Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia

Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia

Tôi nhận được bản thảo tập Truyện ký “Nơi Thành đồng Tổ quốc” của nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát đợt 4 phức tạp, khó lường.
Nhà thơ Trần Thế Tuyển
Tác giả tập sách tâm sự, đây như là ” một nén tâm nhang tưởng nhớ đồng đội đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc”.
Với hơn 300 trang in, “Nơi Thành đồng Tổ quốc” là một tập hợp dày dạn 38 bút ký của Trần Thế Tuyển. Bài viết lâu nhất cách đây vài chục năm; gần nhất vừa viết xong, còn tươi nguyên mùi mực.
Đọc Truyện ký của một nhà thơ giàu cảm xúc, một nhà báo dạn dày kinh nghiệm và hơn thế của một người trong cuộc, tắm mình trong sự kiện nên càng đọc càng lôi cuốn, sinh động và hấp dẫn. Từng chuyến đi, từng nhân vật; con người, vùng đất hậu phương hay chiến trường xưa đều lấp lánh kỷ niệm nghĩa tình của tác giả. Dù thời gian đã lùi xa, những bài ký hừng hực hơi thở cuộc sống ấy vẫn đậm đà chất văn học của một ngọn bút đam mê và tài hoa. Con chữ tuôn chảy từ trái tim nên rất sống động, tươi mới tính thời sự. Vốn sống của tác giả ngồn ngộn, hơi thở cuộc sống cứ như cuồn cuộn chảy, lấp lánh từng dòng, từng trang, hấp dẫn đến từng chi tiết. Có những chi tiết đắt giá mà chỉ người trong cuộc mới có được, mới cảm hết.
Có thể nói, Truyện ký “Nơi Thành đồng Tổ quốc” tự nó hình thành 4 mảng chủ đề chính:
– Đồng đội – anh Bộ đội Cụ Hồ;
– Quê hương – hậu phương người lính;
– Chân dung những đồng đội yêu quý đã dũng cảm ngã xuống nơi chiến hào;
– Trách nhiệm của những người đang sống trong hoạt động về nguồn; đền ơn đáp nghĩa, góp phần dựng xây cuộc sống mới, thực hiện khát vọng dựng xây đất nước hùng cường – phát triển. Gọi là 4 nhưng vẫn chỉ là 1 – bởi sự quyện chặt và đan xen các nhân vật – sự kiện, không gian – thời gian, quá khứ – hiện tại – tương lai … không thể tách rời. Cùng với những mảng chủ đề chính, Trần Thế Tuyển không quên nhắc đến những kỷ niệm đẹp của người làm báo – nghề báo. Kể cả khi ông làm phóng viên chiến trường hay khi đảm nhiệm công việc Tổng biên tập một trong những tờ nhật báo lớn nhất của đất nước. Thế hệ làm báo trẻ có thể học ở đó những bài học về NGHỀ.
Với tập Truyện ký “Nơi Thành đồng Tổ quốc”, gần như ở góc nhìn nào, văn cảnh nào, bài nào cũng sâu đậm về đồng đội – Bộ đội Cụ Hồ. Trần Thế Tuyển viết: “Ngoảnh lại sau lưng tôi đã có gần 70 mùa xuân đi qua. Gần như suốt bảy thập niên ấy, cuộc đời tôi gắn với người lính Cụ Hồ “. Trong Truyện ký “Bộ đội Cụ Hồ”, Trần Thế Tuyển kể về chú Dân, một anh Bộ đội Cụ Hồ thời Điện Biên. Đó là hình ảnh đầu tiên trong ký ức tác giả ngày còn cắp sách đến trường về người lính của nhân dân.
Ngày ấy mẹ đã kể cho tác giả nghe về chú Bộ đội Cụ Hồ tên Dân từ mặt trận Điện Biên Phủ khoác ba lô về làng. Một hình ảnh đẹp và trong sáng khắc sâu vào tuổi thơ Trần Thế Tuyển. Gặp và nói chuyện với chú Dân, Trần Thế Tuyển và các bạn ước ao sau này trở thành Bộ đội Cụ Hồ. Và mong ước ấy đã thành hiện thực khi Trần Thế Tuyển và bạn bè cùng trang lứa lên đường tòng quân mùa hè năm 1970. Trần Thế Tuyển và đồng đội chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 174, (Đoàn Cao Bắc Lạng) đánh chiếm căn cứ Long Khốt và các căn cứ của địch dọc biên giới Việt Nam – Campuchia. Bằng sự quan sát và trải nghiệm nơi hòn tên mũi đạn, Trần Thế Tuyển đã tổng kết: “Dâng hiến là nét đẹp lung linh nhất của Bộ đội Cụ Hồ”. Vì nhiệm vụ vinh quang Tổ quốc đặt lên vai, anh Bộ đội Cụ Hồ chiến đấu dũng mạnh và sẵn sàng hy sinh, dâng hiến thân mình cho Tổ quốc và nhân dân. Lý lẽ về sự “Dâng hiến” của Bộ đội Cụ Hồ được Trần Thế Tuyển phác họa, vẽ thành chân dung tuyệt đẹp, bằng những hình ảnh sống động của đồng đội.
Trần Thế Tuyển kể lại một câu chuyện cảm động về nghĩa tình những người lính – Bộ đội Cụ Hồ. Đó là “Anh bộ đội Đoàn Minh Tuấn đạp xe hơn ba chục cây số từ Đức Hòa lên thăm tôi (Trần Thế Tuyển – PQT). Anh mang lỉnh kỉnh nào xoài, rượu nếp và cả đậu phộng mới rang gói bằng giấy báo còn thơm mùi cát. Tôi đón nhận quà đồng quê từ tay người bạn chiến đấu cũ. Nhìn cái dáng gầy gò, tong teo và mái tóc hoa râm tuổi ngũ tuần của anh, lòng tôi rưng rưng xúc động”. Và Trần Thế Tuyển ghi lại chuyện anh Bộ đội Đoàn Minh Tuấn ở quê, khi trở về với cuộc sống đời thường, sống bình dị nơi làng quê với hạt lúa, củ khoai. Cuộc sống lam lũ, vất vả, khó khăn, chịu nhiều hy sinh, nhưng chính hoàn cảnh ấy mà phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong con người đồng đội Đoàn Minh Tuấn càng lung linh, tỏa sáng, tô đẹp thêm sự “Dâng hiến” của anh Bộ đội Cụ Hồ giữa đời thường. Có thể viện dẫn rất nhiều những tấm gương sáng khác về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ – một đời theo Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong mỗi con chữ, trang viết của Trần Thế Tuyển. Và, không nói đâu xa, chính ông cũng là một anh Bộ đội Cụ Hồ.
Cách kể chuyện của Trần Thế Tuyển lúc thắt, lúc mở – có không ít kịch tính tưởng chừng rất khó “phá” nút, nhưng rồi “nút” được cởi, chân dung người đồng đội hiện hữu,toả sáng. Với tập truyện ký “Nơi Thành đồng Tổ quốc”, thêm một lần nữa, nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển thay mặt đồng đội ghi lại sự hy sinh to lớn, sự mất mát không gì có thể bù đắp của đồng đội, của đất nước và dân tộc. Bút ký “Từ Long Khốt đến Lái Thiêu”, viết tháng 4 năm 2.000 khi Trần Thế Tuyển trở lại chiến địa xưa. Ông viết: “Cách đây gần 30 năm, trên dòng sông biên giới rộng chỉ hơn 20 mét này chưa có cây cầu bắc qua. Ngày ấy dòng sông vốn hiền hòa, thơ mộng này, được gọi là dòng sông máu, bởi không biết bao nhiêu máu của đồng đội tôi (Trung đoàn 174) đã phải đổ xuống đây để chiếm cho được cái ô đất không lớn lắm, nhưng rất lợi hại mà giữa ta và địch, bên nào cũng quyết tâm chiếm giữ cho bằng được”. Trong hồi ức của mình, Trần Thế Tuyển – lúc đó là trợ lý chính trị của Trung đoàn 174 – nhớ lại rành rọt tên người, quê quán từng đồng đội và sự hy sinh của họ để đánh thắng quân thù. Và một Long Khốt hôm nay của sự đổi đời nhưng bao đồng đội thân yêu đã không còn, thậm chí đến nay vẫn còn những đồng đội chưa tìm đươc hài cốt. Món nợ với các đồng đội đã hy sinh ngày ấy vẫn còn nguyên vẹn. Năm 1978, Long Khốt còn ghi dấu chiến công 43 ngày đêm chiến đấu bảo vệ vùng biên giới Tây Nam chống bọn diệt chủng Pôn Pốt. Máu của đồng đội tiếp tục đổ xuống. Long Khốt linh thiêng, nơi yên nghỉ của hơn 2.000 liệt sĩ qua các thời kỳ kháng chiến.
Long Khốt ngày nay đã trở thành vùng đất “Di sản quốc gia”. Cũng như các di sản quốc gia: Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Thành cổ Quảng Trị, Hang Tám Cô …, Long Khốt lừng lững như một tượng đài kỳ vĩ, như chính đôi câu thơ, cặp vế đối Trần Thế Tuyển đã viết ở đây: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”!
Từ một người lính trở thành nhà báo chiến sĩ, Trần Thế Tuyển từ báo Quân khu 7 được điều động về công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Ông là Đại tá – Trưởng cơ quan Đại diện phía Nam; rồi lần lượt giữ các trọng trách: Phó Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông; Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng… Ở cương vị công tác nào Trần Thế Tuyển cũng đau đáu nghĩ về đồng đội, tham gia nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Khi làm Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng, Trần Thế Tuyển là một trong những người có sáng kiến tổ chức Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”. Với trọng trách Tổng Biên tập – Trưởng ban, ông đến với các di tích lịch sử quốc gia: Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Nghĩa trang Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn… Mỗi nơi đặt chân tới, Trần Thế Tuyển đều có bài ghi lại những chiến công hào hùng, sự đổ máu và hy sinh của đồng đội. Trên dải đất hình chữ S của Tổ quốc Việt Nam – lương tri của thời đại đã có hàng ngàn, hàng vạn chiến địa anh hùng: “Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”. Trần Thế Tuyển là người đề xuất lấy ngày 27/7 hằng năm làm ngày Quốc Giỗ, cả nước tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ.
Quê hương, nơi Trần Thế Tuyển sinh ra và trưởng thành thuộc lưu vực sông Hồng. Hải hậu (Nam Định) là vùng đất “Mỹ tục khả phong; Thiện tục khả phong”;
hiếu học và giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Từ bé, Trần Thế Tuyển đã là cậu học trò chăm ngoan, yêu văn thơ. Thân mẫu Trần Thế Tuyển là một người mẹ nhan sắc, tần tảo, xuất thân từ một gia đình danh giá ở Hải Phòng. Bà đã vượt qua bao khó khăn cùng chồng nuôi con và tham gia kháng chiến.
Lớn lên trong tình yêu thương của cha, của mẹ, Trần Thế Tuyển càng yêu mẹ, yêu cha, yêu quê hương xứ sở. Chính mẹ chứ không ai khác đã khắc sâu vào con tim đứa con trai Trần Thế Tuyển hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ từ mặt trận Điện Biên trở về. Và cũng chính mẹ đã lần lượt tiễn 3 người con trai ra trận.
Năm 1970, tròn 18 tuổi, Trần Thế Tuyển lên đường nhập ngũ, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thẳng đến chiến trường miền Đông Nam Bộ gian lao mà anh dũng. Và tại chiến trường ác liệt này, Trần Thế Tuyển tay súng tay bút, viết báo, làm thơ – ngợi ca cuộc chiến đấu đầy hy sinh gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. Phải chăng, trái tim mẫn cảm, nhân hậu của Trần Thế Tuyển dù bất cứ ở mặt trận nào cũng luôn hướng về quê hương, về cha và mẹ, về người thân yêu. Nhập ngũ sau ông 2 năm, em trai ông vào chiến đấu cùng chiến trường với ông và anh dũng hy sinh trước ngày toàn thắng (30-4-1975). Đó cũng là nguồn cảm xúc để Trần Thế Tuyển viết về đồng đội.
Tình yêu đồng đội – Bộ đội Cụ Hồ như dòng sông cuộn chảy trong Trần Thế Tuyển.
Chẳng vậy, bước vào tuổi 70, Trần Thế Tuyển lại dấn thân thêm một lần nữa; là một trong những người sáng lập, đồng thời là Chủ tịch Hội Hỗ trợ các gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cũng là người chủ biên, chịu trách nhiệm chính xuất bản các ấn phẩm đặc biệt mang tên”Linh khí Quốc gia” Nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển là con người của công việc đam mê và tận tụy – hết mình cống hiến góp phần “Trả món nợ cho đồng đội”. Đó cũng chính là điểm nhấn, sợi chỉ đỏ xuyên suốt tập Truyện ký “Nơi Thành đồng Tổ quốc”. Điều đáng chú ý, đây là tập sách trong chương trình đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng năm 2021 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội liên kết với Nhà xuất bản Văn học thực hiện .
Xin được trân trọng giới thiệu tập Truyện ký “Nơi Thành đồng Tổ quốc” của nhà báo, nhà thơ - anh Bộ đội Cụ Hồ Trần Thế Tuyển.
Tp.HCM, 10/7/2021
Phạm Quốc Toàn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...