Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

Nhà giáo mắc nợ văn chương

Nhà giáo mắc nợ văn chương

Người phương Tây nói: “Tất cả mất đi, chỉ còn lại văn hóa” (Tout s’oublie, seule la culture reste). Văn học trong lĩnh vực văn hóa cũng chiếm vị trí quan trọng song hành với sứ mệnh giáo dục. Nguyễn Văn Hầu dù xuất thân là nhà giáo, ngoài dạy học, ông vẫn ông không rời cây bút. Trên văn đàn Nam bộ ba thập niên từ năm 1945, vừa viết báo, suốt đời ông đã viết trên 20 tác phẩm sáng giá: + Tạp bút (3): Tiếng quyên (thơ, 1952), Chính quân yếu lược (chính luận, 1855), Bản ngã người Việt (khảo luận, 1960); + Văn sử (9) tiêu biểu là: Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (lịch sử ký sự, 1959), Thuật viết văn (khảo luận, 1960), Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu (biên khảo, 1961), Nửa tháng trong miền Thất Sơn (du ký, 1970, tái bản - 1999), Thoại Ngọc Hầu và cuộc khai phá miền Hậu Giang (biên khảo - 1972, Trẻ - 1999), Văn chương miền Nam (bản thảo)…; + Tôn giáo (8): Thất Sơn mầu nhiệm (biên khảo, 1955), Muốn về cõi Phật (tiểu luận, 1969), Nhận thức Phật giáo Hòa hảo (biên khảo, 1969), Tu rèn tâm trí (nt, 1970)… Nguyễn Văn Hầu mất năm 1995 tại quê nhà ở Cù Lao Giêng, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Nam bộ là miền đất mới được hình thành từ hơn ba trăm nay trong cuộc Nam tiến lịch sử của chúa Nguyễn. Hiện nay trong văn học, thực tế không có nhiều tác giả viết về những người đã dày công khẩn hoang lập ấp nơi miền biên thùy cuối cùng nước Việt. Bên cạnh nhà văn Sơn Nam (1926-2008), Vương Hồng Sển (1902-1996), Bình Nguyên Lộc (1914-1987), Nguyễn Bá Thế (1925-1996),… Nguyễn Văn Hầu được coi là một trong những nhà văn hàng đầu có nhiều công trình biên khảo rất công phu về lịch sử, đất nước và con người miệt vườn Tây Nam bộ.
Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Văn Hầu.
Nguyễn Văn Hầu (1922-1995) sinh ra tại xã Bình Phước Xuân, trên cù lao Giêng, thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Tiếp thu truyền thống Nho học với giáo dục nền nếp của gia đình, sau khi học chữ Quốc ngữ tại quê nhà, lớn lên ông tiếp tục học thêm tiếng Pháp và chữ Hán. Năm 30 tuổi (1952), vẫn ở tại quê nhà Chợ Mới, Nguyễn Văn Hầu bắt đầu đi dạy học, vừa viết báo và soạn sách. Là một nhà văn có bút lực mạnh mẽ, ông viết nhiều cho những tạp chí đứng đắn lúc bấy giờ ở Sài Gòn như Bách Khoa, Văn Đàn, Văn hóa Nguyệt san, Phổ thông, Sử Địa, Phương Đông, Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, Nguyễn Văn Hầu cũng là người đứng ra chủ trương nguyệt san Đuốc Từ Bi. Vì xuất thân là nhà giáo, tha thiết với sự nghiệp trồng người, Nguyễn Văn Hầu cộng tác (1960-1968) với những giáo sư tác giả như Bàng Bá Lân (1912-1988), Đỗ Văn Tú,… để viết sách giáo khoa môn Giảng văn bậc Trung học. Với sự nghiệp và uy tín đã có, ông được mời giảng dạy (1971) môn Văn học tại Phân khoa Văn khoa và Sư phạm tại Viện Đại học Hòa Hảo An Giang. Từ năm 1977, Nguyễn Văn Hầu bắt đầu kém dần sức khỏe nhưng ông vẫn cố gắng hoàn thành xong hai bộ bản thảo sách văn học: Ba trăm năm văn học dân gian Lục tỉnh và Văn học miền Nam Lục tỉnh.
Nhìn lại sự nghiệp văn chương của nhà văn Nguyễn Văn Hầu với trên 20 tác phẩm đủ thể loại: thơ, du ký, biên khảo… viết tập trung theo một chuyên đề đặc biệt, ta nhận thấy nổi bật lên những nội dung chính sau đây có thể giúp cho thế hệ về sau hiểu biết.
Với những bàn tay khai phá của con người cần cù, dũng cảm trong lao động để mang lại những tiện nghi trong sinh hoạt và hạnh phúc cho nhân dân nơi miền đất mới còn hoang sơ theo hoài bão trong đời của tác giả (Nguyễn Hiến Lê).
Với lòng yêu đất nước của con người Việt Nam nơi miền đất mới được khẩn hoang, tác giả viết sách là để nhấn mạnh phẩm chất cao đẹp của những con người tiên phong đã dày công khai phá trong hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt: Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, Việt sử kinh nghiệm. Đó là đức hy sinh trong lao động cùng với tinh thần dân tộc của những nhà cách mạng có liên quan đến phong trào Đông Du ở miền Nam trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược cùng thời với Nguyễn Thần Hiến (1857-1914), Trần Chánh Chiếu (1868-1919), Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu… Cuộc đời oanh liệt của Quản cơ Trần Văn Thành kháng Miên, đánh Pháp đã lập chiến khu tại rừng Bảy Thưa và đồng Láng Linh (1868-1873) cùng thời với Nguyễn Trung Trực ( ) và Thiên Hộ Dương ( ) (Cuộc khởi nghĩa của Bảy Thưa, Cố Quản) hay một quái kiệt mà người đương thời thường gọi là hắc hổ đã bình định Chiêm và thống lĩnh Chân Lạp, với nhiều sắc phong nhất từ vua chúa: Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Nguyễn Hiến Lê xuất bản)…
Là nhà văn quê quán ở gần miền biên thùy rừng núi Tây Nam bộ, mảnh đất màu mỡ của văn hóa tâm linh phía Nam tổ quốc, nhà văn Nguyễn Văn Hầu nhận rõ được vị trí, hình thể cùng sự khai sinh ra dãy Thất Sơn. Giai thoại về những sơn nhân, dị nhân, giáo chủ cùng những sinh hoạt kỳ bí của rừng núi phương Nam và hoạt động của các nhà cách mạng được tác giả mô tả lại: Thất Sơn mầu nhiệm, Nhận thức Phật giáo Hòa Hảo, Việt Nam Tam giáo sử cương,… Để từ đó, nơi từng xuất phát ra tôn giáo, nhà văn có cơ sở hướng con người đến con đường chính đạo hầu rèn luyện tu dưỡng song hành về trí tâm và trí đạo: Muốn về cõi Phật, Rèn luyện tâm trí, Pháp luận.
Với sở trường của một ngòi bút bẩm sinh đam mê về văn học và có trải nghiệm trong nghề viết văn, Nguyễn Văn Hầu muốn đem tâm huyết ra chỉ rõ những hạn chế của người cầm bút. Từ đó nhà văn hướng dẫn họ cách viết văn. Nói có sách mách có chứng, để cụ thể hóa, nhà văn không ngại mất công đã trưng ra hằng trăm đoạn văn của cả trăm người cầm bút để làm cơ sở rút tỉa kinh nghiệm: Thuật viết văn (NXB: Tự Do - 1970, Hương Sen - 1972 và Trẻ-2005). Về sách tương tự với loại này, ta cũng biết đã có nhiều giáo sư, học giả viết: Nguyễn Hiến Lê (1912-1984): Luyện văn (I, II, III); Nguyễn Duy Cần (1907-1998): Để trở thành nhà văn; Phạm Việt Tuyền (1926-2009): Nghệ thuật viết văn…
Trong tác phẩm du ký Nửa tháng trong miền Thất Sơn, Nguyễn Văn Hầu cũng ghi lại một cuộc du khảo trong một khu vực mà người trước (Phật Thầy Tây An – …) đã coi là linh địa và người sau đó (P. Gourou - …) đã cho rằng địa thế độc đáo. Tác giả đã trình bày rất công phu trong sách nhiều tài liệu quý và hình ảnh khó chụp.
Riêng cuốn biên khảo Nguyễn Văn Hầu viết rất công phu (lúc sinh tiền nhưng chưa kịp in) về Văn học miền Nam trong đó gồm có văn học dân gian (còn gọi là văn chương bình dân hay văn chương truyền miệng) như ca dao, tục ngữ, truyện cổ, câu đố, hò vè, nói thơ và các điệu dân ca khác… Đọc tác phẩm này, ta thấy tác giả nhắc lại và kiểm nghiệm lịch sử của một vùng đất với nền văn hóa cộng đồng trong đó nổi bật tính cách lịch sử của con người Việt Nam nơi miền đất mới.
Ngoài ra, cũng như hầu hết các nhà văn trong buổi bình minh cầm bút, tác phẩm đầu tiên của nhà văn Nguyễn Văn Hầu là một tập thơ có nhan đề “Tiếng quyên”. Chỉ cái tựa của thi tập cũng đã nói lên nỗi lòng của hồn thơ ưu tư đêm ngày với bao nỗi ray rức băn khoăn trong hoàn cảnh quốc phá gia vong đang đi tìm con đường sống cho dân tộc: Trí thần nhớ đến tiếng quyên/ Gọi hồn cố quốc sầu riêng một mình. Tập “Bản ngã người Việt” (ký Lạc Tử và Bút trạch - bút danh khác của Nguyễn Văn Hầu), là tư duy về những đức tính cùng nhân sinh quan mới và cũ kèm theo sau đó là hướng phấn đấu. Cuốn sách cho thấy tâm huyết của nhà văn là muốn truyền cảm hứng tích cực để con người tu dưỡng, rèn luyện tốt bản thân hầu đóng góp cho dân tộc xã hội cường thịnh.
Trước năm 1954, ngoài các tác giả đã viết trước đây như: Mạc Thiên Tích (1700-1780), Đông Hồ (1906-1969), Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), Thuần Phong Ngô Văn Phát, tức nhà thơ Tố Phang (1910-1983), Hồ Hữu Tường (1910-1980)… công chúng văn học có thể coi nhà văn Nguyễn Văn Hầu là một khuôn mặt văn học chân chính có nhiều đóng góp tích cực về sự hình thành lịch sử và giá trị của văn học miền Nam. Nhận định về nhà văn Nguyễn Văn Hầu, GS. Nhà văn Nguyễn Q. Thắng nêu ý kiến xác đáng: “Nguyễn Văn Hầu là một học giả am tường về các nhân vật vùng thực địa thuộc miền Tây Nam bộ… Có thể nói ông là người đầu tiên giới thiệu các nhân vật góp công vào việc khai hoang, lập làng mở cõi cùng công cuộc trấn giữ biên cương ở phía Tây Nam tổ quốc từ thế kỷ XVIII”. Tục ngữ La Tin có câu: “Lời nói bay đi, chữ viết còn lại” (Verba volant, scripta manent), nhà giáo – nhà văn Nguyễn Văn Hầu có thể coi là chân dung đích thực của một nhà giáo nặng nợ với văn chương. Ngày nay, thân thế và sự nghiệp của ông đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam và lòng công chúng bằng những tác phẩm mang phong cách nghệ thuật dân tộc và có giá trị nhân văn mang hơi nóng trái tim và ấm nồng tình yêu đất mẹ của mình.
2/12/2021
Nguyễn Thanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...