Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Chỉ có thơ làm lẽ phải thầm lặng

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:
Chỉ có thơ làm lẽ phải thầm lặng

Nửa thế kỷ đọc thơ. Nhiều câu nhớ thuộc lòng. Vậy mà tôi chưa một lần gặp mặt ông ấy. Có chút băn khoăn về chi tiết hết sức nhỏ nhưng cứ day dứt mãi không thôi vì trong đó có liên quan đến một người là thần tượng của tôi.
Bài Hình dung về Che Guevara viết ngày 11 tháng 12 năm 1972 có câu: “Tôi hình dung Che đi trong rừng với khẩu AK”. Thú thật là tôi đã xem nhiều ảnh và phim tư liệu chỉ thấy con người có đôi mắt đa tình và bộ râu tuyệt vời này hay dùng khẩu cạc- bin báng gỗ. 
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm
Súng đeo dọc theo người khi đi ngựa hoặc cưỡi la. Khi chống súng ngồi bên sa bàn. Khi đeo vắt chéo ra đằng sau trong đội hình diễu hành đông đảo. Chưa một lần nào nhìn thấy AK cả. Vào hồi năm 1922, V. Lê nin đã từng nói: “Bây giờ người ta không sợ người cầm súng nữa”. Nhưng có lẽ súng còn ở lại lâu lắm với loài người. Ví như khẩu cạc-bin. Sản phẩm đích thực của Hoa Kỳ có mặt từ năm 1938 đến nay. Người ta làm ra tới 6 triệu rưỡi khẩu. Và cho biết trong số những cư dân hay dùng loại này nhất có người Cu-ba. Khẩu cạc-bin có lẽ phù hợp hơn với thần thái của Che chăng? Nhưng đây không phải là chuyện súng mà là chuyện thơ. Tôi cũng lấy làm lạ hồi mới in trên báo có nhiều khổ thơ hay trong Cát trắng Phú Vang, Gửi anh Tường… mà tôi đã thuộc lòng, nhưng đến giờ xem trong tuyển tập 2011, 2013 lại không thấy nữa, không hiểu do tác giả hay do người biên tập? Nghĩ vậy, tôi muốn gặp nhà thơ để hỏi rõ nguồn cơn. Vào dịp cuối tháng 7/2018, Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Nguyễn Khoa Điềm ở Huế ra. Tôi tìm đến gặp. Đó là một buổi chiều cuối hạ. Chỉ còn 4 ngày nữa là lập thu. Nắng đã nhạt. Trong căn phòng khách nhỏ bài trí theo kiểu văn hóa của một người nghệ sỹ ưa trầm lặng hơn là của một nhà chính trị ngăn nắp như ở tòa thượng thẩm mà tôi thường thấy. Nhưng chẳng hiểu vì sao khi giáp mặt tôi quên mất mấy điều định hỏi mà lại hỏi sang ý khác. Rằng “Vườn thơ xưa không còn gã áo trắng đi về, ngơ ngẩn đọc thơ buồn trong tiếng guốc cạo râu” là định nói về ai? Rằng tại sao một người miền Trung mà lại thấu hiểu thời tiết tháng tư ở Bắc Kỳ trong Khoảng trời yêu dấu đến thế? Rằng tại sao những năm bom đạn ác liệt hồi 1964- 1975 lại có thể tĩnh tâm làm được sự đổi mới về Thơ như vậy?… Thế là trôi veo buổi kiến diện mà quên mất điều muốn hỏi đã có trước khi đến. Vì sao lại như thế nhỉ? Có phải vì cái uy nghiêm pha chút trầm mặc của một bậc trưởng lão hay không? –Không. Dĩ nhiên là không. Điều khiến tôi quên mất dự định đó lại bởi vì người đối thoại thật nhu mì. Khiêm nhường đến mức khích lệ sự hăng say của người tiếp chuyện. Còn tôi lại bị nhiễm cái nghiêm cẩn Adversary của nghiệp ngày xưa? Bây giờ tôi mới chịu tin ngay ở thời quyền cao chức trọng ông lại đánh bạn thơ với chàng thi sĩ cao bồi nhà quê quanh năm gánh hai bồ lục bát “quần bò mũ cối đánh đường sang chơi ấy” và còn băn khoăn tự hỏi “bạn chừ, đóng gạch nơi nao. Văn chương lấm láp vêu vao, mặt người”. Và không hiểu vì đồng cảm với 6/8 hay không, năm 2010, Nguyễn Khoa Điềm đã làm bài thơ Các nhà thơ trên đường với hơi hướng triết học. Khác hẳn với không khí bình dân của ông bạn kia.
Đi khắp núi sông
Đánh thức nhân dân bằng cặp dùi lục bát
Mong đợi những hạt nước mắt
Lăn trên bình minh trong trẻo một ngày.
Nguyễn Khoa Điềm thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc. Nhiều người có công với nước. Dòng họ Nguyễn Khoa ở Huế bây giờ có duyên nợ lịch sử với họ Nguyễn ở huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, Thanh Hóa. Năm 1558, Đoan quận công Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) thực hiện cuộc ra đi lần thứ nhất từ Bắc vào Nam. Đó là một cuộc dịch chuyển lớn nhất của dân tộc ta về phương Nam để mấy trăm năm sau vẫn nghe trong máu hồn xa xứ. Trong đoàn người theo phò Nguyễn Hoàng năm ấy có cha con Nguyễn Đình Thân. Người quê gốc ở Trạm Bạc- Hải Dương. Lúc đó, ông Thân mới lên 6 tuổi. Kể từ Nguyễn Đình Thân đến đời thứ 3 thì vua Nguyễn cho họ Nguyễn Đình đổi thành họ Nguyễn Khoa; Bao nhiêu nước chảy qua thăng trầm cùng vận nước từ dạo ấy đến giờ. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, Nguyễn Khoa Điềm tự nguyện trở về Nam theo con đường mà tổ tiên ông đã đi hơn 400 năm trước. Về giải phóng quê hương.
So với một số nhà thơ lớp chống Mỹ cứu nước, Nguyễn Khoa Điềm xuất hiện muộn hơn và các tác phẩm thơ của ông cũng không phải là nhiều. 1973 Đất ngoại ô; 1974 Mặt đường khát vọng; 1986 Ngôi nhà có ngọn lửa ấm; 1997 Cõi lặng và một số bài thơ trên văn học mạng. Nhưng ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của thi ca Việt Nam hiện đại. Tác giả có nhiều bài thơ hay từ nửa sau thế kỷ 20 đến những năm đầu 21. Đất ngoại ô (1969); Con chim thời gian (1969); Khoảng trời yêu dấu (1970); Con gà đất, cây kèn và khẩu súng (không ghi năm sáng tác); Cát trắng Phú Vang (1970); Tôi lại đi đường này (1971); Thưa mẹ, con đi…(1971), Đất nước (chương thứ 3- Trường ca Mặt đường khát vọng)- 1971; Tình ca (1973); Đi bên mùa thu (1982); Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (1984); Hoa quỳ vàng (1993); Như một quả sấu rơi (2007); Người ở Yên Tử (2008); Đất nước những tháng năm thật buồn (2013). Nguyễn Khoa Điềm kiên trì và nhẫn nại cấy cày gặt hái trên cánh đồng thơ qua ba mùa không ngừng, không nghỉ. Mùa kháng chiến. Mùa hòa bình. Mùa trở lại vườn xưa- vườn hưu. Những vần thơ giàn giụa chất tự sự, trữ tình sử thi và lo toan thời thế mang đậm dấu ấn Huế “khóc với Huế, cười với Huế, một đời chín đợi mười trông” là dấu hiện dễ nhận thấy của thi pháp Nguyễn Khoa Điểm, điều đã đưa ông đến một sự khác biệt trong làng thơ hiện đại.
Cao Bá Quát (1808- 1855), cận kề ngày rời kinh thành Huế về nhậm chức giáo thụ ở phủ Quốc Oai – Sơn Tây, trong khi viết đề tựa thơ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819- 1870) có đề cập đến một phẩm chất cơ bản của thơ. Đó là “tiếng vang của phong nhã”. Nhân đấy để làm rõ điều này, họ Cao có đề cập đến lời của danh sĩ Tô Đông Pha (1037- 1101) bàn về cách viết có nói “không học là hơn. Ai thấu hiểu ý ấy thì có thể cùng bàn chuyện làm thơ được”. Kinh Thi và Kinh Dịch như đôi cánh của nho gia phương Đông thời cổ trung đại. Chữ phong nhã Cao Bá Quát dùng ở đây được thể hiện trong Kinh Thi. Chu Hy (1130- 1200) khi chú giải Kinh Thi nói: “Phong là thi ca trong dân gian. Nhã là thi ca của triều đình”. Tôi muốn dùng tiếng vang của phong nhã để nói về nét chủ đạo và cũng là đặc trưng riêng của thơ Nguyễn Khoa Điềm; đặc biệt trong mùa thơ kháng chiến của ông. Nhất là khi say đắm trong cảm hứng về vận mệnh của đất nước và dân tộc. Thơ Nguyễn Khoa Điềm ở những khúc ca như vậy thật trang nhã mà đằm thắm, dân dã như tiếng nói của văn hóa dân gian mà lại toát lên vẻ lịch lãm điềm đạm. Những hình tượng văn học dân gian, nhất là của xứ Huế được chọn lọc và dựng bên trong thơ với dáng vẻ gần gũi mà hiện đại trong hầu hết các bài thơ hay ở thể thơ tự do. Bài Bếp lửa rừng trong tập Đất ngoại ô có câu Đất nước, Tình yêu, mơ ước mai sau. Câu thơ đó đã trở thành triết lý nhân sinh quán xuyến và được đắp nổi bằng cảm xúc và hình tượng trong toàn bộ thế giới tinh thần của thơ Nguyễn Khoa Điềm, giữ cho nhịp thơ và tiếng vang của phong nhã tha thiết và bền vững, bất chấp dòng chảy vô cùng mãnh liệt và nhiều thử thách khắc nghiệt của lịch sử và thời gian.
Thế kỷ thứ 20 trên thế giới ít có dân tộc nào như Việt Nam, thi ca lại nói về đất nước nhiều đến thế trước hai yêu cầu cấp thiết của thời đại mà cho đến bây giờ xem chừng vẫn chưa được nguôi ngoai. Đó là con đường đi tìm độc lập, hạnh phúc, tự do, chấn hưng phát triển và buộc phải trải qua những trận chiến khốc liệt kéo dài với những kẻ xâm lược vượt trội hơn về sức mạnh và độc ác nhất hành tinh. Cái giá của chiến tranh và hòa bình không ở đâu đau đớn và mất mát, chịu nhiều hy sinh như ở đây. Nguyễn Khoa Điềm mang đến cho thi ca hiện đại một cảm hứng thường trực về đất nước với những cảm xúc và hình tượng mới lạ có tiếng vang của phong nhã phải chăng là do tiếng gọi ấy của lịch sử?
Khi ở khu phố ngoại ô tầm tã rụng bên dòng sông Hương, ngày đêm qua hoàng thành nghe cha ông gọi tên ù ù qua họng súng thần công. Khi ở giữa núi rừng Trị Thiên rã rời những trận B52 là tiếng chim thời gian vỗ cánh. Âm thanh của nó khắc lên cây cháy bỏng bằng một nốt rê trầm. Tiếng chim đếm cho ta hạt thóc, đếm lòng ta hạt ngọc để trái tim con người không biết rụng rơi, để đất nước thân yêu thành cao điểm diệt thù. Bài hát về tổ quốc giản dị trong thương nhớ khôn nguôi tiếng bìm bịp nước. Đất nước trong ngày vui chiến thắng, người thi sĩ chẳng mong muốn gì hơn được quỳ xuống hôn lên nguồn khẳm và in trán mình vào cát mặn. Đất nước là con đường mà thi sĩ đang đi cùng cha đi đánh giặc, cùng bạn đi giao liên. Cùng em thơ chạy giặc. Cùng bà ra bưng biền cho đến giấc mơ của mẹ ngày đêm hiện về đường đỏ cờ độc lập. Và nếu phải ngã xuống xin được chôn bên đường làm người lính gác cho con đường đi cứu nước… Có hai bài thơ thể hiện rõ nhất tiếng vang của phong nhã trong thi pháp Nguyễn Khoa Điềm. Đất nước trong Trường ca Mặt đường khát vọng và Đất nước những tháng năm thật buồn trên văn học mạng. Nguyễn Khoa Điềm tỏ ra sung mãn với sự bay lượn của các hình tượng thơ từ trừu tượng đến hàng loạt những biến thiên cụ thể rồi bỗng gấp gáp đột khởi từ cụ thể sang trừu tượng như là bước đi tự nhiên đầy sảng khoái của cảm xúc tới chân lý thơ. Điều mà người ta hay nói đến Đất nước của nhân dân, của thi thư văn hóa, thuần phong mỹ tục thật trừu tượng được diễn giải bằng sự đa sắc, đa diện của hình tượng cụ thể giàu màu sắc dân gian huyền sử.
Đất nước bắt đầu từ miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc
Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi chim về, nước là nơi rồng ở
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi Vọng Phu
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh.
Đất nước với Nguyễn Khoa Điềm là những con người hóa thân cho dáng hình xứ sở. 

Không ai nhớ mặt nhớ tên
Thương nhau bằng gừng cay muối mặn, cái kèo cái cột thành tên
Họ giữ và truyền cho ta hạt giống ta trồng
Họ truyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân.
Rồi những chuyện dòng sông, quả ớt, cái cuốc, con dao, chén rượu, con nộm nang tre đến ca dao cổ tích chẳng lừa ta dù chỉ một lần. Một khái niệm Đất nước mà hiện lên bởi muôn ngàn sắc thái cụ thể, muôn hình vạn trạng, dào dạt không khí dân gian đượm màu phong tục và đạo lý nhân văn. Rồi đột nhiên tư duy thơ lại từ cái cụ thể, cái hành động giơ tay lên gõ cửa gợi nhớ những năm tháng khó khăn giữa vòng vây địch bắt bớ và khủng bố, lúc ấy ta không còn sức mạnh nào thì đất nước là người không biết, không quen, không rõ mặt rõ tên, không được bất kỳ trang lịch sử nào ghi lại, không chờ đợi được huân chương vinh hoa phú quý và biết rõ hiểm nguy đang rình rập, nhưng cái ngay thẳng tin yêu của người dân Việt nơi nào, thời nào cũng có đã mở cửa vây bọc và che chở cho ta. Đất nước đón ta vào lòng dân. Cái trừu tượng có tên Đất nước ấy bỗng vỡ òa nghẹn ngào trên một dòng thơ ngắn. Chữ “ngay thẳng” đáng là từ khóa của một tập thơ.
Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào
Ta nghẹn ngào- Đất nước Việt Nam ơi!
Các bậc danh sĩ phương Đông thời thế kỷ thứ 7 – thứ 8 khi từ cửa quan trường về lại với tre trúc thường rất thanh khiết trong tình buồn và cô đơn. Đó là lẽ thường tình và là câu chuyện duyên phận của thi ca gặp gỡ cô đơn để lan tỏa tình đời ngàn năm nay vẫn thế. Lưu Vũ Tích uống rượu ngắm hoa mẫu đơn chẳng e ngại điều gì chỉ sợ hoa nói được thành lời rằng em không phải nở cho người già lão. Hàn Dũ Tầm tư bách kế bất như nhàn. Lưu Trường Khanh thì tế vũ thấp y khan bất kiến, nhàn hoa lạc điệu thính vô thanh. Chỉ có Trần Tử Ngang xem chừng còn nặng lòng với thế sự Ngắm trời đất bao la, riêng lòng ta rơi lệ. Đại thi hào Nguyễn Trãi (1380- 1442) khi về ngụ cư ở Côn Sơn, nơi mà có lúc ông bị giáng hết phẩm ngạch, chỉ được vua bổ làm chức quan thầy chùa ở chùa Côn Sơn hồi sau năm 1430, mà vẫn giữ được vẻ thanh cao Láng giềng một đám mây bạc. Khách bạn hai nghìn núi xanh. Và hầu như bao nhiêu câu kết của thơ quốc âm Ức Trai thì bấy nhiêu tâm sự của một bậc trí giả yêu nước thương dân. Bui một tấm lòng ưu ái cũ. Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng. Cả những lúc ngậm ngùi mà thanh bạch Tơ hào chẳng có đền ơn chúa, dạy láng giềng mấy sỉ nho. Nguyễn Khoa Điềm của chúng ta đến lúc về lại với mùa vườn xưa, về với cõi lặng của đời mình. Ở đấy như một Cánh đồng buổi chiều, nhà thơ tìm hạt mồ hôi bỏ quên khi mồ hôi quá rẻ. Kẻ ranh ma quá giàu. Không phải không có lúc ngậm ngùi lẻ loi ngày mai say tỉnh đều ra đất, còn lại vầng trăng lặng lẽ soi. Có lúc khóc mà không khóc được: Trên mặt báo ngày ngày, những tin buồn muốn khóc, chít khăn tang lên vầng trán con người… Bây giờ không phải không có lúc cam chịu ngước mắt mắt hoa với nắng, thì vuốt mặt mình trong mưa.Nhưng vượt lên tất cả, Nguyễn Khoa Điềm từ nơi xa vẫn nghe được dường như vọng lại từ miền siêu thực sấu rụng dưới mặt đất Hà Nội mùa đông thiêng liêng như tiếng chiêng đồng. Vẫn nghe được sông Hồng mải miết làm lịch sử nối những niềm vui ấm sáng cuộc đời bởi Quan Âm nở xòe nghìn tay, với sự nhìn của nghìn con mắt. Và sông Hương xứ Huế chảy trở đi trở lại trong thơ như suối nguồn không ngừng không nghỉ; như tâm tình đất nước đưa ta qua những ngày bình an, như bàn tay mẹ rửa sạch những nỗi đớn đau bằng từng giọt nước ngời sáng của dòng sông. Đã nhiều lần thi nhân cất lên tiếng gọi như gọi chính lòng mình.
Sông Hương ơi! Sông Hương
Ngươi còn nguồn với bể
Còn ta 25 tuổi
Trôi cạn trên mặt đường.
Sông Hương như hiện thân của đất nước, như tấm gương soi tỏ cuộc đời, như mạch nối của đời người xứ Huế.
Trăm năm rồi ta đứng trước sông Hương
Vẫn soi thấy nỗi đau và nỗi giận.
Để đời người bên dòng sông ấy nghe mưa thu bỗng thấy tím một ngày quên lãng. Người ở núi Yên Tử mở rộng tầm suy tưởng đến việc đạo, việc đời, cảm nhận sâu xa mà tinh tế những biến thiên của lịch sử, đất nước hiện về trong thương nhớ khôn nguôi. Giản dị mà siêu thực.
Không có tiếng quân reo
Không có lửa
Chỉ có tiếng gậy trúc bà cụ gõ vào đá núi.
Ở đây không phân biệt giữa Phật với người. Ai đó đã dắt ta vào huyền sử 700 năm mà thăm thẳm như một giọt nước mắt. Bài thơ Đất nước những tháng năm thật buồn viết ngày 22 tháng 4 năm 2013. Khi nó mới xuất hiện, có người bảo Nguyễn Khoa Điềm đã thay đổi rồi chăng? Lòng ông không còn là bình nhang để mẹ đong đầy cát trắng nữa chăng? –Không. Không đúng như vậy. Có điều bây giờ cái tiếng vang của phong nhã thật trầm lắng, xót xa mà nghẹn ngào trào lên niềm tin và hy vọng, vang lên tiếng nói của lương tâm và trách nhiệm của người thi sĩ trước biến động của thời cuộc. Một tâm sự khi xung quanh yên ắng cả. Thi nhân tự hỏi sao mình vẫn thức? Sao mình vẫn mải mê đeo đuổi một ngày tốt lành? Nỗi âu lo là có thật khi thế sự dẫn đến nhiều quốc gia, kể cả nơi mà Việt Nam hai lần ghi trong Hiến pháp là thành trì của Cách mạng thế giới cũng chỉ sau một đêm thôi, người ta đã thay đổi màu cờ trên nóc những giáo đường cách mạng? Một bi kịch của loài người trên con đường khát vọng tìm cách mưu cầu hạnh phúc mà chưa gặp được? Một đội ngũ đông đảo những người tiên phong của cuộc cách mạng ấy đã ùa ra tháo chạy như bao tải khoai tây đổ ra mà Enghen đã dùng hồi thế kỷ 19 để chỉ sự rời rạc của những người nông dân? Phải là một thi sĩ ưu thời mẫn thế mới viết được dòng thơ phong nhã này Bây giờ lá cờ trên cột cờ Đại Nội có còn bay trong đêm. Sớm mai còn giữ được màu đỏ. Đó là cách diễn tả bằng thơ nguy cơ được gọi là chệch hướng. Đó là sự thức tỉnh đầy tin yêu được lan tỏa từ những gì giản dị và quen thuộc nhất của cuộc sống hàng ngày.
Thấy mọi người nhẹ nhàng vui tươi
Ấm áp ly cà phê sớm…
Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải gạt vội vì xấu hổ
Ngước mắt tin yêu mọi người
Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh.
Mặc dù sự tạo dựng âm hưởng tiếng vang của phong nhã trong Đất nước của Mặt đường khát vọng và Đất nước những tháng năm thật buồn không giống nhau, nhưng cả hai đều có chung một mẫu số tinh thần. Đó là nhân cách, lòng trung thực và nỗi niềm sâu lắng, danh dự và lương tâm ngay thẳng của người cầm bút trước những lo lắng của hàng triệu, hàng triệu người đồng thời.
Một nhà văn đương thời chia sẻ với tôi. Cảm hứng về đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm thường gắn kết với tự do theo ý nghĩa bản thể của nó. Như là sự khẳng định và tôn vinh giá trị tự do cá nhân của con người. Điều mà sau này Hiến pháp Việt Nam 2013 lần đầu tiên quy định về quyền con người. Lời kết của Khúc hát ru những em bé lớn lên trên lưng mẹ 1971 vang lên khát vọng về tự do của một thế hệ người sớm trải qua cuộc chiến tranh đầy hi sinh và thử thách mong mỏi đến cái đích cuối cùng mẹ thương Akay, mẹ thương đất nước. Mai sau con lớn làm người tự do. Nguyên lí từ vương quốc của tất yếu bước sang vương quốc của tự do được Nguyễn Khoa Điềm rung cảm về thân phận con người ở nhiều bài thơ. Ngôi nhà có ngọn lửa ấm. 1984 cũng là một khúc hát ru em bé mới sinh ra đã can dự vào việc chia phần 285 kg thóc một đầu người và cả phần chất nổ dự chi vào đầu nhân loại. Em bé ấy quẫy lên trong lớp vỏ của chính mình để tháo tung các giới hạn như giọt nước sinh thành tự do bắt nắng và phát sáng. Khát vọng tự do là lời nhắn gửi của thời đại rằng sợ hãi không cứu được chúng ta mà chính là sự can đảm đi tới dân chủ (Nhân dân). Và rằng niềm tin không ai bị lãng quên vì rồi có một ngày một người can đảm sẽ nói lên số phận một người tốt, và một người tốt sẽ bước ra từ lịch sử để nói về cái tốt bị bỏ quên (Nhớ Nguyễn Đ. 2005)
Nguyễn Khoa Điềm trang trải mơ ước mai sau của mình không chỉ ở những vần thơ thế sự mà cả trong thơ tình yêu rất riêng, đặc biệt riêng của ông.
Thơ tình Nguyễn Khoa Điềm nhẹ nhàng và sâu lắng. Thường được phủ lên một khoảng sương mù mong manh của cô đơn và trắc ẩn. Sự giao hòa của vẻ đẹp tâm hồn với sắc thái huyền diệu của thiên nhiên. Không phải người Bắc Kỳ, sao có thể diễn tả nổi tâm trạng cồn cào khi sắp sửa bước vào mùa hạ.
Yêu em yêu cả khoảng trời
Sương giăng buổi sớm nắng rời chiều hôm
Tháng tư giông chuyển bồn chồn
Giọt mưa vây ấm nỗi buồn cách xa.
Trong sáng, thủy chung và bộn bề tâm trạng hàm chứa trong thơ tình Nguyễn Khoa Điềm.
Một sự nghiêng mình nhún nhường, phải đâu là tội nghiệp.
Đừng thương ai, em nhé
Chỉ thương về anh thôi
Dẫu anh không còn trẻ
Chẳng có chi hơn người.
Một chút nhẹ nhàng mà xót xa đắng lòng.
Mặt em như vầng trăng lặn
In trong bài thơ cuối mùa
Ta còn chút vốn rau dưa
Đặt cọc lên tờ giấy trắng.
Một sự xa vắng mênh mông khi gió mùa thu thổi ta qua bờ bãi, nắng tinh khôi óng ả tươi vàng lại là lúc chia tay bởi chính màu nắng ấy.
Tôi ở lại trên chiếc lá đỏ
Khi nắng vàng trên áo em khuất xa.
Một điều giản dị mà ai nấy đều ước muốn trải qua khi ở tuổi xuân thì biết được rằng người con gái đã yêu mình.
Yêu anh từ nước mắt
Rơi trong ngày biết yêu.
Một phép thử ở điểm giới hạn, trong cái thế giới mong manh người ta yêu hãy thử dại dột một lần để nhận ra ta trong dòng đời vô tận.
Sau cùng thì em thử dại dột một lần
Để nhận ra anh cuối dòng đời bất tận.
Có lúc khoan hòa như ngôi nhà có ngọn lửa ấm. Ít thấy thi sĩ nào nói về thơ và trao cho thơ sứ mệnh giữ gìn hạnh phúc như Nguyễn Khoa Điềm.
Một ngôi nhà có câu thơ làm chiếc then cài cửa
Suốt mùa chiến tranh.
Thật hạnh phúc cho ai đã là lý do, là cái hích của thượng đế để cho Nguyễn Khoa Điềm viết nên những vần thơ tình xao xuyến. Sau chót, tôi muốn dừng lại bài Hoa quỳ vàng viết ngày 22 tháng 11 năm 1993. Có lẽ đó là bài thơ mang hồn cốt đậm sắc nhất của thơ tình Nguyễn Khoa Điềm. Một cái gì đó như là hồn vía của tâm hồn ông. Rất xa. Rất sâu của nỗi cô đơn thăm thẳm không cưỡng lại được. Hoa qùy vàng chợt nở rồi chợt héo. Giản đơn bình thường rồi chợt thành cái vô thường trong khoảnh khắc.
Hoa qùy vàng
Em chợt đến sau mưa
Để chợt héo
Trước ngày đông tháng giá
Anh chợt đến
Và chợt về
Xa lạ
Chợt trăm năm
Một khoảnh khắc giao mùa.
Hoa quỳ vàng chợt nở trong mưa thì được rồi, nhưng sao lại ái ngại nở để chờ ta đến. Thì ra hoa quỳ vàng nghiêng nghiêng cánh mỏng mà em thanh xuân ta quá đỗi ngại ngùng. Bài thơ này Nguyễn Khoa Điềm viết ở Đà Lạt năm 1993 khi ông mới 50 tuổi. Nhưng khi gặp ông hồi tháng 7 vừa rồi, tôi lại nghĩ bài thơ ấy ông vừa mới viết khi tóc đã bạc trắng ở tuổi 75?
Thơ tình Việt Nam thời hiện đại, đặc biệt trong mùa kháng chiến, thường đặt trong sự san sẻ giữa cái riêng và cái chung, và thường được sẻ sang cho cái chung nhiều hơn. Ít bài làm theo hướng ngược lại. Vì vậy có thể cái phần thân phận ẩn chứa những tâm trạng riêng ít được chú ý. Mắc võng để yêu nhau mà mắc qua cả dãy Trường Sơn. Nguyễn Khoa Điềm chú ý đến sự san sẻ cho cái riêng, soi tỏ những giá trị thẩm mỹ và nhân văn ở phía thân phận một con người. Vì vậy thơ ông thường có dư ba. Tô Đông Pha nói: “Ý hết mà lời dừng, ấy là cái lời rất mực trong thiên hạ; Song lời dừng mà ý không tả hết được, lại càng hay tuyệt’. Tôi nhìn thấy một bông hoa quỳ vàng dưới đáy sâu của ngôn ngữ.
Có lần vào một ngày cuối năm, Nguyễn Khoa Điềm sực nhớ rằng mình đã lâu không về Huế qua cả mùa thu mà lỡ cả mùa đông. Bởi vì:
Anh mải miết trên đường quan lộ
Ngoảnh về quê hư ảo một vầng trăng.
Không ít các danh nho phương Đông thời xưa khi đã là công hầu khanh tướng hay chỉ là một huyện quan nhỏ bé ở miền biên viễn thường làm thơ để thi dĩ ngôn chí, văn dĩ tải đạo. Thời gian đi qua không còn ai nhớ họ là quan nữa. Chỉ có những vần thơ muôn thuở treo ở bên trời. Nhưng cũng không ít người trong số họ chỉ được nhớ đến mờ nhạt khi mở trang sử cũ mới biết họ một thời qua vãng mũ cánh chuồn, áo thụng xanh hay khoác hoàng bào. Lịch sử hiện đại cũng như thế. Thời gian rồi sẽ không ép ai làm thi sĩ nữa. Nếu điều đó chẳng cần thiết cho ai. Đừng sợ quên. Sẽ có Tư Mã Thiên ghi lại trong sử ký ở phần thế sự. Nguyễn Khoa Điềm không như thế. Ông là thi sĩ từ trong huyết quản. Vũ Bằng trong Bốn mươi năm nói láo có nói về Chùa Đàn và vị trí của Nguyễn Tuân. Tôi không tin điều đó. Người như Nguyễn Tuân mà có lúc tự mình phải sửa văn theo thời thế làm hỏng cả thiên truyện Chùa Đàn vốn rất thâm thúy về triết lý nhân sinh và sự quên mình của người nghệ sĩ. Nguyễn Khoa Điềm chưa một lần sửa văn của mình để dẫn đến sự đổ vỡ không mong muốn như Chùa Đàn. Thơ của ông không phải không có lúc để cho tư tưởng thay cho hình tượng; Hô hào khẩu hiệu thay cho cảm xúc thi ca. Điều đó xảy ra ở hai khổ thơ phần 3, Xuống đường của Trường ca Mặt đường khát vọng; hay bài thơ Nói với bạn bè trong cuộc họp. Bài Nhân dân tư tưởng rất tốt, nhưng dường như tác giả không kìm nén được khi nói đến diễn đàn cao nhất nước nên nghệ thuật thi ca thì mộc quá… Những ví dụ này thật là ít ỏi trong dòng chảy thi ca có tên gọi Nguyễn Khoa Điềm nửa thế kỷ qua. Và đó không phải là sự từ bỏ một tác phẩm văn học vốn đã xuất sắc vì sức ép của thuyết giáo và tình thế.
Trở lại buổi gặp gỡ cận kề ngày lập thu ở Hà Nội năm nay, khi đứng lên bái biệt, tự dưng tôi nghĩ Nguyễn Khoa Điềm là hiện thân của câu thơ do chính ông viết về một nhà thơ khác.
Chỉ có thơ
Làm lẽ phải thầm lặng.
Một Nguyễn Khoa Điềm với tư cách là một nhà chính trị không phải là không có ý nghĩa. Nhưng 100 năm sau, những ai còn đến với Nguyễn Khoa Điềm không phải là với tư cách đó? Họ đến với ông nhiều hơn không phải trên những tờ giấy cũ của sử ký mà trên muôn nẻo đường trường của dòng thơ không bao giờ tắt lửa. Ngay cả bây giờ cũng thế. Lớp trẻ chắc còn học và đọc thơ ông ở trường phổ thông hay đại học và nỡ lòng nào quên Khúc hát ru em bé lớn trên lưng mẹ hay nôn nao khi mùa Hoa quỳ vàng nở trong mưa cao nguyên. Tấm lòng và nhân cách của ông vẫn thuộc về dòng sông xứ sở.
Chỉ có máu là không mất được
Vẫn ngàn năm thắm đỏ sông Hồng.
Mùa đông năm 2012, tôi vào Huế thăm Trần Vàng Sao ở đường Nguyễn Khoa Vi, phường Vĩ Dạ. Lang thang ở phía bên này sông Hương, giữa hôm mưa rét, tôi chợt thấy hình của Che Guevara in trên một phiến đá mỏng bằng bàn tay màu gan gà có 7 đường vân nhẹ. Đó là bức ảnh bán thân rất đẹp đã xuất hiện ở nhiều nơi. Tôi mua về đặt ở thư phòng. Nguyễn Khoa Điềm bảo: nhật ký của Che được viết lên trên mỗi thước đất của loài người đi tới. Có lẽ vì viên đá ấy mà tôi đã quên không hỏi điều muốn biết và nếu đọc kỹ bài thơ của ông thì súng loại gì không còn quan trọng nữa. Bởi vì Thơ là lẽ phải thầm lặng.
Mùa thu 2018.
KHUẤT BÌNH NGUYÊN
 
28/8/2022
Phạm Vũ
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoàng hôn có nắng Nhà văn trẻ Hoàng Thị Trúc Ly vừa được bầu chọn làm hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh ngày 24.5.198...