Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Mưa ở Mường Muổi

Mưa ở Mường Muổi

Mưa ở đâu cũng não nề, thê thiết. Một ngày nào đó thì mưa sẽ tạnh. Mưa ở Mường Muổi lần nào biết lần đó. Đã mưa là kéo dài đến cả tháng trời. Đến khi, đất như bị ngàn vạn cái gậy vót nhọn chọc xuống lỗ chỗ. Đất vữa ra, bết bát, đất tan thành nước, nước thành đàn, thành lũ lượt trôi đi mà mưa vẫn chưa ngớt  mưa.
Mưa tạnh. Những con vật đã phải náu mình trong hang hốc quá lâu bắt đầu ngó đầu ra. Chúng cứ ngỡ chúng được sinh ra trước, đất trời có sau. Thảm cỏ tịnh không còn thứ bụi trần. Những loài chim sẽ hót một giọng hót lạ mà ta chưa từng thấy. Người ta nói, tiếng hót ấy có thể rớt xuống đất thành từng giọt, ai uống được sẽ trường sinh nhưng nào có ai được hưởng cái phúc ấy. Chỉ có cỏ được uống hết nên nỏ ở Mường Muổi mới xanh kì lạ đến thế.
Con nguời là loài thường phung phí những cơ hội để trường tồn. Ở mảnh đất này, từng có những ngày dài không có nổi một giọt mưa, rồi họ đánh mất những điều mà buộc lòng phải kiên nhân đợi chứ đâu thể tự tranh đoạt cho mình.
Nhà văn Bùi Việt Phương ở Hòa Bình
Năm ấy, chị Hường đẹp lắm. Người con gái đẹp ở thung lũng này đâu có ít, người trần mình tắm suối, người mềm mại uốn cong tấm thân trong điệu xòe, người lại có đôi mắt như giọt nước mưa đọng trên lá… Nhưng đẹp đến độ cả những người phụ nữ có tuổi cũng phải trầm trồ mà khen cả ngày thì chỉ có chị. Phụ nữ thường hiểu nhau từ trong ra ngoài.
Mỗi khi đã buồn ngủ đến díu cả mắt lại, tôi vẫn nghe mẹ khen chị đẹp. Ở vùng thung lũng này, hình như tất cả những bà mẹ đều nói với con mình thế. Chị thường đi hái rau, cắt cỏ. Lần nào cũng thế, cả một đồng cỏ xanh chỉ có một thiếu nữ. Giữa rừng núi hoang vắng ấy, cô gái đẹp như một con nai non nhưng.. người ta sợ chị. Họ tin, chị không thuộc về thế giới của sự phàm tục.
Sợ, vì chị như được đúc ra từ sương núi, chỉ  khối sương kết đặc ấy về tay mình, có thể tan dưới nắng.
Người ta bảo sợ chị ít cười. Phàm đã là người, dẫu buồn đến mấy cũng phải cười vì điều gì vui , điều gì oái oăm, cười cả lúc chua chát… Nhưng, chị chỉ có đôi mắt chị đen và luôn nhìn xuống thật lâu. Đôi mắt càng đen sâu và càng đẹp ma mị.
Cỏ ở đây chẳng bao giờ héo, cứ xanh như thế, chẳng nhớ, năm ấy là năm nào?
Vào nhưng đêm không trăng, dẫu áo quần vừa may đầu mùa trăng, tôi thấy thân mình như hạt đỗ gặp nước, căng nứt ra. Hạt đỗ căng vì nước, tôi thấy mình căng vì lửa. Lửa từ trong mình như bắt được vào đống củi khô nỏ nhà ai. Lửa đang cháy ngùn ngụt ngoài kia, người ta đang hốt hoảng gọi nhau. Cả bản lại nháo nhác cả một đêm. Người nào, người ấy mặt nhem nhuốc, tôi lại thấy mình trở lại gày gò trong bộ quần áo cũ…
Nhưng, ở thung lũng này, có một người đàn ông làm nghề buôn trâu. Mỗi năm, có chừng ba lần hắn sẽ đưa một đoàn trâu xuôi về hạ lưu để bán cho những người nông dân khốn khó, quanh năm bám lấy những miệt phù sa bão lụt.
Người Mường Muổi bảo thường nhắc, vào những năm giặc giã đã tan, sẩm tôi, người ta thấy có hai cha con lạc đến vùng này. Nhìn vào mắt họ, vẫn thấy niềm kinh hãi sau một trận quần thảo của thú dữ. Cả một đoàn người ngựa đã bỏ mạng trong nanh vuốt chúa sơn lâm hoặc rơi xuống thung sâu làm mồi cho quạ. Hai cha con như hai chiếc lá sót lại sau trận cuồng phong vì may mắn mắc lại bên thân  cây ở vách núi. Khi những tiếng kêu cứu thất thanh vô vọng đã lặng vào đá núi, đám ác thú đã no nê trở về rừng, họ mới tìm được đến bản.
Nuôi khắc lớn, đứa trẻ đã ăn đủ bao mùa xôi nếp nương để thành thằng trai. Bố nó đã về trời, được táng trên đồi chứ không bị mất xác như bao người. Nhưng từ lúc trẻ, nó mất mặt. Như một con khỉ độc, từ lúc biết hái quả, bắt ong, nó không đi cùng ai. Cứ một mình cả khi no, khi đói. Nó đi hái quả dâu rừng qua suối, con gái bản đang tắm. Con gái bản nhìn thấy nó thì lên bờ mặc váy áo đi về. Nó mang nỏ đi săn thì người đang rình trong bụi cây từ bao giờ cũng tháo bẫy, xách nỏ, xách súng bỏ về. Người ta không ai muốn cùng đường với nó, vì nó luôn muốn mọi thứ theo một cách riêng.
*
Nắng lên, đứng trên chòi canh, lão Khoản thả làn khói thuốc xanh lam lên nền trời. Hôm nay trời quang, nắng ánh, lão có thể ngắm làn khói ma mị của mình cho đến khi nó mất hút giữa trong veo này. Từ lúc làm được cài chòi để chiêm ngưỡng thung lũng, lão thấy một lạc thú tựa như khi người ta đang ở trên mình một người phụ nữ đẹp để ngắm những gì tuyệt mỹ đến ngỡ ngàng của tạo hóa. Đã đến lúc lão  thấy không dấy lên một dục vọng nào đó thật phí.
Thật ra, sau lưng lão đã có những thứ đáng nhớ lắm chứ. Có lần, dân bản thấy hổ đã mò đến cái khu trại của lão. Họ rất sợ. Họ sợ đến mức không kịp lấy súng kíp và tên độc. Mấy lão già trong bản thì vẫn lải nhải chuyện ngày xưa khai khẩn đất này, giữa ban ngày, ban mặt hùm, beo về tận nhà bắt bò, bắt trâu rồi bắt cả người… ấy là bọn chúng như lũ chuột được sống đến lúc nào hay đến đó. Còn giờ, chúa sơn lâm đã thành kẻ đói khát ở rừng, trong bộ dạng thảm hại về đây vòi vĩnh, như một kẻ đạo chích bén mảng đến trang trại của lão.
Lão đã hành hạ “ngài”từng bước một. Kịch bản này lão đã trù liệu trước từ khi hai cha con lão leo lên được lèn đá để được làm người thêm một lần nữa.
Từ ngày còn trai tráng, khi mới phát cỏ, trồng rau, hàng đêm Khoản đã âm thầm đào một cái hố lớn. Chính xác hơn, đấy phải là thứ địa ngục gồm tất thảy những gì loài người hứng thú nhất, còn “ngài” thì kinh sợ nhất. Cứ túc tắc, dầm đề như những trận mựa, màn kịch càng khai tỏ khi những dự cảm về cuộc viếng thăm đầy căm hận của “ngài”càng sáng rõ. Hình như, nó cũng vào tầm này năm ngoái. Hắn hiểu, đám thợ săn trong bản chỉ cần mồi nhử là những bữa rượu, thịt là có thể vào rừng xua hết đám thú vào bẫy cho lão. Đánh chén no nê, làm thịt khô, thịt chua. Những con thú khỏe mạnh nhất, nhớ rừng nhất sẽ được nhốt lại để kêu gào. Những con thú thịt thơm nhất, sẽ gửi thứ hương thơm đến khứu giác của ngài.
Ban đầu, là bề trên, là giống thượng đẳng, ngài uy nghi đĩnh đạc không thèm đếm xỉa đến hành động của loài đi bằng hai chân luôn giật mình thon thót trước tiếng gãy của cành cây. Đến khi, cảm thấy có sự xâm phạm của tiếng chiêng, trống, tiếng súng thị uy, “ngài” vẫn coi đó là trò bẩn thỉu của những kẻ tầm thường. Khi rừng thật sự vắng bóng các con mồi, ngài bắt đầu cảm thấy bị con người xúc phạm. Ngài tự ra một mệnh lệnh trừng trị những kẻ phản bội rừng già. Ấy là đám thú rừng đã quy hàng, vì cái ăn, vì những khu chuồng ấm áp, chúng đã theo loài người rồi quay lưn lại đám thần dân của ngài. “Ngài”đã kết liễu chúng bằng những vế cắn. Đám đàn ông dưới kia thì hậm hực, phỉ báng ngài bất tài đi bắn đám vật quen ăn mồi trong máng. Bọn chúng lùng sục ở những nơi mà chỉ đám cày cáo mới thèm ẩn nấu chứ “ngài” thì đời nào. Đám đàn bà dưới bản tiếc của the thé kêu lên. Bấy lâu nay chúng quen coi lãnh thổ của ngài là của chung, còn đất đai muôn thú của chúng là cấm địa. Cái thứ khôn ấy, nó chỉ bằng qua na rừng trong đầu lũ người. Nó xám đen, ướt nhoét và bẩn thỉu mà ông cha của “ngài” từng kể khi xé xác chúng. Cái khôn ấy là khi chúng hạ sát lũ gấu, lũ lợn lòi-những kẻ ít ra còn đáng mặt để ngài coi trọng-từ trong bụi rậm, từ chạc cây cao chứ không dám đối mặt.
Cuối cùng, tất cả mọi suy tính đều nhòe đi, trong mắt ngài giờ chỉ còn lại lòng tự ái. Ngài đã tìm về khu chuồng trại mà lũ người đã nhốt những con vật của “ngài”. Từ bao kiếp, “ngài” vẫn canh giữ rừng già, chúng vẫn nhẩn nha ăn cỏ, uống nước suối nguồn từ núi chảy ra. “Ngài” sẽ nhẩn nha  chọn một con trong số chúng để kết thúc sự sống sớm hơn, để cả đàn sẽ yên ổn không phải sống trong sự thắc thỏm về nguồn thức ăn. “Ngài” nhớ nhất, cách mà những con cái đứng nhìn một trong số các con của mình sinh ra biến mất trong nanh vuốt của “ngài”. Bao giờ mắt những con cái cũng ngấn lệ. Còn những con đực, những vị vua nhỏ trong đàn, chúng cũng ngoái lại nhìn khi biết đã đủ khoảng cách an toàn, khi đã biết ngài no nê không còn đòi hỏi gì thêm. Ánh mắt con đực ấy không giấu được trong thâm tâm sự mãn nguyện. Mùa động đực, dục vọng vô độ của chúng có thể sẽ đẩy cả giống loài vào cuộc tranh cướp thức ăn, xấu xé thân xác nhau. Chúng hẳn sẽ coi đó là được “ngài” ban ơn. Nhưng. ngài lại thấy phải biết ơn chúng…
Gần một tháng, kể từ khi để lộ ra điểm yếu lớn nhất của một vị chúa ấy là lòng tự ái, “ngài”đã đánh mất sự cao cả, thượng thừa để rơi vào cãi bẫy của loài đi bằng hai chân. Cái gã người thấp lùn, mắt tí hí nhưng cực dâm kia không bao giờ dám tỉ thí tay đôi với ngài. Nhưng hèn hạ hơn, hắn không dám ra tay bằng một phát súng, một mũi tên hay ít ra là cái hầm chông để đoạt mạng ngài. Ngược lại, hắn đê hèn bắt ngài lồng lộn trong cái địa ngục tối tăm. Hắn vẫn cho ngài ăn để sống, ngài vẫn ăn vì đấy là mùi máu, mùi thịt của các “thần dân”vốn thuộc về cánh rừng của ngài. Đến khi, trước lúc mạng ngài bị kết liễu hắn mới cho ngài nhìn thấy một thứ mà con người bôi bằng máu của họ lên đó. Đấy chẳng phải là hình ảnh cha “ngài”, những bậc tiền bối của “ngài” đã ra tay với những kẻ lên khuấy động sự yên lặng của rừng bao năm về  trước. Từ lúc “ngài” còn nằm trong bụng mẹ đã nghe cha ngài kể trong một đêm  trở về từ cuộc tàn sát loang máu chiều bên vực thẳm…
Từ bấy, mỗi khi nắng lên, lão Khoản lại bước lên cái chòi canh đường bệ. Những dã thú hoặc đã thành thứ cao đặc sánh ngâm trong các hũ rượu, hoặc chỉ còn lại răng và sừng đóng đinh trên vêu váo trên vách gỗ. Lão uy nghi bước ra, bộ áo da thú dệt lót sợi tơ tằm ấm áp trong tiết xuân muộn màng. Trận mưa này ngắn, nhưng xuân này cỏ xanh lạ. Hẳn là ông trời như biết được sự thức giấc của những mạch máu hồi xuân trong lão. Quái lạ, cái lão thày lang bản bên kia thung, hắn hái lá thuốc thế nào, có lẫn thứ tạp chất vào, đến khi đem hãm cho người bênh uống, họ lại đột tử. Người nhà căm phẫn vác dao quắm đến đòi xử gã, nếu không có lão đứng ra dàn xếp thì chưa chắc giữ được cái thủ mà uống rượu, ăn thịt. Thế mà, thứ rượu ngâm mà hắn mang đến để đền ơn lại cứ làm lão thấy trong người cứ ngứa ngáy. Cái thứ phải gió này chỉ có lúc trẻ, nhưng cái đói, sự lo âu cho cuộc giáp mặt với chúa sơn lâm làm lão quên khuấy.
Gõ hết đám tàn thuốc vào cái ống bương cũ, lão thay mồi thuốc mới và châm lửa từ cái đèn dầu mỡ lạc. Thứ thuốc của người Tây mê hoặc như rượu vang, như đàn bà và súng của họ. Tự dưng, lão nhận ra, trước sự tinh khiết, trong veo sau cơn mưa tảy trần  này, thấy mình rụt rè và lâng lâng sảng khoái. Giữa đất trời là cỏ xanh, phía trên nắng ánh như tưới thêm chút mật ngọt. Giữa cảnh sắc yên ả đó, một người con gái như hiện ra như một sự trêu ngươi trước sự nhàn nhã, yên ổn của lão. Rõ ràng, lão đã biết nó từ lúc lọt lòng. Chính xác hơn, khi theo cha đến nương náu ở thung lũng này, Khoản đã nghe nói mẹ nó đã trải qua một cơn đau bụng dữ dội. Còn hai con trăng nữa mới đến ngày sinh nở. Bà đỡ ngồi cạnh sau này kể rằng, cả đời đi giúp những người phụ nữ vượt cạn nhưng chưa bao giờ bà thấy như có một con thú vùng vậy trọng bụng đàn bà đến thế. Nó quái đản đến mức bà tưởng phải là một quái thai nhưng kì lạ hơn, là một bé gái như cục bột, đẹp đến từng nét nhỏ nhất và mạnh khỏe đến khi thành một thiếu nữ.
Đồng cỏ cứ xanh mướt đến nhức nhối. Tôi ngày càng thấy mình lạ. Lắm khi, vác nỏ lên rừng nhưng chẳng bắn được con gì. Ra suối mài lưỡi dao nhưng dao lại cùn đi. Tôi vác những khúc gỗ đi qua, đi lại những nơi có chị như một kẻ bị ma ám. Chị bình thản, sự bình thản nhanh chóng loại bỏ những kẻ nóng vội ra khỏi tầm mắt. Ở cái thung lũng này, người giàu có thì không có quyền uy. Người quyền uy thì sợ người có chữ. Cha mẹ chị Hường có quyền uy của chữ và muốn trở nên giàu có bất kể lúc nào cũng được nhờ một cuốn sách cổ. Người ta nói, trong ba vị đã đến đây phát rừng, lập bản thì chỉ có ông tổ của chị là biết chữ Hán. Khi phát đến một bụi cây, lưỡi dao chạm vào đá tóe lửa, ông bèn dừng lại dựng nhà trên đất ấy.
Đêm trước khi dựng nhà, nằm trong cái lán, ông mơ thấy có một người phụ nữ trần truồng hai tay ôm ngực, bên vai trái có một vết thương nhưng không thấy máu chảy. Vốn là người có lòng nhân hậu, lại chắc nhẩm đây là thần thánh nên ông mời vào lán và lấy vải đưa cho quấn quanh người. Trước lúc biến mất, vị này nói bà ta vốn là cung nữ bị táng chung với một vị vua mất trên đường chạy giặc, ông không nghe rõ là vị vua đời nào. Sáng hôm sau tỉnh dạy, ông lục tìm hòn đá cất kĩ. Sau khi dựng xong nhà, ông khâu một mảnh vải đẹp để làm áo cho tượng, lập cái miếu thờ. Cứ mỗi tuần trăng, ông đều có lễ vật  để dâng tế cho tượng. Viên đá quanh năm tỏa hơi sương mát. Có đêm, người ta còn thấy ánh sáng lóe ra viên đá rồi mới nghe tiếng mưa lộp độp từ trên rừng vọng về. Lạ nỗi, ở chỗ hòn đá được đào lên, ông tìm thấy một cái hòm bằng đá nhỏ, bên trong chứa một cuốn sách bằng chữ Hán. Dẫu chưa ai được tận mắt trông thấy nhưng người ta tin, ông biết đâu là huyệt thông linh ở đất này. Tức là, có thể thông xuống dưới địa ngục và ở nơi ấy, nói một tiếng có thể vọng lên cả trời xanh.
**
Tôi bắt đầu nhận ra, đồng cỏ có những con vật nhỏ bé như dám tuyết trắng ẩn hiện. Thỏ, chúng thật đáng yêu và hiền lành. Nhưng sau vài tuần trăng, thỏ bắt đầu đông lên một cách kì lạ. những con bê trong chuồng nhà ông Đôi-cha của chị Hường- và bao nhà khác bắt đầu dài cổ gọi chủ. Chủ của chúng thì dài cổ đợi cơn mưa để tái sinh đồng cỏ nhưng mưa không đến. Chưa bao giờ, Mường Muổi lại hán hạn giữa cái mùa đáng ra mưa phải dầm dề cả tháng. Ông Đôi mổ con gà trống cuối cùng trong đàn để cúng nữ thần đá cầu mưa. Cúng rồi mà trời vẫn khô như chiếc chum rỗng nút lá chuối.
Một đêm, ông lần dở cuốn sách cổ, ông lờ mờ hiểu ra, sẽ có một họa lớn, điều mà đáng siêu nhiên không thể giúp được mà chỉ có con người tự cứu lấy mình.
Khi loài thỏ lạ đã phá nát đồng cỏ,  khi những cái mầm mới nhú lên, tất cả hy vọng vào sự hồi sinh của thảo nguyên, khi những con vật nuôi đã không thể chịu được nữa, chúng liếm tất cả những vụn xanh ấy để đã cơn thèm thì chỉ chờ có thế, ở đâu đó có một cặp bê đã mang trong mình thứ bệnh dịch đến đồng cỏ này. Những con vật có đôi mắt hiền lành của thung lũng bị một cơn khát khủng khiếp hành hạ ruột gan, chúng tìm đến những vũng nước đã khô khốc với đôi mắt đã cháy đến kiệt cùng. Nhưng càng uống nước, chúng càng nhanh chết. Dân bản tìm đến ông Đôi, ông nào biết mạch trời, đất. Khi những cư dân của thung lũng đã như một bày thú bị lùa vào màn lưới quây, lão Khoản vẫn nhẩn nha…
Gầm sàn vắng lặng không tiếng một tiếng con vật nào. Hường biết, từ lúc nhận ra những con thỏ lạ, có đôi mắt đã thầm bám diết lấy tấm lưng cô. Khi con thú săn mồi, sẽ không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi được ăn ngấu nghiến. Còn kẻ săn thú thì không làm thế, họ sẽ bao vây cả một vùng và dồn con thú đến cái chết. Hường biết sự khác biệt đó. Hường rón rén đi về phía miếu thờ.
Tôi thấy da thịt mình cũng chả hơn gì những con trâu mấy hôm trước còn đằm thứ đất vang váng nước. Nhớ nước còn kinh khủng hơn khát nước. Cảm giác da thịt bị bụi và các loại bọ dấp dính. Chúng như thể muốn đục thủng da, chui vào máu và ngược lên đầu để bu bám vào ý nghĩ của mình. Nước, nước chỉ còn đọng trong những đôi mắt đã vằn đỏ của thung lũng này. Những thân cây chứa nước, những bút non dang dở giữa mùa đều đã bị người ta ngấu nghiến. Sức trai trong tôi lúc này vẫn có thể đánh nổi kẻ thù hiện hữu đến cướp phá, nhưng tất cả đều như một bàn tay vô hình triệt dần, bóp nghẹt cổ họng. Ban đầu từ thiếu cỏ, thiếu rau dại đến dịch bệnh ở vật nuôi, hạn hán, đến nạn côn trùng.
Tôi rút con dao ra khỏi vỏ. Tôi bắt đầu cạo lưỡi dao trên da thịt mình. Lưỡi dao như con mãnh thú đói mồi từ lâu. Hơi lạnh của kim khí lan đến đâu, da thịt tôi cảm giác như được trút bỏ những bực dọc đến đó. Ai đã từng tắm bằng lưỡi dao? Ngày mai, những người không đủ sức chịu đựng sẽ đi khỏi làng, những ai vẫn kiên trì giữ đất tổ tiên sẽ ở lại. Chẳng biết đi bao nhiêu, còn bao nhiêu. Bản này đã có mấy trăm năm , đã có hàng vạn đêm quần tụ quanh đống lửa để cùng mưu toan bám trụ nhưng chỉ một đêm nay ly tán biết bao giờ trở lại. Khi cảm thấy, người đã thật sự sảng khoái dẫu những chỗ xước bắt đầu rớm máu, một cảm giác sạch sẽ chưa từng có. Tôi cứ để nguyên thế, trần truồng bước đi trong đêm. Đêm tối như bộ quần áo màu đen rộng thùng thình đang che cho tôi. Tôi đã ở dưới gầm sàn nhà chị từ bao giờ. Một sự yên tĩnh thê thảm chỉ còn thoang thoảng mùi phân bò từ quá lâu rồi. Tai như ù đi, trong mơ hồ, tôi nghe thấy tiếng nước chảy, chắc vì tôi nhớ nước quá. Nhưng không, tiếng nước và mùi hăng của đất đang bốc lên từ bao ngày khô khát. Tôi vòng ra phía ấy, là chỗ miếu thờ tượng đá. Và, trong đêm tối không một ánh trăng, tôi thấy nước đã chảy trên tượng đá, bức tượng là hình một người con gái đẫy đà, trắng muốt như phá tan khối đêm đen đặc. Tôi sững người, bức tượng ấy bắt đầu cựa quậy và đúng rồi, có một người đang dội nước tắm cho bức tượng. Tôi bần thần như người lạc vào cõi hồng hoang. Không, đấy là chị Hường chứ, người đang ườn mình đón từng gáo nước mát ấy chứ. Nước hay là mưa? Chị hay cả đồng cỏ đang oằn mình thỏa mãn? Khi chúng tôi cần nước để nuôi từng hơi thở, chị lại đang vùng vẫy trong nước. Người đẹp nhường ấy là có quyền năng đến thế sao? Trên tất cả, hơn cả ông hổ trong rừng sao? Ai đang dội nước cho chị? Tôi xộc đến, giằng lấy gáo nước. Cái người ấy to đậm chắc nịch, tôi khỏe và nhanh hơn nhưng vẫn bị hắn thụi vạo bụng đau không thể thở được. Tôi nhớ ra con dao vẫn cầm trong tay, tôi chém mạnh một nhát, hắn thét lên và bỏ chạy.
Tôi thấy mắt mình nhòe đi, như có làn khói phả vào mặt mình tê dại. Trong vô thức, tôi oằn mình lên, bằng tất cả sức nóng của lửa còn tích tụ. Lửa gặp nước không tắt mà càng bừng lên mãnh liệt…
Tôi giật mình, trong tay mình đang ôm bức tượng đá khô khốc. Tôi cầm cái gáo còn dính chút nước lên, nhưng tôi quyết không uống chút nước thừa ấy nữa.
***
Sau này, bản tôi trở lại trù phú và xanh tươi sau những cơn mưa dài rồi lại tạnh. Người già giờ ít kể về lần đại họa đó. Nhưng ai cũng biết, tất cả do lão Khoản đã một tay làm loạn cánh rừng. Đám thỏ bị dính thứ thuốc để rồi ăn bao nhiêu vẫn luôn đói, hắn trấn yểm để trời không thể làm mưa… tất cả chỉ để thỏa cái ham muốn có được chị Hường. Để chị phải phài hầu hạ hắn. Sau này, người ta ra miếu vẫn thấy bức tượng trùm vảo đỏ, chị Hườn cũng biệt tăm từ đó.
Một ngày, có người từ xa đến kể, vào một ngày sau khi cơn mưa tạnh. Người ta tìm thấy xác của một người phụ nữ đẹp. Da bà ta trắng và và căng nhưng đầy những vết đỏ như dịch bệnh. Lại có người nói rằng, ngày xưa đoàn người nhà lão Khoản lên đây để ý đồ đánh cắp tượng đá nên ông hổ đã chặn đường tiêu diệt… các huyền thoại cứ thế sinh ra ở thung lũng này như thế. Còn tôi, tôi đã già và trở thành ải thẩu (bố già) trong bản, tôi không biết mình có nên tin người tắm trong đêm ấy là chị hay không?
Chiều nay, Mường Muổi lại vừa tạnh một cơn mưa…
Thịnh Lang, 22.3.2020
BÙI VIỆT PHƯƠNG
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...