Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Phật tính dân gian với Mạt thế luận và đạo đức con người Nam bộ

Phật tính dân gian với Mạt thế luận
và đạo đức con người Nam bộ

Võ Quốc Việt sinh ngày 24.3.1988 ở ấp Rừng Dầu, Tân Mỹ, Đức Hòa, Long An tốt nghiệp cử nhân Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, thạc sĩ văn học Trường Đại học Sư phạm TPHCM, tác giả tập chuyên luận Hạt phù sa sông nước Cửu Long (Bước đầu tìm hiểu văn xuôi Trần Bảo Định) do NXB Tổng hợp TPHCM vừa ấn hành. Võ Quốc Việt là một trong những cây bút phê bình trẻ hiếm hoi phía Nam, đang từng bước tạo lập con đường nghiên cứu văn học riêng mình. Vanvn.vn trân trọng giới thiệu một tiểu luận của anh từ cuốn sách trên.
Nhà phê bình trẻ Võ Quốc Việt
Nỗi ưu tư về việc giữ gìn nền nếp nhân cách con người phương Nam, chúng tôi bắt đầu chuyến thực nghiệm thời tính để lần hồi trở về hồn cốt quê nhà trải mấy trăm năm từ buổi chúa Nguyễn vào Nam mở mang bờ cõi. Trên chuyến đi ấy, chúng tôi thực và rồi nghiệm yếu tính Phật Đà còn in hằn trong tâm hồn con người Nam bộ, trải qua sóng gió thời đại với bao phen thử thách. Chuyến đi mà Trần Bảo Định mở ra qua các bài viết trong tập sách “Phật tính dân gian Nam bộ – Đôi điều suy ngẫm” đã kết nối phần “siêu hình” trong tâm thức tộc Việt với cốt lõi của Phật tính, nhằm khơi rạng thêm ra Phật tính trong chốn dân gian phương Nam, đã thúc đẩy chúng tôi tiếp bước trở về “vùng từ trường” cộng hưởng của “Dân gian tính” và “Phật tính”, để băn khoăn và ngẫm ngợi về đạo đức con người nơi đây, ngõ hầu gìn giữ và gửi gắm lại ít nhiều hoài vọng “chơn thiện” trong tâm tính con người có thể giúp ích nhân quầng xã hội giữa thời “kinh tế thị trường” từng ngày làm “biến dạng” lối sống nhân nghĩa đáng quý của người Việt phương Nam.
***
Trường hợp đạo sĩ Thất Sơn, cụ thể Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa, dường như ta cảm thấy sức đề kháng mạnh mẽ của tộc Việt trước việc tiếp thu tư tưởng ngoại lai. Thêm nữa, ấy là tinh thần dung hòa tiếp biến. Đề kháng để giữ gìn, tiếp biến dung hòa để thích nghi với cuộc sống luôn triển nở; đó là biện chứng âm dương của tâm tính tộc Việt. Phải chăng vì vậy mà dân gian tính của người Việt phương Nam luôn là mảnh đất rộng rãi đón luồng gió mới bốn phương[1]. Bởi cung “ly” phương Nam lập thành ở sự nương tựa, hòa để rồi ứng, tức là rỗng nên tươi sáng nồng nhiệt luôn giàu có ý tưởng, đầy tính sáng tạo và vận động liên tục, xã hội nhộn nhịp giàu sinh khí[2]. Nhưng trong đó, con người phương Nam có cơ chế[3] để điều hòa nguy cơ “vong bản” bởi sự tác động của thời biến. Một trong số đó chính là “dân gian tính” bền vững với minh triết Việt hun đúc mấy ngàn năm
[4]. Bên cạnh đó, tư tưởng Việt với trường hợp các tôn giáo nội sinh ở vùng đất Nam bộ phối ứng với trời đất ở vùng đất mới dần dà hình thành hệ thống quan niệm về thế giới quan đến nhân sinh quan, góp phần gìn giữ rường cột đạo đức trong sinh hoạt, lao động sản xuất và chiến đấu. Dấu ấn đó cho đến nay vẫn còn in hằn trong đời sống con người vùng Thất Sơn và chốn miệt vườn thắm đẫm tình quê.
Trong đó, quan niệm mạt thế và Hội Long Hoa hay Mạt thế luận (eschatology[5] trong giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa chính là vốn liếng tích góp của tộc Việt ở vùng đất mới, trải qua bao sơn trường cay cực của buổi khai hoang khẩn đất, kiên cường chống chọi với sương lam chướng khí, bất khuất trước họng súng quân thù, trông vọng ở cuộc sống tốt tươi mai hậu. Căn cơ của quan niệm mạt thế dễ thấy trước nhất là tính cách “chơn-thiện”. Người Nam bộ quần quật làm lụng, lo ăn lo mặc, nên không dám cầu vọng đến cái đẹp – “Mỹ”; nhưng trong chính vẻ thuần phác của “chơn-thiện” và bụng dạ thiệt thà trong cách ăn ở với trời đất đã lập thành vẻ đẹp chơn phương giản dị. Và chính bởi giản dị chơn phương nên vẫn còn nguyên giá trị, chẳng bị lỗi thời. Cũng bởi vẻ đẹp ấy, mà chơn thiện của người Việt Nam bộ vẫn còn giữ được sức sống bền bỉ qua thời gian.
Mạt thế luận Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa sở dĩ gọi là vốn liếng tích góp bởi chăng những ưu tư về cái chết và tận thế đã hiển hiện trong tâm hồn nhân loại Đông Tây kim cổ. Thực tế, hệ thống quan niệm mạt thế có liên quan đến Thần học (Theology) và Tương lai học (Futurism)[6]; trong địa hạt tôn giáo, mạt thế xoay quanh các vấn đề như cái chết, sự phán xét, thiên đàng và địa ngục. Dẫu rằng danh tự ở mỗi phương trời có khác nhau cũng như mối quan hệ giữa các quan niệm trong hệ thống tư duy về mạt thế có khác nhau, nhưng chung quy đều hướng con người đến điều thiện. Vừa là hệ thống xử thế vừa là lề lối khuyên răn, tạo thành giới hạn hành vi con người trong đời sống xã hội. Điều này xác quyết Mạt thế luận gắn liền với Đạo đức học. Vì chăng gọi là Đạo đức học mà không xem giản đơn chỉ như là hành vi đạo đức; vì luận về mạt thế bao gồm nhiều bộ phận tư tưởng gắn kết với nhau, kết dệt thành cấu trúc tĩnh tại (ở vĩ mô) nhưng vận động (ở vi mô), đưa lại kết quả là một hệ thống quan niệm đạo đức gắn liền với sinh giới con người. Đó chính là trường hợp xã hội người Việt ở vùng đất Nam bộ.
Nói cụ thể hơn về mạt thế luận và đạo đức học người Việt Nam bộ, có lẽ chúng ta đã nắm bắt ít nhiều qua một số bài viết trong tập sách này của nhà văn Trần Bảo Định. Nên chúng tôi nghĩ rằng chỉ cần sơ lược các yếu điểm trong mạt thế luận Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa, để sau nữa bạn đọc quê mình có thêm một đường hướng nào đó trở về với nếp sống hiền hòa thân thuộc quê nhà.
– Sáng thế và tận thế: Từ buổi khởi thủy, đời sống con người tốt lành. Nhưng lần hồi suy bại do nhân tâm nhân tính, đến nỗi tuổi thọ và vóc dáng hình hài cũng ngày càng thoái hóa. Kéo theo đó là “ôn hoàng tật bệnh liên lai khốn nàn”, kể cả phong tục lối sống cũng biến tướng suy vi, sâu dân mọt nước nổi lên khắp nơi, cảnh sống con người lầm than cơ cực; nào là oan hình lao ngục triền miên[7] à sự cảnh tỉnh đối với con người à Đạo của sự thức tỉnh;
– Phán xét linh hồn (thiện-ác): Với cảnh đời suy vi, hành động của con người là căn cớ phán xét thiện ác trong vòng xoáy luân hồi. Phương diện này, giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa tiếp thu dấu ấn Phật giáo rõ nét (tu la, ngạ quỷ, súc sanh, về cõi tịnh độ hay đọa vào địa ngục)[8];
– Hủy diệt và sáng tạo vũ trụ mới (hạ ngươn-thượng ngươn) (chu kỳ vũ trụ): Nhứt ngươn Đức Phật Thích Ca, trải qua tam ngươn đến thời mạt pháp, khi Giáng sinh Long Hoa hội cũng tức là mở ra một chù kỳ mới của vũ trụ;
– Người lãnh đạo tinh thần (thần, sứ giả, nhà tiên tri,…): Đức Phật Thầy Tây An và Đức Bổn Sư là người lãnh đạo tinh thần, đứng ra giúp dân trị bệnh, khởi xướng phong trào khai hoang, lập trại ruộng cho dân an cư lạc nghiệp, răn dạy tín đồ sống phước đức tu nhơn học Phật, giữ gìn nền nếp đời sống đạo hạnh. “Thần hôn lạy Phật đọc kinh,/ Lạy Thầy đức hóa tái sanh đạo mầu”[9], tin tưởng ở sự tái sinh của người lãnh đạo tinh thần như ngọn đèn khêu rạng soi sáng giai đoạn chuyển kiếp Thượng Ngươn.
Trong quan niệm về tương lai sáng sủa của con người thiện lành, mạt thế luận người Việt Nam bộ cho thấy tinh thần lạc quan và niềm tin chắc chắn vào “thiên lương-thiên tư” bền vững của con người Nam bộ qua vật đổi sao dời. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi muốn đưa ra một vài so sánh, ngõ hầu gợi mở trong suy tưởng riêng tư mỗi người mối tương quan nào đó giữa các quan niệm mạt thế trong các tôn giáo khác nhau. Cánh chung luận Cơ Đốc (eschatologia) đóng vai trò quan trọng lập thành niềm tin Ki-tô, xoay quanh vấn đề về vận mệnh chung cuộc của con người trong toàn bộ cấu trúc tạo thế. Trong khi đó, mạt thế luận của người Việt Nam bộ chú trọng nhiều hơn đến cuộc sống trong giây phút hiện tại biểu hiện trực tiếp qua hành vi sống. Nếu như thuyết mạt thế Ki-tô chú trọng hơn đến cuộc sống sau cái chết, đại nạn, sự quang lâm, phán xét và thế giới mới; thì những vấn đề ấy trong thuyết mạt thế Nam bộ chỉ là “ngữ cảnh” cho việc xác định cách thế sống trong chính cuộc đời hiện có. Bởi vậy, trong mối quan hệ giữa mạt thế luận và tương lai học, thì tương lai của con người thiết thực nhất chính là sự hữu hiện tại thế của mỗi nhân vị. Điều này phải chăng bắt nguồn từ đặc tính ưa thiết thực cụ thể của người Việt. Cho nên, từ mạt thế luận lập thành hành vi sống, hệ giá trị này ảnh hưởng lập thành hệ giá trị đạo đức. Nói trắng ra, điều đáng giá là cái sống ở đời, chứ chẳng phải vì trông vọng ở sự cứu vớt mai hậu mà lập thành đức lý. Thực sự, cách ăn ở trước sau từ đạo lập đức ngay khoảnh khắc hiện tiền, chính bản thân sự thể ấy đã mang lại nghĩa lý và cứu cánh cho sự có mặt của con người ở đời. Chính bản thân những con người như vậy là đã góp phần khai mở Hội Long Hoa. Và Hội Long Hoa không ở đâu xa, mà chính là cuộc sống thường ngày chơn quê mộc mạc đậm đà tình nghĩa láng giềng. Chóm xóm quê nhà, chẳng phải là đời thượng ngươn của Hội Long Hoa hay sao ! Hoặc như Thuyết Mạt thế Do Thái giáo cũng đề cập đến sự tái lâm của Đấng Cứu Thế và tái lập vương quốc Thiên Chúa xán lạn huy hoàng (Eschatology of Judaism)[10]; nhưng với người Việt Nam bộ, ngày tái lập cõi đời mới không đâu xa xôi mà chính là cuộc sống an lành vui vầy của con người trong tình thân quê nhà.
Hạt phù sa sông nước Cửu Long (Bước đầu tìm hiểu văn xuôi Trần Bảo Định) – chuyên luận của Võ Quốc Việt
Cuộc vần xoay biến đổi trời đất tạo lập thời thượng ngươn trong quan niệm mạt thế, mỗi tôn giáo đề cập đến các vị thần, sứ giả, tiên tri, đấng cứu thế, … hoặc có thể gọi chung là vị lãnh đạo tinh thần, biểu hiện cho sức mạnh ý chí của cả cộng đồng. Với Hin-du giáo, quá trình mạt thế-tái thế, dựa trên truyền thống Vaishnavite (Vaishnavite Tradition)[11], biểu hiện qua hình tượng Kalki như là quá trình hóa thân/hiện thân qua nhiều chu kỳ khác nhau để cuối cùng Harihara phá hủy và sau nữa tái lập vũ trụ. Việc tái lập thế giới trong quan niệm Hindu giáo mang màu sắc thần thoại với uy vũ và quyền năng tối thượng của thần Vishnu. Thêm nữa, sự dịch chuyển các chu kỳ vũ trụ còn biểu hiện qua tình trạng suy đồi đạo đức dẫn đến cơn thịnh nộ và sự can thiệp của thần thánh. Mạt thế luận Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng đề cập đến các chu kỳ vũ trụ và tình trạng suy đồi đạo dức, nhưng chính sự suy đồi ấy là nguyên nhân dẫn đến Hạ Ngươn. Và do đó, mở ra đời thượng ngươn cũng chính là khả năng trong tầm tay con người thế tục bằng chính hành động sống thường ngày. Người lãnh đạo tinh thần chỉ đóng vai trò là “người thầy” chỉ dẫn và nhắc nhở đại chúng trở lại với “chơn-tâm” khơi rạng ánh sáng đạo đức. Thế nên, người bình dân mới chính là động lực thúc đẩy hình thành đời Thượng Ngươn, (chứ không phải bởi sự can thiệp của thánh thần hay kẻ lãnh đạo tinh thần).
Sau một vài so sánh với lòng mong mỏi làm rõ thêm đặc trưng thuyết mạt thế của Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa trong lòng người Nam bộ, chúng tôi trở lại với nội dung giáo lý ngõ hầu kết nối các giá trị đạo đức. Bằng mạt thế luận để trở về với đạo đức lối sống, giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa trình bày thảm trạng nhân tâm, luân hồi đảo điên cũng bởi do tính người biến dạng trước thúc bách kim tiền. Các thiết chế đạo đức cơ bản của xã hội con người lần hồi suy bại.
“Khiến xui vợ lại giết chồng,
Con mà hại mẹ tình không yêu vì.
Anh em đồng khí tương li
Quân thần phản nghịch thế thì Hạ Ngươn”[12]
Tam Ngươn đến hồi mạt pháp, biểu hiện chính ở đạo đức nhân tâm; và ngược lại chính nhân tâm đạo đức đẩy Tam Ngươn đến hồi chung cuộc. Quan niệm về Tam Ngươn và Mạt thế của Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa không mang nặng màu sắc thần thoại, không xoay quanh các chuyện siêu nhiên ly kỳ và thánh tích, gần như chỉ bàn luận về đạo đức và mối quan hệ cảm ứng giữa lòng người và biến đổi thời cuộc. Do đó, mạt thế luận của người Nam bộ gần với khoa đức lý dân gian hơn là thần thoại học và lại càng khác biệt với thần học Tây phương. Bên cạnh việc trị bệnh, khai làng lập ấp, Đức Phật Thầy và Đức Bổn Sư còn chăm lo đời sống tinh thần, tức là an định cuộc sống trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần. Và giáo lý phục vụ cho nguyện vọng ấy, không gì bằng chính đạo đức và lối sống con người miền Nam, lấy đó làm gốc, giữ đức làm trọng, đời người ấm no, lòng người tin phục, giềng mối an sinh phát triển có nền tảng vững vàng cho việc xây dựng “kiến trúc thượng tầng” của cộng đồng người nói chung. Những khía cạnh đạo đức từ mạt thế luận như vậy, rất cần được giữ gìn phát huy.
Dưới ảnh hưởng Phật giáo, ta có thể thấy mạt thế luận và đạo đức phương Nam là sự kết hợp giữa Từ bi-Hỷ xả và Tứ đại trọng ân cần phải gìn giữ. Từ đó, Đức Phật Thầy xây dựng lối tu nhơn học Phật, làm đường hướng phương pháp cho việc tu tập. Từ bi – Hỷ xả, trong cách hiểu giản đơn của người miền Nam, trước là sự bố thí, sau là lòng thương người (trắc ẩn). Tứ đại trọng ân, trước hết là đạo hiếu với cha mẹ tổ tiên, đạo trung với đất nước, đạo kính phụng với Tam bảo, đạo nhơn với đồng bào nhân loại. Tuy nhiên, giáo lý Phật không đặt nặng ở chỗ thâm áo huyền vi, kỳ thực chỉ là nền tảng lập định lối sống hành vi. Bởi vậy, xét về nghĩa lý, lời sấm truyền chẳng phải cao siêu; ngược lại rất đời thường thiết thực, ai ai cũng có thể thực hiện trong cuộc sống hằng ngày. Cho nên nói, tu Phật với tu nhơn chẳng hề sai khác.
“Sanh tại tiên hiếu song thân,
Một hậu vi nghĩa ân cần sớm mai.
Trung quân lòng giữ chẳng sai,
Giồi câu tiết chánh tỏ bày bia son.
Mình tu phải dạy cháu con,
Đạo truyền kế đạo Phật môn lâu dài”[13].
Tính thiết thực trong giáo lý còn thể hiện ở quan điểm triệt để tiêu trừ dị đoan. Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng như những chi phái nội sinh ở miền sông nước Cửu Long vốn chỉ là những bài học đạo đức gần gũi và dễ thực hiện. Quyền phép ma thuật nhất thời có thể qua mắt dăm ba người nhưng về lâu dài, dân gian tính của người Việt miền Nam sẽ nhận ra được chân đạo. “Dị đoan án nội rõ ràng”, chỉ những gì mang lại lợi ích thiết thực trong cuộc sống ở giây phút hiện tại cho bá tánh, hẳn còn sẽ lưu lại trong cõi nhân gian. Nhược bằng sử dụng “đạo pháp” mưu cầu tài lợi, sớm muộn gì cũng bị nhấn chìm dưới đáy nước Cửu Long. Đến đây, lại thấy, đạo và đời chẳng hề tách biệt. Cũng như Trần Bảo Định trong nhiều bài viết của tập sách này đã nói đến, hành đạo là một hình thức dấn thân xã hội. Và có lẽ sau khi phong trào chống Pháp ở miền Nam tạm lắng, sự ra đời và phát triển của đạo pháp nơi đây là một hình thức khác của việc canh tân đất nước. Liệu có phải các ông đạo miền Thất Sơn đã canh cánh mối ưu tư hoài vọng duy tân đất nước trước những sĩ phu đầu thế kỷ XX chăng !
Sau hết, Mạt thế luận trong mối liên hệ với đạo đức con người Nam bộ, có thể thu gọn vào “tu nhơn-học Phật”. Vậy thì đủ rõ, tu nhơn làm trọng, là điều kiện cần, là nền tảng; học Phật là điều kiện đủ, là bổ sung, kiện toàn, làm rường mối cân định, gia cố thêm niềm tín mộ. Cho nên:
“Làm người tự giác tự minh,
Phật tiên mến tưởng Thiên đình cũng thương.
Tu tâm tu tánh giữ thường,
Tu trong kinh giáo Phật Đường truyền ra.
Tu tánh tu hạnh nết na,
Tu câu Lục tự Di Đà đừng quên.
Tu hành hiếu nghĩa đôi bên.
Tu cang tu kỷ gắng bền hiếu trung.
Tu nhơn tu đức để lòng,
Tu trau vóc ngọc lấm bùn đừng mang.
Tu công bồi đắp miếu đàng,
Tu tài bố thí việc gian thì đừng.
Tu cầu thánh thọ thiên xuân,
Dân khương vật phụ khỏi oan cơ hàn.
Tu cầu vạn hải thiên san,
Hà thanh hưng vượng vạn bang thái bình”[14].
Quả thực, giáo lý Phật đóng vai trò như đối tượng kính ngưỡng hơn là lề lối thực thành tu tập, và có lẽ chỉ để gia cố thêm niềm tin vào đạo đức hành vi lối sống. Hành vi cụ thể đều dựa trên quan niệm đạo đức vốn có của con người Nam bộ trong quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất, chiến đấu, giữ gìn cuộc sống ấm no yên lành. Mà cốt lõi là quan niệm hòa hợp phối ứng với trời đất, cũng tức là Tam Tài.
***
Dấn thân vào cuộc sống của người lao động bình dân, Trần Bảo Định đã góp phần làm sáng tỏ thêm Phật tính trong Dân gian tính Nam bộ. Ở đó, Mạt thế luận (trường hợp Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa) có thể xem như thành tựu cộng hưởng, biểu hiện cho hệ thống giá trị đạo đức kết tinh và trao truyền cho thế hệ mai sau. Đến nay, giá trị đạo đức của thuyết mạt thế, thiết nghĩ, rất cần được chú trọng tái thiết và phát huy. Có lẽ, việc khơi thông các dòng chảy Cửu Long, cũng chính là giữ gìn bền vững sức sống phồn thịnh cho vận mệnh tộc Việt trên vùng đất Tây Nam bộ bây giờ và mai sau.
Thành phố Hồ Chí Minh, 22.2.2021
VÕ QUỐC VIỆT
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Miles Branum (2010, editor), Hindu Eschatology: Kalki, Kali Yuga, and Shiva, Webster’s Digital Services.
Martin Davie (2016, editor), New Dictionary of Theology: Historical and Systematic (2nd Edition), Downers Grove: InterVarsity Press, pp.296-299.
Kim Định (1970), Việt lý tố nguyên, An Tiêm xuất bản, Saigon.
Stanley J. Grenz (2000), Eschatological Theology: Contours of a Postmodern Theology of Hope, Review & Expositor 97 (2000), pp.339-354.
Nguyễn Văn Hầu (Biên khảo – Phiên âm – Chú thích, 1973). Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An (theo bản chép Nôm của Đồ Trương), Ban Quản tự Tòng Sơn cổ tự, Ban Chẩn tế Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Thánh địa Hòa Hảo.
Nathaniel Schmidt (1922), The Origin of Jewish Eschatology, Journal of Biblical Literature 41, No. 1/2, A Symposium on Eschatology (1922), pp. 102-114.
Ngô Tất Tố (dịch và chú giải, 2004), Kinh dịch trọn bộ, Nxb. Văn học, Hà Nội.
Thiệu Khang Tiết (2006), Mai Hoa dịch số (Ông Văn Tùng dịch và chú thích, tái bản lần thứ II có sửa chữa bổ sung; Phương Lựu giới thiệu), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
 __________________
[1] Ví như nền báo chí và văn chương quốc ngữ Nam bộ đầu thế kỷ XX.
[2] Ngô Tất Tố (dịch và chú giải, 2004), Kinh dịch trọn bộ, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.358-364. Xem thêm Thiệu Khang Tiết (2006), Mai Hoa dịch số (Ông Văn Tùng dịch và chú thích, tái bản lần thứ II có sửa chữa bổ sung; Phương Lựu giới thiệu), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.111.
[3] Cơ chế/tính thể “bám” (lệ), lệ nhưng không thuộc, bám để hòa kết và phối ứng thành chỉnh thể hài hòa, tức là khả năng thích nghi và chuyển hóa mạnh mẽ. Làm sao được như vậy: bởi thể là âm mà dụng là dương. Điều này khiến quẻ ly ẩn chứa năng lượng chuyển hóa, luôn vận động sinh sôi. Hòa ứng được thì lập thành Tam Tài chỉnh thể, nên có khả năng biến hóa khôn lường mà vẫn cân bằng với thiên địa. Càng hiểu “Ly lệ dã, nhật nguyệt lệ hồ thiên, bách cốc thảo mộc lệ hồ địa”- “ 麗也, ⽇⽉麗乎天.百榖草⽊麗乎地”. (Ngô Tất Tố (dịch và chú giải, 2004), Kinh dịch trọn bộ, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.358-359).
[4] Kim Định (1970), Việt lý tố nguyên, An Tiêm xuất bản, Saigon.
[5] Xem thêm: Martin Davie (2016, editor), New Dictionary of Theology: Historical and Systematic (2nd Edition), Downers Grove: InterVarsity Press, pp.296-299.
[6] Xem thêm: Stanley J. Grenz (2000), Eschatological Theology: Contours of a Postmodern Theology of Hope,
Review & Expositor 97 (2000), pp.339-354.
[7] Xem Nguyễn Văn Hầu (Biên khảo – Phiên âm – Chú thích, 1973). Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An (theo bản chép Nôm của Đồ Trương), Ban Quản tự Tòng Sơn cổ tự, Ban Chẩn tế Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Thánh địa Hòa Hảo, tr.89-90.
[8] Xem Nguyễn Văn Hầu (Biên khảo – Phiên âm – Chú thích, 1973). Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An (theo bản chép Nôm của Đồ Trương), Ban Quản tự Tòng Sơn cổ tự, Ban Chẩn tế Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Thánh địa Hòa Hảo, tr.90.
[9] Nguyễn Văn Hầu (Biên khảo – Phiên âm – Chú thích, 1973). Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An (theo bản chép Nôm của Đồ Trương), Ban Quản tự Tòng Sơn cổ tự, Ban Chẩn tế Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Thánh địa Hòa Hảo, tr.91.
[10] Nathaniel Schmidt (1922), The Origin of Jewish Eschatology, Journal of Biblical Literature Vol. 41, No. 1/2, A Symposium on Eschatology (1922), pp. 102-114.
[11] Xem thêm: Miles Branum (2010, editor), Hindu Eschatology: Kalki, Kali Yuga, and Shiva, Webster’s Digital Services.
[12] Nguyễn Văn Hầu (Biên khảo – Phiên âm – Chú thích, 1973). Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An (theo bản chép Nôm của Đồ Trương), Ban Quản tự Tòng Sơn cổ tự, Ban Chẩn tế Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Thánh địa Hòa Hảo, tr.87.
[13] Nguyễn Văn Hầu (Biên khảo – Phiên âm – Chú thích, 1973). Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An (theo bản chép Nôm của Đồ Trương), Ban Quản tự Tòng Sơn cổ tự, Ban Chẩn tế Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Thánh địa Hòa Hảo, tr.88.
[14] Nguyễn Văn Hầu (Biên khảo – Phiên âm – Chú thích, 1973). Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An (theo bản chép Nôm của Đồ Trương), Ban Quản tự Tòng Sơn cổ tự, Ban Chẩn tế Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Thánh địa Hòa Hảo, tr.91.
 
Hà Nội, 11/9/2021
Lại Nguyên Ân
Nguồn: Văn nghệ số 51/2021
Theo https://vanvn.vn/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Hai con mắt Ông Cửu Niệm ốm li bì đã gần hai tháng. Ông ta mắc một bệnh mà các thầy lang đều cho là bệnh mê sảng của những người già...