Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

Làng Cát

Làng Cát

Biển rời đi để lại độn cát ngút ngàn hay là trầm tích của các trận mưa lũ dồn dập dài ngày, để lại trên mảnh đất quê tôi một màu trắng xám bạc màu. Cây cỏ lúp xúp nhược tiểu không đủ sức vươn lên với trời cao đất rộng. Có phải thế chăng mà con người cũng cần cù chân chất an phận trong ngôi làng, sinh lão bệnh tử cùng Cát, ước mơ cùng Cát… Bởi vậy có những đời cát bị gió cuốn phiêu bạc tha phương, tránh ngọn gió Lào khô khốc, tránh mùa mưa “đặc sản” trắng trời Thừa Thiên…
Làng Cát nằm bên cửa Lác, nơi cuối nguồn của hai dòng hợp lưu sông Bồ và sông Ô Lâu trước khi hòa vào phá Tam Giang huyền thoại. Nơi đây buổi hoàng hôn mang cái buồn màn mác của câu thơ đường “… Yên ba Giang thượng sử nhân sầu. Nắng chiều buông xuống mặt nước khoác lên không gian màu tím bảng lảng sương khói, sân chim Quảng Thái mờ ảo trong màu xanh rừng ngập mặn mang bóng dáng của sông nước nam bộ, ám ảnh người chơi ảnh thiên nhiên. Vẽ đẹp ấy tự nhiên, tĩnh lặng trong bản phối vô tình của tạo hoá.
Phong lai thượng, Phong lai hạ, thượng hạ phong lai công tác nghệ… Tương truyền đó là chiếu chỉ vua ban xuống để phân định việc sinh sống khai thác trên phá Tam Giang của Làng cát qua sự kiện tranh chấp với làng Đông tây Thế Chí phía bên kia bờ phá”. Đông tây Thế Chí khẩn vi điền“. Một vị vua triều Nguyễn đã an dân bằng sự quan sát tinh tế về thiên thời địa lợi của thiên hạ rất công bằng và sáng suốt. Làng Phong Lai đánh bắt, làng Thế Chí canh tác ruộng đất, ai làng nào làm việc ấy.
Thời xa xưa là vậy, sau này hai làng hòa hợp không phân biệt, sống chan hòa trên mặt nước cũng như đồng ruộng bên ni bên tê. Làng Phong Lai dựa vào độn cát ra tới đường cái quan, từ đường cái quan xuống bờ phá là làng Lai Hà, phải chăng trước kia là Phong Lai hạ? Tên thượng hạ không biết bỏ đi lúc nào, giờ chỉ có tên duy nhất là làng Phong Lai. Thế mới biết từng câu hỏi là từng câu chuyện cần tìm hiểu về gốc gác địa lý một vùng quê.
… Quê hương tôi nước mặn đồng chua…
Xứ cát bạc màu đất đai, nông dân một nắng hai sương chắc chịu hạt lúa, đất cũng chẳng có gì để cho. Mồ hôi của bao đời đổ xuống đây mà vẫn cứ lấp lánh váng phèn sau lát cuốc lật lên. Khoai sắn chăm bẵm như nuôi con thiếu sữa cũng chỉ cho một thứ tinh bột bần hàn ngày giáp hạt. Rong rều Tam Giang làm phân xanh không cho thêm nhiều màu mỡ chỉ đủ làm dịu sự khô khan của đất.
Trên độn cát là nghĩa địa chôn cất mồ mã nhiều đời, hình như tổ tiên ban lại ân huệ cho con cháu làm của hồi môn. Giữa độn cát trắng khô khan này trồng được một loại cây cho mùi vị đặc biệt, lâu nay được xem như đặc sản truyền thống của làng. Cây thuốc lá !
– Thuốc lá Phong Lai – Khoai lang Thế Chí. Câu nói truyền khẩu của người TT Huế đã minh định sản vật của làng, quà tặng khiêm nhường của cát.
Trồng được cây thuốc lá trên độn cát không là điều đơn giản. Cây thuốc lá cần độ ẩm cần phân bón,phân bón hữu cơ mới cho mùi vị truyền thống, bón phân hóa học thuốc sẽ nhạt không đượm khói. Trước khi trồng người ta phải đào một cái ao đủ sâu để có nước tưới, đất làm vồng, phân trâu,bò ủ rơm bón lót, vất vả nhất là việc ra ngoài phá lặn lấy rong rều đưa vào độn ủ quanh cây thuốc để giữ ẩm đất. Hàng ngày từ sáng sớm, người trồng đã mang gàu lên độn khi mặt trời chưa ló dạng để tưới nước, sau đó kịp về đồng lo chuyện đồng án. Khi cây thuốc lớn còn phải thường xuyên thăm nom bắt sâu hại lá, lá thuốc bị sâu ăn thủng cũng không được người mua vừa ý. Lá thuốc đến ngày thu hoạch to như lá chuối nước, tuần tự hái lá thừ dưới lên, nhánh nhất, nhánh nhì... cho đến khi cây hết sinh trưởng, mỗi nhánh theo thứ tự có giá bán khác nhau. Thường thường lá nhánh nhất nhánh nhì mới đem bán, còn các nhánh còn lại để người trồng sử dụng. Đa số người làng đàn ông đàn bà ai cũng hút. Lá thuốc hái về xâu từng xâu đem hong cho héo rồi đem vào nhà treo trên đòn tay để khô theo thời gian chớ không phơi ngoài nắng sẽ bay hết mùi thơm…
Ngày trước mạ tôi là một trong những người thu mua thuốc lá trong làng, có lúc người ta đến nhà lấy, có lúc mang về chợ Sịa (chợ huyện) bán cho thương lái. Mùa thuốc lá thường cuối tháng ba âm lịch. Mỗi lần Mạ đi chợ Sịa anh em tôi nôn nóng chờ mạ về với gói kẹo đậu phộng gói kẹo Cau, thỉnh thoảng được gói kẹo mè sững Song Hỷ thì vui mừng khôn tả. Cho đến bây giờ nghĩ đến vẫn như còn nghe vị ngọt trên môi…
Đặc sản làng tôi say nồng vậy đó. Người thưởng thức thả khói về trời, lâng lâng sảng khoái, có nghe không giọt mồ hôi mặn hạt, có hình dung sương mai, nắng rát trên vai người cần mẫn?. Cám ơn rơm rạ,phân tro, cám ơn rong rều Tam Giang đã nuôi một loài cây đã lưu tên làng xóm giữa xứ cát vô danh. Có những điều sẽ phôi phai sẽ mất đi… Thuốc lá làng hôm nay không còn xanh um thẳng hàng trên độn cát. Sản vật một thời lùi vào dĩ vãng và mai này ai còn nhớ đến không?.
30/10/2022
Văn Luân
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...