Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

Nhà Việt Nam học người Nga Anatoli Sokolov: "Tôi không bao giờ hối tiếc vì đã chọn Việt Nam"

Nhà Việt Nam học người Nga
Anatoli Sokolov: "Tôi không bao giờ
hối tiếc vì đã chọn Việt Nam"

Mối nhân duyên của giáo sư Anatoli Sokolov với Việt Nam đến nay đã kéo dài hơn 40 năm. Với người đàn ông này, đất nước hình chữ S luôn là một kho tàng bí ẩn và cuốn hút, khiến anh thỏa sức say mê khám phá và tìm hiểu.

Nhân kỷ niệm 104 năm ngày Cách mạng tháng Mười Nga (1917 – 2021), Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà Việt Nam học người Nga Anatoli Sokolov để lắng nghe những chia sẻ của anh về sự gắn bó đặc biệt này.
Tôi nghiên cứu về Việt Nam như một điều tất yếu
* Anh tới với tiếng Việt và ngành Việt Nam học như thế nào? Đến nay anh đã gắn bó chuyên ngành này được bao nhiêu năm và anh có bao giờ thấy hối tiếc vì chọn tiếng Việt chứ không phải một ngôn ngữ khác?
– Tôi nghiên cứu về Việt Nam như một điều tất yếu trong cuộc đời. Ngay khi thi vào trường Đại học Á – Phi thuộc ĐH Tổng hợp Quốc gia Lomonoxop, tôi đã lập tức quyết định gắn bó số phận của mình với đất nước Đông Nam Á xa xôi nhưng vô cùng thú vị này. Những ngày trẻ, thanh niên thế hệ chúng tôi đều biết rất rõ về cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống lại người Mỹ xâm lược. Hình ảnh Việt Nam lúc đó vừa oai hùng, vừa lãng mạn, khiến tôi tò mò muốn nghiên cứu và tìm hiểu.
Từ đó tới nay đã hơn 40 năm trôi qua, tôi chưa một lần nuối tiếc vì gắn bó cuộc đời mình với Việt Nam. Chặng đường đó không chỉ giúp tôi nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn học của đất nước này mà còn cho tôi cơ hội gặp gỡ những con người tuyệt vời, thú vị.
Nhà Việt Nam học người Nga Anatoly Sokolov với 
cuốn sách “Truyện Kiều” bản dịch tiếng Nga, năm 2015.
* Hãy kể về những công việc anh đã hoàn thành về Việt Nam?
– Tôi đã viết rất nhiều công trình, nhiều bài báo về Việt Nam, về lịch sử, về văn hóa, nghiên cứu, dịch thuật các tác giả Việt Nam, nghiên cứu về thành ngữ, tục ngữ và viết các cuốn từ điển. Theo tôi, những công trình quan trọng nhất của tôi là “Từ điển Việt – Nga”, series “Quốc tế cộng sản và Việt Nam”, Tuyển tập “Những người Nga ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX”…
Với công trình “Từ điển Việt – Nga”, tôi làm việc cùng với Glebova (vợ của ông Nhikolin – nhà Việt Nam học nổi tiếng nhất – PV) và nhà từ điển học Vũ Lộc. Cuốn từ điển được làm khi Liên – Xô bắt đầu thời kỳ cải tổ, kinh tế khó khăn, các khoản trợ cấp từ phía chính phủ cho các NXB đều bị cắt giảm, thậm chí không đủ giấy và mực… Bởi vậy, có thể nói việc xuất bản cuốn từ điển này là một chiến công của cả ekip. Thật vui mừng vì sau đó “Từ điển Việt – Nga” đã được nhiều lần tái bản tại Nga cũng như Việt Nam.
Còn đối với công trình “Quốc tế cộng sản và Việt Nam”, tôi đã làm việc trong vòng 5 năm. Công trình này hoàn thành trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu lưu trữ mà trước đó hoàn toàn được giữ bí mật trong thời kỳ Xô Viết. Giai đoạn lịch sử những năm 1920 – 1930 rất quan trọng đối với Việt Nam. Những người Việt Nam được học tập trong các trường Cộng Sản ở nước Nga Xô – Viết khi đó chính là những tên tuổi nổi tiếng trong cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc của Việt Nam sau này như Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai…
* Dù được coi là áng văn chương bất hủ, “Truyện Kiều” luôn là một tác phẩm rất khó đọc với ngay cả người Việt, bởi tác phẩm này dùng rất nhiều thành ngữ, điển cố – hoặc những ngôn ngữ Việt đã cách chúng ta hàng thể kỷ. Chắc hẳn khi dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Nga, anh cũng gặp rất nhiều khó khăn?
– Tất nhiên. Dịch một tác phẩm nổi tiếng như “Truyện Kiều” sang tiếng Nga là một công việc vô cùng khó. Thật may, cộng tác với tôi có một ê-kíp rất giỏi và chuyên nghiệp. Về phía Việt Nam, đó là các tác giả Đặng Thu Hiền, Vũ Thế Khôi, Nguyễn Huy Hoàng, về phía Nga là nhà thơ trẻ Vasili Popov.
Khi dịch truyện Kiều, chúng tôi quyết định không chọn phương án hàn lâm – phương án đòi hỏi có thời gian lâu dài cũng như sự tham gia của rất nhiều chuyên gia. “Truyện Kiều” đã được chúng tôi dịch theo ngôn ngữ hiện đại nhằm tạo sự gần gũi với đông đảo bạn đọc tại Nga. Theo dư luận đánh giá, nhiệm vụ này đã thành công mỹ mãn.
Nhà Việt Nam học A.Sokolov trả lời phỏng vấn đạo diễn
NSND Đặng Nhật Minh tại Matxcova năm 2017.
* Anh cũng là người biên dịch “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” ra tiếng Nga. Hãy nêu cảm xúc của anh khi làm việc với tác phẩm này?
– Cuốn “Nhật ký của một bác sĩ trong chiến tranh” khi dịch sang tiếng Nga tuy không mang lại những khó khăn về mặt ngôn ngữ, nhưng lại ẩn chứa những phức tạp khác. Đó là làm thế nào để mô tả chính xác cuộc sống và tình cảm của một bác sĩ, một người phụ nữ trẻ trong hoàn cảnh khủng khiếp của chiến tranh. Đặng Thùy Trâm là biểu tượng của hàng triệu chàng trai, cô gái Việt đã ngã xuống vì Tổ quốc. Đó cũng là lời lên án cuộc chiến tranh đã để lại những vết thương mãi mãi trong tâm hồn người Việt.
Tôi hi vọng rằng tôi cũng như những đồng nghiệp (nhà giáo Lê Văn Nhân – nay đã mất và nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng) đã truyền tải được tới bạn đọc Nga ý nghĩa cao quý nhất của cuộc chiến tranh nhân dân anh hùng thông qua cuốn sách này.
* Được biết, anh cũng rất quan tâm tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách một nhà văn hóa, nhà thơ, nhà báo. Anh có thể chia sẻ về những dự án mà anh đã, đang sẽ làm với Hồ Chí Minh?
– Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà chính trị lỗi lạc mà còn là một nhà văn, nhà báo tài năng. Trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, bên cạnh giải quyết các nghiệm vụ chính trị cụ thể, ông còn đi rất nhiều nước, cộng tác rất nhiều tờ báo và tạp chí của các nước khác nhau trên thế giới. Ngòi bút của ông đã viết nên một số lượng khổng lồ những bài báo chính trị, những tiểu phẩm trào phúng, những truyện ngắn, ghi chép, và cả những vần thơ trữ tình. Sự nghiệp sáng tác của ông kết hợp nhuần nhuyễn cả truyền thống dân tộc cũng như những điều mới mẻ nhất của văn hóa thế giới.
Tôi đã có nhiều dịp viết về những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phân tích sự nghiệp làm báo của ông. Hiện tôi đang viết một cuốn sách về 160 bút danh của Hồ Chí Minh. Mỗi bút danh đều thể hiện những thông tin quan trọng về con người, số phận, tính cách… nên thật thú vị khi nghiên cứu những bút danh của một con người vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Nhìn chung, bạn đọc Nga đón nhận các tác phẩm của anh như thế nào?
– Thông qua các cuộc trao đổi, tôi được biết các đồng nghiệp của tôi đánh giá cao những cuốn sách, bài báo tôi viết. Những sinh viên, nghiên cứu sinh thường sử dụng chúng trong nghiên cứu, học tập, làm luận án, luận văn.
Tôi mơ ước được tới Việt Nam như khách du lịch bình thường
* Đội ngũ những người làm Việt Nam học ở Nga hiện tại có đông đảo? Họ có gặp những khó khăn về điều kiện làm việc?
– Tôi nghĩ rằng đâu đó vào khoảng 20 người, chưa kể những sinh viên đang học tiếng Việt. Nói chung, đó thường là những người trung niên và cao tuổi. Nếu so sánh với thời Xô – Viết, khó khăn cho các nhà Việt Nam học tại Nga hiện nay rất lớn. Nhu cầu từ nhà nước và xã hội về ngành này là không lớn, kết quả nghiên cứu của họ không được chú ý nhiều.
Ngày nay, một đặc điểm nổi bật của khoa học Nga nói chung và ngành Việt Nam học nói riêng là buộc phải làm việc trong điều kiện của kinh tế thị trường luôn đòi hỏi những kết quả nhanh, cụ thể và thực tế.
Nhà Việt Nam học người Nga A.Sokolov và các 
bạn bè người Việt thân thiết: Dịch giả - nhà văn 
Đoàn Tử Huyến, nhà thơ Nguyễn Duy, 
TS. Văn học Đào Tuấn… 
* Được biết, trong công việc của mình anh đã nhiều lần sang Việt Nam…
– Những chuyến đi Việt Nam của tôi thường kéo dài từ 10 – 12 ngày, với lịch làm việc dày đặc: Tham gia các hội thảo, làm việc trong thư viện, mua sách, tạp chí, gặp gỡ đồng nghiệp và bạn bè.
Tôi luôn mơ ước được tới Việt Nam như một khách du lịch bình thường, đi khắp đất nước từ Bắc tới Nam, chậm rãi, chăm chú ngắm các công trình kiến trúc, thư giãn với thiên nhiên, nghỉ ngơi và khám phá những bí ẩn của Việt Nam cho riêng mình.
* Ấn tượng của anh về đất nước này? Ẩm thực, cảnh vật, văn hóa cũng như sự thay đổi của Việt Nam trong những năm gần đây?
– Việt Nam đang thay đổi rất nhanh chóng, đặc biệt là các thành phố lớn. Trước kia, Hà Nội rất yên tĩnh và nên thơ, có thể nghe rõ tiếng chuông tàu điện leng keng. Bây giờ, thành phố này đầy ắp xe máy, ô tô, xe bus, khắp nơi là tắc đường và ô nhiễm… Nhịp điệu hiện đại làm cho con người nơi đây ngày càng hối hả.
Hà Nội hôm nay ngày càng giống những thành phố ở Hàn Quốc, Thái Lan. Tôi biết đó là quy luật của sự phát triển nhưng vẫn tiếc nuối một Hà Nội xưa cũ, rất đẹp vào lúc đầu xuân hoặc cuối mùa thu. Giờ ta chỉ có thể nhìn thấy những ký ức đó trong những thước phim xưa cũ hoặc trong tranh của Bùi Xuân Phái…
Nhà Việt Nam học người Nga A.Sokolov uống 
bia hơi trên vỉa hè Hà Nội với nhà biên kịch 
điện ảnh Đoàn Tuấn tối 30/4/2014. 
* Chắc hẳn anh cũng có nhiều bạn bè Việt Nam?
– Điều khiến tôi luôn luôn muốn quay trở lại Việt Nam đó là để gặp gỡ những bạn bè, đồng nghiệp. Tôi đã có những mối quan hệ gắn bó và lâu năm với rất nhiều người trong số họ. Những năm 80, tại NXB Cầu vồng tại Matxcova, tôi lần đầu tiên làm việc với nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn. Cùng với ông, chúng tôi đã xuất bản rất nhiều cuốn sách của các nhà văn Liên – Xô, ví dụ như cuốn “Nghệ nhân và Margarita” của Bulgakov. Từ đó tới nay, Vương Trí Nhàn vẫn là người cố vấn quan trọng nhất của tôi về văn học và văn hóa Việt Nam, chính ông là người khuyên tôi đọc cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.
Một địa chỉ khác tôi hay tới là Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, một câu lạc bộ thật sự cho những người yêu sách. Tại đây, tôi được gặp những nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, họa sĩ… nổi tiếng của Việt Nam. Chỉ tiếc là ở nơi đó nay không còn người bạn cũ của tôi – nhà văn, dịch giả Đoàn Tử Huyến…
Tôi cũng rất cảm ơn số phận đã cho tôi được quen biết nhà văn Hoàng Thúy Toàn – một người hiểu biết đất nước Nga, văn học Nga sâu sắc. Ông đã lập một bảo tàng Nga ngay tại nhà của mình ở Bắc Ninh, đây là một chiến công phi thường, chưa từng có ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Còn rất nhiều cái tên khác nữa, họ khiến tôi thêm gắn bó với đất nước này.
* Anh dành không ít thời gian theo dõi văn học và đời sống văn hóa Việt Nam đương đại, những tác giả và tác phẩm đương đại nào mà anh đang quan tâm?
– Tôi luôn cố gắng theo dõi cuộc sống văn học và văn hóa Việt Nam thông qua internet, để qua đó có những hình dung chung về các sự kiện, tên tuổi nổi bật.
Khá khó khăn cho tôi khi nhận xét về các nhà văn Việt Nam hiện đại, bởi để làm điều này, tôi phải đọc những tác phẩm của họ, phải tới Việt Nam và tìm tới các cửa hàng sách. Nói thêm rằng, tôi luôn rất hạnh phúc khi được “lang thang” trong cửa hàng sách yêu thích của tôi ở phố Tràng Tiền (Hà Nội), nhặt từng cuốn sách, lật các trang, đọc lướt… sau đó đi ra ngoài với một túi đầy sách. Tôi vẫn đang chờ cơ hội để cảm nhận lại được sự sung sướng đặc biệt đó.
Những năm gần đây, nổi lên nhà văn Nguyễn Ngọc Tư với những cuốn sách kể về cuộc sống nông thôn phía Nam. Nguyễn Ngọc Tư là một nhà văn rất thú vị, cô ấy có đề tài riêng, giọng điệu riêng của mình trong văn học. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, các tác giả Việt Nam rất mạnh về thơ ca và truyện ngắn.
Có một điều đáng buồn là trong thời gian gần đây tôi không còn được xem các bộ phim mang bản sắc Việt Nam đậm đà. Những bộ phim tôi có cơ hội xem thì gần giống với điện ảnh Thái Lan, Hàn Quốc, yếu tố giải trí bao trùm. Phim Việt Nam đang mất đi tính độc đáo, tính dân tộc, những yếu tố đã chinh phục khán giả điện ảnh toàn thế giới trước kia. Tôi có nghe nói người bạn của tôi – đạo diễn Đặng Nhật Minh vừa hoàn thành một bộ phim mới, tôi đang nóng ruột chờ đón tác phẩm của anh ấy.
* Anh có nhận xét gì về công tác quảng bá, giới thiệu văn học, văn hóa Việt Nam ra công chúng thế giới, trong đó có công chúng Nga?
– Hiện nay, các quốc gia trên toàn thế giới đều đang cố gắng sử dụng “sức mạnh mềm”, tuyên truyền hình ảnh của mình bằng văn hóa. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Theo góc nhìn của tôi, có một cách thức tuyên truyền rất hay tại Nga, đó là thông qua các nhà hàng Việt Nam trên đất nước này. Những nhà hàng đó đã hoạt động rất lâu tại Matxcova, Saint Petersburg và nhiều thành phố khác. Rất nhiều người Nga yêu thích món phở, nem rán của Việt Nam… Chính những nhà hàng này, với không gian ấm cúng, dịch vụ tuyệt vời, đã trở thành nơi giới thiệu văn hóa Việt Nam lý tưởng, chúng không chỉ giới thiệu ẩm thực mà còn giới thiệu văn hóa Việt Nam thông qua những bức tranh, âm nhạc, đồ lưu niệm… Cao hơn thế, những nhà hàng này có thể trở thành CLB sáng tạo cho những ai yêu Việt Nam, muốn tìm hiểu về Việt Nam. Theo tôi, nên tổ chức nhiều hơn những Festival ẩm thực Việt Nam.
Còn một vấn đề nữa, đó là hiện nay không còn tồn tại một ấn phẩm về Việt Nam bằng tiếng Nga như trước đây. Đó là nơi chia sẻ những thông tin không chỉ về nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà một Việt Nam trên toàn cầu, liên kết những người Việt Nam toàn thế giới, ở Nga, Đức, Czech, Mỹ… hay nhiều nước khác. Các website báo chí Việt Nam có tiếng Nga hiện tại thông thường đều chỉ phản ánh những sự kiện chính thống, hoặc thông tin du lịch. Trong khi đó, độc giả muốn biết về những người con người Việt Nam bình thường, không phụ thuộc đang sống ở quốc gia nào.
6/11/2021
Nguồn: Dân Việt
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...