Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Thu Bồn - Một dòng sông cuộn sóng, một ngọn núi cô đơn, một trái tim run rẩy

Thu Bồn - Một dòng sông cuộn sóng,
một ngọn núi cô đơn, một trái tim run rẩy

Bên dòng sông cuộn sóng, trên ngọn núi cô đơn, với trái tim run rẩy thi sĩ dang hai tay về phía cao xanh: “cầu trời sóng gió bình yên - em về xin cứ thiên nhiên mà về và xin giông bão đừng vào đây nữa – gió mưa thôi hãy ở ngoài sân – vì trái tim đã trụi trần như thân xác – người ơi người xin hãy nhẹ bàn chân – cho mặt đất bình yên cây cỏ – một đời xanh như thể chẳng vì ai”…
Nhà thơ Thu Bồn (1935 – 2003)
Thi sĩ hành hương về ngôi đền tình yêu linh thiêng bằng trái tim chân thành, kính trọng. Bởi không dễ gì có được phút giây run rẩy: “tôi già hơn em một cuộc chiến tranh – trong buổi trưa nắng khát này – tôi nhận từ tay em bát nước quá đầy – bàn tay tôi run rẩy- làm sao khỏi sánh ra ngoài những gịot nước trong”. “Giọt nước trong”, giọt nước tình yêu, giọt nước hạnh phúc được cất từ dòng sông máu đỏ, dòng sông chảy qua thác ghềnh bom đạn, đau khổ, chia ly…
Với thi sĩ, tình yêu như vùng đất hứa: “thiên đàng hiện ra khi em đến với tôi. Có em! anh có tất cả những gì anh muốn”. Khi cung đàn tình yêu ngân lên giai điệu hạnh phúc: “muôn đời đẹp nhất là thơ – trong là nước mắt , ngu ngơ là tình- bài thơ ta viết cho mình – là bài thơ của mối tình ngu ngơ”; thi sĩ không một chút đắn đo từ giã “thiên hà ơi ta chán lắm những phù hoa” để “trốn về trái đất ăn năn một lần – rồi xin ở lại cõi trần – làm thơ nhóm bếp đỡ đần cho em”…
Nhưng tình yêu không phải lúc nào cũng hạnh phúc, bởi đôi khi: “em đến rồi em lại đi – biến anh thành gã Trương Chi không đàn”. Còn gì bi thương hơn “trải qua bao trận mưa dầm – đời còn chút nắng em cầm đi luôn”. Khi “dòng suối tóc em mang đi rồi” thi sĩ chỉ biết tự trách mình: “anh không quản thúc được mùa xuân – để những bông hồng trôi ra biển và nếu em bỏ ta đi không phải vì cái chết- anh sẽ tìm em từ phương Đông cho đến trời Tây – những cái gì sáng nhất trên đời cũng trở thành bóng tối-chỉ có gịọt nước trong mắt em- vỡ tan ra thành triệu mảnh sao trời” … Khi đối diện với “sự yên lặng thấm vào màn đêm đen sẫm” – “đó là lời giã biệt của em” thi sĩ tự an ủi: “linh hồn của đá là mây – linh hồn của đất là cây xanh rờn – phần con người có cô đơn – phần hoa đẹp có hương thơm không lời”…
Nhà thơ Trần Ngọc Tuấn và nhà thơ Thu Bồn
Với thi sĩ, tình yêu đồng nghĩa với sự hiến dâng và chấp nhận hiện hữu: “có em anh trở thành triệu phú – có triệu niềm vui và có triệu niềm đau – anh đem triệu niềm vui làm tiệc đãi bao người hàng xóm – còn triệu cơn đau… anh cô thành cao nhấm nháp một mình” . Một mình với tiếng cô đơn không ngọn gió trả lời . Một mình với “một đời anh đi mãi chẳng về đâu”. Một mình với “tiếng rúc tù và… gọi đò mãi… bỗng nhớ ra gọi mình”. Một mình “anh trở về hóa đá phía bên kia”…
Bên dòng sông cuộn sóng, trên ngọn núi cô đơn, với trái tim run rẩy thi sĩ dang hai tay về phía cao xanh: “cầu trời sóng gió bình yên – em về xin cứ thiên nhiên mà về và xin giông bão đừng vào đây nữa – gió mưa thôi hãy ở ngoài sân – vì trái tim đã trụi trần như thân xác – người ơi người xin hãy nhẹ bàn chân – cho mặt đất bình yên cây cỏ – một đời xanh như thể chẳng vì ai”…
Chỉ có tình yêu, thiên nhiên cây cỏ mới có thể xoa dịu nỗi cô đơn thường trực của thi sĩ. Còn gì cao đẹp hơn một thi sĩ hiến dâng tất cả cho cuộc đời, khi từ giã cõi trần gian đầy đau thương nhưng rất đỗi đáng yêu này chỉ “xin gởi cho tôi một gói nhân tình” làm hành trang đi về phía bên kia bờ nhân thế!
TRẦN NGỌC TUẤN
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...