một tác phẩm lớn, nghiên cứu toàn diện về làng
Khánh-Hậu, bổ túc cho tác phẩm « Nghiên cứu một công đồng thôn xã
Việt-Nam » (xã hội học, xuất bản tại Sài-Gòn 1960), Donoghue và
Võ-hồng-Phúc đã nghiên cứu về làng Mỹ-Thuận (1961) trên phương diện xã hội học
và dân tộc học. Các tác phẩm này đểu viết bằng tiếng Anh.
*
Trên đây là những công trình khảo cứu của người ngoại quốc đối với
dân tộc Việt-Nam. Với việc làm này, theo chúng tôi thấy có hai điểm cần được
bàn đến.
Thứ nhất, nếu cho công trình nghiên cứu về dân tộc học là một công
trình thuộc về lãnh vực đạo học như chúng tôi đã trình bày, thì khả năng đóng
góp của người ngoại quốc đối với người Việt-Nam không xác thực mấy, dẫu cho
công trình ấy có to tát đến đâu chăng nữa. Nói như thế không phải chúng tôi chê
tầm nhận xét của người ngoại quốc là nông cạn, nhưng sự thực dù nhận xét của họ
có tinh vi đến đâu cũng không làm sao hiểu nổi những đặc tính của người
Việt-Nam. Cũng như chúng ta không thể nào thấu hiểu những đặc tính của các dân
tộc nước ngoài. Ngay như người Việt-Nam chúng ta, cùng sinh hoạt trên một mảnh
đất, cùng sống chung trên một dòng lịch sử, thế mà tâm trạng của một người
thượng lưu còn không thể nào hiểu nỗi tâm trạng của một kẻ bình dân thay. Đó là
chuyện rất thực tế. Bởi vì, dân tộc tính xuất phát từ tình cảm của con người
trước lẽ sống. Nhìn một con chim bay, hoặc một cành cây bị gãy chẳng hạn, tâm
trạng người nước ngoài không thế giống với tâm trạng người Việt-Nam được, đừng
nói đến những cảm nghĩ sâu xa về phong tục, tập quán di lưu từ bao nhiêu thế
kỷ. Sự cách biệt ấy chỉ vì mỗi người chúng ta không là của chung của con người
mà đã trở thành cá biệt. Chúng ta không còn thể nào cởi bỏ tính chất cá biệt
trong con người chúng ta nữa.
Thứ hai, chúng ta phải kể đến mục đích của những nhà khảo cứu về
dân tộc tính. Từ đầu thế kỷ XIX, khoa học cơ giới phát minh, chế độ thực dân
bành trướng, các dân tộc tân tiến về cơ giới chủ trương đi chinh phục các nhược
tiểu dân tộc kém mở mang về kỹ nghệ. Nếu những nhà khảo cứu dân tộc học dựa
trên mục đích ấy, đem công trình khảo sát về dân tộc tính áp dụng đối với các
nước ngoài, thì chính những người ấy đã mang nặng sắc thái cá biệt của họ rồi
thì làm sao hiểu nổi tâm hồn của các dân tộc khác, khi họ quan niệm một lẽ sống
hoàn toàn cách biệt.
Chỉ có những nhà dân tộc học chân chính, không đặt công trình mình
vào một tham vọng cá nhân, mà đặt nó vào một lợi ích nhân loại, đứng ra ngoài
lãnh vực cá biệt của con người mình thì bấy giờ công trình của họ mới đạt đến
kết quả.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng không phủ nhận hoàn toàn giá trị nghiên
cứu của các nhà dân tộc học Âu-Tây đã đóng góp trước đây. Dù họ không đạt được
kết quả mỹ mãn, song cũng giúp ích phần nào đối với những kẻ cần tìm đến những
quan điểm dị biệt ấy.
Cũng trong tập « Hành trình vào dân tộc học », ông
Lê-Văn-Hảo có lược dẫn sự nghiệp nghiên cứu của các nhà dân tộc học Việt Nam.
Ông chia ra làm hai thời kỳ : thời kỳ trước 1955 và thời kỳ từ 1955 đến
1965. Theo ông :
*
1) Trước
năm 1955
Qua những công trình và sáng tác tác phẩm kể trên, ta thấy phần
đóng góp phong phú của các học giả Tây-Âu, nhưng sự nghiệp nghiên cứu của các
nhà dân tộc Việt-Nam vẫn là chính yếu.
Trước năm 1955 ta có thể kể tên học giả như Nguyễn-Văn-Khoan,
Nguyễn-Thiệu-Lâu, Ngô-Quí-Sơn, Đào-Duy-Anh, Nguyễn-Văn-Ngọc, Vũ-Quốc-Thúc và
nhất là Nguyễn-Văn-Huyên.
- Nguyễn-Văn-Khoan là tác giả của bốn thiên khảo luận về Nghi-lễ
« vớt hồn », tục tuyên thệ trước thần linh, tục bảo vệ trẻ em bằng
phương thức dị đoan, và tục thờ cúng thành hoàng trong các xã thôn miền
Bắc-Việt. Thiên khảo luận sau này là phần đóng góp quan trọng nhất của ông
Nguyễn Văn Khoan vào công việc nghiên cứu tôn giáo dân gian Việt Nam. Ông là
người đầu tiên ghi chép được một số nghi lễ bí truyền của đạo thờ cúng
Thành-Hoàng. Nghi lễ bí truyền đó gọi là « hèm », và Nguyễn-Văn-Khoan
đã nhận định rằng « hèm » có thể có một ý nghĩa sâu xa trên phương
diện phong tục và tôn giáo.
- Nguyễn-Thiệu-Lâu đã từng nghiên cứu xã hội nông thôn về mặt dân
số, phong tục, kinh tế (lịch sử cải cách điền địa).
- Ngô-Quí-Sơn là tác giả hai thiên khảo luận về tục thờ cúng thần
trùng và về trò chơi của trẻ em tại miền Bắc-Việt (trong tập san Viện
Đông-phương Nghiên cứu Nhân-học).
- Đào-Duy-Anh với tác phẩm « Việt-Nam văn-hóa sử-cương »
đã trình bày lần đầu tiên một hình ảnh toàn diện của văn hóa Việt-Nam qua khía
cạnh sinh hoạt kinh tế, sinh hoạt xã hội, sinh hoạt tinh thần. Trong phần tổng
luận, ông đã nêu lên một số nét phổ quát và sâu sắc về tâm lý của người
Việt-Nam và văn hóa Việt-Nam : xã hội Việt-Nam lấy gia tộc làm cơ
sở ; họ hàng, bà con lấy tình nghĩa mà đối đãi với nhau. Dân tộc Việt-Nam
vốn hiếu hòa, chỉ mong an cư lạc nghiệp chứ không muốn cạnh tranh với ai. Nông
nghiệp đã đem lại cho người Việt-Nam một nhân sinh quan rất kiện toàn và đã xây
dựng tính chất trường tồn của văn hóa Việt-Nam.
- Nguyễn-Văn-Ngọc đã cung cấp nhiều tài liệu văn học dân gian quí
báu, chủ yếu là hai tập « Tục ngữ Phong dao », tập « Truyện cổ
nước Nam ».
- Vũ-Quốc-Thúc đã dành cho nền kinh tế xã thôn cổ truyền Việt-Nam
một tác phẩm rất súc tích (1951) (tác phẩm này viết bằng tiếng Pháp) trong đó
ông giải thích kinh tế nông nghiệp bằng những yếu tố tâm lý và yếu tố xã hội đã
từng thắt chặt hiện hữu của người nông dân với nếp sống hạn hẹp trong môi
trường xã thôn mà họ không thích vượt ra.
- Nguyễn-Văn-Huyên, nổi tiếng nhất trong giới nghiên cứu dân tộc
học Việt Nam. Ông tốt nghiệp đại học Paris từ năm 1933 với hai luận án về
« Nhà sàn ở Đông-Nam-Á », Nguyễn-Văn-Huyên đã tiếp tục học hỏi về
nhiều đề tài xã hội, tôn giáo và văn hóa như : nhà cửa Việt-Nam, xã thôn
Việt-Nam, hội đình và tục thờ Thành-Hoàng, hội đền Phù-Đổng, đạo thờ tiên ở
Việt-Nam…
Trong tác phẩm về « Nam nữ đối ca tại Việt-Nam »,
Nguyễn-Văn-Huyên mô tả tục hát hội (quan họ, trống quân) và chứng minh rằng
những yếu tố như : sự cân đối trong cách cấu tạo từ ngữ, trong âm thanh,
trong ý nghĩa, trong nhịp điệu, sự hiện diện của vô số từ hai tiếng đối ngẫu về
ý nghĩa, cân xứng về bằng trắc, nhịp đôi của thơ lục bát và tư tưởng cụ thể trở
thành hình tượng văn chương, đã giúp cho người bình dân Việt-Nam có khả năng
ứng khẩu hát lên đối đáp nhau giữa trai gái trong các hội hát.
Nguyễn-Văn-Huyên đã nghiên cứu tường tận về Thành-Hoàng Lý Phục
Man và chứng minh mối liên lạc giữa tục thờ Thành hoàng với lịch sử định cư của
dân tộc Việt-Nam : miền thờ Thành-Hoàng cổ kính nhất cũng là miền định cư
đầu tiên của dân ta (Bắc-Giang, Bắc-Ninh, Phúc-Yên).
Trong khi mô tả hội đền Phù-Đổng, ông đã cung cấp nhiều tài liệu về
Phường Ải-lao, một phường gồm có nhạc, múa và hát có truyền thống nghệ thuật
khá độc đáo : ghi dấu vết một số phong tục cổ kính như tục nam nữ đối ca
trong dịp hội mùa.
Trong tác phẩm về Đạo thờ Tiên ở Việt-Nam, ông đã ghi lại truyền
thuyết của Chữ Đồng-Tử, của Liễu-Hạnh, của Tú-Uyên, của Từ-Thức trên quan điểm
tôn giáo dân gian là quan điểm của sách « Hội Chân Biên » mà ông đã
giới thiệu và phân tích kỹ lưỡng. Ông đã khảo luận về một giáo phái thờ tiên
đặc biệt của Việt-Nam là trường Nội Đạo và một số nghi lễ của đạo thờ tiên.
Năm 1944, Nguyễn-Văn-Huyên xuất bản một tác phẩm có phân tích tổng
hợp về văn hóa Việt-Nam tương đối đầy đủ hơn tác phẩm của Đào-Duy-Anh.
2) Từ
1955 đến 1965
Sau khi Việt-Nam thu hồi nền độc lập, nền dân tộc học quốc gia đã
tự đạt được những thành quả đẹp đẽ.
Ninh-Viết-Giao và Nguyễn-Chung-Anh, Lưu-Hữu-Phước và
Nguyễn-Xuân-Khoát, Mịch-Quang, Trần-Việt-Ngữ, Hoàn-Kiều… đã có công nghiên cứu
và giới thiệu hát quan họ, hát ví, hát giặm, hò hát xuồng, hát chèo.
Nguyễn-Hồng-Phong với những tác phẩm như « Xã thôn Việt-Nam » và « Tìm
hiểu tính cách dân tộc » đã nêu lên nhiều nét độc đáo trong văn hóa dân
tộc.
Phần đóng góp phong phú nhất vào dân tộc học Việt-Nam sau 1955 có
lẽ là sự nghiệp sưu tầm và nghiên cứu của Nguyễn-Đổng-Chi với những tác phẩm
thần thoại, cổ tích, hát dặm Nghệ-Tĩnh, vè Nghệ-Tĩnh, những thiên khảo luận về
tục cổ người Việt trong Tết Nguyên-đán và mùa xuân, về chế độ gia đình của
người Việt-Nam thời cổ đại, v.v…
Nguyễn-Đổng-Chi đã có công sưu tầm trên 30 thần thoại Việt Nam,
hàng trăm bài hát dặm Nghệ-Tĩnh, hàng trăm truyện cố tích với những khảo dị rút
ra từ cổ tích những dân tộc khác, đều là những tài liệu quý giá về văn học dân
gian và tư tưởng dân gian Việt-Nam.
Trong công tác sưu tầm và nghiên cứu cổ nhạc và dân ca phải kể đến
những thành tựu của nhạc sư, nhạc sĩ Nguyễn-hữu-Ba, tác giả tập « Dân ca Việt Nam », như Phạm-Duy,
tác giả nhiều bài báo và cuộc nói chuyện trên đài vô tuyến truyền thanh về dân
ca Bắc Trung Nam.
Dân tộc nhạc học Việt-Nam sở dĩ phát triển mau chóng và được học
giới nước ngoài chú ý đến là nhờ công trình nghiên cứu đại qui mô của nhạc sư
Trần-Văn-Khê, với tác phẩm lớn về « Âm nhạc Việt-Nam cổ truyền » (1962) và nhiều
thiên khảo luận.
Các nhà ngữ học như Lê-Ngọc-Trụ, Nguyễn-Hiến-Lê, Trương-Văn-Chính đều
có những đóng góp khả quan về ngữ thể, ngữ nguyên và ngữ pháp Việt-Nam. Ngành
dân tộc ngôn ngữ học, sau Léopold Cadière đã được học giả Nguyễn-Bạt-Tụy đào
sâu qua một số bài vở nghiên cứu súc tích về Ngữ-Việt ở Quảng-Trị, về nhà cửa ở
Quảng-Nam, về tên cá và nghề chài lưới trong tiếng Việt, về tên gọi các đồ đựng
Việt-Nam qua các miền (đăng trong Đại học, Bách-khoa, Văn-hóa nguyệt-san).
Thuần-Phong trong « Ca-dao giảng-luận » (1958) đã chú tâm đến văn chương
phong phú của các điệu hò miền Nam. Đỗ-Bằng-Đoàn, Đỗ-Trọng-Huề trong tác phẩm
lớn « Việt-Nam ca trù biên khảo », đã có công đặt nền tảng cho
cuộc nghiên cứu về hát ả đào trên những phương diện văn học, phong tục học và
văn hóa sử. Trần-Văn-Toàn đã chú ý đặc biệt đến đạo Thiên Tiên Thánh Mẫu và
hiện tượng đồng bóng ở Thừa-Thiên. Nghiêm Thẩm đã bổ túc những tìm tòi đầu tiên
của Ngô-Quí-Sơn trong một tác phẩm nghiên cứu công phu về « Những tục lệ
cấm kỵ của người Việt-Nam » (1965).
Ngoài ra phải để ý đến một số tác phẩm có giá trị phổ thông và
chứa đựng ít nhiều tài liệu dân tộc học của một Toan-Ánh (Phong lưu đồng ruộng,
Bó hoa Bắc-Việt), của một Thái-Văn-Kiểm (Đất Việt trời Nam), hay của một
Doãn-Quốc-Sĩ (Người Việt đáng yêu).
*
Trên đây là bài lược khảo của ông Lê-văn-Hảo về sự nghiệp nghiên
cứu của các nhà học giả Việt-Nam với ngành dân tộc học từ trước đến nay. Chúng
tôi trích ra đây để cống hiến các bạn một chân trời rộng lớn của lãnh vực
nghiên cứu về dân tộc học. Riêng chúng tôi, trong tác phẩm này chỉ hạn hẹp vào
lãnh vực thi ca bình dân, việc làm của chúng tôi cũng vẫn là một công trình
đóng góp trong lãnh vực dân tộc học nói trên. Vì vậy trước khi các bạn cùng
chúng tôi bước vào lãnh vực thi ca, về phần sinh hoạt xã hội, chúng tôi mời các
bạn đưa mắt nhìn qua khắp khung trời, tưởng không phải vô ích.
I. PHONG TỤC VIỆT-NAM XUYÊN QUA CA DAO
Tại sao khi nghiên cứu về thi ca bình dân chúng ta lại phải nghiên
cứu về phong tục ?
Bởi vì phong tục xuất phát từ lề lối sinh hoạt của một xã hội, mà
thi ca là nguồn gốc của tình cảm diễn biến và phản ảnh theo nếp sinh hoạt ấy.
Cho nên chúng ta không lấy làm lạ khi thấy trong thi ca bình dân Việt-Nam phần
nhiều nói lên những phong tục, tập quán và mọi hình ảnh hàng ngày có liên quan
đến đời sống xã hội. Từ một con đê, một thềm giếng, một lũy tre, một con đường,
một cổng chợ… luôn luôn là những hình ảnh sống động gắn liền với mọi sinh hoạt
hàng ngày của dân quê. Những hình ảnh ấy không phải là những hình ảnh phiêu du
trong niềm giao cảm, gợi lên những thích thú tò mò như những khách nhàn du đi
tìm cảnh đẹp, mà nó trở thành những hình ảnh cố định trong đời sống họ, trong
tâm hồn họ, trong cảm giác họ, và họ xem những hình ảnh ấy chiếm một phần quan
hệ trong đời sống tinh thần họ không thể nào từ bỏ được. Nếu ngày nay, trong
lãnh vực yêu đương, những đôi mắt đẹp, những làn môi son, những hàm răng ngọc…
đã khiến chúng ta không thể đặt nó ra ngoài vòng cảm khoái của tâm hồn, và
trong nếp sống hàng ngày, trong sách vở, chúng ta đã lấy đó làm nguồn sống, thì
đối với người dân quê thời xưa, những hình bóng gần gũi của tâm hồn họ lại
chính là những cảnh tượng sinh hoạt thường ngày. Những hình ảnh ấy chẳng những
đã gắn bó với họ mà còn quyện mãi trong tâm hồn họ thành những thói quen, những
tập tục di lưu mãi với thời gian trong nhiều thế hệ cho đến ngày nay, chúng ta
vẫn còn thấy đậm đà.
Bắt đầu vào phần này, chúng ta thử trở về một ngôi làng cũ, ngôi
làng Việt-Nam, nơi ông bà tổ tiên chúng ta đã gây dựng.
a) Làng xóm Việt-Nam
Làng xóm Việt-Nam là gì ?
Nếu giải thích theo ý thức chính trị thì làng xóm là một đơn vị
nhỏ nhất trong chế độ cai trị của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn
hiểu nghĩa tiếng « làng xóm » theo ý tưởng người dân quê Việt-Nam thì
không phải vậy. Nói đến làng xóm Việt-Nam là nói đến hình ảnh của dân quê, cuộc
sống của dân quê, nơi chứa đựng nhiều tình thương, nơi khắc ghi nhiều kỷ niệm,
nơi con người Việt Nam bất kỳ vào thời nào, thế hệ nào, vẫn cảm thấy niềm quyến
luyến với những cánh đồng bát ngát, những lũy tre xanh, những con đường đê,
những ngôi đình rợp bóng cây đa…
Tại sao yếu tố sinh hoạt xã hội lại bao trùm lên yếu tố chính trị,
mà lẽ ra làng xóm chỉ là đơn vị của bộ máy nhà nước ?
Muốn rõ nguyên nhân điều này, chúng ta phải tìm hiểu nguồn gốc của
làng xóm Việt-Nam.
Cũng như những nước nông nghiệp khác, làng xóm Việt-Nam không phải
thành hình do những tổ chức chính trị mà do hoàn cảnh kinh tế quyết định vấn đề
định cư lập ấp.
Trước đây nhiều tác giả ngoại quốc như ông Luro, Ory, Pasquier,
Rouilly chẳng hạn, vì thấy qui chế « tỉnh điền » ở các làng xóm
Việt-Nam giống như phép « tỉnh điền » trong Chu-lễ của người
Trung-Hoa, nên đã cho rằng làng xóm Việt-Nam là một tổ chức chính trị bắt chước
theo lối tổ chức của người Trung-Hoa, và ở Việt-Nam, có nhiều học giả cũng chấp
nhận sự khảo sát trên là đúng, chẳng hạn như ông Trần-Văn-Trai trong luận án
tiến sĩ văn khoa năm 1942 với nhan đề « La famille patriarcale annamite »
(Gia đình phụ hệ An-nam). Thực ra, nhận xét như vậy, các học giả đã tách rời
tính chất sinh hoạt của một dân tộc nông nghiệp mà chỉ căn cứ vào một vài sự
kiện ngoại lai để hình dung xã hội Việt-Nam.
Nếu chúng ta thử đặt câu hỏi : « Làng xóm
Việt-Nam có từ lúc nào ? » thì chưa chắc một ai đã đủ lý
luận để chứng minh, mà chỉ có thể trả lời rằng : « Làng xóm Việt-Nam đã có tự
ngàn xưa ».
Có tự nghìn xưa tức là từ khi bắt đầu có người ở. Mỗi làng có thể
bắt đầu từ một gia đình, rồi đến hai, ba gia đình… từ một nơi này kéo đến một
nơi khác lập nghiệp bằng cách khai khẩn, trồng trọt kiếm ăn, cho đến lúc sinh
sôi nảy nở, đông mãi rồi thành làng.
Làng Việt-Nam từ lúc bắt đầu thành lập, trải qua bao nhiêu cuộc
biến thiên của lịch sử nước nhà, mà vẫn tồn tại, vững bền. Như vậy, chúng ta
không thể xem làng xóm Việt-Nam như một cơ cấu hình thành trên yếu tố chính trị
được, mà phải công nhận rằng tổ chức chính trị đã dựa theo điều kiện định cư tập
thể của dân gian để đặt vào đấy guồng máy cai trị.
Ông Nguyễn-Hữu-Khang trong luận án tiến sĩ về « Làng xóm
Việt-Nam » nghiên cứu về lịch-sử pháp lý và kinh tế đã bác bỏ mọi ý
kiến áp đặt làng xóm Việt-Nam trong hình thức tổ chức chính trị, và cho rằng :
« Tất cả các nhà xã hội học đều công nhận con người luôn
luôn tìm đến lẽ sống tập thể. Từ ngàn xưa, con người, một sinh vật có bản tính
tập thể, để kết hợp với nhau thành tập đoàn rời, đó là do trạng thái thiên
nhiên. Tập thể nguyên thủy, những bộ lạc đầu tiên nhất người ta đã tìm thấy,
cũng như những bộ lạc xa xưa nhất dù họ đã tụ hội trên tinh thần quyến thuộc,
liên hệ vì một ông tổ chung, có thực hoặc tưởng tượng, hay trên những đặc tính
tương đồng hoặc dính dáng về sinh hoạt, hay sau hết, chỉ bởi sự kiện đồng cư ở
một nơi, đều chứng tỏ sự cần thiết và khởi thủy này của con người ».
Như vậy, theo ông Nguyễn-Hữu-Khang, làng xóm thành hình chỉ vì
điều kiện tất yếu con người trong lẽ sống. Đã có con người, phải có sự sống
chung, và khi đã sống chung tất có sự liên kết giữa con người và con người, tạo
thành xã hội. Tóm lại, dưới mắt nhà xã hội học, làng xóm chỉ là đơn vị hợp quần
nhỏ nhất và căn bản nhất của con người.
Tuy nhiên, khi con người đã vì tình cảm thiên nhiên, sống liên kết
với nhau rồi thì điều kiện cốt yếu để bảo vệ sự kiên kết ấy là sinh hoạt xã
hội. Sinh hoạt xã hội trước tiên nằm trong hai lãnh vực trọng yếu là kinh tế và
chính trị.
Về sinh hoạt kinh tế, dân tộc Việt-Nam sống theo nông nghiệp, công
tác khai khẩn và trồng trọt là chính yếu, bởi vậy đất đai được khai phá tùy
thuộc vào sự thuận tiện của nghề nghiệp canh tác, hình thể làng xóm cũng tùy
thuộc sự thuận tiện ấy mà bành trướng. Cho nên, làng xóm Việt-Nam không một
làng nào giống làng nào, có làng ăn theo chiều dài, có làng ăn theo chiều
ngang, có làng nằm kế cận nhau, có làng nằm rải rác… lớn, nhỏ, đông hoặc ít dân
cư không chừng. Trong những khác biệt về hình thể và địa lý ấy, người ta lại
thấy có những hiện trạng giống nhau đến nỗi những người ngoại quốc khi đến
nghiên cứu làng xóm Việt-Nam đã phải nói :
« Nếu ai đã có dịp đi xem một làng Việt-Nam đều có thể
tưởng tượng ra những làng khác dù chưa từng đặt chân đến mà không sợ lầm
lẫn ».
Nhận định trên không phải vô lý. Ngay như người Việt-Nam chúng ta
cũng có cảm giác như vậy. Cái giống nhau của làng xóm Việt-Nam là cái giống
nhau về tình cảm, sinh hoạt, tâm hồn, nếp sống… Từ căn bản ấy, cuộc sống của
dân gian Việt-Nam gắn liền với một hình thức tương trợ, mà những ai dùng tâm tư
để khám phá cảnh vật đều phải công nhận trạng thái ấy.
Làng nào cũng có lũy tre xanh bao bọc, chừa những lối ra vào gọi
là cổng làng, bên trong, những cánh đồng bát ngát, những nhà cửa rải rác liên
hệ từng vùng theo xóm nhỏ. Những con đường làng gồ ghề hoặc phẳng phiu uốn
khúc, quanh co như nối vạn tình thương từ nhà này sang nhà khác, những con đê,
những giếng nước, những bờ ao, cảnh vật như lúc nào cũng đượm một sắc thái an
nhàn, trữ tình… trong thầm lặng.
Như vậy, làng xóm Việt-Nam mang sắc thái của nếp sống xã hội hơn
là tổ chức chính trị. Cũng vì do sự thành hình của nếp sống xã hội mà làng xóm
Việt Nam trở thành hình của nếp sống xã hội mà làng xóm Việt Nam trở thành
những hình ảnh của tâm tư, những kỷ niệm in sâu vào lòng người quê, chứa đầy ý
sống.
Ai đã từng sống trong gia đình, dù dưới một mái tranh xiêu vẹo,
hay trước một bếp lửa nghèo nàn, tình cảm con người vẫn gắn liền với mọi vật
dụng thường ngày, và những vật dụng ấy ghi lại trong lòng người một tình cảm
sâu đậm, để rồi lòng người chẳng bao giờ muốn xa rời nó ra.
Đây, chúng ta thử nghe một câu hát của cô gái quê đã diễn tả mối
tình cảm ấy :
« Giả ơn cái cối cái chày,
Nửa đêm gà gáy, có mày có tao !
Giả ơn cái cọc bờ ao,
Nửa đêm gà gáy, có tao có mày ! »
Một cái cọc bờ ao, một cái chày giã gạo, có gì quí báu, đẹp đẽ
đâu, nhưng khi sinh hoạt con người đã gắn liền vào đấy thì tình cảm con người
cũng phát sinh đến độ xem những vật dụng ấy như là « tri kỷ ».
Đối với thôn xóm cũng thế, từ con đường đầu làng đến bờ ruộng cuối
thôn, mọi vật đối với người dân quê chung sống hàng ngày, trước mắt họ, bên tai
họ, lúc nào những hình bóng ấy cũng như quen thuộc, chứa đựng cảm tình. Cho nên
khi chúng ta nói đến « làng tôi »… chỉ hai tiếng ấy thôi, mỗi người
trong chúng ta tự nhiên đã hình dung ngay một thời dĩ vãng chứa đựng những hình
bóng sinh họat trong lúc tuổi xanh.
Thật vậy, người dân Việt-Nam hầu hết đều sinh đẻ và lớn lên ở đồng
quê. Thành thị chỉ là nơi sinh sống trong lúc họ phải đi tìm kế sinh nhai. Hoặc
giả có ít người sinh đẻ ở thành thị, lấy thành thị làm nơi chôn nhau cắt rún
thì tâm hồn họ vẫn hướng về thôn quê, bởi vì thôn quê vẫn là nguồn gốc sinh
sống của ông bà cha mẹ họ, và tình cảm của họ đối với thôn quê vẫn thấy mặn mà.
Đó là những nét đặc biệt trong tâm hồn người dân Việt, một dân tộc trưởng thành
trong nếp sống nông nghiệp. Từ trước, trải qua bao nhiêu thế hệ, tiền nhân
chúng ta đã ca tụng những tình cảm sâu xa đối với làng quê, và ngày nay, chúng
ta vẫn còn ca tụng, trong lúc dân tộc ta trải qua không biết bao nhiêu biến đổi
về chính trị, về sinh hoạt, bằng chứng ấy không đủ nói lên đặc tính của một dân
tộc sao ?
Tình cảm của người Việt-Nam đối với làng quê bàng bạc trong thi
ca, mà dưới đây là một thí dụ :
« Làng tôi bé nhỏ xinh xinh,
Chung quanh có lũy tre xanh rờm rà.
Trong làng san sát nóc nhà,
Đình làng lợp ngói có và cây cau.
Chùa làng rêu phủ mái nâu,
Dân làng thờ cúng để cầu bình an.
Chợ làng có quán năm gian,
Ngày phiên thiên hạ buôn hàng rất đông.
Giếng làng có mạch nước trong,
Có cây đa mát bóng vùng rất xa.
Trường làng rộng rãi bao la,
Chúng tôi đi học trường nhà rất vui ».
Những hình ảnh vấn vương trong tâm hồn người Việt-Nam đối với làng
quê là những lũy tre xanh phủ màu sương lam buổi sáng để chào đón bình minh,
những mái tranh ấp ủ khói chiều biểu hiện sự đoàn tụ của mỗi gia đình sau một
ngày làm lụng, những con đường làng quen thuộc in mọi vết chân, những gốc đa
sừng sựng muôn đời để chứng kiến mọi diễn biến của thời gian đã khắc ghi vào
đấy những mẫu chuyện thần thoại, cổ tích từ thế hệ này qua thế hệ khác… và, còn
rất nhiều hình bóng làng quê, chúng ta không kể xiết.
Những tình cảm ấy không phải tự nhiên mà có, nó bắt nguồn từ nếp
sinh hoạt thôn quê, và di lưu trong tâm hồn dân tộc. Tình cảm ấy cũng không
phải chỉ chứa đựng thầm kín trong mỗi con người chúng ta mà phát hiện trong nếp
sống hàng ngày, trong mọi sinh hoạt tập thể, khiến cho người ngoại quốc khi
nhìn đến làng quê Việt Nam cũng phải cảm thông với chúng ta mối tình làng quê
ấy.
Trong tập « L’Indochine en zigzags » do
Albin Michel ấn hành năm 1929, một tác giả người Pháp, ông Pierre Billotey có
viết :
« Ruộng nương… thật là linh hoạt, và quang cảnh vui tươi.
Không một chút gì giống những đồng lầy, đất nước chúng ta. Ở đây, mỗi mẫu đất
ẩm thấp đều được trồng trọt, chăm nom và có người. Trong khoảng không đầy một
mẫu đất, có thể đếm được tới trăm chiếc nón chóp của dân làng. Khắp mọi chỗ,
người dân quê đều làm việc, gập mình xuống, cấy lúa. Hoặc hái trong tay, họ gặt
lúa. Nơi khác, họ đang cày ruộng, đi sau những con trâu, lại có những con trâu
khác nghỉ ngơi, dầm mình trong nước sâu hơn, chỉ lòi lên những chiếc đầu với sừng
và mình đen, ở trên ngồi chồm hổm một chú bé trần truồng, Thỉnh thoảng một đàn
cò trắng vụt bay lên ». 1
(La rizière… qu’elle est vivante, gaie d’aspect ! Elle ne
ressemble en rien au marais de chez nous. Chaque lopin de terre humide est ici
cultivé, soigné, peuplé. Dans moins d’un hectare vous comptez les chapeaux
coniques de cent villageois. Partout, des gens travaillent, penchés, repiquant
les pieds de riz. Ou serpe à la main, ils récoltent. Ailleurs, des hommes
labourent, derrière les buffles. D’autres buffles au repos, se baignent, dans
l’eau plus profonde d'où émergent seulement leurs têtes encornées et leur
échine noire où s’accroupit un enfant nu. A chaque instant se lève un vol
d’aigrettes blanches).
Và, trong một đoạn khác ông Pierre Billotey lại diễn tả một cách
tấp nập của dân làng trên một đoạn đường quê. Ông viết :
« Cũng chính trên con đường ấy, cả một đoàn người nối đuôi
nhau đi. Phải chăng họ từ phiên chợ trở về, những người dân quê gánh nặng và
đông đảo ấy ? Họ bước thoăn thoắt, vội vàng. Chiếc đòn gánh trên vai họ
thòng xuống, lủng lẳng như hai đĩa cân, hai rổ sảo giống như hai chiếc ly hoặc
những thúng mủng. Trong những thúng mủng này chồng chất nghìn thứ khác nhau,
thóc, gạo, chuối, rau, cỏ, hạt, cau, trầu, rơm, nồi đất, buộc tài tình và nhiều
thứ khác nữa ». 2
(Sur la route elle même, tout un peuple circule à la queue leu
leu. Reviennent-ils de la Foire, ces campagnards si nombreux, si chargés ?
Ils trottinent, pressés, portant sur l’épaule le fléau de bambou auquel
pendent, comme les plateaux d’une balance, deux vanneuses en forme de coupe on
des paniers cylindriques. Là dedans, s’amoncellent mille denrées disparates,
paddy, riz, décortique, bananes, herbes, graines inconnues, noix d’arec,
feuille de bétel, paille, marmites en terre cuite adroitement ficelées et bien
d’autres choses, encore).
Diễn tả hình bóng của làng quê Việt-Nam, người ngoại quốc chẳng
những chú ý đến lề lối sinh hoạt mà còn cảm thông được niềm vui, những tâm hồn
của dân gian gắn liền vào những gì giúp họ sinh sống hàng ngày.
Ví dụ, trong ca dao Việt-Nam có những câu nói đến « gốc cây
đa » hoặc « bóng mát một cụm dừa », như :
« Đầu làng có một cây đa,
Cuối làng cây thị, ngã ba cây dừa.
Dù anh đi sớm về trưa,
Xin anh nghỉ bóng cây dừa nhà em ».
Nếu những bóng cây dừa, cây đa, cây thị ở vùng quê là đầu đề phát
sinh những chuyện thần thoại, hoang đường, và là những nơi chứa đựng những gì
hãi hùng trong đêm tối, thì chính ban ngày lúc trời nắng chang chang bên cánh
đồng trưa, hoặc trên một quãng đường xa người nông phu cần được một bóng mát
nghỉ ngơi, thì cây đa, cây thị lại trở thành những nơi thân mật, an ủi họ trong
khổ nhọc. Cho nên, chúng ta không nên lấy làm lạ, khi cuộc sống người dân quê
đem tâm tư gắn liền với những góc cây đa, cây đề, mà chính họ đã xem là nơi
linh thiêng lúc vắng vẻ.
Đây, chúng ta nghe ông Toan-Ánh tả cảnh tượng của một cây đa đầu
làng trong quyển Làng xóm Việt-Nam :
« Cây đa đầu làng quả thật dễ sợ hơn cây đa ở trên bờ giếng.
Cây đa trên bờ giếng đã già, nhưng cây đa đầu làng lại cổ thụ hơn. Trông to lớn
vô cùng với những rễ phụ ăn bẩm xuống đất cũng như đã biến thành những thân cây
khác. Dưới gốc cây, rễ bò lổm ngổm, khi nổi lên mặt đất, khi lơ lửng nửa chìm
nửa nổi, tạo nên những cái hốc ăn sâu vào rễ cây, hoặc ăn sâu xuống mặt đất.
Các cụ bảo rằng trong các hốc đó có « ngựa ngài ». Và các cụ giải
thích « ngựa ngài » là những cặp rắn có mào, có khi là những cặp rắn
trắng toát với mào đỏ chót. Chẳng biết các cụ có trông thấy « ngựa
ngài » thật không, nhưng nghe lời các cụ tả, khi thế này, khi thế khác, và
các cụ bảo « ngựa ngài » có phép biến hóa muôn hình vạn trạng ».
Không phải chỉ có thế, cây đa, cây đề ở thôn quê còn mang nhiều
câu chuyện thần linh rùng rợn hơn nữa. Tuy nhiên, người dân quê không phải vì
những câu chuyện thần linh rùng rợn đó mà xa lánh cây đa, cây đề, bởi lẽ cuộc
sống của họ, lúc đi sớm về trưa, lúc làm lụng nắng nôi không thể nào xa lánh
được những chỗ có cây đa cây đề ấy. Mặt khác người dân quê tâm hồn rất đơn sơ,
giản dị, nên nhiều khi kính trọng không phải là sợ hãi. Bằng chứng là những lúc
trời trưa, những đêm trăng sáng, chúng ta thấy họ tụ tập năm ba người, đôi khi
cả hàng đoàn thợ gặt, thợ cấy, dưới gốc một cây đa, mở cơm ra ăn, và trò chuyện
rất tự nhiên, trong lúc đó bên cạnh họ những ống bình vôi lăn lóc, những cái
trang thờ thần linh vẫn sờ ra đấy với bức bài vị đề bốn chữ « đại thụ linh
thần ». Thế thì với tinh thần tôn thờ một tàn cây, một bóng mát, họ còn có
cả tinh thần bình dị đối với lòng tín ngưỡng của họ.
Ngoài những cây đa bóng mát nơi đầu làng cuối thôn, trong ca dao
bình dân còn nói đến những hình bóng khác hầu như cố định trong tâm hồn người
dân quê nước Việt. Đó là những chiếc cổng làng, lũy tre làng, cánh đồng làng,
sông làng, đình làng, chợ làng, bờ đê làng, v.v… mà họ xem như những người bạn
cùng chung sống với họ.
Bởi vậy, khi một cô gái theo chồng, rời bỏ quê mẹ, lòng cô không
thể nào cắt bỏ những nhớ nhung. Cô phải thốt lên những câu tha thiết như :
« Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều ».
Quê mẹ chính là ngôi làng cô đã được sinh đẻ và trưởng thành. Khi
đau lòng và nhìn về quê mẹ, không phải cô chỉ nhớ đến gia đình, nhớ đến người
thân, mà chính lòng cô đã ngậm ngùi luyến tiếc những hình ảnh quen thuộc khắc
ghi trong tâm não : cây đa bóng mát ở đầu làng, bờ ao hàng ngày cô đến
giặt áo rửa rau, những mặt đê, những con đường mà cô đã từng đi sớm về trưa khi
cô còn là cô gái chưa chồng. Như vậy, chúng ta thấy rõ tình quê hương phát xuất
từ mọi sinh hoạt của người dân, hun đúc vào tâm tư, mà những quyến luyến, nhớ
nhung đối với tình quê chính là hình bóng đã tạo thành lẽ sống quen thuộc của
họ.
Ngày nay, nhiều nhà thơ khi hướng về đồng quê để diễn tả tình cảm
của mình thì những hình bóng của làng quê cũng gieo và tâm hồn họ những cảm
nghĩ thiết tha ấy. Ví dụ, Bàng-Bá-Lân trong bài thơ :
« Cổng làng »
Chiều hôm, đón mát cổng làng,
Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi.
Đồng quê vờn lượn chân trời,
Đường quê quanh quất bao người về thôn.
Sáng hồng lơ lửng mây son,
Mặt trời thức giấc, véo von chim chào,
Cổng làng rộng mở ồn ào,
Nông phu lững lững đi vào nắng mai.
Trưa hè bóng lặng nắng oi,
Mái gà cục cục tìm mồi dắt con.
Cổng làng vài chị gái non,
Dừng chân uể oải chờ cơn gió nồm.
Những khi gió lạnh mưa buồn,
Cổng làng im ỉm bên đường lội trơn.
Nhưng khi trăng sáng chập chờn,
Kìa bao nhiêu bóng trên đường thướt tha.
Ngày màu lúa chín thơm đưa,
Rồi Đông gầy chết, Xuân chưa vội vàng ;
Mừng Xuân ngày hội cổng làng
Là nơi chen chúc bao nàng ngây thơ.
Ngày nay dù ở nơi xa
Thăm quê, về đến cây đa đầu làng.
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng,
Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre.
(Thơ Bàng-Bá-Lân)
Tuy không hòa mình vào sinh hoạt đồng quê, nhưng tâm trạng của
người dân Việt dù ở thành phần nào, giai cấp nào, khi nhìn đến hình bóng của
làng quê vẫn có cảm giác tương tự. Những cảm giác ấy là những kỷ niệm lắng đọng
trong ký ức con người, mà mỗi khi hình bóng của kỷ niệm ấy gợi lên, thì lòng
thiết tha không thể từ chối mọi cảm giác của bản ngã. Bởi vậy chúng ta không
lấy làm lạ khi tâm tư một cô gái bỏ quê theo chồng, hay một chàng trai xa quê,
tâm trạng nhớ nhung lại giống nhau, như :
« Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều ».
Và : « Ngày nay dù ở nơi xa
Thăm quê, về đến cây đa đầu làng.
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng,
Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre ».
(Thơ Bàng-Bá-Lân)
Trên đây, chúng tôi lược dẫn một số yếu điểm do sinh hoạt kinh tế
quyết định trạng thái sinh hoạt xã hội nông thôn. Mặc dù vậy, những tổ chức
chính trị ở nông thôn không phải không quan trọng. Tổ chức chính trị cũng chi
phối vào tâm tư người dân quê một phần lớn trong nếp sống của họ.
Về sinh hoạt chính trị chúng ta phải nói đến hệ thống tổ chức cai
trị của làng xóm. Như chúng ta đã xác định vừa rồi, làng xóm Việt-Nam không
hình thành trên căn bản chính trị. Theo chúng tôi, guồng máy chính trị phong
kiến Việt-Nam chỉ dựa theo phương thức hình thành xã hội Việt-Nam để áp đặt hệ
thống cai trị mà thôi. Bởi vậy, luật pháp cai trị không thể cưỡng chế được
những phong tục địa phương do lề thói sinh hoạt của dân chúng tạo thành. Điều
đó chứng minh rất rõ ràng trong tâm tư người dân đối với mọi thể chế chính trị.
Chúng ta thường nghe những câu tục ngữ di truyền qua nhiều thế hệ
trong dân gian như :
« Phép vua thua lệ làng ».
Hoặc : « Đất có lề, quê có thói ».
Hay : « Nhập gia tùy tục, đáo xứ tùy thân ».
Vậy tục, lệ, lề, thói là gì ?
Nếu hiểu cho tường tận thì tục, lệ, lề, thói vẫn là một thứ luật
pháp, bắt mọi người phải tuân theo, nhưng không phải luật pháp của vua chúa đặt
ra cai trị nhân gian, mà thứ luật pháp do sinh hoạt xã hội, sinh hoạt địa
phương hình thành để bảo vệ sự sống chung theo nguyên tắc một tín ngưỡng, một
xã hội quan đã di lưu qua truyền thống của một nhóm người, một bộ lạc, hay nói
rộng hơn, một sắc tộc. Cho nên, không một nhà chính trị nào, khi nghiên cứu về
tổ chức xã hội mà không để ý đến hai thứ luật pháp luôn luôn song hành trong
bất cứ một chế độ chính trị nào. Đó là luật pháp của bộ máy nhà nước và luật
pháp của phong tục dân gian. Hai nền luật pháp này có lúc dung hòa, có lúc
chống đối nhau. Nếu nền luật pháp của bộ máy nhà nước mang tính chất thống trị,
bắt dân chúng phải thi hành theo một thể chế nào đó để bảo vệ giai cấp thống
trị, thì chính luật pháp của phong tục lại có tính chất chống đối, hoặc bảo vệ,
không cho luật pháp cai trị tiêu hủy những lề thói, những tập tục do nếp sống
tạo thành.
Nhưng tại sao dân gian cố duy trì những lề thói, những tập tục của
nếp sống họ ?
Thực ra cũng chẳng có gì khó hiểu, bởi vì những lề thói, những tập
tục không phải do một cá nhân nào đặt ra, và cũng không để bảo vệ riêng một cá
nhân nào cả. Tập tục, lề thói do tâm tư con người trải qua sinh hoạt xã hội mà
có. Nó phát xuất ở một xã hội quan, tức là quan niệm hợp quần, đúc kết giữa
nhiều người, nhiều thế hệ. Cho nên, bảo vệ lề thói tức là bảo vệ một xã hội
quan, chống mọi ý thức tập đoàn không phù hợp với lẽ sống của một địa phương,
một dân tộc.
Lề thói, tập tục đã không xuất phát từ một thể chế chính trị, hay
một luận thuyết nào, nên chúng ta không thể cho nó là hữu lý, hoặc vô lý, mà
chúng ta chỉ thừa nhận sự hiện hữu của nó mà thôi.
Ví dụ, chúng ta thường nghe những câu hát trong dân gian :
« Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè ».
Tại sao tới Tết lại dựng nêu ăn chè ?
Giản dị, nó chỉ là một trong những lề thói, tập tục mà dân gian đã
thực hiện và bảo vệ nó, tuy không ai có thể giảng giải một cách đích xác ý
nghĩa của nó.
Một ống bình vôi, một ông táo bể, một hỏa lò hư, lúc hết dùng
người ta trịnh trọng đem bỏ ở gốc cây đa, nó vẫn là một tập tục, một lề thói,
những người dân quê trong lúc làm công việc ấy chẳng hề nghĩ tại sao mình phải
làm như vậy, nhưng nếu họ không làm thế, họ lại cảm thấy như họ không thực hành
đúng với lẽ sống trong nhân quần xã hội.
Vậy, tập tục, lề thói vẫn là một thứ luật pháp, mà là luật pháp
của tinh thần, có đủ hiệu lực bắt buộc người dân phải tôn trọng ý thức xã hội
của từng địa phương. Chẳng những thế, tập tục, lề thói còn có khả năng loại trừ
những ý thức xã hội khác biệt, hoặc do hệ thống tổ chức chính trị áp chế, hoặc
do ảnh hưởng ngoại lai du nhập nữa.
Vì nhận rõ sức mạnh của thứ pháp luật tinh thần ấy, nên xã hội
phong kiến thời xưa mặc dù đặt chế độ cai trị lên từng lớp bình dân, vẫn phải
tôn trọng lề thói của địa phương tính.
Ông Trần-trọng-Kim trong « Việt-Nam sử lược » có viết :
« Làng hay xã là phần từ cốt yếu của dân. Phong tục, lề
luật của làng nào riêng làng ấy. Triều đình không can thiệp đến, cho nên tục
ngữ có câu : Phép vua thua lệ làng. Làng có hội đồng kỳ dịch
do dân cử ra để trông coi hết cả mọi việc. Hội đồng ấy có người Tiên-chỉ và
Thứ-chỉ đứng đầu, rồi có Lý-trưởng và Phó Lý do hội đồng kỳ dịch cử ra để thay
mặt làng mà giao dịch với quan tư, có tuần đinh chuyên coi việc cảnh sát trong
làng. Khi một người nào can phạm việc gì thì quan trách cứ ở làng, cho nên ai
đi đâu, ai làm việc gì cũng phải lấy làng làm gốc ».
Ông Đào-Duy-Anh trong « Việt-Nam văn hóa sử cương » cũng có viết :
« Làng xã Việt-Nam được tổ chức theo chế độ tự trị là một
chế độ đặc biệt đã được áp dụng tại nước ta ngay từ thời tiền cổ. Chính phủ
Pháp, sau khi nắm quyền thống trị tại nước ta, đã duy trì và canh tân định chế
hành chính này để cho thích ứng với tình trạng chính trị nước ta thời
đó ».
Tại sao các chế độ phong kiến, thực dân phải duy trì những tập tục
của làng xóm Việt-Nam ?
Thực ra không phải thiện chí của những nhà cai trị, mà chính là
người bình dân Việt-Nam có một xã hội quan khác biệt, và họ đã bảo vệ xã hội
quan ấy bằng cách bảo vệ những tập tục của xóm làng. Nếu không có tinh thần
tranh đấu giữa tập tục và luật pháp cai trị, vị tất người dân quê đã bảo tồn
được quan niệm xã hội của họ qua các trào lưu biến đổi của các chế độ chính
trị.
Bằng chứng rõ ràng đối với nhận xét trên đây là ngay cả người Pháp
trong chế độ thực dân họ cũng đã thừa nhận như vậy. Trong quyển « L’Annam d’autrefois », ông P. Pasquier có viết :
« Làng Việt-Nam luôn luôn tránh sự dòm ngó của người lạ.
Người ta chỉ có thể vào trong làng một cách khó khăn, ngay đến các quan đại
diện cho nhà vua, mặc dầu được đón tiếp kính cẩn theo lễ nghi của tục lệ, nhưng
thường cũng chỉ biết có ngôi đình hoặc ngôi chùa, nơi họ được mời tới. Làng xã
muốn tự mình sinh hoạt một cách hoàn toàn tự do, nên đã bao phủ xung quanh một
vách tường ngăn cách, chẳng khác nào như một gia đình đóng cửa dạy nhau những
chuyện riêng tư, không cưỡng chế và không muốn cho người ngoài để tai nghe
đến ». 3
(Il s’est toujours dérobé aux regards de l’étranger. On ne peut y
pénétrer que dificillement et même les mandarins représentant l’autorité de
l’Empereur, tout en y étant reçus avec le respect et le cérémonial voulu par les rites et
la coutume, n’en connaissent souvent que la maison commune, le đình ou la pagode où ils sont
conduits. La liberté de la commune a besoin, pour s’exercer pleinement,
d’élever autour d’elle une véritable muraille. C’est une famille qui ferme ses
portes pour discuter ses affaires personnelles, sans contrainte et sans
admettre une oreille étrangère).
Nói như thế không phải chúng tôi cố định cho rằng tục lệ xóm làng
bất di bất dịch, không bị chính sách cai trị chi phối và trấn áp. Chúng tôi chỉ
chứng minh thực sự trong xã hội Việt-Nam, trong giai cấp bình dân, mọi người
sống dưới hai hình thức pháp luật, và hai hình thức pháp luật ấy luôn luôn
chống đối nhau, một đàng là nếp sống người dân bảo vệ quan niệm xã hội của họ,
một đàng là chính sách cai trị muốn biến nếp sống của họ thành nếp sống phục vụ
cho mọi đổi thay của chế độ. Chính vì vậy mà tập tục dân gian và luật pháp cai
trị luôn luôn mâu thuẫn và song hành.
Để thấy những trấn áp của luật pháp cai trị đối với tập tục dân
gian, chúng tôi xin trích ra đây bản hương ước của thời phong kiến. Tuy mang
tiếng là hương ước, nhưng thực ra nhà chính trị phong kiến muốn dùng nó để thay
thế vào lề lối sinh hoạt cố hữu của dân gian, biến tập tục của dân gian thành
công cụ phụng sự phong kiến.
Bản hương ước này là một Đạo-dụ của vua Lê Thánh-Tôn gọi là việc
sửa đổi phong tục các làng, gồm có 24 điều, được ông Trần-trọng-Kim ghi lại
trong quyển « Việt-Nam sử lược » :
*
1) Cha mẹ dạy con phải có phép tắc, trai gái đều có nghề nghiệp,
không được rượu chè cờ bạc, tập nghề hát xướng để hại phong tục.
2) Người gia trưởng tự mình phải giữ lễ phép để cho cả nhà bắt
chước, nếu con em làm càn thì bắt tội người gia trưởng.
3) Vợ chồng cần kiệm làm ăn, ân nghĩa trọn vẹn, duy chỉ có khi nào
người vợ phạm tội thất xuất thì mới được bỏ, chứ không được khiên ái, cẩu dung
làm hại đến phong hóa.
4) Làm kẻ tử đệ nên yêu mến anh em, hòa thuận với hương đảng, phải
lấy lễ nghĩa mà cư xử, nếu trái phép thì người tôn trưởng đánh đập dạy bảo, có
tội to thì phải đem nạp quan trừng trị.
5) Ở chốn hương đảng, tông tộc có việc hoạn nạn thì phải giúp đỡ
lẫn nhau, nếu ai có tiếng là người hạnh nghĩa tốt thì các quan phủ huyện sở tại
phải bẩm lên Tòa Thừa, Tòa Hiến để tâu vua mà minh liễu cho.
6) Đàn bà có lỗi mà cha mẹ và chồng đã trừng trị thì nên phải sửa
mình, đổi lỗi, không được tự tiện trốn đi, làm hư mất nết đàn bà.
7) Người đàn bà góa không được chứa những đứa trai trẻ ở trong
nhà, nói dối là con nuôi để âm hành những việc gian dâm.
8) Người đàn bà góa chồng đối với các con vợ cả hay vợ lẽ, nàng
hầu nên có lòng thương xót, không được mưu mô để chiếm đoạt gia tài làm của
riêng mình.
9) Đàn bà góa chồng chưa có con cái phải ở nhà chồng để giữ đủ
tang lễ, không được chuyển vận của cải mang về nhà mình.
10) Làm đàn bà phải theo chồng, không được cậy cha mẹ mình phú quí
mà khinh nhà chồng, nếu không thế thì bắt tội đến cha mẹ.
11) Kẻ sĩ nên quí phẩm hạnh và giữ phép quan, nếu cư xử xu nịnh
những kẻ quyền quí để cậy thế làm càn thì phải cách bỏ đi không kể đến nữa.
12) Kẻ điển lại chỉ giữ việc sổ sách, giấy má để làm việc quan,
nếu làm những việc điên đảo án từ thì quan trên sẽ xét ra trừng trị.
13) Quan dân đều phải hiếu đễ và chăm chỉ làm ruộng, cùng giúp đỡ
lẫn nhau, khi làm việc quan không được trễ biếng, trốn tránh. Nếu ai có tiếng
là người lương thiện thì các quan phủ, huyện phải trình Tòa Thừa, Tòa Hiến để
tâu vua mà tinh biểu cho.
14) Kẻ thương mãi phải tùy thời giá mà buôn bán với nhau, không
được thay đổi thưng đấu, và tụ tập đồ đảng để đi trộm cướp. Nếu phạm điều ấy
thì trị tội rất nặng.
15) Việc hôn giá, tế tự phải giữ lễ phép, không được làm càn.
16) Chỗ dân gian có mở trường du hí, hoặc cúng tế thì con trai,
con gái đến xem không được đứng lẫn lộn để khỏi thói dâm.
17) Các hàng quán bên đường có phụ nữ đi xa đến trọ thì phải phòng
giữ. Nếu để hà hiếp ô nhục người ta, việc phát giác ra thì người phạm cùng với
chủ nhà đều phải trị tội cả.
18) Phủ, Huyện phải lập bia ở các nơi sở tại để cấm con trai, con
gái cùng tắm một bến để cho có phân biệt.
19) Các xã thôn phải chọn một vài người già cả đạo đức làm trưởng.
Những ngày thong thả đem dân ra đình tuyên giảng những lời cáo dụ để khiến dân
bắt chước làm điều thiện thành ra mỹ tục.
20) Trong hạt phủ huyện có kẻ cường hào xâm chiếm điền thổ, ức
hiếp cô độc và xúi giục người ta kiện tụng, thì cho xã thôn cáo giác lên để
quan xử trị, nếu mà tuân ẩn thì phải biếm bãi.
21) Các nhà vương, công, đại thần dung túng những đứa tiểu nhân
đưa người khấn lễ, và để cho người nhà đi ức hiếp dân gian mà mua rẻ các đồ vật
thì cho dân được đầu cáo để trọng trị.
22) Những người làm quan phủ huyện mà biết khuyên bảo dân gian làm
điều lễ nghĩa, khiêm nhượng, có quan Thừa-chính, Hiến-sát xét thực thì được cho
vào hạng tốt ; nếu ai không chăn dạy bảo dân thì cho là người không xứng
chức.
23) Các huynh trưởng ở chốn xã thôn và phường biết dạy bảo con em
trong làng cho nên được phong tục tốt, thì quan Phủ, Huyện phải bẩm Tòa Thừa,
Tòa Hiến để tâu vua ban khen cho.
24) Các dân Mường, Mán ở ngoài bờ cõi, vì giữa lời di huấn, không
được trái đạo luân thường như cha, anh, chú, bác đã chết thì con em không được
chiếm lấy những thê thiếp, nếu mà trái phép thì sẽ bị trị tội rất nặng.
*
Hương ước là một ước pháp, một thứ luật lệ bắt dân làng phải sống
theo một lề lối đã qui định. Theo ông Trần-trọng-Kim thì mặc dù có hương ước,
dân làng không mấy tuân theo, họ vẫn sống theo nếp sống riêng rẽ của tập tục
địa phương. Như vậy, chúng ta có thể xem đó là một hành động chống đối giữa
luật lệ dân gian đối với luật lệ nhà nước.
Trước hết, chúng ta thấy rằng luật lệ dân gian do sinh hoạt xã hội
di lưu trong cảm nghĩ của người dân đã trở thành thói quen, nay muốn sửa đổi
những tập tục đó, dù là bậc vua chúa, cũng không thể dùng lời phủ dụ bắt buộc
họ phải sống khác đi được trong lúc điều kiện sinh hoạt xã hội của dân gian vẫn
không thay đổi.
Mặt khác, làm sao dân chúng hài lòng sửa đổi tập tục mình, khi chỉ
dụ nhà vua dựa trên tổ chức phong kiến, thống trị.
Theo căn bản hương ước trên, chúng ta thấy rõ vua Lê Thánh-Tôn đã
dựa theo triết thuyết của Khổng-Mạnh, đặt nặng cơ cấu phụ hệ trên nền tảng xã
hội, mà điều đó giai cấp bình dân rất bất mãn. Trong thi ca bình dân, những
từng lớp phụ nữ đã nối tiếp nhau qua nhiều thế hệ, nói lên ý thức chống đối của
họ. Vả lại, tập tục là của người dân đã phụng sự cho ý sống của người dân, nhà
cai trị không thể thay đổi, truất bỏ quyền sống của họ, cho nên, ngoài sự phát
triển mức sống của hệ thống kinh tế, sự chống đổi giữa ý thức cai trị và ý thức
tục lệ chính là mầm mống phân chia trong hệ thống chính trị.
Thực ra, trong quá trình lịch sử tranh đấu của dân gian, không
phải người dân quê chỉ dùng những tập tục, lề thói địa phương để chống đối lại
luật pháp của mọi chế độ nhà nước mà còn chống đổi bằng nhiều phương diện khác
nữa, cũng như qua các chế độ chính trị, bộ máy nhà nước không những dùng lời
khuyến dụ, đem thể thức giáo dục bắt dân gian từ bỏ lề thói cố hữu của họ, mà
còn dùng cả bộ máy chính quyền trong làng mạc để áp chế lề thói, tập tục của
dân gian nữa. Để sáng tỏ điều này này, chúng tôi tưởng cũng nên lược khảo qua
lịch trình tổ chức bộ máy cai trị trong thôn xóm qua hai thời đại phong kiến và
thực dân.
1) Tổ chức làng xã thời xưa
« Tìm lại sử sách, ta thấy danh từ « xã Việt-Nam »
xuất hiện vào khoảng từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIV. Trong « Việt-Nam
sử lược », cụ Trần-trọng-Kim có nhắc lại nước ta cuối thời Bắc-thuộc, ông
Khúc-Hạo làm Tiết-độ-sứ lập ra bộ Phủ, Châu, Xã ở các nơi, nhưng cụ không nói
rõ các xã của ta xưa kia ra sao ». 4
Như vậy, theo Trần-trọng-Kim, tổ chức làng xóm Việt-Nam vào cuối
thời Bắc thuộc mới được lưu ý tới, và sự lưu ý ấy cũng do ý thức cai trị của
người Tàu truyền sang. Tuy sử không nói rõ trước thế kỷ thứ X, làng xóm
Việt-Nam ra sao, nhưng theo lập luận của chúng tôi đã trình bày trên đây thì
nhất định làng xóm Việt-Nam trước thế kỷ thứ X vẫn được tổ chức theo trạng thái
phát triển của sinh hoạt kinh tế và sống theo tập tục cổ truyền do sinh hoạt xã
hội hình thành.
2) Làng xã dưới các đời Đinh, Tiền-Lê và Hậu-Lý
« Các đời Đinh, Tiền-Lê, việc tổ chức làng xã cũng chưa được
triều đình lưu tâm, mãi cho đến nhà Tiền-Lý, làng xã mới được chú ý tổ
chức : các cơ sở chính trị và hành chánh vững chãi của làng xã mới được
thiết lập để trước là kiểm điểm dân số, sau là củng cố việc tổ chức quốc gia
ngõ hầu tạo sức mạnh chống đối quân xâm lăng từ phương Bắc và mở mang bờ cõi về
phương Nam. Tuy chỉ là những đơn vị nhỏ nhất, nhưng triều đình vẫn có cử các xã
quan để cai trị, mỗi làng đều có sổ dân đinh – đàn ông – chia làm loại hạng. Sổ
dân đinh giúp việc kiểm tra dân số, và lần đầu tiên cuộc kiểm tra được thực
hiện dưới đời vua Lý Nhân-Tôn vào năm 1082, niên hiệu Anh-Võ Chiêu-Thắng. Nhà
vua đích thân theo dõi công việc kiểm tra. Đồng thời với sự kiểm tra dân số,
nhà vua cho lập sổ địa bộ về đất đai của mỗi làng, phân loại các hạng điền
thổ ». 5
Bất luận tổ chức chính trị nào cũng vậy, khi đặt thành tổ chức
quốc gia, tất nhiên phải có bộ máy nhà nước để cai trị dân chúng. Tuy nhiên,
lúc bộ máy nhà nước còn đơn sơ, nghĩa là tổ chức chính trị chưa sâu rộng, quyền
cai trị chưa vững mạnh thì mỗi địa phương đều tự lập và tự trị. Nước Việt-Nam
trước thời Tiền-Lý đã nằm trong tình trạng ấy, mỗi địa phương đều sống theo
phong tục riêng, sự cai trị của mỗi địa phương cũng tùy thuộc theo sinh hoạt xã
hội, kinh tế mà tổ chức.
Xem thế thì xã hội loài người không nhất thiết phải có tổ chức
chính trị mới giữ được an cư lạc nghiệp. Nếu không có luật pháp nhà nước, người
dân địa phương sẽ sống theo luật pháp của tập tục, và luật pháp của tập tục
cũng hiệu lực không kém gì luật pháp của nhà nước.
Nhưng, tại sao xã hội loài người phải tiến dần đến một tổ chức
chính trị, thống nhất đường lối cai trị ?
Trước nhất, chúng ta thấy sự phát triển của các quốc gia bên ngoài
có ảnh hưởng đến mọi tổ chức sinh hoạt bên trong của mỗi quốc gia. Khi một quốc
gia chưa có khả năng cạnh tranh với các lân quốc thì các guồng máy cai trị
chung không cần thiết. Nhưng đến lúc quốc gia ấy đủ sức cạnh tranh để tự lập,
tự tồn thì việc thống nhất ý chí và hành động để chống lại mọi xâm lấn bên
ngoài là điều cần thiết. Muốn thống nhất ý chí và hành động, không thể không có
một tổ chức duy nhất của quốc gia để tập trung khả năng và tiềm lực chiến đấu.
Mọi guồng máy chính trị quốc gia chính đã kiện toàn trên ý hướng ấy, cho nên,
ngay trên đất nước Việt-Nam, dưới thời Tiền-Lê, vì nhu cầu chống lại sức xâm
lăng từ phương Bắc mà guồng máy cai trị nhà nước bắt đầu nẩy nở, tổ chức xuống
đến làng mạc dân quê, xen vào một phần nền tự lập và tự trị của dân gian, bắt
đầu bằng bổ dụng những xã quan và lập bộ đinh, bộ điền.
Mặt khác, ý thức cai trị cũng từ thô sơ đi đến tinh xảo. Ban đầu
người cai trị, hoặc giai cấp cai trị, chỉ là một sự suy tôn của quốc dân. Họ
chưa quan niệm sống trên một hình thức giai cấp. Lần lần cuộc sống suy tôn ấy
đã đưa họ đến một tâm trạng mới, tìm thấy trong khả năng sinh hoạt của dân gian
là một nguồn tài nguyên có thể cung ứng cho mình đủ mọi mặt, nên họ bắt đầu
khai thác. Kế hoạch khai thác tài nguyên trong dân chúng mở đầu cho chế độ
thống trị và bị trị. Vậy chế độ thống trị và bị trị thành hình rõ ràng nhất là
khi luật lệ nhà vua được thay thế cho những tập tục của dân gian, và những
người thay mặt bộ máy nhà nước đứng ra thực hiện việc làm ấy.
3) Làng xã dưới đời nhà Trần
« Hết đời nhà Lý sang đời nhà Trần, việc tổ chức làng xã được
chặt chẽ hơn, và Triều-đình bổ dụng hai loại xã quan cho các làng : các
« đại tư xã » và « tiểu tư xã ». Các tiểu tư xã phụ giúp
các đại tư xã trong việc quản trị xã thôn. Ngoài ra còn có thêm hai xã quan
khác là « xã chính » và « xã giám » phụ lực với đại, tiểu
tư xã. Đình làng bắt đầu dựng lên để lấy nơi thờ phượng Thành-Hoàng, mặc dù dân
ta thờ Thành-Hoàng từ lâu đời. Có thể rằng trước khi trở thành một đơn vị hành
chính, xã Việt-Nam chỉ là một đơn vị tín ngưỡng mà những người cùng thờ chung
một vị thần quây quần sống với nhau. Hình như, bắt đầu từ đời nhà Trần, tại mỗi
xã đã có một « hội đồng kỳ mục » với tính cách tư vấn để các xã quan
hỏi ý kiến về mọi công việc. Các xã quan được tồn tại hầu như gần suốt đời nhà
Trần, và chính vua Trần Thuận-Tôn (1388-1397) đã bãi bỏ các xã quan, không hiểu
vì lý do gì ». 6
Theo tài liệu ghi nhận của lịch sử, chúng ta thấy rõ guồng máy cai
trị càng mạnh thì sinh hoạt của dân gian càng bị chi phối. Đáng lẽ luật pháp và
sách lược hành chính của mỗi nước cần phải phối hợp với quan niệm xã hội của
dân gian để tổ chức hình thức sinh hoạt xã hội, như vậy mới bảo tồn được địa
phương tính, thì các nhà vua lại dùng những hình thức cai trị của các nước
ngoài, áp đặt hệ thống cai trị.
Tính chất cai trị như vậy sẽ đưa sinh hoạt dân gian vào trạng thái
mâu thuẫn giữa kẻ thống trị và bị trị, bởi vì đã là con người, dù giai cấp bình
dân, vẫn không bao giờ chịu sống cho kẻ khác, tức là từ bỏ nề nếp đã ăn sâu vào
cảm nghĩ của mình.
Vua Trần Thuận-Tôn bãi bỏ các xã quan, có lẽ nhà vua đã gặp sức
chống đối giữa pháp luật cai trị và tập tục dân gian. Sự mâu thuẫn ấy có lẽ
chúng ta được thấy rõ nhất trong thời kỳ làng xã Việt-Nam được đặt dưới ách đô
hộ của nhà Minh bên Tàu.
4) Làng xã dưới thời Minh-thuộc
« Đời nhà Hồ quá ngắn ngủi, việc tổ chức làng xã không có gì
thay đổi, nhưng làng xã đã trải nhiều sóng gió dưới thời Minh-thuộc, vì người
Minh muốn đem những cơ cấu làng xã Trung-Quốc đặt vào làng xã Việt-Nam. Chúng
bắt mỗi gia đình phải có một tấm « hộ thiếp », tức là một sổ gia
đình, và chúng lập ra sổ bìa vàng để ghi thuế má. Chúng chia dân thành từng
« lý », mỗi lý gồm chừng năm mười gia đình, đứng đầu là người lý
trưởng. Danh từ lý trưởng nước Việt-Nam bắt đầu có từ thời kỳ này. Lý của chúng thay làng Việt-Nam.
Lý trưởng được cử hàng năm với chức vụ hết sức nặng nề. Cứ mười năm, mỗi lý lại
lập lại sổ dân đinh và sổ địa bộ, lấy gia hộ làm căn bản. May thay, nhà Minh
cai trị nước ta chẳng bao lâu, và một khi chúng bị tống khứ khỏi đất nước
Việt-Nam thì cơ cấu do chúng đặt ra cũng không còn tồn tại ». 7
Xem thế, chúng ta thấy rằng nếp sống dân gian tuy chỉ là một thói
quen của tập tục, song không dễ gì bắt buộc người dân rời bỏ những ảnh hưởng
địa phương của họ.
Lịch sử chính trị của xã hội loài người là một trạng thái trấn áp,
chiếm đoạt, xóa bỏ những nề nếp, những tập tục, mà người dân địa phương luôn
luôn phải khổ sở để chống đối, bảo vệ tính chất địa phương ấy. Nhưng theo chúng
ta thấy, không một chế độ chính trị nào thành công khi áp đặt guồng máy xã hội
vào dân gian trái với quan niệm xã hội của họ.
Chúng ta cũng thấy rằng qua các thời Đinh, Lê, Trần, tuy guồng máy
cai trị đã bắt đầu và dần dần đi sâu vào dân gian, song trạng thái mâu thuẫn
giữa luật pháp cai trị và tập tục dân gian chưa sâu sắc lắm, bởi vì tính chất
cai trị của người Việt-Nam dù sao cũng gần gũi với tập tục của dân gian hơn nên
có ít nhiều dung hợp. Mặt khác, guồng máy chính trị của các bậc vua chúa
Việt-Nam mang tính chất căn bản là quốc-hữu-hóa nên mọi nếp sống địa phương
thành một nếp sống chung cho dân tộc, để có một sức mạnh chống xâm lăng. Ngược
lại, guồng máy đô hộ của người Tàu thì lại khác. Họ áp đặt lối tổ chức cai trị
của Trung-Hoa, biến cuộc sống dân gian thành cuộc sống nô lệ, xóa bỏ hoàn toàn
lề thói, phong tục của địa phương. Do đó mà dân gian có sự chống đối mãnh liệt.
5) Làng xã dưới đời nhà Lê
« Vua Lê Thái-Tổ khởi nghĩa tự Lam-sơn, đuổi quân Minh ra
khỏi đất nước và ngay sau đó nhà vua lo tới việc chỉnh đốn hành chính từ làng
xã trở lên. Các xã quan lại được lập lại. Mỗi làng từ một trăm dân đinh trở lên
có ba vị xã quan, mỗi làng từ năm mươi dân đinh trở lên có hai vị xã quan và
các làng nhỏ hơn có một vị, ở đây tính theo dân đinh mà không tính theo gia hộ
như dưới thời Minh-thuộc. Muốn giúp đỡ dân chúng, nhà vua cho chia lại ruộng
đất để dân chúng canh tác, và các công điền công thổ cũng được chia lại cho các
làng tùy theo dân số và sự phân chia này đã thay đổi địa thế và ranh giới nhiều
làng. Việc tổ chức làng được giữ vững mãi cho đến đời vua Lê Thánh-Tôn. Nhà vua
đã thay các xã quan bằng các xã trưởng, có điều xã trưởng có lẽ vẫn do triều
đình chỉ định. Các làng xã phải nộp thuế cho công quỹ, mỗi dân đinh phải gánh
vác tùy theo khả năng tài chánh của mình, và mỗi dân đinh đều được hưởng khẩu
phần công điền công thổ để canh tác, khẩu phần sau một thời gian ba năm được
xét lại tùy theo nhân số, dân đinh ». 8
Căn cứ theo sử liệu thì tổ chức hành chính đối với xã thôn đời Lê
vẫn duy trì theo nguyên tắc của đời Trần, mặc dù có đôi phần canh cải. Như vậy,
kiểm điểm qua lịch sử diễn biến của guồng máy chính trị phong kiến đối với nếp
sống dân gian, ban đầu từ chỗ bắt họ phải hy sinh một phần lớn phong tục, tập
quán để sinh hoạt theo pháp chế của guồng máy cai trị. Những cuộc sưu tra dân
số và lập sổ đinh sổ điền, guồng máy cai trị đã nhằm vào mục đích bắt giai cấp
bình dân gánh vác mọi chi phí cho khả năng kiến quốc và bảo quốc. Việc đó không
có gì quá đáng, bởi vì mỗi nước đều phải lấy tài nguyên của dân gian làm gốc.
Người dân có bổn phận phải đóng góp cho dân tộc, cho quốc gia để bảo vệ quê
hương. Tuy nhiên, chế độ phong kiến không phải chỉ có thế, guồng máy chính trị,
phong kiến lần lần xóa bỏ những quyền hạn của dân gian, phân chia thành giai
cấp thống trị và bị trị, coi những kẻ cầm quyền là những công thần, mà lớp
người bình dân có bổn phận phải tôn trọng và đài thọ lẽ sống cho họ. Chính vì
vậy mà những xã quan, lớp người cai trị, dần dần trở thành những « hung
thần » trong làng mạc, bức sách, áp chế dân gian, mà dân gian thường xuyên
chống đối.
Chúng ta thường được nghe những câu tục ngữ như : Đất
của vua, chùa của làng.
Đó, chính là ý hướng của người dân không muốn chế độ cai trị xâm
phạm đến những tập tục địa phương. Thật vậy, nhà vua có thể dùng quyền hành
chiếm đoạt đất đai của dân chúng, nhưng ngôi chùa, ngôi đền, tượng trưng cho
tập tục, cho nếp sống của dân gian, người dân quyết bảo vệ, không muốn trao
quyền hạn cho vua.
6) Làng xã dưới thời nhà Lê trung hưng
Nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, nhưng trải qua mấy đời từ vua
Mạc-đăng-Dung lên ngôi năm 1527 đến đời Mạc-mậu-Hợp bị bắt giết năm 1592, triều
Mạc không có thì giờ nghĩ tới việc tổ chức trong nước, vì còn luôn luôn bận đối
phó với con cháu nhà Lê.
Nhà Lê trung hưng với vua Lê Trang-Tôn khởi quân đánh Mạc kể từ
năm 1533 cũng không có gì thay đổi về chế độ xã thôn. Mãi cho tới đời vua Lê
Thần-Tôn, niên hiệu Vĩnh-thọ (1653-1661), triều đình mới có sự lưu ý tới nền
cai trị các làng xã. Mỗi xã vẫn có xã trưởng, triều đình có cử thêm cho mỗi xã
một « xã sứ » và nhiều viên « xã ti ». Số xã ti tùy theo số
dân đinh từng xã. Những vị xã quan này – xã trưởng, xã sứ, xã ti – tuyển chọn
trong các người có học vấn, chịu trách nhiệm về công việc hành chánh và tư pháp
trong xã, dưới quyền kiểm soát của quan Châu, quan Huyện, Thừa ty và Hiến ty, những
quan chức của các quận và tỉnh.
Việc cải cách của vua Lê Thần-Tôn đã gặp phản ứng trong dân chúng.
Họ không lập sổ đinh, sổ điền đúng theo sự kiểm tra, nghĩa là có sự ẩn lậu dân
đinh và điền thổ để tránh bớt gánh nặng sưu thuế và tạp dịch. Triều đình gặp sự
phản ứng này, đã phải hứa với dân chúng chỉ thu sưu thuế và tạp dịch theo những
sổ đinh, sổ điền cũ.
Đời vua Huyền-Tôn, dưới niên hiệu Cảnh-trị, nhà vua nghĩ đến
chuyện tuyển lựa một cách đích đáng các xã quan, nhất là xã trưởng, có lẽ tại
vì trước đây đã có nhiều sự lạm dụng trong việc chỉ định các viên chức này. Các
xã trưởng cứ ba năm, công việc lại được xét lại, những người nào công trạng đặc
biệt sẽ có thể được thăng huyện, và phần nhiều đều được hưởng phẩm hàm.
Nhà vua cũng tính đến sự đối phó với việc ẩn lậu đinh điền và quyết
định thu sưu thuế theo số kiểm tra sau cùng được coi là bất di bất dịch. Sự thu
thuế này nhằm mục đích tăng thu.
Đến đời vua Lê Dụ-Tôn, niên hiệu Bảo-thái, các xã trưởng được nới
rộng tôn quyền hạn trước, các xã quan phải đảm nhiệm thêm việc tuần phòng và
việc thu sưu thuế.
Về sau, việc thu sưu thuế ngày càng thêm nặng, vì công khố cần có
tiền để chi tiêu về binh hỏa giữa hai họ Trịnh – Nguyễn. Bị đóng thuế nặng, dân
chúng thường bỏ làng đi lập nghiệp nơi khác, ruộng đất bị bỏ hoang, rồi lập
trang trại bởi một số người lợi dụng, do đó dân bị thiệt thòi. Triều đình phải
ra lệnh cấm lập trang trại vào năm 1711, dưới triều vua Lê Dụ-Tôn niên hiệu
Vĩnh-Thịnh. Cùng với lệnh này, các làng xã được áp dụng lệ làng thay cho phép
vua. Quyền hạn của dân xã được rộng hơn và làng xã càng có nhiều quyền tự
trị !
Với quyền tự trị này, xã trưởng trước đây do triều đình chỉ định,
dần dần do xã bầu lên và trở thành lệ làng kể từ đời các vua Lê Thuận-Tôn và Lê
Ý-Tôn, từ năm 1732 đến 1740.
Việc dân đinh tự bầu lấy xã trưởng khiến quyền tự trị của làng xã
càng rộng rãi hơn, và nền dân chủ nẩy nở trong dân chúng ngay giữa thời đại đế
quyền, nhưng chỉ trong phạm vi làng xã. 9
Đến đây, chúng ta lại thấy quyền cai trị của dân làng từ chỗ tự
chủ, tự lập đi dần đến chế độ thống trị, rồi mất tự chủ, tự lập, và sau đó lại
trở về với quyền tự chủ, tự lập.
Tại sao có trạng thái ấy ?
Thường thường nhà chép sử chỉ căn cứ vào những diễn biến thực tại
để ghi nhận sự đổi thay ấy, mà không giải thích căn cơ tác động của sự việc.
Dưới mắt nhà chính trị học, việc đổi thay trên dòng lịch sử cai trị trong dân
gian không phải ngẫu nhiên, hay tùy thuộc vào quyết định của các vua chúa. Sự
đổi thay chính là kết quả của một giai đoạn tranh đấu của dân gian đối với luật
pháp nhà nước. Điều đó đã chứng minh rõ ràng qua các hành động của dân gian
như : « bỏ làng
đi nơi khác, bỏ ruộng hoang, không canh tác ».
Hành động phản đối của dân gian gồm nhiều khía cạnh, không phải
đơn thuần một địa hạt nào. Về chính trị, các xã quan do triều đình bổ dụng đã
tạo trong làng xóm những mâu thuẫn về giai cấp, điều đó dân chúng bình dân
không thích. Về kinh tế, các xã quan của triều đình đã lợi dụng địa vị mình làm
những việc tham nhũng, áp bức, bóc lột. Về xã hội, các xã quan không phải là
người địa phương, nên đã xem nhẹ những tập tục, những nếp sống, bắt họ phải rời
bỏ ý thức xã hội cố hữu của họ. Những khuyết điểm ấy chính là nguyên do căn bản
gây ra những chống đối, mà trải qua bao nhiêu thời đại vua chúa mới thâu thập
được kinh nghiệm để sửa đổi.
Cho nên, nếu nghiên cứu riêng lịch sử chính trị của làng xóm
Việt-Nam, không một nhà chính trị nào không công nhận lịch sử sinh hoạt trong
dân gian là lịch sử đấu tranh giữa tổ chức cai trị của nền phong kiến và tinh
thần bảo vệ nếp sống qua tập tục của dân gian. Lịch sử ấy tạo thành một chuỗi
dài qua nhiều thế hệ.
7) Làng xã dưới thời nhà Nguyễn
« Năm 1802, vua Gia Long thống nhất đất nước, lập ra nhà
Nguyễn. Mười một năm sau, nhà vua ban hành Hoàng Việt hình luật tức là Luật
Gia-Long, nhưng nhà vua cũng không sửa đổi việc tổ chức các làng xã, nhất là
các cơ cấu trong dân, lúc đó hầu như đã trưởng thành. Nhà Nguyễn chấp nhận việc
bầu cử xã trưởng và sự tự trị của làng xã, nền tự trị ngày càng vững mạnh, nhất
là việc quản trị công điền, công thổ. Việc phân chia khẩu phần công điền công
thổ tuy có các Phủ, Huyện, Châu kiểm soát, nhưng trên thực tế, chương trình
hương chức trong làng vẫn tự làm lấy và mọi quyết định đều do ở nơi họ lập
trước ». (L.X.V.N,
trang 94)
Như vậy, chúng ta phải xem đó là một thắng lợi trên lịch sử tranh
đấu chính trị của dân gian đối với nền chính trị phong kiến Việt-Nam. Và sự
thắng lợi ấy cũng nói lên quan niệm của người bình dân là một quan niệm xã hội
dân chủ chống đối mọi quyền cai trị áp đặt lên cuộc sống người dân.
Thực ra, người bình dân thời xưa không hề hiểu chính trị là gì,
nên họ cũng chẳng đòi hỏi một thể chế nào cả. Họ không đòi hỏi một chính thể
dân chủ, họ chỉ chống lại guồng máy cai trị không thích hợp với cuộc sống của
họ. Mà cuộc sống của họ là gì ? Chúng ta có thể nói rất giản dị là những
gì do nếp sống địa phương đã di lưu lại cho họ. Nếp sống ấy không một cá nhân
nào đặt ra, bắt buộc họ phải theo mà do sinh hoạt tập thể của xã hội bình dân
đã đúc kết, biến thành những tập tục thích ứng với đời sống vật chất, tinh thần
của mỗi địa phương.
Ông Trần-trọng-Kim trong « Việt-Nam sử lược » cũng có viết :
« Cuối đời vua Tự-Đức, quan của triều đình chỉ bổ nhậm đến
phủ, huyện, còn từ tổng trở xuống thuộc về quyền tự trị của dân. Dân tự chọn
lấy người của mình cử ra coi mọi việc trong hạt. Tổng là một khu gồm có mấy
làng hay xã, có một cai tổng và một phó tổng do hội đồng kỳ dịch các làng cử ra
coi việc thuế khóa, đê điều, và mọi việc trị an trong tổng ».
Sở dĩ chế độ chính trị phong kiến không áp đặt chính sách của họ ở
các làng mạc là vì họ không thể điều khiển được dân khi bị dân chống đối. Đứng
về hình thức tổ chức, chúng ta cứ tưởng dân chúng làng quê đã đạt đến mục đích,
sống dưới một chế độ tự trị, mặc dù trong thời đại phong kiến, nhưng thực ra
nếu chúng ta đi sâu vào sinh hoạt dân gian thì khác hẳn. Dân gian đã bị chính
trị phong kiến lừa dối. Lớp người đại diện cho dân làng đứng ra điều khiển bộ
máy cai trị hầu hết là những cường hào, ác bá, lẽ ra bênh vực quyền lợi của dân
thì họ lại dựa thế quan trên, dọa nạt, bóc lột dân làng. Cho nên sự thắng lợi
trong lịch sử đấu tranh của dân làng chỉ còn là sự thắng lợi trên hình thức mà
thôi.
Chúng ta thường được nghe thái độ người dân đối với những người
đại diện cho họ, như : « Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng
tổng ».
Thái độ ấy chứng tỏ những kẻ nào được nắm quyền cai trị đều lên
mặt hống hách đối với dân làng. Do đó, lịch sử đấu tranh của giai cấp bị trị
đối với giai cấp thống trị vẫn tiếp diễn không ngừng.
8) Làng xã dưới thời Pháp-thuộc
« Với Hòa-ước năm Giáp-tuất (1874), người Pháp bắt đầu sự
thống trị tại Việt-Nam, và đầu tiên, người Pháp chiếm đứt miền Nam nước Việt,
rồi dần dà sau đó đến Bắc-Việt và Trung-Việt. Chiếm giữ miền Nam, người Pháp
bắt đầu nghĩ ngay đến việc cải tổ các cơ cấu hành chính, bắt đầu từ làng xã để
tiện việc đô hộ. Họ lưu tâm đến việc tự trị của làng xã Việt-Nam ». (L.X.V.N của Toan-Ánh trang 95)
Tuy nhiên, chế độ thực dân Pháp tinh tế hơn chế độ phong kiến
Trung-Hoa, mặc dù muốn đặt nền đô hộ lên thuộc địa, người Pháp vẫn thấy phong
tục, tập quán của người dân là một sức mạnh vạn năng, không thể một sớm một
chiều mà xóa đi được, cho nên lúc đầu họ vẫn phải tôn trọng lề lối tổ chức sinh
hoạt của người Việt theo phong tục cũ. Trong lúc đó, họ phải bỏ công nghiên cứu
đường lối chinh phục của họ trong ngót mười năm. Cho đến 1904 họ mới quyết định
cải tổ nền hành chính các làng xã tại Việt-Nam.
Chúng ta nên tìm hiểu tại sao người Pháp lại bắt đầu ban hành chế
độ thuộc địa của họ vào phần đất miền Nam nước Việt, trong lúc miền Bắc và miền
Trung họ vẫn để yên cho dân chúng sinh hoạt trong chế độ tự trị của thời phong
kiến cũ.
Về điểm này, ông Paulin Vial, một viên quan cai trị người Pháp
trong cuốn « L’Annam et le Tonkin » (Trung và Bắc-kỳ) đã viết :
« Đó là phương pháp duy nhất thích hợp với sự an toàn của
chúng ta. Vì nó chia rẽ dân bản xứ bằng cách thừa nhận họ sự tự trị các làng
xã, một điều họ rất quan tâm đến. Phương pháp đó đã được đem ra thí nghiệm rồi. Đó là phương pháp có kết quả tốt.
Nó vừa thỏa mãn nguyện vọng người An-nam, vừa mang lại an ninh cho nhà cầm
quyền Pháp, không cho nhân dân có thể liên kết với nhau trong một hành động
chung chống lại chúng ta ». 10
(C’est le seul système qui fut compatible avec notre sécurité car
il divisait la population en lui laissant l’autonomie des villages à laquelle
elle est attachée. L’expérience de ce système a déjà été faite. C’est le seul
qui est donné de bons résultats. Il donne satisfaction aux Annamites et
sécurités aux autorités françaises, ne perment pas aux habitants de s’unir
contre nous dans une action générale).
Xem thế, chúng ta thấy rõ âm mưu thực dân của người Pháp là chia
để trị. Âm mưu này không phải có ngay trong chính quốc của người Pháp, mà chính
các quan cai trị người Pháp đã học được bài học ấy trên đất nước Việt-Nam của
chúng ta.
Khi đặt chân lên đất Việt, người Pháp nhận thấy bản chất của người
dân Việt là bảo vệ những nếp sống và tập tục cổ truyền. Dòng lịch sử tranh đấu
của họ đối với guồng máy cai trị của nền chính trị phong kiến đã cho người Pháp
thấy rằng không một chính sách cai trị nào có thể bắt họ từ bỏ quan niệm sinh
hoạt cố hữu của làng xóm họ được.
Nhưng, nếu người Pháp khôn ngoan tìm thấy bản chất
của dân gian Việt-Nam thì họ cũng khôn ngoan tìm thấy nhược điểm của dân chúng
Việt-Nam. Người dân Việt-Nam vốn bảo thủ, dùng địa phương tính chống lại mọi
ảnh hưởng bên ngoài, vì vậy mà thiếu hẳn đoàn kết để thống nhất ý chí quốc gia.
Lợi dụng nhược điểm ấy, người Pháp áp dụng chính sách phân trị, chia Việt-Nam
thành ba miền, mỗi miền có một lối cai trị khác nhau cho phù hợp với tính chất
của mỗi địa phương. Chính vì vậy mà lối tổ chức làng xóm Việt-Nam mỗi miền mỗi
khác.
b) Tổ chức làng xã ở Nam Việt
Do nghị định ngày 27 tháng 8 năm 1904, người Pháp bắt đầu cải cách
guồng máy làng xã ở miền Nam.
Tuy nói là cải cách, nhưng mục đích chính người Pháp vẫn duy trì
cơ chế tự trị giả hiệu của nền quân chủ phong kiến trước kia đối với làng xã và
biến những tập đoàn tay sai của quân chủ phong kiến thành tập đoàn tay sai của
thực dân.
Ví dụ, trước kia mỗi làng có một hội đồng hương chức thì nay người
Pháp lại biến thành Hội-tề. Cái quan trọng ở chỗ người Pháp phải làm sao cho
Hội-tề là những người trung thành với họ.
Với tiêu chuẩn ấy, người Pháp đặt vấn đề lựa chọn vào ban Hội-tề
rất kỹ càng.
Trong quyển « Làng xóm Việt-Nam », ông Toan-Ánh có viết :
« Sở dĩ người Pháp tin dùng các điền chủ là vì những người
này vì quyền lợi của mình sẽ không có những hành động chống đối của những người
không có tư sản, và do đó không có quyền lợi nhiều. Người Pháp với nghị định
1904 đã bắt đầu tạo ra lớp cường hào ác bá để làm tay sai cho họ. Tuy vẫn tôn
trọng luật lệ của dân làng, nhưng những tục lệ sẽ do chính chân tay của người Pháp
bảo toàn. Người Pháp lại khôn khéo đặt làng tùy theo tục lệ địa phương một số
các chức vụ có tính chất phong tục nhiều hơn là tính chất hành chính. Ngoài ra,
cùng với việc thành lập ban Hội-tề, người Pháp đã phục hồi lại tục lệ thăng
chức các hương chức. Nói rằng để phục hưng tục lệ cổ truyền của dân Việt-Nam,
nhưng chính ra người Pháp đã dùng sự thăng chức này làm một sợi dây xích để
trói buộc các hương chức đứng vào phe họ, có chịu tuân theo lời họ, hương chức
mới có hy vọng thăng chức ».
Tuy nhiên, nếu guồng máy phong kiến Việt-Nam trong tổ chức làng xã
đã tạo cho dân chúng một lịch sử chống đối triền miên thì chính sách đổi mới
của thực dân Pháp cũng không làm sao dập tắt được sự đối kháng ngấm ngầm. Nghị
định 1904 của Pháp về việc tổ chức các làng xã miền Nam nước Việt gặp rất nhiều
trở ngại :
« Trong thông tư ngày 24-11-1926, viên Thống-đốc Nam-kỳ
gởi cho các Chủ Tỉnh đã nhắc tới sự khó khăn gặp phải trong việc tuyển lựa nhân
viên ban Hội-tề. Giai cấp thượng lưu bản xứ – nhất là giới địa chủ và giới trí
thức – không chịu tham gia ban Hội-tề, khiến cho các chức vụ làng xã lọt dần
vào tay kẻ bất tài, thiếu lương tâm ».
Tính chất căn bản của sự chống đối trên đây chúng ta vẫn thấy
không ngoài mục đích loại trừ chính sách áp đặt guồng máy đô hộ lên làng xóm
Việt-Nam. Sự chống đối ấy không phải bắt nguồn từ giai cấp thượng lưu trí thức,
mà chính giai cấp thượng lưu trí thức đã chịu ảnh hưởng của sự chống đối trong
dân gian. Khi người Pháp đã đưa những tay sai của họ vào guồng máy cai trị của
làng xã, thì những người đó trở thành mục tiêu chống đối và những kẻ ấy không
được dân chúng mến yêu nữa, cho nên, người thượng lưu trí thức, khi trong lòng
còn mang ý thức dân tộc, tất nhiên không muốn mình trở thành đối tượng của dân
làng.
Chúng ta còn nhớ thời bấy giờ, với những chức vị cai trị trong
làng xã, dân gian thường có những câu hát như :
« Công việc làng anh chớ có ham,
Anh lo vài chục, để họ làm sướng hơn.
Anh ở nhà gìn giữ giang sơn,
Uống nước chè liên tử, khảy đờn Bá-Nha ».
Một người đàn bà khuyên chồng đừng nhúng tay vào việc làng, việc
xã, chứng tỏ nhiệm vụ đó không phải là nhiệm vụ vinh quang. Và cũng chứng tỏ
rằng dân chúng bất bình, chống lại bộ máy cai trị của thực dân.
Người Pháp thấy thế, quyết định tổ chức lại các ban hội tề, vì
những ban hội tề ấy thiếu hữu hiệu, không đem lại quyền lợi cho người Pháp bao
nhiêu, mặc dù họ đã cố gắng khuyến khích những kẻ tay sai làm đủ mọi cách để
mua chuộc dân gian.
Ngày 30-10-1927, viên Toàn-quyền Đông-dương ra một nghị định sửa
đổi tổ chức Hội-tề thành Hội-đồng Kỳ-hào.
Thực ra, việc sửa đổi danh xưng và chức vụ trong làng chẳng phải
là mục đích chính. Mục đích chính của người Pháp là muốn nhúng tay sâu hơn nữa
vào tổ chức làng xã ở miền Nam. Họ thay đổi chính sách dùng người có khả năng
để dễ điều khiển.
Trong quyển « Làng xóm Việt-Nam », ông Toan-Ánh có ghi chú về đoạn này :
« Việc tuyển lựa các viên chức xã, người Pháp nhằm tìm lớp
người có đủ đảm bảo về lòng trung thành đối với người Pháp. Những địa chủ,
những người giàu có, những công chức các ngạch từ trung đẳng trở lên, hồi hưu
hoặc từ dịch, các quân nhân trong quân ngũ thuộc địa giải ngũ với cấp bậc đội
trở lên mới được ứng cử vào hội đồng kỳ hào. Để có thể tuyển lựa dễ dàng vào
ban hội đồng này, những người khả dĩ có thể tin cẩn ở lòng trung thành của họ được,
nguyên tắc thăng thưởng trước đây bó buộc các kỳ hào phải lần lượt vượt qua các
cấp bậc dưới tuy vẫn được duy trì, nhưng được áp dụng một cách mềm dẻo, linh
động hơn. Với sự mềm dẻo, linh động này, nhiều chân tay của Pháp được xung vào
ban kỳ hào các xã ».
Căn cứ theo chiều hướng sửa đổi trên, người dân quê không thấy
quan trọng gì, bởi vì ban Hội-tề hay Hội-đồng Kỳ-hào vẫn là những người tay sai
của thực dân áp đặt lên guồng máy cai trị làng xã. Tuy nhiên, đây là một chủ
trương thâm độc.
Trước hết, người Pháp đã khơi sâu mâu thuẫn giai cấp trong dân tộc
Việt-Nam, mà lẽ ra sự mâu thuẫn ấy không sâu sắc lắm. Người Pháp đã lợi dụng
giai cấp phú hào, quí tộc và giới thượng lưu công chức làm nền tảng cho giai
cấp thống trị, chia rẽ lớp người bình dân, làm cho lớp người bình dân có quan
niệm tất cả những người giàu có, địa vị đều là những kẻ tham ô, bóc lột, phản
dân, hại nước. Với chủ trương này, người Pháp đã chĩa mũi dùi tranh đấu của dân
chúng quay một nửa về chính sách thực dân, một nửa về giai cấp đấu tranh. Do
đó, những đảng cách mạng có cơ hội thành hình.
Mặt khác, vấn đề dùng người qua chính sách thăng thưởng cấp bậc,
người Pháp có cơ hội chọn những kẻ trung thành với họ mà không sợ lầm lẫn. Bởi
vì một người đã có nhiều công trạng qua nhiều cấp bậc không thể là kẻ phản
phúc, tiêu cực được.
Tuy vậy, ý thức chống đối của dân chúng Việt-Nam vẫn còn là một lo
ngại đối với người Pháp. Làng xã là của người dân quê, cuộc sống đồng quê vẫn
là cuộc sống của những kẻ tay lấm chân bùn, những tập tục của họ còn di lưu qua
con đường làng, qua lũy tre xanh, qua ngôi đền cổ kính, qua những cánh đồng mạ
non, qua những vết chân trâu, qua những làn khói xám trùm lên mái rạ, thì dù có
sửa đổi cách nào đi nữa cũng không thể xóa nhòa dấu vết sinh hoạt của họ được.
Người Pháp hiểu rõ điều ấy hơn hết. Cho nên :
« Mặc dù hậu ý của người Pháp là muốn giao nhiều chức vụ các
xã cho bọn chân tay họ, song họ cũng không dám phạm vào tục lệ cổ truyền một
cách trắng trợn, nghĩa là các kỳ hào mới vẫn phải do sự lựa chọn của các kỳ hào
hiện diện trong ban Hội-tề chỉ định. Tuy nhiên, với sự cải cách mới, các chủ
tỉnh có quyền nhiều trong việc tuyển lựa kỳ hào, các việc tuyển lựa này muốn
trở thành nhất định phải có sự duyệt y của Chủ Tỉnh ». 11
Tóm lại, nền hành chính thực dân Pháp đối với tổ chức làng xã miền
Nam vẫn còn trong thời kỳ thí nghiệm của chính sách thực dân.
c) Tổ chức làng xã ở Bắc-Việt
Như chúng ta đã biết, người Pháp thực hành chính sách phân trị nên
chia nước Việt-Nam làm ba miền, mỗi miền đặt một chế độ cai trị khác nhau. Tuy
nhiên, nói như thế không có nghĩa chế độ thực dân Pháp không tìm cách thống trị
bộ máy làng xã miền Bắc và miền Trung.
Theo ông Vũ-quốc-Thông trong « Pháp chế sử Việt-Nam » thì sở dĩ người Pháp chưa vội tổ chức bộ máy thực dân ở
làng xã miền Bắc là vì họ thấy dân khí miền Bắc rất mạnh, nhất là những tập tục
được lưu truyền rất sâu đậm trong dân gian. Họ cần phải có một thời gian nghiên
cứu, rút kinh nghiệm ở miền Nam để giảm thiếu sự chống đối của dân chúng miền
Bắc.
Cho nên, mãi đến năm 1921 người Pháp mới bắt đầu cải tổ cơ cấu
Bắc-phần. Lúc đó họ viện lẽ làng xóm Việt-Nam ở miền Bắc bị nạn cường hào ác
bá, nên việc cải tổ của họ có mục đích giảm thiểu tệ nạn ấy, giúp dân làng có
quyền tự trị.
Thật vậy, qua mấy năm đô hộ của người Pháp, làng xóm miền Bắc rơi
vào tay những cường hào, ác bá, khống chế mọi sinh hoạt của nhân dân. Tuy mục
đích cải tổ của người Pháp là muốn giành ảnh hưởng của sĩ phu trong làng xóm
Việt-Nam ở miền Bắc để họ bớt vây cánh hầu có thể ngăn ngừa những vụ xúi giục
dân làng nổi lên chống chính phủ bảo hộ, song việc làm của họ rất đúng lúc.
Trước hết họ triệt hạ uy thế của những phần tử sĩ phu có nhiều vây
cánh, và khởi sự bằng chính sách tuyển lựa « tộc biểu » để bầu ra
người đại diện cai trị dân.
Khảo sát về điều này, ông Toan-Ánh có viết trong « Làng xóm Việt-Nam » :
« Trước hết họ (người Pháp) thành lập « Hội đồng tộc biểu » có nhiệm vụ quản
trị công việc làng xã, do dân trong xã bầu ra ba năm một lần, và gồm có một số
nhân viên gọi là « tộc biểu ». Tộc biểu chính nghĩa là đại biểu của
từng gia tộc, nghĩa là của từng họ. Mỗi họ có quyền bầu một số tộc biểu, và mỗi
xã số tộc biểu cũng thay đổi tùy theo dân số, nhưng không quá số tối đa là 20
người mỗi làng.
« Muốn ứng cử tộc biểu, phải 25 tuổi và phải
có tài sản trong làng. Tộc biểu do các dân đinh từ 18 tuổi trở lên mà chưa phạm
án đến mất quyền công dân bầu ra.
« Các tộc biểu chọn lấy một vị chủ tịch gọi
là Chánh Hương hội và một phó chủ tịch gọi là Phó Hương-hội. Chánh, Phó
Hương-hội thay cho tiên, thứ chỉ về thời trước.
« Trong việc bầu cử tộc biểu, nếu có sự
tranh chấp, phải do các viên tri huyện, tri phủ phân xử, nếu không xong…
Tỉnh-trưởng người Pháp, viên Công sứ sẽ quyết định sau khi lấy ý kiến của vị
Tỉnh-hiến người Việt là vị Tuần-phủ hay Tổng-đốc.
« Ngoài ra Hội-đồng Tộc-biểu được bầu phải
có sự chấp nhận và duyệt y của viên Công-sứ.
« Hội-đồng Tộc-biểu còn mang tên là Hội-đồng
Hương-chính là cơ quan quyết nghị trong xã. Chủ tịch hội đồng là Chánh
Hương-hội có một số nhân viên giúp việc, mà quan trọng nhất là Lý trưởng rồi
đến Phó-lý, Thư-ký, Thủ-quỹ ».
Đó là chính sách cải cách đầu tiên. Với chính sách này, chúng ta
thấy người Pháp có vẻ ve vãn dân làng, cho họ được bầu người đại diện để cai
quản làng xã.
Tuy nhiên, nguyên tắc tự trị ấy chỉ có trên mặt hình thức, bởi vì
những điều dân muốn, những người dân cử đều phải được quan cai trị người Pháp
duyệt y mới có quyền thi hành nhiệm vụ. Như vậy, rõ ràng người Pháp đã bắt đầu
nhúng tay vào quyền tự trị của dân làng một cách khôn khéo.
Cũng như chủ trương ở miền Nam, khi đặt bộ máy cai trị dân làng
miền Bắc, người Pháp vẫn khai thác mâu thuẫn giai cấp, buộc những người được
bầu vào hội đồng tộc biểu vẫn là người phú hào, địa chủ để làm lớp người giàu
có và lớp người nghèo khổ chia thành một cái hố ngăn cách.
Trạng thái ấy đã hun đúc vào tâm tư người bình dân như là một số
phận không thể vượt qua được. Họ bảo :
« Con vua thì được làm vua,
Con sãi ở chùa phải quét lá đa ».
Và cũng như ở miền Nam, dân làng miền Bắc cũng vẫn có những trạng thái chống đối, nhất là các sĩ phu ảnh hưởng Nho-giáo, tiêm nhiễm những gương anh hùng áo vải. Họ cầm đầu cho đám dân làng phản đối. Ghi lại điểm này, Làng xóm Việt-Nam của ông Toan-Ánh viết:
Việc cải cách của người Pháp đã gặp sự phản ứng của dân chúng,
trước hết là sự phản ứng tiêu cực của các cựu hương chức trong Hội-đồng Kỳ-hào,
không tham gia vào công việc làng xã. Và từ sự phản ứng liên tục này đã chuyển
sang thế khác: sự xung đột có hại cho sự quản trị làng xã của hương chức
này với nhân viên Hội-đồng Tộc-biểu mới, phần nhiều kém tài, kém đức, thiếu
kinh nghiệm. Và hậu quả của sự xung đột là sự phản đối công khai hoặc ngấm ngầm
chính quyền Pháp, sự thành hình của những đảng cách mệnh với sự hưởng ứng của phần
đông dân chúng do sự tham gia của một số cựu hương chức có uy tín.
Trước tình trạng này, người Pháp hết sức bối rối. Họ thấy cần phải
sửa đổi lại qui chế làng xã để xoa dịu bớt sự bất bình của dân chúng và nhất là
của các cựu hương chức của Hội-đồng Kỳ-hào cổ truyền.
Ngày 25-2-1927, Thống-sứ Bắc-kỳ ký một nghị định phục hồi lại một
phần tục lệ cổ truyền đã bị nghị định năm 1921 bãi bỏ. Theo nghị định này,
người Pháp cho phép tái thiết Hội-đồng Kỳ-mục bên cạnh Hội-đồng Tộc-biểu.
Hội-đồng Kỳ-mục gồm có các cựu kỳ hào, kỳ lý và những người đã có thái độ chống
đối Hội-đồng Tộc-biểu trước đây.
Tuy Hội-đồng Kỳ-mục được thành lập lại, nhưng thành phần có hơi
chặt chẽ hơn xưa, chỉ gồm những người hoặc đỗ đạt, hoặc có phẩm hàm, hoặc đã
giữ các chức vụ cấp tổng hay cấp xã, riêng với hàng thứ ba này lại cần phải là
người cư trú ngay trong xã…
*
Trước nhất, chúng ta thấy thái độ chống đối của dân làng đã làm
cho người Pháp phải nhượng bộ, tuy nhiên, sự nhượng bộ đối với chính sách người
Pháp chỉ là nhượng bộ về hình thức, bởi vì khi trở lại thừa nhận Hội-đồng
Kỳ-mục là những người nhân sĩ có uy tín trong nhân gian thì họ lại hạn chế
trong khuôn khổ giai cấp giàu sang. Như vậy, chính sách người Pháp vẫn không
thay đổi về căn bản là dùng giai cấp thượng lưu thống trị giai cấp bình dân,
gây mầm chia rẽ.
Cứ như thời phong kiến, tuy giai cấp quí tộc vẫn là giai cấp thống
trị, song tính chất mâu thuẫn giai cấp trong dân gian không khắt khe lắm, bởi
vì thời phong kiến chủ trương xuất thân trong khoa mục, bất cứ người nghèo, người
giàu, dù là bần cùng đến đâu, nếu đỗ đạt cũng có thể vinh quy bái tổ. Ranh giới giữa bình dân
và quí tộc có thể biến thái được, ngược lại, dưới chế độ thực dân Pháp, nếu
không phải ở vào hạng giàu có, thế lực, con dòng cháu giống thì không thể có
phương tiện nào để tiến thân được.
Chính vì chính sách thâm độc, gây mâu thuẫn trong giai cấp dân tộc
mà tinh thần đấu tranh của dân quê không lúc nào nguôi. Cho nên, mặc dù người
Pháp đã tái lập ở miền Bắc Hội-đồng Kỳ-mục để ve vãn một số sĩ phu, nhưng phong
trào cách mạng trong dân gian vẫn bùng khởi, chống lại họ.
Năm 1941, cuộc đệ nhị thế chiến bùng nổ ở Đông-phương, quân đội
Nhật-Bản có mặt trên bán đảo Đông-dương, người Pháp xét thấy cần cải tổ bộ máy
hành chính của họ ở thôn xã để ngăn chặn những cuộc nổi dậy của dân quê có thể
lật đổ chính quyền bảo hộ của họ. Nhưng lần này họ không dám tự tiện hành động,
mà phải nhờ đến vị Hoàng-đế Việt-Nam ra chỉ dụ cải cách, để xoa dịu lòng dân.
Chỉ dụ của Hoàng-đế Việt-Nam ngày 25-5-1941 tổ chức lại nền hành
chính làng xã ở Bắc-Việt cũng chỉ là một việc cải lương. Theo chỉ dụ này thì
Hội-đồng Tộc-biểu thiết lập từ năm 1921 và Hội-đồng Kỳ-mục thiết lập năm 1927
bị bãi bỏ, thay vào đấy một hội đồng gọi là Hội-đồng Kỳ-hào, Hội-đồng Kỳ-hào
thu hút rộng rãi hơn, gồm các phần tử trong giai cấp trung lưu tham dự.
Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ có tính ve vãn dân chúng, bởi vì
thực quyền cai trị làng xã vẫn nằm trong tay Lý-trưởng và Phó Lý là những viên
chức do quan cai trị người Pháp chỉ định, mà những người này đều là tay sai
trung thành với chánh phủ bảo hộ, tức là đi ngược lại ý muốn của dân làng.
d) Tổ chức làng xã ở Trung-Việt
Khác với Nam-Việt và Bắc-Việt, tuy Trung-Việt vẫn là xứ bảo hộ
dưới thời Pháp thuộc, song nơi đây có triều đình Huế mang danh nghĩa điều khiển
quốc gia, nên người Pháp dù muốn đặt nền móng cai trị đến làng xã cũng không
thể nào được. Vả lại, chính sách cai trị của người Pháp nghiên cứu áp dụng từng
miền, vì vậy, trong lúc Nam-Việt và Bắc-Việt đã bị người Pháp xen vào guồng máy
cai trị của làng xã, thì Trung-Việt vẫn còn là một tổ chức làng xã tự trị dưới
sự điều khiển của quan chức Nam-triều.
Mãi đến năm 1942, tổ chức hành chính tại các làng xã Trung-Việt
mới bị áp dụng theo chỉ dụ ngày 5-1-1942 của Hoàng-đế Việt-Nam, cải cách theo
lối tổ chức làng xã Bắc-Việt năm 1941. Theo đạo dụ này thì mỗi làng tổ chức một
Hội-đồng Kỳ-hào, và quyền hành cai trị do Lý-trưởng đảm trách.
Như vậy, trước năm 1942, Lý-trưởng của các làng do dân bầu ra,
nhưng sau năm 1942 thì Lý-trưởng lại do viên quan đầu tỉnh chỉ định, dưới sự
thỏa thuận của viên Công-sứ Pháp.
Như vậy, đứng về mặt hình thức, chúng ta tưởng như không có thay
đổi bao nhiêu, nhưng thực ra mục đích việc canh cải này, người Pháp muốn đưa
người vào tận hạ tầng cơ sở để điều khiển làng xã, kiểm soát toàn diện dân
chúng thôn quê, truất bỏ quyền tự trị của dân làng, và giành lấy trọn vẹn quyền
hành của chế độ phong kiến Việt-Nam còn ảnh hưởng trong dân gian.
Tóm lại, chính sách cai trị người Pháp đối với làng xã Việt-Nam,
tuy chia làm ba miền, mỗi miền thực hiện một phương thức khác nhau qua nhiều
giai đoạn, song cuối cùng vẫn qui kết vào mục đích là thôn tính quyền tự trị
của dân làng, bằng cách đào sâu hố chia rẽ dân tộc, đưa những tay sai trung
thành của họ nắm giữ quyền cai trị dân gian để áp đặt tham vọng thực dân.
Lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt-Nam trải qua hai thời kỳ đô hộ.
Nếu thời kỳ đô hộ của người Tàu trên đất Việt đã để lại những vết tích
như :
« Nướng dân đen trên ngọn lửa tham tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
… … …
Nào lên rừng đào mỏ,
Nào xuống biển tìm châu,
Nào hổ bẫy hưu đen,
Nào lưới dò chim chả.
Tàn hại thay ! Côn trùng thảo mộc !
Nheo nhóc thay ! quan quả điêu linh !
Đứa há miệng, đứa nhe răng,
Máu mỡ bấy no nên chưa chán.
Độc ác thay ! Trúc rừng không ghi hết tội,
Nhơ bẩn thay ! Nước bể không rửa sạch mùi ».
… … …
(Trích bài « Bình Ngô đại cáo »)
Thì, thời kỳ đô hộ của Pháp cũng để lại trong dân gian những câu
thơ :
« Anh bắn anh giết,
Anh đâm anh vằm,
Anh đày Bà-rá, Côn-lôn,
Anh đọa Sơn-la, Lao-bảo,
Anh giật hết cơm hết áo,
Anh đoạt hết bạc hết vàng.
Chặt đầu ông lão treo hàng thịt,
Mổ mật thanh niên giữa chiến tràng.
Cối quết trẻ thơ văng máu óc.
Phanh thai sản phụ ném vào than,
Con xa mẹ,
Vợ xa chồng.
Cây hết trái,
Nhà trống không.
Người chìm đáy biển,
Người tấp ven sông,
Người ngã trên rừng,
Người gục trong núi.
Đây Cà-mau, đó Nam-quan,
Thôi rồi, dải đất Việt-Nam
Hung hăng anh bóp trong bàn tay anh.
Nước tôi đang độ yên vui sống,
Mít ngát hương mùa, bưởi ngọt thanh.
Lúa nặng tình quê, khoai mến đất,
Không thương nhau nỡ giết nhau đành !
Cắn răng tôi chịu cực hình,
Vênh râu anh hưởng công trình của tôi ! » 12
Rồi đến thời Nhật chiếm Việt-Nam, tuy với thời gian ngắn ngủi,
người Nhật chưa đặt nền móng cai trị, song với hậu quả tổ chức thực dân trên
guồng máy đô hộ của Pháp, dân gian Việt-Nam lại ghi thêm một thảm họa, mà vết
tích ấy không phai mờ. Đó là nạn đói, nạn cướp lúa của dân quê mà ảnh hưởng như
một tai họa cho dân tộc xuyên qua bài thơ « Đói » của
thi sĩ Bàng-Bá-Lân :
« Đói »
Vũ vũ thùy gia tử,
Y phá, lạp bất hoàn.
Thúc tòng nam phương lai
Hướng ngã tiền đầu than…
(Cao-Bá-Quát, « Đạo phùng nga phu »)
*
« Năm Ất-dậu tháng ba, còn nhớ mãi
Giống Lạc-hồng cực trải lắm đau thương !
Những thây ma thất thểu đầy đường,
Rồi ngã gục không đứng lên vì… đói !
Đói tự Bắc-giang đói về Hà-Nội,
Đói ở Thái-bình đói tới Gia-lâm.
Khắp đường xa những xác đói rên nằm
Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp.
Giữa đống rẻ chỉ còn đôi hố mắt
Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma ;
Những cánh tay gầy quờ quạng khua khoa
Như muốn bắt những gì vô ảnh,
Dưới mớ tóc rối bù và kết bánh,
Một làn da đen sạm bọc xương đầu,
Răng nhe ra như những chiếc đầu lâu.
Má hóp lại, răng hằn sâu gớm ghiếc.
Già, trẻ, gái, trai không còn phân biệt,
Họ giống nhau như là những thây ma,
Như những bộ xương còn dính chút da,
Chưa chết đã bốc xa mùi tử khí !
Mùi nhạt nhẽo, nặng nề, kỳ dị,
Một mùi tanh lộn mửa thoảng mà kinh.
(Mùi tanh hôi ám ảnh mãi bên mình,
Khiến cả tháng ăn không còn ngon bữa !)
Những thây đó cứ xỉu dần, tắt thở,
Nằm còng queo, mắt vẫn mở trừng trừng
Tròng con ngươi còn đọng lệ rưng rưng,
Miệng méo xệch như khóc còn dang dở.
Có thây chết ba hôm còn nằm đó,
Ruồi tám phương bâu lại khóc vo vo…
Rồi ven đường đôi nhát cuốc hững hờ
Đắp điếm vội những nấm mồ nông dối !
Đói tự Bắc-giang đói về Hà-Nội,
Đói ở Thái-bình đói tới Gia-lâm.
Rải ven đường những nấm mộ âm thầm,
Được đánh dấu bằng ruồi xanh cỏ tốt.
Có nấm mộ quá nông, trơ hài cốt,
Mùi tanh nồng nặc khắp không gian.
Sau vài trận mưa nước xối chan chan.
Ôi, thịt rữa xương tàn phơi rải rắc !
Tại Hà-Nội cũng như bao tỉnh khác,
Những thây ma ngày lết đến càng đông,
Đem ruồi theo cùng hơi hớm tanh nồng,
Rồi ngã gục khắp đầu đường cuối ngõ.
Thường sớm sớm cửa mỗi nhà hé ngỏ
Rụt rè xem có xác chết nào chăng !
Từng chiếc xe bò bánh rít khô khan
Mỗi sáng dạo khắp nẻo đường nhặt xác.
Xác chồng chất lù lù như đống rác,
Đó đây thò khô đét một bàn chân
Hay cánh tay gầy tím ngắt teo răn
Giơ chới với như níu làn không khí,
Như cầu cứu, như vẫy người chú ý.
Có hơi thở tàn thoi thóp chưa thôi,
Có tiếng cựa mình, tiếng nấc… Những tròng ngươi
Nhìn đẫm lệ người chôn người chửa chết !
Bốn ngoại ô mở ra từng dẫy huyệt
Được lấp đầy bằng xác chết thường xuyên.
Ruồi như mây bay rợp cả một miền…
Chết ! Chết ! Chết ! Hai triệu người đã chết !
Họ là những người quê non nước Việt.
Sống cần lao bên ruộng lúa, đồng khoai.
Lúa xanh rờn nhờ họ đổ mồ hôi,
Nước Việt sống vì mồ hôi họ đổ.
Năm ấy, thuở Nhật, Tây cùng đô hộ,
Chúng thi nhau cướp lúa của dân ta.
Hết lúa rồi, hết sạch cả khoai ngô,
Hết củ chuối, hết nhẵn khô, củ sắn !
Ngày giáp hạt, không còn chi gặm nhấm.
Đói cháy lòng, đành nhá cả mo cau,
Nhai cả bèo và nuốt cả khô dầu !
Đói ! Đói ! Đói ! Người nhao lên vì đói !
Đói tự Bắc-giang đói về Hà-Nội,
Đói ở Thái-bình đói tới Gia-lâm.
Tạm biệt quê hương, lê gót âm thầm
Trên rải rắc mọi nẻo đường đất nước,
Từng gia đình dắt díu nhau lê bước
Đi lang thang mong sống tạm qua ngày.
Đợi lúa lên hương, bông trĩu đầu cây,
Hơn tháng nữa sẽ hồi cư, sẽ sống !
Nhưng đau đớn, hỡi ơi là ảo mộng !
Họ ra đi hy vọng có ngày về !
Nhưng chẳng giờ về nữa, hỡi người quê,
Dần lả gục khắp đầu đường xó chợ !
Cùng lúc ấy, cũng trên đường rộn rã,
Từng đoàn xe chuyên chở thóc vàng tươi.
Thóc của dân đen, thóc của những người
Đang chết đói vì thực dân cướp thóc !
Thóc chúng cướp phần vung xài huy hoắc,
Phần chúng đem để mục nát trong kho !
Ôi, đau thương chưa từng thấy bao giờ…
Trong lịch sử chưa bao giờ từng có !
Hai triệu người, vì thực dân, lìa bỏ
Nước thân yêu, oan uổng chết đau thương,
Trong lúc đầy đồng bát ngát ở quê hương.
Lúa mơn mởn đang ra đòng trổ trái.
Lúa trĩu hạt vàng tươi sai gấp bội.
Ngạt ngào thơm báo hiệu ấm no vui.
Nhưng người đi không về nữa, than ôi !
Lúa chín gục chẳng còn ai gặt hái !…
Ta nhớ mãi cái thời kỳ đen tối !
Quên làm sao tội lỗi kẻ xâm lăng !
Quên làm sao mối thù hận khôn cùng !
Quên sao được hai triệu người chết đói !
Năm Ất-dậu, tháng ba còn nhớ mãi
Giống Lạc-Hồng cực trải qua lắm đau thương !
Những thây ma thất thểu đầy đường,
Rồi ngã gục không đứng lên vì… đói !
Đói tự Bắc-giang đói về Hà-Nội,
Đói ở Thái-bình đói tới Gia-lâm !… »
(Tháng năm 1957)
đ) Làng xã sau năm 1945
Tháng 8 năm 1945, một cuộc đảo chính thành hình, cáo chung hai chế
độ phong kiến, thực dân. Làng xã Việt-Nam do tổ chức Việt-minh nắm chính quyền
sửa đổi hoàn toàn mọi cơ chế tổ chức. Chế độ dân chủ ra đời.
Theo hiến pháp năm 1946, Việt-minh chia nước Việt-Nam thành kỳ,
tỉnh, thị xã tại các vùng đô thị, huyện và xã tại các vùng thôn quê. Cấp tổng
bị bãi bỏ. Toàn quốc từ Nam chí Bắc, thiết lập một bộ máy hành chính duy nhất.
Mỗi xã có một Hội-đồng Nhân-dân xã được dân làng phổ thông đầu phiếu, và hội
đồng này bầu ra Ủy-ban Hành-chánh xã để điều hành guồng máy cấp xã.
Với chế độ dân chủ, chẳng những dân làng được bầu ra cơ quan lãnh
đạo của mình trong xã, mà còn được tham gia bầu cử hội đồng nhân dân hàng tỉnh,
và quốc hội để thay mặt dân trông coi guồng máy chính trị quốc gia.
Quyền ứng cử, bầu cử của người dân đều được mở rộng cho tất cả
những ai từ 18 tuổi trở lên kể cả nam nữ.
Tuy nhiên, tổ chức Việt-minh là một tổ chức của đảng Cộng-sản
Đông-dương, nên họ chủ trương giành lấy guồng máy nhà nước vào tay đảng
Cộng-sản để loại trừ những đảng phái khác. Ở làng xã, những người được trúng cử
vào bộ máy hành chính phần đông là những bần cố nông mà họ cho là giai cấp đấu
tranh trung kiên của đảng. Do đó, mầm mâu thuẫn giai cấp lại phát sinh. Nếu
trước kia người Pháp dùng giai cấp phú hào làm giai cấp thống trị, thì bây giờ
giai cấp phú hào trở thành giai cấp bị trị.
Nhưng công cuộc tổ chức làng xã của Việt-minh chưa được bao lâu
thì sau khi quân Nhật đầu hàng Đồng minh, người Pháp trở lại Việt-Nam, và chiến
tranh Việt-Nam bùng nổ (tháng 12-1946).
Trở lại Việt-Nam, trừ những vùng Việt-minh kiểm soát, người Pháp
lập lên chính phủ lâm thời Việt-Nam, các làng xã được tổ chức
Hội-đồng xã do các tỉnh trưởng bổ nhiệm. Nhưng việc bổ nhiệm hương
chức làng xã chỉ tồn tại đến năm 1953, và do sắc lệnh ngày 19-3-1953, các Hội
đồng Hương-chính lại giao cho dân làng trực tiếp tuyển lựa bằng cách phổ thông
đầu phiếu.
Như vậy, tổ chức làng xã trong thời Pháp tái chiếm Việt-Nam một
phần áp dụng theo phương pháp cổ truyền dưới thời phong kiến, nhưng có sự giám
sát của cấp tỉnh.
Theo ông Toan-Ánh :
« Thực ra sắc lệnh 1953 ra đời với ý muốn của chính phủ là cố
gắng thử tái lập một nền hành chánh của thời kỳ Pháp đô hộ với sự mở rộng quyền
kiểm soát của các cấp trên, song song với việc giữ gìn lại một vài tập tục cổ
truyền về nền tự trị xã thôn ».
e) Làng xã sau hiệp-định Genève (1954)
Hiệp định Genève chia đôi lãnh thổ Việt-Nam. Miền Bắc dưới hệ
thống tổ chức của chế độ Cộng-sản, miền Nam dưới hệ thống tổ chức của chế độ
quốc gia.
Về tổ chức hành chính ở các làng xã miền Nam đã được ông Toan-Ánh
ghi lại như sau :
« Quốc trưởng Bảo-Đại mời Ngô-Đình-Diệm làm Thủ-tướng rồi
nhân ở ngôi vị này, Ngô-Đình-Diệm đã truất phế Bảo-Đại để tổ chức bầu cử đưa
mình lên ngôi vị Tổng-thống. Làm Tổng-thống, Ngô-Đình-Diệm đã cải tổ nền hành
chánh Việt-Nam, trong đó có tổ chức hành chánh xã. Ngày 28-6-1956, phủ
Tổng-thống đã gửi thông tri cho các tòa tỉnh trưởng để thay thế Hội-đồng
Hương-chính bằng một Ủy-ban Hành-chính… Những nhân viên của Ủy-ban Hành-chính
này do Tỉnh-trưởng lựa chọn trong những người địa phương có lòng trung thành
với chế độ. Ngày 24-10-1956, Ủy-ban Hành-chính lại được đổi thành Hội-đồng xã, với
từ ba đến năm nhân viên vẫn do Tỉnh-trưởng lựa chọn như trên, những xã lớn có
thêm một số phụ tá. Các Tỉnh-trưởng phải kiểm soát và theo dõi các Hội-đồng xã
để ngăn cấm mọi hoạt động từ hành vi đến ngôn ngữ thiếu trung thành với chế
độ ».
Nhưng, chế-độ Ngô-Đình-Diệm bị sụp đổ ngày 1-11-1963, cơ cấu tổ
chức làng xã miền Nam lại được sửa đổi theo một qui chế mới.
Ngày 31-5-1964, chính phủ đã ban hành sắc lệnh thay thế Hội-đồng
xã của tổ chức thời Ngô-Đình-Diệm bằng hai cơ quan : Hội-đồng Nhân-dân xã
và Ủy-ban Hành-chánh xã. Hội-đồng Nhân-dân xã do nhân dân bầu lên là cơ quan
quyết nghị, Ủy-ban Hành-chánh xã do Hội-đồng Nhân-dân xã đề cử là cơ quan chấp
hành. Ủy-ban này phải được chính quyền cấp Tỉnh chấp thuận.
Như vậy, qui chế tổ chức làng xã đã lần lượt trở về với quyền tự
trị của dân làng.
Ngày 24-12-1966, chính phủ lại ban hành một sắc lệnh cải tiến thêm
bộ máy hành chính cấp xã để mở rộng quyền tự trị của địa phương nhiều hơn nữa.
*
Để kết luận, chúng ta thử kiểm điểm lại lịch sử diễn biến qua mọi
tổ chức làng xã Việt-Nam.
Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng làng xóm Việt-Nam không hình
thành do một chế độ chính trị nào, mà được cấu tạo do hoàn cảnh sinh hoạt của
dân gian. Chúng ta có thể xem thời kỳ sơ khai của nó như là tiền thân của xã
hội nông nghiệp. Hay nói cách khác, chúng ta có thể coi như xã hội nguyên thủy
của người dân quê. Xã hội ấy tách rời mọi luật pháp cai trị, chỉ điều hành theo
những tập tục cổ truyền. Người dân quê xem làng mạc là của họ, tâm hồn họ gắn
liền với mọi hình ảnh của nông thôn. Họ cần có làng để mà sống, và họ sống
không cần phiền nhiễu đến ai cả. Họ sống với những mảnh đất, con trâu, với
nương dâu ruộng lúa, do sức họ làm ra. Quan niệm tập đoàn của họ là để giúp
nhau trong lẽ sống, chứ không phải để giành giật nhau mà sống.
Nhưng rồi ý thức chính trị của loài người ngày càng ảnh hưởng vào
cuộc sống, bắt buộc làng xóm của dân quê phải luôn luôn thay đổi bộ mặt, đồng
thời tước đoạn những tập tục của họ, bắt họ phải thay vào đấy những luật pháp
xa lạ, nghĩa là bắt buộc họ không được sống cho tâm hồn họ, cho con người họ,
mà sống theo tâm hồn và lẽ sống của kẻ khác. Do đó người dân quê phải luôn luôn
chống đối để bảo vệ quan điểm xã hội của mình tạo thành một dòng lịch sử diễn
biến từ dĩ vãng đến hiện tại.
Mặt khác, chúng ta cũng thấy rằng lịch sử của người dân quê đối
với làng xóm là một lịch sử đấu tranh gắn liền với lịch sử sống còn của họ, dù
phải trải bao nhiêu biến đổi, làng xóm Việt-Nam vẫn là của người dân quê
Việt-Nam.
g) Nếp sống dân gian
Mọi hình thức tổ chức chính trị qua các chế độ đã gây cho nếp sống
thôn quê nhiều xáo trộn. Tuy nhiên, người dân quê đối với nếp sống của họ là
một căn bản xã hội, bởi vậy những sửa đổi nào trái với nếp sống thường ngày của
họ đều bị chống đối.
Nếp sống của dân gian bao gồm những tập tục, những lề thói, những
tình cảm có liên hệ đến lịch sử sinh hoạt của họ, và lịch sử sinh hoạt lại bắt
nguồn từ tính chất địa phương di lưu qua nếp sống. Cho nên, khi nói đến nếp
sống, chúng ta không thể nào thu gọn vào một khảo sát chung, chối bỏ tính chất
địa phương được.
Nước Việt-Nam tuy là một nước nhỏ bé, dân tộc Việt-Nam tuy là một
dân tộc cùng chung một ngôn ngữ, một nền kinh tế nông nghiệp, và trình độ kiến
thức gần giống nhau, song không vì thế mà tập tục, lề thói của mỗi địa phương
không khác nhau. Chính người Pháp khi đến đô hộ Việt-Nam đã tìm thấy sự khác
biệt ấy nên mới có chủ trương phân trị, chia Việt-Nam thành ba miền Nam, Trung,
Bắc để lần lượt xâm nhập vào nền móng nhân gian. Tuy vậy, người Pháp đã thất
bại, vì sự khác biệt của nếp sống địa phương không có nghĩa là khác biệt về
lòng yêu nước, yêu dân tộc.
h) Phân chia giai cấp
Không một xã hội nào không có giai cấp. Giai cấp xã hội ảnh hưởng
do nhiều mặt : xã hội, kinh tế, chính trị… Vì vậy khi nhìn đến giai cấp xã
hội mỗi người phân chia mỗi cách.
Nhà kinh tế học căn cứ vào sinh hoạt nghề nghiệp của dân gian chia
giai cấp dân quê Việt-Nam thành bốn hạng, gọi là « tứ dân » tức là
sĩ, nông, công, thương.
Trong « Việt-Nam sử lược », ông Trần-Trọng-Kim có viết :
« Sĩ là hạng người chuyên về nghề đi học, hoặc
để thi đỗ ra làm quan, hoặc để đi dạy học, làm thầy thuốc, thầy địa lý, thầy
tướng, thầy số, v.v… là những nghề phong lưu nhàn hạ.
« Nông là hạng người chuyên làm ruộng. Dân
Việt-Nam ta thường thì ai cũng có ít ra là vài ba sào ruộng để cày cấy, nghĩa
là nghề làm ruộng là nghề gốc của người mình… Dân ở nhà quê phần nhiều ăn nhờ
về ruộng nương.
« Công là hạng người làm nghề thợ, hoặc làm
một công nghệ gì để lấy lời. Nhưng vì nước ta khi xưa chỉ có tiểu công nghệ như
quay tơ, dệt vải, dệt lụa, làm chài lưới, làm mắm muối, v.v… chứ không ai có
đại công nghệ để làm giàu như các nước khác. Đại công nghệ không có thì ai
chuyên tập nghề gì thì lập thành phường như : thợ mộc, thợ nề, thợ rèn,
thợ đúc, thợ gốm, v.v… Mỗi phường có thợ cả, thợ phó và thợ. Phường nào có tục
lệ riêng phường ấy. Những người làm nghề thợ thường là những người ít học,
quanh năm ngày tháng đi làm thuê làm mướn chỉ được đủ ăn mà thôi.
« Thương là những người làm nghề buôn bán,
song việc buôn của ta ngày xưa kém cỏi lắm… Người mình cả đời không đi đến đâu,
chỉ lẩn quẩn trong nước, bán buôn những hàng hóa lặt vặt… »
Phân chia như vậy, dưới mắt nhà khảo cứu, xã hội Việt-Nam chỉ thấy
có sinh hoạt, và dân quê là một số người chuyên làm lụng để mà sống, họ là
những công cụ, những tài nguyên sản xuất, kẻ sĩ cũng như kẻ nông… mỗi người đều
do nghề nghiệp mà trở thành giai cấp, trong đó yếu tố mâu thuẫn xã hội không
được chú trọng tới. Bởi vậy ca dao Việt-Nam đã có câu :
« Nhất sĩ, nhì nông,
Hết gạo chạy rông, nhất nông, nhì sĩ ».
Từ một giai cấp này biến thành giai cấp khác chỉ vì nhu cầu sinh
hoạt, và giá trị giai cấp cũng không được chú ý đến.
Xã hội chia giai cấp bằng quan niệm « tứ dân » là xã hội
vật chất, là xã hội bên ngoài, tách rời tinh thần sinh hoạt của con người. Sắp
xếp một xã hội như vậy chẳng khác nào nhìn vào một chiếc máy đồng hồ thấy những
bánh xe móc nối nhau chuyển động, mỗi chiều bánh xe có một trách nhiệm, nhưng
cái nào giá trị cũng ngang nhau.
Vì nhìn xã hội dân quê bằng trạng thái ấy, nên có những kẻ sĩ đã
sáng tác những câu thơ truyền lại trong dân gian như :
« Nay mừng tứ hải đồng xuân,
Tam dương khai thái muôn dân hòa bình.
Sĩ thời chăm việc học hành,
Một mai khoa bảng để dành công danh.
Công thời phượng các long đình,
Đủ nghề sư khoáng, rứt nghề công thâu.
Nông thời cuốc bẫm cày sâu,
Thu hòa, hạ mạch, phong thâu có ngày.
Thương thời buôn bán liền tay.
Rứt tài Tử-Cống ai tày cho đang ! »
Thực ra, sinh hoạt dân gian chứa đủ cả hai trạng thái : vật
chất và tinh thần. Trong sự thăng trầm và hì hục làm ăn hàng ngày, bên trong
còn chứa nhiều sự kiện khác nữa. Tâm hồn một người thợ không phải như tâm hồn
một kẻ sĩ, tâm hồn một nông phu không giống tâm hồn một thương gia. Sự khác
biệt ấy chính là nguồn sống về tinh thần của dân gian tạo thành lịch sử xã hội
bình dân.
Nhà chính trị học căn cứ vào mâu thuẫn loài người phân chia xã hội
làm hai giai cấp : thống trị và bị trị.
Giai cấp thống trị là giai cấp vua quan, cầm quyền bộ máy nhà
nước, giai cấp bị trị là giai cấp bình dân chịu dưới quyền điều khiển, hà hiếp
của vua quan. Lối phân chia này, dưới mắt nhà khảo cứu, sinh hoạt dân gian là
một năng lực tranh đấu tự tồn, loại bỏ những áp lực bất công. Sự tranh đấu ấy
làm cho xã hội thôn quê phân hóa, và hình thành ba lớp người : thượng lưu,
trung lưu và hạ lưu.
Theo ông Toan-Ánh trong « Làng xóm Việt-Nam » thì thành phần ba lớp người ấy được khảo sát như sau :
« …Những bậc thượng lưu là những người có học vấn, có địa
vị, có uy tín và nhất là có đạo đức. Bậc thượng lưu không có quyền có những
hành động hèn hạ của hạng hạ lưu. « Giấy rách phải giữ lấy lề », một
người được dân làng coi là bậc thượng lưu, dù ở trong hoàn cảnh túng thiếu cũng
phải giữ lấy cái sĩ diện của mình, tỷ dụ như một ông đồ thường được dân làng
kính trọng và coi vào bậc thượng lưu không thể có những cử chỉ thô kệch, và
cũng không bao giờ, dù muốn kiếm tiền, hạ mình làm những công việc của hạng hạ
lưu. Muốn đứng vững ở địa vị thượng lưu, con người phải giữ lấy cái giá trị của
mình, phải « đói cho sạch, rách cho thơm ». Những người ở giai cấp trung lưu, ở địa vị trung bình. Có
thể là người có nhiều tiền, nhưng đây là người tuy có học nhưng trình độ không
bao nhiêu, chỉ thông văn tự, không có địa vị gì ở trong làng, nhưng là những
người lương thiện và giữ được đạo đức để khỏi bị liệt vào hạng hạ lưu. Giai
cấp hạ lưu là kẻ hèn hạ, nhân phẩm thấp kém, bị dân làng coi khinh, thường làm
thuê làm mướn nhưng lại thiếu căn bản đạo đức. Đây là gồm cả những kẻ có án
tích, những kẻ gian lận, trộm đạo trong làng và cả những anh cùng đinh, suốt
đời không bao giờ đóng nổi xuất thuế thân đến nỗi dân làng phải gom nhau gánh
vác hộ… »
Như vậy, dưới mắt nhà chính trị học thời xưa nhìn xã hội thôn quê
bằng con mắt đấu tranh về đạo đức chớ không phải đấu tranh về giai cấp xã hội.
Đạo đức quyết định địa vị xã hội. Mà đạo đức, theo người xưa, là phải tôn trọng
mọi sự thanh bạch, không tham lam, hà hiếp, bóc lột, làm những điều phi nhân.
Tất cả những người thực hiện được đạo đức đều được dân làng kính trọng.
Quan điểm ấy khác với quan điểm ngày nay. Ngày nay một số chính
trị gia không quan niệm trạng thái đấu tranh của dân làng như là bảo tồn đạo
đức, mà là đập phá những chênh lệch về ưu thế chính trị, về chế độ độc tài
trong guồng máy kinh tế.
Tuy nhiên, dù đấu tranh bằng đạo đức, hay bằng giai cấp chính trị,
mục đích người dân cũng vẫn là đưa trạng thái xã hội đến thăng bằng, điều hòa
sinh hoạt.
Ngoài hai lối phân chia trên, xã hội miền quê Việt-Nam chứa đựng
nhiều tập tục, người dân quê thường kính trọng tuổi tác, nên có nhiều nhà xã
hội học đã lưu ý tới việc này.
Theo họ, nếu phân hạng xã hội miền quê Việt-Nam mà căn cứ theo địa
vị xã hội, hoặc giàu nghèo thì chỉ là đứng ở bên ngoài, không đúng với tập tục
của người dân quê Việt-Nam. Người dân quê Việt-Nam đã tự phân hạng họ bằng đẳng
cấp, nghĩa là họ căn cứ thẳng vào con người chứ không căn cứ vào sinh hoạt xã
hội.
Trước hết phải nói đến cụ già. Mọi người già cả, đầu râu tóc bạc,
tuổi càng cao bao nhiêu thì được dân làng kính trọng bấy nhiêu.
Trong những đám tiệc, người già bao giờ cũng được mời ngồi vào địa
vị cao cả. Ngoài đường, một cụ già lỡ đánh rơi chiếc gậy, một em nhỏ gần đó
chạy đến nhặt lên, đưa cho cụ. Gặp người già, những người trẻ phải kính chào,
dù người đó giàu hay nghèo, sang hay hèn.
Rồi đến những người lớn. Lớp người này đã là kẻ có gia đình con
cái, đủ sức đảm đương mọi trách nhiệm xã hội. Lớp người này cũng là lớp người
đông đảo nhất trong làng.
Sự kính trọng đối với những người lớn tuổi trong làng được thể
hiện bằng những cử chỉ sau đây. Ví dụ :
« Khi đôi vợ chồng, lấy nhau có con cái tức là đã vào cái
tuổi gánh vác công việc xã hội thì người dân quê không còn gọi vợ chồng ấy bằng
tên, bằng thứ nữa, mà lấy ngay tên đứa con đầu lòng để gọi cha mẹ nó ».
Lối xưng hô có đặc tính Việt-Nam ấy đã được nhiều người ngoại quốc
chú ý tới, và họ đều công nhận đó là một ý nghĩa nể nang giữa lớp người lớn với
nhau, đồng thời cũng như có ý nghĩa xác định sự thay đổi vị trí của đẳng cấp.
Kế đến là trai gái làng. Lớp này tuy không đông đảo bằng lớp người
lớn, nhưng lại là lớp người ồn ào, nhộn nhịp nhất. Đó là những chàng trai đang
độ xuân thời, như những cây măng mới mọc, nhựa sống tuôn tràn, chứa đầy mơ
mộng, và những cô gái tuổi vừa cập kê, má hồng phơi phới, mắt sáng như sao. Họ
là hương vị của thôn quê, linh hồn của những đêm trăng qua những câu hò tiếng
hát, đề tài của những câu chuyện trào lộng từ đầu làng đến cuối thôn, năng lực
tạo cho miền quê một sức sống động.
Ông Vũ-Huỳnh-Bang trong bài « Làng tôi » đã nói lên sự nhộn nhịp của trai làng và gái làng :
« Chợ chiều hẹn chuyến đò ngang,
Trai làng cùng với gái làng qua sông.
Ngập ngừng câu chuyện bông lông,
Hôm sau thành vợ thành chồng với nhau ».
Và nhạc sĩ Phạm-Duy trong bản « Quê nghèo » :
« Làng tôi nghèo nho nhỏ bên sông,
Gió bấc lạnh lùng thổi vào mái rạ.
Làng tôi nghèo gió mưa tơi tả,
Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi ».
Xem thế, trai làng gái làng là lớp người tạo nhiều hương vị nhất
trong cuộc sống miền quê.
Cuối cùng là lớp trẻ con. Trẻ con ở làng quê thường là dưới 16
tuổi. Chúng hoặc đi học, hoặc chăn trâu, hoặc giữ em, giúp đỡ những công việc
nhẹ nhàng trong gia đình. Thường thường chúng tụ họp từng đàn nơi đầu đình cuối
chợ, bến nước, bờ ao, những nơi có bóng mát để đùa cợt hoặc tổ chức những trò
vui nhộn. Hầu hết trẻ con ở đồng quê đều được sự che chở và trách nhiệm của gia
đình theo tục lệ : « Con dại cái mang ».
Tóm lại, sự phân chia giai cấp xã hội miền quê xưa nay có rất
nhiều quan niệm, tùy thuộc vào quan điểm của các nhà khảo cứu, và lối phân chia
nào cũng có một tác dụng trong việc tìm hiểu cả.
i) Sinh hoạt cộng đồng
Nói đến sinh hoạt cộng đồng là nói đến lề thói cổ truyền của mỗi
địa phương mà dân làng đã đem cuộc sống mình gắn liền vào đấy như một ý nghĩa
sống chung cho xã hội.
Lề thói mỗi chỗ mỗi khác, không địa phương nào giống với địa
phương nào, hoặc có giống nhau thì cũng chỉ mường tượng về hình thức.
Trong phạm vi mục này không cho phép chúng ta đi sâu vào từng tập
tục địa phương, mà chỉ có thể lược dẫn những nét đại cương qua những tập tục đã
trở thành dân tộc tính. Mặt khác, đứng trên quan điểm thi ca khảo sát những tập
tục, chúng ta chỉ có thể chứng dẫn những tình cảm dân quê qua một số tập tục có
đặc tính dân tộc mà thôi.
k) Nếp sống tương thân
tương ái
Trong làng mạc, người dân quê cần phải đem sức mình chống lại
những khó khăn do hoàn cảnh sinh hoạt đưa đến, do đó, tình tương thân tương ái
tạo cho họ thành những tập tục. Cho nên đã là người cùng một làng xóm thì mọi
việc vui buồn đều có nhau, chia sẻ nỗi niềm ấy.
Những việc vui buồn thường ngày là việc cưới xin, khao vọng, giỗ
chạp, tang ma, v.v… Đáng lẽ những việc ấy xảy ra từng gia đình, nhưng đối với người
dân quê, không chỉ riêng cho gia đình ấy, mà tất cả mọi gia đình, tùy việc lớn
nhỏ đồng chung lo.
1) Việc cưới gả
Khi trong làng có đám tiệc đều phải cáo làng. Việc cáo làng theo
phong tục thôn quê không có nghĩa là để kiếm soát trật tự, giữ an ninh, hoặc để
người cai trị theo dõi công việc làm của họ, mà có nghĩa là để cho làng xã biết
việc vui buồn, hoặc những việc quan trọng cần phải chia sẻ nhiều hay ít mà
thôi. Người dân quê sống với tinh thần xã hội hơn là chính trị.
Riêng việc cưới gả, làng xã tham dự là để chứng kiến việc tác
thành hôn nhân. Vậy thuở xưa ở nhiều nơi đã có tục lệ nạp cheo cho làng. Cheo
là số tiền lễ để làng công nhận đã có việc cưới gả giữa đôi trai gái ấy. Trong
ca dao có câu :
« Cưới vợ không cheo như kèo nèo không mấu ».
Thì đó vẫn là một tục lệ thời xưa thay cho những chứng thư hôn thú
của chúng ta ngày nay.
Nhận xét về tục lệ cưới gả dân làng thời xưa, trong quyển « Làng xóm Việt-Nam », ông Toan-Ánh có viết :
« Trong ngày cưới, họ hàng, bạn bè đôi bên kéo nhau đến làm
giúp để ăn cỗ. Đây là tinh thần tương thân tương trợ vì tình không phải vì
miếng ăn. Và lân bang hàng xóm cũng tới giúp và tới mừng cô dâu hoặc chú rể.
Những người đến làm giúp mỗi người một tay, ngay từ lúc sửa soạn đám cưới. Họ
cùng nhau giúp gia chủ dựng rạp, mổ trâu bò, gà lợn, làm cỗ hoặc hầu hạ khách
khứa trong bữa tiệc… Đối với những người đến làm giúp này, gia chủ coi như
người nhà và chỉ cần có cơm rượu cho họ. Ai nấy đều tận tình lo như chính công
việc của họ vậy ».
Tình tương thân tương trợ của dân làng chính đã phát xuất từ một ý
sống trong căn bản hợp quần. Nếu chúng ta thừa nhận rằng người trong một hoàn
cảnh tâm trạng dễ gần nhau, thì đây chính là trạng thái rõ rệt chứng minh nhận
xét trên là đúng. Người dân quê tự thấy mình như một kẻ cô độc trước hoàn cảnh
sinh hoạt của họ, nếu cuộc sống của họ tách rời sự bảo trợ của đoàn thể.
Khi đã có gia đình, đã dấn thân vào cuộc sống không ai tránh khỏi
những lúc vui buồn, thì việc giúp nhau chính là nguồn an ủi. Cho nên, người dân
quê khi giúp cho kẻ khác tự xem như giúp cho chính bản thân họ, điều đó quả là
một thực tế, và cũng chứng tỏ rằng họ không phải là những người có tinh thần ăn
xổi ở thì, chỉ biết có ngày nay mà không biết có ngày mai, biết có quyền lợi
mình mà không nghĩ đến quyền lợi của kẻ khác, hoặc chỉ biết những băn khoăn đau
khổ của cá nhân mình mà không để ý đến những liên hệ trong xã hội.
2) Việc cúng giỗ
Cúng giỗ là tục lệ thông thường hàng năm nhà nào cũng có đối với
ông bà, tổ tiên. Tuy nhiên, không phải vì công việc thông thường như vậy mà mỗi
gia đình có sự riêng rẽ.
Với tục lệ của người Việt-Nam, đám giỗ cũng như đám cưới, đám
tang, mỗi khi có tụ họp đông người đều được coi như công việc cần phải có sự
giúp đỡ của làng xóm.
Giỗ chạp sang hay hèn tùy thuộc giàu hay nghèo. Nhà giàu thì mời
cả làng đến dự cỗ, nhà nghèo thì chỉ trong họ hàng và bà con quanh lối xóm đến
dự. Tuy nhiên, tình tương thân tương trợ giữa người giàu và người nghèo không
phân biệt. Gia đình thuộc vào hạng nào cũng được sự giúp đỡ nồng nhiệt cả.
Đối với những người đến giúp hay những người được mời dự cỗ không
phải vì miếng ăn mà họ đến dự, họ đến dự là với tinh thần thân mật. Cho nên, kẻ
nào không có lý do mà không đến, chẳng những bị gia chủ trách móc mà còn bị
chòm xóm cho là vô tình. Nhiều người vì phải giữ lấy tình nghĩa của tập tục mà
phải hy sinh cả một ngày làm lụng. Trong tục ngữ có câu :
« Ăn bữa giỗ, lỗ bữa cày ».
Chính họ đã nói lên tầm quan trọng của sự có mặt đối với tình luân
lý.
Người ngoài còn như vậy thì đối với con cháu trong gia đình, những
ngày đám tiệc lại còn quan trọng hơn. Tình gia đình không cho phép con cháu
được vắng mặt trong những ngày giỗ chạp. Ngày đó, tất cả con cháu phải về, tập
họp dưới mái gia đình để tưởng nhớ ông bà :
« Đi đâu mặc kệ đi đâu,
Đến ngày giỗ chạp phải mau mà về ».
Chính vì vậy mà phong tục Việt-Nam đã ràng buộc con cháu rất trọng
về tình gia đình. Mà đó cũng là nguồn gốc đưa đến mọi người dân Việt một mối
tình quê hương, dân tộc.
3) Việc tang ma
Nếu trong việc cưới gả, giỗ chạp, người dân quê xem trọng thì việc
tang ma họ còn xem trọng hơn. Nhà nào có tang ma, tất cả trong làng đều đến
thăm viếng và chia buồn. Mỗi người chia nhau lo một việc mà không cần phải ăn
uống gì cả. Ngoài ra, mỗi người tùy tình nghĩa thân sơ góp nhau mua vàng bạc,
nhang đèn phúng điếu, hoặc trao tặng lễ vật, giúp đỡ bạc tiền.
Việc giúp như vậy chẳng những lưu tình đối với gia đình tang chế,
mà còn có cả một sự thành tâm đối với người chết nữa. Ở làng quê, trong việc
sinh hoạt hàng ngày, mọi người đều gần gũi nhau từ một đứa bé chăn trâu đến một
cụ già thường ra vào lối ngõ. Một người mất đi để lại trong lòng kẻ còn lại
không biết bao nhiêu kỷ niệm nhớ thương. Cho nên, bản chất của con người, của
xã hội loài người đối với tình nghĩa chứa đựng rất nhiều trong thôn xóm. Nếu ở
những nước văn minh, mỗi vị anh hùng của dân tộc lúc quá cố được ghi lại lịch
sử của họ bằng những trang sách oanh liệt, thì ở thôn quê Việt-Nam bất kỳ một
người nào qua đời đều gieo lại trong lòng người sống một lịch sử dĩ vãng của
họ. Lịch sử ấy được dân làng nhắc nhở trong lúc đêm trăng, lúc trà dư tửu hậu,
lúc tụ tập nhau dưới ánh đèn khuya. Tình cảm ấy là gì ? Đó chính là nguồn
gốc của tình quê hương, dân tộc.
4) Những sự giúp đỡ hàng ngày đối với chòm xóm
Nhìn vào miền quê, chúng ta thường thấy những túp lều tranh nghèo,
những mái rạ xác xơ, những con đường khẳng khiu không mấy đẹp mắt. Nhưng, trong
cảnh đìu hiu ấy, chúng ta đừng tưởng không có một sức sống. Sức sống nơi đây
còn mãnh liệt hơn ở chỗ thị thành. Sức sống, chúng tôi muốn nói ở đây là tình
tương ái, một năng lực của tâm hồn lúc nào cũng như vươn lên để đối phó với mọi
đe dọa cuộc sống con người.
Thật vậy, người dân quê tuy cuộc sống vất vả, cực nhọc, song những
sự vất vả cực nhọc ấy vơi đi nhiều khi họ biết nắm tay nhau, sẵn sàng giúp đỡ
nhau trong nguy khốn.
Ông Toan-Ánh trong « Làng xóm Việt-Nam » đã diễn tả mối tình tương ái của
người dân quê qua nhận xét sau đây :
« Một nhà đến bữa ăn thiếu chút muối
ư ? Nhà đó có thể xin ngay nhà hàng xóm một cách rất dễ dàng ! Có thể
nhà đó thiếu hẳn thức ăn trong một bữa cơm vì không gặp phiên chợ, và trong nhà
không sẵn đồ ăn dự trữ ! Cũng không sao, một nhà hàng xóm cũng có thể sẵn
sàng giúp đỡ mấy quả cà, dĩa mắm để nhà này dùng tạm trong bữa cơm. Và cũng
thế, nếu nhà thiếu, muốn sang ngay một nhà khác trong xóm, xin mấy cây rau, nhà
hàng xóm sẽ vui lòng mời người thiếu tới vườn rau nhà mình tự nhổ lấy số rau
cần thiết cho bữa ăn. Và nếu một nhà bố mẹ đi vắng, đến bữa ăn, các con ở nhà
chưa có gạo thổi, nhà hàng xóm biết, họ sẵn sàng cho vay một số gạo cần dùng để
các em thổi cơm.
« Trong làng, một nhà có chai mật ong tốt,
có thể chữa được chứng bệnh cam của trẻ con, thế là người làng mỗi khi trong
nhà có trẻ em bị cam răng, tưa lưỡi, họ đều mang chén tới xin, và nhà có của
không hề bao giờ từ chối. Con người cũng như con mình, mình có sẵn, người thiếu
thốn tại sao mình không giúp.
«Đây chỉ nói về những việc nhỏ, việc nhỏ
giúp nhau được thì việc lớn người ta cũng giúp nhau. Trong xóm có một người bị
cháy nhà ư? Cả xóm sẽ cùng xô lại cứu chữa, người xách nước, người dọn
đồ, và có thể nói được rằng sự hôi của thật không khi nào xảy ra. Một nhà có
một con lợn xổng chuồng chạy ra đường ư ? Lập tức có vài người giúp chủ
nhà đón bắt con lợn lại. Một người vô ý bị ngã xuống sông chăng ? Người
làng lập tức hè nhau lội xuống vớt, và khi vớt lên, mỗi người một tay, cùng
nhau lo cứu chữa nạn nhân. Và còn rất nhiều trường hợp, sự giúp đỡ của dân làng
bao giờ cũng tận tình, và không hề ai nghĩ tới sự đền công của những người giúp
đỡ… »
Chúng ta phải xem đó là một sức sống, sức sống của con người, của
xã hội loài người. Một xã hội có sức sống không phải là xã hội giàu có, xa hoa,
nhưng bên trong chứa đầy những ngấm ngầm đen tối, âm mưu gạt gẫm, chém giết
nhau để giành lấy cái sống xa hoa ấy.
Khi chúng ta nhìn vào một xã hội, bảo xã hội đó là văn minh mà
chúng ta chỉ nhìn vào những ngôi nhà đẹp đẽ, những đồ dùng trang bị bằng máy
móc, chúng ta không để ý đến nếp sống của họ, thì đó chẳng qua chúng ta mới chỉ
nhìn cái bề ngoài của sự văn minh mà thôi. Cái văn minh ấy chỉ là văn minh về
kỹ thuật vật chất, mà không phải cái văn minh về đạo đức. Cái văn minh về đạo
đức mới chính là nguồn văn minh của bản ngã con người.
5) Phản ứng của dân làng
Người dân quê đã đem nếp sống mình hình thành những tập quán tất
nhiên mọi người ai cũng bênh vực tập quán ấy, kẻ nào trái lại sẽ bị dân làng
phản đối.
Dĩ nhiên, trong làng xóm không phải ai cũng tốt, cũng tuân theo
những tập tục cổ truyền. Có những hạng người bê tha, bướng bỉnh, và dưới mắt
dân làng họ là kẻ bất hảo.
Những kẻ không tuân theo luật lệ nhà nước thì bị làng xã phạt vạ,
hoặc xử trị, nhưng đối với lề thói của dân gian thì khác. Dân gian không có
luật xử trị, nhưng họ lại dùng những áp lực tinh thần để sửa đổi những kẻ làm
sai nề nếp.
Một người có thói hư, tật xấu, tức thì trai gái trong làng đồn
đãi. Họ xầm xì với nhau, châm biếm với nhau ! Tiếng xấu ấy từ đầu làng
cuối xóm truyền đi rất nhanh đến nỗi người trong nhà chưa biết mà khắp làng đã
hay. Bởi vậy có câu :
«Tiếng lành đồn xa,
Tiếng dữ đồn ba ngày đàng! »
Cho nên, người dân quê rất sợ tiếng đồn. Mà tiếng đồn không phải
không có ảnh hưởng. Nếu là trai gái chưa chồng chưa vợ, bị tiếng đồn có thể ế
chồng ế vợ. Nếu là người già cả, bị tiếng đồn có thể mất hẳn uy danh.
Đó là những tội nhẹ ! Còn nếu những tội nặng như phạm thuần phong
mỹ tục, hoặc những điều tai ác thì họ làm một bài vè, dán ở cổng chợ đầu làng,
tức thì bầy trẻ truyền nhau đọc vang cả vùng này đến vùng khác, dù ai có quyền
lực đến đâu cũng không thể ngăn cản nổi. Sự trừng phạt về tinh thần trong quy
tắc tập thể ấy có một sức mạnh vô biên, khiến người quê có thể giữ mãi tập tục
của mình từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cho đến những tay cường hào ác bá trong
làng ỷ thế cậy quyền, muốn làm chuyện xằng bậy, cũng phải nể nang vì sợ tai
tiếng.
Chúng tôi xin trích ra đây một bài vè làm thí dụ :
« Làng ta có chuyện nực cười,
Có ông nhiêu Bút là người rượu say !
Mỗi ngày một lít như bay,
Rượu say ông mới làm bây giở trò.
Bà nhiêu sao chẳng biết lo,
Mướn lũ thợ cấy ông nèo một cô,
Nhưng mà hư hỏng cơ đồ.
Bà nhiêu bắt được liền vồ cả hai ».
Con người dù thời nào cũng vậy, tuy làm bậy nhưng lại không muốn
ai chê trách mình. Cho đến những kẻ sống giả dối bề ngoài cũng thế, vì họ không
muốn tiếng chê nên họ tìm cách giả dối để che mắt thiên hạ. Ngày nay, nhiều
người cho cuộc sống thôn quê lắm điều lắm chuyện, hay đồn đãi lôi thôi, nhưng
thực ra chính nhờ những lời dị nghị, đồn đãi ấy mà dân làng mới bảo vệ được lề
thói, phong tục của họ, mà những ai sống bằng bề ngoài, giả dối đều phải sống
chung với họ.
6) Các ngày lễ, ngày hội làng
Mỗi làng đều có một ngôi đình thờ thần Thành-Hoàng. Thành-Hoàng là
vị thần cai quản toàn thể xã thôn, phù trợ dân làng được bình yên, thịnh vượng,
cho nên việc cúng tế đình làng rất long trọng. Ngoài ra mỗi xã còn có những
chùa chiền thờ Phật, hoặc những ngôi đền thờ thần, thờ thánh khác nữa.
Nếu chỉ có những việc cúng tế thì đó là trách nhiệm của những bô
lão trong làng không có gì đáng nói trong nếp sống dân gian. Nhưng ở làng quê
Việt-Nam lại có những hội hè, hát xướng gây cho cuộc sống miền quê có những
cuộc vui tập thể rất nô nức.
Trong những dịp này, trẻ già, trai gái đều rất nhộn nhịp, mỗi lớp
người có một thú vui riêng. Tuy nhiên, được mọi người chú ý nhất là trai gái
làng trong lứa tuổi xuân xanh, họ lợi dụng những ngày hội hè, hát xướng để ăn
mặc bảnh bao, quần là áo lượt, sửa soạn cho duyên dáng để trao tình. Những ngày
ấy, chẳng những có trai gái trong làng mà còn có những trai gái ở những làng kế
cận kéo đến nữa. Thường thường mỗi làng có mỗi tục lệ riêng, có những ngày hội
riêng tùy theo cách tổ chức vào dịp đầu xuân.
Ca dao Việt-Nam đã nói lên điều đó :
« Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè ».
Tuy phân chia như vậy, song hội hè, đình đám thường bắt đầu từ
tháng giêng cho đến tháng ba, mà thời gian đó, tùy theo tục lệ mỗi làng, thay
phiên nhau tổ chức liên miên.
Trong phạm vi mục này, chúng tôi không thể nào đi sâu vào chi tiết của các tập tục địa phương. Nhưng để khảo sát một vài tính chất đặc biệt của hội hè, chúng tôi xin trích dẫn ra đây vài bài tường thuật điển hình, tưởng không phải là vô ích :
(*) Đám rước mục đồng ở
làng Phong lệ
Đây chỉ là một đám rước của mục đồng, nhưng đám rước này lại liên
quan tới cả xã Phong-Lệ, tỉnh Quảng-Nam. Đám rước này chính cũng là một hình
thức của Hội-làng. Bởi vậy chúng tôi xin trích in sau đây nêu lên một sắc thái
hội làng với nét độc đáo riêng. Tuy tác giả đem tục rước mục đồng đặt trong
khuôn khổ một truyện ngắn, nhưng những nét chính của tục rước mục đồng đã được
nêu lên đầy đủ, và đọc qua bài này, ai nấy đều có thể hiểu rõ đám rước
này :
Nông về nhà thì trời đã chạng vạng. Lùa trâu vào chuồng và gài
khổng (cổng, tiếng miền Trung) xong, hắn đi ngay vào bếp như thường lệ.
Cả nhà vừa ăn cơm xong, chị bếp đang vén tém mấy đĩa thức ăn thừa
trước khi bày ra mâm để bữa cơm của chị và hắn ở xó bếp này xem đỡ phần bạc
bẽo.
Chị gọi hắn :
- Chú Nông vô ăn cơm rồi có đi làm việc làng.
Hắn mỉm cười náo nức nghĩ đến ngày mai, ngày vui nhất của giới
chăn trâu, phải đợi ba năm mới xảy ra một lần cho bọn làm nghề hạ tiện này.
Không giấu được niềm vui, hắn khoe : Chi Ba hợ (tương đương tiếng này miền Bắc, tiếng à miền
Nam), năm nay tui làm Trùm-phụ (phụ tá Trùm-chỉ trong việc giữ trật tự đám rước
mục đồng) khỏi phải làm như kỳ năm Dậu, gớm ! Có gì đâu mà cái cán nắm
tràn cả tay, lại thêm gió cứ vật mình ngã oành oạch như vật nhái, đứa nào đủ
sức cầm cờ được ba lần hát mục đồng thì về già qua Giáng-động dự hát vật nhất
định sẽ ăn giải. 13
Chị Ba nói sau tiếng cười :
- Giải gì thì còn ham chớ giải hát vật ai có khôn cũng
xin vái ! Hơn được, chẳng no béo gì, còn rủi ro có thua thì là hết một
đời ! Chú không nghe nói hễ ai thua thì về nhà đau chết liền hay
sao ?
Hắn mỉm cười không đáp. Điều này hắn cũng có nghe người ta đồn
nhiều nhưng hắn còn nửa tin nửa ngờ. Hắn thầm nghĩ : « Ừ, thì năm Dậu
ấy quả có ông Biện Lượng bị thua vật rồi sau đó qua đời thật, nhưng nghe nói
năm ấy trước khi vật, ông bị phát bệnh thình lình song sợ bỏ cuộc đấu thì làng
bắt vạ nên phải ráng ra dự cuộc đấu, vậy chắc gì ông ta không chết vì bệnh
hành ! Với lại ông ta đã già, gân sức yếu ớt nên vật thua, nội dự keo vật
cũng đủ đáng « gần đất xa trời » rồi, huống hồ về nhà nghe người ta
nói ra nói vào, con cháu cằn nhằn cưởi nhưởi nữa, riêng chuyện lo sợ cũng đủ chết rồi ».
Gà trong xóm mới gáy lượt đầu, đình Thần-Nông đã đông đặc người
ta. Tất cả hào lý đều tề tựu đông đủ, không ai muốn thần thấy họ lơ là, nhất là
lơ là với vị thần đỡ đầu cho hoa mầu đất ruộng của họ.
Về phía mục đồng, anh nào anh nấy đều trong ngoài hai mươi tuổi,
mặt mày rám nắng sạm đen. Đằng sau những chiếc áo dài đi mượn, các bắp thịt
cuồn cuộn của họ như muốn phá lớp vải cũ kỹ để chui ra ngoài, tìm lại màu trời,
ánh nắng quen thuộc của chúng. Nhắm chừng mọi người đã tập trung đông đủ, ông
xã Mộc giữ chức Trùm-mục, cất tiếng gọi to :
- Mấy ông Trùm-chỉ, Trùm-phụ đâu ? Sắp hàng mục
đồng lại thử coi ! Năm nay có hai mươi sáu lá cờ tư đó, lựa người cầm cho
tử tế nghe ! Kiếm riêng năm mươi hai đứa thiệt mạnh để lo cái khoản
đó !
Nông và Tí trọc dạ to một tiếng. Hai đứa chúm chím cười nhìn nhau,
lần đầu tiên, một vị hào mục trong làng gọi đến chúng một cách trang trọng như
vậy. Chúng lúng túng trong bộ áo đen khăn xếp chạy tới chạy lui để dắt người
này lên, kéo kẻ kia xuống. Bọn mục đồng nhao nhao như một buổi chợ đang đông.
Anh nào cũng tưởng rằng cao hơn bạn nên rất bất bình khi bị kéo xuống đưa lên,
đổi chỗ đứng trong hàng.
Trong đình Thần-Nông, đèn đuốc sáng như ban ngày, hương trầm bốc
khói nghi ngút. Phía trước điện thờ, một cỗ kiệu hai đòn khiêng, giăng hoa kết
lá trông rất đẹp mắt. Đó là công trình của hai anh thợ trong Vĩnh-điện, được
làng mời ra từ ba hôm nay để lo phần trang hoàng cỗ kiệu thần.
Ba hồi chiêng trống vang lên. Tiếng ồn ào ngớt dần dần rồi im
phăng phắc. Thỉnh thoảng mới vang ra vài tiếng nói nghèn nghẹn của mấy ông già
không kềm nổi cơn ho. Vị Trùm-mục đứng trước điện thờ lâm râm khấn vái. Sau
lưng ông, bốn mục đồng giữ phần khiêng kiệu khăn áo chỉnh tề như trình diện với
Thần. Khi Trùm-mục lui ra, hai viên Trùm-chỉ và Trùm-phụ vào làm lễ, tiếp đến
những mục đồng khiêng kiệu. Lại một hồi chiêng và trống, vị Trùm-mục tiến lên
thỉnh bài vị ở điện thờ, cung kính nâng ngang mày, quì xuống đặt vào trong kiệu
rước. Trùm-chỉ và Trùm-phụ duyệt lại hàng ngũ mục đồng. Ba bên bốn bề, cờ xí
giăng giăng.
Chiếc kiệu được chuyển ra sân đình. Lại một hồi chiêng trống nữa.
Toàn thể mục đồng hướng vào điện Thần, chấp tay xá ba cái. Một hồi sênh nổi
lên, báo hiệu đám rước khởi hành.
Toán mục đồng cầm đuốc và vác lễ kỳ của làng đi trước, kế đến là
kiệu Thần và chiêng trống, sau nữa là phường bát âm và cờ xí của tư nhân.
Đoàn rước lặng lẽ băng qua cánh đồng. Thỉnh thoảng vài tiếng sênh
lắc cắc nhắc đoàn người rước Thần giữ không khí trang nghiêm. Nông và Tí trọc
chạy tới chạy lui nhắc bảo sơ sài cho có lệ. Trong ánh trăng lờ mờ của đêm tàn,
trong làng chỉ mới có một ít người lớn thức giấc, đứng ở ven xóm nhìn ra. Xa
xa, vài tiếng chó sủa bâng quơ.
Đến cồn Thần thì đã cuối giờ Sửu. Trăng đã mờ hẳn. Ánh sao hôm còn
lấp lánh chân trời. Phía trước tảng đá trắng giã cồn, nơi mà dân làng tin là
chỗ Thần giáng ba năm một lần, ở đây đã được trải sẵn một chiếc chiếu hoa sặc
sỡ, còn thơm mùi mới. Nông nhìn tảng đá trơn láng, bất giác cảm thấy rờn rợn.
Ngày thường thả trâu ăn tại đây, hắn ngồi chơi hàng giờ trên tảng đá ấy mà vẫn
dửng dưng xem thường, giờ đây nhìn vẻ kính cẩn của vị Trùm-mục, thêm vào đó
không khí im lặng của toàn thể mục đồng, Nông thấy tảng đá như có một linh hồn
huyền bí.
Chiếc kiệu rước Thần hạ xuống bên tảng đá từ nãy. Trên chiếc chiếu
hoa, vị Trùm-mục đang khấn lâm râm. Hình ảnh bóng đen quì khấn giữa hai ánh
đuốc bập bùng khiến Nông thấy rờn rợn.
Một chặp sau, Trùm-mục đứng thẳng dậy hân hoan nâng chiếc đĩa, bên
trong có hai đồng tiền, một sấp một ngửa, đưa ra cho vòng người đứng quanh xem
qua rồi nói thấp giọng :
- Ngài đã giáng !
Một hồi sênh lại nổi lên. Trùm-chỉ và Trùm-phụ chạy tới chạy lui
sắp xếp lại hàng ngũ. Sau ba hồi chiêng trống, tiếp theo là một loạt trống cơm,
rồi đến phường bát âm trong khúc nhạc mừng. Nghi lễ này cũng báo hiệu cho dân
làng biết giờ rước Thần đã đến. Gõ ba tiếng sênh làm hiệu, vị Trùm-mục dõng dạc
xướng lớn :
- Chúng mục đồng Phong-Lệ ta ! Xin cho tốt lúa,
tốt gieo ! Vũ thuận phong điều, đồng reo một tiếng !
Đám mục đồng hợp thanh reo to :
- Giá hạ… ạ… ạ… ! Giá hạ… ạ… ạ… ạ ! 14
Tiếng reo như kéo dài mãi không dứt, người này hô chưa dứt, người
khác đã nối hơi theo. Cùng với tiếng reo, đoàn mục đồng cầm cờ nối đuôi nhau
chạy theo vị Trùm-mục quanh đi lộn lại chung quanh cồn Thần. Tiếng sênh vang
đến đâu đám đông kính cẩn giạt ra đến đấy. Những cây cờ của tư nhân, chủ cờ
không chịu để cờ mình thiếu bất cứ màu nào, bất chấp cả mỹ thuật, khiến hàng
trăm màu phất phơ lồng lộn như những con vật kỳ dị oằn oại trong ánh sáng lờ
mờ. Khi đoàn cờ dừng lại theo hiệu lệnh của Trùm-mục thì đám mục đồng đã mướt
mồ hôi, tuy trời vẫn còn lạnh sương đêm.
Trên cánh đồng trơ trụi, người bốn phía xóm đổ ra mỗi lúc một thêm
đông đảo. Nông bắt đầu thấy lo ngại.
Chân trời ửng sáng lờ mờ. Mấy bó đuốc vác theo dự trữ cũng đã tàn
gần hết. Tí tróc chạy lại dẹp lũ trẻ đang lấn chen, làn roi mây cứ vun vút.
Tiếng trống tiếng chiêng mỗi lúc càng thêm lôi cuốn. Âm nhạc dặt
dìu như những lời mời mọc. Lũ trẻ cố chen lấn để được thấy tận mặt bọn nhạc
công cùng các thứ nhạc khí lạ mắt, chúng bất chấp những làn roi hung hăng của Tí trọc, có
đứa còn lom khom chui xuống dưới kiệu Thần để xê dịch theo đoàn rước. Nông
không ngớt xô làn sóng người, cứ ngăn được chỗ này thì chỗ khác lại tràn tới.
Gặp những người quen, Nông chỉ kịp chào vội bằng một nụ cười với nét mặt nhễ
nhại mồ hôi, rồi tíu tít đi làm phận sự.
Đoàn rước tuy gồm toàn là những mục đồng vạm vỡ nhưng cũng phải cố
gắng hết sức mới giữ được hàng ngũ xê dịch của mình. Trời đã hừng sáng. Đoàn
rước đi từ từ. Tiếng chiêng tiếng trống, tiếng reo hò « Giá hạ » chốc
chốc lại vang lên, lũ trẻ cũng họa theo thành một thứ âm thanh hỗn tạp. Thỉnh
thoảng một vài đứa trẻ bị chèn ép, khóc vang lên lâu lâu lại có mấy tiếng đàn
bà gọi con ơi ới…
Mặt trời đã lên quá nửa ngọn tre. Ánh sáng hơi gắt, mùi hơi người
bốc ra rất khó thở. Gió như bị người ta ngăn lại, giận dữ vượt thoát lên cao,
hung hăng trút căm hờn vào những lá cờ sặc sỡ, vật nhau nghe phành phạch trên
không làm mấy chú mục đồng phải mắm miệng, chung nhau hai người một cây, gồng
các bắp thịt rắn chắc mới kềm nổi thế cầm cho vững chắc. Đặc biệt trong đám
rước này, lệ quen là các tư nhân có ruộng đất nhiều hay những người làm ăn khá
giả đi xa làng, ngoài việc gởi tiền về lo cúng tế, họ còn đua nhau làm những lá
cờ rất to, bất kể kích thước, mỗi lá cờ là một tờ trình về sự giàu có của họ
nên chẳng ai chịu thua ai. Cờ phần nhiều may bằng nỉ màu lại còn đính thêm
những hình nhân tượng trưng cho nông nghiệp như người đi cày với con trâu, đôi
ba người đập đất, đi cày… chẳng hạn, ngoài ra người ta còn thi nhau cả trong
việc làm cán cờ cho đáng giá, thành thử toàn thể lá cờ hết sức nặng nề.
Qua khỏi cánh đồng, đoàn rước chỉ còn phải đi một đoạn đường công
hương nữa là về đến đình.
Đám rước đi vào cổng đình, Nông và Tí trọc phải nhờ thêm hai mục
đồng nữa phụ lực mới xô nổi đám trẻ bu hai bên cổng. Sân đình kín mít người ta.
Đây toàn là những người đội lễ vật đến cúng nên ai nấy đều khăn đóng áo dài
chỉnh tề cả. Tuy không bảo nhau nhưng bọn mục đồng cũng cảm thấy hãnh diện khi
cả làng đều tỏ ra tôn trọng ngày lễ đặc biệt của chúng.
Mà thật thế, lễ rước mục đồng này là một lễ rất quan trọng. Dù cho
đó là quan to chức lớn đi chăng nữa khi gặp đám rước cũng phải tránh ra một bên
để cho đám rước đi chứ không thể nghênh ngang hống hách được. Phép vua còn thua
lệ làng là vậy. Những vị quan hay vợ quan nếu ra cái điều mình « phụ mẫu
chi dân » lên tiếng nạt nộ thì bọn mục đồng có thể nổi xung lên mà ăn thua
đủ, chẳng coi vào đâu hết. Cho nên, ai tới làm quan ở vùng này cũng đều phải
tôn trọng cuộc lễ của đám người nghèo mạt. Quanh năm cơ cực, chỉ được có một
ngày sướng, thì họ phải hưởng cho đã đời, rồi mai lại đầu tắt mặt tối vì công
việc.
Đoàn rước dừng lại trong sân đình. Người ta chỉ giạt ra vừa đủ chỗ
đặt cái kiệu. Phải khó khăn lắm Nông mới dọn được chỗ đứng cho đoàn. Giao việc
cho Tí trọc, Nông đi ra sau đình. Suốt buổi mai hò hét, hắn thấy khô cổ quá.
Vục đầu vào gáo nước lạnh, hắn ngước mắt nhìn trộm về phía nhà dọn : hằng
trăm mâm xôi nho nhỏ bày la liệt trên mấy bộ ván phần lớn còn bốc hơi nghi
ngút, mỗi mâm lại còn kèm theo một con gà luộc. Nông chợt có ý nghĩ khôi hài
mộc mạc : cả một lũ gà trụi lông đang ấp trứng trong ổ ! Hắn thấy dẹp
mớ nước miếng ứa ra trong miệng lúc này có phần khó hơn là dẹp đám người tràn
vào hàng ngũ đám rước khi sáng. Cả đời chăn trâu của bọn Nông, chỉ có dịp này
người ta mới dành những phần ngon lành cho bọn chúng không phải vì lý do thừa
thãi.
Toán người phục vụ cho buổi lễ đang lăng xăng mang những tế phẩm
đặt lên bệ thờ. Bọn chăn trâu thích thú thấy mình được làm « sự chủ »
trong khi những nhà tai mắt lại phải lui tới lăng xăng.
Các chú mục đồng biết giá trị của mình ngày hôm nay nên không nói
cười thô tục như thường bữa. Tí trọc và Nông thì thụp lạy trước bàn thờ làm lễ
cáo với Thần nhiệm vụ mình đã chấm dứt.
Trên các bệ thờ đã tràn ngập xôi với gà ! Từ trước đến nay,
vị thần này ứng mộng không cho phép cúng heo hay trâu bò, vì vậy sau khi cúng,
« lộc thần » không bị tản mác một cách hợp pháp vào các cửa đàn anh
trong làng. Điều này có làm cho các vị tiên chỉ, thứ chỉ trong làng hơi buồn
đôi chút.
Vị Trùm-mục bái tất xong. Các mâm tế phẩm nhất tề bị triệt hạ.
Nông nhìn các bạn, lòng rộn lên một nỗi vui mừng, nhưng khi trông
ra thềm, thấy bóng mặt trời đã xế chiều, hắn không nén được tiếng thở dài chua
xót. Sau bữa tiệc thịnh soạn này, bọn chăn trâu như hắn lại trở về làm bạn với
con vật lừ đừ hôi hám, cuộc sống quanh năm chỉ lẩn quẩn ăn uống nơi xó bếp rồi
nghỉ ngơi ở chái chuồng trâu…
Ba gian đình được trải chiếu kín cả trong lẫn ngoài. Từng nhóm mục
đồng ăn uống nói cười vui vẻ. Ở gian giữa các vị đàn anh trong làng, tuy ngồi
trước rượu thịt ê hề nhưng họ không dám nhậu nhẹt tự nhiên đầy thẩm quyền như
trong các ngày lễ khác, ai nấy cảm thấy như mình đã xâm phạm quyền lợi của mục
đồng. Ngày hôm nay, theo tục lệ của làng, chỉ có bọn mục đồng là có quyền
« ăn nói » ở đây, chữ « ăn nói » được hiểu rất sát theo
nghĩa đen, tức là « mục đồng ».
TRỌNG LAI
« Chọn lọc », số 6
Ngày 19-12-1965
*
(*) Hội xã Long-Sơn
Xã Long-Sơn thuộc quận Tân-Châu, tỉnh Châu-Đốc đã có song song từ
lâu hai tục lệ đặc biệt :
- Ông lên
- Du hồ, chưng cộ bát tiên.
1) Tục ông lên
Hàng năm cứ đến ngày 15, 16 tháng Giêng âm lịch, mấy người xác ở
đây được các anh hồn hiển thánh của : Lào-Ỳa, Quan-Công, Quan-Bình,
Châu-Xương nhập vào, thường ngồi nghinh oai vệ trên kiệu biểu diễn từ chùa ông
Lào-Ỳa đến tận châu thành Tân-Châu. Ông thì nằm bàn chông, ông thì xỏ xiên quay
ngang miệng, ông ngồi trên hai lưỡi gươm bén kê ngang ghế dựa. Mấy ông ấy đều
mặc đồng phục bằng vải tây đỏ, đôi mắt lúc nào cũng lờ đờ xa trông dường như đã
thoát tục.
Với một sức tin tưởng vô biên các vị thiêng liêng, đồng bào ở chợ
Tân-Châu đều đặt hương án trước nhà như long trọng tiếp rước các vị vua chúa
hay các công thần thời xưa. Mùi trầm hương nghi ngút làm cho mấy ông lên hăng
say xuống kiệu, cầm gươm lịnh nhảy múa theo tiếng trống tung tung… Qua những
bàn hương án các vị này ngừng lại, lấy gươm rọc lưỡi, máu tuôn xối xả, thị dân
trịnh trọng lấy giấy vàng đưa cho người thấm vào máu để làm bùa hộ mệnh từ đầu
năm đến cuối năm (có người cho rằng của Ông Lên, ruồi làng không dám bu vào).
Sau cuộc phát bùa máu, mấy vị Ông Lên còn dừng lại Chùa Ông ở
chợ Tân-Châu để qua hai kỳ thí nghiệm : đi hỏa thang và tắm dầu
phọng sôi ngõ hầu tỏ cho đồng bào biết là Ông Lên thật.
Người địa phương quan niệm rằng cái tục Ông Lên là cuộc tảo thanh lũ tà ma yêu
quái thường nhiễu hại dân ở đây, cũng như Chánh-phủ thanh trừng bọn tham quan ô
lại vậy. Và thường năm phải thi hành đều đều như vậy mới tránh được tai trời,
tức là bệnh thổ tả.
2) Lệ du hồ, chưng cộ bát tiên
Đồng thời với cái tục Ông Lên, người xã Long-Sơn còn có cái lệ bất
di bất dịch là du
hồ, chưng cộ bát tiên. Được thế là nhờ nền kinh tế ở đây thật dồi dào
và sự đoàn kết chặt chẽ của đồng bào. Hơn nữa, ở xóm huyện đã đào tạo được
nhiều tay thợ chuyên bong nghe du hồ và xây hòn non bộ, chưng cộ rất khéo. Để
phụ họa vào cái lệ đặc biệt này, họ còn tổ chức một giàn trống xuất sắc gọi là
Trống Tiều.
Sau cả tuần lễ chuẩn bị xong các nghi thức cuộc giải trí, đến
chiều ngày 15 tháng Giêng âm lịch, giàn Trống Tiều bắt đầu nổi lên vang dội
khắp miền quê làm cho các ngành sinh hoạt đều ngưng hẳn. Mọi người đều nô nức
sửa soạn những bộ đồ vía để đón tiếp một thú tiêu khiển hiếm có sau ngày tân
xuân. Bởi vậy người ta cho lệ du hồ, chưng cộ này là ngày Tết thứ nhì của quận Tân-Châu.
Khi mặt trời sắp chen lặn thì cũng là lúc chị Hằng Nga từ từ vén
màn ngó xuống chốn trần gian. Ngọn gió nhẹ nhàng lướt qua. Mặt nước nhấp nhô
những làn sóng bạc. Trên lòng rạch Cái-Vừng vượt lên năm bảy con thuyền bông
rất mỹ thuật. Các ngọn hoa đăng sáng ánh một vùng, xa trông như một thành nổi.
Đồng thời trên bộ tiến lên năm, mười chiếc cộ. Mỗi chiếc cộ có một hòn non bộ
mà trên đó ngất nghểu một vị Bát-tiên, người xem lầm tưởng là non bồng.
Thật không có chi ngoạn mục cho bằng : trên sông Tiên hiện
lên đàn ghe du hồ, trên bộ thì đàn cộ đèn nối đuôi nhau từ từ lên quận lỵ giữa
biển người hòa với tiếng Trống Tiều inh ỏi dường như đoàn quân chiến thắng vẻ
vang đang ồ ạt vào khải hoàn môn trong tiếng hoan hô nhiệt liệt của toàn dân.
THÁI VĂN KIỂM
(« Tân-Châu », trang 133-135)
*
(*) Tục thi thả diều và
thi chọi diều hàng năm của dân chúng tổng Hà-Nam
Trong các thú chơi ở đồng quê
Việt-Nam có thể nói chơi diều là một thú chơi phổ thông nhất. Phổ thông nhưng
không phải là thiếu cầu kỳ. Vì có thấy tận mắt một người cặm cụi làm diều, ta
mới rõ rằng thú chơi diều quả là đòi hỏi cũng lắm công phu, không kém gì những
thú chơi khác ở đồng quê như cây cảnh, chim cu, chim yến, chọi gà, v.v…
Nhưng nếu bảo rằng thú chơi
diều đã trở thành tục lệ hẳn hoi thì quả thật không đâu bằng tổng Hà-Nam, tỉnh
Quảng-Yên, Bắc-Việt. Tục lệ thả diều thi tại đây đã có từ lâu, đời này truyền
lại cho đời khác, và nó đã nghiễm nhiên trở thành một tập tục không thể thiếu
sót hàng năm của người dân trong vùng.
Tổng Hà-Nam vốn là một cù lao
chung quanh toàn biển cả vây bọc. Chung quanh tổng Hà-Nam có đắp một con đê để
ngăn nước biển khỏi tràn vào. Ruộng ở đây phần đông toàn là ruộng nước mênh
mông. Lúa mọc rất cao. Có khi từ thân cây lúa tới mặt nước đo được tới tám mươi
phân hay hơn nữa. Cây lúa mập và khỏe khác hẳn các cây lúa ở vùng khác. Từ thị
xã Quảng-Yên tới, người ta có thể đi đò len lách qua các ruộng lúa. Hoặc nếu
dùng đường bộ thì có một con đường đất đỏ ở sát chân đê, sau khi đã đi phà từ
bên tỉnh vượt qua một vùng biển nhỏ để tới tận chân đê bao quanh tổng Hà-Nam.
Chính con đường đất đỏ dẫn tới một ngôi chùa giữa cánh đồng, nơi có sẵn bãi đất
rộng dùng để tổ chức cuộc thi thả diều hàng năm của toàn dân trong vùng.
Ngôi chùa giữa đồng này ở cách làng Hải-Yên và làng Phong-Cốc cũng
không xa, chỉ khoảng hơn một cây số. Vào những hôm rằm hay mồng một, thiện nam
tín nữ trong vùng đi lễ chùa đông lắm. Trước kia chùa bị hư nát, tượng Phật xấu
xí, sau được một nhà hằng tâm hằng sản, bỏ tiền ra trùng tu lại, đúc thêm
chuông, tạc thêm tượng, ngôi chùa trở nên phong quang mỹ thuật nhiều.
Theo tục lệ hằng năm do người
xưa lưu truyền lại, cứ đến ngày mùng tám tháng tư âm lịch, ngày Phật-đản, công
việc lễ bái xong xuôi là toàn thể tổng Hà-Nam cùng bàn tính đến việc thi thả
diều. Ngày thi luôn luôn là ngày rằm tháng tư âm lịch. Theo sự tin tưởng của
mọi người, năm nào cuộc thi thả diều vào hôm rằm tháng tư được tốt đẹp, nghĩa
là trời quang mây tạnh, trăng sáng vằng vặc, tức là năm ấy mùa màng sẽ được tốt
tươi, dân tổng no ấm không phải lo sợ nạn đói kém.
Các vị chức sắc kỳ mục trong
toàn tổng Hà-Nam họp nhau tại đình làng Phong-Cốc, một ngôi làng lớn nhất tổng
để bàn bạc mọi việc tổ chức cuộc thi thả diều. Tiếp theo, mõ làng được lệnh đi
rao cho tất cả mọi người đều hay để ai nấy sửa soạn con diều của mình. Có nhiều
ông mê diều cố tìm cách sáng tạo nên những chiếc diều thật đẹp, những chiếc sáo
thật hay để đem thi. Lệ thi là phải thả loại diều cánh cung và phải diều lớn ít
nhất từ hai thước tây chiều ngang trở lên. Các thứ diều trẻ con chơi không được
dự thi. Diều bé dễ lên hơn diều lớn. Công việc làm một chiếc diều lớn mất lắm
công phu ghê gớm, chẳng phải bất cứ ai ai cũng làm được.
Trước hết muốn cho con diều sau
này sẽ bay cao, bay bổng, người ta phải biết chọn tre. Tre càng già, càng nhẹ,
con diều càng dễ lên cao. Tre già uốn diều càng dễ, hai cánh diều sẽ cân và đều
hơn.
Nếu làm diều cho trẻ con chơi
cầu kỳ một phần thì ngược lại vót diều cho người lớn đem đi thi cầu kỳ gấp cả
ngàn lần. Người ta phải nắn vuốt làm sao cho hai đầu cánh diều thật thuôn thật
đều nhau, không bên nào được nặng hơn bên nào dù chỉ một li. Ở giữa cánh diều,
người ta buộc một sợi dây treo lên sà nhà, hai đầu cứ ngang bằng như cán cân
thì mới được gọi là trúng. Khi lắp thành khung diều rồi công việc cầu kỳ cũng
không kém. Sợi dây chăng ra ở khung diều cũng bắt buộc phải được đo đạc kỹ
lưỡng, để khi phất giấy lên chỗ nào cũng như chỗ nào, không có ô lớn ô nhỏ.
Những con diều lớn có khi dài năm sáu thước tây, rộng tới hai thước rưỡi hay ba
thước là thường. Bởi vậy người ta không thể phất cánh diều bằng giấy được, mà
phải phải dùng vải thay thế. Bên ngoài lớp vải người ta còn cẩn thận phất thêm
một lần cậy hoặc một lần sơn để diều có thể chịu đựng được mưa nắng lâu ngày
không bị hư mục. Nguyên do, có khi con diều được thả bay trên trời hàng tháng
hoặc suốt cả mùa chơi, cho tới sang thu mới kéo xuống.
Khoảng dây diều cũng hết sức
quan trọng. Thời xưa người ta có thói quen làm dây diều bằng tre. Loại tre để
vót dây diều được chọn lựa kỹ lắm. Tre phải là thứ tre mảnh cật, giống tre
thẳng và đốt không bị cháy hay sâu mọt đục khoét. Hơn nữa, cây tre dùng để làm
dây diều phải là cây tre già vì tre non không được bền dai mấy. Người ta chẻ
cây tre thành từng mảnh dài suốt dọc từ gốc đến ngọn. Sau đó, mới lấy dao nhỏ
ngồi vót cho thật đều và nhẵn. Một cây tre vót làm dây diều giỏi lắm chỉ được
chừng hai ba trăm thước là nhiều. Muốn diều lên cao hơn phải vót thêm. Những
sợi dây tre đó được nối lại với nhau và đó chính là một công trình tỉ mỉ. Khi
tre đã vót xong, nhất là tre già thường dòn và dễ gãy nên không thể nối ngay
vào nhau được. Mà nếu cứ để y nguyên như thế đem thả diều, thì chắc chắn chỉ
vài cái vặn, diều chao lên chao xuống vài lần, là đứt. Cho nên người ta phải tìm
cách làm cho dây mất tính chất dòn đi. Người ta bỏ dây tre vào một chiếc nồi
lớn đem luộc. Có người cho muối vào luộc, có người lại gia giảm thêm vài vị
thuốc bắc để dây tre không những mềm mại mà còn kị được mọt nữa. Dây diều hết
năm này qua năm khác vẫn lại dùng khỏi cần phải làm dây mới. Nội công việc luộc
dây cũng mất ít nhất nửa ngày. Có người luộc kỹ gần suốt ngày nhưng đó là tùy
theo độ già của tre. Công việc chế tạo dây diều tuy có mất nhiều thì giờ thật
đấy, nhưng khi mang ra dùng nó sẽ có nhiều lợi lắm. Thứ nhất là không sợ đứt,
thứ hai là nó rất nhẹ, diều thả lên không sợ bị võng dây, v.v… Ấy là chưa kể
dùng dây tre được rẻ tiền vì ở nhà quê tre không thiếu.
Con diều đã làm xong rồi, dây
diều cũng đầy đủ rồi, ta có thể mang diều ra thả được ngay, không sao cả. Nhưng
nếu có một chiếc diều đẹp thả lên cao như vậy mà không có tiếng sáo kèm theo
thì có khác nào như một giai nhân xinh đẹp mà bị mắc tật… câm ? Không
được. Như thế không ai có thể chấp nhận được. Đã gọi là diều thì phải có sáo.
Mà một khi con diều càng đẹp bao nhiêu, bay bổng bay cao bao nhiêu, thì nó lại
càng cần phải có một bộ sáo xứng đôi vừa lứa bấy nhiêu.
Nói như thế có nghĩa là không
phải bạ sáo nào cũng cứ lắp vào diều được đâu. Sáo là những ống tre to nhỏ được
gọt dũa kỹ lưỡng, hai đầu có gắn hai cái « miệng sáo » trông tựa hồ
như miệng cái nhạc ngựa để khi gió thổi vào thì sẽ phát ra tiếng kêu vi vu trầm
bổng…
Muốn làm sáo diều, ống tre phải
chọn ở những thân tre già, còn hai miệng sáo thì dùng thứ gỗ mỏ. Sở dĩ cầu kỳ
như thế vì tre già gỗ mỏ vốn chịu đựng được mưa nắng, không sợ bị co dãn hay
sứt mẻ. Muốn sáo kêu hay, sau khi lựa được ống tre rồi người ta phải gọt bớt
lớp áo bên ngoài rồi dùng lưỡi dao nhỏ để nạo ruột bên trong cho mỏng đi. Có
như thế tiếng sao mới kêu lớn và thanh. Chính giữa ống sáo người ta đục một lỗ
để luồn cọc sáo rồi gắn lại cho thật kín để giữ gió sáo mới kêu vang. Nghệ
thuật khoét miệng lại càng khó khăn hơn, vì phải tính toán làm sao cho miệng
sáo hút lấy gió và thổi vào trong lòng sáo, ngõ hầu tạo nên âm thanh theo đúng
ý muốn của mình. Miệng sáo nhỏ và dài, lòng sáo hút nhiều gió sẽ rít lên. Miệng
sáo khoét rộng và có hình vành cung thì gió sẽ thi nhau hút vào hết đợt nọ đến
đợt kia, tạo thành những tiếng ngân dài êm ả…
Những người sành chơi sáo diều
khi xưa đã từng phân biệt được ra bốn loại âm thanh của sáo : chim, còi,
đẩu và cồng. Sáo chim người ta không buộc vào diều thả lên mà buộc vào chim bồ
câu để thả thi trong những ngày hội hè. Thứ sáo này chỉ có một đầu, còn sáo
buộc vào diều thì luôn có hai đầu. Sáo còi thì có tiếng kêu the thé và kéo dài.
Sáo đẩu phát tiếng kêu ngân nga vo vo và đều đều. Tiếng sáo cồng lớn nhất, mạnh
mẽ nhất, y hệt tiếng chiêng rền vang trong chốn ba quân vậy. Giới sành điệu
thường nói « diều nào sáo nấy » không thể nào lẫn lộn được. Chẳng hạn
như một chiếc diều khi đâm lên nhanh vun vút, thỉnh thoảng đảo ngang vài cái
thật mạnh gọi là diều cánh cắt, luôn luôn đòi dây, có khi kéo cả người theo.
Những luồng gió mạnh đối với loại diều nầy không ăn thua gì. Đó là loại diều
phải lắp sáo còi, có khi lắp hai ba chiếc cũng được, để nó rít lên từng hồi inh
ỏi. Diều càng no gió, sáo còi càng rít khỏe. Một chiếc diều có đeo loại sáo đẩu
phải là chiếc diều khi đâm lên thì bốc một cách từ từ, ung dung, không có vẻ gì
sôi nổi. Nếu gặp lúc gió mạnh, nó hơi ngất ngây một chút như cốt làm duyên với
đám người bên dưới chiêm ngưỡng nó. Lúc đó, đám người sẽ được thưởng thức tiếng
sáo đẩu ngân nga thật dịu dàng nghe như tiếng ru con của một bà mẹ hiền trong
những buổi trưa hè oi ả vậy. Nếu chiếc diều đó mà đeo bộ sáo còi vào thì thật
không gì vô duyên bằng, vì có khi sáo câm tịt không ra tiếng, có khi phát ra
những âm thanh ngập ngà ngập ngừng như một anh ngọng. Riêng sáo cồng chuyên để
ráp vào những con diều thật lớn. Diều nhỏ không thể đủ sức mang nổi nó.
Lẽ đương nhiên tất cả những
người dân trong tổng Hà-Nam đều sành sỏi chơi diều sáo hơn ai hết. Ngay mấy bữa
trước ngày thi chính thức, người ta đã nô nức mang diều ra bãi đất cạnh ngôi
chùa giữa đồng để thả thử xem có gì khuyết điểm thì sẽ kịp thời sửa chữa. Bãi
đất này là bãi đất công cộng, thường ngày trẻ chăn trâu tụ họp ở đây để chơi
đùa trong lúc trâu bò gặm cỏ. Trên khắp bãi đất cũng như chung quanh đó rất xa
không hề có cây cối vướng víu, đó là một nơi thả diều thật lý tưởng. Tuy nhiên,
trước hôm thi, người ta cũng cho dọn dẹp bãi đất cho được sạch sẽ quang quẻ
hơn, và cấm không cho chăn trâu ở đó nữa. Theo tục lệ của tổng Hà-Nam, ngày thi
thả diều hàng năm cũng là một ngày lễ thánh để cầu khẩn đấng thiêng liêng phù
hộ cho mùa màng của dân chúng toàn tổng được tốt tươi.
Sáng sớm ngày rằm tháng tư âm
lịch, theo chương trình đã dự định từ trước, các vị bô lão đại diện cho tất cả
làng trong tổng Hà-Nam kéo đến chùa cúng tế rất long trọng. Chính buổi sáng hôm
đó người ta mới lập danh sách những người có diều muốn được dự thi. Muốn dự thi
không khó khăn gì, chỉ việc tới nói với vị chánh tế. Sau khi cuộc tế chấm dứt
thì ông chánh tế lo việc kê tên những người dự thi diều vào một cuốn sổ.
Thí sinh không phải mất một
khoản lệ phí nào, chỉ phải tuân theo một điều lệ bắt buộc là mang diều dự thi
của mình đến để trình diện. Ông chánh tế điền tên thí sinh vào sổ xong, sẽ viết
mấy chữ nho lên trên cánh diều của người đó. Viết bằng sơn để khỏi bị mờ. Có
nhiều chiếc diều đã dự thi năm bảy phen, nét bút sơn ghi thành từng dãy dài, và
đó chính là niềm hân hoan kiêu hãnh của người chủ diều. Lệ định chung là tới
chính ngọ ngày hôm ấy thì khóa sổ, những ai chưa kịp ghi tên phải đợi đến sang
năm dự thi vậy.
Tới khoảng bốn giờ chiều khi
trời đã nhạt nắng các tay đua bắt đầu đem diều ra bãi. Năm nào cuộc thi thả
diều cũng thu hút được rất nhiều khán giả tới xem. Nhất là trẻ con thì đông vô
kể. Chúng cũng mang theo những chiếc diều tí hon ra và tổ chức thi riêng với
nhau như người lớn, tạo nên một khung cảnh ồn ào nhộn nhịp hiếm có.
Khi có diều dự thi đã hiện diện
đầy đủ, người ta bắt đầu so sánh, bàn tán xem cái nào hay, cái nào dở. Cuộc bàn
cãi thật ồn ào gây cấn.
Tới đúng năm giờ chiều cuộc thi
bắt đầu. Ông chánh tế ban sáng lần lượt phát số cho từng chiếc diều tùy theo số
dự thi nhiều ít mà ông sắp đặt. Chẳng hạn năm nay có hai chục diều dự thi, thì
ông sẽ chia làm bốn chuyến, mỗi chuyến thi năm chiếc diều. Không bao giờ được
quá con số năm cánh diều đâm lên trong cùng một chuyến, bởi lẽ nếu nhiều quá
thì các giám khảo sẽ khó nhận xét. Trong khi một chuyến diều sắp sửa được đâm
lên, có một người đàn ông lực lưỡng, tay cầm nhăm nhăm cái câu liêm, cặp mắt
hau háu nhìn… Đó là nhân vật chuyên môn… cắt dây diều. Những chiếc diều dự thi
khi đâm lên mà đảo lên đảo xuống hoặc quay tít… sẽ bị vị hung thần câu liêm kia
cắt đứt dây ngay lập tức. Chính vì lẽ đó mà điều lệ thả diều đã cấm nhặt các
chủ diều không được cột diều bằng dây thép hoặc dây kim khí. Một đôi khi những
gã lưu manh ăn tiền của một người dự thi nào đó, giả bộ lân la xáp đến xem diều
của kẻ khác rồi rình lúc người ta sơ ý, kéo lệch dây lèo đi một tí, thế là
xong. Dây lèo đã lệch thì lúc đâm lên diều không cân sẽ đảo ngang, đảo ngửa, vị
hung thần sẽ được dịp vung câu liêm ra để thi hành cái bổn phận kiểm soát của
mình.
Vậy thì, giờ phút nghiêm trọng
đã đến. Năm người năm diều đứng cách nhau đúng mười thước tây. Họ cùng giơ cao
con diều của mình lên, và phía trước mặt đàng xa thì người kéo diều, cách
khoảng năm chục thước. Diều thi cỡ lớn phải dài dây như thế mới lên được. Dây
ngắn quá không đủ sức cho nó bốc. Nếu làm diều khoét sáo là một nghệ thuật thì
khi đâm diều và kéo diều lại là một nghệ thuật khác nữa. Thật thế, muốn thả
diều cho bốc phải biết lựa cơn gió. Gió mạnh thì đâm làm sao, gió nhẹ phải đâm
cách nào… Nếu áp dụng đúng phương pháp, diều sẽ bốc thật mau thật thẳng. Bằng
không thì sẽ nhiều chuyện lôi thôi lắm. Khi diều đã lên hết cả rồi và không có
chuyện gì xảy ra nữa, các chủ diều phải từ từ nhử để đưa diều về một điểm ấn
định trước, rồi đóng cọc buộc dây đợi cho tất cả diều dự thi bay lên hết rồi
mới chấm điểm. Ban giám khảo sẽ căn cứ vào lúc diều mới thoạt đâm lên xem cách
diều bay có thẳng hàng không, có thường bị chao qua chao lại không, v.v… Những
diều thi tuy không bị câu liêm cắt đứt từ lúc đầu nhưng khi lên cao rồi mà cứ
đảo ngang đảo dọc thì coi như hỏng. Chủ diều phải mau mau kéo xuống. Cuối cùng
ban giám khảo đồng ý chỉ để lại ba cánh diều nào được xem là toàn hảo nhất, thi
nhau bay trên trời cao, và đợi đến sáng hôm sau mới tuyên bố kết quả. Bởi lẽ
người ta còn phải để cả một đêm dài suy nghĩ và lắng tai thưởng thức tiếng sáo
của ba chiếc diều kia xem tiếng sáo nào vi vút hơn, trầm bổng hơn, nhiên hậu
mới định ngôi cao thấp một cách hết sức công minh được.
Và sáng hôm sau, khi trời vừa
hửng nắng, mỗi người sốt sắng tề tựu ở sân chùa để nghe ông chánh tế và cũng là
chánh chủ khảo cuộc thi thả diều tuyên bố kết quả. Giải thưởng tuy không đáng
là bao, nhưng ai cũng mong muốn được đoạt giải vì nó là niềm hãnh diện mà tất
cả những dân chơi diều tổng Hà-Nam đều đã từng ôm ấp từ lâu.
Sau khi kết quả đã được tuyên
bố và những người trúng giải đã lãnh giải xong, diều của họ cứ việc cột ngoài
đồng cho bay như thế trong ba ngày ba đêm liền. Tới hôm thứ tư, người ta mới
kéo diều xuống. Thông thường, diều nào chiếm giải nhất thường được mọi người
xúm lại hỏi xin chủ diều một đoạn dây để lấy khước.
Cuộc thi thả diều hàng năm đã
hoàn tất mỹ mãn rồi. Bây giờ mới là lúc người ta tổ chức một cuộc thi khác cũng
về diều nhưng gay go và hào hứng hơn : thi chọi diều.
Nếu muốn thi thả diều, người ta
phải mất công làm diều cho thật kỹ lưỡng thì trái lại làm diều để chọi người ta
không quá cầu kỳ đến như thế. Diều chọi không cần phải đứng yên lặng nếu không
muốn nói là nó càng chao qua đảo lại bao nhiêu càng tốt, miễn đừng chao đảo
xuống đất. Đồng thời, diều chọi cũng phải có những đặc tính là luôn luôn tuyệt
đối tuân theo sự điều khiển của người cầm dây để có thể bất thần bốc tướng lên
cao hoặc trên cao bổ xuống như máy bay khu trục tấn công phá hoại diều địch.
Diều để chọi thường được buộc thêm ba cái đuôi ở phía sau dài lối hai ba thước tây
cho cân…
Người ta thường tổ chức cuộc
chọi diều vào những hôm có gió thổi lớn. Gió càng lớn, cuộc chọi diều càng
nhiều hào hứng, gay cấn. Muốn được dự cuộc chọi, hai diều phải bằng nhau, không
cái nào lớn hơn cái nào. Trái với loại diều thả thi, diều chọi được vót nhọn
hoắt ở đầu diều, hai bên cánh buộc thêm hai mũi dùi bằng tre vót nhọn dài năm
phân tây. Đó là ba món khí giới để tấn công diều địch.
Ở tổng Hà-Nam, điều lệ chọi
diều được đặt ra như sau :
- Hai diều phải có kích thước y
hệt như nhau về cả chiều dọc lẫn chiều ngang.
- Có khí giới đều nhau.
- Dây thả diều dài bằng nhau
- Diều phải phất bằng giấy bản
thường, không được phất cậy, sơn, hoặc bất cứ thứ nhựa gì khác (cốt để cho khí
giới đối phương có thể đâm thủng được).
Nếu xem thi thả diều hào hứng
một phần, thì xem chọi diều hào hứng gấp trăm. Điều quan trọng là tùy tài nghệ
của người cầm dây điều khiển ở bên dưới. Có những lúc diều nhào xuống rồi lại
đâm bổng lên, hoặc xoay tít như chong chóng mà không hề bị rớt xuống đất, thế
mới thật tài tình.
Diều chọi thường thả bằng dây
đàn xe bằng tơ tằm. Dây tơ tằm nhỏ, đanh sợi và rất bền. Thoạt đầu hai bên xem
xét diều của nhau một cách kỹ lưỡng và cùng công nhận cả hai rất hợp điều lệ để
chọi. Họ bắt dầu đâm diều lên cao trong cùng một lúc. Thả diều lên hết dây rồi,
họ đóng cọc để đấy, đợi nắng bớt gay gắt đã. Chọi diều mà bị nắng chiếu vào
mặt, chói mắt thì còn điều khiển ra sao ? Cần phải bớt nắng mới được. Cũng
trong lúc đó, các quan viên ưa đánh cá bắt đầu ngỏng cổ quan sát hai con diều
và đánh cuộc xem diều nào thắng, diều nào bại. Cuối cùng, cuộc chọi bắt đầu.
Hai chủ diều thong thả nhổ cọc và sửa soạn trổ tài. Giây phút hồi hộp đã tới
rồi đây.
Trước tiên không ai bảo ai mà
cả hai tìm cách thu ngắn bớt dây diều của mình lại. Đó là một miếng đòn thông
thường của phép chọi diều, để bất thình lình khi đã lừa cho diều địch ở đúng
phía trên diều của mình rồi thì thả dây ra, cho diều mình bốc lên đâm một đòn
chí tử hầu đoạt phần thắng lợi trong chớp mắt. Nếu không tránh kịp miếng đòn
này, diều địch sẽ bị đâm thủng một lỗ. Một lỗ rách là một điểm. Nếu trong lúc
giao đấu không có diều nào bị hạ đọ ván thì người ta sẽ mang diều xuống mà định
hơn thua.
Miếng đòn độc thứ hai của phép
chọi diều là lối kéo diều mình đi chếch chiều gió để cánh nhọn tẹt ngang làm thủng
cánh diều địch. Đòn thứ ba là điều khiển cho diều từ trên cao bổ nhào xuống đất
đâm thủng lưng đối phương, v.v…
Nói tóm lại đòn chọi diều tuy
không nhiều nhưng nếu biết áp dụng một cách tài tình biến hóa thì cũng tạo nên
những pha gay cấn hồi hộp không thua gì cảnh hai võ sĩ trên đấu trường.
Trò chơi chọi diều của dân
chúng trong tổng Hà-Nam còn kéo dài cho đến hết tháng Tư âm lịch mới thôi. Sau
đó người ta đem cất diều đi để lo việc đồng ruộng và đợi đến năm sau sẽ lại dự
giải thả diều cũng như sẽ đem diều ra chọi…
HÙNG PHONG
Giải thưởng khuyến khích cuộc
thi
« Tài liệu Địa phương
Chí »
của Tổng bộ Thông-tin
Chiêu-hồi, 1967
*
(*) Tết của dân quê
Tết của dân quê là Tết
Nguyên-đán, tổ chức vào ngày đầu năm. Đó là một tục lệ lớn của dân tộc Việt-Nam
chẳng những trong giới bình dân, những người sống ở đồng ruộng, mà hầu hết cả
thành thị từ giàu đến nghèo đều xem đó là những ngày lễ quan trọng.
Trước hết, xét về thời tiết thì ngày Tết là những ngày đầu xuân,
khí trời mát mẻ, ở khắp miền quê công việc đồng áng rảnh rỗi, lúa thóc khô khan
được cất vào vựa. Trong dịp này dân chúng ăn chơi không còn bận rộn với công
việc làm.
Mặt khác, người dân quanh năm
đầu tắt mặt tối, dịp Tết đầu xuân chính là dịp để họ nghỉ ngơi, tìm những thú
vui tiêu khiển.
Sau cùng, xét theo tinh thần
tín ngưỡng thì người dân lấy thời gian một năm làm tiêu chuẩn cho việc may rủi
trong đời sống của họ. Cho nên, mọi sự may mắn phải bắt đầu từ những ngày đầu
năm. Với tinh thần này, ngày Tết Việt-Nam đã nảy sinh nhiều tập tục di lưu từ
xưa đến nay như tục dựng nêu, xông nhà, xông đất, xuất hành, hái lộc, chúc Tết,
lì xì, mừng tuổi, v.v… Những việc nên làm và kiêng cữ trong ngày Tết rất nhiều
tùy tập tục mỗi địa phương, song nhìn chung thì mục đích cũng chỉ để hy vọng
may mắn đến với họ trong năm mới.
Nói đến những ngày Tết trong
dân gian, phải nói đến thời gian chuẩn bị, chính những ngày ấy dân quê ở các
miền rộn rịp không kém. Mỗi nhà, giàu nghèo, sang hèn, đều có vẻ tươm tất, sạch
sẽ. Người ta lo quét dọn vườn nhà, phát rào, chặt cây, dọn đường, sửa ngõ… Náo
nhiệt nhất là những phiên chợ Tết, người ta lo mua sắm đủ thứ. Các con đường
làng sớm chiều tấp nập với cảnh sắc đầu xuân.
Ông Đoàn-Văn-Cừ, trong bài thơ « Chợ Tết » đã khảo sát cảnh náo nhiệt ở thôn quê như sau :
« Chợ Tết »
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh
núi,
Sương hồng lam ôm ấp mái nhà
tranh.
Trên con đường viền trắng mép
đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ
Tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc,
Những thằng cu áo đỏ chạy lon
xon.
Vài cụ già chống gậy bước lom
khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng
lẽ.
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,
Hai người thôn gánh lợn chạy đi
đầu,
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi
theo sau,
Sương trắng rỏ đầu cành như
giọt sữa.
Tia nắng tía nháy hoài trong
ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the
xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình
minh.
Người mua bán ra vào đầy cổng
chợ,
Con trâu đứng vờ dim hai mắt
ngủ,
Để lắng nghe người khách nói bô
bô.
Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi
bồ,
Tìm đến chỗ đông người ngồi dở
bán,
Một thầy khóa gò lưng trên cánh
phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ
xuân.
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu
cằm.
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối
đỏ.
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ.
Nước thời gian gội tóc trắng
phau phau.
Chú hoa-man đầu chít chiếc khăn nâu,
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt
chiếu.
Áo cụ Lý bị người chen sấn kéo,
Khăn trên đầu đương chít cũng
tung ra.
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh
gà,
Quên cả chị bên đường đang đứng
gọi.
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ
rượi,
Cạnh anh chàng bán pháo dưới
cây đa.
Những mẹt cam đỏ chót tựa son
pha,
Thúng gạo nếp đong đầy như núi
tuyết,
Con gà sống màu thâm như cục
tiết.
Một người mua cầm cẳng dốc lên
xem.
Chợ tưng bừng như thế đến gần
đêm,
Khi chuông tối bên chùa văng
vẳng đánh.
Trên con đường đi các làng hẻo
lánh,
Nhưng người quê lũ lượt trở ra
về.
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê
thê,
Lá đa rụng tơi bời quanh quán
chợ.
(ĐOÀN-VĂN-CỪ)
Ngày tết càng gần, cảnh sắc
càng tưng bừng. Người ta sắm đủ thức ăn cho bảy ngày đầu xuân, những ngày ấy
chỉ còn có việc ăn chơi, không ai lo lắng gì nữa.
Cô Anh-Thơ trong bài « Đêm ba mươi Tết » cũng đã nói lên những cảm giác độc đáo qua cảnh Tết thôn
quê :
« Trời tối quá ! Bên ngoài trời tối quá !
Những cây nêu, tiếng khánh khẽ
khua thầm.
Những cung vôi trong sân như mờ
xóa,
Những giấy điếu trước cửa dán
đen thâm.
Quanh bếp ấm, nồi bánh chưng
sùng sục,
Thằng cu con dụi mắt cố chờ ăn.
Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen
rức,
Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm
năm.
Bỗng tiếng pháo đẹt đùng xa nổ,
báo,
Ngoài đình trung làng đã tế
giao thừa.
Cả nhà vội giật mình không ai
bảo,
Cùng đứng lên thăm bánh chín hay chưa… »
Trên đây chỉ là điển hình một
ít phong tục qua nếp sống thôn quê Việt-Nam. Những phong tục địa phương còn rất
nhiều, nhưng mục đích chúng ta chỉ nêu lên vài nét chính để khảo sát xã hội
bình dân qua tinh thần tập thể của họ mà thôi.
l) Kết Luận
Để kết luận phần này, chúng ta
thử đưa ra vài sự kiện :
- Quan điểm người bình dân đối với xã
hội như thế nào ?
- Lịch-sử xã-hội bình dân diễn biến có
phù hợp với tâm tư của họ không ?
Đó là mục đích.
Về sự kiện thứ nhất, chúng ta
thấy xã hội bình dân thành hình trên cơ sở tự lập, tự trị, nghĩa là họ tổ chức
xã hội để bảo tồn sự sống chung của tập thể chứ không phải để tạo nên một tổ
chức chính trị do một kẻ nào, một lớp người nào cai trị họ. Vì ý hướng như vậy
nên người bình dân luôn luôn chống lại với mọi tổ chức xâm phạm đến quan niệm
tự lập, tự trị của họ. Với thực trạng trên, có người cho xã hội bình dân là xã
hội dân chủ, chế độ tổ chức của họ là chế độ dân chủ. Nói như thế cũng chưa hẳn
đã đúng. Ý niệm về xã hội của dân quê thời xưa không phải là ý niệm chính trị.
Họ không muốn ai tước đoạt quyền tự lập, tự chủ của họ, nhưng họ cũng không
muốn làm chủ hoặc cai trị ai. Ý thức của họ là một ý thức công đồng trong tình
tương thân tương ái. Ý thức ấy là ý thức của đạo lý. Đạo lý đối với người bình
dân nên hiểu bằng một nghĩa khác hơn là « tín ngưỡng ». Đạo lý của họ
có nghĩa là ý thức làm người ; ý thức tự nhiên của con người trong lãnh
vực tự tại, tự tôn, tự lập, và nó cũng là ý thức của tình thương phát khởi
trong nhân loại. Ý thức ấy mỗi người trong chúng ta ai cũng có, và tự nó có, tự
nó cảm giác được, không phải do sự giảng dạy bên ngoài. Đó là đạo lý. Quan niệm
của người bình dân về xã hội chính là quan niệm cấu tạo trên nền tảng đạo lý
thiên nhiên ấy, mà cũng gọi là đạo lý của nhân tính.
Về sự kiện thứ hai, nếu chúng
ta xác định xã hội quan của người bình dân theo quan niệm trên, thì chúng ta
lại thấy dòng lịch sử của xã hội bình dân là một dòng lịch sử ngược chiều,
tương phản. Trong lúc người bình dân cần sống với một tập thể tương giao, tương
ứng, tự lực, tự cường thì lịch sử tiến hóa về chính trị và kinh tế đã phá vỡ
quan niệm của họ, bắt họ phải phục vụ cho những chế độ độc tài, cai trị, áp đặt
lên họ những mâu thuẫn về lẽ sống mà họ phải buộc lòng đấu tranh để tự tồn.
Lịch sử xã hội đấu tranh của họ là một lịch sử lâu dài và liên
tục. Cho đến ngày nay, sức tranh đấu bền bỉ của họ đã đem lại cho họ những thể
chế dân chủ. Tuy nhiên, những thể chế ấy cũng vẫn chưa phải là điều họ mong
muốn, vì loài người càng văn minh tiến bộ thì những ngôn từ, hành động cũng đưa
đến cho loài người những giả tạo thiếu thực tiễn.
II. QUAN NIỆM VỀ CHẾ ĐỘ GIA ĐÌNH
Tổ chức gia đình là nền móng của tổ chức xã hội, cho nên quan niệm
gia đình và quan niệm xã hội bao giờ cũng phải đi đôi với nhau.
Ở phần trên chúng ta đã chứng minh và xác định tổ chức xã hội bình
dân là một tổ chức tương phản do các chế độ chính trị tạo thành, khiến cho lịch
sử xã hội bình dân là một lịch sử trường kỳ đấu tranh và bất mãn, thì ở đây,
chúng ta cũng phải nhận rằng chế độ chính trị xã hội đã ảnh hưởng vào chế độ
gia đình bình dân, và ngay trong mọi gia đình bình dân đều chứa đựng một năng
lực phản ứng, xem như những đơn vị chiến đấu nhỏ nhất trong làng mạc.
Nếu áp lực của guồng máy chính trị bắt từ ngoài du nhập vào bằng
mọi cơ cấu tổ chức, bằng mọi ý thức giáo điều, thì chính năng lực phản ứng của
người bình dân lại bắt nguồn từ mỗi ý thức cá nhân đi vào gia đình, rồi từ ý
thức gia đình dội ngược ra ngoài xã hội.
Trạng thái mâu thuẫn ấy là trạng thái thông thường ở những quốc
gia mà dân quê chống lại mọi áp đặt của các tổ chức cai trị. Sự chống đối ấy
rất nhiều mặt, qua nhiều ý thức, nhưng căn bản vẫn là do quan niệm xã hội của
người dân.
Đó là nguyên tắc chung : Nếu đem nguyên tắc ấy khảo sát xã
hội bình dân Việt-Nam thì ai cũng phải công nhận rằng dân chúng Việt-Nam bị ách
đô hộ người Tàu thống trị, nền tảng của triết thuyết Nho-giáo ăn sâu vào xã hội
Việt-Nam, ảnh hưởng vào mọi gia đình Việt-Nam đến tận gốc rễ. Vậy sự chống đối
của người bình dân đối với chế độ gia đình là sự chống đối giữa quan niệm người
bình dân trước mọi ảnh hưởng ngoại lai của lý thuyết Khổng Mạnh.
Ông Đào-Duy-Anh trong quyển « Khổng giáo phê bình tiểu luận » trang 124 có nhận định :
« Về phong tục lễ nghi nước ta thì có thể nói rằng không điều
gì là không chịu ảnh hưởng của Nho-giáo, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, cũng
có điều hay mà cũng có điều dở ».
Như vậy, các sử gia phần nhiều thừa nhận những ảnh hưởng của người
Tàu mà không phân định được những ý thức chống đối của người bình dân Việt-Nam
qua mọi hình thái sinh hoạt xã hội.
Để thấy rõ mục tiêu chống đối của người dân quê Việt-Nam trong
lịch sử chính trị, ông Trương-Tửu có nhận xét trong quyển « Kinh- Thi Việt-Nam » (trang 77, 78, 79) :
*
Nho giáo chỉ là ý thức của cái xu hướng và chính trị tiềm tàng
trong xã hội Trung-Hoa – cái xu hướng mà sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế nông
nghiệp làm nẩy nở và biến hóa. Giờ ta có thể căn cứ vào đấy mà thống kê một cái
« bảng giá trị » của Nho giáo như dưới đây :
- Tôn trọng quyền đàn ông và áp chế quyền đàn bà
(thuyết nam nội nữ ngoại, nam nữ hữu biệt, nam nữ bất đồng tịch).
- Tôn trọng quyền chồng và đàn áp quyền vợ (thuyết tam
tòng, thuyết trinh tiết, cấm cải giá, luật thất xuất).
- Tôn trọng quyền cha và đoạt mất quyền con (đạo hiếu,
thuyết nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên).
- Tôn trọng quyền vua, đàn áp quyền dân (thuyết
« vua là con trời », đạo quân thần, vua là cha mẹ dân).
- Tôn trọng lý tính, tỏa chiết tình cảm và bản năng
(thuyết quân tử và tiểu nhân, thuyết quả dục).
Tinh hoa Nho giáo ở trong cái « bảng giá trị » này. Tinh
hoa của nó là bảo vệ quyền lợi của người đàn ông, của kẻ quân tử, và sự củng cố
chế độ xã hội đương thời. Cái công dụng tiêu cực của nó là tỏa chiết nhân tính
của đàn bà (một kẻ yếu) của dân (hai kẻ yếu), của con cái (ba kẻ yếu). Đó là ba
yếu tố phẫn uất nhất trong xã hội quân quyền và phụ quyền, nên thường bị luân
lý Nho-giáo kiềm chế gay gắt nhất. Nhưng quan niệm như « phụ nhân nan
hóa », « dân thì có thể khiến theo chứ không có thể khiến
biết », « trong thiên hạ không có cha mẹ nào là không phải » là
để dùng vào việc kiềm chế ấy.
Chân tướng của Nho-giáo là vậy đó, chính cái thứ Nho giáo này đã
được quyền tràn lấn sang xứ Việt-Nam ta hồi đầu Tây-lịch kỷ nguyên. Và tôi phải
nói ngay rằng nó đã bị dân chúng Việt-Nam nổi lên chống lại rất dữ dội. Vì ở
một hoàn cảnh kinh tế và xã hội khác với Trung-Quốc, dân ta không thể chịu đồng
hóa theo cái triết thuyết ngoại bang ấy. Suốt khoảng lịch sử mấy ngàn năm của
xứ Việt-Nam chỉ là cuộc xung đột gắt gao giữa dân chúng Việt-Nam và Nho-giáo.
Tổ tiên ta đã chứng tỏ một tinh thần độc lập ; hùng mạnh vô cùng. Cho nên
tuy được giai cấp cầm quyền (vua, quan, sĩ) cần cù truyền bá và ủng hộ. Nho
giáo vẫn phải luôn luôn lùi bước trước sức phản kháng của dân chúng Việt-Nam.
Với nhận xét trên đây, ông Trương-Tửu cũng thừa nhận rằng dân tộc
Việt-Nam chịu ảnh hưởng chế độ chính trị Trung-Hoa. Chế độ ấy áp đặt lên guồng
máy tự trị, tự lập của làng xã, biến những tập tục, nếp sống dân quê thành
những tập tục, nếp sống của người Tàu.
Tuy nhiên, khác với những nhận định của các sử gia, ông Trương-Tửu
không đứng trên quan điểm nhận xét một chiều, nghĩa là chỉ thấy sự ảnh hưởng
của dân tộc ta đối với chế độ chính trị người Tàu, mà ông còn đứng về quan điểm
đối nghịch, nhìn thấy sức phản ứng ngược chiều của dân tộc ta chống lại chế độ
chính trị của người Tàu nữa. Chính ở quan điểm thứ hai này mới làm cho chúng ta
thấy rõ mọi diễn biến trong tâm tư lớp người bình dân trước mọi sinh hoạt xã
hội.
Vậy chúng ta bắt đầu đi vào những diễn biến tâm tư ấy ngay từ khởi
đầu, tức là chế độ gia đình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét