Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Rừng xa, nỗi niềm gần - Tiểu luận Lê Thành Nghị

Rừng xa, nỗi niềm gần
Tiểu luận Lê Thành Nghị

Tập “Rừng xa” có mười ba truyện ngắn. Mỗi truyện là một “lát cắt” cuộc sống. Những lát cắt này đặt cạnh nhau tạo thành một bức tranh khá nhiều màu sắc về một vùng đất mới nghe cảm thấy thật sâu trong không gian, thật xa trong tưởng tượng, nhưng lại thật gần gũi trong cảm nhận, vùng bon* làng Tây Nguyên “thì hiện tại tiếp diễn”, với những thân phận, với những vui buồn của những con người cụ thể đang diễn ra bên cạnh chúng ta.
Nhà phê bình Lê Thành Nghị
Ý tưởng nghệ thuật của tác phẩm hiện lên qua nỗi niềm, tâm tư của tác giả. Đặng Bá Canh nhẩn nha sống nhưng nặng lòng với những gì đang diễn ra chung quanh, cả những điều tốt đẹp lẫn những gì xấu xa. Anh lặng lẽ quan sát, rồi ghi nhớ, nắm bắt, lựa chọn những vấn đề đang đặt ra từ cuộc sống, nhào nặn chúng thành ý tưởng rồi làm “nóng” trang viết của mình từ những vấn đề thiết yếu này.
Ý thức nghệ thuật của trang viết hiện lên khi hân hoan khẳng định, ca ngợi những điều lương thiện tốt đẹp, hoặc khi thì nồng nhiệt phản bác những tiêu cực, nhức nhối. Thái độ công dân tích cực ấy cho thấy ngòi bút của Đặng Bá Canh chưa bao giờ nguội lạnh trước thế thái nhân tình nơi vùng đất anh sống.
Chẳng hạn, nạn phá rừng hầu như không thể ngăn ngừa trong đời sống chúng ta. Qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng từ nhiều năm qua, ai cũng biết rừng Tây Nguyên đang bị tàn phá, đang bị xẻ thịt, trục lợi bằng nhiều cách thức khác nhau. Bọn lâm tặc có khi được tiếp tay bởi kiểm lâm, hoặc các lực lượng được phân công quản lý rừng (truyện ngắn Rừng và thị trấn). Đã có nhiều biện pháp, từ các diễn đàn quốc gia nóng bỏng, đến các sự vụ hành chính ở cấp cao nhất đến cấp cơ sở, nhưng tệ nạn vẫn không được ngăn chặn. Bằng truyện ngắn Rừng xa, Đặng Bá Canh kiến nghị một biện pháp căn cơ, bằng cách để người dân tự nguyện tham gia bảo vệ rừng.
Già làng Điểu Bang ở bon làng Bu Nor (truyện ngắn Rừng xa) được chính quyền địa phương tin cậy, lập chốt gác, bảo vệ rừng đêm ngày đã góp phần ngăn chặn nạn phá rừng dai dẳng ở quê hương ông. Tận sâu xa trong tâm tư mình, già làng Điểu Bang biết rõ: “Rừng là cuộc sống, là mạch nguồn máu thịt của lão và bà con trong làng của lão” (tr. 8). Việc làm của già làng Điểu Bang tưởng đơn giản, nhưng thực chất đã ở trong chiều sâu căn cốt của đời sống, khêu gợi tình yêu rừng núi có tự ngàn đời, đã trở thành “văn hóa rừng” trong cộng đồng người dân vùng cao. Với họ, giữ rừng vừa là trách nhiệm, vừa là tự nguyện trong ý thức sống chết với rừng. Việc làm đúng đã kích thích tinh thần công dân tích cực trong mỗi cá nhân. Họ đã tự nguyện noi theo già làng vào rừng lập chốt ngăn chặn kẻ xấu. Bài học rút ra ở đây là, cần phải đặt quyền lợi của người dân trong quyền lợi quốc gia thì việc khó mấy cũng không phải không có cách giải quyết. Bởi vì dân là tai mắt của chính quyền, không có gì qua mắt được người dân, không có gì là không có cách giải quyết nếu được người dân ủng hộ…
Chỉ một truyện ngắn dung lượng không lớn, Đặng Bá Canh chuyển tải được một vấn đề không nhỏ đang nhức nhối trong cuộc sống hôm nay. Nhưng đáng chú ý là ngòi bút của Đặng Bá Canh không làm người đọc bị “thuyết giáo” bằng ngôn ngữ sách vở, lên gân, mà ngược lại bằng ngôn ngữ giản dị, khách quan. Bài học bảo vệ rừng ai cũng hiểu, thuyết giáo nữa chỉ thêm thừa. Bởi vậy, lựa chọn một cách nói giản dị bằng cách kể lại một câu chuyện thường ngày chính là việc làm có từ nếp ăn, nếp ở của đồng bào vùng rừng xa. Ý nghĩa giáo dục của truyện ẩn sau câu chữ.
Bìa tập truyện ngắn “Rừng xa” của nhà văn Đặng Bá Canh.
Ở một góc độ khác, truyện ngắn Thanh âm suối ngàn tác giả gửi đi thông điệp khẩn thiết cần bảo vệ những di sản văn hóa quý giá của Tây Nguyên đang mỗi ngày một biến mất trong cuộc sống hiện tại. Chúng ta đã từng biết nạn “chảy máu cồng chiêng” nhức nhối ở Tây Nguyên. Ở truyện ngắn này, Đặng Bá Canh thông báo một thực trạng nhức nhối khác. Cây đàn đá Goong Lú và âm thanh kỳ diệu của nó bao đời nay gắn với tâm hồn, tình yêu đôi lứa bên suối ngàn Đak Kar, trầm tích văn hóa ngàn năm của bon làng đang bị thế lực của cái “ăn xổi ở thì” ô trọc trước mắt truy lùng thôn tính bằng mọi cách.
Ngòi bút của Đặng Bá Canh mềm mại như suối rừng ban mai chảy quanh bon làng Bu Bir, hợp với câu chuyện tình cảm động tác giả đang kể: “Tiếng Goong Lú (đàn đá) lại vang lên. Róc rách, âm ỉ, ào ạt, êm đềm như dòng suối Đak Kar đi qua bao mùa mưa nắng… Phương yêu đến say mê con suối Đak Kar hiền hòa và đau đáu cho những đổi thay nơi bon làng mình. Phương vẫn muốn giữ mãi cái thanh bình, yên ả, mặc kệ bao đổi thay đang ồn ã, phả hơi nóng vào cái bon làng nhỏ bé” (tr. 16, 17). Nhưng cái “thanh bình, yên ả” ấy đã bị đảo lộn bởi lối sống vì đồng tiền. Ý tưởng bảo vệ di sản văn hóa khẩn cấp như bảo vệ hạnh phúc lứa đôi làm thành một mạch ngầm song song như một lời nhắn gửi có từ đầu đến trang cuối. Thông điệp đó được giữ kín đáo cho đến khi kết thúc câu chuyện. Đó chính là sự hấp dẫn của truyện ngắn này.
Nhà văn Đặng Bá Canh ở Đắk Nông
Đa phần trong truyện ngắn của Đặng Bá Canh là mô típ nhân vật xa quê vào vùng đất mới mưu sinh. Nhiều người hòa nhập với vùng đất mới, cuộc sống mới, nhưng cũng không ít người vỡ mộng, rơi vào bi kịch. Đặng Bá Canh có ý thức để nhân vật của anh không rơi vào một chiều đơn giản. Bởi vậy, nhân vật trong truyện ngắn của anh có đời sống hiện thực khá phong phú, có đời sống nội tâm khá phức tạp.
Trong truyện ngắn Chuyện của Dó, người con gái lớn tên là Dó trong một gia đình dân tộc Mông từ vùng núi phía Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông con, mẹ ốm nặng, Dó đành phải nghỉ học làm rẫy để nuôi cả gia đình. Tuy vậy, là người chịu khó lao động, Dó đã tìm được sự an vui trong sự hy sinh của mình. Trường hợp của Nhâm trong truyện ngắn Đano Farm rất khác với Dó. Nhâm vào Tây Nguyên, gắn bó với miền đất mới, vận động bà con trồng cà phê sạch, vừa sản xuất vừa làm du lịch tại chỗ, được bà con bon làng thương yêu, tín nhiệm. Nhâm đã hòa nhập với bon làng, tìm thấy hạnh phúc trong công việc.
Mụ Khùng trong truyện ngắn Rẫy hoang là nhân vật phức tạp, thú vị. Mụ sống tự do, mang nhiều điều tiếng về lối sống của mình. Tuy bề ngoài xấu xí, tính tình phức tạp, nhưng thâm tâm mụ bản tính thiện như là căn cốt của con người mụ. Mụ thương yêu con cái, thương yêu người đàn ông của mình hết lòng, vượt lên mọi thị phi. Lòng nhân ái của mụ Khùng như một ngọn lửa không bao giờ tắt, để lại dư vị ấm áp trong lòng người đọc.
Nhưng không phải ai cũng “xuôi chèo mát mái” như Nhâm trong truyện ngắn Đano Farm trên kia. Không thiếu những cảnh ngộ “ngậm ngùi” như Triết (truyện Ngậm ngùi), như người vợ mê đề đóm (truyện Gió rừng vẫn thổi) đã làm gia đình bao phen đến bên bờ vực. Rất may mắn cho họ, khi bên cạnh họ có những người thân luôn biết chia sẻ, biết độ lượng tha thứ, đã kéo họ về với cuộc sống lao động bình thường và họ đã tìm thấy sự bình yên trong cuộc sống.
Chỉ một ít truyện ngắn trong tập Rừng xa, Đặng Bá Canh hé mở cho người đọc khá nhiều thân phận khác nhau trong cuộc sống hôm nay. Tác giả kéo “rừng xa” đến gần chúng ta, tạo ra ấn tượng mạnh mẽ trong nhận thức của người đọc, bởi nhiều câu chuyện, nhiều tâm trạng nhân vật, nhiều vấn đề nóng bỏng làm những ai đọc tới đều không thể bàng quan. Với lối kể chuyện tự nhiên, giản dị, tác giả buộc người đọc phải yêu ghét, phải xót thương hoặc phẫn nộ với từng con người, từng hoàn cảnh, từng “lát cắt” được lựa chọn từ các góc độ của cuộc sống chung quanh. Đó chính là “bản sắc” của ngòi bút Đặng Bá Canh. Như quan niệm của nhân vật tôi trong truyện Lão và tôi qua đoạn đối thoại mở đầu câu chuyện: “Lâu không thấy ông viết… Ông định viết cái gì?”. “Thì về những thứ loanh quanh anh em mình”. Chính những thứ “loanh quanh” là đề tài quen thuộc như một “bí mật” của Đặng Bá Canh.
Bí mật của câu chữ là điều không phải ai cũng biết, vì đôi khi chúng ta vẫn nhầm tưởng văn chương là địa hạt của cái không bình thường. Ví như đề tài phải “siêu khủng”, nhân vật phải dị biệt, ngôn từ phải vang vọng, cảm xúc phải rưng rưng… Kỳ thực, văn chương lại rất cần sự giản dị. Nhưng giản dị không có nghĩa là sơ lược, dễ dãi, mà là tinh túy của quá trình sống, cảm nhận và sáng tạo, cũng như ngôn ngữ của nhà văn.
Người ta thường nói văn chương là đời sống, chính là vì vậy. Đây vốn là cách làm của những cây bút nổi tiếng như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, hoặc Lỗ Tấn, Tsekhov… Nhưng muốn văn chương chính là đời sống, thì nhà văn phải dấn thân với mục đích hiểu biết sâu sắc bản chất cuộc sống để khám phá và sáng tạo. Đây là điều tối cần thiết nhưng bản thân nó lại chứa đựng nghịch lý: sự hiểu biết cuộc sống là không có giới hạn. Chuyển tải cái không giới hạn này vào một truyện ngắn với dung lượng tối giản cũng là một thách thức đối với mỗi ngòi bút. Thách thức này cũng chính là thước đo tài năng. Bước đầu, Đặng Bá Canh đã có những nhận thức đúng về nghề viết. Những bước tiếp theo của anh hy vọng sẽ mang lại nhiều thành công hơn nữa.
LÊ THÀNH NGHỊ
 
Hà Nội, 11/9/2021
Trần Thị Trâm 
Theo https://vanvn.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cuộc thi Truyện ngắn Báo Văn Nghệ 2022 - 2024: Khúc dạo đầu đáng để hy vọng Đã ngót một năm trong cuộc thi hai năm trôi qua, đã có gần 1...