Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong mắt người con nuôi

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
trong mắt người con nuôi

Tác giả tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, họa sĩ, điêu khắc gia Đinh Gia Thắng, chính là người con nuôi mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vô cùng yêu quý lúc sinh thời. Nhạc sĩ nhận Đinh Gia Thắng làm con nuôi từ khi tên tuổi anh chưa có gì. Khi tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng chịu nhiều soi chiếu từ dư luận, chính cha nuôi ở bên Đinh Gia Thắng. Ông nói với con, cứ dồn hết tâm sức cho sáng tạo. Bởi, với người nghệ sĩ, chỉ có tác phẩm mới là câu trả lời, thị phi rồi sẽ tan.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu với hai con trai đầu của 
nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng (ảnh chụp năm 1995).
Xin được gọi chú bằng cha
Cách đây 30 năm, Đinh Gia Thắng ngập ngừng nói với Phan Huỳnh Điểu: “Chú ơi, chú cho con xin phép chú được gọi chú bằng ba”. Hình ảnh họa sĩ, điêu khắc gia tại giây phút mở lời yêu thương ấy khiến tác giả phần nhạc Thuyền và biển nhớ mãi. Sau này, ông vẫn nói vui với con nuôi: “Ba nhìn chàng Thắng lúc ấy như con gà trống cà ngơ, cà ngơ”. Lâu dần, ông nhận thấy giữa ông và con trai nuôi có nhiều sợi dây đồng cảm. Ông từng nói với điêu khắc gia, rằng: “Tình cảm giữa ba với con như hai cha con ruột thịt. Trong sáng và đẹp”. Còn điêu khắc gia bảo: “Anh “cưng” ba anh lắm!”.
Một bật mí nhỏ, tác giả tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng đang làm tượng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, lớn hơn người thật khoảng 20%, chất liệu đồng pha hợp kim: “Cả tượng và bệ cao cỡ 2m. Tôi sẽ đặt trong khuôn viên nhà tôi. Tôi chọn màu xám, chất liệu hợp kim chống gỉ, hoen mòn. Bởi chất liệu đồng ở ngoài trời với thời gian sẽ thành màu xanh”. Đinh Gia Thắng vốn kỹ khi làm tượng, với tượng của ba nuôi, anh càng kỹ hơn. Để có bức tượng về cha ưng ý, anh đã bỏ đi nhiều phác thảo. Trong mắt điêu khắc gia, ba nuôi có nụ cười ấn tượng, vừa hiền hậu, vừa dí dỏm: “Ba hài hước lắm. Làm tượng đăm chiêu không ra được thần thái của ba. Cái cười của ba cũng đặc biệt, một bên miệng mở rộng, bên trái hơi khép, không phải cái cười mà độ rộng của miệng đều nhau”. Đinh Gia Thắng muốn dựng tượng ba nuôi ở nhà để ngày ngày được nhìn thấy người cha tinh thần. Khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu còn sống, chuyện gì anh cũng tâm sự cùng cha nuôi, ngay cả chuyện vợ chồng “cơm không lành canh không ngọt” anh cũng gọi điện từ Đà Nẵng vào Sài Gòn “báo cáo” với ba. Nghe con tâm sự, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cười: “Ba biết rồi. Đêm qua ba nằm mơ, ba nghe Đà Nẵng có “bom rơi đạn nổ”. Và ông nhanh chóng đóng vai “hòa giải”.
Người yêu nhạc không thể hình dung một tên tuổi lớn như Phan Huỳnh Điểu trong cuộc sống đời thường lại hết sức bình dị. Quê gốc của nhạc sĩ ở Điện Bàn, Quảng Nam nhưng ông sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng. Trước khi mất, ông mong muốn một phần tro cốt được rải ở sông Hàn, muốn hòa vào sông Hàn. Sau này, sống ở Sài Gòn ông vẫn thường ra Đà Nẵng, mỗi lần ra Đà Nẵng ông lại được con nuôi đón về nhà: “Tính ba giản dị, không khoa trương, không tỏ vẻ ta đây gì cả”, điêu khắc gia nhớ về người cha nổi tiếng. Có năm nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đón tết ở Đà Nẵng. Đinh Gia Thắng không quên kỷ niệm hai cha con cùng kéo dây pháo nhưng cuối cùng đốt lại xịt. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu không nề hà lao động chân tay. Điêu khắc gia kể: “Hồi năm 95, 96 cha tôi còn khỏe lắm. Tôi chuyển mấy loa nhạc từ tầng 2 lên tầng 3, vừa bưng một cái loa lên tầng thì ba cũng bưng một cái lên theo, mà loa rất nặng. Tôi bảo ba: “Ba bưng làm chi cho gãy lưng ra. Ba cười: Không sao, ba làm được”. Trong ẩm thực, Phan Huỳnh Điểu cũng rất dễ chiều. Theo Đinh Gia Thắng, cha nuôi của anh đặc biệt mê mắm: “Ba đơn giản lắm, vẫn ăn theo kiểu người Quảng Nam, món thích nhất của ba là mắm cá cơm. Mỗi lần tôi vô Sài Gòn, tôi mời ba và má Vân (vợ nhạc sĩ- pv) đi ăn. Ba thích ăn bún, kiểu như bún chả cá Lã Vọng ngoài Hà Nội ấy, vì ba thích mắm. Còn mỗi lần ba ở Đà Nẵng vào, bao giờ vợ tôi cũng sửa soạn cho ba một lọ mắm với các loại chả”.
Tượng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.
Nghệ sĩ chỉ cần sống với tác phẩm
Tuy hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực mỹ thuật, từ hội họa tới điêu khắc, song ít ai biết, điêu khắc gia Đinh Gia Thắng là một nghệ sĩ có nhiều tài lẻ, anh mê âm nhạc, đàn và hát được, biết khiêu vũ. Về niềm đam mê âm nhạc, anh nói đùa: “Có khi tôi cũng có ít gen của ba nuôi chăng?. Hồi ba con mới gặp nhau, tôi nói với ba: Từ thời thơ bé con đã nghe ‘Những ánh sao đêm’ của ba và đã thích rồi. Chẳng hiểu sao, mỗi lần cha ruột chở con qua khu tập thể Kim Liên (Hà Nội) con lại nhớ ‘Những ánh sao đêm’, dạo đó con mới 5-6 tuổi chứ mấy!”. Nhạc phẩm Những ánh sao đêm được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lấy cảm hứng từ khu tập thể Kim Liên khi đang xây dựng. Nhìn công trường đang dựng xây, ông hình dung rồi đây sẽ có những gia đình sum họp trong những ngôi nhà ấy, rồi ông nghĩ về miền Bắc, miền Nam… Bao cảm xúc đan xen, để cuối cùng ông sinh nở ca khúc đi cùng năm tháng: “Làn gió thơm hương đêm về quanh khu nhà tôi mới cất xong chiều qua/ Tôi đứng trên tầng gác thật cao, nhìn ra chân trời xa xa/ Từ bao mái nhà đèn hoa sáng ngời, bầu trời thêm vào muôn vì sao sáng/ Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu/ Nghe máu trong tim hòa niềm vui lâng lâng lời ca”. Ca khúc cách mạng của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu giàu chất trữ tình. Sức sống mãnh liệt của Hành khúc ngày và đêm, Cuộc đời vẫn đẹp sao… cũng nhờ chất trữ tình chảy trong đó: “Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ/ Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào”.
Điêu khắc gia Đinh Gia Thắng được nghe cha nuôi tâm sự khá nhiều về con đường sáng tác của ông, cũng như quan điểm nghệ thuật của ông: “Bài nào ba cũng tâm huyết hết trơn”, anh nhận thấy. Con nuôi của nhạc sĩ còn tiết lộ: “Tác phẩm ‘Đoàn vệ quốc quân’ ba tôi viết khi chưa rành lắm về nhạc lý, nhưng cảm xúc dạt dào. Sau đó, ba nhờ một người hay chơi đàn trong nhà thờ ‘chỉnh’ giúp”. Phan Huỳnh Điểu tôn trọng cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật nên ông viết nhạc ngẫu hứng, không sắp đặt: “Như bài ‘Ở hai đầu nỗi nhớ’, phổ thơ Trần Hoài Thu (nhà báo Trần Đình Chính) ra đời khi ông lững thững bên sông Hàn, bất chợt câu thơ bay đến: ‘Ngôi sao như xuống thấp/ Cho ta gần nhau hơn'”.
Phan Huỳnh Điểu được mệnh danh “ông hoàng phổ thơ trữ tình của nền âm nhạc cách mạng” (chữ của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát) hoàn toàn xứng đáng. Không chỉ có ‘Ở hai đầu nỗi nhớ’, Phan Huỳnh Điểu còn duyên nợ với Bóng cây Kơ nia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu… Con nuôi của cố nhạc sĩ bật mí: “Ba tôi rất yêu thơ và ông đặc biệt thích thơ Xuân Quỳnh”. Điêu khắc gia Đinh Gia Thắng cũng là một “mọt sách”: “Từ hồi lớp 5 tôi đã thuộc gần hết truyện Kiều. Thời nhỏ, đi sơ tán hay bị trẻ con ở nơi sơ tán bắt nạt nên tôi thường trốn trong nhà, trong lớp đọc sách”. Đinh Gia Thắng thích sách văn học, cũng giống như cha nuôi, anh bị thơ mê hoặc. Điêu khắc gia thích thơ Tagore, Pushkin, Yesenin (Ê-xê-nhin)… Đến bây giờ anh vẫn giữ thói quen đọc vài bài thơ trước khi đi ngủ.
Nhắc đến điêu khắc gia Đinh Gia Thắng không thể không nhắc tới “công trình” của cuộc đời anh: Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (Quảng Nam). Ngày hôm nay sóng gió đã yên. Nhưng nhìn về quá khứ, nhà điêu khắc không khỏi chạnh buồn vì những ồn ào đã diễn ra: “Hồi tôi sáng tác tượng đài, ba đang ở Sài Gòn. Lúc làm phác thảo tôi không đưa cho ba xem vì hồi ấy, năm 2006, đường truyền còn lạc hậu lắm. Đến khi phác thảo của tôi được chọn, báo chí đưa tin, ba nuôi mới biết. Khi ba ra Đà Nẵng xem phác thảo, ba bảo: Cái phác thảo của con được chọn là xứng đáng. Xem hình tượng người mẹ của con không cần bản thuyết minh nào bên cạnh. Người ta đủ hiểu. Còn nhiều tác phẩm phải có thuyết minh bên cạnh mới hiểu ý tác giả. Tác phẩm của con đã tự nói lên tất cả những điều vĩ đại về người mẹ”. Sự ủng hộ vô điều kiện của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là “liều thuốc tinh thần” giúp điêu khắc gia vững tâm, đi đến cùng sáng tạo, bất chấp những ồn ào, soi xét khi ấy… Điêu khắc gia vẫn nhớ lời cha nuôi: “Người ta bây giờ chưa rõ tượng đài ra sao, con cứ làm bằng cả tâm huyết của mình, rồi chính tác phẩm là câu trả lời”. Không những động viên, cổ vũ con, ông còn theo dõi hành trình làm tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng: “Cha đến tận nơi tôi làm tượng vài lần. Tôi với ba, má Vân và nhạc sĩ Thái Nghĩa cùng đi. Ngày khánh thành ba từ Sài Gòn bay ra Đà Nẵng ở nhà tôi, rồi cùng tôi về Quảng Nam dự lễ”.
Đa cảm nhưng không đa tình
Một người tài hoa, ân cần như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu liệu có đa tình, đào hoa? Tôi hỏi con nuôi của cố nhạc sĩ, Đinh Gia Thắng cười: “Cha đa cảm nhưng đó là sự đa cảm của một nghệ sĩ chân chính, hoàn toàn mang yếu tố tích cực chứ không ‘liêu xiêu’ đâu. Đa cảm chỉ để gợi cảm xúc thẩm mỹ, gợi cảm hứng mà thôi”. Yêu đời, yêu người, có thể vì thế nên tác giả Thuyền và biển không bị “bí” trong sáng tạo nghệ thuật? Không những thế, ông còn luôn biết cách truyền cảm hứng tích cực đến người khác bằng động viên dí dỏm. Điêu khắc gia Đinh Gia Thắng biết chơi guitar, piano, thỉnh thoảng anh tự thu đĩa: “Có bữa tôi ra sân bay đón ba. Tôi không chở ba về thẳng nhà mà cố đi lòng vòng để ba nghe hết cái đĩa của tôi. Bất ngờ, ba hỏi: Ủa con mở đĩa của Richard Clayderman đó hả? Tôi ngượng ngùng: Ba cứ chọc quê con! Ba liền đáp: Mới nghe ba tưởng Richard Clayderman thiệt”. Suốt những năm tháng làm con nuôi của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, điêu khắc gia Đinh Gia Thắng chưa từng một lần bị cha trách mắng: “Ba luôn tìm thấy ở tôi niềm vui. Còn tôi luôn tìm thấy ở cha sự ấm áp”. Nhạc sĩ đã ra đi nhưng tác phẩm vẫn ở lại. Không còn ai giải cứu, động viên mỗi khi gặp sóng gió trong đời riêng, trong sự nghiệp song câu hát của cha nuôi luôn sống trong điêu khắc gia: “Cuộc đời vẫn đẹp sao/ Tình yêu vẫn đẹp sao”.
27/11/2021
Nông Hồng Diệu
Nguồn: TPO
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...