Thứ Hai, 16 tháng 1, 2023

Ẩn ức Đêm trong thơ Nguyễn Thúy Quỳnh

Ẩn ức Đêm trong
thơ Nguyễn Thúy Quỳnh

Có lúc, cảm giác cô đơn với Nguyễn Thúy Quỳnh thật khủng khiếp: Trong bóng tối kinh hãi của sự im lặng/ Em quờ tay không chạm được vào anh. Có khi, sự thất vọng làm cho chị trở lên hoài nghi về những gì tốt đẹp của cuộc sống: Lòng tin bị đánh cắp đêm đêm hiện về mặc áo tang trắng toát. Nhà thơ định danh cho cuộc sống và tương lai của mình một cách bi quan: Em, con bò già kéo chiếc cày số phận/ Lê trên cánh đồng mờ mịt/ Cắt xuống mặt đêm vô vàn rãnh sâu. Đôi lúc nhà thơ biểu hiện sự bất lực của mình trước cuộc đời và số phận, cố tìm một chỗ nương tựa nào đó cho tâm hồn…
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh
Lắm khi tôi cứ nghĩ: chính cái chất nhạy cảm nghệ sĩ trong nhìn nhận cuộc sống là nguyên do mọi nỗi buồn của nhà thơ và nỗi buồn trong thơ. Hình như những bài thơ hay nhất của nhân loại không phải nói đến niềm vui mà nói đến nỗi buồn. Cuộc sống bao giờ cũng có những mặt trái của nó và do vậy, cuộc sống bao giờ cũng nảy sinh và chứa đựng những nỗi buồn. Chính cách ứng xử với nỗi buồn trong cuộc sống sẽ góp phần bộc lộ tính cách, giọng điệu cũng như bản lĩnh của mỗi nhà thơ.
Cầm trên tay bản thảo tập thơ mới của nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh (những bài thơ mới sáng tác và công bố trên các báo, tạp chí và cả trên Blog Nguyễn Thuý Quỳnh trong khoảng 2 năm gần đây), đọc nhanh qua 37 bài thơ, ấn tượng chung của tôi là sự ngự trị gần như tuyệt đối, khi đằm sâu xa xót, lúc vương vất nhẹ nhàng của nỗi buồn. Nhà thơ phải xoay trở vật vã với nó. Và Đêm chính là không gian thiêng liêng, u huyền cho cuộc chiến của những suy tư và cảm xúc trước mọi hiện trạng, mọi cung bậc của cuộc sống mà nhà thơ là người trải qua, chứng kiến và chiêm nghiệm. Hiển hiện trong tôi càng lúc càng rõ rệt một mệnh đề như là tâm điểm tập thơ, nó thu hút, quyến rũ và chinh phục người viết bài này: Ẩn ức đêm trong thơ Nguyễn Thuý Quỳnh.
Thơ hay là thơ phải đảm bảo độ chân thật của cảm xúc và ý nghĩ. Khi nào thì con người ta chân thật nhất? Đó là khi một mình trong đêm, đối diện với chính mình. Mặt khác, khi không chịu sự trói buộc của ý thức thì thơ thăng hoa, bởi bản chất của thơ là tiếng nói của vô thức, ý thức chỉ là sự điều chỉnh thuần tuý về mặt kỹ thuật của bài thơ, nó định ra những chủ đề, những tư tưởng và người đọc không khôn ngoan dễ dàng bị chi phối bởi cái chủ đề, cái tư tưởng ấy, bám vào nó như một căn cứ xác thực, một bằng chứng tin cậy nhất để định giá bài thơ. Điều đó theo tôi, nếu không hoàn toàn sai lầm thì cũng dẫn người ta đến những nhận định không thoả đáng. Những câu thơ hay nhất phải được thoát ra từ vô thức, không bị bất cứ một sự kiềm chế nào. Nó cũng cho chúng ta hiểu một cách chân thực và rõ rệt nhất về con người nhà thơ.
Tập thơ “Hai phía phù sinh” của Nguyễn Thúy Quỳnh
Thực ra chân dung tinh thần của nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh đã được bộc lộ khá rõ ràng, bộc lộ một cách vô thức mà có lẽ ngay cả bản thân nhà thơ cũng hình như không để ý. Đó là những câu thơ trong bài Thơ về Lạc Đà, in trong tập Mưa mùa đông của chị: Không chỉ cõng trên lưng những gì người ta chất lên/Lạc đà còn mang cả chính mình/ Những cái bướu như tiền  kiếp úp xuống lưng/ Vậy mà những dấu chân/Không để lại hình hài trên sa mạc/ Không thể nói gì về sự còn mất/Với những đám xương rồng vô tâm. Nỗi cô đơn từ đấy mà ra. Chính vì không thể sẻ chia điều gì với “những đám xương rồng vô tâm” cho nên nhà thơ phải tự chịu đựng: Ta trở về với biển hãi hùng đêm. Đêm là nơi gửi gắm, là nơi chia sẻ, là nơi nương tựa cho những trạng huống tinh thần của nhà thơ. Đêm là nơi đong chứa những kỷ niệm êm đẹp nhất của chuỗi ngày hạnh phúc vẹn tròn, là nơi chứng kiến những khổ đau dằn vặt và những bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời của chị. Trong ngôi nhà thân yêu đêm kết thành vườn địa đàng. Và cũng ở đó, nỗi đau thể xác của người chồng cứ lặng lẽ xoáy sâu vào tâm can chị: Năm ngàn đêm dấu bao nhiêu cơn vật vã trở mình/ Trong tiếng tích tắc đóng đinh giấc mơ thập ác.
Với Nguyễn Thuý Quỳnh, đêm không chỉ là nơi trú ngụ an toàn nhất cho tâm hồn, mà còn là nơi để chị tự giải thoát, trang trải những riêng tư của tâm hồn mình với đời sống. Nhưng dường như cái chỗ trú ngụ an toàn ấy lại là một không gian quá hẹp so với nỗi cô đơn trống vắng của nhà thơ. Cảm giác bất an vẫn luôn rình rập để có lúc chị như thấy mình đang tự giăng bẫy, tự chui vào lưới. Không có sự hãi hùng và tuyệt vọng nào hơn về nỗi bất lực khi nhà thơ một mình trong đêm: Ngồi chống cằm trân trân/Thấy mình vơi dần theo thông thốc gió. Chị mang trái tim cô đơn đi tìm sự chia sẻ để rồi chỉ nhận lại được những thất vọng, xa xót vì sự bạc bẽo của nhân tình thế thái, sự đổi trắng thay đen của những con người thực dụng nhân danh thơ và nhân danh sự cao thượng để  đem lại sự nổi tiếng giả cầy. Nguy hiểm hơn là khi sự giả dối và tàn độc được ẩn náu tinh vi bên trong những hình hài trí thức để có thể ung dung mà  …vặn thừng sự thật/Dìm những đời đen xuống bùn/ Ngoi lên được cũng đã xong một kiếp. Nhà thơ từng phải thảng thốt vì cái sự bất công và quá ư vô lý ở đời, nhất là khi chính bản thân chị cũng ở trong tâm trạng đồng cảnh ngộ của những cá chép mắc lưới ngày 23 tháng chạp/ ngẩn nhìn cua ếch hùng hục qua nhan nhản vũ môn. Có lúc, cảm giác cô đơn với Nguyễn Thuý Quỳnh thật khủng khiếp: Trong bóng tối kinh hãi của sự im lặng/ Em quờ tay không chạm được vào anh. Có khi, sự thất vọng làm cho chị trở lên hoài nghi về những gì tốt đẹp của cuộc sống: Lòng tin bị đánh cắp đêm đêm hiện về mặc áo tang trắng toát. Nhà thơ định danh cho cuộc sống và tương lai của mình một cách bi quan: Em, con bò già kéo chiếc cày số phận/ Lê trên cánh đồng mờ mịt/ Cắt xuống mặt đêm vô vàn rãnh sâu. Đôi lúc nhà thơ biểu hiện sự bất lực của mình trước cuộc đời và số phận, cố tìm một chỗ nương tựa nào đó cho tâm hồn. Nhạc Trịnh Công Sơn với những giai điệu dịu êm và những ca từ đầy tính triết học và nhân văn là cứu cánh tâm hồn cho chị khi không thể chịu đựng cuộc đời này thêm một giây nào nữa. Nhưng rồi bản năng và ý thức của một nhà thơ đã giúp chị nhận ra rằng, hạnh phúc và bất hạnh chỉ là một đại lượng được đo đếm bằng sự cảm nhận của mỗi người. Ấy là khi chị chứng kiến những phút giây bất chợt của cuộc sống vẫn diễn ra thường nhật. Đó là những người đàn bà bì bọp dặm trên mặt ruộng/ Rảnh mạ chắt chiu xanh từ cân thóc giống cuối cùng giữa những ngày rét hại. Đó là những người thợ nề ngất ngưởng lưng trời/ cặm cụi miết từng mạch vữa; là bà bán nước rong khản hơi nơi bến xe rát bỏng/ Chị đồng nát oằn lưng gánh tả tơi/ lầm lũi leo dốc nắng trong những ngày nắng nóng khắc nghiệt.Và hình như nhà thơ nhận ra rằng, cả hạnh phúc hay bất hạnh đều rất cần đến sự chia sẻ. Đa cảm là bản năng tâm lý của người nghệ sĩ. Với Nguyễn Thuý Quỳnh, bản năng tâm lý ấy được cộng hưởng bằng ý thức của một người từng trải nỗi đa đoan. Sự bất công của cuộc sống hay là cái cách “Thượng đế đùa dai” để cho những bất hạnh trớ trêu cứ tìm đến chị mà phơi bày: Một người đàn bà gò lưng chở những bắp cải su hào trôi dạt trong cái thế giới trên trời dưới hoa của ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3; một em bé Hà Giang lấy ô che gánh củi trong ngày mưa dầm dề của buổi chợ phiên ở cao nguyên đá; những người đàn ông trên chiếc xe ca với tâm trạng ngổn ngang của kẻ lần đầu tiên xa xứ mưu sinh; đàn vịt  vô gia cư lang thang trên cánh đồng bởi sự khiếp đảm của con người trước nạn dịch cúm H5N1… Nguyễn Thuý Quỳnh đồng cảm và chia sẻ bằng trái tim chưa một ngày bình yên của chị, nhân hậu và bao dung. Những câu thơ dường như chỉ chực oà nên trong tiếng nấc nghẹn ngào. Từ sự chứng kiến và suy ngẫm bằng những liên tưởng sâu xa Có những người đàn bà chở nỗi nhọc nhằn đằng trước/ có những người đàn bà chở nỗi bất hạnh đằng sau, đến sự ái ngại và cảm thương bằng nỗi ưu tư kín đáo: Củi ướt ai mua làm sao đem về núi/ Mưa vô tình lây ướt cả sang tôi. Từ nỗi xót xa trước những hy sinh lặng thầm và lớn lao trong cuộc mưu sinh đã tạo nên trăm nghìn những bi kịch cuộc đời:  Bao nhiêu người đàn ông hăm hở vận may bán mồ hôi xứ dầu?/ bao nhiêu người đàn bà gửi lại con mình, vượt trùng khơi nuôi con thiên hạ?/ bao nhiêu người già ngồi hoá thạch đầu sàn?/ bao nhiêu bé lớp một đến trường không cha đưa mẹ đón?, đến sự quá ư vô cảm của con người khi chị hình dung tình cảnh của đàn vịt con trong cơn hoảng loạn bởi sự xua đuổi và trong cái giá lạnh khắc nghiệt của mùa đông: Triệu cặp mắt tròn kinh hãi xoáy vào đêm..Những quan sát nhận diện cuộc sống trong hành trình tự khám phá bắc cầu cho ngững ẩn ức của tâm trạng. Khi đó, ẩn ức đêm vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của những bi kịch cuộc sống mà chị từng trải. Nguyễn Thuý Qùynh cứ lặng lẽ, âm thầm quan sát, âm thầm sẻ chia, vừa như một cách để giải toả những ẩn ức của tâm trạng, vừa như là sự trói buộc, gắn kết những đa đoan của số phận.
Đồng hành cùng thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, tôi cứ ngẫm ngợi về một điều, giá mà có nhiều hơn nữa những gì lấp lánh trong đêm như là vệt sáng của tương lai, của ánh ngày thì tập thơ sẽ hay hơn biết chừng nào. Một lời chúc trên điện thoại của người không quen, một lần tìm chơi trên nét và cả ý thức tự phản tỉnh sau tiếng sét đầu mùa không đủ để cân bằng những chống chếnh trong tâm hồn nhà thơ. Xét về phương diện cấu trúc và ngôn ngữ thơ thì tập thơ này của chị đã gần đạt tới sự hoàn mỹ. Nó đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất đối với một nhà thơ chuyên nghiệp. Nhưng những ẩn ức về đêm quả thực là nặng nề. Bốn mươi hai lần xuất hiện từ đêm trong tổng số ba mươi bảy bài thơ là một số lượng không nhỏ, nó đủ sức để ám ảnh người đọc, tuy vậy, vẫn không thắng nổi những ma sát lý tính để thơ có thể cất cánh và bay cao, bay xa trên bầu trời nghệ thuật. Ẩn ức đêm muốn trở thành một nỗi niềm thơ, một ấn tượng thi ca đau đáu, ám ảnh và làm xúc động trái tim của đông đảo bạn đọc, theo tôi nghĩ, phải được thăng hoa bằng những thi ảnh riêng và lạ, tràn đầy cảm xúc của chính chủ thể sáng tạo. Tuy nhiên, ở chị, tôi chưa thấy thật rõ điều này. Dường như ẩn ức ấy mới chỉ được chuyển giao qua một cấu trúc thơ mang nặng tính tư biện, có ít nhiều sự khép kín đậm chất lý trí của một cái tôi chưa dễ tạo ra được những rung cảm đồng điệu. Dù thế nào đi nữa, những vần thơ đỉnh cao xuất phát từ vô thức vẫn phải là âm vọng mang tính cộng hưởng hướng tới sự sẻ chia của người đọc, phải mang hết thiện chân ra đổi/ mong tìm về đôi kẻ tri âm.
Dẫu sao, với tư cách là một người đọc và một người làm thơ, tôi vẫn yêu và trân trọng những ẩn ức về nỗi đau một cách hồn nhiên trong thơ Nguyễn Thuý Quỳnh. Trong muôn ngàn nỗi ám ảnh mang lại từ tập thơ, vẫn đau đáu và da diết một tâm hồn nữ sĩ với những đam mê, khát khao và cả những bất lực của một trái tim đang thổn thức giấu nỗi niềm quả phụ vào đêm.
TS. NGUYỄN KIẾN THỌ
 
28/2/2020
Đỗ Anh Vũ
Theo https://vanhocsaigon.com/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dây tơ đồng

Dây tơ đồng 1. Cún Ngày mới chào đời, tôi cũng có tên Tây tên Mỹ như ai, nếu tôi nhớ không lầm tên tôi là “Cool”, thế mà từ ngày ông chủ M...