Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Theo chân Trần Tùng Chinh đến "Bên giếng nước"

Theo chân Trần Tùng Chinh
đến "Bên giếng nước"

Con người có nguy cơ xa lìa cái tâm thiện một khi chính cuộc sống này đã và đang đẩy con người vào những lo toan chữ nghĩa, danh lợi! Một kí ức tuổi thơ không đủ cho nhân vật Hia Quang bám trụ với tình thâm dòng họ, nó mong manh quá, dễ đứt quá! Ai đã xô nhân vật Quang xuống vũng sâu của sự lạnh lùng? Phải chăng đây là thông điệp mà Trần Tùng Chinh muốn gửi gắm: Cái gì không duy trì được bằng tình thương thì cũng khó lòng níu kéo cho tình thương tồn tại?
Câu chuyện “Bên giếng nước” xoay quanh một gia đình anh em cô cậu. Ở đó trước kia là một gia đình. Những đứa trẻ con lớn lên trong đầy ắp kỉ niệm tuổi thơ. Rồi ông ngoại qua đời, bà ngoại già yếu dần. Má và chế Hằng về ở với ngoại để chăm sóc cho bà. Nhà ấy còn có vợ chồng củ Hai và Hia Quang. Hia Quang du học bên trời Tây, chế Hằng gả chồng bên xứ lụa Tân Châu. Chả bao lâu, bà ngoại mất. Lo cho bà ngoại xong, rồi Hia Quang du học trở về là cũng bắt đầu mọc mầm sự rạn nứt chia li. Nhân vật má đành phải theo con gái, là chế Hằng, về nhà chồng chế ở Tân Châu trong sự tức tưởi. Chẳng bao lâu nhân vật má chết. Hằng sống trong sự buồn bã cô đơn… Song cuối cùng, nhân vật chế Hằng không sống trong oán thán, tủi hờn mà lại bừng sáng lên bởi ước mơ nhân văn cao quý.
Nhà văn Trần Tùng Chinh ở An Giang
Truyện ngắn của Trần Tùng Chinh là lời cảnh báo và xác nhận một sự thật, đó là xu hướng hưởng thụ vật chất tiện nghi, nó sẵn sàng khỏa lấp mọi thứ, kể cả những kỉ niệm êm đềm của quá khứ. Căn nhà của ngoại là nơi chứa đầy những kỉ niệm tuổi thơ của nhân vật chế Hằng, của Hia Quang. Bởi vậy, mỗi lần chế Hằng về nhà ngoại là mỗi lần chế muốn ra phía sau nhà, nói thác để đút cơm cho con, nhưng là muốn ra bên giếng nước. Ra giếng nước để tìm lại tuổi thơ của mình. Ra giếng nước để đắm chìm vào không gian êm đềm của kí ức. Ở đó có mấy tàu lá chuối mà Hia Quang thích vặt trụi từng tàu để làm súng bắn chơi. Ở đó là nơi Hằng thích trò chơi mua bán đồ hàng. Nhưng bây giờ, mỗi lần ra được giếng nước là phải đi vòng qua nhà ý Tám vì không gian đã bị thay đổi. Không gian bị ngăn trở ấy, chính là dấu hiệu của biết bao những thay đổi phía sau, mà nạn nhân đau đớn nhất, éo le thay, lại chính là chế Hằng. Vì sao cũng là những con người đều bước ra từ thế giới tuổi thơ êm đềm đó, lớn lên trong một không gian làng xã dòng họ như nhau mà sau này chế Hằng và Hia Quang lại khác nhau nhiều đến vậy? Nếu chế Hằng hoài niệm bao nhiêu thì Hia Quang lại thờ ơ bấy nhiêu. Điều gì đã can thiệp vào tính cách của nhân vật để họ phải khác xa nhau đến nhường ấy? Phải chăng sự hưởng thụ vật chất của đời sống đủ đầy tiện nghi đã làm cho Hia Quang thay đổi? Và cũng phải chăng là ở sự giáo dục của gia đình tạo mầm mống cho sự khác biệt ghê gớm này? Con của củ, kiểm Hai thì làm sao còn được những gié nhánh của yêu thương dòng họ cho dù là chắt mót vì chính họ là những con người của tình đời đen bạc. Hia Quang có được tẩm ướp liên tục cái cách sống nghĩa tình mà chính má chế Hằng là nhân vật sống khi má ngày đêm chăm sóc ngoại? Ai kể cho Hia Quang nghe để Hia Quang hướng tâm thiện về gia đình, về dòng họ? Điều này, hẳn nhiên vợ chồng củ Hai đời nào làm được. Lại thêm Hia Quang đi du học. Khoảng cách lạnh lùng ngày một bị đẩy ra xa. Hồi chuông đã được gióng lên khẩn thiết về tình người! Con người có nguy cơ xa lìa cái tâm thiện một khi chính cuộc sống này đã và đang đẩy con người vào những lo toan chữ nghĩa, danh lợi! Một kí ức tuổi thơ không đủ cho nhân vật Hia Quang bám trụ với tình thâm dòng họ, nó mong manh quá, dễ đứt quá! Ai đã xô nhân vật Quang xuống vũng sâu của sự lạnh lùng? Phải chăng đây là thông điệp mà Trần Tùng Chinh muốn gửi gắm: Cái gì không duy trì được bằng tình thương thì cũng khó lòng níu kéo cho tình thương tồn tại?
Nhìn ở góc nhìn hiện thực thì “Bên giếng nước” phơi bày thói ỷ lại, lợi dụng và nhẫn tâm. Trước đó, ngoại còn sống, tuổi già sức yếu “chỉ cần một năm nữa thôi là bà thọ đúng một trăm tuổi” thì ai nuôi ngoại nếu không có nhân vật má chế Hằng? Cũng tiện, khi đó má buôn bán không được, lại thêm chồng má mới chết, nên bỏ ghe lên bờ, vừa có chỗ ở lại vừa chăm sóc ngoại luôn. Những năm tháng đó, củ và kiểm Hai không lên tiếng. Bởi họ còn phải lo cho Hia Quang đi du học. Phải chi có sự sắp xếp ngay từ đầu thì má và chế Hằng đâu đến nỗi phải dời khỏi căn nhà ngoại trong tức tưởi như vậy? Lúc ấy, nói được ra như vậy thì ai sẽ chăm sóc ngoại? Thôi thì, im lặng là vàng. Vàng bốn số chín cho vợ chồng củ Hai nhưng là vàng hai con mắt cho cuộc đời của má. Má có biết chi? Chỉ biết cắm cúi vào chăm sóc cho ngoại, đó vừa là bổn phận vừa là trách nhiệm của má. Má âm thầm làm việc ấy, cần cù chịu khó làm việc như thế cho đến khi ngoại mất. Đến lúc ấy, cũng chính Hằng, với sự tinh tế của một người phụ nữ, nhân vật cảm nhận ngay ra sự khó chịu của tùa kiểm“quăng thúng đụng nia” khi chế Hằng về cúng cơm ngoại, rồi có ý nán lại ít hôm. Khi người ta không còn khai thác được sức người của má Hằng thì cũng là lúc người ta bộc lộ cái bản chất tham lam và chây lười. Họ không muốn cho má Hằng ở lại căn nhà ấy nữa. Vì sao vợ chồng củ Hai biết rõ là má Hằng sẽ không còn chỗ để đi mà họ vẫn bày ra buổi nói chuyện – cốt là để đuổi má Hằng? Củ Hai thì ra bộ khó nghĩ, kiểm Hai thì thật giả lẫn lộn, rồi thì cuối cùng câu chuyện cũng trắng phớ ra bản chất tham lam, ác lạnh nơi họ, họ dùng cái lí ra chiều phải để dậm dọa và cắt đứt mối thâm tình không một mảy may thương xót: “Cô Ba khóc lóc cái gì? Có gì mà khóc? Nhà này của ba má, ba má mất rồi thì là của anh hai cô. Cô nhắm ở đây được thì ở; nhưng tui nói mất lòng trước đặng lòng sau, nói gần nói xa chẳng qua nói thiệt; nhà cũng đông miệng ăn mà thiếu người làm; chỉ sợ cô Ba nói anh chị chơi gác xử ép cô. Nếu cô tính kế ở lại lâu dài thì cô coi sóc nhà cửa, tui nuôi cơm ngày hai bữa. Còn cách khác thì tùy cô quyết định… Mà lâu dài thì tui cũng không nói trước được à nghen. Mai mốt, nhà này tui và anh cô cũng giao lại cho vợ chồng thằng Quang thôi… Thành ra, tui mà là cô chắc tui cũng đi ở chỗ khác cho nó khỏe cái thân!” Chật chội ư? Thì xưa nay căn nhà vẫn thế, có sao đâu? Hia Quang về là cái cớ để cho họ vin vào mà đuổi má Hằng.
Sự lãnh đạm, ghẻ lạnh lấn lướt khi tình người bị cái hãnh tiến và sĩ diện vây bủa. Hia Quang “về, gặp chế ẵm con Thảo đứng trước nhà đón, chỉ giơ tay hế lô rồi nắm tay cô bạn gái có mái tóc hoe vàng đi tuốt vô trong” là nó đã mở ra một cánh cửa hoàn toàn khác với sự mong đợi của Hằng. Không một mảy may cử chỉ thân thiện, phải chăng tác giả đã để cho nhân vật Quang tự đánh mất mình ngay từ bước chân đầu tiên quay trở lại căn nhà tuổi thơ của mình sau khi du học về? Mọi người chào đón Hia Quang trong thái độ trọng thị. Chỉ duy nhất Hằng là người cảm nhận được sự thay đổi ấy ở Hia Quang. Nhưng đó cũng chỉ là cảm nhận mơ hồ nơi Hằng. Dẫu sao, chị cũng còn hi vọng ở người anh họ, bởi trong tận cùng thâm tâm của chị, chị vẫn tin ở Hia Quang. Giữa chị và Hia Quang đã có bao nhiêu những kỉ niệm tuổi thơ êm đẹp bên giếng nước. Nó là nền tảng tâm hồn mà có lẽ chị hiểu hơn ai hết, rồi đây Hia Quang sẽ là Hia Quang của ngày xưa, Hia Quang của những trò chơi vặt trụi lá chuối để làm súng lộp bộp bắn chế? Cứ thế, vệt sáng nhân nghĩa lóe lên trong nhân vật Hằng. Chỉ đến khi cuộc nói chuyện về chỗ ở của má gần như đi vào bế tắc, thì niềm tin ấy về Hia Quang mới hoàn toàn bị dập tắt: “Chế nhìn sang hia Quang cầu cứu, nhưng đáp lại cái nhìn thống thiết của chế, hia lạnh lùng đứng dậy đi vào nhà trong. Thái độ đó của hia làm cho chế thật sự đau lòng; thà là hia lấy cây súng tàu lá chuối ngày nào mà quất vào tim chế. Sáng hôm sau, mẹ con chế quay trở lại Tân Châu.”
“Bên giếng nước” có được một giọng kể tự nhiên, trữ tình và ray rứt. Ray rứt mà không oán than. Nhân vật chế Hằng như đang kể lại câu chuyện về gia đình mình cho người kể nghe, và người kể bưng y nguyên câu chuyện ấy mang lên trang giấy hầu độc giả. Thành thử người kể như ẩn mình đi, làm cho câu chuyện khách quan biến hóa linh hoạt. Có lúc người kể như nhập vào nhân vật chế Hằng làm một khiến cho câu chuyện cứ tự nhiên tuần tự mà phơi bày. Bên cạnh những con người lạnh tanh tình nghĩa cứ rờ rỡ trôi qua (củ, kiểm Hai, Hia Quang), người đọc còn nhận ra một mảng sáng nghĩa tình thấm đượm chất người (ở chế Hằng và má). Thoạt đầu, là cái lo mơ hồ nơi nhân vật chế Hằng: “Từ chỗ đó, là có thể ngẩn ngơ dòm lại ký ức nhà ngoại trong sự hình dung ngày càng mơ hồ xa xăm, lòng bỗng chạnh buồn khi nghĩ đến thế hệ của con Thảo sẽ không bao giờ có thể nhìn thấy nữa…”. Cái lo lắng ấy thể hiện nỗi thắc thỏm về một sự thật đoạn tuyệt giữa quá khứ với tương lai, khi con người nhẫn tâm từ bỏ. Bức tường ngăn cách ấy đang lạnh lùng tồn tại thì lẽ đương nhiên cái không gian vui chơi của con trẻ coi như cũng đã đặt vào dấu chấm hết. Cho nên, khi ngoại mất, mặc dù“con Thảo còn đỏ hỏn, mà chế nhứt quyết ẵm theo để cho đứa con gái đầu lòng bé bỏng của chế đưa bà cố của nó đến nơi an nghỉ cuối cùng” là chi tiết thể hiện ước mơ gắn bó với nguồn cội. Nhân vật má thì lo lắng cho Hằng, chỉ có người mẹ mới có được sự “nóng ruột, đứng ngồi không yên” khi nơi con gái ở đang bị nạn đất lở đe dọa đến tính mạng: “Ở đất Tân Châu, nhà chồng chế, không may ở ngay nơi đất lở. Mùa nước, có ngày sông nuốt chửng đi hàng chục mét đất, chỉ mấy tiếng ầm ầm nghe như long trời, nhìn ra chỉ còn bọt sủi tăm sùng sục. Má chế nóng ruột, đứng ngồi không yên nên nhắn chế tạm thời để chồng lại đó vì chồng chế còn có công ăn việc làm, còn chế bồng con Thảo về xứ núi với má, tá túc nhà ngoại kiếm đường mần ăn. Má còn nói, ở lại đó không khéo, tối ngủ, sáng dậy thấy mình nằm dưới sông, lạnh ngắt.” Đó là những mảng màu tươi sáng bừng lên trong truyện. Góp phần vẽ lên những bức chân dung đa sắc.
Không gian trong truyện là không gian nghệ thuật được miêu tả qua cái nhìn tâm lí, nó nói lên được rất nhiều điều. Mảnh vườn của gì Tám được nhìn qua con mắt tuổi thơ nên nó mênh mông, đầy ắp những kỉ niệm: “Thật ra mảnh vườn của ý Tám cũng không lớn lắm, thậm chí có phần nhỏ hẹp, nhưng chẳng hiểu sao khi Hằng còn con nít, chị lại thấy khu vườn sao mà thênh thang”. Rồi cái lối đi “chỉ từ chỗ giếng nước đi đến bờ rào có hàng me nước um tùm đã là một khoảng cách dài miên man”. Đó là không gian tuổi thơ êm đềm trong sáng. Đến khi lớn lên mọi thứ đã thay đổi“chỗ đó bây giờ là một bức tường. Bức tường ấy, gạch còn mới nguyên xây chắn lên sừng sững làm ranh giới phân đất rạch ròi giữa nhà ngoại – bây giờ là nhà của củ Hai và hia Quang – với phía bên nhà hàng xóm”. Thì bức tường kia không chỉ là bức tường ranh giới nữa mà nó còn là hiện thân của sự chia cách quá khứ êm đềm với hiện tại đang có nguy cơ nhàu nát. Không còn thấy được trực tiếp giếng nước kia, chỗ ẩn chứa quá nhiều kỉ niệm cũng là không còn cơ hội nhìn thấy được sự hòa hợp của lòng người. Một không gian ngậm ngùi chia rẽ, vì giờ “muốn ra sau giếng ngùi ngùi nhớ lại ngày xưa, chế chỉ còn cách đi tuốt ra sau nhà ý Tám”. Rồi vẫn theo cái mạch truyện ấy, không gian căn nhà ngoại xưa là không gian yên ấm, nghĩa tình: “cái giọng run run của ngoại bật ra một cách khó khăn từ hai cái hàm lợi, không còn cái răng nào, mắt ngoại kèm nhèm nhìn chế, biểu bây nói cái gì, bây đi đâu, không ở đây nữa ha?”. Ngoại hỏi chế mà như níu giữ, hỏi mà như trách cứ, sao lại đi, không ở với ngoại nữa hả? Một không gian thân thương trìu mến. Nhưng cũng căn nhà đó, khi ngoại không còn “thì căn nhà lớn ba gian bỗng trở nên chật chội bức bối hơn bao giờ hết”. Đích thị là một không gian tù túng chật hẹp của lòng người. Bởi “dường như cái thuở anh em cùng lớn lên bên nhau với bao chuyện vui buồn, giờ sau bao năm xa cách, đã nhạt như nước ốc”. Và gần cuối truyện, một không gian là lạ xuất hiện khi chia li, tác giả ghim ngòi bút của mình vào đặc tả bên ngoài căn nhà của ngoại: “Mái ngói đã ngả màu rêu, thấp thoáng sau tàng cây mãng cầu cho chế bao nhiêu hột búng ô quan. Bàn thờ ông thiên phía trước hàng hiên lót gạch tàu ngày xưa chơi lò cò không biết mệt. Mấy cây cột to, đen bóng lên nước mà vòng tay của chế lúc thơ bé ôm không giáp… Nhìn lướt qua ngôi nhà thân thuộc thật nhanh nhưng chế đã kịp khắc mọi thứ vào trong sâu thẳm tim mình”. Không gian ấy là không gian tuổi thơ thu nhỏ, là chứng tích ghi lại một thời đằng đẵng những kí ức, bây giờ nó là không gian chia lìa đau đớn của sự đổ vỡ:“Bởi, chỉ cần lần tới có dịp trở về, chế biết ngôi nhà gắn với cả một thời thơ ấu ấy của chế sẽ không còn nữa…” Mỗi một không gian là một nỗi niềm, cứ hun hút và phập phồng, chứa nặng những khắc khoải âu lo.
Một điều lạ mà quen, quen đến độ làm cho độc giả khó nhận ra, là những người phụ nữ cam chịu như là một bản năng mặc định kia vì sao lại cam chịu nhẫn nhịn đến vậy? Phải chăng, sự “trọng nam khinh nữ” đã ăn quá sâu vào tiềm thức con người đã làm cho họ như vậy?
Bởi thế, “Bên giếng nước” là một thiên truyện cứ lặng lẽ ám ảnh con người. Chuyện anh em ruột rà nhạt tình sau khi cha mẹ mất xưa nay không hiếm, nhưng Trần Tùng Chinh có cách thể hiện nó rất riêng. Cái riêng ấy là cách dựng truyện tự nhiên, chọn lọc chi tiết để vạc đẽo ra nhân vật. Rồi qua cách kể, nhân vật tự bộc lộ bản chất con người mình. Người kể chuyện đôi chỗ xuất hiện (chế Hằng) nhưng phần nhiều là giấu mình đi, để cho nhân vật như tự kể về mình (khi chế, má chế) làm cho câu chuyện vừa giàu yếu tố chủ quan trữ tình vừa đạt giá trị khách quan. Có lẽ lời mong ước của nhân vật chế Hằng cũng là mong ước của tất cả chúng ta chăng? Lời mong ước lấp lánh vẻ đẹp nhân văn cũng như sự thiêng liêng cao cả và chứa chan tình người: “Rằng mai này khi con Thảo lớn lên, và những đứa em khác của nó chuẩn bị ra đời, chúng sẽ trưởng thành, sẽ sinh con đẻ cái; chế sẽ dạy cho chúng mãi mãi yêu thương nhau trong tình ruột rà máu mủ. Chế sẽ trối trăng với chúng trong cái ngày ở thì tương lai mà chế sẽ đi theo má, theo ngoại, rằng đến mỗi lần đám giỗ của mình, chế chỉ muốn trở về một nơi, một chỗ mà thôi… Nơi đó, từ trên bàn thờ phảng phất mùi trầm hương thơm ngát, chế từ trong bức hình sẽ nhìn xuống bầy con cháu quây quần đông đủ mà mỉm cười mãn nguyện. Và chế tin, ở đâu đó bên cạnh mình, ngoại và má chế cũng mỉm cười…” Niềm tin ấy của nhân vật truyền đến độc giả một thông điệp sức mạnh của tình thương yêu gắn bó. Nhân vật tin, chẳng lẽ chúng ta lại không tin vào sức mạnh của tình thương ?
KHANG QUỐC NGỌC
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Có hay không, việc hai vua Trần đóng đại bản doanh ở Thiên Long uyển xã Yên Đức, Đông Triều, để chỉ huy trận đánh Bạch Đằng năm 1288? Tô...