Phải nhận rằng tên tuổi Nguyễn Thị Ngọc Tú trở nên quen thuộc
và nổi bật từ những tiểu thuyết về đề tài nông nghiệp (Đất làng - 1974, Buổi
sáng - 1976, Hạt mùa sau - 1984), rồi mới đến các đề tài khác, trong đó có đề
tài Hà Nội. Nguyễn Thị Ngọc Tú đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn
học nghệ thuật khá sớm (2001) với một cụm ba tác phẩm, hai trong số đó là Đất
làng và Hạt mùa sau, tác phẩm còn lại là Ảo ảnh trắng thuộc
đề tài Hà Nội (viết về ngành y, trong phạm vi Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội).
Mảng đề tài nông nghiệp của chị đã được đề cập, bàn luận,
phân tích rất nhiều. Nhưng các mảng đề tài khác, đặc biệt là đề tài về Hà Nội
(mà tiêu biểu là tiểu thuyết Ảo ảnh trắng nêu trên) lại chưa được chú
ý lắm. Trong khi Nguyễn Thị Ngọc Tú sinh ra, lớn lên, làm việc ở Hà Nội gần suốt
cuộc đời nên những người, những cảnh, những việc, những tình huống mà chị được
nghe, được thấy, được trực tiếp trải nghiệm không thể không ăn sâu vào
trí óc và trái tim của chị. Vì thế, chị đã viết được những tiểu thuyết , truyện
vừa, truyện ngắn hay về Hà Nội. Trong đó, tiểu thuyết Ảo ảnh trắng là
nổi trội nhất, xứng đáng nằm trong cụm ba tác phẩm được giải thưởng Nhà nước
năm 2001.
Ảo ảnh trắng không đi vào một thực tế ồn ào, sôi động,
không khai thác những mâu thuẫn gay gắt, căng thẳng, giàu kịch tính mà phản ánh
một mặt của đời thường nhưng lại có sức gợi mở những suy tư, lắng đọng. Bối cảnh
chính là bệnh viện Bạch Mai, nhân vật chính là một bệnh nhân ung thư, vây quanh
là những con người với bao mối quan hệ phức tạp, thật, giả khó lường. Bệnh viện
như một xã hội thu nhỏ, là nơi chứa đựng những lo âu, đau đớn, và bộc lộ đầy đủ
tình yêu thương mãnh liệt bằng mọi cách níu kéo, giành giật sự sống cho con người.
Thế nhưng, khi những biểu hiện tiêu cực đang hoành hành trong xã hội thì một
ngành cao đẹp như ngành y cũng không còn là “cấm địa”, và lương y đâu còn là “từ
mẫu”. Hiện tượng bác sĩ, y tá moi tiền người nhà bệnh nhân, rồi kéo bè, kéo
cánh, phá nhau về chuyên môn, bất kể sinh mệnh bệnh nhân… được khắc họa sống động
với nhiều chi tiết sắc bén. Nhưng cuốn tiểu thuyết không phải là một bức tranh
hoàn toàn màu xám. Với cách nhìn, cách nghĩ đôn hậu, đồng thời với việc phanh
phui một số mặt tiêu cực, tác giả cũng phát hiện và nâng niu những điểm sáng tốt
đẹp, những giá trị nhân văn khiến người đọc vẫn tin yêu cuộc đời. Như nữ bác sĩ
Vân hết lòng chăm sóc bệnh nhân, khi cần còn lấy máu mình tiếp cho bệnh nhân,
như bác sĩ Luận ngày đêm nghiên cứu cách chữa cho những người mắc bệnh hiểm
nghèo. Bác sĩ Đỗ Linh, giám đốc bệnh viện sáng suốt, vững vàng, giàu lòng nhân
ái, v.v… Đặc biệt xúc động với nhiều trang viết giàu cảm xúc với lối hành văn giản
dị, nhưng ngôn từ có sức lay động, truyền cảm khi thể hiện tình cảm hai vợ chồng
(Thuận và Doãn) yêu thương nhau hết mức. Thuận hết lòng lo thuốc men chạy chữa
cho chồng, ngoài thuốc bệnh viện bất kể công sức, tiền nong. Doãn thương yêu vợ
hơn cả bản thân mình. Rồi tình cha con giữa Doãn và bé Vi thật ấm áp. Qua đây,
tác giả cũng lên án tội ác của đế quốc Mỹ với chiến tranh hóa học ở Việt Nam, để
lại những di chứng, hậu quả khôn lường (Doãn bị ung thư do nhiễm chất độc
đi-ô-xin).
Ảo ảnh trắng còn là một trong những tác phẩm đánh dấu bước
chuyển mới về phong cách của Nguyễn Thị Ngọc Tú khi chị đi sâu nhiều vào thế giới
nội tâm của nhân vật từ những biểu hiện vi tế nhất. Năm 1990, chúng ta lại được
đọc Chỉ còn anh và em là câu chuyện tình yêu oái ăm của một nữ nghệ sĩ với một người cùng giới nghệ thuật. Đó là những trang viết hay, chân thực, xúc
động. Theo nhà phê bình Đoàn Thị Đặng Hương thì đây “không phải chỉ bằng sự
thông minh và tài năng mà nó được “đẻ ra” từ nỗi đau hòa nhập vào số phận
nhân vật”…
Năm 1999, Nguyễn Thị Ngọc Tú lại cho in Hình bóng cuộc đời.
Đó là câu chuyện của mấy nhân vật mà đủ sức khát quát cho một thế hệ trưởng
thành trong chiến tranh,trải qua thời bao cấp, bước vào giai đoạn của cơ chế thị
trường. Là đôi bạn Bình và Dương cùng trong quân ngũ trở về, là Thịnh con nhà
giàu, có cửa hàng may đo Âu Á Mỹ Nữ, và Myn, cô gái sinh ra trong một hoàn cảnh
mà bất hạnh và may mắn đi liền nhau. Nét đẹp của Myn là trong mọi hoàn cảnh, dù
đói nghèo đến đâu vẫn sống tốt, là giữ lòng tự trọng, không vì tiền mà làm mất
đi phẩm giá của một người phụ nữ. Khi Myn đã thành bà chủ giàu có, sang trọng:
Chủ tiệm vàng Kim Kim và chủ khách sạn Ước mơ, thì tác giả với dụng ý muốn cảnh
báo những mặt trái của cơ chế thị trường đã để cho cô tiếp viên Hiền nói về
Myn: “Bà chủ ghê lắm. Giàu. Đẹp. Sang và ác” cũng như mô tả vẻ mặt lạnh
lùng của Myn, cách ứng xử thẳng băng, rạch ròi với khuyết điểm của nhân viên.
Dù Myn đã nhận ra “trong cơ chế thị trường nhiều thứ như đảo lộn. Nó khắc nghiệt,
nó tàn nhẫn nhiều khi phải bước qua cả sự thương tâm mới làm được việc…” thì bản
thân cô cũng như bắt đầu tiêm nhiễm chất thực dụng. Nhưng Sơn, con trai Myn, đã
cảnh báo mẹ mình, giúp Myn kịp nhận ra đâu là điểm dừng. Sơn chính là hình bóng
Dương, người mà suốt đời Myn yêu, yêu mãnh liệt trong sự cho nhiều
hơn nhận .
Cuốn sách không chỉ mang chủ đề về tình yêu mà còn đặt ra nhiều
vấn đề về nhân tình thế thái, đạo đức, nhân sinh với sự lựa chọn con đường đi của
mỗi cá nhân và những hệ lụy của nó. Sự vật lộn với cuộc sống từ thời bao cấp
sang cơ chế thị trường của những người kháng chiến như Bình, Dương, Hậu đầy vất
vả, gian nan. Lúc sa cơ, lỡ bước tưởng chừng “mạt vận” lại bươn chải, vượt dần
lên. Và dù trong bối cảnh nào, sự trong sáng, trung thực, tình đồng đội, phẩm
chất cao quý của những người linh, vẫn được phát huy đậm nét.
Có những trang miêu tả rất sống động, linh hoạt như cảnh Hà Nội
trong những ngày chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, rồi lúc Bình đến chơi nhà
Dương, sinh hoạt gia đình Dương, cả nhà xúm vào làm tranh lụa, v.v… Lẽ dĩ nhiên
vẫn còn một số khiếm khuyết nhỏ, nhưng Hình bóng cuộc đời như cái tên
khái quát của nó là một cuốn tiểu thuyết sâu sắc, chân thực, hấp dẫn để đọc.
Bên cạnh đó, Nguyễn Thị Ngọc Tú còn có những truyện ngắn hay về đề tài Hà Nội,
nổi trội nhất là Dòng sông ánh sáng, v.v…
Nhân đây, cũng cần nhìn lại một chút vì sao Nguyễn Thị Ngọc
Tú lại sớm thành công từ đề tài nông nghiệp? Có lẽ bởi chị sinh ra trong một
gia đình rất nghèo ở phố chợ Khâm Thiên, Hà Nội. Chị kể rằng: Yêu văn học, muốn
viết văn xuất phát từ những kỷ niệm của người mẹ (quê ở một làng ngoại thành
ven sông Hồng) luôn phải vật lộn với bùn lầy, lụt lội, mất mùa, đói rét, lần hồi
chạy ăn cho cả một gia đình (chồng dạy học nhưng ốm yếu, mẹ chồng già, con nhỏ,
v.v…). Nhưng với sự lo toan của người mẹ với sự nỗi lực của bản thân, Nguyễn Thị
Ngọc Tú đã trở thành một cô giáo trường làng ở Hà Tây.
Thoạt đầu, Nguyễn Thị Ngọc Tú viết những mẩu chuyện nhỏ rồi
chuyện vừa (Huệ - 1964) đã thành công tốt đẹp. Đó chính là niềm vui, động lực
thúc đấy chị viết tiếp. Niềm vui ấy mang một dấu ấn đậm, nên khi sinh con gái đầu
lòng, cũng là duy nhất, chị đặt tên là Nguyễn Thị Thu Huệ. Được thừa hưởng gen
di truyền của mẹ và phần nào của cha (anh Nguyễn Ngọc Chánh), Nguyễn Thị Thu Huệ
cũng là một cây bút truyện ngắn tài năng, sắc sảo, và là một nhà biên kịch có tên
tuổi.
Trên đà thành công bước đầu ấy, Nguyễn Thị Ngọc Tú say mê viết
và với sự nỗ lực, bền bỉ, chị đã tạo được một bước nhảy vọt với tiểu thuyết Đất
làng (1974) gây xôn xao dư luận trong làng văn, trong công chúng. Tiếp đó
là Buổi sáng (1976), Hạt mùa sau (1984). Có thể coi ba tác
phẩm dày dặn bề thế này, gần như tạo thành một bộ tiểu thuyết về đề tài nông
nghiệp, phản ánh những vấn đề quan trọng vào những thời điểm khác nhau ở nông
thôn miền Bắc. Ưu điểm nổi bật của Đất làng là sự sắc sảo trong xây dựng
tính cách nhân vật. Ở Buổi sáng là sự thông minh trong cách gợi mở vấn
đề, còn Hạt mùa sau lại là sự già dặn trong tầm suy nghĩ và kết cấu
khá hiện đại.
Hơn nửa thế kỷ cầm bút, dù viết truyện ngắn hay tiểu thuyết
viết về một nỗi lòng, một mảnh đời hay nhiều con người, trong những không gian,
bối cảnh, nhỏ hẹp hay bề bộn, rộng lớn, Nguyễn Thị Ngọc Tú vẫn luôn đảm bảo được
tính chân thực. Bởi chị thường chỉ viết về những gì được nghe, được thấy, được
trải nghiệm và đã nghiền ngẫm, suy nghĩ thấu đáo. Hiện thực trong tác phẩm của
chị luôn được chắt lọc, với những chi tiết, tình tiết đắt giá có sức gợi mở và
liên tưởng, với lối viết mới mẻ đan lồng quá khứ và hiện tại, kết hợp những chiều
kích không gian khác nhau để lôi cuốn độc giả. Bút pháp giản dị, có chất
u mua (hài hước) kể cả khi tả cảnh hay tả tình, yếu tố con người vẫn luôn là trọng
tâm trong tác phẩm của chị. Dù còn mặt này, mặt khác có bị hạn chế (như tính dự
báo của tác phẩm chưa cao, kết cấu, bố cục có cuốn còn dàn trải, tính cách của
một số nhân vật đôi khi chưa được gia công xây dựng đủ đầy), nhưng nhờ tinh thần
cầu tiến, ham học hỏi, cộng với tố chất tài năng của nhà văn, Nguyễn Thị Ngọc
Tú có được những thành công rất đáng trân trọng. Chị có quyền tự hào khi nhận
giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (Hạt mùa sau) và Tổng Liên Đoàn Lao Động
Việt Nam (Hai người và những con sóng) cùng nhiều giải thưởng của các báo.
Và đặc biệt chị được vinh danh bằng giải thưởng Nhà nước,
không chỉ vinh dự cho nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú mà còn là niềm vui cho những
ai yêu mến cây bút nữ đầy sức sống và sức sáng tạo này. Với riêng tôi, Nguyễn
Thị Ngọc Tú là một người bạn trẻ vô cùng thân thiết, quý mến và khâm phục (tôi
đã có nhiều bài nghiên cứu về tác phẩm, về sự nghiệp của Nguyễn Thị Ngọc Tú).
Chúng tôi đã từng trò chuyện, tâm sự với nhau đủ mọi chuyện từ văn chương, xã hội,
đến chuyện nhà cửa, chồng con, v.v… cởi mở và chân tình.
Nguyễn Thị Ngọc Tú đã rời xa cõi tạm từ năm 2013, nhưng tên
tuổi chị, những đứa con tinh thần của chị vẫn sống mãi với thời gian trong lòng
bạn đọc và in dấu ấn trên những trang văn học sử nước nhà trong giai đoạn hiện
đại.
20/10/2021
Lê Thị Đức Hạnh
Nguồn: Vanvn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét