Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Lắng trong dòng đời bài hát buồn và đẹp - Tiểu luận Lê Thành Nghị

Lắng trong dòng đời bài hát
buồn và đẹp - Tiểu luận Lê Thành Nghị

Cuối muộn mùa đông năm 2021, tôi nhận được tập thơ Tiếng chim về cũ của nhà thơ Mai Thìn gửi tặng. Tên tập thơ gây một thoáng ngạc nhiên, kích thích trí tưởng tượng của người đọc. Những dòng chữ lập tức cuốn hút. Những ý tưởng, những tâm tư, những tâm trạng của tác giả bỗng nhiên trở nên gần gũi, như thể là lời tâm sự tin cậy của người thân gặp lại sau những ngày cách xa… Thơ Mai Thìn gợi đến cảm giác buồn và đẹp, vốn là nơi từ đó thơ sinh ra, cũng là chỗ từ đó thơ tìm đến.
Với tập thơ này, Mai Thìn như đã thấm thía lẽ đời. Những khát khao, những đam mê thời hoa niên… hình như thu bớt chiều cao lại, hướng tới chiều sâu, hướng đến sự chiêm nhiệm, ngẫm nghĩ. Mọi việc đã không còn là vô cớ, như thể ngày nào bất chợt buồn vui, mà là như “hạt nước về nguồn’, “tiếng chim về cũ”, qua bao nhiêu trải nghiệm để thấu triệt trong cảm nhận, minh định trong suy tư, lắng sâu trong xúc cảm…
Nhà thơ Mai Thìn ở Bình Định
Đấy là cảm thức của một người từng trải. Nếu đọc chậm và biết dừng lại, và ở những điểm dừng lại ấy, biết nối dài những suy nghĩ của riêng mình từ những câu thơ vốn đã giàu suy tưởng kia, chúng ta sẽ cảm nhận được sự lan tỏa của ngôn từ trong thơ Mai Thìn.
Chẳng hạn, cảm giác day dứt về quê hương, nhất là khi đã “gần hết một đời”. Trong ký ức của Mai Thìn, An Nhơn quê anh, nơi “những bông lúa cũng biết làm thơ”, nhưng cũng như bao miền quê khác đầy những biến động, những ly tán, những mất mát và cả những tha thứ, hóa giải:
chúng tôi lớn lên cùng An Nhơn
          lớn lên cùng tiếng còi tàu ngát hương sen mùa cũ
          con voi đá chung tình trước bao ly tan
 
          …chốn binh đao
hóa giải những oan thù
                             (An Nhơn)
“Lớn lên cùng tiếng còi tàu ngát hương sen mùa cũ”, là cảm thức về thời gian đã qua, trộn lẫn giữa hai thực thể ấn tượng nhất của tuổi thơ: cái nghe thấy (tiếng còi tàu), và cái cảm thấy (hương sen mùa cũ). Nhưng bạn thấy đấy, tại nơi “những bông lúa cũng biết làm thơ”, tại nơi “đêm hát bội trăng lay đầu ngọn gió” ấy, cơn bão chiến tranh đã tràn qua. Một bên bom đạn gầm rú, bên kia là “những bông lúa biết làm thơ”. Không cần miêu tả thì cũng biết tất cả không còn nguyên vẹn. Vậy nên, cần một sự bao dung lớn lao để vượt qua hận thù, bởi vì trong minh triết của cha ông “hận thù nên cởi không nên buộc”. Tan cơn bão, có một triệu người vui thì cũng có chừng ấy người buồn. Sự khác biệt này cần được hóa giải. Câu thơ “chốn binh đao/ hóa giải những oan thù” của Mai Thìn như một lời tâm huyết, “một lời buồn” xoa dịu vết thương sâu trong tâm khảm mỗi người. Cho dù trên mảnh đất chất đầy đau thương, hận thù cần rất nhiều bao dung, nhân hậu khi sự bình yên vẫn còn là một khát vọng, thì quê hương là nỗi niềm khôn nguôi:
mây thương nhớ vắt qua làng đợt đợt
          như nỗi niềm bao kẻ xa quê
(Làng Vĩnh Phú)
Là một người thích suy tư, ngẫm nghĩ, gần hết một đời/…đầu đã bạc/ mỏi chân tìm lại ngàn xưa (Tiếng chim về cũ), mỗi khi nhớ về cái “chái bếp của mẹ”, nơi lưu giữ nguyên vẹn những ấm áp, thanh sạch của tuổi ấu thơ, sau những truân chuyên, lấm láp cát bụi, Mai Thìn như muốn “cặn lắng” thanh lọc tâm hồn mình:
Từng ngày tôi nhặt từ tôi
những điều thừa
loại khỏi tôi
những cái bây giờ không thuộc về tôi nữa
(Chỉ còn lại cái tên)
giờ tôi về ngồi đây
          bên cái chái bếp trống tuềnh trống toàng
không còn ai
chỉ còn gáo nước long răng
chỉ còn gốc cau lồi lõm
          dạy tôi gột cho sạch
          những hạt bụi đường
những hạt bụi đời…
(Bên chái bếp của mẹ)
Có thể hình dung một cuộc đời không mấy nhẹ nhõm, một tuổi thơ không mấy dễ dàng, nên những gì đã qua như thể vẫn còn nhói buốt: Tôi nợ cuộc đời này/ Cả những thương đau  (Tiếng vọng đầu). Và những hạt bụi đường/ Những hạt bụi đời/…Cả những thương đau… như một bè trầm không thể  tránh ở mỗi cuộc đời, một lời hát buồn không muốn có. Cho nên, đến cả một cành mít trong rừng Mộ Điểu đã từng “nhuốm tang thương” hai thế kỷ trước như cũng đang muốn có mặt với hiện tại:
những cành mít còn sót lại sau hơn hai thế kỷ
          qua bao cuộc bể dâu tận diệt của lòng người
vẫn nhẫn nại lắt lay
vì một thế giới quá cần nhân hậu, quá cần chở che
mà sống
(Buổi chiều trong rừng Mộ Điểu)
Cái “nhẫn nại lắt lay” kia như thể sự sống từ một thực tại bất toàn “quá cần nhân hậu, quá cần chở che”. Điều cần nói là, đến tuổi nhìn lại, rất đáng ghi nhận ở Mai Thìn tinh thần tích cực của một ngòi bút luôn vươn đến sự thanh sạch. Với anh, quá khứ dù gần dù xa, nhưng luôn luôn hiện diện như nơi tìm về để tri ân, hoặc như để cứu rỗi, để tự trấn an: tiếng chim ca/ về cũ; ánh mắt cười/ năm cũ (Hội An); kẽo kẹt tiếng mọt/ vọng ngày xưa (Lau dọn ký ức); Gió xíu xít hay tiếng chim về cũ (Trong vườn nhà Nguyễn Huệ); Đôi vợ chồng còng làm tổ dưới răng cưa/ kể cho tôi nghe/ chuyện năm xưa (Về một chiếc xe tăng trên bãi biển)… Quê nhà là cây thị già đầu xóm/ cao ngút ngao con sáo đá chập chùng/ tuổi thơ tôi hay đi khèo trộm/ trưa bây giờ nằm võng vẫn còn thơm (Bóng quê nhà). Một quá khứ luôn kết nối với hiện tại, luôn muốn được có mặt trong hiện tại. Mai Thìn dặn con dù đi đến đâu, dù đến xứ sở nào, cũng không bao giờ được rời xa “mái nhà ta”:
rồi đây con có thể đi xa
          đến những nơi có nhiều hơn cái nhất
          nhưng đừng quên
trên thế giới này có mái nhà ta
(Trên thế giới này có mái nhà ta)
Với tâm thức ấy, chưa bao giờ Mai Thìn vơi cạn mơ ước được đóa hoa thơm dâng tặng quê hương (Tiếng chim về cũ). Chưa bao giờ hết náo nức sinh sôi: Những chiếc lá ngô trên bãi sông Hồng/ hát/ hát mãi bài ca sinh nở/ đất đai rùng mình đón nhận phù sinh (Những chiếc lá ngô trên bãi sông Hồng). Chưa bao giờ ngừng tâm nguyện dâng hiến: lọc mạch nguồn/ dâng cho đời vị ngọt (An Nhơn)… Đó chính là vẻ đẹp của sự sống, của cuộc sống…
Tập thơ Tiếng chim về cũ của Mai Thìn xuất bản khi anh đến tuổi đủ bản lĩnh để có thể “hát một lời buồn” cho những ngày đã qua, cho những gì đang diễn ra trong hiện tại. Trong cái ngưng đọng của thời gian, sau những ngày “miên chảy”, Mai Thìn như đang muốn lắng trong dòng đời/ bài hát buồn và đẹp (Thời gian không buồn chảy), với một ngòi bút luôn biết thắp lên những niềm hy vọng.
Hà Nội, tháng 01.2022
LÊ THÀNH NGHỊ
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...