Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Hội xì gà - Truyện ngắn của Trần Nhã Thụy

Hội xì gà - Truyện ngắn
của Trần Nhã Thụy

Lý là tên trong căn cước công dân của tôi. Nhưng, đâu đó ở nhà, hay một nơi bất kỳ khó đoán, mọi người vẫn gọi tôi là Miêu.
Miêu là mèo. Hay Miêu là mưu. Đọc theo giọng miền Bắc. Tôi cũng không hiểu vì sao mình có cái tên này. Còn cái giọng miền Bắc mà tôi có được là do tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chứ bố mẹ tôi đều là người gốc miền Nam.
Bây giờ, ở Sài Gòn lâu rồi, nhưng tôi vẫn giọng Bắc sắc, đếch đổi được.
Ở Sài Gòn, tôi có một đám bạn hành giọng hệt tôi, nhưng gốc gác Nam Bộ rặt ri. Đám Nam Bộ giọng Bắc của chúng tôi, nói chung khá thành đạt, phổ theo ngôn ngữ bây giờ là toàn đại gia. Cũng toàn dân ăn học bằng cấp xịn, nhưng rồi sau cứ áp phe mánh mung tứ tung, sở hữu khối bất động sản kếch xù trên toàn thế giới. Cũng có vài đứa làm nghệ sĩ, nhưng nửa mùa, chơi mới chính chủ. Ví dụ thích hát thì mua luôn cái phòng trà bự bự; khoái vẽ tranh thì tậu cái xưởng vật vã, rồi sau cứ đi mua sỉ tranh của các danh họa. Bọn nghệ sĩ này, nói chung không nổi tiếng thành danh, nhưng lại được đám thành danh nể nang trân trọng, tôn lên còn hơn cả thánh thần. Còn với đám chúng tôi, mỗi khi có tiệc tùng gì thì không thể thiếu mấy đứa nghệ sĩ này. Mấy đứa nó rất nhộn. Lắm trò. Xét cho cùng thì bọn nó cũng hồn nhiên.
Tôi có hồn nhiên không?
Tôi không biết. Hồn nhiên thì sao mà không hồn nhiên thì sao? Thật ra thì tôi không có thời gian để phán xét mình. Với lại, chúng ta thường thích phán xét người khác hơn là phán xét chính mình. Chúng ta thường thích làm cái dễ hơn cái khó. Tôi cũng vậy thôi. Nhưng, công bằng mà nói, tôi rất ít khi phán xét ai. Tôi cũng ít khi phải nghĩ ngợi lâu li về một ai đó. Bố tiên sư. Kệ mẹ bọn chúng mày.
Chỉ có một người khiến tôi hay nghĩ về. Là bố tôi.
Nhà văn Trần Nhã Thụy
Bố tôi mất rồi. Chết rồi. Mả ông to và đẹp nhất tỉnh. Mả ông còn oách hơn cả mả danh nhân. Nhưng đó không phải là điều tôi nghĩ. Tôi nghĩ về bố. Một người học hành không nhiều. Cả đời ông dường như chưa bao giờ cầm lên một cuốn sách. Nhưng ông thường nói chuyện với những người viết sách, tức các nhà văn nhà báo, thậm chí có người tự xưng mình là triết gia. Mà, tôi thấy họ rất nể trọng ông. Thậm chí, họ còn lấy sổ tay ra ghi chép những gì ông nói. Không biết họ có giả vờ đóng kịch? Nhưng tôi biết bố tôi có tài ứng đối. Ông có nhiều vốn sống thực tiễn. Vị trí của ông, quyền lực của ông, cũng mang đến cho ông nhiều người giúp việc giỏi.
Trong số những người giúp việc cho bố, chết cười, có một tay chuyên môn lẩy Kiều.
Tay này nghe nói trước công tác ở Viện Văn học. Tôi có gặp anh ta vài lần, trong những dịp tình cờ, nhưng lần nào gặp anh ta cũng cung kính tặng tôi vài cuốn sách. Anh ta có dáng vẻ của kẻ Mọt Sách. Vô hại. Tôi không thích kiểu người này chút nào. Nhưng anh ta đối với tôi cung kính trìu mến lắm. Tôi không biết anh ta thật hay diễn? Dù sao thì nhờ anh ta mà bố tôi cũng thuộc được vài câu Kiều.
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Tôi nghĩ, à mà cần quái gì phải nghĩ, việc rõ rành rành, nhờ bố mà mọi chuyện đối với tôi đều dễ dàng trôi chảy. Tôi biết ơn bố về điều đó. Nói một cách nào đó thì tôi cũng lợi dụng bố mình. Tuy nhiên, cũng có những rắc rối mà bố không thể can thiệp được, ví như chuyện chồng con. Tôi là người bẩm sinh mạnh mẽ, không bao giờ chịu lép vế trước bọn đàn ông, do đó mà tôi ở với thằng nào thì trước sau gì cũng chia tay. Tôi cũng không muốn làm một bà mẹ hiền. Tôi chịu, chả bao giờ sắm được vai ấy. Cho nên, giờ tôi có bốn đứa con và ba đời chồng, nhưng hoàn toàn tự do.
Tôi đã năm bốn tuổi và đang tự do.
Đôi khi tôi cũng lăn tăn nghĩ về tuổi tác, nhưng cũng không có thời gian để nghĩ ngợi nhiều, vì có quá nhiều việc để làm, tôi vừa là đầu mối vừa là mắt xích của rất nhiều vụ làm ăn lớn. Cũng có thể gọi là kinh thiên động địa. Thiên hạ bây giờ ai cũng làm ăn. Nhưng chúng tôi không phải là những kẻ quăng lưới bắt con tép nhảy. Chúng tôi săn cá mập.
Nhưng hiện tại mà nói thì tôi đang rút dần khỏi chốn giang hồ. Tôi đang bận rộn với cái này. Một cửa hàng xì gà rượu Tây lớn nhất Sài Gòn. Thật ra thì tôi không muốn dùng chữ cửa hàng, vì ở đây không chỉ là chỗ mua bán, mà nó còn là một không gian dành cho những người hút xì gà. Xì gà và rượu ngoại. Và, có cả một tạp chí xì gà nữa. Một thằng bạn già trong nhóm Nam Bộ hành giọng Bắc đang đầu tư cho cái mớ giấy láng in màu này. Nhưng ông cậu vàng của tôi sẽ làm tổng biên tập. Cậu hăng lắm, bảo rằng chúng ta đang dần tiến tới thành lập một cái Hội gọi là Hội xì gà.
Nhưng tôi, nói ngay và luôn, tôi chẳng bao giờ ngồi vào cái ghế Chủ tịch hội ấy đâu.
Nếu bố tôi còn sống, có thể ông ấy sẽ vui lòng làm Chủ tịch danh dự, sau những ngày hạ cánh an toàn.
Cơ mà, bố tôi đã chết rồi, ông cũng không hút xì gà, ông là tín đồ của trường phái điếu cày.
***
Tôi là một người hút xì gà, hội viên.
Năm nay tôi bốn tám tuổi. Tôi tên Mỹ. Mọi người thường gọi tên tôi theo tên của tổng thống Mỹ đương nhiệm. Cho nên hiện thời tôi tên Trump, do tôi thứ ba nên phiên ra tiếng Việt là Ba Trâm. Nghe hơi hài. Nhưng kệ. Bản chất tôi là một người ham vui. Chúng ta sinh ra trên đời này là để vui chứ đâu phải để buồn. Đúng không?
Chúng tôi là chủ doanh nghiệp đủ các loại, cỡ doanh nghiệp đi chung với chuyên cơ thủ tướng trong những chuyến ra nước ngoài tìm cơ hội hợp tác làm ăn. Trong nhà tôi và nơi công ty, lúc nào cũng có vài bức ảnh tôi chụp chung với các lãnh đạo cao cấp. Trong đó có bố của chị Lý.
Tôi kêu Lý bằng chị, nhưng thú thật mỗi khi gặp Lý tôi đều có ham muốn làm tình với ả. Lý là kiểu đàn bà mèo hoang, trông rất hấp dẫn, dáng cao to, bầu vú như hai trái dừa, tóc xù như bị giật điện. Nhưng nghĩ thế thôi chứ tôi biết mình không có cửa. Lý có nhiều mối quan hệ phức tạp ghê gớm và nhiều gã đàn ông hay ho hơn tôi nhiều. Tôi nghĩ mình chỉ cần chiếm một chút tình cảm với Lý là ô kê lắm rồi. Còn làm tình thì tôi chọn phương án thủ dâm. Tôi thường thích thủ dâm với cùng lúc vài ba cô nàng nóng bỏng. Nhưng với Lý thì tôi làm quả sô lô.
Trước đây, tôi là một thằng khá sạch sẽ, chưa từng hút một điếu thuốc nào. Cho tới một hôm, tôi gặp tay trùm bất động sản và gã choàng vai tôi mời một điếu xì gà. Chúng tôi cùng chụp một tấm hình. Và, trùi ui, quả hình đó trông mới ngầu làm sao. Sau lần cầm điếu xì gà cháy đỏ ấy, hình ảnh của tôi tăng lê vồ một khúc. Nói tôi hút xì gà vì đua đòi hay vì hình thức đều đúng. Nhưng ai sống mà chẳng hình thức, đúng không?
Ban đầu tôi hút Cohiba, loại năm trăm ngàn một điếu, mỗi ngày làm hai điếu, sau tăng đô dần lên. Xì gà với cái tên gọi mỹ miều Romeo y Julieta luôn có trong túi xách của tôi. Thỉnh thoảng tôi cũng làm một điếu Purple Rain vì cái tên Cơn mưa màu tím của nó, nhưng loại này hơi chát, tầm ba triệu một điếu.
Vấn đề không phải là tiền. Tôi không thiếu tiền. Vấn đề tôi vẫn chưa phải là tín đồ của xì gà. Tôi vẫn chưa thấu cảm cái vị ngon say rừng rực của nó.
Ở trong cái hội này, người như tôi khá nhiều.
Chúng tôi có thể hút xì gà ở bất kỳ đâu, nhưng chúng tôi vẫn thích tụ tập về chỗ này. Ở đây chúng tôi có những chiến hữu xịn. Ở đây chúng tôi được tiếp thêm sức mạnh. Sức mạnh đó, dĩ nhiên, không phải được tiếp dẫn từ những điếu xì gà cháy đỏ, mà từ bóng đổ lênh khênh của những con người ngồi đấy.
Ở đây, ai hút được liên tục những điếu xì gà đắt tiền, người đó sẽ được kính trọng bậc nhất.
***
Như một ngôi nhà phố mặt tiền bình thường.
Nhưng bước vào bên trong, đi hết chiều dài một trăm mười lăm mét của căn nhà ống thì sẽ mở ra một không gian khác.
Tổng diện tích của khu này là bốn ngàn bảy trăm mét vuông.
Nếu được quay bằng flycam, hay được nhìn từ trực thăng xuống, khì khu đất này có hình như một cái chai Hennessy XO nở hậu. Phần cổ chai, trước đây Lý cho người ta thuê mở nhà hàng Kobe, nhưng sau cô lấy lại để mở không gian trưng bày xì gà và rượu ngoại. Nếu như những ai không phải là thành viên của Hội xì gà thì có thể đến tham gian chụp hình lưu niệm ở không gian này. Bước ra từ hai phía vai chai XO là chính thức bước vào không gian của Hội. Một cái hội không phải hội kín, nhưng không phải ai muốn vào thì vào. Để là thành viên của Hội, mỗi người phải tích điểm bằng số tiền hóa đơn mua xì gà và congac. Dĩ nhiên là hoàn toàn tự nguyện. Hội viên không có thẻ, nhưng được ban lãnh đạo hay nhóm điều hành để mắt đến một cách kỹ càng.
Quyền lợi của hội viên là gì?
Không phải là chế độ giảm giá voucher hay miễn phí không gian sang trọng để chụp những bô hình tự sướng. Hoàn toàn không phải. Ở đây không dành cho trẻ trâu.
Quyền lợi, được cho là ngấm ngầm ở đây chính là sự bảo trợ của các nhân vật VIP, những người có thể hút xì gà có thể không, có thể đang ngồi ở một trong những gian phòng kín nơi này, cũng có thể không bao giờ bước chân vào nơi này.
Đây là nơi dành cho những người có tham vọng lớn.
Trước khi bước chân vào đây hãy bỏ hết những sân si nhỏ mọn bên ngoài.
Hãy giác ngộ xì gà trước khi giác ngộ nhiều thứ khác.
Chỉ có xì gà và rượu mạnh và những triết thuyết suy tư nâng tầm hạt bụi người. Không có cave gái gú. Không có đập đá cỏ Mỹ ba lăng nhăng. Chỉ có cắn xì gà phả khói và nhấm nháp congac để mở rộng các giác quan, nghe một thứ âm nhạc hay ho rõ ràng từng nốt một, ghi vội vào smartphone một thông tin cực kỳ hoặc một câu triết lý dẫn sáng.
“Thế gian này có nhiều người tốt nhưng quá ít người vĩ đại”.
Cũng như có quá nhiều người hút thuốc lá phì phèo phả khói ngoài phố, nhưng không phải ai cũng biết cắn xì gà. Kẻ được kính trọng là kẻ đã bập hai mươi điếu xì gà mỗi ngày, mà cứ mỗi điếu là ba triệu đồng, tính nhân lên thì ra bao nhiêu tiền?
Nhưng, vấn đề không phải là tiền.
***
Tôi là một người lẩy Kiều.
Có thể gọi tôi như vậy. Cũng có người kêu tôi là nghệ nhân Kiều. Mỗi lần nghe kêu như vậy tôi mắc cười gần chết.
Người lẩy Kiều hay người thuộc nhiều câu Kiều đều đúng với tôi cả. Thật ra thì luận án tiến sĩ năm hăm tư tuổi của tôi là về Truyện Kiều. Nhiều người cũng nhờ Truyện Kiều mà có bằng tiến sĩ giống tôi, nhưng có thể trí nhớ họ không tốt, mỗi khi muốn lẩy Kiều phải giở sách ra hoặc nhờ quyền trợ giúp từ bác Gúc gồ. Tôi thì không cần. Tôi nhớ rõ mồn một từng câu Kiều. Như nhớ rõ mồn một vị trí từng nốt tàn nhang trên bộ ngực không bao giờ mặc coọc xê và luôn để hở luôn nhún nhảy của Lý.
Nhưng, thuộc nhiều câu Kiều không phải là độc quyền của tôi.
Điểm mạnh của tôi là có thể dịch Kiều sang tiếng Anh một cách hay ho sáng sủa nhất. May mắn của đời tôi là sau khi rời khỏi Viện Văn học năm hăm bảy tuổi, tôi nhận được suất học bổng tiếng Anh bên Hội đồng Anh. Lúc đó vợ mới sinh con gái, đang nghỉ việc ở nhà chăm con nhỏ, nên tôi phải cày tiếng Anh để hành nghề phiên dịch kiếm sống. Tôi chuyên phiên dịch cho các hội nghị, hội thảo. Nhờ đó mà tôi cũng quan hệ kha khá. Nhưng lúc này, không biết trời xui đất khiến thế nào, tôi lại cặp bồ với một cô nghiên cứu sinh người Hàn Quốc. Vợ tôi biết được điều này nên đã ôm con bỏ về bên ngoại. Vợ tôi thuộc trường phái đàn bà không bao giờ chấp nhận ngoại tình.
Chúng tôi không làm thủ tục ly dị. Nhưng từ đó mạnh ai nấy sống.
Sau cô Hàn Quốc tôi lại cặp bồ với một cô Nhật Bản. Có một cô Trung Quốc cũng rất thích tôi. Chúng tôi thường uống trà đàm đạo về thơ Lý Bạch. Nhưng lên giường thì không. Rồi thì tôi sống như vợ chồng với một cô tiến sĩ Việt kiều Mỹ chuyên ngành thôi miên, về Việt Nam mở công ty tư vấn du học. Cô này cũng có làm thơ. Tự do. Không vần. Không ngửi nổi Truyện Kiều. Cổ không che giấu điều đó. Tôi chịu đựng điều này một năm rưỡi rồi bùng. Đúng lúc ấy tôi nhận ra mình bị liệt dương toàn phần. Thật chẳng ra làm sao cả.
Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao.
Năm đó tôi mới ba bảy tuổi. Còn giờ tôi đã bốn mốt. Cũng trong cái năm phát hiện mình bị liệt dương đó, tôi đã lẩy giúp cho tổng thống Mỹ Obama hai câu Kiều khi ông đến và phát biểu ở Việt Nam.
Rằng trăm năm cũng từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi.
Cũng năm đó, tôi bắt đầu suy tư về Phật pháp và nhân quả kiếp này. Tôi thấy con người ta, ai trải qua cõi trần gian này đều có một giai đoạn phải đi tu, nương nhờ cửa Phật. Nguyễn Du cũng từng đi tu ở chùa Hổ Pháo – Hàng Châu, sau mấy tháng giang hồ vặt ở Vân Nam chẳng may bạo bệnh. Cũng chính tại chùa Hổ Pháo mà Nguyễn Du gặp được bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, rồi sau yêu nhiễm quá mà phóng bút thành Truyện Kiều. Đại khái thế. Không ai đánh mà đau. Không phải làm thơ mà trời hành. Đôi khi tôi thấy mình cũng xiêu liêu nhàu nát như Nguyễn Du.
Nhưng người như tôi ở nước Việt này có đầy, tới mức, một tay bạn cũ ở Viện văn hành vè như vầy:
Ra sông tìm gặp Thúy Kiều
Nào ngờ vớt được rất nhiều Nguyễn Du.
Mỗi lần gặp, Lý đều nhìn tôi có vẻ chế giễu, nhưng không đến mức xem thường. Có một lần tôi mạnh dạn gửi email cho cô ấy xin một số tiền để xây dựng cái thư viện ở nông thôn. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi Lý gửi ngay trong ngày hôm đó. Gửi đúng số tiền mà tôi xin. Những lần sau, khi có những chương trình thiện nguyện gì, nếu tôi xin Lý đều cho mà không vặn hỏi mảy may. Với tôi như thế là được tôn trọng lắm rồi. Tôi sống đến hôm nay, chưa từng thấy một người giàu nào tử tế với mình như thế.
Tôi không phải là người hút xì gà. Nhưng tôi đã từng đến Cu Ba tham quan một ngôi làng chuyên trồng và quấn xì gà. Tôi thích ngửi mùi thơm của lá thuốc. Tôi thích mùi thơm của gỗ tuyết tùng. Chỗ Hội xì gà của Lý chắc nhiều gỗ tuyết tùng lắm.
Tôi không phải là người hút xì gà. Nhưng biết đâu đấy, rồi tôi sẽ tập. Bởi tôi đã bắt đầu tham gia dịch một số bài thú vị về thú chơi xì gà cho cái gọi là Tạp chí Xì gà.
***
Tôi là chủ biên tạp chí Xì gà.
Tên tôi là Thảnh. Năm nay tôi sáu lăm tuổi. Trước đây tôi là lãnh đạo một đài truyền hình địa phương chuyên sản xuất chương trình phim bộ cho mấy bà nội trợ và món đặc sản bolero giao duyên hài kịch. Chúng tôi kiếm được bộn tiền.
Sau khi nghỉ hưu, vợ chết vì ung thư, tôi theo con lên sống ở Sài Gòn.
Lý gọi tôi bằng cậu. Má của Lý là chị ruột của tôi. Chị thứ Hai, còn tôi thứ Bảy. Cho nên người ta còn thường gọi tôi là Bảy Thảnh. Trước đây cũng như bây giờ, chuyên môn chính của tôi là tiếp khách, tức đi nhậu. Tôi bẩm sinh tửu lượng khá, uống chì. Như hũ hèm. Tất cả mọi kiến thức và nói chung là về tất cả mọi thứ trên đời này, tôi đều nghe và học được từ bàn nhậu. Rượu càng mạnh càng mài giũa các giác quan trong tôi một cách sắc sảo nhất. Trong bất kỳ bữa tiệc nào, tôi luôn là người tỉnh táo sau cùng, lo cho hết thảy các vị khách về nhà an toàn rồi thì mới tới lượt mình dời đi. Tôi thích cảm giác đó. Cảm giác đứng đái một bãi to nái ồ ạt trong cái toilet rộng vắng người. Đứng say say trên hè phố chờ ô tô chạy đến. Châm một điếu xì gà phả khói cuồn cuộn trong ô tô. Uống thêm vài ngụm Martell trong khi chờ về tới nhà. Trước đây tôi uống tạp, nhưng sau chỉ uống thằng Martell xách tay. Lái xe của tôi phải quen chịu đựng mùi khói xì gà. Cũng như những người hút xì gà khác, tôi rít đủ loại sưu tầm được, nhưng ưa thích nhất là được cắn một điếu Habanos S.A trong miệng vào lúc say.
Tôi ngày nào cũng say thật say. Cứ như thế mấy chục năm nay rồi.
Tạp chí Xì gà của chúng tôi, thực ra là một tờ lưu hành nội bộ, chúng tôi làm chơi vui, vì nhiều anh em thích có một cái mà họ gọi là “Diễn đàn”. Chúng tôi có một nhóm lo về nội dung và cả về kỹ thuật. Đó là những người giỏi, từng làm việc trong các tòa soạn lớn, thậm chí có người còn tốt nghiệp một trường đại học gì đó ở bên Anh quốc về. Tôi xem chung chung, vì dù sao cũng có một người gọi là chịu trách nhiệm nội dung. Những thứ liên quan tới tiền bạc, vận hành này nọ Lý đứng ra lo hết.
Tôi làm việc với gã lẩy Kiều về một số bài dịch tư liệu nước ngoài. Đọc tư liệu tôi mới biết, hóa ra ông Winston Churchill thủ tướng Anh cũng là một người hút xì gà. Trong thế chiến thứ II, ông là người quyết liệt chống lại gã thợ sơn Hitler, dứt khoát không chịu một nhượng bộ nào, dù lúc ấy nước Anh và đồng minh đang trong tình thế dầu sôi lửa bỏng. Trong nội các cũng có phe muốn cầu hòa. Có những ngày quá căng thẳng khiến ông bập xì gà liên tục. Mụ vợ lén đếm thì thấy cả thảy bốn điếu, với một điếu đang gắn trên miệng là năm, thế là mụ làm ầm lên. Xì gà chứ có phải thuốc lào đâu mà hút lắm thế? Mụ dậm chân gào rú dọa cắt các khoản chi tiêu vì tiền xì gà với tiền rượu thâm vào hầu bao trầm trọng rồi.
“Chuyện này có thật không?”, tôi hỏi gã lẩy Kiều. Gã cười cười.
“Thật mà anh. Hồi xưa ông Churchill vĩ đại, nhờ hút bốn điếu xì gà mỗi ngày mà chỉ đạo nước Anh đánh bay phát xít Đức. Thế mà còn bị vợ chửi rát mặt. Nay chúng ta sung sướng thật, mỗi ngày hút chục điếu xì gà, chủ yếu để chém gió”.
À, thì ra, cái gã lẩy Kiều ấy cũng là một thằng xỏ lá.
Ở đây tôi thường gặp đủ hạng người. Chả có gì là quan trọng. Tôi chỉ quan tâm một điều: những kẻ ấy có phải là phe đối nghịch với ông anh quá cố của tôi, tức bố của Lý hay không? Và, một điều này nữa: tửu lượng cỡ nào? Chúng tôi có vài tay xăm trổ giỏi moi móc tin tức và hù dọa dằn mặt ai đó khi cần thiết. Bù lại, mấy tay xăm trổ này được độc quyền cung cấp cho chúng tôi đồ cắt và bật lửa khò xì gà. Dân mới tập tành thích dùng bật lửa khò vì điếu xì gà hay tắt giữa chừng. Những kẻ sành điệu thường dùng quẹt diêm cây dài. Mùi diêm cũng làm điếu xì gà thêm thơm.
***
Cùng một điếu xì gà, nhưng cách cầm cách hút của mỗi người sẽ khác nhau.
Thỉnh thoảng, trong một bữa tiệc, có một người đốt lên một điếu xì gà làm thơm nức cả không gian, rồi thì điếu xì gà ấy được chuyền đi. Mỗi người bập một vài hơi. Nhả nhả khói. Có người tỏ ra sành điệu. Có người bật ho ngay khi ngậm điếu xì gà. Có người làm điếu xì gà tắt ngấm. Có người làm điếu xì gà cháy bừng lên như một que củi châm dầu. Chủ nhân của điếu xì gà nheo mắt cười cười. Cần phải bập chậm rãi. Giữ nhịp bập khớp với nhịp tim của mình. Chậm rời rạc điếu thuốc sẽ tắt. Chậm nhịp nhàng điếu thuốc tỏa thơm.
Nói cho cùng thì sống trên đời này con người ta cần phải nghiện ngập một thứ gì đó để khỏa lấp đi sự vô nghĩa miên man. Nhưng xì gà không chỉ là cơn nghiện thuốc lá thông thường. Xì gà là cơn nghiện của sự sang trọng và quyền lực. Khi cắn một điếu xì gà trong miệng thì người ta cũng có thể cắn một bãi biển một cánh rừng một bầu trời vời vợi.
Rồi một hôm nào đó, chúng ta bất ngờ được một đại gia ngồi xếp bằng thuyết giáo về xì gà cùng tất cả mọi thứ tinh hoa trên đời. Chúng ta choáng váng cả tâm linh. Chúng ta thấy rõ ràng rằng, hóa ra mình không biết gì nhiều về cuộc đời này.
Cũng như chúng ta biết gì về Lý?
Lý đi lại khắp mọi nơi. Ở những nơi khó khăn nhất Lý đều đi tới, không phải vì một đam mê xê dịch, mà bởi Lý luôn thấy bị khích thích bởi những hoài nghi. Lý đến đó để biết rằng mình không bị cấm. Từ khi bố mất, Lý cứ phong phanh về những vùng cấm, điều này nhiều khi khiến Lý như bị điên lên và như một con ngựa cái, Lý lao tới. Lý thấy người mình đầm đìa mồ hôi. Lý nghe cả hơi thở hồng hực của mình. Trong một cái khoan ngực rộng. Lý đã uống rượu mạnh từ mấy năm nay. Nhưng hút xì gà thì chưa. Lý chỉ thích ngửi mùi của lá thuốc. Buồn cười là những ông chồng cũ của Lý, không có ai hút xì gà, trong đó có một ông đang hút thuốc lá điện tử, còn lại thì đã cai được thuốc.
Đôi khi Lý cũng ngồi lặng yên quan sát. Những vấn đề liên quan tới thân hữu của Lý, cũng thuộc về Lý. Từ khi lập ra cái Hội xì gà này, Lý cảm nhận rõ rệt về sức mạnh của mình, cứ thêm một hội viên xì gà thì Lý như khỏe mạnh thêm ra. Thế nhưng, cái câu mà Lý hay nghe hỏi nhất lúc này là:
“Chị Miêu khỏe không?”
“Chị bình thường”.
Lý trả lời. Con mắt có đuôi như ánh lên sự giễu cợt. Cũng có khi Lý bảo: “Chị khỏe”, như là một sự đáp trả nhẹ nhàng hơn là sự khẳng định.
Thế nhưng, vào một đêm, khi Lý bước vào cái cổ chai Hennessy XO thì từ trong ngược ra có hai gã thanh niên mặc áo gió trùm đầu đi cà giật như ca sĩ nhạc Pop, chúng nó áp sát Lý, rồi thì nhanh như gió, một thằng đi bên phải rút từ trong người ra một cái ống chích lụi một cú êm ái vào người Lý.
Trong khoảnh khắc, Lý nhận ra có một chất gì đó đang đi vào người, và trong lúc Lý kêu “Ơ” thì hai thằng đã biến mất ra ngoài phía cửa lẩn nhanh vào đường phố, thậm chí trong lúc chúng bước giật lùi ra, Lý còn thấy hàm răng sáng bóng toét cười đến tận mang tai. Một dòng chất lỏng lạnh toát đi vào người. Lý loạng choạng dựa vào tường, rồi rút điện thoại bấm một cuộc gọi, ngay lập tức một chiếc ô tô phóng đến đưa Lý rời khỏi Hội xì gà.
***
Cây tuyết tùng già mọc bên bờ sông, thân nó to và tán rộng xum xuê như che khuất cả ánh mặt trời.
Lần nào đến Mỹ, gã lẩy Kiều cũng đến chỗ đó ngồi câu cá, đôi khi gã loanh quanh chỗ gốc cây đưa tay áp vào những lớp vỏ xù xì của nó. Sờ cây mà như sờ đàn bà. Gỗ tuyết tùng có khả năng hút ẩm rất tốt, do đó mà nó thường dùng làm những thùng đựng xì gà. Gã vẫn lơ mơ nghĩ về những chuyện đó. Thế nhưng, cho tới giờ gã vẫn chưa tập hút xì gà.
Lý sau lần bị ám sát hụt đó, cô ẩn mình khá lâu trong một bệnh viện tư nhân, xong lại sang Mỹ hay một nước Châu Âu nào đó, rồi về, rồi đi. Hội xì gà vẫn hoạt động như bình thường. Tạp chí xì gà đã ra đến số thứ ba. Nhưng Lý vẫn không xuất diện. Không có ai còn thấy cô, kể cả những kẻ là bạn bè cũ hành giọng Bắc, đôi khi có tin đồn rằng cô đã chết hoặc đang chết dần chết mòn, ngực xẹp lép, tóc không còn một cọng. Người điều hành Hội xì gà bây giờ là một người khác chứ không phải Lý.
Nhưng cũng có người bảo ông Bảy Thảnh không còn phụ trách nội dung tạp chí Xì gà nữa, ông lập một băng nhóm gồm những tay xăm trổ đi lùng những kẻ đã mưu hại Lý. Họ đã cắt gân chân mười ba tên, rạch mặt hăm bảy tên, nhổ răng cửa mười lăm tên, rút móng tay ba mươi hai tên, thiến dái chín tên; nhưng vẫn chưa tìm ra kẻ chủ mưu. Thỉnh thoảng lại nổi lên vụ này vụ kia nghe ồn ào chấn động, thiên hạ lại vận thuyết âm mưu để dệt chuyện phe nọ đang đánh phe kia. Trong đó có phe Lý, phe bố Lý, phe của bố thằng nào con nào đó nữa.
Những chuyện nhân gian thực hư hư thực không biết đâu mà lường.
Vẫn không ai thấy mặt Lý.
Gã lẩy Kiều vẫn ở Mỹ chưa chịu về.
Từ đây góc bể bên trời
Nắng mưa thui thủi quê người một thân.
***
Tôi là một nhà văn hạng hai.
Là kẻ tiêu thụ xì gà.
Là người kể câu chuyện nhạt nhẽo này.
Một câu chuyện tưởng tượng, nó bắt đầu từ một trưa tôi rảo bộ ra phố tìm một tiệm cơm bình dân, tính kiếm gì đó bỏ bụng, nhưng rồi tôi thấy mấy chú công an phường cùng một đám lâu la dân phòng lùng bắt mấy người bán thuốc lá lậu, rồi tôi bỏ bữa ăn tò mò ngồi dòm, rồi rốt cuộc tôi mua được một hộp xì gà Cohiba ba điếu, rồi những ngày sau đó tôi mua được một cái kéo cắt xì gà một cái bật lửa khò đốt xì gà một hộp diêm dài hai mươi que để châm điếu xì gà một cái gạt tàn xì gà, nhưng rồi tôi vẫn chưa cắt chưa hút một điếu xì gà nào, tôi vẫn để hộp xì gà trong túi xách để thỉnh thoảng lấy ra đưa lên mũi quẹt quẹt hít hít như một kẻ nghiện ngập dở người.
Sài Gòn 22.10.2019
TRẦN NHÃ THỤY
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...