Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Bất khả thuyết đười ươi: Giải tiếp nhận Thích Nhất Hạnh qua "Nẻo về của ý"

Bất khả thuyết đười ươi: Giải tiếp nhận
Thích Nhất Hạnh qua "Nẻo về của ý"

Thế nào bất khả thuyết, thế nào đười ươi? Lấy đười ươi lập thành thể tính, tức là tái kiến ngữ ngôn tri nhận, bấy giờ thuyết thành ra bất khả. Lối tịnh khẩu tiếp nhận. Nhận thể như xổ tung sự tiếp, làm cho gặp gỡ kỳ cùng, tiếp liên thuần túy. Lấy tư thế đó gặp gỡ Nhất Hạnh ở Phương Bối, trong “Nẻo về của ý”, lập thành một cách thế tiếp nhận ý hướng. Đưa ý hướng trở thành ý thể, rồi siêu ý thể, đây chính là phương pháp tiến hành mà cũng là đối tượng tiến hành. Nói khác, ta phá hủy diễn trình trực quan bản chất. Quan điểm này phủ quyết điều đưa lại của việc tiếp nhận, nhờ đó tiếp nhận trong cách thế người trở thành tiếp nhận trong cách thế phi-người (tạm gọi đười ươi). Một khi ta phá vỡ cầu tiếp liên ý hướng cũng là khi ta tái kết nhịp cầu đười ươi. Bấy giờ, mấy lời hàm hồ này có thể xác lập vấn đề giải tiếp nhận, bởi vì tiếp không phải để nhận bất cứ gì.
Thiền sư – nhà thơ Thích Nhất Hạnh
1. Gửi đười ươi thương mến!
Mở đầu hay đè đầu ra để mở, sao cũng được! Đười ươi tôi đang làm cái gì đây, đười ươi bạn đang làm cái gì đây? Bạn vô tình buộc phải hoặc duyên do may rủi đẩy đưa, bạn đọc được bài này, trách nhiệm hoặc duyên trời gió lộng thổi mát ngẫu nhĩ cuộc đời, bạn đã lướt qua bao nhiêu bóng hình trên nẻo dòng cuộc sống luân chuyển luôn luôn, bạn có biết được không, bạn có biết bạn đang làm gì không? Đười ươi tôi hẹn bạn ở Phương Bối am, trên rừng núi Đại Lão. Vì tất cả chúng ta đều trở về Phương Bối, rồi tất cả chúng ta sẽ quay lại Phương Bối. Vì sao chứ! Giản đơn, tất cả chúng ta đều thuộc về Phương Bối, tất cả giả nhân, đười ươi, vượn người, tinh tinh, khỉ đột, đầu chó, bạc má, đít đỏ, titi đuôi hường, mura đầu bông, popa cái bang, saki điệu đà, … hay Strepsitthini, Cercopithecoidea, Homo sapiens, Hominoidea, Haplorhini, Tarsiidae, Anthropoidea, Pongo, Platyrrhini, Catarrhini, Hylobatidae, Hominidae, Hominini, Homininae, Gorillini, … cho tới khỉ biết ho cò biết gáy, chó phải ăn đá gà phải ăn muối, hết thẩy đều thuộc về một Phương Bối toàn hiện chánh đẳng chánh giác. Bởi vậy, chuyện Phương Bối không thể là chuyện gì khác ngoài những lời chân như ảo tưởng. Biết sự thể đười ươi chỉ có thể chân như ảo tưởng, tức là đã thoát ra ảo tưởng chân như của kiếp phận đười ươi. Nam Mô đười ươi ảo tưởng chân như, lấy cái cớ đó bước tới Phương Bối am, có thể may ra thoát được nguy cơ đánh rơi thân tâm, té ngã thần trí xuống vực thẳm âm u của núi rừng Đại Lão một khi ai đó muốn dời bước trở về Phương Bối. Lời này, có thể gửi thượng đẳng trí thức, có thể nhắn toàn giác hàn lâm, có thể nhủ thượng thừa học giả, làm ơn cởi truồng ra, gửi lại đường quốc lộ Bảo Lộc, trả lại hình hài người vay mượn bởi văn minh khoa học tráo trở, để cho hình hài nguyên vẹn trần gian, lấy bằng ấy thôi trở về Phương Bối, lập thành cách thế tiếp nhận. Và xin đừng khuân vác hàn lâm, trí giả trí tri cách vật, trí thức trí tỉnh trí mê trí mù, vẩn nhơ Phương Bối và đồi trà. Nếu được vậy thì kẻ hèn lấy làm cảm tạ lắm lắm! Mấy lời rồi, bày tỏ bụng dạ đười ươi tôi, nhắn gửi đười ươi người, trong cuộc truy vấn hoang đường đang diễn ra qua mấy mớ chữ nghĩa hàm hồ này!
Kỳ đười ươi ngộ nam mô
Bối phương đảo lại điên rồ trổ bông
Hường phôi phai nữa mai hồng
Lão kia vẫn đại còn không vượn người !
2. Tiếp rồi Nhận, rồi Giải tiếp nhận từng chút đười ươi!
Ta bà toàn giác
Dù gì đi chăng nữa đười ươi cũng nhận Phương Bối am và núi rừng Đại Lão là mái nhà nguyên thủy. Cũng giống như bao con đười ươi bôn ba khắp bốn phương trời, mang những vết thương rướm máu quay về Phương Bối để hàn gắn – cứu chuộc – chữa chạy – bồi bổ lại phần hao hụt – mòn ruỗng – phôi phai – bay màu qua mưa nắng gầm thét phố thị và thời vận. Hẳn mỗi con đười ươi sẽ tự có một Phương Bối am cho riêng mình, mà kỳ thực như Nguyên Hưng từng nói, mỗi con đười ươi đều thuộc về Phương Bối. Chỉ có một Phương Bối duy nhất mang nét đẹp dữ dội khốc liệt huyền bí của rừng thiêng Đại Lão ngày ngày mưa gầm thác đổ. Vẻ u mị hoang tịch huyền thoại của thượng cổ bình minh, cho nên đã có kẻ rắp tâm muốn lột truồng áo quần, để thân không trơ trọi chạy vào trong rừng đại lão nguyên thủy, trở lại làm loài linh trưởng thức giấc bình nguyên và hoang vu như ấu thơ nhân loại. Lột bỏ quần áo bước vào rừng thiêng Đại Lão cầm bằng như trở về buổi hồng hoang của tỉnh thức, giây phút xán lán mênh mông bất khả nghĩ tưởng, ngay trong cực tiểu ban đầu, mà như vậy thì cũng tức là hoàn toàn thuần túy hiện tại. Thuần túy bây giờ, ngay bây giờ, ngay giây phút bây giờ, ngay khoảnh khắc của sự thể bây giờ đương nhiên hiển hiện. Ta bà hiện tại, ta bà toàn giác.
Niềm cô đơn bản chất
Đười ươi tôi, đười người người, đười ươi làm tha thể, đười ươi làm ngã, đười ươi là chấp, đười ươi là tri giác điên đảo thần trí, che mờ chân tâm, dẫu gì đười ươi cũng không thể nói gì, chỉ có thể réo gọi hồi cố, nên chăng rất ưa thích gửi gắm, nhắc nhớ. Đười ươi nhớ nhung, kể lể những chuyện lòng rất khẽ, bằng giọng hài rất hòa, bằng lời hiền rất hậu. Chất giọng và lời lẽ đười ươi, gửi về tha nhân, nhắn với tha thể, nói những chuyện thế thể (thế tính / worldhood). Mô Phật đười ươi, con đười ươi câm nín tịnh khẩu. “Nguyên Hưng, không phải tôi chỉ nghe tiếng gọi mầu nhiệm kia trong lúc trăng và rừng nói chuyện hay trong những cơn mưa lớn đầu mùa. Tôi lại còn nghe tiếng gọi ấy vào những buổi trưa rất là im lặng nữa” (Thich, 1967, p.64). Bất khả thuyết tiếng gọi mầu nhiệm nên đười ươi chỉ nghe mà rồi ứng để cảm thấy được, chẳng khác gì gieo vào lồng ngực mình và tâm trí nữa, gieo và cảm thức một hạt giống, cho hạt giống kia nảy mầm trên thời khắc của hiện tại, để cắm rễ truyền chuyển rồi kết nối lại với muôn vàn hiện tại (tức là siêu hiện tại, vô lượng hằng hà hiện tại, vô cực hạn thời không hiện tại của đười ươi). Có lẽ vậy nên đười ươi không lột mà rồi tả, con giả nhân hồng hoang thế giới chỉ ví von. Lối so sánh rất nguyên sơ của hài nhi lão tổ, ví buổi trưa buồn như thi ca, hoặc buổi trưa trên quê hương xứ sở của ta buồn như hình dung viễn khách qua xóm vắng. Nỗi buồn đười ươi và trưa nồng làm chúng sinh có nhớ lại tiếng vọng Pháp quốc với nỗi niềm cô lẻ căn cơ (Essential Solitude) của Blanchot (Blanchot, 1982, pp.21-22), buồn hơn cả buồn chết, buồn hơn cả buồn người, buồn hơn cả buồn đời, buồn tức chính là người. Sự thể đười ươi khi mà cảm ứng hiện tại màu nhiệm lập tức biến thành sự thể hiện tại của hồng hoang thiên địa. Bàn chân đười ươi lúc bấy giờ, bước một bước đầu tiên, bước một bước muôn đời.
Nhiệt hạch hay phân hạch
Những con chữ ‘nẻo về của ý’ mới ngay ngắn đẹp đẽ làm sao! Không biết trong cửa thiền, đười ươi lấy duyên cớ gì thường hay họa chữ rất to, vẽ những chữ vàng vạnh, tròn trịa nhìn mà phát thích, ngó mà phát thèm, những muốn cắn từng chữ thuần khiết tinh khôi. Mấy chữ đó có khác gì búp trà lá nõn rất mượt, những muốn đưa tay với, ngắt ngọt búp trà còn mướt sương. Có lẽ đó là cái ngã chấp chới trong việc ngã hữu, thôi thì vẫn ôm phận đười ươi cơ mà! Cam tâm làm đười ươi hèn mọn, hái từng búp trà chữ, để thưởng thức vẻ ngọt lành ban mai của từng chữ bình minh. Từng con chữ có làm đười ươi bạn cảm thấu vẻ đường hoàng bình dị mà rất ư dõng mãnh hiên ngang, vẻ uy hùng lặng lẽ của ánh mắt vô lượng và điệu cười thâm trầm, thanh tẩy bởn nhơ dính dấp thân tâm. Từng chữ một, từng búp trà nhỏ, kỳ thực gồm chứa dòng năng lượng kinh hoàng như vậy. Cho những ai tiếp rồi nhận, nhận rồi ứng, ứng rồi cảm, cảm rồi phát tỏa tinh anh bất hủ dồn lại làm thành hồi ứng và phản ứng, lập thành nhiệt hạch rồi phân hạch. Ôi má con đười ươi, không thể nghĩ tưởng, đươi ươi hột nhân phát tỏa năng lượng kinh thiên động địa, làm lay chuyển cả những hóc đá âm u Đại Lão, làm kinh ngạc cả loài hữu tình hữu sinh đến những giống vô tình vô giới, ù lì nằm đâu đó dọc đường bước tới đồi trà. Ôi tía con đười ươi, không thể nghĩ tưởng mà thuyết nổi những lời vang động ấy. Chợt như thấy đười ươi trổ ra lông lá nguyên thủy, nghe hiểu cả muôn vàn vô lượng ngữ ngôn của vạn vật muôn loài. Đười ươi tôi với vạn vật muôn loài, đâu có khác giống, kỳ thực đâu có giống loài để khác. Chỉ có hằng hà màu nhiệm của sự thể đối ứng, lập thành đây với đó, lập thành này với kia, lập thành ngày với đêm, lập ra nóng với lạnh, lập ra trước với sau, lập ra đúng với sai, lập ra tôi với người, lập ra đười ươi với giả nhân linh trưởng. Ôi cố tổ đười ươi, mỗi búp trà non suốt, trổ thành từng quả chuông trên đồi Phương Bối chật ứ ban mai.
Chuông lòng
Vạn bất đắc dĩ có thể nghĩ về Phương Bối, sự bất đắc dĩ đó làm người ta tưởng có thể khởi thuyết về đười ươi Phương Bối. Có lẽ thuyết được ra, một khả dĩ thuyết được ra, thuyết được về cái sự thuyết va chạm ấy, để lấy đó làm tin, lấy tin làm hiểu sự va chạm tiếp nhận ý hướng căn cơ. Cụ cái sự thể kia, kỳ thực làm sao mà có thể như cụ được. Rong ruổi theo sự thuyết va chạm hòng biến thể ra cụ ấy, làm đười ươi tôi rã rời mê mỏi, tưởng như hao hụt cạn kiệt lần hồi toàn thẩy năng lượng của thân tâm. Có lẽ đười ươi đang mất cốt đười ươi vì cái vụ rong ruổi đuổi truy. Nhưng hóa ra, nhờ đuổi truy rong ruổi, đười ươi trở thành phi đười ươi, từ chỗ đười ươi đến không còn đười ươi nữa. Đười ươi bạn có dám thực hiện một cú nhảy dõng cảm, thiết thành trái tim, ngã về trời phi tưởng, cho đười ươi trở thành phi đười ươi. Đười ươi bạn có dám không, hả người bạn đười ươi nào đó đọc dò mấy chữ này. Đười ươi bạn dám không? Dám mở hết cương lòng, cho ý hướng của lý trí quan năng mất hết quyền thống soái, cho mỹ nữ uốn éo tiềm thức trổ ra điệu bộ, cho ma nữ vô thức lò dò bước ra múa may quay cuồng, cho quỷ mẫu tàng thức (alaya-vijñāna) linh thức huyền thức đại thức dật dờ đội mồ ngồi dậy, bạn có dám không? Dám cho bằng ấy ý hướng u minh kia trở lại va chạm với ý hướng đười ươi trên đồi Phương Bối; không biết bạn có dám làm cuộc va chạm tiếp nhận ấy không, chứ đười ươi tôi đây thèm muốn chảy nước, cái cảm giác đười ươi Phương Bối hả hê lòng dạ nghĩ về tự do căn bản của đười ươi may nhờ Phương Bối thực thành thể hiện, chớ một khi đười ươi ở chốn thị thành cầm bằng như bị rào vuông trong quy phạm rối bời, rối nùi, rối như tơ vò, rối như canh hẹ, rối rắm lung tung không thể thở nổi. Con đười ươi Phương Bối nhắc Nguyên Hưng nhớ, cái buổi nọ Nguyên Hưng rong ruổi trong rừng thiêng Đại Lão, bỗng cảm ứng pháp thiêng nhiệm màu huyền linh, phát ra tiếng hô vang vực dậy rừng thiêng, và đười ươi Phương Bối váng động thần cốt, bỗng chồm dậy giữa am Phương Bối đáp ứng lại tiếng hô vang của Nguyên Hưng. Nguyên Hưng có còn nhớ không, cuộc va chạm ý hướng thuần túy, gọi nhắc đười ươi tôi, liệu có nhắc đười ươi bạn, để thuần túy ý hướng làm thành chùy nện vào chuông lòng, vang vọng thành âm thanh đại vũ “Ommmmmmmmmmmmmmm…..…..” bất diệt vĩnh hằng ! Đười ươi bạn sẵn có chuông lòng, và đười ươi tôi rất vinh hạnh làm thành chùy nện! Nam mô CHUÔNG LÒNG!
Cách đọc mù chữ

Lấy thân phận đười ươi mà đọc lời Phương Bối của con đười ươi trốn về rừng Đại Lão, thì cái đọc như thế chẳng thể xong được nổi, căn bản không thể đọc xong được! Nói vậy có hàm hồ lắm ru! Và đúng ra rất ư hàm hồ. Bởi mấy lời búp non lá trà như vậy có đáng kể gì đâu, mắc mớ gì thượng thừa trí thức hàn lâm trên chiếu gấm ngự trì phải bỏ ra công sức để lật tìm mấy lời hàm hồ như vậy. Không đáng! Không đáng! Không đáng một chút nào! Cho nên, đừng lấy phận thượng thừa trí giả hàn lâm mà thử rỡn một lần kiếp phận đười ươi; lỡ mà đọc trong cách thế đó, để va chạm bất khả thuyết của đười ươi Phương Bối thì hàn lâm cũng sẽ dễ hàn lầm và hàn lộn tùm lum. Bấy giờ, lập thức bậc thường thừa trí giả hàn lâm gì gì đó, sẽ đương nhiên biết được không thể nào đọc xong ‘Nẻo về của ý’ đười ươi Phương Bối. Đọc tới cầm bằng như đọc lui, đọc xuôi hồ như là đọc ngược, và đọc xong tức là chưa đọc gì[1], … Cuối cùng, con đười ươi chỉ lẩn quẩn ở Phương Bối, đọc đi đọc lại, đọc rồi đọc nữa, đọc ngang đọc dọc, đọc quàng đọc xiên, đọc tung đọc hoành, đọc thượng đọc hạ, đọc trong đọc ngoài, đọc còn đọc mất, đọc hữu đọc vô, … ôi má ơi quần nát cái sự đọc cho tiêu tan cái sự duyệt. Nhưng hú hồn, tiêu tan sự đọc như vậy, đười ươi bạn làm thành linh thiêng sự đọc. Sự đọc thôi miên hồn cốt để truy về tiền hiện tiền nghiệp tiền kiếp tiền hữu tiền vô, tiền tiền cái sự tiền tiền đó luôn; lấy cách thế đọc của hàng thông thiên bác địa hàn lâm chính thống, liền thấy đọc đười ươi Phương Bối mới ngu xuẩn hàm hồ làm sao và ‘Nẻo về của ý’ cứ như liều thuốc độc làm tê liệt tâm thân. Nhưng lấy cách thế đọc của đười ươi ú ớ mù chữ, liền sẽ thấy Ý trên NẺO VỀ Phương Bối sạch lào rậm rựt cỏ hoang ven đường, lối thăng thiên cứ vậy thênh thang! Đọc thành toàn giác! Những mong đười ươi bạn dám và làm được toàn hiện sự đọc như vậy. Chẳng phải vô duyên mà gã hiệp khách hớ hên luyện thành vô tự chân kinh.
Đười ươi hiển thánh
Đười ươi tôi và bạn không thể hoàn tất sự đọc đười ươi Phương Bối, như đã nói lãi nhãi nãy giờ, bởi lẽ chính đười ươi Phương Bối cũng không thể hoàn tất cảm ứng mầu nhiệm. Dẫu có hàng trăm lần nghe thấy trong những buổi trưa nồng nước Việt, mà đười ươi Phương bối tưởng rằng trái đất bị thôi miên rồi điểm huyệt dưới cái nhìn rực lửa hung hãn của mặt trời. Đười ươi Phương Bối luôn luôn cảm thấy tiếng gọi vĩnh hằng ấy nguyên vẹn, cứ như lần đầu tiên nghe tiếng gọi của mẹ liền nhanh nhảu đáp lại tức thì không đắn đo. “Nếu ta thiếp đi vào buổi trưa trong một giấc ngủ ngắn mà thức dậy đúng vào giờ phút ngưng đọng ấy, thì lập tức ta nghe tiếng gọi. Tôi nghe tiếng gọi như thế đã có đến hàng trăm lần rồi Nguyên Hưng, mà lần nào trái tim tôi cũng hồi hộp như nhau. Mà vì vừa mới thiếp đi cho đến lúc chợt tỉnh tôi nghe nó không phải với lý trí của tôi mà với tất cả biển tiềm thức còn đương dâng tràn, còn chưa kịp rút xuống khỏi lằn mức ý thức. Tôi nghe tiếng vũ trụ gọi tôi về, và tất cả bản thể tôi rung động đáp lại tiếng gọi ấy” (Thich, 1967, p.66). Mà cũng phải thôi, tiếng mẹ vẫn là tiếng đầu tiên, nguyên hiện sự đầu tiên tồn hữu của sanh mạng. Có lạ gì sự tiếp ứng vẹn nguyên sơ xưa của đười ươi Phương Bối, cũng dễ hiểu Phương Bối đười ươi rung động thần cốt bản thể. Cái đáng nói, đúng ra là sự rung động nguyên vẹn đó. Đười ươi tôi tiếp liên rung động đười ươi Phương Bối, truyền chuyển niềm xao xuyến bất tận trác tuyệt của vĩnh hằng thiên thanh thiên thu thiên tuế thiên tưởng, có khác gì hột nhân nguyên tử thường xuyên nhiệt hạch cấu hợp tác luyện hiện hình mãi mãi hoài hoài luôn luôn tiếp tiếp liền liền, … ôi bất tận “cmn” tiếp liên năng lượng ý hướng thướng vượt thượng cấp chiều kích (high dimension) mà cũng là siêu cấp chiều kích (hiểu chiều kích như là một phương thức/cách thế tồn hiện) (Ouspensky, 1922). Không nhất thiết chỉ có cái chết, cơn co giật nhiệt hạch ý hướng thân tâm như vậy cũng có thể tạo cơ hội cho ra siêu vượt chiều kích, để trải nghiệm tồn hiện ở chiều kích khác, cách thế khác, phương trời khác, … Bấy giờ đười ươi hiển thánh!
Lửa thiêng
Hồi đó, nghĩ lại thấy đười ươi Phương Bối cũng nghịch ngợm quá chừng, quậy tưng bừng rừng núi Đại Lão một bữa. Mà đúng là đêm giao thừa với một đóng lửa lớn chất cây khô cỡ lớn mất hai ngày mới xong, lại thêm những ống tre cưa bỏ vào lửa phát ra tiếng nổ làm thành pháo tết trên đồi Thượng (Thich, 1967, pp.68-69&71-72). Nghịch ngợm quá chừng, nhưng đó là cái Tết muôn đời của đười ươi! Tiếp nhận niềm hân hoan mừng Tết của đười ươi, lấy cái gì để tiếp đây? Đười ươi tôi bỗng dưng thấy rằng, mình đã cởi bỏ thể tất chấp niệm danh xưng, thể tất quy phạm đồng loại, thể tất con ngươi đám đông, thể tất vị thế nhân quần, chỉ còn trong cách thế đười ươi để cửng nhảy rỡn hớt quanh đống lửa nguyên thủy trên đồi Thượng, thực thụ làm một con đười ươi múa hát quanh lửa hồng, mặc tình cho sương núi bao vây. Tiếp nhận như vậy, tự dưng chính bản nhiên cổ thể của đười ươi tôi hiện hình ra qua ánh lửa chập chờn. Có một bóng hình sâu xa sơ xưa chi đó của lửa, niềm cảm ứng lửa, niềm cảm ứng không hề mang tính chất cấm kỵ như bạn hiền Bachelard (Bachelard, 1938) ca cẩm hồi đó, không phải ngọn lửa đó, mà ánh lửa khai nguyên mở đầu cuộc sống đười ươi. Biết bao nhiêu tiền hiện tổ tiên của đười ươi tôi, cũng hiển linh lập tức khi tất cả chúng ta múa ca bên đống lửa huyền thoại cổ sơ. Thấy được rằng tiền thân tiền kiếp của ta, nào có mất mát gì, đâu có sa sút di hoạt đi đâu, còn tất cả nguyên vẹn ở đây ngay bây giờ, tổ tiên ta chết đi nhưng không mất, bởi cái chết như vậy đáng lẽ phải gọi bằng hóa thân truyền chuyển; và ta có khác gì sự truyền chuyển hóa thân ấy của một tổ tiên bất tử nào đó, của một tối sơ cố tổ nào kia, nguyên vẹn còn đây ngây bây giờ. Đười ươi Phương Bối ơi, đười ươi có nhớ một lần ký giả Hoà Lan hỏi đười mươi muốn làm gì nhất trước khi chết. Lẽ ra đười ươi không nên trả lời, nhưng đười ươi tôi cũng hiểu vì thương cho ký giả kia lắm lắm, vạn bất đắc dĩ, đười ươi phải lên tiếng. Nở một nụ cười hiền, đươi ươi Phương Bối đâu có chết bao giờ! Tự hỏi … cớ vì sao đười ươi Phương Bối lại hay nói bằng âm thanh, dệt chữ bằng âm thanh, lấy cọ vẽ âm thanh để lập thành bức tranh chuyển động. Lại cũng hay sử dụng lửa và bóng tối. Nhờ lửa, tối càng thêm tối như nguyên thủy; nhờ tối, lửa càng thiêng như lửa trời. ‘Nẻo về của ý’ hầu như chỉ dẫn về một cửa động thần thiêng, chốn hồng hoang nguyên thủy mơ màng và im lặng. Im lặng như tịch diệt, hoặc giả có thể xem như im lặng vĩnh hằng an nhiên của tam thiên đại thiên thế giới. Có thể im lặng mà đười ươi Phương Bối cảm ứng là thứ âm thanh lớn lao vĩ đại nhất. Im lặng kia, niềm tĩnh tại tuyệt đối mà đười ươi Phương Bối cảm rồi ứng đó, kỳ thực còn là gì nữa?
Chim chíp gà con
Mà nè, Nguyễn Lang có nhớ bận viết thư cho thầy Thanh Từ. Bức thư xúc động quá chừng! Sự hồn nhiên xúc động chân như ngây thơ rất đỗi. Bởi thư chẳng khác gì lời thú nhận thành thật đương nhiên, cảm xúc lúc nhìn thấy cái chân của lý. Kỳ thực không xa lạ, không xấu chẳng đẹp và kỷ niệm tái ngộ của Ma Vương cùng Đức Phật, nghĩ … cũng thân tình thương mến lắm đó. Đười ươi tôi đã tiếp bằng chân trời bát ngát xa đưa, dở bỏ mẹ hết cả lằn ranh cương giới. Bấy giờ, đười ươi tôi nhận thấy đười ươi Phương Bối cũng mưu mô xảo thuật lắm lắm. Cái xảo thuật tinh nghịch đáng yêu của anh bạn Ma Vương hồi nẳm. Lời đười ươi kết chồng đan chéo, mà vẫn trong suốt như nước suối trên rừng núi Đại Lão, tưởng cũng huyền mị âm u như bóng tối trên đồi thượng, nào dè lại linh động tươi sáng vô ngần. Thư từ (Thich, 1967, pp.76-79) hay hồi ức, tâm tình và sẻ chia, phải chăng đười ươi Phương Bối nắm được cái tuyệt kỹ thiện xảo[2] của ngữ ngôn Việt tộc, nên phối hợp ăn ý quá chừng. Chẳng biết thầy Thanh Từ nhận được thư ấy từ “Nẻo về của ý” có ôm bụng cười như đười ươi tự cười ngoặt nghẽo lúc nhận ra cái chân của lý hay không, có ôm bụng cười quả trứng gà mà đười ươi Phương Bối tha hương mang theo để ắp ôm như kiểu gà mái ắp trứng bấy lâu ở xứ người, rồi một sáng tỉnh dậy nghe tiếng chim chíp. Tiếng chim chíp gà con có khác gì tiếng chuông Phương Bối vang dậy núi rừng Đại Lão. Cả Đức Phật và Ma Vương Ba Tuần hiển hiện trong dáng vẻ gà con măng tơ lông vàng (Thich, 1967, p.77). Ngộ hen! Nói vậy không ôm bụng cười sao được.
Ngữ ngôn im lặng tuyệt đối
Một buổi trưa nước Việt mơ màng, sức nóng thái dương hun đốt tâm hồn, tức là hun đốt lý trí, để đười ươi có cơ may hun đốt tính đười ươi, ngã vào sự mơ màng của phi ý thức (tiềm thức, vô thức, huyền thức, linh thức, hay alaya-vijñāna gì gì đó), chỉ còn là “thức”, cũng là sự biết thấy thuần túy; với sức nóng ban trưa như thế, đười ươi đã đàm ngôn luận thuyết bằng cách im lặng. Chợt ta phát hiện thứ ngôn ngữ siêu phàm mà đười ươi Phương Bối đã sử dụng. Ngôn ngữ của im lặng tuyệt đối. Trong hằng hà loại thể ngữ ngôn trên đời, ngữ ngôn của âm thanh dao động tạo ra sai biệt để biệt phân trong ý thức, bởi vậy căn bản của thứ ngữ ngôn như thế, khởi đi từ khu biệt đến sai biệt thành phiên biệt, mãi mãi chia rẽ, mãi mãi cách ngăn, mãi mãi mịt mù hố thẳm ngàn khơi, mãi mãi ra đi mà không biết lộn đầu trở lợi (trực quan bản chất/ Eidetic Insight). Nhưng bằng cách ở trong lò bát quái Brown Hall (Thich, 1967, p.111), đười ươi tha hương Phương Bối đã học cách “đánh vần” lặng im tuyệt đối, bằng cách nghe hơi thở Phạm thiên tuyệt đối, con đười ươi giao tiếp được với hằng hà sinh hiện đã từng có mặt, đã ở trong cuộc giao ứng muôn đời (thì quá khứ hoàn thành tiếp diễn), một trạng thế siêu phàm của tư niệm mà chúng ta đành lòng phải làm cho rối rắm bằng một cách thế nghĩ tưởng rườm rà quá chừng. Cũng bởi vì rối rắm nên bốc mùi hôi thối một chút, nếu ta gạt đi được cái mùi tởm lợm ấy, ta rũ bỏ nào là quá khứ, nào là hoàn thành hoàn tất, nào là tiếp diễn tiếp diện; lột bỏ hết, ta làm con đười ươi lông lá ban đầu, ta thấy rằng tất cả những khái niệm ngữ ngôn mới nguy hại làm sao; nguy hại bởi vì rỗng không, nguy hại bởi do điên đảo, nguy hai bởi chăng lộng giả thành chân. Mối nguy hại kia, ta có thể tẩy trùng (dễ ợt). Bằng cách bỏ phứt đi cái thói ngữ ngôn luận điệu sai biệt (khu biệt) âm thanh. Quăng đi cho rồi, ta cứ mạnh dạn quăng đi để học cách tiếp giao cảm ứng bằng ngữ ngôn im lặng. Ta tạm gọi phi ngữ ngôn hoặc gọi là siêu ngữ ngôn vậy. Cái thứ ngữ ngôn mà chối bỏ ngữ ngôn, tiêu diệt ngữ ngôn, hãy ở trong cách thế ngữ ngôn như vậy. Bấy giờ, đười ươi bạn có thể ở trong Brown Hall tuyệt đối im lặng của một chiều cuối năm nào đó giữa tỷ tỷ truyền kiếp di hoạt. Bằng lò bát quái Brown Hall, Hoàng Hoa tiên sinh đã tinh luyện cho chính mình cách thế ngữ ngôn siêu phàm. Có thể tiếp rồi giao với hằng hà chúng sinh hữu hình lẫn siêu hình, thượng cấp lẫn hạ cấp, sự dao động của ngữ ngôn ấy là thứ siêu ý thể diễn hoạt bằng một phương trình đa biến đang dịch chuyển về phía tiệm cận với bất phương trình. Vượt qua các giới hạn, ý thức đười ươi mặc quần áo không thể luận tưởng nổi. Nên đám đười ươi mặc quần áo đã khép phương trình dị hượm đó vào thành bất phương trình. Trong khi bất phương trình chỉ là sự siêu vượt của phương trình ở một cấu thức tồn hiện khác. Đám đười ươi mặc quần áo không biết được, cố chấp không biết được, phủ chối không biết được, mạt sát không biết được, … Hoàng Hoa tiên sinh thương đám đười ươi mặc quần áo như vậy quá chừng và hàng chục năm ròng vẫn trải lòng tiếp đón đám đười ươi đó bằng ngôn thuyết ba chiều thông thường. Và đươi ươi tôi vì thế, cảm thấy thương cho tiên sinh hết biết. Giá như tiên sinh chẳng hạ cố thương tình cho đám đười ươi mặc quần áo, chẳng thuyết gì bằng ngôn ngữ ba chiều tao loạn đảo điên khái niệm như vậy, thì chắc tiên sinh chẳng phải chịu nỗi đau co giật của máu huyết đến mức ấy! Nhưng đó là hạnh nguyện của đười ươi tiên sinh!
Nam mô hạ cố tấm lòng!
Đười ươi truồng như tôi đây, nguyện “ship” cho tiên sinh “siêu ý thể” im lặng tuyệt đối.
Phi trửng điên cuồng
Liệu đười ươi ở truồng như tôi đây, có đang cố rả vẻ, làm bộ làm tịch, làm hay làm ho, làm lẻ làm chẵn cho giông giống cái thói trí thức ba hoa luận thuyết; có na ná cái nết học đòi làm sang thượng thừa bác học? Tôi không biết nữa, con đười ươi tôi không biết mặc quần áo, con đười ươi nguyện ở truồng vĩnh hằng! Nói vậy, tức là sự ngữ ngôn tôi khi tiếp nhận đười ươi Phương Bối im lặng là cái gì hết sức tự nhiên. Cũng giống như vốn dĩ đã có đến mức vô tâm vô tình như thiên địa mà ông già cưỡi trâu trốn đời đã từng nói, cũng hệt như sự phản hồi im lặng của chim bằng với chim cưu cỏn con yêu dấu. Nhưng liệu có đồng bọn du côn, đồng môn du đảng nào đó khép cho đười ươi tôi ở truồng là cái thói cà rởn tửng từng tưng, thì tôi xin chấp chịu cái bản án đó. Tiếp nhận đười ươi Phương Bối trên ‘Nẻo về của ý’, đười ươi trần truồng như tôi không thể bỏ cái thói ấy được. Mà thực ra, đười ươi tôi đã kiềm chế quá chừng để mà không nhảy trửng lên bởi chất giọng vô ngôn hiền như cục đất mà lại quá ư vững chãi an nhiên kiên định toàn mãn như thế, kỳ thực đã ghìm chặt cương lòng để mà không thống chạy thao thiết trong cánh rừng nguyên sinh hồng thủy như thế! Cầm bằng như kẻ lạc đường hàng triệu năm, bỗng nhìn thấy lối thoát trong mê lộ, như tìm thấy nẻo về của ý, thử hỏi làm sao không trửng lên mừng rỡ. Cho nên, dù đười ươi mặc quần áo có cười nhạo đười ươi trần truồng tôi đây, thì cũng xin ngó lơ một cái rồi đười ươi tôi lại tiếp tục phi trửng điên cuồng! Hãy thiền lòng bằng cách trửng phi trong im lặng tuyệt đối.
Sạc lòng

Sẵn nói về những gì im lặng, đười ươi Phương Bối rất hay viết về im lặng. Đâu đâu cũng là im lặng, nhưng bạn lòng sẽ vẫn thấy một Princeton nhộn nhịp và Mỹ quốc xinh đẹp tấp nập hết biết. Bằng cách đó, Lang tinh luyện thành im lặng. Cách hành thiền im lặng giữa bốn bề xa mã hý vang, những dao động âm thanh hoàn toàn bất lực trước pháp thiền im lặng như thế. Và lúc đó, đười ươi Phương Bối thâu nạp được thứ năng lượng vĩnh hằng. Dao động cắt đứt mối liên hệ giữa ta và phi ta, và trong quá trình dao động như vậy, ta hao mòn tiêu pha năng lượng của mình. Cứ dao động rồi tiếp tục dao động, ta đang giết chết mình từng chút. Nhưng nếu cảm ứng được lời kêu gọi trở về của IM LẶNG VÔ MINH TUYỆT ĐỐI, đười ươi lột quần áo, thiền lòng trong vô thức hay lúc có ý thức, thiền bị động như ngủ hay chủ động như thức, ta liền gắn lòng ta với nguồn năng lượng vô hạn vẫn thường trực xung quanh ta xưa nay mãi mãi. Cắm dây lòng vào nguồn năng lượng siêu việt ấy, trong khoảnh khắc “sạc pin” ta sẽ có cơ may trở lại cốt đười ươi nguyên thủy. Lắng nghe ra không biết bao nhiêu là phi tưởng nhiệm mầu. Phương Bối không phải của Lang hay Nguyên Hưng mà chính Nguyên Hưng và Lang thuộc về Phương Bối. Siêu tưởng Phương Bối là nguồn năng lượng vĩ đại vô cùng mà đười ươi muôn đời muôn kiếp có sẵn. Chỉ là … đười ươi có thể sạc lòng mình bằng thiền im lặng chủ động như thức hay không? Riêng tôi, con đười ươi trần truồng như tôi vẫn luôn luôn để mình lặng lẽ ngồi giữa chánh điện Phương Bối. Chẳng có gì để thờ phượng, bởi không có đười ươi tôi, đười ươi bạn, đười ươi Lang, đười ươi Nguyên Hưng hay đười ươi Tất Đạt Đa gì ráo. Bấy giờ chỉ còn có đười ươi nguyên thủy với sức mạnh vô biên không bao giờ cạn kiệt. Sự thị hiện của nó: ÁNH SÁNG.
Tịnh khẩu thiền ngôn
Trong ánh sáng ngữ ngôn im lặng, thứ ánh sáng chẳng khác gì nắng trưa vàng mật ong ở nước Việt huyền thoại, chẳng khác gì tuyết lạnh trắng xóa Princeton, trong ánh sáng như vậy ta mở cửa lòng mình đón tiếp đười ươi Phương Bối, cầm bằng như đón tiếp cách thế nghĩ tưởng. Loài linh trưởng nào đó chực chờ tiến hóa, ta chờ đợi một cách thế và ta thỏa lòng thỏa dạ tìm thấy một cách thế. Đó là vẻ an nhiên điềm tĩnh quá chừng. Bỗng dưng con đười ươi trong lòng hóa ra lặng lẽ, không nhốn nháo chồm tới chồm lui, nhảy qua nhảy lợi nữa. Đười ươi không hú hét gào rống, kể cả tiếng ư ử the thé trong vòm họng cũng im bặt, để lặng lờ ngồi đó nghe và nhìn kẻ tiến hóa một bước đi qua hai bước đi lại. Người qua lại kể lể những chuyện vô nghĩa, nào là đi chợ, nào là nấu nướng ở campus center, nào là trời rét quá quắt đến những âm 18 độ, v.v… toàn những chuyện không đâu. Nhưng con đười ươi ngây ngô ngây dại quá chừng, ngồi ngó mãi dáng vẻ điềm tĩnh vững chãi trong lời kể, trong ngôn từ. Và ở đó toát ra một từ trường thu hút, chẳng khác gì cao tần sóng âm, thu hút và tê liệt cánh dơi để “hổ phách” tất cả thế giới. “Nẻo về của ý” kỳ thực chẳng phải một câu chuyện, cũng đâu phải một con đường, nó là một cách thế. Thế lập cách và cách lập thế … cho đười ươi cảm thấy tính chất Phương Bối. Như vậy, vạn muôn tư tưởng, chuyện lòng, phiền muộn liền tan biến; cho nên ta chợt thấy những chuyện Lang kể lể cho Nguyên Hưng tất thẩy đều tầm phào. Nhưng đó là cái rỗng không sáng chói rực rỡ. Tia sáng đó có cơi mở bụng dạ, khai phóng thần trí, đẩy những cực hạn viễn khơi của suy tưởng ngỡ rằng đã cực hạn, ai dè còn có thể vô lượng cực hạn hơn nữa. Làm được điều đó, ngữ ngôn đười ươi Phương Bối, ngữ ngôn Trừng Quang, ngữ ngôn Hoàng Hoa đã phi thiêng bằng cách “thiền ngôn”. Ngay cả từng chữ cũng đang thiền, đẹp trong ở dáng vẻ lặng yên bất thoái chuyển. Nói chỉ để mà nói, kể chỉ để mà kể; lời và ý không tao loạn bởi cuộc xông pha xung đột của vạn muôn ý niệm trong đầu. Để cho đầu não ta không trở thành cõi bình địa chiến trường thương tích. Nữ sĩ Hà thành năm ấy tự sát hụt ở Hồ Gươm liệu có còn ngâm câu: “Thân không trời đất mà mưa gió” (để ai đó họa theo “Lòng chẳng binh đao cũng chiến trường”), ngẫm lại thì nếu người con gái năm ấy biết được rằng ngôn có phản ngôn, tưởng có phản tưởng, niệm có phản niệm thì ba đào thân phận chắc đã êm xuôi lặng lờ như hồ thu (nhưng tất nhiên, phải có ba đào mới thành ra tiếng vọng sông Ngân cho thiên hạ ngâm ngợi, mới có rượu thu để thiên hạ nhấp nháp). Thôi thì cầu cho người con gái năm ấy tìm về chốn Phương Bối của chính mình. Ở đây, ta lập thức phản ngôn, nhờ đó ta lập định thành như cách thế: là NGÔN mà cũng là PHI NGÔN nhưng cũng chẳng phải PHI PHI NGÔN. Từ giây phút ấy, ta bắt đầu tịnh khẩu.
Ý
Tiếp rồi nhận, hay đọc rồi tưởng trên “Nẻo về của ý”, chẳng thể đọc theo kiểu lùa lẫy, cố nuốt nhanh từng chữ một cách ngấu nghiễn. Bởi vì chẳng bao giờ có thể đọc xong Phương Bối kinh này được, không thể đọc xong nổi. Nên phải ngông cuồng đọc cố cho xong làm gì, ngược lại việc ấy còn có hại. Một đoạn một trang hay một thiên, có thể đọc đi đọc lại, đọc tới đọc lui, đọc xuôi đọc ngược, đọc ngang đọc dọc, có thể đọc mãi hoài hằng hà chảy tới, vậy mà vẫn không thể làm hết cho xong. Vậy thì chỉ cần đọc một trang một câu cũng được. Duy chỉ một câu đười ươi Phương Bối trong sách này đã xong rồi vậy. Tức thì rốt ráo chẳng hề vướng mắc một chút gì. Cách thế Phương Bối là cách thế đười ươi nguyên thủy nên cách thế cũng phải là nguyên thủy đười ươi. Sự lập thành tâm thế tiếp nhận, đòi hỏi bầy đười ươi lạc loài Phương Bối phải thực thành tìm lại đường đi nẻo về, tìm được lối rồi mới may ra có thể lò dò quay về. Vấn đề quan trọng nhất hóa ra là tìm được đầu mối quay về, còn lúc đó, sự quay về đã trở thành cố nhiên chẳng còn đáng kể bàn luận nữa. Tìm được đầu mối quay về (hồi quy cố quận lọt lòng) chẳng phải đang trở về hay sao! Khi đã ở trong cách thế hồi quy, đươi ươi liền ở trong cách thế chuyển hóa. Con đười ươi lông lá đang chuyển hóa thành ra ánh sáng. Trời ơi! con đười ươi ngó lại và thấy rằng chính mình đã sử dụng những chất liệu gì để sống bấy lâu nay. Đồng thời, con đười ươi cũng chuyển hóa cơn hãi hùng choáng ngợp ấy, biến nó thành tình thương. Tình đồng loại chúng sinh vạn hữu, bát ngát thương, vô phương yêu, không thể nói hết trong một lúc lòng thương cảm cho vạn hữu quay quắt trong cơn biến loạn của “chất liệu ta bà”[3]. Tiếp nhận rồi phản tư xong thanh tẩy tới chuyển hóa thành ra niềm thương cảm cứu độ, diễn trình vận động của hạnh nguyện Avalokiteśvara Bodhisattva. Thân thể thương tích máu mủ trên quê hương, con đười Phương Bối phát nguyện nhưng tình thương có thể giúp Phùng Xuân thoát khỏi vướng chấp hai đàng. Bởi một đàng tà ác, một đàng phẫn uất, cả hai đều lầm than đau khổ. Giọng văn Trừng Quang êm đềm chân không nhưng ta có thể cảm thấu được nỗi đau thương thống khổ của giống nòi. Vậy hỏi lại đười ươi, ngươi làm sao vượt qua cơn thống nạn của nòi giống? Truy vấn là một cách thế tiếp nhận. Nhứt là tiếp nhận Phương Bối. Vậy thì hãy mặc tình mặc sức mà truy rồi vấn. Đuổi riết theo cơn thực thành tư tưởng của đười ươi. Bấy giờ ta thấy đươi ươi với rừng nguyên thủy là một, đười ươi học được bài học thiên thu ở rừng, cũng như vấn nạn của quê hương, đười ươi học được bài học từ loài cây mùa đông trụi lá (Thich, 1967, p.119). Sự quay về với bản dạng thân tâm, để quán chiếu thân tâm rũ bỏ những tạp niệm lẫn tà niệm, lập thành chánh niệm, quán chiếu chính sự quán chiếu đó, ta sẽ thấy vấn đề xã hội là vấn đề con người, chiến tranh lẫn hòa bình là vấn đề quay lại quán chiếu chính mình, nhân loại bầy đàn cần quay lại quán chiếu thói bầy đàn, cững tức là quay lại ngó nhìn cho kỹ càng cốt khỉ lông lá. Nguyên thủy vô minh không có chiến tranh, chẳng có hòa bình; không có thiện ác chẳng có tốt xấu; chẳng có khôn dại chẳng có hay dở. Cơn co thắt của niệm biến thành giẫy giụa. Giẫy giụa co giật thành ra đảo điên. Đảo điên rồi lại điên đảo. Diễn trình này, đười ươi Phương Bối đã trải qua, ta có thể đọc thấy trong hằng hà một chữ của ý. May mắn không gieo mình xuống vực thẳm của tưởng, kẻ đó may ra có thể “điên đảo đảo điên” vô lượng hồi kiếp, dần dà vô cực đảo đảo điên điên, sự tác loạn đến cực hạn như vậy, có thể quán chiếu điên đảo. Mà cái việc hãi hùng như thế, thực ra chỉ diễn ra xung quanh và ở trong một chữ duy nhất “Ý”.
Nam mô Ý, Nam mô Nẻo về!
Thằng cu ấu thơ
Mến, thích, yêu, thương (Thich, 1967, pp.131-132), … toàn những tà thuyết tạp niệm! Có phải không đười ươi Phương Bối? Lang đã dùng những từ ấy để thể hiện suy nghĩ của mình về Nguyên Hưng, về Tuệ, về Mai, về thầy Thanh Từ, về Steve, về David, … không biết bao nhiêu lần. Nhưng nếu vậy tức là ngã sở quá nhiều, nặng nề vướng chấp. Những tà niệm luyến ái như vậy thật đáng sợ, phải không Lang! Nhưng đáng sợ hơn nữa là vì những thương yêu mến thích ấy tinh khiết quá chừng. Bạn lòng đười ươi hãy cẩn trọng, nhất là thói khu định khái niệm của bạn. Cách thế tiếp nhận Phương Bối nhất thiết phải tẩy trừ suy đồi khái niệm. Khái niệm là phương tiện tư duy trừu tượng, nhưng nó dễ thành liều thuốc độc của suy tưởng. Và nhất là những khái niệm thuộc về cảm tính. Vậy nên, hễ đọc tới Phương Bối để vọng tiếng đười ươi, làm ơn và làm phước, hãy loại trừ ô tạp khái niệm, để tiếp một cách thuần khiết và nhận một cách thuần túy, trong cách thế đơn sơ trẻ con ban đầu mới lọt lòng mẹ. Gánh nặng khái niệm có khác gì vác đá qua sông, rủi sao đá đè thì chôn thây dưới đáy nước biệt dạng, nguy tai nguy tai!

Nhưng cách thế trẻ con nguyên thủy mẹ đẻ ra đời, kỳ thực là trạng thái làm sao? Có phải là cách thế có thể đem ra bàn luận xét đoán? Lập thành truy vấn như vậy quả là đã sai bét bèn bẹt ngay từ đầu. Nhưng không truy vấn cách thế trẻ con, làm sao biết cách thế trẻ con rồi ở đó tiếp nhận đười ươi Phương Bối? Thứ nhất, một khi truy vấn cách thế trẻ con, tức là phá hủy cách thế đó. Cách thế trẻ con có khác gì phản vật chất một khi đụng mặt vật chất tức thì tan biến. Vậy thì lời truy vấn sẽ hủy diệt non nớt ấu thơ. Truy vấn ấu thơ là cách lập thức bệnh hoạn sai trái. Vậy thì để làm sao mà tiếp nhận được Phương Bối bằng ấu thơ cách thế? Bên Đức quốc có đứa học trò cưng của Franz Brentano biểu là phải hồi quy, rồi cụ đồ Từ Sơn cho là phải dùng kỹ thuật biến dạng biến hình biến chuyển để trực quan bản chất gì gì đó (variation) ( Benoist, J. et Espagne M., 2013, p.440). Nhưng sao phải phiền hà thấy ớn vậy chứ! Bạn đười ươi có thấy rằng: bạn đã từng ấu thơ, bạn trưởng thành, bạn lão hóa, bạn gần đất xa trời; nhưng thực sự ấu thơ trưởng thành lão hóa xa trời gần đất vẫn là một trong số nhiều trạng huống của một thằng cu nào đó mãi mãi không thay đổi. Tất cả vẫn nguyên vẹn còn đó, hết thẩy vẫn trọn đủ còn đây. Thời tính gây ra những nhiễu loạn về khái niệm, tiếp tay cho sự đánh tráo khái niệm. Bạn đười ươi ngó thấy cái nết cà chớn tráo trở của thời tính, bạn có thể an lòng biết rằng, bạn vẫn còn ấu thơ nguyên thủy tròn đầy vành vạnh, bạn vẫn còn trẻ con trăng non xán lán. Và coi nè: Sơ nguyệt, trung nguyệt, thịnh nguyệt, vãn nguyệt; với lại: sơ Đường, trung Đường, thịnh Đường, vãn Đường; kỳ thực cũng là nguyệt, cũng là Đường đấy thôi. Lúc đó, bạn nghĩ có cần phải truy vấn ấu thơ cách thế nữa không? Từ đó bạn sẽ thấy truy vấn là tánh nết sa đọa của khái niệm. Làm ơn hãy từ biệt cái thói nết què quặt tật nguyền dị hợm ấy đi. Nếu bạn đười ươi còn quen thói truy vấn như vậy, đười ươi vẫn còn bất khả thuyết, muôn đời. Mà nè Bảo ơi, hai chúng mình vẫn ấu thơ vĩnh cửu phải không nè! Ánh trăng năm đó họ Lý “cử đầu” với ánh trăng năm xưa hai đứa mình ngồi ở bậc thềm chánh điện Phương Bối ngó lên, cũng là một đấy thôi! Tính ra, hai đứa mình với họ Lý gần gũi quá chừng!
Đọc để tìm cái mục ở đích?
Tại sao ta cứ phải mang vác trong lòng bằng ấy mục đích khi đọc. Cứ đọc để tìm một cái gì đó, cứ tiếp để mà nhận cái gì đó. Thật bệnh họan cho cái thói đọc và tiếp nhận như vậy. Và cũng thật đáng sợ cho cách tiếp nhận như vậy, vì nó sẽ bóp chết tất cả cuộc du tưởng thuần túy của khai mở, kết liễu cuộc thám hiểm đầy bất ngờ chực chờ lao đến. Đọc để mà đọc, tiếp chỉ đến tiếp tục tiếp diễn nữa cái sự tiếp như thế, đừng tư vị cầu vọng nhận lĩnh được gì. Nếu được như thế, tiếp mãi mãi là một cơ hội thuần túy. Sự tiếp như vậy mãi mãi triển nở vô phương vô hạn sống động sinh sôi và vô lượng khác nhau mỗi lần tiếp đón. Như vậy bất khả thuyết đười ươi một khi chưa sắp xếp lại tư thế đón tiếp (nghe xe ôm Chợ Lớn chở lợn đồn đãi, đó là tầm đón đợi chi chi dành dành gì đó!). Sóng cao tần bắt sóng cao tần, chân không hòa vào chân không. Khi nào ý niệm = vô niệm = chánh niệm, bấy giờ may ra có thể tiếp mà chẳng cầu vọng nhận lấy bất cứ gì. Hẹn đười ươi Phương Bối hằng hà buổi sáng, ta cùng nhau đi thiền hành tiếp đón vĩnh cửu bình minh!
Trùng phùng
Đứng ở núi này rồi trông núi nọ, cứ như đứng bên thương hại ngó bờ thương yêu, đười ươi Phương Bối gọi là trắc ẩn. Thôi thì cứ huỵch tẹt ra cho rồi, nói trắng ra là thương hại, những kẻ tặng quà cho cô nhi quả phụ mà chưa hề nhìn thấy và cảm thấy nỗi khổ niềm đau của kẻ đau khổ, thì tấm lòng như vậy chỉ khởi lên từ vực thẳm trắc ẩn của ý thức (Thich, 1967, pp.141-142). Thấy người ta khổ thì thương, cùng khổ như người ta thì bấy giờ mới thấu suốt được nỗi khổ niềm đau mà thành ra yêu thương. Đừng học thói thương hại mà hãy tập thương yêu. Nói vậy, đười ươi chúng mình phải ngã mình trọn vẹn trong nỗi khổ niềm đau, bám lấy phao vô úy, nghĩ thấy rằng chẳng có bờ bến gì. Nếu biết rằng không có bờ tỉnh thì cũng không có bến mê, không có bể khổ thì không có xuồng ba lá toàn giác, nếu vậy thì hòa mình vào nỗi khổ niềm đau, quán chiếu nỗi khổ niềm đau, quy hồi bản chất niềm đau nỗi khổ, lật nó qua giở nó lại, ngửa nó lên úp nó xuống, kéo nó tới giựt nó lui, đẩy nó xuôi đạp nó ngược, coi nó tanh bành té bẹ, chè hẻ chè he, chè chuối chè bưởi chè đậu xanh đậu đỏ đậu đen ra làm sao, liền thấy nỗi khổ niềm đau dường như chỉ là cái hệ lụy của một cuộc gặp gỡ nào đó giữa muôn hằng gặp gỡ. Vậy thì làm sao có thể tiêu biến nỗi khổ niềm đau, vậy thì cứ triệt tiêu gặp gỡ, nhưng mang lại mệnh phần đười ươi trong rừng già đại lão lẽ nào làm ngơ đứng ngó ú ớ bập bẹ, mà làm vậy có khác gì tránh né đười ươi, chung quy cũng di dịch từ cái gặp gỡ này sang cái gặp gỡ khác, cái không gặp gỡ về bản chất cũng đã là gặp gỡ (phi gặp gỡ là cách thế khác của gặp gỡ). Nói vậy, liệu ta có thể gỡ cái sự gặp, để gỡ ra cuộc gặp, lấy đó làm sự tái thiết gặp gỡ chăng? Có những gặp gỡ như ban đầu, có những gặp gỡ như tái ngộ, chung quy là gặp gỡ cái chẳng phải ta, nếu ta gặp kẻ không phải ta (ta gặp phi-ta), tức thì gặp gỡ thành ra ảnh hưởng. Dưới sự ảnh hưởng đó có thánh thần thiên địa quỷ ma hà bá ôn dịch thiên lôi mới biết được muôn hằng duyên nào sẽ khởi (nhưng chắc chắn đã khởi). Vậy nếu ta không gặp gỡ phi-ta, mà ta gặp chính ta. Bấy giờ sẽ làm sao? Giả tỷ ta gặp ta, thì cái ta mà ta gặp kia kỳ thực đã không phải là ta nữa rồi. Vậy lấy phi-ta gặp gỡ phi-ta, để phá hủy sự gặp? Ôi thôi, chính sự phá hủy đó cũng là gặp mất rồi. Vậy thì biết phải làm sao đây, di hoạt không thể không gặp gỡ. Tất nhiên rồi! Vậy ta thử tháo tung toàn diện ta với phi-ta, chỉ còn lại gặp gỡ. Phải chăng chỉ còn có khởi mà chẳng còn duyên nữa, vì đâu còn ta hay phi-ta mà duyên, chẳng còn ta với phi-ta thì duyên là duyên giữa gì với gì? Giả tỷ có thể lập thành khởi mà không có duyên, lập thành gặp gỡ mà không có kẻ gặp gỡ, ta có thể di hoạt mà không vướng mắc vậy! Đó là cách thế mà đười ươi Phương Bối, nào là Lang nào là Nguyên Hưng nào là dì Tâm Huệ, nào Steve, … những con đười ươi Phương Bối khắp bốn phương trời (phi thời-phi không) vẫn vĩnh hằng gặp gỡ nhưng đến cuối cùng chỉ còn sự gặp gỡ mà thôi (cũng như lần ở Làng Mai, đười ươi có nói rằng đi chỉ để mà đi, sao lại lấy đi tìm đến, có phải không nè!). Vậy thì ta xin sụp quỳ van lạy, làm ơn bạn lòng đười ươi nào đó khởi sự đọc lấy mấy chữ hàm hồ này, cũng biết dùm cho, hãy lập thành gặp gỡ tương phùng, đừng lập thành dò la truy đuổi. Chẳng có gì để tìm thấy, chẳng có bến bờ nào đỗ lại, chẳng có “xá lợi” nào để phụng thờ. Tiếp nhận đười ươi, chỉ thuần túy tương phùng. Thuyết đã ở chỗ vô ngôn, lấy gì mà bất khả. Đến đây, ta phải đập nát đi cái tiêu đề bài viết rửng mỡ này. Ngay giây phút đó, bạn lòng đã ở trên ‘nẻo về của ý’, sẵn sàng thướng vượt muôn trùng.
3. Tạm biệt đười ươi!
“Bây giờ tỏ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”
(Nguyen, 1956, p.93)
Đúng hôn đười ươi Phương Bối! Và đôi ta đã gặp nhau biết bao lần. Vô lượng kiếp này, chúng ta đã gặp gỡ nói năng hoặc đã từng ngồi ăn chè bưởi hôm nào trên Phương Bối. Lang có nhớ nổi không, chứ đúng ra đôi ta đã tương phùng làm thành kỳ ngộ biết bao nhiêu lần rồi. Hồi đó, hai chúng mình từng đi thiền hành trong rừng Đại Lão, bước qua Cầu Mai rất thơ, cũng như bận hai đứa mình cùng đi lặng lẽ bên Đức Ông trong vườn Cấp Cô Độc, có chiều nọ hai đứa mình (lúc đó còn mang tên Sujata và Svatika) cùng mang bó cỏ kusa để dâng người sa-môn, rồi nghe người ấy chuyện trò về cái đêm trăng trác tuyệt bừng tỉnh bên dòng sông Neranjara (Thich, 2009, p.116). Nhắc nhẹ vậy thôi, cho bạn lòng đười ươi thử nhớ lại. Nói vậy không có ý để bạn lòng đười ươi vướng mắc hiện tiền và dĩ vãng, làm gì có mấy cái khái niệm “chíp hôi” như vậy, phải không ! Chỉ là để bạn lòng đười ươi thấy rằng hiện tại bây giờ đủ đầy còn đó, cũng như chúng mình vẫn còn vẹn nguyên đôi ta như ban đầu hồng thủy cổ thời. ‘Nẻo về của ý’ như dự phóng nhiệt hạch mà lòng dạ đười ươi tôi như quả bom phát nổ. Đúng không Nguyễn Lang ơi!
Đọc mấy dòng gửi lại nầy, đười ươi tôi mới thấy chẳng phải Bảo, chẳng phải Lang, chẳng phải Hạnh, chẳng phải Quang cũng chẳng phải Xuân, mà vô lượng hằng hà đười ươi. Tiếp nhận như là gặp gỡ, cũng như tương phùng, ta gặp lại cố nhân trong hằng hà dĩ vãng bây giờ. Biết đâu, hai đứa mình từng là một tí ti hư vô nào đó cùng với vô hạn tí ti hư vô nào nữa, kết thành bông hoa nở tràn hương sớm mai. Không thể nói ra được, không thể nói ra được! Bất khả thuyết đười ươi Phương Bối, bởi lẽ đã tịnh khẩu vô phương = dao động của nguồn năng lượng bất tử đến cực hạn dao động, tức là chẳng còn dao động nữa. Vô cực dao động là tuyệt đối tĩnh tại, lúc đó tĩnh tại bắt đầu quang phục mở phơi kết nối với tuyệt đối biết thấy trọn vẹn. Bạn lòng ơi, đã sẵn sàng giải tiếp nhận chưa?
Hai chúng ta “ở trên tình bạn, ở dưới tình yêu” vì thực ra chúng mình tình chúng sinh giao ứng đười ươi nhiệm mầu!
Saigon, 03.6.2021.
(tặng Nguyễn Lang)
VÕ QUỐC VIỆT
Tài liệu tham khảo:
Bachelard, G. (1938), La Psychanalyse du feu. Paris: Gallimard.
Bellow, S. (1964). Herzog (novel). USA: Viking Press.
Benoist, J. et Espagne M. (direction, 2013). L’itinéraire de Tran Duc Thao – Phénoménologie et transferts culturels (trans. and direction in Vietnamese by Bui Van Nam Son). Hanoi: University of Education Publishing House.
Blanchot, M. (1982). The Space of Literature (translated, with an Introduction, by Ann Smock). Lincoln, London: University of Nebraska Press.
Endō, S. (1966). Silence (novel, trans. by William Johnston, original title: Chinmoku). USA: Taplinger Publishing Company.
Thich, N. H. (1967). The back way of thinking [Neo ve cua y]. Saigon, Vietnam: first edition by La Boi Publishing House.
Thich, N. H. (2009). Old Path White Clouds [Duong xua may trang]. Ho Chi Minh, Vietnam: Van hoa Sai Gon Publishing House.
Nguyen, D. (1956). Annotating Tales of Kieu [Truyen Kieu che giai] (annotated, edited and commented  by Le Van Hoe). Saigon, Vietnam: second edition by Zien Hong Publishing House.
Ouspensky, P. D. (1922). Tertium Organum: The Third Canon of Thought, a Key to the Enigmas of the World (translated from the Russian by Nicholas Bessaraboff and Claude Bragdon with an Introduction by Claude Bragdon). USA: Vali-Ballou Co.
So, D.H. (1966). Samuel Beckett – A pioneer in the New Novel movement [Samuel Beckett – ke tien phong trong phong trao tieu thuyet moi]. The Nghe Thuat Weekly News no.26 (9/4-15/4/1966), pp.10-11&30-31.
Sturgeon, T. (1961). Some of Your Blood (short novel). USA: Ballantine Books.
[1] “Thứ tiếng nói tạo nên câu chuyện đã bắt đầu nói trước đó sẽ tiếp tục nói sau này, và chẳng có một lý do nào để bắt nó ngừng nói. Nói đi nói lại hay ngừng nói, Setaire ou se répéter, hai sự kiện đó chỉ là một” (So, 1966, pp.10-11).
[2] Nhất Hạnh dùng hình thức thư từ, hồi ký, nhật ký, biên bản hợp đồng, … để phối hợp cùng nhau rất ư điệu nghệ trong cùng một văn bản truyện dài. Đặc trưng này có lẽ cần thêm thời gian khảo cứu ở một bài viết khác. Có thể xem thêm: “epistolary novel”(Sturgeon, 1961; Bellow, 1964; Endō, 1966).
[3] “Đất nước chúng ta thế nào rồi cũng phải trải qua một cơn bão táp tàn khốc. Chế độ đã gây nên quá nhiều bất công và áp bức, đã xử dụng tiền bạc và bạo lực để thực hiện những tham vọng của mình. Bất mãn và căm thù càng lúc càng tăng và hiện những phần tử vì phẫn uất gia nhập hàng ngũ Mặt trận giải phóng miền Nam để chống đối đã không phải là ít. Chất liệu bất công, tàn ác và thối nát đã nuôi dưỡng và làm cho lực lượng chống đối càng lúc càng mạnh”. (Thich, 1967, pp.118-119).
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: Viettnam.net
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...