Chiếc xương lá mục
Đêm qua Nại chỉ chợp mắt lúc gần về sáng. Mười hai giờ Kim vẫn còn ở đây. Nàng
ngồi trên tấm ghế, Nại bỏ xuống dưới sàn. Kim ngồi trên tấm nệm trên thềm. Kim
thực sự muốn chấm dứt. Nàng nói làm con gái thì phải có chồng nên chúng mình
không thể thương nhau tiếp. Nại cười cười cho tới lúc Kim giận dữ thực sự. Nàng
nói: "Đó, anh vẫn còn cười được. Trước tới giờ lúc nào anh cũng cười. Yêu
anh, tôi thành người nói một mình. Anh khinh tôi quá lắm". Lúc đưa Kim về
tới ngã ba, Nại tự dưng ngậm ngùi bảo: "Chúc Kim gặp nhiều may mắn".
Nại biết sớm mai Kim sẽ đi với một sĩ quan ra khỏi tỉnh. Nàng bỏ ta thực sự rồi.
Nàng bỏ ta rồi. Ôi… Nại về buông mùng ngủ cười một mình. Hoa sầu đông trên những
nền nhà cao bỏ hoang nực mùi thơm. Trời vào hè không khí thực yên thực mát những
ngày sau tết còn sót. Nại nhớ một cái xương lá lâu ngày trong đáy một giếng nước
nào đã quên. Ôi… ôi… Hai hàm răng Nại bỗng dưng đập vào nhau với âm thanh cười
cợt quái dị trong miệng. Nại lục kiếm tấm áo len và vớ. Cơn lạnh buốt xương hoa
dầu không kịp. Nại trùm mền xoay trở trên nệm. Cái lạnh như từ dưới sân hắt vô.
Nại co người lăn sát vào bức tường ngăn với ngôi nhà phía trước. Nại thấy giận người
bạn dạy học quận lỵ ghé chơi đã về quê quá sớm. Khoảng bốn giờ sáng Nại chợp mắt
được một lát. Lúc tỉnh dậy người nóng hực. Nại nhoài ra khỏi mùng. Hương hoa sầu
đông ngoài mùng thực đậm. Nại trùm lại mền ôm lấy cái đầu phảng phất hương thơm
như một bình trà nóng. Mồ hôi nhớp nháp. Nại gắng giữ mình trong mền nhưng có
lúc không kìm được tiếng la hét.
"Dưới mái hiên kia có người ta sao mà có tiếng rên dữ vậy?"
Tiếng mấy người đàn bà đi buôn từ dưới ngõ băng qua những nền
nhà trống vào thắp hương trong miễu Ông Cọp. Nại nghe lẫn cơn mê sảng bò lên
núi cao với cái xương lá ngậm miệng.
Nại choàng dậy lúc mặt trời đã có nắng trên những vách tường
mốc. Tiếng chim sẻ nhốn nháo làm ồn. Đình mùng rớt một mớ rác vụn của những tổ
chim trên mặt tường dưới mái ngói. Từ bữa hết mưa lớn, rút dần những tấm ván
lát che mưa gió trong mùa lạnh vừa qua, mái hiên rộng hết còn vẻ một căn phòng.
Người chủ nhà ở phía trước bảo Nại coi chừng. Nại nói không chịu được sự tù hãm
căn phòng trong mùa khô, vả lại cũng chẳng có gì sợ mất trộm.
Nại ngồi tựa vào cột lấy tay giật giật đuổi một con sẻ non rớt
xuống đình mùng. Tiếng con chim mẹ nháo nhác dữ tợn. Nại bước xuống sân kiếm tấm
khăn khô lau mặt. Cơn nóng lạnh chỉ còn lại sự nhức mỏi da thịt, Nại chắc mình
không bịnh. Những ngày vừa qua Nại biết mình thực suy nhược. Nại quay vào lấy
réchaud đun nước pha sữa. Nại cởi áo len phơi ra dây ngoài sân. Nại bỏ lá thư của
Khánh vào ngọn lửa xanh lè. Tựa vào cột, uống từng hớp sữa, Nại nhớ xem trong
cơn mê sảng có lúc nào thấy Khánh? Khánh trong dĩ vãng đó có như cái xương lá mục
trong giếng nước?
Nại ra giếng đầu nhà rửa mặt thấy tỉnh táo. Một đêm thực dài
như tiếng cười nhọc mệt không thể nín, Nại bước lăng quăng trên những nền nhà,
dưới những chùm lá sầu đông non thử bước chân coi đã khoẻ? Miễu Ông Cọp dưới gốc
bàng những que hương đã rơi những đốm tàn cuối xuống nắm hoa tươi rẻ tiền của
đám con buôn. Nại vào nhà thay quần áo, lấy chiếc mũ nan chụp đầu dắt Solex ra
trước nhà.
"Cho tôi gởi nhà, ông chủ".
Nại nói với người đàn ông đang lui cui tưới nước đám bông
trang. Qua tiệm thuốc, Nại mua mấy viên Tyfomycine, nửa nuốt tại chỗ, nửa bỏ
túi. Em gái có thấy anh giàu thiện chí không em gái? Nại vòng qua thành phố rồi
quay trở lại, nhưng bằng con đường dẫn xuống quận. Ngày nghỉ, những con đường
ngoại thành đầy người. Mùa trái cây. Những sọt những quán rải dọc vệ đường. Những
dốc mát xuống vườn và những chiếc võng bạn hàng trong bóng cây đợi khách.
Khánh, mười mấy cây số với cơn nóng lạnh đêm qua đó em.
Anh với em sẽ ngồi thu cẳng lại nói chuyện con đường, cây ổi,
cây xoài? Hay em sẽ kể những năm loạn ly chạy xa mãi cái bếp lò của ông ngoại mỗi
ngày mấy lượt em bò chống hai tay phùng mồm ngậm cái ống thổi lửa? Hay em lẻo bẻo
nói chuyện Mỹ, chuyện Đại Hàn? Và anh sẽ… Tiếng la hét và cái xương lá có là
chuyện nói?
Quận lỵ nằm hai bên con đường liên tỉnh. Có chợ ồn ào bên bờ
sông. Nại dừng Solex trước tiệm hình Mỹ Lệ. Khánh là người con gái trong tấm
hình treo ngay lối vào đó sao? Khuôn mặt mịn phảng phất vẻ con nít nhìn xuống.
Nại nói với anh con trai tóc xoăn sau quầy:
"Làm ơn chỉ giùm tôi nhà cô Khánh".
Người con trai tóc xoăn ngẩng lên nhìn Nại rồi hỏi:
"Anh là bạn Khánh?"
Nại miễn cưỡng gật đầu. Người con trai tóc xoăn quay vào dặn
người trong tiệm rồi ra hiệu cho Nại đi. Nại hỏi:
"Có xa không?"
Người kia lắc đầu. Hai người rẽ vào một cái cổng gỗ của một đoàn
hát, qua ba cái ngõ.
"Nhà Khánh đó".
Anh ta trỏ một cái cổng sơn xanh. Nại nói:
"Cám ơn anh".
Người kia quay lại. Nại dắt xe tới trước cổng. Dãy nhà nom
như khu công chức. Ngõ sạch. Trước mỗi nhà có một mẩu sân và hàng rào gỗ. Cửa
nhà Khánh đóng kín. Trong nhà có tiếng nhạc kích động. Nại gọi:
"Khánh, Khánh".
Chờ một hồi lâu, Nại mới thấy một đứa nhỏ ra mở.
"Cậu Nại", và khoanh tay, "cậu ạ".
Thằng nhỏ reo. Nại nhìn nó không hiểu. Chắc một đứa cháu
Khánh. Nại khoá xe hỏi:
"Dì Khánh có nhà không?"
"Dì Khánh đi chơi".
Thằng nhỏ nói và đu lên cánh cổng gỗ gài lại cái chốt. Tiếng
nhạc trong nhà om sòm. Nại bước vào với thằng nhỏ dưới chân. Căn nhà chạy sâu.
Ngăn ngoài là phòng khách. Thằng nhỏ ôm cẳng Nại kéo vào. Qua phòng ngủ, tới
ngăn thứ ba, Nại thấy má Khánh nằm dài trên cái võng treo cao. Sát tường là tấm
bàn đặt chiếc máy thâu thanh. Mớ tóc có nhiều sợi trắng của má Khánh quét xuống
mặt tấm ngựa phía dưới. Nại nói:
"Chào bác, cháu là Nại".
Má Khánh quay ra cười thoáng nét vui. Nại lại gần võng. Người
đàn bà đảm đương lịch lãm những năm trước giờ có bộ mặt xanh mét.
"Nại đó cháu? Em nó mong lên cháu hoài".
"Bác sao đó?" Nại hỏi.
"Tê bại gần năm rồi đó cháu".
Nại nghe giọng nói loáng thoáng, thấy hai vai bà nhích qua một
chút, hai chân để dài cuối võng. Nại bước lại gần máy. Tiếng nhạc kích động mở
quá sức lớn. Miếng kính lồng trên mái lọt xuống nền gạch tối và ẩm một ô sáng
trong vắt. Má Khánh kêu thằng nhỏ bưng một cái đẩu cho Nại ngồi. Bà nói Khánh vừa
ra phố với một người bạn sắp về. Thấy Nại tò mò nhìn thằng nhỏ, bà thở ra:
"Con thứ ba con Cúc đó".
Nại chợt hiểu cái khoanh tay và tiếng chào "Cậu ạ"
của thằng nhỏ. Chồng Cúc là một người Hà Nội. Bà già hỏi Nại hiện làm gì. Nại
kêu sức đâu mà nói. Cháu ở đủ chỗ, làm đủ thứ, bác nghe thêm mệt.
"Hồi nghe cha cháu mất, bác đang kẹt xe thầu Câu lạc bộ
Hưng Đạo, không đi được".
"Ổng già còn ham đi ghe, phần số ổng nó vậy, nói chi nữa
bác. Ổng quá coi thường bão biển".
Nại bỗng chợt nhớ bật cười:
"Có hồi ổng chê súng Mỹ dở, bữa sau bị bắn què cẳng tức
thì".
Nại nói chuyện thấy sốt ruột, Khánh vẫn chưa về. Cúc và mấy đứa
nhỏ đi chợ mua đồ ăn về thấy Nại có vẻ ngạc nhiên. Mấy đứa nhỏ vòng tay chào Nại
thực lớn. Nại thấy Cúc mềm mại và khéo léo hơn trước. Trẻ vậy mà chồng chết thật
uổng cho Cúc quá. Nại ngẫm nghĩ, cố nhớ lại một điều gì thoáng qua trong đầu.
Cơn mưa bất ngờ rơi ngoài ngõ như bụi. Cúc nói:
"Lâu ngày mới gặp, anh ở lại ăn cơm trưa với chúng
tôi".
Nại ra nhà ngoài hỏi bọn nhỏ sao biết tên Nại mà kêu "Cậu
Nại" ồn ồn? Đứa nào nghe hỏi cũng sợ, giương mắt nhìn. Cúc cười tự phụ:
"Tụi nó lanh lắm. Tên mấy người quen nội, ngoại, chúng
nhớ hết".
Nại nhìn những đôi mắt thực trong thực sáng, kiếm cái tên của
một người đã chết đố chúng.
Chiếc xe ra khỏi ngõ. Mưa nhỏ vẫn có nắng trên cao. Chiếc xe
chạy ra lộ, ngược chiều về thành phố. Khánh nói nhiều về những người bạn, Khánh
muốn Nại nói theo, Nại chỉ cười cười. Khánh hỏi:
"Anh có nhiều bạn không? Anh có bạn gái không?"
Nại nói:
"Sức đâu mà kể, đứa sống đứa chết đủ cả. Giờ thì chẳng
còn ai".
"Anh buồn?"
"Ừ, buồn".
Nại nghe giọng mình như lúc chia tay Kim ở ngã ba đêm hôm trước.
Nhà hai bên đường thưa thớt dần. Những quán lá bán trái cây với những người trú
mưa. Qua con dốc chạy sâu hai bên đồi cao, đường rộng và vắng. Xe chạy chậm chậm.
Khánh ngả về phía trước kể chuyện dạy học và cười ngặt nghẽo. Khánh mới xin vào
làm giáo viên Ấp Tân Sinh. Nghỉ hè, Ty bắt tu nghiệp hai tháng. Giáo viên chỉ
có mấy người con gái còn đều là bà già và những người có bốn năm con. Địa điểm
tu nghiệp là một ngôi trường rộng vắng hoe, chỉ có chim sẻ và bông giấy sặc sỡ.
Mỗi buổi sáng bọn đàn bà con gái xếp hàng hai đứng trước những khóm hoa, nghiêm
trang nhắm mắt hướng về phía mặt trời hát quốc ca quấy quá. Khánh thường trốn
chào cờ, chui vào nhà người phu trường. "Em hãi những đường mồ hôi bò xuống
má phấn nhăn nheo của mấy bà". Hoặc Khánh nhận đánh trống để khỏi phải ra
sân. "Em trèo lên đứng trên bức tường ngang hiên, một tay che trán ngó ra,
một tay thủ sẵn chờ nện vô mặt trống". Khánh thở ra. "Mới có mấy hôm,
đạp xe đi muốn gãy giò". Nại nghe bật cười bảo Khánh:
"Em chuyên làm những chuyện kỳ cục. Thuở nhỏ thì tối
ngày bò chống hai tay phùng mồm ngậm ống thổi lửa, lớn lên thì trèo tường đánh
trống. Lạ đời thực đó chớ".
Khánh bấm lưng Nại:
"Còn anh dễ chừng đàng hoàng lắm?"
Nại cười lớn hơn:
"Anh còn kỳ cục hơn nhiều. Bữa nào ghé nhà anh chơi thì
biết".
Hơi thở Khánh sau lưng nghe rõ.
"Càng lớn càng thấy kẹt làm sao đó anh. Không ra con
nít, không ra người lớn".
Khánh cười lấp liếm. Những lúc dứt lời bộc lộ, Nại thấy Khánh
muốn lảng xa chuyện và lộ vẻ ân hận. Nửa Khánh muốn giấu giếm nói dối, nửa muốn
tâm sự theo hứng. Khánh thích nói tới những ngày má Khánh còn thầu ở Câu lạc bộ
Hưng Đạo sau những lúc buột miệng kể khổ. Có lúc Khánh như nép vào Nại chuyện
trò, có lúc đột nhiên xa xôi kiểu cách. Tiếng nói con gái, hương lạ da thịt bên
Nại như những bước chân hối hả không có hướng rõ rệt. Vẫn có điều gì thoáng qua
mà Nại không nhận rõ mặt, nắm lại được. Nại vẫn nghĩ gặp Khánh thật tình cờ.
Không hẳn từ cái dĩ vãng ngô nghê như cái cẳng ông già chê súng Mỹ dỡ ẹc. Không
do cái mái hiên với những tấm ván bóc dần, với chim chóc, với chiếc xương lá nằm
trong trí tưởng bỏ không hiện tại.
Qua một cây cầu, Khánh bảo Nại:
"Chừng nào về anh rẽ vô con đường tay trái về nhà mau
hơn. Lộn lại thành phố mất công. Đường đang làm nhưng đã dễ đi".
Trời tạnh mưa. Nắng giữ màu non. Con đường vắng chạy giữa những
vườn cây rậm rì. Khánh nói luôn miệng. Có lúc Khánh hỏi sao Nại chưa lấy vợ? Nại
hỏi chừng nào em gái lấy chồng, anh còn phải ngủ thực nhiều cho mập sau đó mới
tính được mọi chuyện. Khánh nói được nghe nhiều chuyện về Nại chẳng biết có
đúng không. Nại hỏi:
"Chuyện gì?"
Khánh bắt chước Nại:
"Sức đâu mà nói… Từ bữa biết chỗ ở của anh, gởi được một
lá thư, má em mong anh hoài".
Nại quay đầu lại:
"Em mong anh không?"
Khánh nép sau lưng Nại gật đầu:
"Mong".
"Thế thì bữa nào anh lên chơi?"
Vẫn cái gật đầu:
"Lên".
Tiếng Khánh kể chuyện hạnh phúc gia đình Cúc hồi người anh rể
Khánh chưa mất. Nại nghe lơ đãng với cảm giác một người con gái xinh đẹp nửa lạ
nửa quen vật vờ, dai dẳng, sau lưng. Nại bỗng dưng muốn rủ Khánh đi rõ xa rồi
hai người cưới nhau. Cưới nhau thường tình như một cặp trai gái tới tuổi. Cưới
nhau như an phận với chút dĩ vãng chẳng thể khước từ cũng chẳng thể gợi lại
toàn vẹn gây ít nhiều liên lạc với đời sống bây giờ. Nại hỏi Khánh:
"Có bao giờ em mong được đi xa?"
Khánh có vẻ nghĩ ngợi trước khi trả lời:
"Em muốn được đi nhiều như má em. Thích lắm anh. Nhưng
em không thích những ngày cuối cùng phải nằm hoài trên võng. Từ hồi bịnh, má em
ít vui với con cháu. Bả ưa nhắc tới mấy người hồi xưa để dỡ nghĩ tới bọn nhỏ ồn
ào. Dù bọn nó ngoan và vui như chim hót. Bả ngán mấy thứ quen tai quen mắt. Em
hết còn hiểu nổi má em".
Tiếng Khánh cười và nhiều đắn đo, dò hỏi:
"Cũng như em hết hiểu nổi anh. Anh hồi trước khác giờ
nhiều lắm".
Nại nhìn hàng bông trang đỏ tươi sau một hàng rào mới quét
vôi trên những cột xi măng. Khánh có vẻ thắc mắc về Nại ngay từ lúc mới bước vô
nhà. Khánh muốn gì Nại không hiểu nổi. Chắc chắn một điều Nại trong trí nhớ
Khánh nhỏ bé và đơn giản. Cũng như Nại đã nhớ về Khánh. Có bấy nhiêu thôi. Giờ
thì mỗi người như đắp nhiều lớp da thịt mới. Ở đó là tích luỹ người mệt mỏi thời
gian và leo lét chút xúc động tuổi nhỏ có những lúc bùng lên đột ngột như một
cái choàng tỉnh ngơ ngác vô ích.
Với chút xúc động ngơ ngác đó, sáng nay hai người sẽ dẫn nhau
đi được những đâu?
Nại nghĩ đáng lẽ không nên rủ Khánh tới nhà mới phải. Nếu
Khánh tới… Mái hiên, mảnh sân, chiếc ghế, cái cột tựa lưng, những thứ đó gợi
không khí quen thuộc của những người như Kim. Nại không muốn có ý nghĩ sau khi
dời Khánh.
"Kiếm một vườn cây nào vô ăn ít trái đi em?"
Nại nói. Khánh trỏ tay về một con đường đất đỏ bên tay trái.
Con đường hẹp nhiều ổ gà, xe phải chạy sát vào hàng rào. Qua một cây cầu hư phải
dắt xe, hai người vào một ngõ sâu có rãnh nước trong xanh dẫn vào vườn. Tiếng
chó sủa. Tiếng Khánh hỏi vọng vào. Tiếng cần kéo nước im đột ngột. Một ông già
ra đuổi chó. Khánh chào hỏi ông già bằng giọng quen. Nại dẫn xe dựa vào một gốc
bưởi. Lối đi vào nhà sát bên bờ mương tối. Khánh nói:
"Mình trốn mặt trời".
Ve sầu đậu đầy những cành cây trước sân. Một đứa trẻ mê mải
ngửa cổ với chiếc vợt bằng vải mùng đi vòng quanh một gốc cây. Mặt đất nện sạch
sẽ ở dưới lớp lá loã xoã, không ánh nắng. Khánh và Nại theo ông già ra sau nhà,
lượm giúp ông những trái rớt xuống rãnh. Hai người ăn trái cây ở một gian ngói,
quanh chiếc bàn tròn. Khánh bóc vỏ một trái đưa cho Nại. Nại nhìn những ngón
tay búp măng, móng đỏ, nhai vội mấy trái cây, thấy mình kỳ cục nghĩ tới cái mặt
trống da trâu. Nại hỏi:
"Sao thư viết cho anh, em nói trước kia, bây giờ chỉ có
anh là hiền?"
Khánh có vẻ ngượng, cúi đầu.
"Vì ai ở bên em cũng dữ hết. Không có ai thành thực".
"Anh thành thực tới đâu?"
Khánh thở ra:
"Biết được địa chỉ anh, em mừng quá viết bậy bạ. Giờ bắt
giải thích, mệt quá!"
Nại bật cười, thấy Khánh có vẻ giận.
"Xin lỗi Khánh. Anh hỏi chơi vậy thôi, không phải vì tò
mò".
Khánh thoáng chút ngơ ngẩn, bỏ quên Nại đối diện.
"Bây giờ, anh thực khó hiểu. Nói với anh, có khi phải giữ
lời".
Chắc Khánh vẫn còn giận nhưng Nại vẫn nói như hết lòng tin cậy:
"Anh nhiều lúc bất thường. Sống một mình mà lúc nào cũng
như múa rối. Những lúc thấy mình khó hiểu anh vẫn tự kết tội. Đầu óc nhiều lúc
chỉ còn là chỗ kết hợp những hình ảnh quái đản. Đêm qua, sáng nay, anh nghĩ
hoài về một cái xương lá. Cái xương không là căn nguyên đó có lúc anh lại nghĩ
là em. Thực vô lối. Cũng thực đáng sợ. Anh đã phải ghép cái hình ảnh có thực đó
với em để bớt thấy những thứ trong đầu mình hết còn liên quan tới đời sống. Chiếc
xương lá đó có thực mà. Không gặp em, chắc anh vẫn còn giữ lại nó. Còn nghĩ
hoài về nó. Nó sẽ ở trong đầu óc anh như một bức hoạ treo tường".
Khánh chăm chú nghe Nại. Nét mặt mỗi lúc một kinh ngạc, tới sợ
hãi. Nại không để ý. Nại đang như đêm qua cuộn tròn mình trong mền với cái lạnh
buốt từng đầu xương. Nại dứt lời, mỗi người ngẩn ngơ theo một suy nghĩ riêng. Nại
nhìn Khánh, muốn cầm hai bàn tay Khánh xin lỗi. Nại ân hận thực tình. Không ngờ
mình vẫn trẻ con tới thế. Nại chẳng khác gì Khánh. Cả hai đã lầm. Chẳng ai còn
là bạn nhỏ của ai. Lời bộc lộ dội trở lại tai mình như tiếng gọi tuyệt vọng một
đứa nhỏ mất tích. Nại lột vỏ một trái cây đưa cho Khánh. Khánh cầm ăn chểnh mảng.
Giọng Nại ngậm ngùi:
"Anh thực con nít".
Khánh như thuận miệng:
"Em cũng vậy".
Bỗng dưng cả hai nhìn nhau bật cười như vừa qua một trò chơi
ngớ ngẩn, kỳ cục. Trời lại đổ mưa nhẹ. Nại bỗng bảo Khánh:
"Còn sớm, hay là anh chở em về cho biết nhà?"
Khánh nhìn Nại rồi lắc đầu nhỏ giọng:
"Không được đâu anh".
Nại hỏi:
"Sao không được?"
Khánh có vẻ thẹn không thực:
"Bữa nay em mắc có cái hẹn với mấy đứa bạn. Bọn nó đang
chờ ở nhà. Chúng hẹn phải có mặt trước mười hai giờ để đi chơi núi".
"Mười hai giờ còn đi chơi núi".
"Có xe hơi của mấy ảnh tới đón".
Nại nhìn Khánh không hiểu.
"Chị Cúc nói trưa về nhà ăn cơm. Em có ăn ở nhà không?"
Khánh ngập ngừng:
"Anh về ăn với má em và chị Cúc trước đi. Đã lỡ hẹn, thất
hứa kỳ quá. Em đi độ một hai giờ rồi về liền. Gắng chờ em nghe".
Nại bực mình im lặng. Khánh hỏi:
"Anh giận em đó sao?"
Nại lắc đầu cười mơ hồ. Nại không tin Khánh có người mang xe
hơi tới đón đi chơi. Khánh như vẫn có những gắng gượng để che chở cho thực tại.
Đã không tìm được ở Nại nỗi thông hiểu an ủi, Khánh muốn né cái nhìn của Nại. Nại
ôn tồn:
"Lâu ngày mới gặp lại anh, bỏ một cái hẹn không ăn nhằm
gì".
Khánh có vẻ ngơ ngẩn nhưng lấy lại ngay vẻ cương quyết:
"Em biết vậy là mắc lỗi với anh. Nhưng lỡ hẹn, vắng mặt
không được. Em về liền mà".
Nại yên lặng nhìn Khánh muốn Khánh hiểu Nại không bị lừa và Nại
thực buồn cho Khánh. Không có ngôn ngữ nào để gỡ cho Khánh nữa. Càng nói, Khánh
càng chống trả, càng có trớn nương thêu dệt của mình. Nhìn Khánh, Nại biết
Khánh chưa hề muốn chia tay. Dù giáp mặt chỉ là nỗi bất ngờ nhận ra những điều
lầm lẫn của mỗi người. Khánh chưa muốn chia tay. Nại lặp lại. Nhưng cũng chẳng
còn gì để giữ lại. Nại nói thêm mấy câu, Khánh như người tự mê hoặc, lời từ chối
thêm nỗi tha thiết với những bày đặt vừa có.
Nại kêu ông già trả tiền, lấy thêm ít trái cây mang về cho bọn
nhỏ rồi dắt xe ra ngõ. Khánh đi bên Nại lộ vẻ bứt rứt, ân hận. Nại muốn la lớn:
"Sao đóng kịch cả với anh, Khánh?", nhưng hiểu mình còn sáng suốt và
bình tĩnh. Nỗi sáng suốt bình tĩnh như một cái nhìn thực sáng thực buồn nỗi vô
lý trước mặt. Không còn gì cản được Khánh trôi nổi và cuốn theo dòng ảo tưởng
muốn tạo cho người khác. Thôi Khánh cứ đi và tới chỗ hẹn của em.
Chiếc xe chạy mau trở về. Khánh chốc chốc lặp lại: "Anh
về ăn cơm trước. Em đi chỉ độ một hai giờ". Giọng nói vẫn trong như tiếng
cười giòn đột ngột giữa rừng cây. Con đường vẫn vắng, vẫn những con chim bay vù
lên không tránh xe, Khánh cất giọng kể chuyện những người bạn với vẻ thích thú.
Những buổi dạ vũ. Những buổi đi chơi ngoài trời. Những người thanh niên đam mê,
mã thượng, những bê bối nhiều cá tính. Nại nghe lơ đãng. Người con gái sinh ra
để sống diêm dúa. Dù với những tấm áo bằng giấy màu chẳng đủ để che lạnh một
đêm. Điệu múa huy hoàng của Khánh ở những cánh tay giả. Nếu Khánh có một người
con trai khác để kể chuyện, liệu Nại có được nói tới cùng cái xương lá của
mình? Mẩu cổ tích dị kỳ như bắt nguồn từ chỗ quá khổ, quá nghèo nàn. Về tới con
dốc vào quận, Khánh kêu:
"Em xuống đây".
Nại dừng xe nhìn quanh:
"Nhà bạn em đâu?"
Khánh trỏ bâng quơ bên kia ngọn đồi:
"Phía đó".
Nại buột miệng:
"Phía đó cũng có người ở?"
Khánh gật nhảy xuống.
"Thôi anh về. Ăn cơm trước với má em nghe".
Nại bỗng nói:
"Đi mau rồi về. Anh chờ ở nhà".
Chiếc xe vượt lên cao. Tiếng guốc cao gót gõ dưới mặt đá chân
dốc. Lời Nại như một vỗ về khờ khạo, như lời an ủi của đứa nhỏ. Nại đành chịu
đóng vai người bị gạt. Thôi Khánh cứ đi tới chỗ hẹn của em.
Ăn cơm xong, Cúc mới cho bọn trẻ ăn trái cây. Nại ra sau nhà
nói chuyện với má Khánh. Trời mưa dai dẳng che mờ ô kính trên mái ngói. Má
Khánh nói ở đây giờ chỉ còn gia đình bà và Nại, Nại lên lui tới cho vui. Nại
"Dạ, dạ" cầm chừng. Bà hỏi đi chơi những đâu? Nại nói tới vườn trái
cây rồi về.
"Không ngờ ở đây cảnh đẹp quá bác".
Cúc dọn vườn, má Khánh giục Nại đi nằm nghỉ cho đỡ mệt.
"Chờ ngớt mưa cháu phải về".
"Trời này có khi mưa tới chiều. Cứ đi nằm nghỉ chừng nào
ngớt mưa bác kêu".
Nại nằm nghe mưa thấy mỏi nhiều hơn buồn ngủ. Trời hè nhưng
gió có hơi nước thổi vào thấy lạnh. Nại ngước lên tấm rua màu che cửa bay lất
phất nghĩ tới một bầu trời xa và yên tịnh. Nại thiếp ngủ thấy Khánh tay cầm áo
mưa bước ngược lên con dốc ướt. Lúc tỉnh ngủ, Nại thấy xung quanh thực im lặng.
Bà già, Cúc và bọn trẻ đều nằm ngủ. Nại ngước lên gặp tấm rua màu bỗng muốn dời
ngay đây mà đi. Nại nhỏm dậy, mở cửa nhìn ra ngõ tránh làm kinh động mọi người.
Những mái hiên nước giỏ giọt và khoảng tối hút gió phía trong. Cả quận như đang
ngủ. Tiếng xe ầm ì ngoài lộ, đứt quãng. Nại quay vào, nằm trở lại nghĩ tới con
đường về nhà. Qua ngả thành phố hay đi thẳng con đường đang làm? Tiếng đồng hồ ở
nhà bên cạnh gõ hai giờ. Nại trở lại trạng thái mơ màng trước giấc ngủ. Có tiếng
trẻ cười giỡn và tiếng Cúc nạt con. Nại giật mình thấy đã hơn ba giờ. Nại ra
sau rửa mặt, mặc quần áo.
"Trời này có khi mưa tới đêm. Xin phép bác cháu về".
Nại nói. Má Khánh quay mặt xuống võng:
"Ờ thôi cháu về. Tuần sau nhớ lên với bác với mấy em cho
vui. Con Khánh giờ này sao chưa về kìa?"
"Chắc mắc mưa giữa đường".
Nại nói vu vơ. Lúc Nại ra khỏi nhà, Cúc bắt bọn nhỏ đứng
thành hàng sau cửa vòng tay chào "Cậu về". Nại cười bảo Cúc:
"Chừng nào tôi có được căn nhà chứa đủ má con chị để mời
lên chơi?"
Tiếng Cúc và bọn trẻ cười theo phía sau. Khánh vẫn chưa về,
không lẽ Khánh có hẹn thực sự? Có hẹn, chắc Khánh cũng đã về. Nại cho xe chạy
chậm chậm, khó hiểu. Những đường phố trong quận quanh quẩn, chật chội. Nại cho
xe chạy cùng khắp. Những người thành phố về chơi mua trái cây đã đi từ hồi nào.
Chợ và đường phố vắng vẻ. Nại thử nhớ lại Khánh buổi sáng, chỉ thấy những lối
đi vắng người và những vườn cây rậm rì. Khánh đã không hiểu Nại lần lữa ở lại
như một lời an ủi. Khánh không về, sao thế? Dù sao trước khi dời đây, Nại cũng
muốn thấy lại Khánh. Nại không tìm kiếm hoặc có ý ham thích quay về những ngày
đã qua nhưng không thể làm ngơ khi nghe tiếng gọi của tuổi nhỏ. Nại muốn đột ngột
thấy Khánh ở một cửa tiệm, một góc phố, một bờ đường. Rồi về và không bao giờ
nghĩ tới việc trở lại.
Xe chạy ra đường lớn. Những quán bán trái cây bỏ không. Mưa
mù mù khoảng rộng đằng xa. Tất cả đều yên tịnh như bầu trời Nại mong ước. Nại
liếm những giọt nước trên môi. Con đường tắt về nhà qua những vườn cây, những
cánh đồng tự dưng quyến rũ. Nại nhẹ nhõm cảm giác đi sâu vào vùng mưa mù một
mình. Tới gần con dốc, Nại cho xe chạy chậm lại. Nại để ý nhìn hai bên đường.
Con dốc lọt sâu hai bên đồi có những cây dại thân óng ánh dẫn nước. Sau đồi,
mãi về phía cánh đồng, rải rác vài căn nhà lá mờ mờ hơi nước. Nại cho xe xuống
dốc, nghĩ tới cánh đồng mái hiên nhiều chim sẻ tránh mưa, ngôi miễu, những nền
nhà hoang rải hoa sầu đông, tới Kim, tới Khánh. Tất cả chỉ còn khoảng mưa mù
trước mặt. Thôi anh về, em gái.
1/1/2001 Sưu tầm
1/1/2001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét