Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Lá mấn rơi ngoài cửa

Lá mấn rơi ngoài cửa

Đám lá rơi xuống từ cây mấn đang tuổi lớn.
Cây mấn cách cổng nhà Vui vài mét. Từ hồi làng làm đường nông thôn mới, mỗi lần gió thổi qua, đám lá rụng nô nức khiêu vũ trên sàn bê tông rắn đanh. Chúng nhún nhảy theo điệu nhạc cất lên từ kẽ lá còn trên cành. Chúng tràn đến cổng nhà Vui, đu vào nan sắt dưới cánh cổng. Có lá chao mình trong gió, nhảy tọt qua hàng rào, đáp xuống sân. Sân lát gạch đỏ, những viên dài ngắn không đều do Vui nhặt từ đống gạch vữa thừa sau khi xây nhà máy mang về, lắp ghép cho đầy khoảng trống rộng trước nhà, mưa gió cát đất khỏi lầm lên.
Vui thường vun đống lá úa vào một góc, nếu xe rác đi qua còn rộng chỗ, sẽ nhờ chị lao công hót giúp. Chị lao công ở đâu đó tới làng nên không được chia ruộng, một mình nuôi hai đứa con bằng nghề hót rác và bán phế liệu. Chị gom rác cho cả làng, từ sáng đến tối mới hết một vòng nên ưu tiên gom thứ khó phân huỷ. Lá cây có thể tan vào đất, vào bùn ao nên chị không gom. Lá cây mấn hất xuống ao thì chết cá, hất xuống vườn thì chết rau, chị không hót, Vui chỉ còn cách đốt thành than, đợi đêm tối mang ra sông thả. Biết thế, hôm nào xe vơi, Vui không nhờ chị cũng xúc đi. Trả ơn chị, mỗi khi nhà có khách, Vui gom vỏ lon, vỏ thùng các tông, đợi xe rác gần đến thì mang để cạnh túi rác đã buộc gọn. Chị không mất công chọn nhặt còn Vui không áy náy vì cảm giác cho người khác đồ thừa. Chị cũng như mình, hẳn sẽ không vui khi phải nhặt đồ bỏ đi của thiên hạ về dùng, nhất là nhặt của một người đàn bà. Nhưng bỏ ra sớm quá thì mấy người buôn đồng nát đi qua nhặt trước, bới tung túi rác, vừa hôi hám bẩn thỉu vừa mất công chị vun quét lại. Thêm một động tác quét là thời gian gom rác dài thêm. Chị sẽ về muộn. Hai đứa con sẽ ngóng. Nếu chúng ăn cơm mà không đợi mẹ thì tổ ấm của chị sẽ thủng lỗ chỗ vì mẹ con không được gần nhau. Nếu đợi mẹ lâu thì đói. Muốn quên đói thì xem ti vi. Xem nhiều và lâu thì đầu óc chân tay rời rã, quai hàm không muốn cử động, chị lại phải ép chúng ăn. Trong lúc thức ăn chưa kịp tiêu hóa, cơ thể chưa kịp hồi phục thì cơn buồn ngủ kéo đến, đầu óc mụ mị, rồi ngại học. Hôm sau đến lớp nghe giảng sẽ không hiểu gì. Thế là học dốt. Học dốt thì không có cơ hội đổi đời. Đứa trẻ không đổi đời thì chị lao công cứ cặm cụi đằng sau xe rác mãi. Cặm cụi sau xe rác và cặm cụi trong bốn bức tường khác gì nhau. Thi thoảng ti vi ngợi ca những người cặm cụi sau xe rác bằng các mỹ từ bóng bẩy, dù không cảm xúc nhưng còn hơn những kẻ cặm cụi trong bốn bức tường như Vui. Vui ngửa cổ nhìn cành mấn đang thả xuống vài lá úa nữa. Trời chiều xám lại. Gió dày cơn.
Nhà văn Vũ Thanh Lịch ở Ninh Bình
Lá mấn lách qua kẽ cửa vào chỗ để xe, chỗ để xe thấp hơn phòng khách một bậc. Lần nào chồng về cũng nhắc phải xếp dép guốc đi ngoài đường ở bậc dưới để các thứ bụi bặm không dây lên nhà, vừa sạch vừa khỏi mòn gạch hoa. Chồng công tác trên huyện, đi nhiều biết nhiều nên nói cái phải. Vui tăm tắp làm theo. Cô xếp ngay ngắn những đôi dép bẩn ở bậc dưới quay mũi ra ngoài, dép sạch ở bậc trên quay mũi vào trong, người ra vào không cần đổi chiều chân xỏ dép. Có lần chồng về sớm, vui tay thế nào lại cầm chổi quét nhà, hất rác bụi ra chỗ để xe, hất lên mớ dép guốc dưới cửa, Vui hỏi sao không nhấc giày dép lên cho bụi khỏi dây vào, rồi quét luôn cả chỗ để xe nữa. Chồng bảo chỗ để xe cũng là sân, sân trong cửa với ngoài cửa khác gì nhau. Quét rồi dép guốc bánh xe lại công đất cát vào, lá lủm lại bay vào, khác gì nhau. Dép guốc đi ngoài đường, bẩn trong hay bẩn ngoài khác gì nhau. Vui không biết nói gì, ngửa cổ nhìn lá mấn rơi. Vui không ở gần chồng nên không biết cụ tỉ việc chồng làm là gì, chỉ đoán là bận rộn lắm nên về đến nhà vẫn phải dùng điện thoại suốt, ngơi điện thoại ra thì ngó ti vi tí cho khỏi lạc hậu. Chồng bảo thế Vui tin thế.  Vui đi làm công ty về, lần lượt làm hết mọi thứ, cơm nước dọn dẹp lặt vặt thường ngày không kể, Vui còn sửa bản lề cửa, nối dây điện bị chuột cắn, gắn miếng gỗ rơi ra từ cánh cửa chớp ở ô thông gió, phun thuốc vào chỗ mối đùn. Nay không xong thì mai xong, mai không xong thì ngày kia, ngày kìa. Nếu Vui mệt đã có cây mấn thả lá cho đếm. Có lần Vui đếm rồi ngủ thiếp đi nhưng có đêm tiếng lá rơi khiến Vui váng óc. Những lúc ấy, Vui hít sâu rồi thở ra đằng tai để giả điếc. Điếc tai ngoài thì tai trong tỉnh lại. Tai trong còn giữ tiếng kêu mệt cất lên vào một chiều muộn nào đó. Cái chiều Vui về đến cửa thấy chồng đã ở nhà, mừng như say nắng gặp vũng nước đái, khẽ kêu lên. Tiếng kêu chưa dứt thì chồng dề môi bảo mới làm có mười tiếng ở công ty, ngủ tám tiếng thôi, vẫn còn những sáu tiếng chưa có việc gì làm, bỏ bớt ra một tiếng mà nghỉ cho khỏi mệt. Vui nghe xong muốn úp mặt vào vũng nước đái nhưng nhớ ra chỗ nước đọng là bên dưới có đá không ngấm được, úp mặt vào đá thì thà đứng lên còn hơn. Đứng lên là nhớ ra rằng, nếu mình nằm chồng sẽ pha mì tôm ăn. Cả tuần về với vợ một bữa mà ăn mì tôm thì hoá ra không bằng ăn với mấy con mẹ nấu cơm tập thể. Rồi chán không về thì nhà mình khác gì cái hòm tối. Cố vậy. Cố sẽ mệt. Mệt mà kêu sẽ mệt hơn. Thì thôi. Nhắm mắt nuốt cục mệt vào bụng. Cục mệt vo viên nấp đâu đó đợi cơ hội Vui ném lên ngọn cây mấn cho lá rụng chơi. Mấn rụng nhiều vậy mà các buổi về muộn, vội nấu cơm cho con ăn đi học thêm, Vui chẳng nhìn thấy cái rác lá nào. Khi con đi học hết, lá mấn mới cựa quậy quệt vào mắt Vui. Vui vừa quét vừa dặn lá mấn đừng lăn vào trong nhà, kể cả chỗ để xe. Với ai chỗ để xe là sân bẩn chứ với mình, đây là nơi đầu tiên đón mình sau ngày làm việc bơ phờ, mình muốn nó chiều mình một tí, đón mình bằng cái nền sạch sẽ ngăn nắp. Ngăn nắp tức là có hơi người, là có hơi ấm. Không biết lá mấn rụng có tỏa ra hơi lạnh như người chết không mà nhiều khi về đến cửa, nhìn đống lá rụng, Vui nổi da gà như đứng trước nhà hoang. Lần khác chồng về đến cửa cùng lúc Vui từ nhà máy về, nhìn đám lá trong sân, chồng chào Vui rằng “ở nhà làm cái đéo gì mà để lá rụng như nhà hoang vậy, sáng dậy sớm quét rồi hãy đi làm có được không”. Có được không. Mấn ơi. Sao mày không trả lời hộ tao là tao đã quét từ sáng rồi nhưng cả ngày buồn tay mày lại thả xuống, mày không bênh tao thì ai bênh. Mày muốn tao tức chết đi à. Ờ, nhưng mà tao chẳng chết đấy, tao chết thì con tao lại đi quét lá hầu con đàn bà khác à. Con tao đẻ tao nuôi tao muốn trông dắng nó đến cùng đấy. Con tao…
Vui giơ chổi ngăn vài cái lá sắp sửa lăn đến trước cửa phòng con gái. Con gái mười lăm, dáng dấp thiếu nữ phơi phới. Vui nhắc con quét lá cho khỏi giống cửa nhà hoang thì chồng bảo “gớm ngoài đường ngoài xá, mặc mẹ nó, việc gì phải quét, đường cả làng chứ riêng nhà mình đâu, để yên cho nó học”. Ờ nhỉ, đường cả làng, nhưng đoạn qua cửa nhà khác thì sạch, qua mình thì bẩn. Hẳn là nhà mình không người. Những đêm một mình, Vui khóc, nước mắt vón cục lại như đống lá mấn trước bậc cửa, mắc kẹt vào nhau, đè lấp lên nhau không bay lăn di dịch được. Con chỉ học, đỗ trường chuyên trên tỉnh, một hoặc hai tuần về một lần. Vui nhớ buốt óc. Lẩn thẩn so sánh hồi mình mười lăm, lội sông, cấy hái, gặt đập, gánh gồng, cơ bắp chắc nình nịch, chớm nắng là môi má đỏ hồng như tô son phấn. Thày giáo dạy văn bảo ai được sống ở không gian rộng mở, thoáng đạt thì tầm nhìn sẽ xa rộng hơn, tâm hồn sáng sủa hơn. Hồi ấy Vui tin nhưng càng về sau càng thấy hoài nghi. Con học trong bốn bức tường, úp mặt vào màn hình điện thoại, ti vi, máy tính, không cần ra đồng lội sông lội ruộng nhìn trời cao thấp nắng mưa mà vẫn biết đàn hát nhảy múa vẽ tranh đọc sách đông tây kim cổ nói tiếng tây xí lố xì lồ, hơn hẳn Vui ngày xưa. Vui rủ con ra đê hái lá khúc, lá gai về làm bánh, nhặt cái cua cái cáy về nấu canh chủ ý để con nhìn ra xa hơn bốn bức tường bê tông và cái màn hình điện tử. Vui mong sông dài trời rộng đồng bãi phù sa mỗi mùa mỗi sắc sẽ khiến con thích thú mà phóng mắt nhìn, nhưng con chỉ cúi gằm mặt xuống đám lá mẹ bảo hái, hang cua mẹ bảo móc, nhanh cho đủ còn về, mặt mũi sa sầm hậm hực khiến Vui thấy như mình hành xác con. Đêm nhớ cái nét mặt ấy Vui vừa thương vừa sợ. Vui trách mình không đẻ ra khuôn mặt nào khả ái hơn. Thôi thì sầm sì vậy hay sầm sì nữa Vui cũng chịu được, chỉ không biết con mang cái mặt ấy vào đời thì đời cho con cái mặt như nào. Thi thoảng đám bạn học cùng con trên tỉnh về chơi, râm ran khoe không biết phân biệt lúa mạ cua cáy bê bò trôi chép, tiếng khoe, tiếng thốt “ô thế á” đầy mãn nguyện, đầy tự hào vì sự mù tịt vết làng. Vui rùng mình. Các ý nghĩ dồn đống trong đầu Vui, không tan chảy ra được, không thoát biến đi đâu được. Giá chúng là đám lá mấn này, mình quét roẹt một cái là xong.
Roẹt một cái. Lá mấn dồn thành đống trên đường bê tông.
Roẹt một cái. Đứa lớn học hết tỉnh rồi ra thủ đô, đến lượt đứa bé lên tỉnh học. Ngôi nhà bốn người chỉ còn một Vui ra vào, lâu lâu chồng về, lâu lâu nữa con về, xôn xao tí chút rồi đi. Vui thành cỗ máy làm duy nhất một việc từ sáng đến chiều là ngồi trên một cái ghế, đơm một loại khuy áo bằng một màu chỉ trong một nhà xưởng nhung nhúc người nhưng không một tiếng nói, không một nụ cười, tất cả mọi khuôn mặt đều đeo khẩu trang kín mít, cặm cụi phục vụ từng cử động của máy móc, chính xác đến từng li vải. Vui không đủ nhanh để theo kịp máy móc nên làm ở tổ đơm khuy. Vui đơm đính đến khi mắt mỏi nhừ, lưng mỏi nhừ, mười đầu ngón tay bỏng rát mới nghỉ. Mỗi lần luồn chỉ vào lỗ khuy, Vui lại nghĩ cái cúc bé tí mà cài giữ cả vạt áo to đùng, mình đã chẳng bằng cái cúc áo thì gắng đơm nó cho thật chặt, để ai đã cài đừng bị bung ra. Như đám lá mấn, vun vào rồi đừng tở ra. Những ý nghĩ khiến Vui đi nhanh qua ngày.
Vui vun lá mấn thành đống, chờ khuya, người làng đóng cửa hết, khói không bay vào nhà ai, không làm ai cay mắt mới đốt. Còn giờ Vui sẽ vào nhà với các việc vụn không tên, nhờ chúng lấp nốt chỗ thời gian trống ít ỏi còn lại của ngày, giá chúng có thể lấp thêm cả chỗ trống rỗng tuếch của ngôi nhà Vui đang ở. Chưa khi nào Vui sợ thời gian trống như bây giờ. Hồi còn ruộng, sểnh ra là có vô số thứ hay ho để làm, nào là móc thêm vài con cua về nấu canh, bắt vài con muồm muỗm về nướng cho con, vơ nắm bèo cái về cho lợn, hái nắm lá khúc về làm bánh, ra bến sông rửa cày cuốc hóng chuyện thời sự làng… vân vân các thứ nhiều không kể xiết. Nhiều việc mà Vui không bị mệt, không bị chán, không thấy sợ như lúc bước vào cửa chỉ mỗi việc lau nhà, quét lá, nấu cơm cho một mình mình. Cái xoong cáu đầy bồ hóng đủ nấu cơm cho cả nhà và ba bốn người khách, giờ chỉ nấu cho một người, dù nấu một lần ăn ba bữa thì khoảng không bên trong vẫn rộng thông thống, nấu bếp ga không khéo là sống cơm. Nếu đun bếp rạ, ủ trấu như ngày xưa thì xoong trống đến mấy cơm cũng chín mềm, thơm nức, lẫn tí mùi khói càng thơm. Cái mùi khói rơm làm Vui tứa nước mắt.
*
Nhà Vui trước đây có một mẫu ruộng, một mình Vui xoay sở, khi đổi công khi thuê mướn, khi bán lúa non, loanh quanh mỗi vụ cũng đủ chi tiêu ăn uống cho cả nhà, học hành cho con cái. Lương bổng của chồng chỉ để lo làm nhà làm cửa, hỗ trợ anh em nội ngoại, dồn góp phòng khi ốm đau hoạn nạn. Ruộng nhà Vui mỗi năm cấy một vụ lúa hai vụ hoa màu. Lúa được ưu tiên nhất, còn các loại rau đậu lạc ngô khoai sắn thì có thể bỏ dù lợi nhuận cao hơn. Hôm thông báo khoảng đất có ruộng nhà Vui được chọn để xây nhà máy, người ta bảo đất ấy mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa, đổi sang xây nhà máy làm công nghiệp là đúng rồi. Làm công nghiệp mới giàu được. Giàu sẽ có nhiều tiền tiêu, đi mua rau người khác trồng, mua lúa gạo người khác cấy. Trước giờ Vui và người làng Vược chỉ cấy lúa trồng rau nhưng không ai nghèo đói, giờ người ta bảo phải giàu hơn thì phải giàu hơn thôi, còn giàu hơn như thế nào thì Vui không biết. Không biết nhưng không dám hỏi ai vì Vui sợ người ta chê mình dốt. Vui đã dốt nhất  nhà rồi. Chồng làm cán bộ huyện, con học trên tỉnh, trên thủ đô, mình quanh quẩn trong làng, ngước lên thấy trời bằng đám đất, nhìn xuống thấy đất bằng bàn chân, nhìn quanh cũng chỉ đến bến sông là hết tầm mắt, thì sao biết điều mình nghĩ là phải hay trái. Có lần Vui hỏi một câu làm chồng sặc ngụm nước canh, bung luôn ra tràng âm thanh không cần suy nghĩ rằng, hỏi như cứt, ngu đéo chịu được. Chồng là người mình tin nhất, có thể xé toang đầu óc gan ruột ra cho xem để bảo cái gì hay dở cho mình tu chỉnh mà phải lên tiếng chê bộp vào mặt mình như thế thì nghĩa là cái sự dốt của mình nó thảm hại lắm, nó khiến chồng không kìm chế được. Chồng còn không kìm chế được, thì thiên hạ, những kẻ chỉ chờ Vui sơ hở là mỉa mai rỉa róc, sẽ hả hê khinh ghét thế nào khi thấy Vui dốt nát. Vui ở một mình, họ hàng chồng con xa xôi, chỉ có xóm giềng làm chỗ dựa mà bị khinh ghét thì sống với ai. Nghĩ vậy, Vui không hỏi, không nói nữa, chỉ răm rắp làm theo. Hôm Vui hỏi ý kiến chồng chuyện giao đất cho nhà máy, đổi lại suất công nhân, chồng bảo, tôi đi tối ngày, ở nhà bao nhiêu đâu, cô cứ chủ động đi, quyết sao hợp lý thì quyết, ba cái việc con con mà cũng hỏi. Quyết mà phải hợp lý cơ. Hợp lý là như nào. Thoáng nghĩ, giao cả mẫu ruộng là miếng đất cơm cháo của ba mẹ con mà chồng bảo việc cỏn con. Rồi lại tự nhủ, ừ thì chồng lo việc ở cả huyện cơ mà, huyện rộng mấy ngàn mẫu, có một mẫu ruộng nhà đúng là cỏn con thật. Vui cúi mặt nhìn lòng mình trống như xoong cơm vừa thổi.
Tranh của Nguyễn Quang Thiều
Vui nhận tiền đền bù chỗ ruộng bị thu hồi và một suất đi công nhân khi nhà máy xây xong. Có tiền, Vui sửa lại công trình phụ, nhà tắm, sửa bếp để đổi từ đun củi sang đun ga, mua gạch men lát nền nhà. Vui lau gạch sáng như gương, thấy lòng mình có thêm tí ánh sáng, tự tin hơn mỗi khi chồng về. Trước đây, nhà cửa cũ kĩ, nền chạt nhấp nhô, bếp củi lem nhem bụi và bồ hóng, mỗi lần chồng về thở ngắn than dài “cô ở nhà cả ngày sao để nhà cửa nhếch nhác vầy, hôm nào cô lên chỗ tôi mà xem cho sáng mắt ra”. Chỗ chồng làm sáng choang sạch sẽ, nhà vệ sinh tự hoại, bếp nấu ốp gạch trắng tinh, đun ga không khói bụi, nền nhà láng bóng, anh có chỗ ngủ riêng sạch sẽ ngăn nắp, giường chiếu nhỏ nhưng trắng tinh, thơm nức mùi nước hoa, bảo sao mỗi khi về, anh chỉ quếnh quáng tí rồi đi. Vui thấy mình vẫn còn may mắn, con có bố, vợ có chồng, lúc nghỉ hưu kiểu gì chồng cũng bỏ cái chỗ sáng bóng ấy về với mình. Mà lúc nghỉ hưu, không biết còn mặn mà quấn quýt nhau như hồi mới cưới không nhỉ. Hồi ấy hai vợ chồng quấn nhau như chim cu. Nghĩ đến thôi các lỗ chân lông hí hóp mở đợi hơi ấm đàn ông khiến da thịt Vui tê se lại, đầu óc sắp mụ mị. Vui gạt vội đi, xả nước tóe loe ra sàn rồi cầm chổi lau miết cho gạch lát nền sáng như gương. Vui vừa soi bóng mình dưới nền gạch, vừa ước, giá chồng nhìn mặt mình như viên gạch này, hẳn sẽ không chê da mình nhăn má mình rám. Dưới nền gạch còn thoang thoáng bóng chồng áo trắng cà vạt sơ vin sửa soạn đi làm, đường ly tay áo, ly sống quần do tay Vui là lượt, vậy mà Vui tưởng như lá lúa lốp sắp sửa cứa vào má vào tay mình. Mà giá kể nó cứa được, cho da thịt mình đỡ tê lạnh nhỉ. Vui ngồi thừ ra, nhặt lá mấn ở chỗ để xe, cứa vào tay mình, cứa lên má, lên môi, lá mấn rách, văng ra mùi hăng hăng chan chát mặn mặn.
Nhà máy xây xong, Vui thành công nhân. Đi làm cùng lúc hai đứa con đi học. Về nhà cùng lúc hai đứa tan trường. Thời gian đầu cô dậy sớm, nấu ăn sáng, tiện thể, nấu luôn thức ăn cho bữa trưa, rửa sẵn rau canh, cắm nồi cơm điện hẹn giờ, trưa về chỉ nấu nồi rau là mẹ con có cơm ăn, kịp đi chiều. Công ty yêu cầu tăng ca, buổi trưa nghỉ ba mươi phút ăn cơm, chiều làm đến bảy giờ nghỉ, có lương làm thêm giờ, có cơm ăn giữa bữa. Hai đứa nhỏ tự lo cơm trưa, hôm thì cơm nguội mẹ nấu từ sáng, hôm thì mì tôm, bánh mì. Bữa chính của ba mẹ con trong ngày là bữa tối. Gọi là chính vì cơm nước tươm tất chứ không phải vì có ba mẹ con ngồi cùng. Mỗi đứa mỗi giờ học thêm khác nhau, Vui ăn cùng đứa này thì thiếu đứa kia, có hôm ăn một mình, nghĩ ăn như vầy với ăn ở xưởng làm khác gì nhau. Sau này bọn trẻ lớn lên có biết bữa cơm gia đình là gì không hay chỉ cần ăn cho no bụng. Chúng đi học xa cả rồi, cơ hội để Vui dạy chúng bữa cơm gia đình cũng không còn nữa. Vui vừa nghĩ, vừa quét, vừa đếm lá mấn mà những nỗi buồn không chịu vơi đi, những nỗi buồn không vẽ được hình thù, không kể được nguyên do. Con đi vắng rồi, chiều đến Vui chẳng biết về nhà làm gì nên ngày nào cũng làm tăng ca hết cỡ, vậy mà lúc về nhà quét lá, những nỗi buồn lại sấn xổ lao đến, như đàn rắn ráo, ngọ nguậy luồn lách cắn trích khắp cơ thể Vui. Chỉ tiếc, nọc rắn không đủ độc để Vui thiếp đi một giấc dài.
*
Trời tối thẫm, Vui quét hết đám sân, mở cửa vào nhà. Cửa không khoá, điện không bật, ánh sáng từ ti vi hắt ra xanh lét. Vậy là nhà có người về. Lòng Vui rộn lên niềm hân hoan, thứ hân hoan bật lên như lò xo được giải nén. Vui đẩy cửa bước vào nhà. Chồng nằm dài trên ghế xa-lông xem điện thoại ngoảnh ra bảo: “Không về sớm mà cơm nước đi, tối tít rồi ăn cái gì giờ”. Vui bối rối “em không biết hôm nay anh về, không báo em tiếng đâu”, “nhà tôi mà tôi về phải báo cơ”, “thì là để em biết mà cơm nước”, “vậy cô không ăn à”, “có một mình, trưa cơm công ty, tối làm bắp ngô hoặc bát mì là xong, anh về thì em nấu”, “thôi khỏi, tôi ngày nào chả sơn hào hải vị, mà cô nấu sao bằng bếp cơ quan, tôi chỉ thấy lạ là sao lại có cái chỗ nào làm việc từ sáu giờ sáng đến tám giờ tối thế này, nghe người làng bảo lâu không thấy mặt cô ngoài đường nên tôi về xem thế nào”. Vui đứng im. Chút ít hân hoan vừa phồng lên như bóng bay bị con dao lam khía cho một nhát. Chồng cô còn không biết cô làm ở đâu vì sao về muộn thì ai mà biết được. À, cái nhà máy biết. Phải rồi, Vui sẽ hỏi nó. Cái nhà máy trèo lên mảnh ruộng thân thuộc của Vui, vùi đi mùi gió, mùi bùn, mùi lúa, mùi nước về đổ ải chan chứa thân thương, rửa trôi niềm vui được chăm chút, sở hữu, nhào lội, vùi chân vùi tay trong từng tấc đất của ông bà tổ tiên mình để lại. Nhà máy trả lương cho Vui cao gấp nhiều lần tiền lúa rau ngày trước mà Vui thấy mình mất cái gì chưa gọi được tên, chỉ thấy trong lòng có một hố sâu hoăm hoẳm.
Người đàn ông ngồi trên xa-lông trong căn nhà của anh ta và của Vui xoá khoảng lạnh giữa hai người, bảo,“Tôi cắm nồi cơm rồi, xem có thức ăn gì thì nấu đi”. Vui lập cập vào bếp, trong tủ lạnh còn vài quả trứng gà đẻ đã lâu nhưng không ấp, dưới đất còn vài quả cà chua chín dở, ngoài vườn còn vài cây xà lách chưa cuộn. Vui nấu bữa cơm tối cho hai người, đặt lên mâm. Mâm nhôm lâu không dùng, gợn đầy vết rỉ xám ngoét, chà rửa mấy cũng không đi. Người đàn ông ngồi ăn cùng không nói gì, rút tờ giấy lau những vết nhôm rỉ nhưng không được, anh thở một hơi thật dài, hờ hững cầm bát cơm đưa lên miệng. Cả bữa cơm, anh không đặt đũa xuống mâm, có cho quai hàm nghỉ giải lao giữa các miếng nhai thì anh gác đũa lên miệng bát hoặc cầm nguyên ở tay. Vậy là chỉ có tiếng đũa bát va nhau chen lẫn tiếng thở dài vón cục trong cổ.
Đêm. Nằm cạnh chồng, nghe tiếng da thịt mình giãn nở tê se, Vui muốn khóc mà nước mắt không chịu chui ra. Vui muốn hờn trách mà không biết trách ai. Muốn buông trôi mà không biết trôi đi đâu. Đành trách mình không biết cách làm căn nhà thôi lạnh, không biết cách ủ tình vợ chồng nồng mặn. Chồng hẳn là cũng chán ghét mình lắm. Không chán ghét sao nằm cạnh mình, không ngủ mà chỉ chăm chú nhìn vào cái điện thoại xanh lét trước mặt. Vui liếc qua, chẳng phải nhắn tin hay điện thoại cho ai mà sợ bồ bịch lăng nhăng, chỉ là chồng đang đọc tin cô người mẫu có bầu mà chưa biết bầu với ai, ca sĩ đang hát dở bài bị tụt váy, cầu thủ đang cầu hôn hoa hậu. Vui trở mình, ước một cái choàng tay lên eo, một hơi thở ấm sát má, một cái gác chân ngang bụng, chỉ thế thôi, ước nhiều hơn nữa, như một cuộc ái ân thì không dám. Đàn bà ai lại ước thế, hư hỏng lắm, ngày xưa bố mẹ in vào đầu Vui rằng đàn bà mà dám đòi hỏi ái ân là đĩ thõa, loài đĩ thõa thì chết xuống âm ti ở chung với đỉa. Vui quen ruộng đồng đương nhiên quen với đỉa rồi, quen từng con một, nếu gặp cả đàn chắc Vui cũng chết mất vía. Vui nén lưỡi nuốt nước miếng hật sâu, nuốt cả cái cựa mình phồng nở nơi phần dưới cơ thể. Gắng nuốt nên hơi thở ứ nghẹn, họng sặc nước bọt, văng ra tiếng kêu làm đôi chuột giật mình bỏ dở cuộc truy hoan, quẫy đuôi văng vào mắt Vui.
Mắt cay sè. Vui hít thở sâu, đếm tiếng lá mấn rơi, đếm vòng xoay của từng cái lá trước khi buông mình xuống đường, lẩm nhẩm “hoá kiếp cho mày đi kiếp khác”. Vui nhắc mình mai nhớ mua cái bật lửa thay cái cũ đã hết ga, để ở bậu cửa mà đốt lá, khỏi mất công chị lao công xúc đi. Thôi thì, mấn cũng được cái bóng lá, hè nắng chang chang mà không có nó cũng ngột.
Gió nhẹ lại, lá mấn rơi thưa hơn, Vui kiên nhẫn đếm để dẫn mình vào giấc ngủ. Đâu đó có tiếng chuông báo xe rác đến, rác chất lút đầu chị lao công, Vui khua tay thật nhanh để lá không cản bánh xe lăn, chị lao công không phải thêm sức đẩy, chân chị rảo nhanh, hai đứa con chị chong đèn đợi đâu đó xa xa, chỉ lát nữa ba mẹ con chị lại nói cười ăn uống cùng nhau. Vui thả mẩu giấy vào chao đèn xin tí lửa làm mồi đốt lá mấn, ngọn lửa bập bùng bén vài lá rồi lại tắt, Vui lại châm, vài cái lá cháy lem lem rồi lại tắt. Vui chổng mông lên thổi, khói thốc vào mắt cay sè. Lá mới úa thôi mà, phải khô mới cháy cơ, Vui cười nhạo mình. Giấc ngủ chập chờn như ma trơi.
Trại viết Phú Yên, tháng 5.2020
VŨ THANH LỊCH
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...