Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Thanh Tịnh, từ thi sĩ lãng mạn đến nhà thơ - chiến sĩ

Thanh Tịnh, từ thi sĩ
lãng mạn đến nhà thơ - chiến sĩ

Ở Việt Nam, đối với các cây bút từng đi qua hai cuộc kháng chiến đều giữ trong mình một hoặc nhiều kỷ niệm về Thanh Tịnh - một người dáng thư sinh, mái tóc bạc nói giọng Huế nhỏ nhẹ, trầm và giàu tình cảm.
Nhà thơ Thanh Tịnh (1911-1988)
Cùng với thời gian, Ðại tá – nhà thơ Thanh Tịnh đã để lại một dấu ấn trong văn học Việt Nam trước và sau cách mạng. Rộng hơn, cuộc đời cùng văn nghiệp của ông là hiện thân của quá trình từ một thi sĩ lãng mạn đã thành danh thời “tiền chiến” trở thành một nghệ sĩ – chiến sĩ với ý nghĩa cao quý.
Như chúng ta đã biết, hầu như các văn nghệ sĩ Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 khi đến với cách mạng ai cũng có một một quãng đời quân ngũ. Ngày ấy, từ sự cộng cảm với những người cầm súng, các anh chị đã tìm thấy con đường cần đi và chân lý cần tới. Hòa bình lập lại, theo yêu cầu của xã hội, đa số các anh chị chuyển ngành, riêng Thanh Tịnh vẫn gắn bó với văn chương Quân đội. Và ngày ông qua đời, đội vệ binh danh dự bồng súng đứng bên linh cữu ông là sự bày tỏ lòng kính trọng chân thành với người lính già đã cống hiến cho đất nước và Quân đội cả trí lực và tâm hồn mình.
Kể từ ngày ông in tác phẩm đầu tay: Cha làm trâu, con làm ngựa (1934) đến năm 1988, Thanh Tịnh đã có hơn nửa thế kỷ viết văn, làm thơ. Trong văn chương trước cách mạng, ông đã sớm hình thành một giọng điệu riêng, một phong cách riêng: tinh tế, mượt mà pha chút buồn bâng khuâng. Các truyện ngắn: Quê mẹ, Ngậm ngải tìm trầm, Một đêm xuân… của ông thường xuất hiện trong danh mục tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại. Cùng với Hai đứa trẻ (Thạch Lam), Vợ nhặt (Kim Lân),… chúng đã góp phần làm nên xu hướng văn chương lãng mạn mà hiện thực, là sự hòa cảm xót xa với kiếp người lầm than đang vật vã trong hoàn cảnh một xã hội tăm tối. Bên cạnh đó, khi nói tới thơ lãng mạn Việt Nam thời kỳ 1930 – 1945, chúng ta không thể không nhắc tới Tơ lòng với tơ trời, Rồi một hôm, Vì đàn câm tiếng… của ông. Với tình yêu da diết con người và quê hương như thế, Thanh Tịnh không phải đắn đo nhiều khi đi theo cách mạng. Ông kể rằng: “Kháng chiến! Cả nước vùng lên chống giặc Pháp. Ðêm súng nổ ở Thủ đô, tôi đang ở vùng Chèm Vẽ. Ngọn lửa chiến đấu kiên cường bất khuất đêm hôm ấy đã chiếu sáng, xóa dần, xóa dần tất cả những thứ gì mờ mịt đen tối do nền văn hóa nô dịch thời nô lệ còn để lại trong tâm hồn tôi. Ðược nhìn ngọn lửa của kháng chiến, tiếp đến được nghe lời Hịch kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Bác Hồ, điều cảm nghĩ đầu tiên của tôi là không thể và không có quyền đứng yên được nữa. Ðứng yên là có tội với Tổ quốc, với nhân dân”. Lời bộc bạch do ông ghi lại, giản dị nhưng chứa đựng nguồn sinh lực lớn lao đã nâng bước chàng thi sĩ sinh ra ở xóm Gia Lạc (ngoại ô thành Huế) khoác ba-lô lặn lội trên những nẻo đường kháng chiến.
Không kỳ vọng đi tìm những cống hiến vĩ đại, Thanh Tịnh băn khoăn: “Tìm một công việc nào đó phù hợp với khả năng mình mà lại có ích cho kháng chiến”. Sự am hiểu sâu sắc và phong phú về văn hóa dân tộc (đặc biệt là văn học dân gian) kết hợp với tài năng một nghệ sĩ đã giúp ông trở thành nhà thơ của nhân dân. Ông viết ca dao, ông làm thơ đả kích… Ông nguyện “làm một người hát rong của kháng chiến, tôi sẽ kể chuyện kháng chiến cho người kháng chiến nghe”. Ông khai sinh ra tấu – thể loại nghệ thuật biểu diễn sinh động, hấp dẫn, với tác phẩm đầu tiên nhan đề Bắn cả hai. Ðồng bào, chiến sĩ gọi ông là “Vua tấu”. Trên đường ra mặt trận, “trên bến Ðoan Hùng còn phảng phất mùi khói súng” hay “một đêm giữa lưng chừng đèo Nà Tú” không đèn đuốc giữa rừng sâu, người thi sĩ – chiến sĩ Thanh Tịnh đã đem niềm vui và nguồn động viên kịp thời đến với mọi người bằng những bài tấu đặc sắc, như: Chiến thắng Sông Lô, Trận địa lôi cây số 7 đường Hà Tuyên, Lão dân quân Ðông Bắc… Ông không ngờ mình là người mở đầu cho một tiếp nối có ý nghĩa truyền thống của nghệ thuật dân gian. Sau này trên sân khấu biểu diễn, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta xem và nghe tấu, song nhiều người không biết đó là thể loại nghệ thuật còn lưu giữ được tác phẩm và cả tác giả đầu tiên là Thanh Tịnh.
Tuy nhiên, văn thơ cuối cùng vẫn là sự nghiệp của cuộc đời ông. Trên các cương vị phụ trách đoàn kịch Chiến Thắng rồi Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội, bận bịu với công việc lãnh đạo, ông vẫn dành thời gian cho sáng tác. Năm 1954, ông xuất bản tập thơ Sức mồ hôi, một tập thơ đậm nét ca dao, mang âm hưởng những câu hò giọng hát của xứ Huế quê ông. Xứ Huế mộng mơ và đằm thắm, xứ Huế thủy chung và đời người còn nhiều ngang trái… luôn day dứt trong ông. Nhất là sau này, khi đất nước chịu cảnh chia phôi, Thanh Tịnh vẫn luôn hướng về cố hương với bao giằng xé: Sông núi vươn dài tiếp núi sông – Cò bay thẳng cánh núi đồi không – Có người bảo Huế xa, xa lắm – Nhưng Huế quê tôi ở giữa lòng (Nhớ Huế quê tôi). Xứ Huế với câu hò mái đẩy, với tiếng chuông chùa ngân nga đã nuôi dưỡng ngòi bút ông, nên khi đến với nhân dân, những bài ca dao Sức mồ hôi, Dân no thì lính cũng no… trở nên sống động, gần gũi, dễ nhớ và cũng dễ quên không tìm hiểu tác giả là ai! Giấc mơ nhỏ nhoi: Ước gì để lại mùa sau – Một câu, một chữ đậm màu dân ca của Thanh Tịnh đã trở thành hiện thực khi trong đời sống, ca dao của ông dường như đã là những sản phẩm văn hóa mang phong vị Folklore.
Sự thay đổi có tính bản chất trong hệ thống quan điểm xem xét xã hội và con người đã biến đổi thi sĩ lãng mạn Thanh Tịnh thành một nhà thơ – chiến sĩ. Tuy vậy, ở ông vẫn có sự tiếp biến và thống nhất trong bút pháp và cảm xúc thẩm mỹ trong sáng. Người đọc vẫn nhận ra một Thanh Tịnh nhẹ nhàng, thanh thoát, lắng đọng và sâu sắc trong các tác phẩm của ông sau 1954. Ở các bài thơ: Gặp lại, Nhớ Huế quê tôi ông thật sự là mình với một tâm tưởng mới. Mười một năm trời mang Huế theo trên rừng Việt Bắc hay giữa lòng Hà Nội, người con trai xóm nghèo nơi cố đô luôn mong ngày trở lại, vì nơi ấy là quê hương ông, là nơi đã sinh thành và nuôi dưỡng ông. Cũng như bao đồng đội khác, một lần nữa ông không thể ngồi yên: Tôi gặp bao người nhớ Huế xa – Ðèn khuya thức mãi trí xông pha – Mở đường giải phóng về quê mẹ – Dựng khắp non sông bóng xóm nhà (Nhớ Huế quê tôi).
Không chờ đợi bao độ thu về thu lại qua, không chịu chờ Thống nhất sớm tôi về Văn Lâu – Thống nhất lâu tôi về Văn Ðiển, Thanh Tịnh lại ra trận. Có đồng chí băn khoăn liệu ông có đủ sức vượt Trường Sơn, ông khảng khái trả lời: “Tôi vẫn còn là một người lính”. Vào dịp đó, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn đã gặp gỡ người cận vệ già nhưng phơi phới sức xuân, cùng bộ đội ra trận, góp một phần công sức cùng mọi người đánh giặc, cho ngày trở về mau tới hơn. Kỳ diệu thay, ngày thống nhất đã tới và ông có mặt tại quê hương sau chuyến đi “họp” kéo dài 30 năm. Theo cách nói hóm hỉnh của ông thì đó là kỷ lục đáng ghi vào sách Ghinet! Vì từ năm 1945, trong tư cách Trưởng Ban Thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Trung Bộ, ông ra bắc họp để rồi tới năm 1975 ông mới gặp lại quê hương, đoàn tụ gia đình, chấm dứt cảnh ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân.
Sau lần thử sức không thành công trong truyện dài Xuân và Sinh (1944), Thanh Tịnh chuyên tâm tới thơ và truyện ngắn. Truyện ngắn của ông mang theo nhiều chất thơ, ông tìm “tứ” cho truyện ngắn từ những chi tiết đời thường như chuyện cô gái từ nhà chồng về quê mẹ, chuyện chuyến đò dọc của mẹ con một góa phụ… Sau này là chuyện những người nông dân hiền lành, hồn nhiên nhưng dám dũng cảm đương đầu với kẻ thù vì sự nghiệp cứu nước, cứu nhà. Sức sống của những truyện ngắn trong tập Những giọt nước biển (1956) toát lên từ những câu chuyện hằng ngày, với những con người bình thường được ông miêu tả trong những sắc thái đẹp và gợi cảm. Chúng là những câu chuyện ông “nghe được, gặp được trong quá trình đi đây, đi đó theo đoàn kịch Chiến Thắng”. Qua ngòi bút ông, chúng được nghệ thuật hóa, vừa có tính khái quát vừa có tính loại biệt.
Vào năm 1973, Thanh Tịnh hoàn thành tác phẩm để đời của ông, đó là một trong những văn phẩm xuất sắc của văn học chúng ta viết về Hồ Chí Minh. Với Ði từ giữa một mùa sen, Thanh Tịnh dành nhiều tâm huyết, ông sử dụng thể lục bát dựng lại thời niên thiếu của Bác Hồ. Gần hai nghìn câu thơ, chia làm 8 đoạn, trải dài theo 15 năm cuộc đời Bác từ lúc sinh ra. Ði từ giữa một mùa sen đăng tải liên tiếp trên Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân, được người đọc chăm chú theo dõi và hưởng ứng nồng nhiệt. Ðây là thành công của sự kết hợp giữa rung cảm thẩm mỹ trước hình ảnh lãnh tụ với kỹ năng kể chuyện dân gian vốn là ưu thế của Thanh Tịnh. Ðọc Ði từ giữa một mùa sen, người đọc có cảm giác gặp lại những truyện thơ – một thứ ballat dân gian có khả năng trữ tình hóa sự kiện, giàu nhạc tính và hình ảnh.
Căn phòng trên gác hai nhà số 4 phố Lý Nam Ðế – Hà Nội vẫn còn đó, nhưng người lính già đã khuất núi quy tiên. Mỗi lần qua đường, lặng nhìn giò phong lan ngoài cửa sổ, bạn văn chương lại hình dung thấy bóng dáng cao gầy của người thi sĩ bên bàn viết giữa bộ sưu tập đồ cổ – thú chơi có văn hóa của ông. Vượt qua bao nỗi buồn riêng tư, Thanh Tịnh đã sống cuộc đời một thi sĩ và một người lính chân chính. Ông không chỉ đem lại cho đồng bào ông, đồng đội ông những áng thơ văn chan chứa tình người, mà ông còn góp phần dìu dắt, đào tạo những thế hệ nhà văn quân đội kế tục. Ðồng bào, đồng đội không quên ông và còn nhớ mãi cái ngày nhà thơ – chiến sĩ trên đường ra trận đã đem lại “tiếng cười vui trong đêm, giữa rừng cây rậm rạp tự nhiên xua đuổi cảnh gian khổ, thiếu thốn, vất vả mà cả đơn vị đã trải qua nhiều ngày. Tiếng cười hào hùng của những người tin tưởng vào ngày mai đã làm cho rừng đêm sáng ngời lên niềm hy vọng” – đó cũng là niềm hạnh phúc không dễ có với các nhà thơ. Hôm nay, ở nơi “yên tĩnh đời đời”, Thanh Tịnh có quyền tự hào về những gì ông đã làm cho quê hương, cho dân tộc và đồng chí, đồng đội ông.
NGUYỄN HÒA
Báo Nhân Dân
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...