Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Phong cách phê bình văn học của Nguyễn Hoài Nam

Phong cách phê bình
văn học của Nguyễn Hoài Nam

Nguyễn Hoài Nam tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1997, hiện đang công tác tại Trung tâm Truyền hình Nhân Dân, Báo Nhân Dân. Anh  đã cho ra đời tác phẩm phê bình văn học “Từ trang sách đến gương mặt văn chương” (Nxb. Hội Nhà văn, 2021) dày 239 trang gồm 29 bài viết và chia nội dung ra làm hai phần. Phần 1: “Từ trang sách” (18 bài) và phần 2: “Đến gương mặt văn chương” (11 bài).
Từ trang sách đến gương mặt văn chương – tác phẩm của Nguyễn Hoài Nam
Chia nội dung như thế cho có vẻ tách bạch nhưng thực ra giữa chúng có mối liên hệ tác phẩm và tác giả biện chứng với nhau. Nhưng phần 1 sẽ nghiêng về nhấn mạnh việc đánh giả tác phẩm và phần 2 sẽ nghiêng về khắc họa một số chân dung nhà văn.
Qua những trang viết, Nguyễn Hoài Nam đã cho người đọc nhận thấy, đây là văn phong của một người viết chuyên nghiệp, có phong cách, có giọng điệu riêng; là người có khả năng bao quát thể loại văn học; có khả năng khái quát, chốt trúng vấn đề; lập luận chặt chẽ, nhận định, đánh giá tác phẩm và tác giả sắc sảo đồng thời còn là người có quan điểm phê bình rõ ràng, thẳng thắn.
Bao quát vấn đề văn học rộng; đánh giá, nhận định sắc sảo và thẳng thắn
Nguyễn Hoài Nam quan tâm đến nhiều thể loại, ở thể loại nào anh cũng có bài viết: từ tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ đến cả tự truyện, tản văn. Anh chú ý đến nhiều thế hệ tác giả: tuổi đời từ 1x đến 9x, từ Trương Tửu (1913) đến Trọng Khang (1994), từ thời Tự lực văn đoàn đến nay, rải đều gần thế kỷ. Anh không chỉ quan tâm tác phẩm trong nước mà còn ở nước ngoài. Mỗi bài viết của anh cho thấy các tri thức được tích lũy từ sự đọc. Có thể dẫn ra một số minh chứng sau.
Quan tâm đến vấn đề lịch sử thơ, Nguyễn Hoài Nam đã viết bài “Những tập thơ làm thành lịch sử”. Theo anh, lịch sử thơ sẽ là lịch sử của các tập thơ hay, có tính nghệ thuật cao chứ không phải bài thơ hay và do đó “chúng có thể đánh dấu mốc nào đó trong tiến trình lịch sử”.
Tôi nhận thấy, để có những nhận định riêng, Nguyễn Hoài Nam không chỉ đọc một nền thơ Việt Nam trải dài gần thế kỷ (từ thời Thơ Mới đến khoảng thời gian thập kỷ 90 của thế kỷ 20) mà còn phải đọc tất cả các bài viết đánh giá, tranh luận chung quanh các tác giả và tác phẩm, thậm chí cả những ý kiến đối lập, trái chiều ấy.
Cuối cùng, bằng sự “thành thực với chính mình” và những dòng lập luận thuyết phục, Nguyễn Hoài Nam cũng đã “cả gan” đưa ra danh sách 5 tập thơ (đã đạt giải thưởng văn chương) cắm mốc lịch sử thơ là: tập “Mấy vần thơ” của Thế Lữ (1935), tập “Tinh huyết” của Bích Khê (1939), tập “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm (1959), tập “Ánh sáng và phù sa” của Chế Lan Viên (1960), tập “Sự mất ngủ của lửa” của Nguyễn Quang Thiều… Sự “cả gan” này cho thấy bản lĩnh, chính kiến của nhà phê bình.
Trong bài “Bên lề một diễn trình đổi mới”, Nguyễn Hoài Nam đã đề cập văn chương của hơn ba mươi năm đổi mới ở phương diện sáng tác (văn xuôi và thơ) bao gồm một seri danh sách dài gồm hai “làn sóng” tác giả (những người viết sinh 1950-1960 và sinh năm 1980-1990) có thành tựu nghệ thuật. Sau khi đồng thuận với ý kiến của nhà phê bình tài hoa Chu Văn Sơn, Nguyễn Hoài Nam còn bổ sung một nhận định xác đáng về “sự vắng khuyết của cái mà trong lịch sử phát triển của nhiều nền văn chương, thường được gọi là sự đối đầu thế hệ” (tr. 117). Theo tôi hiểu: “sự đối đầu thế hệ” ở đây chính là sự thay thế hệ giá trị cũ của văn học bằng hệ giá trị mới.
Bài “Chiến tranh nhìn từ phía hậu cảnh” đã cho người đọc thấy Nguyễn Hoài Nam bao quát quán chiếu rất nhiều tác phẩm cùng đề tài viết về chiến tranh bao gồm cả các tác phẩm nước ngoài và trong nước, bởi đây là một đề tài lớn. Nội dung những tác phẩm “viết chiến tranh” trong nước có thể liên quan đến “chiến tranh trong chiến tranh; ca ngợi đất nước anh hùng hay để nhận thức sự kinh hoàng, nỗi đau khổ mất mát mà chiến tranh gây nên số phận dân tộc hoặc như một sự trút xả nỗi bức xúc tự thân…”. Sau khi so sánh với một số tác phẩm văn xuôi nước ngoài như tiểu thuyết “Bản giao hưởng Pháp” của Nemirosky[1] và tiểu thuyết Bẫy 22 của nhà văn Mỹ Joseph Heller[2], Nguyễn Hoài Nam nhận thấy văn học (văn xuôi) những tác phẩm viết về chiến tranh” từ phía hậu cảnh của chúng ta muốn có sự độc đáo, sự “lạ”, sự “lớn” về chiều kích triết lý tư tưởng thì: “tài năng, tính độc sáng của người viết đương nhiên là một phẩm chất tối cần thiết để tạo nên sự “lạ” cho tác phẩm. Nhưng cũng cần thiết không kém là bản lĩnh nhân văn, là cái nhìn về chiến tranh hoàn toàn độc lập của nhà văn. Là sự không lệ thuộc, sự được “tẩy rửa” khỏi những áp đặt từ bên ngoài, có thể nói vậy. Nếu được như thế thì từ “lạ” đến “lớn”, đối với một tác phẩm văn học mà xét, có lẽ không phải là con đường quá dài.” (tr.135)
Chỉ để biết cảnh và người Hà Nội bây giờ so với cảnh và người Hà Nội trước đây thế nào, Nguyễn Hoài Nam đã dõi theo nhiều nhà văn có tác phẩm cùng viết về đề tài Hà Nội. Đó là Nguyễn Việt Hà với “Ba ngôi của người“, Lê Minh Hà với “Phố vẫn gió”, Nguyễn Huy Tưởng với “Sống mãi với Thủ đô“, Chu Thiên với “Bóng nước Hồ Gươm”…
Tôi rất hiểu, để viết bài “Tự truyện, trước giông bão của dư luận”, Nguyễn Hoài Nam đã phải đọc rất nhiều, thu nạp tri thức từ hàng ngàn trang sách. Tức là ít nhất anh đã phải đọc một số tự truyện của các văn nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam xuất hiện rải rác khoảng vài chục năm trở lại đây như “Lê Vân – yêu và sống” (Lê Vân – Bùi Mai Hạnh), “Hồi ký Phạm Duy” (thực ra đây là tự truyện của Phạm Duy chứ không phải hồi ký),… cũng như phải đọc những tác phẩm nước ngoài như “Lời bộc bạch của một thị dân” của Marai Sandor, “Hội hè miên man” của Ennest Hemingway, “Đời tôi” của Marcel Reich Raniki, “Người tình” của Marguerite Duras,… Tôi thấy mình bị thuyết phục khi Nguyễn Hoài Nam đã đưa dẫn chứng những cuốn được coi là tự truyện của tác giả nước ngoài kể trên để khuyên độc giả không nên quá tin vào những cái gọi là “sự thật” trong tự truyện, cũng như trong hồi kí vì trong nhiểu trường hợp rất khó xác minh. “Ấy là chưa kể đến việc, khi những sự thật đời tư kia được viết ra không nhằm để nói rằng nó là sự thật đúng như đã xảy ra, mà chỉ là nguyên liệu cho một mục tiêu sáng tạo nghệ thuật cao hơn, thì tính đáng ngờ của sự thật càng trở nên rõ nét” (tr. 111).
Nhan đề “Tản văn, nhìn lướt từ một thể loại nhỏ” có những chữ như “lướt” và “nhỏ” khiến cho người đọc có cảm giác nội dung vấn đề đưa ra bàn luận rất khiêm tốn. Nhưng kỳ thực, cái sự đọc và sự nghĩ trong bài viết của Nguyễn Hoài Nam lại không hề khiêm tốn một chút nào. Một bài viết chỉ 8 trang về một thể loại nhỏ nhưng anh đã bao quát cả mấy chục tên tuổi viết tản văn của Việt Nam và cả Trung Quốc cùng những tác phẩm của họ trong một thời gian dài. Danh sách các nhà văn viết thể loại ấy có trong bài phê bình nếu tôi gom lại thì rất dài nên xin không nhắc lại. Thậm chí, anh còn điểm danh, ghi nhận những đóng góp của cả những tác giả có những tản văn lẻ như nhà sử học Cao Huy Thuần, nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng, nhạc sĩ Dương Thụ, đạo diễn Nguyễn Việt Linh… Điều đó chứng tỏ rằng, tầm bao quát tác phẩm và thành tựu trong một thể loại của Nguyễn Hoài Nam là rất rộng. Còn chiều sâu của sự đọc ấy là những nhận định sắc sảo về một số tác giả có thành công ở thể loại này, đặc biệt nhấn mạnh trường hợp tập tản văn “Nhân trường hợp chị thỏ bông” sáng giá của Phan Thị Vàng Anh. Cuối cùng, Nguyễn Hoài Nam kết luận “tản văn là thể văn dễ viết nhưng khó hay” và đồng tình với chia sẻ của Đỗ Phấn – người viết nhiều tản văn là: “cần phải có một nội lực chữ nghĩa kinh người thì may ra mới viết được gọi là tàm tạm” (tr.104).
Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam
Anh có cái nhìn về văn chương của Ma Văn Kháng với đề tài phụ nữ như sau: “Khước từ việc phải đánh giá tốt/ xấu về mặt đạo đức, khi viết về người đàn bà ở cả hai cái nhìn-và-thấy này, Ma Văn Kháng giữ một lập trường trung tính, một thái độ bình thản của người thấu suốt lẽ đời: cuộc đời là thế, con người là thế, người đàn bà là thế, tất cả đều có thể “Có”, mà “Có” thì ắt là hợp lí” (tr. 41)
Nguyễn Hoài Nam cũng tỏ ra là người ưa đổi mới khi anh luôn cổ súy những tác giả có sáng tạo trong cách viết và tự tin đưa ra những nhận định của mình.
Trong bài “Từ chiến tranh đến hòa bình, lời thú của con chim và khẩu súng máy”, Nguyễn Hoài Nam đã đánh giá tác phẩm “Con chim joong bay từ A đến Z ” của nhà văn Đỗ Tiến Thụy là: “hơn mười năm nỗ lực tự tháo dỡ mình, tự phá vỡ mình để tìm kiếm thêm cho mình một cách viết khác, một cái viết khác” (tr. 31) và “đã tìm ra được một nội dung đích đáng cho những kĩ thuật tự sự, nhất là trên phương diện đa bội hóa giọng kể. Tôi thậm chí có thể khẳng định rằng: để cho con chim joong và khẩu đại liên trở thành nhân vật người kể chuyện là một sáng tạo độc đáo của anh” (tr. 33).
Tác giả trẻ Huỳnh Trọng Khang viết tiểu thuyết “Mộ phần tuổi trẻ” khi mới hai mươi tuổi. Tôi cũng đã đọc tác phẩm này, dẫu trong nội dung tác phẩm còn vài sơ suất nhỏ nhưng có sáng tạo về cấu trúc tác phẩm. Và, Nguyễn Hoài Nam đã có những dòng khen ngợi: “Một nỗ lực kiến tạo cấu trúc tiểu thuyết khác lạ. Nó đòi hỏi rất nhiều dụng công, từ điểm nhìn hồi cố, kí ức của người kể chuyện thải ra như một bức tranh lập thể, trong đó có sự chồng chéo của những khoảng thời gian lệch nhau, sự liền mạch của những sự kiện xảy ra ở rất xa nhau, sự giao thoa giữa những tư liệu lịch sử khả tín với hư cấu văn chương” (tr. 53). Anh cũng đánh giá cao sự “chịu đọc” của người viết trẻ này: “Cái đọc của tác giả ở đây đã trở thành cái viết, nó tham gia vào văn bản ở mọi cấp độ” (tr.53). Anh khẳng định “Mộ phần tuổi trẻ” đã cho thấy “một kiểu người viết và một kiểu viết khác” và đây là một “vệt sáng của văn xuôi trẻ”.
Nguyễn Hoài Nam nhận xét tác phẩm “Gần như là sống” của Đỗ Phấn là: “một kiểu tiểu thuyết – tản văn” (Đỗ Phấn vốn rất sở trường ở thể tản văn). “Tiểu thuyết có chuyện mà không có truyện. Nó miên man trôi đi theo nhịp sống bình thường hằng ngày và dòng ý thức của nhân vật. Sự kiện chỉ được kể lướt qua. Nhưng cảm giác của nhân vật về sự kiện xảy ra với mình, trên mình thì được viết kĩ lưỡng bằng một lối văn tinh tế giàu biểu cảm” (tr. 21).
Tạo được phong cách và giọng điệu riêng
Nguyễn Hoài Nam không chỉ quan tâm đến việc “viết về nội dung” mà còn chú ý đến cách “viết nội dung”. Bài viết của anh có sự kết hợp hài hòa giữa phê bình hàn lâm và phê bình nghệ sĩ. Anh bước đầu tạo được phong cách và giọng điệu riêng. Phong cách và giọng điệu chính là dấu ấn tạo nên thương hiệu của mỗi nhà văn hoặc nhà phê bình.
Nguyễn Hoài Nam có quan điểm phê bình rõ ràng: “Làm phê bình, với tôi, quan trọng nhất là sự trung thực, và quan trọng nhất là trung thực với chính mình. (…) đừng viết ra những gì mình không/ chưa tin tưởng. Như thế, theo tôi cần thiết hơn là khách quan, “công tâm” một cách giả tạo… (bìa 4).
Trong một bài viết, để bảo đảm tính khoa học, bao giờ anh cũng giải thích khái niệm các thuật ngữ một cách rõ ràng; trích dẫn, dẫn nguồn chính xác; lập luận chặt chẽ mang tính nghiêm túc của phê bình học thuật. Bên cạnh đó, anh có ý thức dụng công đến việc đặt nhan đề và viết câu văn ấn tượng, có màu sắc riêng.
Tôi nghĩ, các “tít” bài viết của anh khá ấn tượng, có khả năng mời gọi độc giả lưu ý, dừng mắt và thậm chí trong vài trường hợp còn có khả năng “câu view”. Chẳng hạn: Nếu chỉ đọc nhan đề: “Những người đàn bà của nhà văn Ma Văn Kháng” thì rất có thể độc giả nghĩ rằng bài này sẽ viết về những vấn đề tình ái của một nhà văn nổi tiếng nghiêm túc. Nhưng người đọc đã nhanh chóng xua tan sự hiểu lầm ở phần mở đầu. Hóa ra đây là 5 người đàn bà tương ứng với 5 loại phụ nữ trong tác phẩm “Những người đàn bà” của Ma Văn Kháng. Và như vậy, nhan đề hoàn toàn thống nhất với nội dung chứ không phải là chuyện “treo đầu dê, bán thịt chó”.
Nhan đề: “Hà Nội qua hai phiên bản khác” cũng khiến người đọc tò mò: phiên bản là gì? Sao lại là phiên bản khác? Ngay khi đọc mở đầu, người đọc đã biết bài viết này so sánh hai cái nhìn, hai tâm thế cảm nhận về Hà Nội của hai tác giả đồng tuế, cùng sinh ra lớn lên ở Hà Nội, cùng có tác phẩm viết về Hà Nội là Lê Minh Hà (nhà văn hải ngoại) và Nguyễn Việt Hà (nhà văn công giáo).
Nhan đề: “Đầu chày đít thớt ông đâu ngán”, hay là Vũ Bão cười cũng lạ tai. Thì ra, Nguyễn Hoài Nam đã dùng một câu thơ trong bài thơ “Vịnh Vũ Bão” của Xuân Sách (một nhà thơ có tài vẽ chân dung, thần thái của văn nghệ sĩ bằng thơ khá chuẩn xác) để bắt đầu cho “cái viết” về ông nhà văn “hoạt kê đa phong cách” quê Thái Bình này.
Nhan đề “Hai ông Trương, một Tự lực văn đoàn” cũng khiến người đọc đặt ra câu hỏi: hai ông Trương là hai ông nào? Và độc giả thỏa mãn với câu tự trả lời: À, đây là hai cây bút phê bình xuất sắc nhất một thời: Trương Tửu (1913-1999) và Trương Chính (1916-2004).
Nhan đề “Trần Hùng thơ và những giấc mơ thơ” cũng thật ấn tượng bởi tính nhạc và cụm từ “Trần Hùng thơ”. Sao không phải là “thơ Trần Hùng” mà lại là “Trần Hùng thơ”? Sự lạ này khiến người đọc lưu tâm và nhận ra: Thơ với Trần Hùng “không phải là một danh từ, tức nó không chỉ/trỏ một loại vật thể mà người ta có thể có được bằng lao tâm sáng chế hoặc gia công tạo tác. Thơ, chính là một động từ chỉ/trỏ một trạng thái sống, một hoạt động sống thường trực và tự nhiên của Trần Hùng, tự nhiên như thở, như nghĩ, như cảm giác. (Tôi dùng cụm từ “Trần Hùng thơ” trong nhan đề bài viết là theo nghĩa này)” (tr. 80)
Nhan đề đảo bổ ngữ lên trước động từ: “Bạn tôi, nhìn từ phía góc nghịch” cũng gây sự chú ý. Góc nghịch là gì? Từ điển có đất nghịch, nghịch tặc, nghịch ngữ, nghịch dụ, nghịch ngầm… Đất nghịch là thế đất tam giác có vấn đề; nghịch ngữ, nghịch dụ là biện pháp tu từ tạo sự tương phản; đứa trẻ nghịch ngầm chắc chắn sẽ lắm chiêu trò hơn những đứa trẻ khác; vậy suy ra: góc nghịch là góc không bình thường. Tuy nhiên, đọc rồi mới thấy, Nguyễn Hoài Nam đang viết về một họa sĩ, nhà báo, nhà văn khác thường nhưng không tầm thường.
Bên cạnh những nhan đề gợi sự tò mò thì lại có những cụm bài ấn tượng với những “tít” ngắn gọn, gọi thẳng tên đề tài, đảo vị ngữ lên đầu câu như: “Viết cách mạng, trường hợp Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Tuân”; “Viết Hà Nội, trường hợp Đỗ Phấn”; “Viết miền núi, trường hợp Cao Duy Sơn”… (Lưu ý, Nguyễn Hoài Nam không dùng: Viết về cách mạng, Viết về miền núi, Viết về Hà Nội là có tính lý do).
Bên cạnh sự dụng công khi đặt nhan đề, Nguyễn Hoài Nam còn quan tâm đến cách viết – “viết nội dung” (chữ dùng của Hoàng Ngọc Hiến). Chẳng hạn, khi “vẽ” chân dung một bạn văn, anh sử dụng giọng điệu hài hước với câu văn giễu nhại rất dài kéo theo sự xuất hiện một seri ngôn từ truyện chưởng: “Bố vợ nhìn thấy con rể in sách kìn kìn xem ra cũng… chạnh lòng. Nhưng chẳng sao, đại tôn sư cỡ Đào Hoa đảo chủ Hoàng Dược Sư khi thấy “Lạc anh chưởng pháp” vàng danh thiên hạ của mình không qua mặt được “Hàng Long thập bát chưởng” của ông con rể Quách Tỉnh đen thùi lùi thì cũng còn nổi cáu kia mà!” (tr.234)
Phong cách phê bình của Nguyễn Hoài Nam vừa hàn lâm, vừa bình dân, vừa  học thuật vừa nghệ sĩ. Chẳng hạn, trước khi giải thích thuật ngữ một cách khoa học, anh lại có những câu văn rất khẩu ngữ: “Có lẽ nguồn cơn của mọi sự thể là ở chỗ thiên hạ cứ hay mắc cái bệnh mù mờ vui tính, hay nhầm lẫn lung tung trước hai khái niệm, dẫu gần nhau những vẫn cứ khác nhau là hồi ký (autobiography) và tự truyện (memoir)” (tr. 107)
Dấu ấn “viết nội dung” còn thể hiện ở những câu văn có những cụm từ đối nhau chan chát:
“Những nhân vật cứ chập chờn chấp chới nửa khôn nửa dại, nửa mê nửa tỉnh, nửa tinh nửa lú trong sách của y, đôi khi chính là cái Ta giữa cuộc đời đầy nhọc mệt này” (tr.238). “Hướng ra bên ngoài, đó là diễn ngôn xưng tụng. Hướng vào chính mình, đó là diễn ngôn tự thán” (tr. 137) “Nhân vật của cuốn tiểu thuyết thuộc về kiểu con người trung bình cộng giữa đặc sệt và loãng toẹt, phi thường và vô vị, rạng ngời và xám xịt” (tr. 139).
Tương tự như trên, câu văn sau đây cũng có sự hài hòa giữa nhận định về nội dung và cách viết nội dung: “Dường như ở bất cứ lĩnh vực nào của đời sống, ở bất cứ nơi nào có sự trái khoáy của việc lẫn lộn giữa cái thật và cái giả, cái đẹp và cái xấu, cái tử tế và cái nhem nhếch, cái hợp lý và cái phi lý… là Vũ Bão đều xuất hiện và cất lên tiếng cười” (tr.183).
Những trang viết của anh có nhiều câu văn biểu cảm. Chẳng hạn, đó có thể là câu văn có sự kết hợp các từ trái nghĩa với những từ láy động từ rất phù hợp để nói về những hoạt động: “Hà Nội của ngày hôm nay, trên và dưới, trước và sau, hùng hục, sùng sục, quần quật trong công cuộc mưu sinh, làm giàu, hưởng thụ và cả tự hủy” (tr. 15). Hoặc có thể là câu văn có nhiều từ láy tính từ rất phù hợp để diễn tả cái xấu.“Cái xấu của sự bấn loạn, xộc xệch, nhớn nhác, nhem nhếch, lôi thôi đang ngày một loang rộng” (tr.15,16). Có câu dài đến 7 dòng với 7 lần sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ “không phải vì” để nhấn mạnh nội dung “mà vì…” (tr. 117).
Ngoài ra, người đọc dễ dàng nhận thấy những câu văn tu từ, diễn đạt giàu hình ảnh kiểu như: Nếu coi tập “Về Kinh Bắc” “như một giấc mơ-thơ mang năng lực xoa dịu những vết thương đang hoác ra từ cơn địa chấn dữ dội nhất trong cuộc đời Hoàng Cầm thì năm đêm của nhịp Một – Khấn Nguyện, có thể nói, chính là năm mảnh mơ- thơ linh diệu nhất của một đời thơ” (tr. 78). “Đỗ Phấn cứ trở đi trở lại giữa quá khứ và hiện tại, bằng một giọng văn rất nắn nót, nhưng lại nửa ngậm ngùi, nửa dí dỏm, tựa như cái người một mắt thì rưng rưng trầm ngâm, mắt kia thì nheo nheo chế giễu” (tr. 103).
Tóm lại, có thể thấy Nguyễn Hoài Nam là một người viết phê bình văn học có nghề. Anh chịu đọc nên có khả năng bao quát, quan sát rộng tình hình văn học cả trong và ngoài nước; có những đánh giá, nhận định sâu sắc, thẳng thắn trên tinh thần “trung thực với chính mình”, chỉ viết ra những gì mình thật sự tin tưởng. Anh đang tạo dựng và hình thành một phong cách phê bình mang thương hiệu Nguyễn Hoài Nam.
HOÀNG KIM NGỌC
——————
1Nemirosky, “Bản giao hưởng Pháp”, Lê Ngọc Mai dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2008.
2Joseph Heller, Bẫy 22 , Lạc Khánh Nguyên dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2018.
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...