Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất: Nâng văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới

75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần
thứ Nhất: Nâng văn hóa dân tộc
lên một tầm cao mới

Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 24.11.2021 – đúng vào ngày mà 75 năm trước đã diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất (24.11.1946) tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) với câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thách thức do chế độ thực dân phong kiến để lại: Sản xuất đình đốn, nạn đói hoành hành, gần 2 triệu người chết đói, hơn 90% dân số mù chữ, tài chính quốc gia trống rỗng, giặc ngoại xâm lăm le… Trước tình hình đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nâng văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới.
Văn hóa không tách khỏi sự nghiệp cách mạng. Quán triệt tư tưởng của Đề cương văn hóa, Người đề ra khẩu hiệu: “Kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến”. Cả 3 thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm đều nguy hiểm như nhau và nhiệm vụ của người cộng sản là phải tiêu diệt cả 3 thứ giặc đó. Người đề nghị mở ngay chiến dịch chống giặc đói, giặc dốt.
Ngày 7.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự khai mạc Triển lãm Tuần Văn hóa tại Khai Trí Tiến Đức
Người nói: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo”. Người coi dốt nát cũng là một thứ giặc: “Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm. Địch dốt nát tấn công ta về tinh thần, cũng như địch ngoại xâm tấn công ta bằng vũ lực…”, mà “Dốt thì dại, dại thì hèn”. Vì thế, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.
Giữa lúc bộn bề công việc, ngày 7.10.1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian đến dự Triển lãm Văn hóa và có lời phát biểu trong lễ khai mạc trang trọng, đề cao sức mạnh văn hóa: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có 4 vấn đề cần phải chú ý đến, cùng phải coi là quan trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng; những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện để phát triển được”.
Bìa trước và sau của tờ rơi Thể lệ Triển lãm và dự kiến Hội nghị Tranh luận về Hội họa năm 1951
Sức lan tỏa từ Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất
Năm 1946, tình thế cách mạng Việt Nam như “ngàn cân treo sợi tóc”, thực dân Pháp gây hấn, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất vẫn được tổ chức tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) trong 1 ngày – 24.11.1946 (rút ngắn thời gian so với dự kiến ban đầu). Hơn 200 đại biểu là các nhà hoạt động văn hóa trên toàn quốc và đại diện Chính phủ, Quốc hội tham dự hội nghị đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Do tình thế quân sự khẩn trương ở Hải Phòng và Hà Nội, Hội nghị chỉ họp trong ngày trước khi rời Hà Nội, lên Việt Bắc chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sức mạnh của văn hóa: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Người chỉ rõ: “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương mà chung đúc lại. Vì thế, để tạo ra nền văn hóa Việt Nam, cần phải lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”.
Đồng thời, Người nêu nhiệm vụ của nền văn hóa mới là “phục vụ sự nghiệp đấu tranh của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân”. Nền văn hóa mới phải kế thừa những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống và mang những tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Người kêu gọi các nhà văn hóa Việt Nam “Hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng”. Người nói: “Nhi đồng Việt Nam đã tiến bộ nhiều về văn hóa. Cứ xem khi có công việc gì thích hợp để làm, các em đã làm rất tài tình. Ví dụ như cần tuyên truyền đời sống mới, cần chống nạn mù chữ, các em diễn được ngay những vở kịch ngắn, vui mà khéo biết bao!”.
Hội nghị lần thứ nhất đã đặt cơ sở cho việc xây dựng nền văn hóa mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Xem thói quen và những truyền thống lạc hậu là một loại kẻ thù, năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đời sống mới, phát động phong trào Đời sống mới, xây dựng và phát triển những thuần phong, mỹ tục mới trong nhân dân; mỗi ngành, mỗi giới đều có phong trào riêng của mình. Người đã có cách nhìn biện chứng, sâu sắc về mối quan hệ giữa cái “cũ” và cái “mới” trong xây dựng đời sống mới: “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý… Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm… Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”.
Từ 16 đến 20.7.1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai diễn ra tại Phú Thọ, phát huy tiềm năng sức mạnh nội sinh của văn hóa, thực hiện “Văn hóa hóa kháng chiến”, “Kháng chiến hóa văn hóa”. Các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương chủ trì Hội nghị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng Đại hội. Toàn văn bức thư của Người đã được đọc trân trọng tại lễ khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai vào sáng ngày 16.7.1948. Người động viên và kêu gọi tri thức, các nhà hoạt động văn hóa văn nghệ tích cực tham gia đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, trong phong trào thi đua ái quốc của toàn dân tộc và nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần quan trọng… Song từ nay trở đi chúng ta cần phải xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân”.
Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ của văn hóa là “chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của nhân dân, mà còn phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới biết. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”.
Ngày 18.7.1948, Tổng Bí thư Trường Chinh đã trình bày báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”, hướng tới xây dựng một nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam hội đủ 3 tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng…”. Đây là một văn kiện hoàn chỉnh đầu tiên của Đảng ta về trí thức và văn hóa văn nghệ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Văn nghệ là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa
Ðảng ta đã rất quan tâm văn học nghệ thuật, coi văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Cũng giai đoạn này, tại Chiến khu Việt Bắc, cùng với việc phải lo cho kháng chiến toàn quốc, Trung ương Ðảng đã nghĩ đến việc cần tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ. Xác định văn học nghệ thuật là lĩnh vực tinh tế của văn hóa, từ ngày 23 đến 25.7.1948, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại làng Dộc Phát, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Ngày 25.7.1948, Hội Văn nghệ Việt Nam chính thức được thành lập. Hội Văn nghệ Việt Nam là sự tiếp nối Hội Văn hóa cứu quốc và là tiền thân của Ủy ban Toàn quốc các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Sau Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất, 4.1949 Hội nghị Văn nghệ Quân đội lần thứ nhất khai mạc tại Việt Bắc. Hội nghị đã xây dựng nền móng cho phong trào văn nghệ quân đội, thành lập Ban văn nghệ quân đội. Từ đó, phong trào văn nghệ quân đội trở thành một tổ chức lan rộng trong toàn quốc. Lực lượng văn nghệ quân đội trưởng thành về đội ngũ và tác phẩm. Văn nghệ sĩ quân đội hưởng ứng khẩu hiệu “cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt” đã nhanh chóng bồi đắp vốn sống bằng những chuyến đi theo chiến dịch cùng bộ đội.
Tại Việt Bắc từ ngày 25 đến 28.9.1949 đã diễn ra Hội nghị Tranh luận văn nghệ Việt Bắc. Đây là hội nghị học tập, cải tạo tư tưởng, bồi dưỡng nghiệp vụ về văn nghệ phục vụ kháng chiến… Sau hội nghị này xuất hiện phong trào văn nghệ sĩ đầu quân làm công tác văn nghệ trong quân đội và sáng tác, biểu diễn phục vụ chiến trường, tạo ra nền văn nghệ kháng chiến chống Pháp.
Ðại hội Văn nghệ toàn quốc lần II diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 20 đến 23.2.1957. Ðại hội đã nhận định tình hình, khẳng định thành tích và đề ra những nhiệm vụ mới cho văn nghệ ở cả 2 miền. Tại lễ bế mạc Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần II, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Tôi lấy danh nghĩa một người yêu chuộng văn nghệ xin chúc mừng Đại hội Văn nghệ thành công”. Kết thúc bài nói chuyện, Người nói: “Phần trước tôi đã đứng về địa vị một người yêu chuộng văn nghệ mà nói. Bây giờ đứng về địa vị một người chính trị, tôi xin hứa rằng Trung ương Đảng và Chính phủ sẽ cố gắng trong khả năng của mình giúp đỡ văn nghệ tiến lên”.
Tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần III, ngày 1.12.1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu: “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật, những người mới, việc mới chẳng những làm gương cho chúng ta ngày nay, mà còn giáo dục con cháu ta đời sau…”.
Nhân dân ta kế thừa, phát triển và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hóa mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đất nước và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đưa đất nước vững bước trong xu thế phát triển của nhân loại tiến bộ. Đó là sức mạnh hiện thực của văn hóa Việt Nam.
PGS-TS LÊ THỊ BÍCH HỒNG
 
Hà Nội, 11/9/2021
Lại Nguyên Ân
Nguồn: Văn nghệ số 51/2021
Theo https://vanvn.vn/
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...