Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Nhà văn Võ Hồng và sự hiện hữu trong đời sống văn học miền Nam 1954-1975

Nhà văn Võ Hồng và sự
hiện hữu trong đời sống
văn học miền Nam 1954-1975

Văn chương Võ Hồng, quả thật là văn chương của Một đời, chứ không phải là văn chương của Một thời. Bởi, trong hành trình sáng tác, ông đã tạo cho văn chương mình một hệ giá trị riêng với những phẩm tính mang ý nghĩa nhân văn phổ quát, đó là tình yêu thương con người, là tâm thức hướng về cội nguồn và tình tự dân tộc với những truyền thống đạo đức luân lý tốt đẹp góp phần giữu gìn “dòng sinh mệnh văn hóa” nước nhà.
PGS-TS Trần Hoài Anh trình bày tham luận tại Hội thảo Khoa học quốc gia “Hoài cố nhân – Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng” ở Phú Yên, 24.4.2022.
>> “Viết cho trẻ phải từ cái nhân ái”
>> Tưởng nhớ nhà văn Võ Hồng, người ‘đánh thức thiên lương’
>> Võ Hồng, người đứng ngoài dòng thời đại
>> Hội thảo “Hoài cố nhân – Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng”
>> Võ Hồng là niềm tự hào của quê hương Phú Yên và vùng đất Nam Trung bộ
1. Mở
Không phải ngẫu nhiên, Phạm Công Thiện, một “thần tượng” về triết học đối với giới trí thức trẻ ở miền Nam trước 1975, trong thư viết ngày 18.01.1963 gởi Võ Hồng đã chia sẻ: “Nhìn anh và nhìn mấy cháu đọc những gì anh viết, tôi cảm thấy an ủi nhiều, tôi cảm thấy tâm hồn thác loạn của tôi được vuốt ve nhiều, tôi cảm thấy rằng tôi hêt sức vô tâm, tàn nhẫn, lãnh đạm trước muôn vạn kiếp người mà hằng ngày tôi đã gặp và với lòng kêu ngoa của tôi, tôi cho rằng họ chỉ là những kẻ tầm thường không đáng cho tôi để ý. Nhưng đọc anh, tôi mới sực nhớ rằng mỗi một người đều mang nặng một bi kịch đau thương của đời và trong những gì tầm thường nhất cũng đều chứa đựng một cái gì cao quí thiêng liêng nhất, một cái gì bất diệt và sống mãi từ thế hệ này đến thế hệ nọ, một cái gì mà thiếu nó thì cuộc đời nầy không đáng sống nữa”.
Như vậy, trong suy niệm của Phạm Công Thiện, văn của Võ Hồng như một thứ “dưỡng chất” thanh lọc “tâm hồn thác loạn”, hướng ông đến Chân Thiện Mỹ. Và, “Bỏ đi hết những cái bề ngoài, bỏ đi hết những truông, rừng, rú, Suối vẫn ngàn năm chảy từ nguồn, bỏ đi hết những bộ áo công thức kệ nệ của anh và bỏ đi hết những bộ áo phủ phàng nỗi loạn điên cuồng của tôi, lúc bấy giờ chúng ta sẽ gặp nhau tại Nguồn. Đọc anh và gặp anh, tôi sực nhớ lại rằng chỉ có một Nguồn Đời, chỉ có một mà thôi”.
Vốn là một học giả, một nhà nghiên cứu triết học, những gì Phạm Công Thiện viết ra không phải ai cũng hiểu và cảm được, chưa nói đến việc giải mã các thông điệp ông đặt ra trong tác phẩm. Thế mà, trong bức thư gởi cho nhà văn Võ Hồng với tư cách người đọc, Phạm Công Thiện lại viết một cách “hiền lành”, chân tình, đầy cảm thông, chia sẻ với những ưu tư bi thiết về phận người trong cuộc sống, không sắc lạnh, kiêu hãnh như giọng văn vốn có của ông. Điều nầy đã minh chứng cho những giá trị đặc biệt của văn chương Võ Hồng đối với công chúng văn học ở miền Nam, trong đó có Phạm Công Thiện. Nói cách khác, phải chăng, sức nặng tâm cảm toát ra từ giá trị nhân bản của văn chương Võ Hồng đã chạm đến nơi sâu thẳm trái tim của Phạm Công Thiện làm cho tư duy vốn thấm đẫm chất duy lý nơi ông đã “mềm” đi, soi thấu nhân tình để rồi, Phạm Công Thiện đã “tự thú” một cách đáng yêu: “Đọc anh và gặp anh, tôi sực nhớ lại rằng chỉ có một Nguồn Đời, chỉ có một mà thôi”.
Văn chương Võ Hồng, vì thế là văn chương kết tinh từ “nguồn đời” nên nó mãi hiện hữu trong cuộc đời như một thực thể linh động. Và đây chính là căn tố làm nên “Nhân vị” Võ Hồng – Nhà giáo – Nhà văn độc đáo trong văn học miền Nam 1954-1975 cũng như trong văn học hiện đại của dân tộc. Bởi, nói như Cao Thế Dung, Võ Hồng: “là nhà văn có đủ kích thước của hai chiều sâu rộng. Một nhà văn lớn từ tác phẩm của mình, phải xuất phát từ cái vốn sáng tạo của riêng mình”.
Tìm hiểu cuộc đời và hành trình sáng tạo văn chương của Võ Hồng là tìm về một trong những hệ giá trị góp phần làm nên di sản văn học miền Nam trước 1975, mà nếu thiếu Võ Hồng và văn chương của ông, văn học miền Nam sẽ thiếu đi một gương mặt để làm nên sự đa dạng, phong phú, sinh động của nó.
2. Nhà văn Võ Hồng: Quê hương – Con người – Văn nghiệp
Theo tiểu sử tự khai của Võ Hồng gởi cho Việt Nam Thông Tấn Xã, khi biên soạn công trình Nhân vật Việt Nam 1973, xuất bản ở miền Nam 1954 -1975, “giới thiệu 700 nhân vật Việt Nam quan trọng trong và ngoài nước”, Ông ghi “Sinh ngày 5.5.1921 tại Phú Yên. Tôn giáo: Phật giáo; Tình trạng gia đình: Vợ mất năm 1957, có ba con; Chức vụ hiện tại: Giáo sư – Hội viên, Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục; Hoạt động hiệp hội đoàn thể: Hội Viên, Trung Tâm Văn Bút Việt Nam; Hội Viên, Hội Nha Trang Nghĩa Thục (…) Địa chỉ tư thất: 53 Hồng Bàng Nha Trang”. Chỉ ngần ấy chi tiết cũng cho thấy quê hương, công việc và gia cảnh Võ Hồng, một trong không nhiều nhà văn “thuộc vào lớp nhà văn tiên phong của văn chương miền Nam, khởi đi từ sau ngày chia cắt đất nước”, được tạp chí Văn, dành cho sự ưu ái khi ra Giai phẩm đặc biệt vào ngày 14.2.1974.
Khởi đầu văn nghiệp của nhà văn Võ Hồng, theo Giai phẩm Văn, số đặc biệt về Võ Hồng: Truyện ngắn đầu tay của ông đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy (Tân Dân, Hà Nội) năm 1939. Tác phẩm in đầu tay của ông là Hoài Cố Nhân, xuất bản năm 1959. Tác phẩm của ông được nhiều soạn giả trích làm bài giảng văn ở bậc Trung học kể từ năm 1963 (*). Võ Hồng đã cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Văn, Văn Hữu, Mai, Giáo Dục Phổ Thông, Giữ Thơm Quê Mẹ, Tin Văn,Tân Văn… và 14 đầu sách đã in từ 1959 đến 1971 như “Hoài Cố Nhân, Ban Mai xuất bản 1959, Lá Bối tái bản 1969, Lá Vẫn Xanh, Thời Mới xuất bản 1962; Vết Hằn Năm Tháng, Lá Bối xuất bản 1965; Con Suối Mùa Xuân, Lá Bối xuất bản 1966; Khoảng Mát An Tiêm Xuất bản, 1966; Hoa Bươm  Bướm, Lá Bối Xuất bản, 1966; Người Về Đầu Non, Cơ sở Văn xuất bản 1968; Bên Kia Đường, Mặt Trời xuất bản, 1968; Gió Cuốn, Lá Bối xuất bản, 1968; Những Giọt Đắng, Lá Bối xuất bản, 1969; Áo Em Cài Hoa Trắng, Lá Bối xuất bản, 1969; Nhánh Rong Phiêu Bạt, Lá Bối xuất bản, 1970; Trầm Mặc Cây Rừng, Lá Bối xuất bản, 1971; Như Cánh Chim Bay, Lá Bối xuất bản, 1971. Còn trong công trình Văn học từ điển Q1, do Thanh Tùng biên soạn, Võ Hồng “khởi sự viết văn từ năm 1939 với những truyện ngắn đăng trên tuần báo tiểu thuyết thứ bảy. Lúc nầy ông còn lấy bút hiệu Ngân Sơn. Cho tới khi viết báo ở Sàigòn, ông mới lấy bút hiệu Võ Hồng và giữ bút hiệu ấy mãi cho tới nay”. Và, Lưu Trọng Minh ở công trình khảo luận Nhà văn Việt Nam 1940 -1970 (tập 1) trong phần viết về Võ Hồng, tác giả cho rằng: “Võ Hồng là nhà văn sáng tác đều đặn, lời văn đôn hậu, mực thước nhưng không kém phần hào hoa (…), nhà văn Võ Hồng đã bước những bước vững vàng và đều đặn”.
Không chỉ là nhà văn tài hoa, Võ Hồng còn là nhà giáo với nhân cách văn hóa mẫu mực đã để lại trong tâm thức bao thế hệ học trò niềm kính trọng cùng những ấn tượng khó mờ phai mà cái nhìn của Trần Hữu Cư ở bài viết “Võ Hồng, Những Bước Chân Hiu Quạnh Trong Đời Sống” Giai phẩm văn số đặc biệt về nhà văn Võ Hồng ra ngày 14.2.1974 là một minh chứng: “Những ngày tôi bắt đầu bước vào chân trung học. Dạo đó là dường như là tôi đang theo học lớp đệ ngũ hay đệ tứ thì phải. Hình bóng Võ Hồng đã trở thành thân yêu nhất trong đời sống tôi. Thân yêu nhất không phải vì ông là giáo sư dạy hay, dạy giỏi, mà chính là nhân cách và tâm hồn phiêu bồng của ông”.
Nhận xét về cuộc đời và văn nghiệp Võ Hồng đã có biết bao người trân quí, ngợi ca, thế mà khi trả lời phỏng vấn Giai phẩm văn số ra ngày 14.2.1974, vẫn thấy ở ông một sự khiêm nhường cùng những lo toan rất đời thường khi ông chia sẻ: “Một nhà văn nỗi danh thì đã có gì gọi là sướng quá đâu? Nó vẫn sống nghèo, nó vẫn chạy tiền mua gạo, chạy tiền trả tiền nhà, trả tiền ông bác sĩ và tiệm thuốc Tây. Nó vẫn âu lo, chật vật lúng túng như mọi người làm nghề khác, có thể còn tệ hơn, bởi nó ít thực tế hơn, nhiều mơ mộng lý tưởng hơn. Cứ hỏi những cô thiếu nữ mà xem. Họ có thể yêu một nhà văn, một nhà thơ nhưng khi lấy chồng thì họ chọn ông chủ tiệm giày”. Câu trả lời của Võ Hồng nghe thật “khôi hài” nhưng đầy xót xa, đắng chát cho thân phận của nhà văn “xứ An Nam” mà những năm đầu thế kỷ XX, Nguyễn Vỹ cũng từng đắng cay cảm thán trong bài thơ “Gởi Trương Tửu”: “Nhà văn An Nam khổ  như chó”.
Một vấn đề đặt ra trong hành trình sáng tác của Võ Hồng cũng được các nhà nghiên cứu văn học miền Nam trước 1975 quan tâm đó là có hay không sự tiếp nối mạch văn tiền chiến trong sáng tác của Võ Hồng? Luận giải vấn đề nầy, trên cơ sở khảo sát về sáng tác Võ Hồng, Cao Thế Dung cho rằng: “Võ Hồng viết văn từ thời Tiền Chiến. Mãi đến năm 1959 ông mới thực sự gia nhập vào làng văn hậu chiến bằng văn phẩm đầu tay Hoài Cố Nhân. Văn phẩm nầy không có gì đặc sắc để đủ tin tưởng một Võ Hồng tiến xa hơn. Nhưng vốn là người trì chí cần mẫn lại sẵn chất liệu phong phú ở ngay trong cuộc đời khởi từ một dĩ vãng xa xôi, từ đó Võ Hồng đã vươn lên mãi, đến nay thì ông là nhà văn có đủ kích thước của hai chiều sâu rộng”. Đồng quan điểm với Cao Thế Dung, khi luận giải về sự tiếp nối văn chương Tiền chiến ở sáng tác của Võ Hồng, Cao Huy Khanh đã xác quyết: “rốt cuộc Võ Hồng cũng chỉ là một kẻ tiếp tục truyền thống văn chương Tiền chiến?” (…) Và trên cơ sở lý giải về ảnh hưởng của văn chương Tiền chiến đến cách viết của Võ Hồng, Cao Huy Khanh đặt ra một vấn đề khá lý thú, đó là cho dẫu “Võ Hồng có là một nhà văn tiếp tục cái truyền thống văn chương tình cảm của thời tiền chiến chăng nữa thì điều quan trọng nhất ở đây vẫn là làm thế nào để giải thích được cái sự kiện có vẻ mâu thuẫn một cách trái thời này: Làm thế nào mà cái khuynh hướng văn chương tình cảm êm đềm và trong sáng đó có thể còn hiện diện được của một thời đã qua đó (Thời Tiền chiến) vẫn có thể còn tiếp tục hiện diện được, và từ đó không phải là không từng đạt tới một mức độ thành công tương đối đáng kể trong một vài tầng lớp độc giả trong một thời thế nay đã hoàn toàn đổi khác (Thời Hiện đại)”. Thế nên, khi đánh giá về văn nghiệp Võ Hồng, Lưu Trọng Minh xác quyết Võ Hồng đã có một “chỗ ngồi xứng đáng không lung lay trong văn học sử và tên tuổi của ông từ đó sáng chói như một vì sao”.
Văn chương Võ Hồng, quả thật là văn chương của Một đời, chứ không phải là văn chương của Một thời. Bởi, trong hành trình sáng tác, ông đã tạo cho văn chương mình một hệ giá trị riêng với những phẩm tính mang ý nghĩa nhân văn phổ quát, đó là tình yêu thương con người, là tâm thức hướng về cội nguồn và tình tự dân tộc với những truyền thống đạo đức luân lý tốt đẹp góp phần giữu gìn “dòng sinh mệnh văn hóa” nước nhà.
3. Nhà văn Võ Hồng với tâm thức hướng về cội nguồn và tình tự dân tộc
Tâm thức hướng về nguồn cội và tình tự dân tộc là một trong những cảm hứng chủ đạo chi phối hành trình sáng tạo của nhiều nhà văn và đã trở thành một khuynh hướng sáng tác quan trọng của văn học miền Nam trước 1975, trong đó, Võ Hồng là một gương mặt tiêu biểu của khuynh hướng này. Có thể nói văn chương Võ Hồng luôn trôi trong dòng sông tâm thức của cội nguồn và tình tự dân tộc. Nó thấm đẫm vào máu thịt ông từ thuở ấu thơ và lớn lên cùng cuộc đời ông theo năm tháng nên đã trở thành một dự phóng sáng tạo, một cảm thức văn chương đúng như chia sẻ của Tuệ Sỹ: Văn chương Võ Hồng luôn gắn với “Hoài niệm tuổi thơ gắn liền với một tình yêu quê hương mông lung. Yêu cánh đồng, yêu tiếng chim tu hú, những con chích chòe nhí nhảnh chuyền cành, những con chiền chiện mải miết tước lá cau về làm tổ, các con mương mọc đầy khoai môn khoai sáp”. Còn trong suy niệm của Cao Huy Khanh, tâm thức nguồn cội quê hương và tình tự dân tộc ấy đã ảnh hưởng sâu sắc và hiện diện trong sáng tác của Võ Hồng như một minh chứng cho tính chất địa văn hóa ở văn chương ông: “Miền Trung hiểu về mặt dân cư bao gồm khu vực Quảng nhưng chỉ giới hạn trong mấy tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định (đây cũng là bối cảnh về mặt địa dư quen thuộc trong tác phẩm của ông). Chính cái nét tâm lý địa phương này đã giúp phân biệt khá rõ ràng và dễ hiểu cái sắc thái văn chương trầm tĩnh ôn hòa của các nhà văn miền Trung trong đó có Võ Hồng”. Cũng như Tuệ Sỹ, Cao Huy Khanh, khi đọc Võ Hồng, Cao Thế Dung rất quan tâm đến ý thức hướng về cội nguồn và tình tự dân tộc trong sáng tác Võ Hồng, một hệ giá trị rất cần trong đời sống xã hội và văn học ở miền Nam lúc bấy giờ. Bởi, khi những “cơn bão” văn hóa của phương Tây và văn hóa Mỹ đang ngập tràn miền Nam, làm “chao đảo” những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, thì những tác phẩm của Võ Hồng là một thứ “văcxin văn hóa” rất cần để tạo nên sức đề kháng trong tâm thức mỗi con dân Việt Nam nhằm góp phần giữ gìn nền văn hóa nước nhà. Và một trong những loại “vacxin văn hóa” đó, chính là biểu tượng văn hóa làng mang ảnh hình quê hương mà chúng ta có thể tri nhận được ở rất nhiều sáng tác của Võ Hồng như Cao Thế Dung đã chia sẻ khi đọc Người về đầu non của ông: “Truyện không phải chỉ thuật lại quãng đời tác giả mà đã phản ảnh rõ rệt một con người nào đó – có thể là anh, có thể là tôi – trong chân dung một làng xóm Việt Nam. Làng Ngân Sơn nơi tác giả ra đời mang hình ảnh trung thực của nông thôn Việt Nam biến trải qua từng chặng đường của lịch sử đất nước. Truyện khởi điểm từ cái nôi này, cái nôi của tuổi thơ và sức sống thuở còn cắp sách đến trường, chàng đã đủ trí khôn để nhận ra nếp sống chân thực nơi quê mùa in rõ dấu tích những phong tục tập quán trong cuộc đời mộc mạc nhưng phong phú của dân quê (…) Văn phẩm nầy đã phản ảnh rõ nếp sống của đồng ruộng và tự nó luôn luôn như một nếp sống tự cường của chân hậu và một tiềm năng tinh thần”. Những giá trị của văn hóa làng hiện diện trong văn chương Võ Hồng theo suy niệm của Cao Thế Dung không chỉ là “hình ảnh và kỷ niệm riêng” của nhà văn mà là căn tố mang tính phổ quát tạo nên dân tộc tính trong sáng tác của ông: “Nhờ vậy văn phẩm đã đạt được một rung động toàn diện, xuất phát từ một cá biệt để đạt được sự phổ biến. Có thể nói quê hương Việt Nam được thu nhỏ lại trong một thôn xóm và tình tự con người dân tộc lại khởi điểm từ một gia đình nông dân nề nếp”. Và trong cảm nhận của Cao Thế Dung, cái tình yêu quê hương ấy, luôn chất chứa sâu nặng trong tâm thức của người nông dân Việt Nam mà hình ảnh có tính biểu tượng là nhân vật Người Bác trong Người Về Đầu Non: “Ông không thể rời bỏ quê hương dù quê hương tan nát như thế nào. Cái tình quê của con người nông dân đã sâu nặng như vậy”. Thế nên, “Điều đặc biệt rõ ràng nhất là đọc xong Người Về Đầu Non, ta sẽ còn nhớ mãi nề nếp sống miền quê, về tính tình trung hậu của Người Bác”. Và “Người Về Đầu Non không khác hơn con đường quê hương xuất khởi từ tấm thảm xanh của một dĩ vãng bình an rồi gian truân mịt mờ theo những thăng trầm của đất nước. Võ Hồng đã hơn một lần làm sống động được điều đó”. Đây chính là những cảm nhận về tình tự dân tộc trong sáng tác của Võ Hồng đã được Cao Thế Dung luận giải khá thuyết phục giúp người tiếp nhận hiểu sâu sắc hơn tâm thức hướng về cội nguồn dân tộc trong sáng tác Võ Hồng, như một phẩm tính làm nên hệ giá trị trong văn chương của ông.
Song, cảm thức hướng về cội nguồn và tình tự dân tộc trong sáng tác Võ Hồng từ cái nhìn của Cao Thế Dung, không chỉ dừng lại ở vấn đề tình cảm, tâm lý thường tình của đời sống văn hóa dân tộc mà được Cao Thế Dung nâng lên thành tư tưởng ẩn chứa trong đó những triết lý văn hóa Việt: “Đọc Năm Nhiều ta có cảm tưởng như đang sống với một hạng người Việt Nam chân chất trong chốn bùn lầy nước đọng ở nông thôn. Mới đọc qua sẽ tưởng rằng Năm Nhiều chỉ là một thanh niên u mê ám muội. Nhưng không phải thế. Đời sống của Năm Nhiều là cả một ý nghĩa. Năm nhiều coi giỗ tết cúng kỵ là một giá trị thiêng liêng. Giá trị thiêng đó tự nó đã hàm chứa một nền tảng triết lý giữa con người và thần linh, giữa sự sống và sự chết trong cảm thông tương giao giữa người với người. Một con người tìm thấy trong giá trị thần linh và quê hương. Năm Nhiều có tư cách như một vị chủ tế trước Đấng cao cả của anh, tuy mơ hồ mà có thực: “Khi rót rượu, anh cũng lễ độ đúng mức. Tay phải cầm bình rượu chúc xuống còn tay trái vòng ngang bụng để giữ vạt áo dài” . Phong cách ấy là phong cách thực của bản chất nông dân Việt Nam. Khi nói sự giỗ chạp cúng tế của Năm Nhiều tự đã mang một nền tảng triết lý, tuyệt nhiên không thể là một sự gán ghép chữ nghĩa cho Năm Nhiều”. Chính những giá trị văn hóa mang tính triết lý nầy là căn tố tạo nên sức mạnh của dân tộc trong qúa trình dựng nước và giữ nước, đặc biệt là công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập tự do cũng như chống lại sự xâm lăng văn hóa: “Đọc Thế giới của Năm Nhiều ta dễ dàng tìm lại được quê hương trong Dĩ vãng. Thứ quê hương được xây dựng trên nền tảng của lòng thành qua một tin yêu bộc trực. Đã lâu rồi, người ta thường nhìn người nông dân Việt Nam qua con mắt của nền văn minh đô thị. Hay khác hơn bằng cái lăng kính của sự tiến bộ khoa học. Nếu nhìn bằng con mắt như vậy thì Năm Nhiều chỉ là một kẻ u mê kém cỏi, và mắt vẫn nhắm chặt trước ánh sáng của tiến bộ. Nếu như vậy thì quả rằng Võ Hồng đã không soi sáng được một thực chất tiến bộ nào qua văn chương và đồng thời ông đã đồng lõa với sự mê tín dị đoan. Nhưng không phải là thế. Năm Nhiều rõ rệt là một con người Việt Nam thuần thành.
Võ Hồng qua thế giới của Năm Nhiều là sự trở về nguồn. Năm Nhiều qua sự tôn sùng cúng kỵ rất tôn nghiêm bằng một lòng thành nhất của anh, chính là giềng mối nền gốc nông thôn Việt Nam. Thiết tưởng những cuộc kháng chiến thần thánh chống ngoại xâm của dân tộc ta đều xuất phát từ giềng mối đó và thúc đẩy mãnh liệt cũng từ căn bản của lòng tin nhiệt thành nhuốm mùi tôn giáo như vậy qua một Năm Nhiều. Nông thôn Việt Nam bao giờ cũng là một thành trì chống xâm lăng vũ lực và văn hóa thì chính những người như Năm Nhiều đã tạo nên bức thành trì nầy”. Trong suy niệm của Cao Thế Dung, tâm thức trở về nguồn cội và tình tự dân tộc ở văn chương là biểu hiện linh động của dân tộc tính trong sáng tác Võ Hồng. Điều nầy đã được Cao Thế Dung xác quyết khi ông cho rằng: “Đứng trong khuôn khổ và nếp sinh hoạt của văn học hiện đại mà nhận xét, tôi thấy tiểu thuyết Võ Hồng thể hiện rõ một bản chất Việt Nam đặc biệt. Từ đó ta dễ dàng cảm thấy cái dân tộc tính đã bén sâu từ nền gốc tiểu thuyết võ Hồng. Cái dân tộc tính đó bàng bạc trong tiểu thuyết của ông như ánh sáng và khí lành. Ta chỉ cảm mà thấy.( Dấu Chân Sa Mạc, Thế Giới Của Năm Nhiều,Tình Yêu Đất, Người Về Đầu Non…) Tiểu thuyết của ông còn ẩn giấu một tình yêu quê hương và ta cũng chỉ cảm thấy như một khẳng định không thể biện giải”. Những “ẩn giấu một tình yêu quê hương và ta cũng chỉ cảm thấy như một khẳng định không thể biện giải” mà Cao Thế Dung nói đến khi đọc văn Võ Hồng trong bối cảnh xã hội miền Nam lúc bấy giờ, thì nay chúng ta cần phải “biện giải” một cách tường minh trên tinh thần khoa học để không chỉ trả lại cho văn chương Võ Hồng mà còn cho cả văn chương của các nhà văn trong khuynh hướng văn học hướng về cội nguồn và tình tự dân tộc ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 những giá trị đích thực, xứng đáng với vai trò, vị thế của nó trong nền văn học nước nhà!?
Từ phải sang, các nhà phê bình: Trần Hoài Anh, La Mai Thi Gia, Thái Phan Vàng Anh, Bùi Thanh Truyền tại Hội thảo Khoa học quốc gia “Hoài cố nhân – Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng” ở Phú Yên, 24.4.2022.
4. Nhà văn Võ Hồng với việc giáo dục đạo đức, luân lý truyền thống
Như đã nói, tâm thức hướng về cội nguồn và tình tự dân tộc là một trong những yếu tính làm nên dân tộc tính trong sáng tác Võ Hồng. Phải chăng, xuất phát từ tâm thức nầy mà Võ Hồng luôn hướng đến việc thức nhận các giá trị đạo đức, luân lý truyền thống dân tộc nơi người đọc, nhất là thế hệ trẻ, những người đang ngồi trên ghế nhà trường mà ông, trong tư cách một Nhà giáo – Nhà văn luôn đối diện với những suy tư và ưu lo của chính mình trước những biến động của đời sống xã hội, bởi sự “xâm thực” của văn hóa Âu Mỹ, làm “xói mòn” những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đây là điều cảm nhận của Châu Hải Kỳ, khi ông cho rằng những tác phẩm của Võ Hồng “bằng giọng điệu và cung cách của một “nhà giáo nghệ sĩ”, đã không xa lìa thực tế Việt Nam khi đưa ra những vấn đề rất tế nhị trong mục đích hướng dẫn bằng lời tình tự mà không gây chấn động cảm xúc hoặc kiêu ngoa hoặc mặc cảm sâu xa cho người đọc. Ở ông, chúng ta thường thấy nổi bật điểm: tình thương là sự trao đổi tương ứng giữa những người sống trong xã hội cũng như giữa đám học trò trong lớp, trong trường. Cho nên vấn đề đào tạo nhân cách là một đặc điểm thích hợp với đường lối giáo dục đã thể hiện qua các nhân vật trong tác phẩm của ông mà chúng ta ít người nhận ra.” Còn khi là đánh giá về giá trị của tác phẩm Võ Hồng trong việc nêu cao ý thức giáo huấn những vấn đề đạo đức, luân lý truyền thống trước các biến động văn hóa có chiều hướng tiêu cực trong xã hội miền Nam, Châu Hải Kỳ cho rằng: “Vào thời buổi mà tinh thần người đọc sa sút, thụt lùi một cách thảm hại, chỉ muốn ào ạt coi phim chưởng, đọc tiểu thuyết kiếm hiệp và trong khi vô số tác phẩm chỉ nhằm phơi bày những thú thấp kém bằng một nội dung đồi bại thì Võ Hồng không chay theo sự “thoái bộ” của đại chúng. Tác phẩm của ông có nói đến ái tình, đến yêu đương nhưng không quá sướt mướt, quá lãng mạn đến chỗ nham nhở, sỗ sàng, khêu gợi, kích thích dẫn người đọc mộng mơ rồi sa ngã. Các khía cạnh tình cảm nơi các nhân vật của ông phần nhiều đều tự nhiên, nhẹ nhàng, tình tứ và thân mật cốt gây tình thương yêu và mối thông cảm bằng sự thiết thực sống động cụ thể, bằng những cảm xúc mạnh mẽ khiến người đọc cảm tưởng rằng tác giả đã có liên hệ mật thiết với xã hội đang tả – tôi muốn nói cụ thể ra như vậy mà không lặp lại cái danh từ “nhân bản” mà bao nhiêu người phê bình đã nhận xét ca tụng về ông. Vậy thì về khía cạnh nầy, tai sao chúng ta không coi đó cũng là một đường lối sáng tác trong mục đích giáo huấn của ông ?”. Để người đọc nhận thức sâu hơn về ý nghĩa giáo dục trong sáng tác của Võ Hồng, Châu Hải Kỳ đã đi sâu phân tích những phẩm chất đạo đức của các nhân vật trong sáng tác của Võ Hồng mà trong cảm nhận của Châu Hải Kỳ: “Ở những tác phẩm của Võ Hồng, ông không phân tích con người ra từng kẽ tóc chân tơ, không chú tâm môt tả những thói đời đen bạc, những hành động khiêu dâm, đạo đức giả, những mạo hiểm liều lĩnh vô nghĩa, mà người đọc bắt gặp được những khuôn mặt khắng khít với xứ sở quê hương, biết yêu gia đình cha con, vợ chồng, bè bạn nhân hậu trong nếp sống giản dị và tâm lý bình thường hồn nhiên. (…) Nhà văn có lương tâm chẳng khác nào một nhà giáo tốt tận tụy với nghề nghiệp”. Và cũng từ góc nhìn giáo dục, Châu Hải Kỳ đã xác quyết chân giá trị của tác phẩm Võ Hồng, đó là nhà văn “không viết cho một số người lãng mạn, phục vụ cho họ những thú tính mà viết cho quảng đại quần chúng. Bởi thế ông rất thành thực trong sự ghi chép lại đúng những sự xảy ra xung quanh mình với tấm lòng thông cảm và với thiện chí hướng dẫn người đọc. Và chính điểm này mới là điểm quan trọng trong phương châm giáo dục mà sự săn đón niềm nở những tác phẩm của ông của mọi giới người đọc, nhất là giới học đường, chứng tỏ sự thành công của ông”.
Với Cao Huy Khanh, bên cạnh yếu tố địa phương “yếu tố nghề nghiệp cũng đóng một vài trò đáng kể trong ý hướng sáng tạo của Võ Hồng: Vai trò tượng trưng của một nhà giáo. Cái ảnh hưởng nghề nghiệp chắc chắn không thể chối bỏ được đó dễ khiến tác giả đưa vào tác phẩm một ý hưởng giáo dục lành mạnh tuy nhiên chỉ bằng một cách ngấm ngầm mà thôi qua sự hiện diện quá thường xuyên của một số đông mẫu nhân vật trẻ thơ (học trò và con cái) từ vai trò phụ đến vai trò chính…”.   Vì, trong cảm nhận của Cao Huy Khanh:“Về ý hướng sáng tác thì tác phẩm của Võ Hồng vừa có ý hướng mô tả tâm lý vừa có ý hướng giáo dục lành mạnh, một cách gián tiếp”.
Và cũng như Châu Hải Kỳ, Cao Huy Khanh, Phạm Công Thiện cũng nhận ra giá trị giáo dục trong sáng tác Võ Hồng khi ông cho rằng Trận Đòn Hòa Giải vẫn rất cần cho cuộc sống, và những triết luận Võ Hồng đặt ra trong sáng tác của mình vẫn đồng hành với chúng ta ngày nay về tính dự báo và đặc biệt là tính giáo dục, vốn là những chức năng cơ bản của văn học. Điều nầy đã được xác tín trong thư gởi Võ Hồng của Phạm Công Thiện khi đọc Trận đòn hòa giải, mà theo cảm nhận của ông: “Ngoài ý nghĩa siêu hình, Trận đòn hòa giải còn chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc về giáo dục. Tôi thiết tha muốn rằng tất cả cha mẹ ở trần gian nầy đều phải đọc Trận đòn hòa giải. Tôi muốn rằng tất cả trường học đều phải in truyện ấy ra để phát cho mọi gia đình. Tác dụng của nó sẽ lớn hơn một ngàn quyển sách dày cộm của những nhà giáo dục sặc mùi lý thuyết. Tất cả những kẻ phạm tội. ăn cướp, giết người hiện nay phần lớn là tại sự ngu dốt của cha mẹ họ, tôi muốn nói sự ngu dốt về tình thương. Anh thử tưởng tượng tác dụng của truyện anh viết thực lớn lao biết bao…”. Và những điều, Phạm Công Thiện cảm nhận từ sáng tác Võ Hồng đến nay vẫn còn nguyên giá trị vì cho đến hôm nay, trên đất nước chúng ta, hòa bình hiện hữu đã hơn nửa thế kỷ mà việc “hòa giải” dân tộc vẫn  còn đó, với rất nhiều câu hỏi không dễ gì tìm được lời giải đáp. Không những thế, ở đâu đó trên trái đất nầy vẫn còn âm vang tiếng súng như những dấu chỉ của chiến tranh và thù hận thì một Trận đòn hòa giải là điều rất cần thiết. Thế mới biết, văn học chân chính bao giờ cũng mang tính dự báo và tính phổ quát. Đây cũng là một bình diện giá trị của văn chương Võ Hồng còn lại với mai sau như xác tín của Phạm Công Thiện và các nhà nghiên cứu về sáng tác của ông. Không những thế, những lời “khẩn cầu” tâm huyết của một học giả tài năng như Phạm Công Thiện về việc đưa tác phẩm Trận đòn hòa giải của Võ Hồng vào sách giáo khoa liệu có “chạm” đến trái tim các nhà làm sách giáo khoa văn học hiện nay không!? Đây cũng là một câu hỏi khẩn thiết đối với việc giáo dục thế hệ trẻ. Mong sao điều ước vọng của Phạm Công Thiện sớm trở thành hiện thực để Võ Hồng sẽ vui và hạnh phục nơi miền cực lạc vì văn chương ông mãi mãi có ích cho cuộc đời.
5. Nhà văn Võ Hồng với những khắc khoải về nỗi đau phận người ở cõi nhân sinh
Ám ảnh về nỗi đau của kiếp người, có lẽ là một dòng chảy trong tâm thức hiện sinh của Võ Hồng suốt hành trình sáng tạo văn chương. Có phải vì thế, Tạ Tỵ khi viết về Chân dung văn nghệ sĩ mà ông yêu quí trong đời sống văn học miền Nam 1954 -1975, khi cảm nhận về các sáng tác của Võ Hồng, Tạ Tỵ cho rằng: “người đọc rất ít gặp những thoáng đam mê rực lữa, những hung cuồng ân ái với ngất ngây mùi da thịt. Người ta thấy từng dòng u buồn len nhè nhẹ, từng xót xa đắm chìm tâm trí, từng bâng khuâng tiếc nuối, từng cơn đau úp mặt, từng đắng cay tủi nhục của kiếp người bơ vơ giữa cuộc chiến tàn khốc đã và đang tiếp diễn trên quê hương bất hạnh này”. Và cái cõi nhân sinh mà trong đó kiếp người bồng bềnh, nổi trôi trong hư ảo mỏng manh giữa sự sống và cái chết đè nặng bao phận người chính là chiến tranh đang vây bủa từng ngày trên quê hương Việt Nam lúc bấy giờ đang hiện hữu như một thực thể trong sáng tác Võ Hồng. Vì thế, trong cái nhìn của Tạ Tỵ, Võ Hồng “vì đã phiêu bạt trong cuộc chiến quá lâu, nên những gì viết ra đều căn cứ một phần vào sự thực. Đi từ những sự thực, nhà văn dàn trải suy tư của mình trên mặt giấy. Mỗi chữ Võ Hồng viết về chiến tranh như một giọt đắng. Giọt đắng ấy thấm dần vào hồn người làm ngất ngư hình dáng cuộc đời”.
Từ góc nhìn của chủ nghĩa hiện sinh, Phạm Công Thiện đã khám phá nỗi cô đơn bản thể của kiếp người trong truyện Võ Hồng ở chốn nhân sinh. Theo ông: “chúng ta sinh ra đã bơ vơ cô độc và rồi đây cũng sẽ chết bơ vơ cô độc. Tất cả con người đều thế, tất cả mọi người đều mang một hình hài thân phận như vậy” “Người Mẹ trong Trận đòn hòa giải tượng trưng cho người Mẹ thiêng liêng của Nhân loại, nghĩa là Thiên Nhiên, nghĩa là Nature. Thiên nhiên đã tạo cho con người ra đời rồi bỏ mặc con người bơ vơ lạc lõng, con người cảm thấy như bị đày, mất Mẹ, con người đi lờ mờ trong bóng tôi. Tất cả con người ở trần gian nầy đều là những kẻ mồ côi, cô đơn vô hạn, không biết đâu là phương hướng”. Không chỉ khám phá nỗi cô đơn bản thể của kiếp người như một tất yếu của định mệnh, Phạm Công Thiện còn nhận ra nỗi đau khổ của thân phận không chỉ trên phạm vi dân tộc mà cả phạm vi nhân loại. Thế mà con người “vẫn không thương yêu nhau, vẫn cứ lục đục nhau, con người vẫn cứ mãi lục đục gây hấn với con người, như thế thì Thượng Đế phải làm sao bây giờ? Khi thấy mấy đứa con mình đã quên rằng chúng nó là anh em nhau”. Phải chăng, chiến tranh, thù hận, khổ đau, bơ vơ, cô độc cũng bắt nguồn từ đó. Và cũng trong trường tiếp nhận trên nền tản của triết lý hiện sinh, thân phận con người hiện lên trong sáng tác của Võ Hồng qua những cảm nhận tinh tế và độc đáo của Tuệ Sĩ là “thế giới của cô đơn”, “vẫn mang cái chất phi lý”, “Bóng tối quá khứ hãi hùng, cô đơn trước cái chết đe dọa, câm nín như sự câm nín của tình yêu (…) Đó là một thứ tình yêu chỉ có trong thế giới của hoài niệm. Nó có thể chọn một hình thức thích hợp để xuất hiện trong văn chương”. Và đây cũng là những bình diện thể hiện sự khắc khoải của Võ Hồng về thân phận con người trong văn chương của ông.
6. Thay lời kết
Tạ Tỵ trong bài viết: “Võ Hồng và quê hương bất hạnh” (Mười Khuôn mặt văn nghệ hôm nay. Nxb. Lá Bối, Sài Gòn, 1972) đã  chia sẻ: “Trong không khí sinh động của văn nghệ miền Nam Việt Nam mười năm qua, vóc dáng Võ Hồng như một khiêm nhượng, một trầm lặng vì chiều hướng sáng tác cũng như kỹ thuật hành văn của nhà văn không nằm chung với ước lệ thời đại, thời đại cháy bỏng môi hôn. Vòng tay bấn loạn và thể xác cuồng mê!… Võ Hồng cô đơn di hành trên lộ trình nghệ thuật do mình lựa chọn. Nhà văn không dễ dàng chấp nhận sự thiếu chân thành, không chạy theo thị hiếu độc giả, không thỏa mãn đòi hỏi nhất thời của thị trường chữ nghĩa”.
Phải chăng những gì cảm nhận của Tạ Tỵ về Võ Hồng đã cho thấy sự chọn lựa hiện sinh của nhà văn trong hành trình sống và viết. Đó là hành trình khẳng định Nhân vị: Nhà văn  – Nhà giáo của mình trước cuộc đời. Bởi, điều giản dị vì Võ Hồng không muốn mình là một phóng thể lẫn vào đám đông của một xã hội còn nhiều vấn đề làm đau nhói trái tim nhân hậu và yêu thương luôn khắc khoải ưu lo trước phận số con người của ông. Không những thế hành trình sống và văn chương Võ Hồng còn là sự kết tinh từ những giá trị văn hóa truyền thống luôn hướng về cội nguồn và tình tự dân tộc để thực hiện kỳ vọng thức nhận trong tâm thức người đọc, nhất là thế hệ trẻ những giá trị đạo đức luân lý cao đẹp của dân tộc nhằm góp phần giữ gìn “sinh mệnh văn hóa” Việt trong bối cảnh có nhiều sự “chênh chao” văn hóa ở miền Nam lúc bấy giờ. Chính những điều nầy làm nên tính nhân bản trong văn chương Võ Hồng còn lại mãi với cuộc đời… Bởi, nói như Tạ Tỵ “Võ Hồng đã diễn tả đời mình và tình yêu dù có cho nhau cay đắng hay ngọt bùi, lúc nào Võ Hồng cũng tha thiết, cũng say mê, như say mê một sắc đẹp được hình dung qua dự tưởng miên man giữa hai miền: Thực, Mộng”…
                             Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, Mùa đại dịch Covid-19
                                                               Sài Gòn, 20.1.2022
TRẦN HOÀI ANH
_________________
(*) Việc tác phẩm Võ Hồng in trong sách giáo khoa Quốc Văn ở miền Nam trước 1975, theo tìm hiểu của chúng tôi với tài liệu hiện có, trong sách Giảng văn lớp Bảy (lớp Đệ Lục), Á Châu phát hành,1974, do Đỗ Văn Tú biên soạn, ở phần văn xuôi hiện kim có bài “Tấm ảnh”, trích trong Một trận hòa giải và “Biệt ly” trích trong Hoài Cố Nhân; Và ở sách Quốc Văn lớp Bảy do Thế Uyên biên soạn, Thái Độ ấn hành, 1973, có bài “Mùa đông nông thôn” trích trong Người về đầu non của Võ Hồng. 
 
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ song ngữ Hàn - Việt của Kim Min-jeong Nhà thơ Kim Min-jeong, là tiến sĩ văn học Trường Đại học Sung-Kyun-kwan. Hiện bà là Chủ tịch P...