Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Thuốc phiện, một tình thế của nhà văn An Nam? - Tiểu luận Mai Anh Tuấn

Thuốc phiện, một tình thế của nhà văn
An Nam? - Tiểu luận Mai Anh Tuấn

Ở tuổi đôi mươi trẻ trung, không phải quá lao đao sinh kế, lại vừa có chút tiếng tăm trên văn đàn, Vũ Bằng tự cho phép mình hút thuốc phiện, lúc đầu thử chơi nhưng nhanh chóng thành cơn nghiện và trói chặt nhà văn tương lai vào những khốn đốn khó lường.
Quãng thời gian sử dụng mình theo cách đó, như về sau ông thuật lại, gói gọn trong tư thế “hút quên chết”, từ “hút ở tiệm” chuyển sang “hút tại gia”, kéo dài từ sáng đến tối, hợp nhất hình hài thân xác với bàn đèn, dọc tẩu và làn khói. Phải gần dăm năm như thế và tưởng sẽ kết thúc cuộc đời theo cách không thể bi thảm hơn nếu Vũ Bằng không quyết định cai và cai được thuốc phiện.
1. Câu chuyện nghiện và cai nghiện thuốc phiện của Vũ Bằng, có thể có phần hư cấu, nhưng đã được ông ghi lại một cách chân thực, sinh động và đăng báo dài kì trên tờ Trung Bắc chủ nhật, rồi in thành sách dưới tiêu đề “Cai” (1942).
Trước 1945, Vũ Bằng không phải là nhà văn duy nhất dính vào thuốc phiện. Tạm tin liệt kê của ông, ta thấy danh sách những nghệ sĩ phụng thờ nàng tiên nâu khá dài, chưa kể số người ít khi thực sự công khai nghiện hút. Còn nhìn rộng ra, thuốc phiện chắc chắn là một vấn đề hóc hiểm đối với các xã hội thuộc địa kiểu như Việt Nam thời đó.
Trong chuyên khảo công phu “Thuốc phiện và chính quyền thuộc địa ở châu Á”, từ độc quyền đến cấm đoán 1897-1940 (2001), nhà nghiên cứu Philippe Le Failler đã dẫn dụ và phân tích hàng loạt các sự kiện xã hội, chính trị và kinh tế liên quan đến thuốc phiện tại các quốc gia vùng Viễn Đông, nhất là khu vực Đông Dương. Do thuốc phiện đem lại một nguồn thu lớn, chính quyền thực dân đã giành thị trường, dần độc quyền buôn bán và gieo rắc mặt hàng này đến mọi người dân. Từ chỗ cấm đoán và trừng phạt việc sử dụng nha phiến như đã từng có thời đầu Nguyễn, càng về sau, cùng với mức độ bành trướng của người Pháp, các công ty thuốc phiện, các tiệm hút mọc lên như nấm, khiến người dân bản xứ rất khó tránh khỏi thói hư mới là hút thuốc phiện, bên cạnh thói quen muôn đời là uống rượu.
Một xưởng chế biến thuốc phiện nằm trên phố Paul Blanchy (nay là phố Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Philippe Le Failler đã trích lại những con số gây rùng mình: năm 1908 có hơn 215.868 người Việt hút thuốc phiện, trải khắp ba kỳ; các tiệm hút tuy giảm đều từ năm 1918 (1.513 tiệm) đến 1929 (1.224 tiệm) nhưng các biện pháp cấm vẫn ít khi được áp dụng trong khi giá những hộp thuốc phiện theo từng loại thì không ngừng tăng; số người vào viện và chết vì thuốc phiện có lúc lên tới hàng trăm (như các năm 1930, 1937, 1938, 1941…) không chỉ nam giới mà còn có cả phụ nữ. Các đô thị Sài Gòn, Chợ Lớn, Hà Nội là nơi tập trung nhiều tiệm hút và dân nghiện nhưng cảnh tượng dân quê nằm cạnh mâm đèn cũng không còn quá xa lạ.
Hình ảnh những bảng hiệu R.O (Régie de lOpium: Ty thuốc phiện) xuất hiện khắp thành phố và làng mạc, dưới màu trắng của lá cờ nước Pháp, đã khiến không ít ký giả Pháp, chẳng hạn Louis Rouband (1884-1941), tác giả của “Việt Nam, tấn bi kịch Đông Dương” (1931) nổi tiếng, lo ngại và chế giễu về một thực tế rằng những bồi bếp và cu li đã phải nhai những viên xái vét trong điếu của các ông chủ. Dĩ nhiên, nhà báo này cũng biết rõ lợi nhuận khổng lồ từ thuốc phiện đem lại cho mẫu quốc (một ty thuốc phiện Pháp có thu nhập chiếm tới một phần tư tổng ngân sách Đông Dương) vì thế, dù có rất nhiều phản đối mang tính đạo đức, “tự do thuốc độc” vẫn cứ hiển hiện như một quyền tự do duy nhất mà các nhà khai hóa mang đến cho người dân bản xứ!
2. Tính chất nước đôi vừa chống vừa lợi dụng thuốc phiện của chính quyền thực dân có vẻ đã đánh trúng tâm lí của giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ, những người, vì nhiều lí do, có thiện cảm nhất định với thuốc phiện. Bắt nguồn từ một truyền thống xa xưa, hút thuốc phiện có thể được dung túng và chỉ quy vào “thói xấu” khi quá lạm dụng nó. Đáng kể hơn, xu hướng ca ngợi thuốc phiện như một thần dược tạo sinh cảm hứng, năng lực sáng tạo đã được chính các văn sĩ khởi đầu. “Thuốc phiện làm lớn lên những gì không giới hạn/Kéo dài cái vô tận/Đào vào khoái lạc, làm sâu thêm thời gian” là cảm nhận của thi sĩ tài danh Charles Baudelaire mà đương thời, chắc chắn có nhiều thi sĩ An Nam đọc được.
Bưu thiếp ảnh chụp thanh niên Bắc kỳ hút thuốc phiện (đầu thế kỉ XX).
Những danh xưng mỹ miều (phù dung, ả phiền) để gọi thuốc phiện đã dẫn dắt không ít giấc mơ đuổi theo biểu tượng của sự giải thoát, phiêu lưu, lạc thú. Chính Vũ Bằng, khi bắt đầu “gá nghĩa với Phù Dung”, cũng bám lấy niềm tin rằng “không hút thuốc phiện không thể nảy ra văn được”. Còn Nguyễn Tuân, trong hai tùy bút “Ngọn đèn dầu lạc” (1939), “Tàn đèn dầu lạc” (1941), thì dù chủ ý hay không, vẫn rất mực khoái cảm sao lục “công đức Ả Phiền” mang đến cho đám nghiện trong “làng báo, làng thơ, làng tiểu thuyết”. Cái cách Nguyễn Tuân “tình ái hóa” chứng nghiện thuốc phiện mang dáng dấp một bản tụng ca, một sự tự bào chữa đầy ước lệ: “[…] bao nhiêu là kỷ niệm. Ngày vui, tôi gọi đến nàng. Đêm buồn tôi cũng gọi đến nàng. Xa nàng, tôi thấy nhớ. Rồi đau, rồi  ốm. Thiếu nàng, đôi phen tôi đã thấy cuộc đời là vắng vẻ” (Ngọn đèn dầu lạc).
Nguyễn Tuân có lí do để đẩy câu chuyện thuốc phiện trở thành một tuyệt bút văn chương: ông quan sát và bắt mạch được những vẻ đẹp kì quái, lạ lẫm dưới ánh đèn dầu, thứ ánh sáng leo lét nhưng đôi khi gieo được một âm điệu, gọt được một vần thơ hay! Thực ra, kiểu quan sát này ẩn chứa khát vọng trải nghiệm cạn kiệt các loại cảm giác và từ đó, phơi mở dạng hình con người cá nhân đầy đủ, đa diện nhất.
Cũng như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng đã chạm ngưỡng lãng mạn khi mô tả con đường đi tới kẻ nghiện hút, khởi từ chán nản sầu não đến si mê, khoái lạc. Trước khi nhận ra đó là một nhầm lẫn và tai họa lớn, Vũ Bằng còn gắn thêm những chi tiết mang sắc thái trữ tình, li kì đủ để lẩy ra một tình sử sâu sắc nhưng ngắn ngủi, thê lương: bàn đèn, dọc tẩu và giai nhân. Liên Hường, cô gái Huế được nhắc đến khá nhiều trong tác phẩm “Cai”, là bạn hút và tri âm của tác giả, sẽ đóng vai kẻ thất bại, buông tay trong cuộc chiến với thuốc phiện. Người chiến thắng – tác giả, đương nhiên không phải là một anh hùng đội trời đạp đất nhưng ít ra, đã dốc sức và ý chí đến cùng.
Khi nghiện hút, Vũ Bằng thường dụng đến tri kiến văn chương để xưng tụng sức mạnh mây khói, còn khi quyết cai nghiện, ông cũng bắt đầu với một thúc ước nội tâm: “Rousseau ăn cắp; Verlaine giết người; Tom Kromer lừa gái vẫn được ghi tên trong văn học sử. Nếu ta viết được một tác phẩm giá trị, sao người đời lại không có thể quên ta là một anh nghiện oắt xà lai?. Thôi. Quyết định! Bắt đầu từ tối nay, không hút nữa”. Rõ ràng, một tài năng lớn không hẳn là một kẻ có nhân cách hoàn hảo và nhận thức đó đã giúp tác giả nhìn ra giá trị bản thân mình.
Ông quyết tâm cai vì vẫn chưa mất hẳn giấc mộng văn chương và quan trọng hơn, vẫn chưa mất niềm tin vào sự cứu rỗi, cứu vớt luôn có trong đời. Cai được, vì thế, là sự chung sức của nỗ lực cá nhân và lòng bao dung, tình thương của tha nhân. Cái kết đẹp mang sắc thái nhân văn không chỉ nằm ở sự chuyển hóa từ sai lầm, tăm tối sang đúng đắn, sáng lạn mà sâu xa còn ở sự xác nhận tội lỗi là một trạng huống dễ xảy ra với bất kì ai.
(Số người hút thuốc phiện ở Đông Dương năm 1908. Dẫn theo Philippe Le Failler).
Nhưng Vũ Bằng còn chứng tỏ trang viết của mình không thuần túy là một bản tự thú nhờ giọng điệu thành thực. Điều có thể làm độc giả ngày nay khó buông bỏ cuốn sách là những đoạn Vũ Bằng khéo léo phản biện cái gọi là văn minh phương Tây đang ngấm sâu vào xã hội lúc đó. Ông trở nên e dè, hoài nghi “cái văn minh […] chỉ có một mục đích làm cho người ta sung sướng về thể xác mà không chú ý đến việc mở rộng cái trí và làm thỏa cái tâm, thì cái văn minh đó bất quá rồi cũng chỉ có những kết quả khốc liệt như thuốc phiện, nghĩa là làm cho giống người suy nhược rồi tiêu diệt”. Ông tỏ ý hạ thấp thứ giáo dục và luân lý “nặng về mặt cá nhân tư kỷ” khiến nhiều thanh niên đánh mất đức hy sinh, hiếu nghĩa. Đặt trong diễn biến “bệnh thời đại” của lớp người trẻ không lý tưởng và niềm tin, Vũ Bằng muốn giải thoát, thay đổi những gì hào nhoáng nhưng trống rỗng núp dưới thú ăn chơi, trụy lạc.
Trong hồi ký “Bốn mươi năm náo láo”, ta biết thêm về lý do Vũ Bằng cai nghiện: ông không muốn nằm dài hút xách, bê tha trong khi nghề báo đòi hỏi ông phải phải “tranh đấu thực”, phải viết được điều gì khả dĩ vẽ lên được tinh thần hiên ngang của giống nòi, dân tộc. Dứt nghiện, Vũ Bằng vào Nam học hỏi và sau ba năm, trở ra Bắc, “thấy mình hăng một cách khác thường”. Khúc rẽ này đương nhiên bồi thêm nhiều bất ngờ trong hành trạng văn chương, báo chí vốn đã đậm kịch tính của Vũ Bằng.
3. Như vậy, thuốc phiện, ít nhất, đã góp phần tạo nên một điểm nhấn tiểu sử và tác phẩm văn chương của không chỉ Vũ Bằng. Tuy nhiên, đọc “Cai”, thay vì ngưỡng mộ thái quá ý chí con người, cần tỉnh táo cảm thông trước mỗi lựa chọn của người đời. Chính vào khoảnh khắc có phần trớ trêu của cuộc đời, mỗi nhà văn đều có một lựa chọn để chứng thực được nhân cách lẫn văn cách của mình. Dĩ nhiên cũng không thiếu trường hợp vùi thân danh trong thứ văn nghiệp xoàng xĩnh chỉ vì chấp nhận thỏa hiệp, kể cả sự an nhàn vốn dĩ dễ ngã lòng.
MAI ANH TUẤN
 
Hà Nội, 11/9/2021
Trần Thị Trâm 
Theo https://vanvn.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...