Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2023

Đánh thức trái tim - Đánh thức tuổi thanh thơ

Đánh thức trái tim
Đánh thức tuổi thanh thơ

Có một nhạc sĩ viết rằng “nếu cuộc sống ban cho ta điều ước, ta xin được về những năm tháng tuổi thơ”. Vâng, tôi gọi tuổi ấy là tuổi thanh thơ, cái tuổi đã nuôi sống bao ước mơ lãng mạn viển vông nhưng thật đẹp; cái tuổi chưa biết lo âu và những dòng nước mắt còn chưa chảy ngược vào trong; cái tuổi khi đã đi qua ai cũng mang trong mình tâm trạng hoài mong, tiếc nuối bởi tuổi ấy một đi có trở lại bao giờ?
Sau những tập truyện Trú rét, Đi qua đồng cói, Chân núi có một con đường, tác giả Vũ Thanh Lịch lại ra mắt độc giả tuổi thanh thơ tập tản văn nhỏ nhiên với  cái tên đầy thơ, đầy âm thanh, màu sắc và cảnh đẹp: Đánh thức trái tim. Vỏn vẹn, nhẹ nhàng với một trăm trang sách mỏng đã đưa bạn đọc trở về sống với những hoài niệm nhớ mong, tác giả, hẳn đã gìn giữ khe khắt, chiu chắt nâng niu, chưng cất từng khoảnh khắc, từng giọt kí ức tuổi thơ của riêng mình để đánh thức bao tâm hồn tuổi hoa niên đầy hoa và nắng, đầy nhạc và thơ kia với bao yêu thương và rung động, với bao hồi ức ngọt ngào, xuyến xao. Tắm mình trong những hoài niệm xưa xa, khiến ta dường như trẻ lại từng mấy độ xuân xanh, tập tản văn giúp ta cảm nhận một thiên nhiên mát rượi của những rừng cây, núi đồi, những con suối, con đường nhuốn màu kỉ niệm; giúp ta trở về với cuộc sống lam lũ, nghèo khó mà ẩn chứa bao điều bình diệu thiêng liêng. Thế giới trong Đánh thức trái tim là thế giới của những hồi ức ngọt ngào và trong vắt tinh khôi, giản dị và thân thương, tươi đẹp và gần gặn, hồn nhiên và sáng trong, khát khao và mơ mộng…
Nguyễn Văn Nhượng ở Nam Định
Xuyên suốt tập tản văn là vẻ đẹp nhân văn nhân bản của tình người, Một đời người cần trân quý yêu thương là lời tâm sự của mẹ với đứa con về tình yêu thương trân quý những giá trị thiêng liêng của hạnh phúc đời thường. Qua góc phố Bà Cô, nhà văn gợi tả cuộc sống của những cô gái thanh niên xung phong từ chiến trường trở về, mang trong mình bao nhiêu thương tích, họ nuôi khát khao làm mẹ của những đứa trẻ thiếu bố. Vẻ đẹp nhân văn của người mẹ thấm trong lời dặn con hãy biết sẻ chia với những đứa trẻ bất hạnh của những người mẹ bất hạnh…Lần theo từng trang tản văn, ta được trải nghiệm những câu chuyện bí ẩn, li kì, có lúc “sởn gai ốc” ở núi rừng Tam Điệp; về sức sống của người Đồng Giao, họ đã vượt qua bom đạn chiến tranh, vượt qua chằng chịt những vết thương trên da thịt để giành lại sự sống cho núi đồi Tam Điệp với sự chắt chiu kiên cường và niềm tin mãnh liệt: “không có vết thương nào không được sử dụng vào việc có ích (…) Và một triết lý nhân sinh “Trên đời này, không có vết thương nào là vô nghĩa cả, chỉ cần con biết chữa lành”.
Tình yêu, sự gắn bó máu thịt với mảnh đất, với “cỏ cây giăng đầy gai sắc và cằn cỗi đến tội nghiệp” ấy luôn chắp cánh cho con người khi trưởng thành đi xa da diết nhớ thương. Rồi đó còn là Những người mẹ đơn côi, lầm lũi bước đi trong cuộc đời, họ sống trong những “ngôi nhà chỉ có mẹ”, họ là những thanh niên xung phong dâng hiến tuổi thanh xuân cho chiến trường, giờ là dâng hiến phần đời còn lại cho nông trường xanh tốt. Kiếm được đứa con về nuôi trong mỉa mai cay nghiệt, xóc xói của người đời. Những bà mẹ không chồng cả tin, đáng yêu đáng thương, bị những đứa trẻ “lợi dụng” để chơi trò nghịch ngợm. Những đứa trẻ ấy đã lớn lên, thách thức núi rừng, lớn lên trong tình yêu thương mà tác giả gọi là “đôi khi mù quáng và sự hiến dâng dại dột của những bà mẹ”. Dường như hình ảnh những nữ thanh niên xung phong năm xưa, những bà mẹ đã luôn trở thành nỗi ám ảnh thường trực, niềm đồng cảm sẻ chia và day dứt khôn nguôi của tác giả về phận người phụ nữ. Những người mở đất lại gợi về những miền cổ tích xa xưa với những tên đất, tên làng mang đầy huyền thoại, gắn với những trang sử hào hùng trong quá trình giữ nước của ông cha. Tình người mở đất luôn dạt dào chảy trong mỗi người “ngọn lửa cứ sáng rực trong trái tim những người đi mở đất, bén cháy cả những ngọn núi” chưng cất lên những phẩm tính rất riêng có của người Tam Điệp: chung sống với khắc nghiệt, “không thỏa hiệp khó khăn; sáng tạo vô biên; yêu thương đùm bọc, gắn bó keo sơn” giữa những con người hoàn toàn xa lạ thành cộng đồng các gia đình.
Đánh thức trái tim – Tập tản văn của Vũ Thanh Lịch
Hình ảnh thiên nhiên với bao nhiêu tên đất tên làng, tên những con dốc ngập tràn hoài niệm, trải dài trong những trang văn về Quê nhà dấu yêu. Đó là những Núi Vàng gắn với bao suy tưởng giàu mơ mộng khát khao khám phá của tuổi thơ, để rồi cuối cùng giúp ta ngộ ra một chân lý “vàng không ở đâu xa, vàng ở ngay dưới chân chúng ta”. Là Dốc Quán Cháo nguy hiểm và đáng sợ, nơi “rèn tập lòng can đảm để tự tin mà bước đi cho hết dài rộng đời người”. Là Đường Hàng Bàng gắn với loài cây quen thuộc có sức sống mãnh liệt “bốn mùa tươi mới và lạ lẫm…dẫn người ta đi khắp tháng năm không nhàm cũ”. Là những con đường Anh Sơn, Chế Biến gắn với những tên người, tên khu dân cư. Là những con suối Nhà Bò trong trẻo yêu thương, Suối Nữ gắn với bao nhiêu câu chuyện, “gom chắt bao nhiêu ngọt ngào tinh túy nhất để thả vào dòng suối; nuôi lớn các cô gái bằng vẻ đẹp bí ẩn, rắn rỏi và trong sáng”; suối Chăn Nuôi đáy nước sâu và chảy xiết, nơi bọn trẻ dũng cảm khám phá đáy suối, nơi thổi bùng niềm tin và lòng can đảm, nơi có một chân lý được đúc kết: “Tận cùng đáy sâu luôn luôn là điểm tựa, đừng bao giờ sợ hãi”.
Quê nhà  dấu yêu là thiên nhiên của những đồng cỏ “mênh mông xanh và mươn mướt gió” đầy sức sống và hồi sinh kì lạ, là tầng tầng lớp lớp những dấu tích văn hóa phong tục về đất và người Tam Điệp. Am hiểu và gắn bó đến máu thịt, sống đến tận cùng rung động nên tác giả đã làm một bản liệt kê bằng văn ảnh những địa danh, những cái tên gần gặn, mộc mạc như Quèn Thờ, Eo Bát, Cầu Thủng, Hang Nước, Dốc Võng…Điều đặc biệt là từ những tên đất tên làng gắn với những câu chuyện tuổi thơ ấy, tác giả đã để cho cảm xúc chảy về những chiêm nghiệm sâu xa, về cuộc sống, về cách sống và cách ứng xử.
Sau Quê nhà dấu yêu là Hương vị tuổi thơ rất đỗi thân quen và hồn hậu, là vị ngọt của dứa, là sự nhắc nhớ cẩn thận, cùng sự day dứt ân hận đầy nhân văn, đáng yêu mà không đáng trách của tuổi thơ trong Cây bút chì và cân sún đá; là những trò chơi thổi kèn, trú mưa, viết tên hai đứa trên tàu lá chuối. Rồi từ cây chuối, tác giả đã mang đến cho người đọc một triết lý chiêm nghiệm nhân sinh vô cùng thâm thúy về sự sống bền bỉ dẻo dai, bao bọc khiêm nhường, cố kết hòa đồng: “Năm tháng vẫn hồn nhiên đi qua. Những giai điệu Thâm-Nồng-Nâu-Chát với tuyết phấn tinh khôi thuở nào rồi cũng đi qua. Những đọt lá xanh tươi rồi xơ xác, rồi lũa tàn, rồi nhú nẩy, rồi hiến dâng….đi qua… và trở về… Những dòng sông và những con đường ngẫu nhiên dẫn dụ chúng ta đi qua mải miết mải miết. Và chúng ta đã đi qua bao nhiêu bến – bờ – gò – bãi, đi qua bao nhiêu mất – còn – tàn – lũa, đi qua bao nhiêu khôn – dại – trẻ – già, đi qua bao nhiêu… bao nhiêu… và có bao nhiêu người dám chắc mình đã đi qua hết một bụi chuối quê mùa mộc mạc nơi góc vườn xưa mình đã sinh ra khi những mạch nguồn chứa chan từ gốc cội lũa tàn không ngừng tuôn chảy…” (trang 60).
Người ta vẫn thường nói ‘miếng ngon nhớ lâu”, hai hương vị tuổi thơ có lẽ còn ngọt ngào chát đắng tới tận bây giờ đó là Phi-la-tốp và Rái mít, hai thứ quen thuộc gắn với tuổi thơ lam lũ nghèo khó của biết bao nhiêu người, một thứ ngọt ngậy “thấm vào lưỡi, lan dần trong cổ họng, lan xuống đến dạ dày, nó làm cỗ máy cót két vì khô dầu trở nên mềm mại hẳn đi”, một thứ “nó chát lắm, nhưng cứ ăn xong, chẹp chẹp lưỡi mà xem, bạn sẽ thấy vị ngọt thư thả loang đầy gốc lưỡi, thấm đến tận gan ruột. Nhưng lạ lùng hơn, sau khi ăn rái mít, bạn có thể nếm đủ thứ hoa lá, cỏ cây và cả những con mối nướng, cào cào nướng, ngóe nướng hay bất cứ con vật nào bắt được trên núi, dưới suối…” (trang 64). Nhà văn thực sự đã đánh thức được những cảm giác tinh tế, những ấn tượng khó phai của không ít người từng đã trải qua những năm tháng tuổi thơ.
***
   Tuổi thơ là lứa tuổi đẹp nhất trong tất cả những mùa của cuộc đời, những điều may mắn nhất có thể xảy ra trong đời chính là có một tuổi thơ hạnh phúc, hay nói như Rousseau “tuổi thơ là giấc ngủ của lí trí”. Lí trí nằm yên để cho cảm xúc được bay bổng, tâm hồn được cảm nhận và rung động trong những thể thức tế vi nhất của con người. Chương cuối cùng Em về mua cái “run run phận người” được đo bằng từng rung động của âm thanh, sắc màu, cảnh đẹp và tình mẹ. Những bông hồng tình yêu, những hoa xoan tím, hoa đào, đường quê, tấm áo… cứ thế phủ trùm lên tuổi thơ ngọt ngào lãng mạn hồn nhiên say đắm tình người, tình thơ. Tôi đánh giá đây là chương hay nhất mà tác giả giấu về cuối để dành tặng cho độc giả. Nhiều đoạn đặc sắc đạt đến độ tinh tế của văn chương, đạt đến độ nhạy cảm của tâm hồn. Dù biết sẽ trích dẫn dài, có thể làm phiền lòng những ai nhanh vội và lướt nhưng xin bạn đọc hãy cùng tôi nhâm nhi đọc chầm chậm từ từ để cảm nhận cái dư vị đầy thơ của tác giả về hoa đào “Có loài hoa nào thanh khiết và trong trẻo như đào? Có loài hoa nào trinh trắng và nguyên sơ như đào? Có loài hoa nào mang trong mình sứ mệnh thiêng liêng như đào? Và có loài hoa nào thân phận nổi nênh như đào?” Những câu văn như khêu gợi cảm xúc, tự chúng đã là những câu trả lời rồi.
Tác giả đã cảm nhận tinh tế và sắc sảo từ vẻ đẹp trinh trắng nguyên sơ bên ngoài đến thân phận nổi nênh bên trong; cây đào từ chỗ được nâng niu kén chọn vào nơi phong lưu thanh nhã trang trọng khi xuân về tới khi chúng lặng lẽ tan hòa vào đất, cành cội phiêu dạt mọi nơi khi xuân qua; từ chỗ được đón nhận tình cảm nồng hậu đằm thắm, trong trẻo và bao dung, thanh khiết và thánh thiện, hiến dâng trọn vẹn một lần đến chỗ phải tan vào hư vô, thiu thỉu nơi góc đường góc bãi. Vâng ngậm ngùi thương xót cho thân phận ngắn ngủi mỏng manh của hoa đào mà tác giả gọi đó là “thú chơi nông nổi của người đời”, mấy ai chơi hoa đào mà thấm thía được điều này. Cũng từ thân phận mỏng manh, ngắn ngủi, cháy hết mình cho cuộc chơi trần thế, tác giả liên hệ đến cuộc sống của con người “Chúng ta hạnh phúc không chỉ vì được sống bao lâu mà đã sống như thế nào trong khoảng thời gian ít ỏi giữa nhân gian…”. Đây là một quan niệm tích cực về hạnh phúc, hạnh phúc là dâng hiến, là mang đến niềm vui cho mọi người, đây cũng là một chiêm nghiệm chí lý đầy chín chắn và sâu xa, nó nhấn mạnh ở ý nghĩa dư vị dâng hiến và cái khởi sự quý giá, thiêng liêng, bởi cũng như đời người “Đào không có nhiều thời gian để rong chơi trần thế như bao nhiêu loài hoa cỏ khác, nhưng được cháy hết mình cho bổn phận gọi thức mùa xuân, gọi thức sự sinh sôi, gọi thức mọi khởi đầu…” (trang 87). Rồi sau một cuộc chơi dâng hiến, khoe tặng, sau những “vết cắt xót buốt đứt rời phần thân thể đẹp đẽ nhất, những gốc cội vẫn miệt mài tìm kiếm và đón chờ hơi thở trinh nguyên thanh khiết của xuân mới để nứt nảy những mầm chồi khỏe mạnh cho mùa hoa nở phía xa kia…”. Hoa đào có thể coi là một thiên đoản văn tuyệt bút, có thể tôi nói quá, nhưng trong say sưa, ngỡ ngàng và run rẩy, tôi đã đọc nó trong ấn tượng yêu thích như thế.
Tác giả Vũ Thanh Lịch đã gợi tả bằng chính những xúc cảm của một trái tim đầy rung động, một tấm lòng chiu chắt nâng niu trân trọng một giống hoa đã “hiến dâng nhan sắc” cho con người, rồi sau đó nhiêm nhường lặng lẽ tan vào hư vô. Đoạn nào cũng đặc sắc tinh gọn, từ nào cũng được dụng công mài giũa, có đoạn nào thua gì tùy bút của các bậc tiền bối như Thạch Lam, Vũ Bằng…tác phẩm xứng đáng được ghi nhận vào sách giáo khoa cho tuổi học trò lắm chứ. Đến Em về mua cái “run run phận người” là một phát hiện đầy chất suy tư “Người quê thật lạ, bao nhiêu thứ còi cọc xấu xí để lại mình ăn, rồi chọn cái tốt tươi ngon ngọt dành bán cho người. Đồng làng hình như cũng vậy….chắt chiu lúa thơm, cơm trắng cho người còn mình nhận lại đám gốc già mục lũa, tự mình làm giàu cho mình bằng cái thứ chẳng ai cần đến nữa”; là những khám phá tế vi tâm lý của người đi chợ, cảm nhận cái “bọt bèo của rau vườn quả bụi, những gom nhặt  chắt chiu dành dụm quê mùa, cái ngậm ngùi lấn cấn nước mắt quanh mi của những mẹ già đi bán hàng bị trả rẻ ngoài chợ phố”, phải trải qua “bao nhiêu khôn dại vui buồn, lờ lãi”, phải yêu thương lắm người quê mình, tác giả mới “phát hiện ra những mảnh hồn làng còn đâu đó khuất lấp trong những đua chen tinh mơ phố thị” để đau cho một món hàng bị trả rẻ, thương cho một mẹ già cắp mủng bán bưng…
Sau làng là phố, sau chợ quê là chợ phố, cơ chế thị trường nghiệt ngã đã nuốt chửng cái cát bụi trần ai lam lũ nghèo khó thay vào đó là những “dữ dằn, nghi hoặc”…bán mua. Những cảm nhận của tác giả đem đến cho ta cái đắng chát nơi đầu môi, và rồi kết thúc trong tiếng nấc gọi thăm thẳm tiếc nhớ móng mong “Đồng làng hỡi, đồng làng ơi, đồng làng còn có mưa rơi nắng vàng?…” đây đâu còn là văn xuôi trữ tình nữa, là thơ đấy chứ, một chất thơ đầy nhịp điệu, một chất thơ khoan nhặt tâm hồn đang chạy theo những tiết tấu nhịp điệu của cuộc sống xô bồ còn vơi vớt lại. Tập tản văn khép lại bằng văn khúc Áo choàng của mẹ,  tôi đọc trong rưng rưng nghẹn ngào, từ những giây phút ấu thơ bên mẹ tới ngày khoác áo vu quy, tôi hiểu cái tấm lòng đau đáu của người mẹ trong ngày vun vén cho cuộc “gả bán” con gái mình. Đọc Áo choàng của mẹ  tôi thương đến đứt ruột phận gái thuyền quyên theo chồng xứ lạ, nhớ cha thương mẹ, vậy nên có nhà thơ đã phải thốt lên: “Trăm năm họ bố đâu rồi/ Thương con phận gái về chơi nhà mình”. Mẹ ngắm nghía tác phẩm để đời của mẹ trước khi về nhà chồng, ôi thương quá, yêu quá tấm lòng người mẹ, thương ơi người con gái chơi vơi, chênh chao trong điệp khúc vu quy:
 “Mai mình thành người nhà người khác.
Mai anh mang mình ra khỏi bàn tay mẹ.
Mai mình gọi một người không sinh ra mình là mẹ.
Mai mình gánh trên vai thêm một gánh gì…”.
Từ tấm áo của mẹ, người con gái thấu hiểu tấm lòng người mẹ, vẻ đẹp nhân văn toát lên từ những chiêm nghiệm ngẫm nghĩ đầy suy tư trăn trở “liệu trên đời này có tấm áo nào làm con đẹp hơn tấm áo mẹ cất công đan dệt cho con từ thời khắc con hoài thai trong tim mẹ. Ngày mai, cùng với tình yêu và những đam mê, tấm áo của mẹ sẽ đủ rộng để con choàng phủ lên đoạn đường gồ ghề khúc khuỷu mà bước đi êm nhẹ như lướt trên những cánh hồng…”
Tản văn là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể trữ tình, tự sự, nghị luận,, miêu tả phong cảnh, khắc họa nhân vật mà không nhất thiết phải có cốt truyện, cái quan trọng là nó cần có tình cảm, ý nghĩ mang đậm cá tính tác giả, Vũ Thanh Lịch đã làm được điều ấy, nhà văn đã thủ thỉ tâm tình với người đọc bằng những câu chuyện nhỏ được nối kết với nhau theo những chuỗi chủ đề mạch lạc lúc man mác bâng khuâng xao xuyến, khi xúc động rưng rưng. Không chú trọng ở chất thời sự của đời sống đang diễn ra hằng ngày, Vũ Thanh Lịch đi sâu vào việc giãi bày, truyền tải những kỉ niệm vui buồn của tuổi thơ để đánh thức trái tim mỗi người. Trong vòng quay hối hả của miếng cơm manh áo hiện nay, con người ít khi lắng lòng lại để cùng nhìn về phía tuổi thơ, để cùng nghĩ về từng giây phút đã bị ta bỏ ngỏ, lãng quên hạnh phúc tuổi thần tiên của mình thì Đánh thức trái tim của Vũ Thanh Lịch đã cho ta sống lại, thức dậy trong hồn ta những khoảnh khắc êm đềm trong sáng, thoải mái nhất của tuổi thơ.
Ở tuổi bốn mươi, chị đủ thời gian để buồn để ngẫm ngợi sâu xa và nghiệm ra những triết lý cuộc sống từ những điều nhỏ nhặt. Xin đừng mặc định tản văn là thể loại dành cho những nhà văn tên tuổi, người trẻ cũng có thể tung tẩy dấn thân và để lại dấu ấn cho riêng mình, tập tản văn của Chị rất khéo léo lập được tứ để đi đến những cung bậc cảm xúc, những cái kết đầy suy tư chiêm nghiệm triết lý, khơi dậy những lớp trầm tích lắng sâu trong tâm hồn để mỗi người biết yêu thương trân trọng quá khứ, biết chắt chiu những khoảng lặng, những khoảnh khắc nhỏ nhoi vụt đến vụt đi trong cuộc đời. Đánh thức trái tim thiên về biểu lộ, thiên về khơi gợi chất thơ trong tâm hồn mỗi người, đặc biệt dành cho lứa tuổi 13+ nên ít nhiều hạn chế tính tương tác đối thoại mang tính xã hội thường thấy ở một số tản văn hiện nay, nhưng nó lại đạt được giá trị văn chương nhất định. Văn chương hay hay không còn ở sự nó có khơi gợi, giúp người đọc tìm thấy hình bóng mình trong mỗi câu văn hay không, có tìm thấy sự đồng cảm thổn thức sẻ chia hay không? Tản văn của Vũ Thanh Lịch đã làm được điều ấy chăng, đã chạm được vào tâm hồn trẻ thơ và mỗi người chúng ta chăng? Sau những dấu ấn ở thể loại truyện ngắn; sau những tên tuổi lớn như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Băng Sơn, Đỗ Chu, Y Phương, Nguyễn Quang Lập… tản văn của Vũ Thanh Lịch đang dự phần nhỏ tiếp nối sinh sôi cho một thể loại đã có từ lâu, thổi thêm vào không khí văn chương đương đại một ngọn gió mới để ta tin tưởng và hi vọng đây là một nhà văn trẻ còn rất giàu tiềm năng.
NGUYỄN VĂN NHƯỢNG
 
29/6/2021
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanvn.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ thiếu nhi của Lê Hồng Thiện Nhà thơ Lê Hồng Thiện còn có các bút danh khác: Lê Hồng Bảo Anh, Lê Lam Sơn, Lê Hồng Bảo Uyên, Lê H...