Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Ngước nhìn "Đất nước" của Trần Vàng Sao

Ngước nhìn "Đất nước"
của Trần Vàng Sao

Trần Vàng Sao, tác giả Bài thơ của một người yêu nước mình (1966), tạo ra thế giới hình tượng nghệ thuật như là thi trình/ thi mệnh gắn liền với vận mệnh của đất nước và số phận của nhân dân. Quan niệm nghệ thuật thấm đẫm những ưu tư của đời sống và tư duy nghệ thuật dường như lúc nào cũng gập ghềnh như chính cuộc sống của người sinh ra nó đã tạo cho thế giới nghệ thuật của anh những đặc điểm riêng.
Có nhiều thơ viết về đất nước trong đó có những bài đã trở nên cổ điển, khá phổ biến như Đất nước của Nguyễn Đình Thi hoặc chương Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm. Nhưng Trần Vàng Sao có một đất nước của riêng mình. Hình tượng đất nước trong thơ Trần Vàng Sao không thấm đẫm chất sử thi mà trong cái ngước nhìn của Trần Vàng Sao là những gì gần gũi, cụ thể diễn ra hằng ngày trong đời sống, là gió sớm mai, nắng trưa gay gắt, là mưa chiều nặng hạt, là tiếng chim kêu, tiếng chó sủa, tiếng la mắng con của người hàng xóm, là nỗi nhọc nhằn của mẹ của cha, là “tôi yêu mẹ tôi áo rách / chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiêu (…) mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng / thương tôi nên ở góa nuôi tôi”.
Nhà thơ Trần Vàng Sao
Thật khó tìm thấy những triết lý cao siêu, những tri thức văn hóa lịch sử đôi khi làm ta không nhớ hết, mà thơ anh là hơi thở thân thương của cuộc sống những người lao khổ, chưa đủ cơm no áo ấm, của những “căn nhà dột phên không ngăn nổi gió / vẫn yêu nhau trong từng hơi thở / lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài”. Văn hóa Việt không cao siêu trừu tượng mà hết sức gần gũi, cụ thể, thể hiện trong quan hệ hằng ngày, thực chất là văn hóa ứng xử giữa người với người, giữa người với thiên nhiên cây cỏ… Vì vậy, có thể nói, thơ Trần Vàng Sao đầy ắp những vỉa tầng văn hóa Việt / văn hóa nhân bản và chính vì được hấp thụ những giá trị văn hóa trầm tích lâu đời ấy, mà ta ngẩng cao đầu để sống nên người:
         tôi yêu đất nước này như thế
        như yêu cây cỏ trong vườn
        như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
        nuôi tôi thành người hôm nay
Chỉ trong một bài thơ, ông nhắc đi nhắc lại hơn mười lần cái mệnh đề “tôi yêu đất nước này…” như một điệp khúc, trước khi gọi tên đất nước xót xa, cay đắng, áo rách, rau cháo, lầm than, khôn nguôi… nhưng vẫn bắt nguồn từ căn nhà của mẹ, tấm áo vá của cha, từ vóc dáng người em kẹp tóc thuở học trò, và nhờ những khung cảnh thân thương ấy nuôi lớn thành người:
         tôi yêu đất nước này chân thật
         như yêu căn nhà nhỏ có mẹ tôi
         như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
         và yêu tôi đã biết làm người
              (Bài thơ của một người yêu nước mình)
Thực chất, từ trong cội nguồn lịch sử văn hóa dân tộc, đã hình thành nên đẳng thức: nước là của dân, dân là của nước. Nhân dân của thơ anh là những người cần lao cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, những mẹ già, những em bé, người thợ thổi chai, thằng hề, người kéo màn, người mất trí hát vu vơ, hay những người nghèo như Chữ Đồng Tử mình trần thân trụi…
Chỉ qua những tựa đề của các bài thơ cũng có thể nhận ra đối tượng trữ tình mà thơ anh hướng đến là những con người thuộc tầng lớp dưới, những con người nghèo khổ, bé mọn như đứa bé thả diều trên cánh đồng và vắt cơm cúng mả mới, lời khai của một người hề, người mất trí hát, người đàn ông mất trí và con chó chưa mở mắt, bản thánh ca của một tên hề mất trí là thi sĩ hay là sự tích tôi làm hề; hoặc ngay cả khi anh nói về chính mình, về công việc của mình thì cũng hết sức giản đơn và hình tượng tác giả hòa lẫn trong nhân dân rất bình dị: người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình, những ngày tôi còn nhỏ ở Vỹ Dạ, tình cờ lúc đó tôi đã viết cho em, tôi vẽ tôi năm 1998, tôi mừng tuổi tôi năm Mậu Thìn 1988, tôi ba mươi sáu tuổi, hoặc đưa vợ đi đẻ….(tựa đề thơ anh không viết hoa).
Nhân dân của anh còn có những người đã khuất bởi chiến tranh, là bộ phận chi phối như một nỗi ám ảnh nặng nề trong tâm tưởng cả đời anh, đến khi đã vào tuổi ngoài bảy mươi, anh dành hẳn một bài thơ dài có vóc dáng một trường ca thảng thốt kêu lên như một nhà ngoại cảm Gọi tìm xác đồng đội. Không phải bây giờ anh mới quan tâm đến “loại” nhân dân này, mà đã từng lướt qua “thập loại chúng sanh” trong bài văn bia, hoặc đã từng dựng tượng đài “Tổ quốc ghi công” trong bài đồng chí / trong tâm tưởng anh với niềm hạnh nguyện lặp đi lặp lại như một điệp khúc “mi chết thật rồi sao”, một câu hỏi không có lời đáp lại, như hỏi trời hỏi đất, hỏi quá khứ, hỏi tương lai, hỏi tai ương chiến tranh hay hỏi chính tâm can mình thành một lời khẳng định: “mi đã chết thật rồi / như Nguyễn Thiết Lê Minh Trường Phạm Bá Thuận, Chế Công Việt, Trần Văn Nam, Nguyễn Thị Nga…”. Câu thơ liệt kê tên các liệt sĩ dài đến hụt hơi, nhưng vẫn chưa đủ tên tuổi những đồng đội đã hy sinh.
Đọc thơ anh, càng suy ngẫm, càng thấm thía và quý trọng cái giá trị của cuộc sống hiện nay mà chúng ta đang có.
Thơ Trần Vàng Sao thể hiện một quan niệm bừng thức về đất nước và nhân dân đã đi qua một cuộc chiến tranh với tất cả sự dữ dội, tàn khốc, trần trụi đến mức tàn nhẫn, với bao nhiêu người đã chôn vùi sự sống và tuổi thanh xuân của mình trong đó, nhưng không phải để bi quan, hư vô đến vô nghĩa mà luôn có cái nhìn ấm áp ở tương lai. Thơ anh, cũng như con người của anh, thật thà, hiền lành, giản dị, nhưng chính trực, cương nghị, dù cho bị vùi dập đến ba chìm bảy nổi vẫn không đổi thay niềm tin chính đáng vào con người / cuộc đời.
Đặc điểm nổi bật trong cấu trúc thơ anh là vào cuối bài thường dùng những câu đồng cảm “vật ngã tương giao” với thiên nhiên, với thời tiết để soi rọi niềm tin vào sức sống của con người. Khi thì anh tiên đoán “đến chiều trời sẽ mưa dông rất mát” (tôi được ăn thịt), khi thì buồn lòng “trời vẫn không mưa cho được mát” (khoảng trống ngoài sân khấu), hoặc “trời mưa hoài không tạnh” (sự tích hòn bi của tôi). Đặc điểm này lặp đi lặp lại ở nhiều bài thơ của anh (nhớ Ức Trai, đưa vợ đi đẻ, buổi trưa giữa đường tôi núp mưa, lục bát, lúc đó, những lúc đó, những lúc đó có khi như thế, đêm…).
Ngay cả trong bài Gọi tìm xác đồng đội, bên cạnh những dòng tin nhắn, những cái chết không toàn thây, không tìm thấy xác, anh vẫn dừng lại với bức tranh lãng mạn về những sớm mai kia:
        những buổi sớm mai
        những buổi sớm mai thơm mùi lúa
        tôi đi qua những cánh đồng đất mới cuốc lật
        hai bên đường bông cỏ vừa nở
        chim hót trong gió mát
        và sương cũng mờ trong cây bên kia đường
        em làm gì mà ngơ ngác như không thấy tôi
        những buổi sớm mai
        như thơ tôi
                  sớm mai
                          mặt trời mọc
        như thơ tôi ở với trời đất ở với anh em bạn bè tôi          
                 người sống người chết
                         thơ tôi là đời tôi là tôi đây
Tuổi Tân Tị (1941) của Trần Vàng Sao nhiều người thành đạt. Riêng anh, cả cuộc đời và thơ dường như không mấy suôn sẻ. Nó như câu thơ của anh lúc nào cũng “trục trặc”, không vần không điệu, không trau chuốt về câu chữ, câu dài câu ngắn (có câu chỉ một từ, có câu dài đến mấy chục từ, đọc muốn hụt hơi). Giọng điệu thơ anh như được truyền trực tiếp từ đời sống. Anh viết giản đơn như nói. Thơ cũng giống như cuộc sống của người sinh ra nó, không màu mè, trau chuốt mà trần trụi và chân thực đến nao lòng. Nhưng điều quan trọng hơn, trong màu xanh của cây lá, của sự sống, anh không chỉ nhìn thấy màu sắc, hình vóc mà còn nhận ra được cả những đường gân lá, để hình dung ra diện mạo một đất nước của riêng mình, đất nước của những người lao khổ/ những người ngã xuống trong chiến tranh.
Trần Vàng Sao khác lạ và tài hoa. Thơ anh là thơ điệu nói chứ không phải thơ điệu ngâm. Giọng điệu thơ anh chỉ phù hợp với một ngữ cảnh của một thời kỳ nhất định. Cảm xúc nặng đầy thường giăng mắc thênh thang, dài rộng và ấm nóng tro than trong những bài thơ dài mang nặng suy tư (bài thơ của một người yêu nước mình, người mất trí hát, ngậm ngải tìm trầm, gọi tìm xác đồng đội…).
Sau Bài thơ của một người yêu nước mình, những năm tháng ở chiến khu, công tác ở Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế (1965-1970), anh ít có thơ được in; thời gian tiếp theo sau đó khi sống ở miền Bắc (1970-1975) lại càng ít hơn. Vượt qua những gian truân, nghi kỵ, hiểu lầm, sau ngày đất nước thống nhất, cử tưởng người và thơ sẽ thong dong, nhưng bản mệnh cuộc đời và thơ ca của Trần Vàng Sao vẫn không hết truân chuyên, đến nỗi cuộc sống có lúc “một ngày qua hai ngày qua / vợ con đau không có tiền mua gạo / ăn rau chấm nước muối trừ bữa / hết một tháng hết một năm hết ba bốn năm / diềm xe vá chỗ này rách chỗ khác” (ngậm ngải tìm trầm); hoặc những năm tháng dài cuối đời, cứ mỗi buổi sáng gánh nồi cháo gạo ra chợ Vỹ Dạ cho vợ bán kiếm tiền nuôi cả gia đình, anh vẫn cam chịu, vẫn không đánh mất mình, khi “thường không có một đồng trong túi (…) / vẫn không có chi phiền / vấn một điếu thuốc hút / hai ba lần tắt đỏ / rồi nửa chừng rách giấy / bạn bè gặp nhau / cho uống một ly cà phê / một lần / qua hai lần phải tránh / không phải ai cũng nghĩ như mình / nhiều đứa vui gặp nhau cho năm ba đồng một chục / đưa tay cầm lấy / miệng nói không được” (người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình). Chao ôi là buồn! Đây là những câu thơ khiến tác giả của nó và cả tạp chí Sông Hương, nơi in bài thơ (số 32, tháng 7-8.1988) phải chịu lao đao suốt nhiều năm dài. Ban biên tập Sông Hương phải ra thông báo rút kinh nghiệm về những khuyết điểm thiếu sót rằng, tuy “tâm huyết nhưng đã lệch một số vấn đề cơ bản…” (Kỷ yếu 70 năm văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế 1945-2015, Nxb Thuận Hóa, 2015, tr.173), Tổng biên tập Tô Nhuận Vỹ phải từ chức và tạp chí phải đình bản trong một thời gian dài (từ tháng 6.1990 đến tháng 1.1991).
Trải qua một chặng đường dài với những đổi thay về cái nhìn và quan điểm, vượt qua cơn đau tất yếu của thời kỳ đổi mới, nay bài thơ được khẳng định là một trong những thi phẩm đặc sắc trong sự nghiệp sáng tạo của Trần Vàng Sao. Không hiểu những người trước đây từng phê phán, quy chụp, thậm chí huy động cả hệ thống chính trị, trong đó có cả sự vận động chị em tiểu thương chợ Đông Ba ký tên phản đối bài thơ, lên án tác giả, nay họ nghĩ gì? Họ vẫn còn đó và không ít người thành đạt trong đường đời, có bao giờ tự hỏi vì sao lúc ấy mình đã cố loại bỏ một hồn thơ chân chất, yêu nước, yêu người!
Điều cần lưu ý là bản mệnh cuộc đời và thơ ca của Trần Vàng Sao dù trải qua nhiều trầm luân khổ ải, nhưng không hề có sự đổi thay. Tất nhiên, thơ anh viết ra không được in, nhưng bản lĩnh thi nhân có bao giờ ngừng nghỉ. Anh vẫn lặng lẽ tự gõ vào nỗi đau tâm hồn mình, để nói với chính mình những điều cần nói. Và thế giới nghệ thuật thơ anh trước sau vẫn một giọng điệu: chân thật, giản dị, nồng ấm tình người và cao cả nhân văn. Con người anh vẫn hòa nhã, giản dị, dễ gần, hình như chưa hề nghĩ xấu về ai, kể cả những người lên án mình với một thái độ gay gắt, cứ muốn dứt bỏ đi. Là người không phải một lần, mà nhiều lần bị cuộc sống vùi dập, với bao nhiêu thiệt thòi, nhưng anh vẫn luôn giữ một thái độ bình thản, chấp nhận. Quen biết anh lâu năm, tôi chưa hề nghe anh có một câu chê trách, oán thán cuộc đời hoặc thể chế ngay cả trong những cuộc rượu tay đôi tay ba, mà đôi khi anh cố dốc hết những cay đắng của cuộc đời như muốn chôn sâu vào quên lãng…
Tôi yêu quý con người và thơ ca của anh. Trong cuộc hành thân đi qua cuộc đời, mỗi người có một lối sống, có một giọng nói, cũng như mỗi thi sĩ có một giọng điệu thơ ca. Tôi biết, cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay, anh vẫn nhất quán như bản chất thi sĩ của mình mà anh từng tự hào và tự hứa: “bây giờ cho tới cuối đời/ thì tôi vẫn cứ như tôi thế này” (lục bát).
Cuộc sống bao giờ cũng đầy rẫy những nhũng nhiễu, eo sèo, nên tôi biết cũng có khi anh nản lòng, nhụt chí, thậm chí bực bỏ. Nhưng “người thơ, ăn vận toàn thơ cả” (Hàn Mặc Tử). Với một người cả một đời cống hiến cho đất nước, lao động vất vả kiếm sống và làm thơ, dường như lúc nào cũng trong tư thế nặng nhọc, bị ghì sát đất như Trần Vàng Sao, thì ắt hẳn túi thơ của anh phải nặng đầy. Nhưng cho đến nay tác phẩm được công bố chính thức trong nước của Trần Vàng Sao chỉ mới có hai tập thơ: Gọi tìm xác đồng đội (Nxb Hội Nhà văn, 2012) và gần đây là Bài thơ của một người yêu nước mình (Nxb Hội Nhà văn, 2020). Mặc dù “đất nước” của riêng Trần Vàng Sao, chỉ Trần Vàng Sao mới có, như đã nói ở đầu bài, đã ra đời rất sớm, sừng sững như một tượng đài từ những năm 1960.
Bất luận người ta hiểu thế nào, với tôi, Trần Vàng Sao không là “một người yêu nước” chung chung, mà là “một người yêu nước mình” – một đất nước toàn vẹn trong đó có cả hai miền Nam Bắc, với một niềm tự hào và ước mong cháy bỏng như hai câu cuối cùng của bài thơ: “và yêu tôi đã biết làm người / cứ trông đất nước mình thống nhất”. Tôi nói “được công bố chính thức trong nước” là bởi vì nghe đâu có một tập Bài thơ của một người yêu nước mình khác, được in ấn ở nước ngoài. Bất luận người in thơ anh vì mục đích gì, nhưng chỉ nghe rằng Bài thơ của một người yêu nước mình phải “di tản” ra sinh nở / sống ở nước ngoài, thì không ai không khỏi xót xa!
Bây giờ có nói gì, có khen chê bao nhiêu thì anh cũng đã đi rồi. Anh thong dong và khác xưa rồi. Nhưng dẫu sao thì chúng ta cũng quá vui mừng vì vẫn còn có trong tay tập Bài thơ của một người yêu nước mình,trong đó có nhiều bài được gia đình lưu giữ chưa công bố. Tên anh là Nguyễn Đính, nhưng khi chọn cho mình bút danh là Trần Vàng Sao là toàn vẹn ý thức của một người yêu nước và hướng về màu cờ của Tổ quốc. Phạm Xuân Nguyên có lý khi viết rằng: “Trần Vàng Sao “bài thơ của một người yêu nước mình” – một bút danh quốc kỳ và một tấm lòng yêu nước. Chừng ấy đã nói đủ song chưa nói hết về về một nhà thơ, một con người tại thế 77 năm. Ông đã mang mấy tiếng đó như cây thập tự giá đi qua những khổ nạn đời mình, trả giá cho sự tin yêu và thành thực. Ngọn cờ còn bay, nhưng thơ còn lại và tấm lòng thì mãi mãi” (trang bìa tập thơ).
Theo như lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đây là tập thơ do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tuyển chọn và chuyển giao cho nhà xuất bản. Việc làm này không chỉ là một nghĩa cử nhân văn đối với người đã khuất mà còn là một thái độ ứng xử văn hóa đáng trân trọng.
PHẠM PHÚ PHONG
Theo Viết & Đọc
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đẹp Phần Thứ Nhất - I - Thôi, Loan ạ chờ Nam vào hãy hay. – Ngọc cứ để mặc em. Thu xếp trước đi thì vẫn hơn. Để bề bộn, anh ấy vào a...