Thứ Ba, 3 tháng 1, 2023

Cha con tự nguyện

Cha con tự nguyện

Trích tiểu thuyết Xứ sương giăng, ông già bán xôi ở cây số sáu của Võ Anh Cương 
Tuất nghe thằng nhỏ kêu ba, bỗng nhiên anh thấy dậy trong lòng một niềm khoái cảm dâng lên.
Nhà văn Võ Anh Cương 
Tiệm xôi Lá chuối – 2012
Thắm đang ngồi trước quầy hàng, trên tay Thắm là cuốn sổ ghi chép những chuyện hàng ngày. “Thím Út dặn 10 hộp xôi gấc, in cho đẹp một chút để thím cúng cha”, “Nhớ mua thêm đậu phộng miền Trung, ngày mai con Viên mang hàng lên bán”, “Xôi gà nấu thêm một chút chớ tuần trước hơi ít, bán hết sớm”….
Thắm ít chữ mà trí nhớ lại kém nên chi cô phải ghi chép công việc hàng ngày để khỏi quên. Hồi nhỏ đang học lớp 7, Thắm nghe lời bạn bè bỏ học. Thấy con gái không đi học nữa, ba Thắm chỉ hỏi chiếu lệ, hàng ngày ông thường nói con gái mà học nhiều làm gì, lấy chồng xong rồi là thôi. Còn mẹ Thắm dường như cũng đồng ý với ba, bà thấy Thắm ở không bèn rủ con đi nhổ cỏ cà rốt với bà.
Nghề quét rác, nếu quét rác được gọi là nghề, chọn Thắm chớ Thắm đâu có tơ tưởng gì đến việc làm này. Chẳng là dì Tư, dì ruột của Thắm làm công nhân vệ sinh, một hôm dì bận việc mà không xin nghỉ được nên dì qua nhà năn nỉ Thắm giúp dì một ngày thôi. Một lần, rồi hai lần Thắm quen tay hồi nào không biết, vả chăng đồng tiền có sức mạnh vạn năng, nó lôi Thắm vào vòng xoáy của nó. Con gái mới lớn thích làm đẹp, mỗi lần đi chợ ngang qua hàng bán mỹ phẩm Thắm muốn đi mà đôi chân như đóng đinh, đôi mắt như bị thỏi son môi cột lại. Phải chi mình có tiền, cô nghĩ, mình sẽ tha hồ mua sắm theo ý mình chứ không phải xin tiền mẹ. Vậy là Thắm về làm đơn gởi công ty, nhằm vào lúc thiếu người ông giám đốc Bùi Đường quyết định tiếp nhận ngay cái rột.
Thắm đi làm, tiếng chổi tre vang trong đêm vắng hay sáng sớm đồng vọng vào hồn cô thiếu nữ. Thắm bịt mặt bịt mày để nắng không ăn da mặt và cũng là để không ai nhận ra được mình, dù sao nghề quét rác cũng khiến nhiều người mủi lòng cho một cô gái vừa mới lớn. Vậy mà như một định mệnh, khi Thắm vừa mở khẩu trang ra để lau mồ hôi thì Bằng vừa trờ xe tới. Anh thanh niên rậm râu nhìn sửng Thắm, không hiểu anh nghĩ gì mà tia mắt của anh khiến Thắm thấy nao nao. Bằng ít nói, anh chỉ thốt lên mấy tiếng ngắn ngủi khi nhận ra cô gái:
-… Ai như cô Thắm?
Đúng ra Bằng định nói “Ơ kìa ai như cô Thắm” như lời bản nhạc Cô Thắm về làng nhưng anh nuốt kịp hai tiếng đầu vào bụng. Làm sao Thắm không biết Bằng cho được, hai người ở cùng ấp, cái ngã ba nhỏ xíu đó đâu có rộng rãi gì? Cô cười:
– Anh Bằng đi đâu vậy?
Bằng ngượng ngập trước câu hỏi của Thắm. Chẳng là Bằng… nhát gái, chưa gì mà đã đỏ mặt tuy anh có bộ râu rất chi là nam tính! Bằng nhìn chiếc xe:
– Tui sửa xe cho khách chạy thử đến đây thì hết xăng, xui thiệt!
Biết xui biết hên hay ông trời cột hai người lại với nhau dưới gốc thông đường Hồ Tùng Mậu? Hai tháng sau Bằng ngỏ lời với Thắm, giọng Bằng run run:
– Thắm nè, tui có “chiện” muốn nói với Thắm!
Thắm cười:
– Anh nói đi, Thắm nghe?
Phải một lúc lâu Bằng mới thốt lên mấy tiếng:
– Là tui… tui… thích Thắm!
Thắm nguýt Bằng, cô nghĩ cái tiếng “yêu” sao không nói ra mà lại là thích? Bằng vào sự nhạy cảm của mình, Thắm biết tỏng Bằng yêu Thắm. Nhưng đến cao trào Bằng lại chỉ nói thích, thôi thì… thích cũng có nghĩa là yêu chứ sao? Thinh không cây thông tặng cho hai người một trái thông…
Nhớ đến chuyện đó Thắm cười mỉm một mình. Cô ngước mắt lên nhìn ra ngoài sân khi nghe tiếng xe ngừng lại. Một người phụ nữ cỡ tuổi Thắm bước vào, chị lột khẩu trang để lộ gương mặt khá xinh. Thắm đứng dậy chào:
– Dạ chị cần gì ạ?
Người phụ nữ chưa vội trả lời ngay, chị nhìn quanh như thể thầm đánh giá tiệm bán xôi, chị nói:
– Chà… tiệm bán xôi mà trang trí bắt mắt quá!
Thắm cười:
– Dạ, mình cũng phải trang trí một chút cho khách thấy vui mắt, hễ làm gì được cho khách hài lòng thì tiệm em sẽ cố chị à!
Người phụ nữ ngồi xuống chiếc ghế tựa theo lời mời của Thắm, chị hỏi:
– Cô là Thắm phải không, tôi được người quen giới thiệu tiệm xôi Lá chuối nấu ngon lắm. Ngày mai nhà có giỗ, tôi đặt cô hai mươi phần xôi hạt sen được không?
Thắm cười xởi lởi:
– Dạ được chị, chị cần bao nhiêu em phục vụ bấy nhiêu!
Người đàn bà đặt cọc một ít tiền chị nói:
– Ngày mai cô giao cho tôi đúng tám giờ, tiền tôi sẽ trả đủ. Tôi tên là Hương số điện thoại 0909090xxx, nhà ở tận Đức Trọng có phiền cô không?
Thắm cười:
– Dạ không sao đâu chị, xa mấy em cũng giao chỉ có điều xin chị thông cảm cho nếu có chậm năm mười phút!
– Không sao đâu cô, trưa tôi mới cúng!
Bà Hương này nhìn mình sao lạ quá, Thắm thầm nghĩ khi nhìn theo người đàn bà rồ ga chiếc xe máy lao lên con dốc cho đến khi không thấy nữa mới thôi.
Từ ngày thụ giáo nghề của ông Tuất, ban đầu Thắm định ngồi bán xôi chỗ của ông Tuất từng ngồi mấy chục năm nhưng thằng Minh không chịu:
– Mẹ tính coi, bây giờ là thời nào mà mẹ ngồi ở chỗ đó? Con nói thiệt cho dù xôi mẹ nấu có ngon cách mấy mà bụi bặm bám đầy thì có ai dám sà vô ngồi ăn?
Thắm ngớ người ra, cô nghĩ lời thằng Minh cũng có lý, bây giờ vệ sinh an toàn thực phẩm được đưa lên hàng đầu, hơn cả cái sự ngon hay dở. Nếu không ngồi ở ngã ba thì ngồi ở đâu để bán bây giờ, Thắm chưa nghĩ ra thì thằng Minh đã nói:
– Nhà mình cách ngã ba có bao xa đâu, sao mẹ không về nhà sửa chữa đôi chút để làm một cái tiệm bán xôi?
Thắm nhìn con, cô không nghĩ thằng con mình lại có ý đó, như vậy là… nó lớn rồi chứ có nhỏ nhít gì nữa? Thằng Minh bồi thêm:
– Nếu mẹ đồng ý, cứ giao cho con, con sẽ designe một tiệm bán xôi có 102!
Một tuần sau, tiệm xôi Lá chuối ra đời đậm chất teen, đó là Thắm nghe bạn bè của thằng Minh nói vậy, cô chẳng hiểu chất teen là chất chi chi?
 
2. Trà pha bằng sữa à, ai mà uống hả con? – 2013
Ông Tuất ở không mấy năm riết rồi cũng quen. Thiệt ra ông cũng có việc, những công việc đó vụn vặt chẳng ra tấm ra món gì cả nên không kể là công việc. Sáng sáng ông dậy sớm pha một bình trà uống xong vắt chân ngồi ngoài hàng hiên để “điểm danh” cư dân xóm trọ. Ai chưa đi làm mà đã tới giờ ông sẽ vô phòng kêu, đứa con nít nào khóc vang nhà trọ làm náo loạn sự yên tĩnh buổi sáng ông sẽ mang quà cho nó, lúc thì cái bánh, trái banh nhựa hay trái bóng bàn tuỳ thuộc vào việc ông lục trong tủ đồ của ông có thứ gì.
Sáng nay sau khi khu nhà trọ trọ nên yên tĩnh, đó là thời điểm học sinh đã đến trường, người lớn đã đi làm, trong dãy phòng chỉ còn lại nhà Lai ngủ bù vì lái xe trung chuyển ca tối cho nhà xe Thành Bưởi, ông Tuất chậm rãi xuống ngã ba coi “thế sự” có gì xảy ra không? Nhà ông trên đầu con dốc cách ngã ba chừng trăm mét nếu không cập nhật thông tin từng ngày coi như lạc hậu. Đã mấy chục năm lê lết ở ngã ba này, nơi mà tin tức trong làng ngoài xóm được phổ biến sớm nhất, ông có thói quen mỗi sáng để ý coi thử có cái gì “mới” không?
Sáng nay chỉ có mỗi việc con chó nhà bà Mừng bị đánh bả chết. Mới 5 giờ còn chưa rõ mặt người vì sương mù đang ngự trị, bà Mừng cho con chó ra ngoài đi vệ sinh. Thường ngày nó đi xong sẽ chạy vào nhà gọi bà đi thể dục nhưng sáng nay chờ hoài bà không thấy con Ki đâu. Bà ra cổng tìm chó thì vừa lúc đó một chiếc honda dừng lại trước cổng nhà bà, tên ngồi sau nhảy xuống ôm con chó chết rồi cả hai lên xe rồ ga chạy mất. Chuyện xảy ra trong vòng… một nốt nhạc như cách bọn trẻ hay nói. Bà Mừng đứng như trời trồng, bà không nói được tiếng nào và từ từ gục xuống. Cơn đau tim cấp làm bà nằm liệt mấy ngày, cũng may hàng xóm phát hiện kịp chứ không thôi bà Mừng đã ra người thiên cổ!
Ông Tuất chép miệng, thế sự đảo điên. Ở ngã ba cây số sáu này trước giờ trộm cắp rất hiếm, nay xảy ra cả đánh bả chó thì thiệt là hết biết. Không biết từ bao giờ món thịt chó du nhập vào vùng này, tại chợ chồm hỗm tự phát có cả hai quầy bán thịt chó sống. Chiều chiều bợm nhậu ghé mua miếng thịt, họ trăn qua trở lại con chó thui vàng nhe hàm răng nhọn hoắc để tìm miếng ngon, đúng ý nhất. Bây giờ mà ông Tuất qua chỗ bán chó để coi thử có con chó nhà bà Mừng không thì không được rồi, nơi này buổi sáng bán rau, chiều rau dọn đi nhường chỗ cho thịt chó. Vả, ông Tuất có ghé qua cũng vô ích, chó thui vàng thì còn lông đâu mà phân biệt được con Ki hay con Vàng?
Ông Tuất buồn tình đi dần xuống dốc, ngôi nhà xưa của ông giờ không còn nữa. Chủ mới đập ra xây thành một dãy nhà cho thuê mặt bằng buôn bán. Bây giờ ngã ba cây số sáu người đâu mà hội tụ về nhiều quá, ông Tuất nghe đủ giọng Nam, Trung, Bắc nên việc buôn bán phát đạt hơn trước rất nhiều. Ngôi nhà thằng Bằng cũng thay đổi, nhà cũ vợ chồng Bằng đập ra xây nhà mới một trệt một lầu được mấy năm rồi. Mặt bằng phía dưới Thắm làm tiệm bán xôi đặt tên Lá chuối. Ông Tuất cười thầm, xôi phải gói bằng lá chuối mới ngon, điều này ai chẳng biết mà lại lấy tên đó đặt?
Thấy ông Tuất đi ngang qua nhà, thằng Minh là con trai út của Bằng chào:
– Con chào ông nội, mời nội vô nhà chơi!
– Mẹ cháu có nhà không?
Thắm nghe tiếng ông Tuất, cô bỏ dỡ việc đang làm chạy ra chào ông. Ông Tuất thỉnh thoảng cũng ghé qua nhà cô coi thử Thắm làm ăn buôn bán ra sao. Thắm mời ông Tuất ăn xôi nhưng ông từ chối nói đã ăn rồi. Thiệt tình nói ra thì bội bạc chứ già rồi mà sáng ăn xôi dễ bị nghẹn, buổi sáng ông Tuất thường đặt một nồi cháo đậu xanh, lúc thì ăn với đường, muối hay cá cơm kho mặn.
Ông Tuất khoát tay nói:
-Bay làm gì thì cứ làm đi, để chú coi cái tiệm này một chút!
Thằng Minh nghe ông nói vậy, vẻ mặt nó háo hức:
– Nội thấy được không?
Ông Tuất ngắm một hồi, tiệm xôi này vừa bán hàng vừa làm nơi giao dịch đặt hàng. Bàn ghế trông có vẻ thanh mảnh với màu sáng, trên tường vẽ các bức tranh ngộ nghĩnh kèm các câu chữ Tây ông không rõ nghĩa. Có chỗ đặt hai cái ghế đối nhau, có chỗ bốn cái ghế, lại có chỗ chỉ một ghế kèm một cái bàn nhỏ ai ngồi vào thì mặt dòm vô tường.
Thằng Minh chờ đợi nhận xét của ông, nó thấy ông mải mê ngắm căn phòng mà không nói gì, Minh hỏi lại một lần nữa “được không hả nội?”.
Ông Tuất thủng thẳng hỏi:
-Ông nghe người ta nói phòng này con trang trí theo kiểu hiphop, tin tiếc gì đó phải không?
Thằng Minh cười, nó giải thích một hồi mà ông… không hiểu gì cả. Ông Tuất nhìn sửng thằng nhỏ, trong lòng ông dâng lên một cảm xúc khó diễn tả bằng lời. Thấy ông nhìn mình với cặp mắt lạ, Minh ngạc nhiên hỏi:
– Nội ơi, nội có bị sao không?
Thấy ông lắc đầu, Minh tiếp:
– Con định xin mẹ buổi chiều cho con bán trà sữa tới tối, còn buổi sáng mẹ bán xôi!
Ông Tuất nghe vậy lắc đầu:
– Trà pha bằng sữa à, ai mà uống hả con?
 
3.Quất ngựa truy phong – 1971
Trong khoảnh khắc thằng Minh cười, ông Tuất vụt nhớ lại chuyện xưa. Thật là kỳ lạ, ký ức thình lình xuất hiện không báo trước bằng bất cứ điều gì…
… Đang định về nhà kiếm cái gì ăn để tối về đơn vị, Tuất bị Hương chặn lại:
– Mới về à?
Tuất xuống xe, đá chân chống bên rồi trả lời bạn:
– Nè, không sợ cảnh sát “hốt” sao?
Chẳng là Hương trốn lính, Hương dọn vô trại trong Đất mới làm vườn, thấy cảnh sát đi lùng là anh chạy vô trong hố 1 hay xa hơn nữa là hố 2 – là hai thung lũng nhỏ, sâu cây rừng mọc ken dầy dưới chân núi Bà, Hương chờ đến khi trời sụp tối hay cảnh sát rút thì về. Nay thình lình thấy Hương xuất hiện ở ngã ba, Tuất không ngạc nhiên sao được?
Hương cười:
– Lâu lâu dù một phát, mấy thằng áo trắng làm sao biết tao giờ nào về nhà mà lần?
Nói xong Hương cười khơ khớ, chưa hết tràng cười Hương nói:
– Nghe nói mày làm cho con Loan có chửa phải không?
Tuất ngạc nhiên nhìn bạn, trong bụng Tuất nghĩ chắc thằng Hương cà rởn chơi nên nhìn bạn cười và cũng cà rởn trả lời:
– Chờ nó đẻ xong coi giống ai là biết liền!
Hương đanh giọng:
– Người ta nói mày chơi rồi quất ngựa truy phong, cái đó là không được, tội chết!
Nói xong Hương bỏ đi thẳng không thèm chào bạn. Tuất đứng chình ình giữa đường mà lòng ngổn ngang trăm mối. Câu nói của Hương còn hơn cả sự thật mà còn là một lời chửi rủa, thiệt là tệ! Đây là lần đầu Tuất nghe người ta đồn về mình, cũng phải thôi, Tuất nghĩ. Ai ở ngã ba này mà không biết Tuất “trồng cây si” cô Loan? Hai người lại ở cạnh nhau rất dễ để Tuất “tò te tút tít” với cô Loan lắm chớ!
Cơ sự bắt đầu từ lúc bụng Loan lúp xúp dưới lớp áo, chị Xíu bán cá là người đầu tiên phát hiện ra chuyện này. Hôm đó Loan đi mua cá, nghe mùi cá tanh chịu không nỗi cô chạy vội vào bụi trúc sau quán bà Hoá nôn khan. Chị Xíu nhìn theo nghi hoặc, đến khi Loan trở lại lấy cá chị thấy mặt Loan sường sượng, lông mày dựng ngược cả lên. Với một người đàn ba đã qua bốn lửa, chị Xíu không lạ gì chuyện bầu bì. Chị không dám hỏi thẳng Loan, Loan chưa có chồng mà hỏi kiểu này nhiều khi bị ăn chửi chứ chẳng chơi. Chị Xíu chỉ nói:
– Chà coi kìa, cô có bị trúng gió không mà sao tui thấy cô oẹ oẹ giống hồi tui có mang thằng cu quá!
Loan đỏ mặt lắc đầu, cô chụp ngay lý do trúng gió mà chị Xíu gợi ra:
– Dạ chắc trúng gió quá chị, em thấy ớn lạnh từ hồi tối tới giờ!
Hì hì… ớn lạnh từ tối tới giờ mà chỉ mới ngửi qua mùi cá đã ói muốn lôi cả ruột gan ra, chị Xíu nghĩ trong bụng. Với chị Xíu chuyện đó để lâu trong bụng khó chịu lắm nên chi chỉ trong buổi sáng tin cô Loan không chồng mà chửa lan khắp trong làng ngoài xóm.
Tin tức nóng hổi như có chân chạy nhanh như ngựa lại được các thông tấn viên hãng thông tấn vỉa hè ngã ba cây số sáu tô điểm để thêm “lộng lẫy”. Cái tên Tuất được xướng lên như là tác giả cái bụng lúp xúp của cô Loan. Người thì dè bĩu, kẻ thì lấy đó làm quà kể với người quen, chỉ có Tuất là không biết. Anh đang ở lính thì làm sao có mặt ở ngã ba để nhận thông tin?
Bây giờ nghe Hương quy kết mình là kẻ quất ngựa truy phong sau khi “chơi” cô Loan, Tuất vội chạy về nhà ngay để hỏi cho ra lẽ. Bà Sáu nhìn con nói:
– Má biết con không làm chuyện thất đức đó, còn con Loan chỉ khóc mà không nói cha đứa nhỏ trong bụng là ai cho dù má và bà Hai Thị dỗ dành hết sức!
Loan vẫn đi làm trại gà như thường, đến nước này cô không cần giấu giếm chuyện mình mang thai và cũng rất khó khăn để đối phó với miệng thế gian. Ông bà Hai Thị vẫn đối xử tốt với cô, ông Hai thường nghiêm mặt khi có người nhiều chuyện xía vô chuyện nhà ông:
– Dù sao con Loan cũng là đàn bà, bộ hết chuyện lo rồi sao?
Đúng vậy, thời buổi chiến tranh, tin tức chiến sự ngày càng dồn dập đổ về tới ngã ba. Nào là đôn quân, bắt lính, nào là chết trận, pháo kích… rồi cơm áo gạo tiền là nỗi lo của nhiều gia đình, ai cũng phải trữ cả tạ gạo trong nhà lỡ mà có chuyện gì thì có cái ăn, còn rau dưa thì thiếu khối gì ở ngoài vườn. Dân ngã ba đã trải qua cái đận năm 65, 66 lúc đó các “ông nội” đắp mô ở đèo Chuối, gạo không chở về được dân tình xôn xao một thời…
Lần đầu tiên Tuất thấy mặt thằng nhỏ là lúc nó lên một tuổi, bà Hai Thị bồng cháu qua nhà bà Sáu chơi. Thằng Bằng lần đầu thấy Tuất nó không sợ mà lại mỉm cười. Bây giờ nụ cười lại nở trên môi thằng Minh, cũng cái miệng đó không lẫn vào đâu được!
 
4. Ủa… vậy là sao? – 2014
Bằng kéo cổng, bóp ổ khoá rồi lên xe chạy theo Văn. Chiều nay Văn ghé qua vườn nhà Bằng chơi khá lâu. Bằng rủ Văn về nhà mình, lâu quá hai người không có dịp “nâng lên đặt xuống” với nhau. Văn điện thoại kêu thêm Kim và hẹn với bạn ở nhà ông Tuất anh sẽ đem mồi lên. Ông Tuất chưa bao giờ từ chối bữa rượu của bộ ba tuy ông chỉ uống vừa với sức mình nhưng lại ngồi đến cuối biền. Ông thích nghe bọn họ nói chuyện, nhất là Văn, bởi là nhà báo nên Văn đi nhiều biết lắm. Kim cũng vậy, tay tài xế này chạy khắp trong Nam ngoài Bắc, gặp lắm chuyện lạ lùng lại có tài kể chuyện khá có duyên.
Chiều nay bốn người “hội” với nhau tại phòng bếp nhà ông Tuất. Thiệt lạ, hồi giờ họ chỉ nhậu ở nơi này chứ không phải là phòng ăn hay phòng khách. Dường như tại bếp, tuy có chút chật chội nhưng lại thấm đẫm tình thân.
Ông Tuất mở đầu câu chuyện sau khi nâng ly đầu tiên lên làm cái trót:
– Nè, tui hỏi mấy cậu lâu nay đi nhiều, biết lắm có cái gì lạ và hay kể ra nghe chơi?
Văn cười:
– Chú ơi, đi nhiều biết lắm đôi khi cũng… bể cái đầu. Có chuyện mình thấy vậy nhưng thiệt ra không phải vậy!
Không biết tay nhà báo nhà văn này muốn ám chỉ điều gì, ông Tuất nghĩ. Còn Bằng như thường lệ anh ngồi im nghe mọi người nói chuyện. Đám tóc rậm của Bằng mà có lúc ông Tuất kêu bằng giống cây xà lách cô rôn đang lắc lắc. Không ai để ý đến cử chỉ đó của Bằng, đơn giản ba người kia đều nhìn Văn chờ anh nhà báo nhà văn nói tiếp. Văn cười:
– Con đi tác nghiệp thường không dám kết luận ngay một sự kiện hay công việc nào đó mà phải xem xét kỹ. Bút đã phóng xuống rồi thì chữ còn đó chứ không như lời nói theo gió bay đi, vậy mà đôi khi cũng bị tổ trác như thường!
Văn nghĩ không biết ông Tuất có ý gì khi biểu mình kể chuyện lạ? Nếu là chuyện chốn quan trường, làm nghề báo Văn cũng biết ít nhiều những chuyện thuộc loại “thâm cung bí sử” không biết đúng sai tới đâu nhưng những mưu mô thì là có thật. Người Tàu có câu chơi với quan như chơi với cáo còn chơi với vua như chơi với hổ, buồn buồn bị hổ “tát” là chuyện bình thường. Còn làm quan mà không thủ đoạn thì trước sau gì cũng rớt đài… mà ông Tuất chỉ là “thứ dân” thứ thiệt có nói ra ông cũng không hiểu và chắc cũng chẳng quan tâm. Những chuyện đó Văn cũng không viết thành báo được, bản thân mình muốn sống với nghề thì phải tự duyệt bài trước khi sếp tổng duyệt. Văn rắp tâm ghi nhận những chuyện đời này để về sau đem viết tiểu thuyết.
Vậy thì ông Tuất hỏi chuyện lạ là chuyện gì, Văn tự hỏi. Còn Bằng đang ngẫm nghĩ mấy tiếng thấy vậy mà không phải vậy của ông nhà báo nhà văn. Anh đang “ốt dột” nói theo kiểu mấy mụ Huế khi nghĩ về mình. Lâu nay ám ảnh về mùi hương lạ từ thân thể Thuỷ thỉnh thoảng vẫn trở về với Bằng, chuyện xảy ra thì đã xảy ra rồi, Bằng cũng đã nguôi ngoai, thôi không tự dằn vặt mình nữa, tất cả đã trở thành vết sẹo thời gian. Đó là trong tâm thức Bằng cảm thấy như vậy nhưng không thể diễn ra bằng lời. Còn hành động của Bằng thật là đầy trách nhiệm, Hương bạn Thuỷ nghĩ như vậy về Bằng, có điều không bao giờ Bằng nghe lời nhận xét đó. Đơn giản, thỉnh thoảng Bằng vẫn ghé nhà Hương thăm con gái, đứa con bất đắc dĩ Bằng góp sức tạo ra. Người ta hay nói rằng con rơi thường giống cha như tạc. Quả nhiên là vậy, không cần phải giới thiệu khi gặp Bằng và bé Bơ người ta nhận định ngay rằng hai người chắc có quan hệ huyết thống, bé Bơ là bản sao của Bằng. Bằng chỉ đến nhà gặp bé Bơ khi Hương báo cho biết Thuỷ đi vắng….
Còn anh tài xế thì lại khác. Lâu nay Kim chuyển qua chạy xe hợp đồng, anh mua một chiếc xe 7 chỗ chuyên chạy đám cưới, chở khách đi chơi… nên gặp chuyện lạ chuyện hay không ít. Nhưng chuyện lạ, chuyện hay ở nơi khác đâu bằng chuyện tại nơi này, trong nhà ông Tuất?
Từ ngày quen ông Tuất đến nay kể cũng khá lâu, Kim biết chuyện người ngã ba cây số sáu dị nghị về chuyện ông Tuất là cha của Bằng nhưng ông Tuất không xác nhận mà cũng chẳng phủ nhận chuyện này. Hôm nay mình phải “thiết kế” sao cho sự thật từ miệng ông già nói ra, Kim nghĩ như vậy. Anh nói:
– Chuyện lạ thì đầy ngoài đường chú ơi, con có quen một ông tài xế chạy đường dài, ổng kể có tới mấy chục vợ. Tỉnh nào đi qua ổng cũng có một bà nhưng cuối cùng chú biết sao không, cuối đời ổng ra một cái đảo ở Kiên Hải sống một mình… Đời này ai cũng có số hết phải không chú?
Không để ông Tuất kịp phản ứng, Kim nói tiếp:
– Chuyện con kể lạ thì có lạ nhưng đâu có lạ bằng chuyện ở đây?
Ông Tuất ngạc nhiên:
– Chuyện ở đây là chuyện gì?
Kim cười:
– Con nói ra chú đừng có la nghen?
Ông Tuất cười gật đầu, đến đây Kim mới nói huỵch toẹt:
– Chuyên ở ngã ba này ai cũng nói chú là ba ruột Bằng, nhiều lần tụi con hỏi rồi nhưng chú chỉ cười cười. Hôm nay đủ mặt, vậy chú nói đi, có phải chú là ba của Bằng không?
Nghe Kim nói vậy, Bằng chấn động trong lòng. Anh ngồi thẳng dậy chăm chú nhìn cái miệng của ông Tuất.
Ông Tuất cười thủng thẳng nói:
– Tưởng chuyện gì… chuyện tui với thằng Bằng nói là cha con cũng đúng mà không phải cha con cũng không sai!
Cả ba người không hẹn mà cùng thốt:
-Ủa… vậy là sao?
 
5. Cha con tự nguyện – 1972
Ông Tuất nói tiếp:
– Là vầy: tui không sinh ra thằng Bằng nhưng tui với thằng Bằng “tự nguyện” trong chuyện nhận cha con!
Bằng không hiểu ý ông Tuất muốn nói điều gì, cái gì là “tự nguyện”? Cả Văn và Kim cũng vậy, họ đang chú ý nghe ông Tuất giải thích thêm. Đúng vậy, đây là lần đầu ông Tuất xác nhận mình không phải là cha đẻ của Bằng chứ những lần trước ông chỉ cười cười rồi lãng qua chuyện khác.
Mắt ông Tuất bỗng nhiên vương một nét buồn nhưng ngay lập tức ông lấy lại vẻ tự nhiên như chưa hề biểu lộ điều gì. Đó là nhận xét của Văn nhưng anh không nói gì chỉ im lặng lắng nghe. Ông Tuất giải thích:
– Hồi đó lúc thằng Bằng khoảng hơn một tuổi, một hôm mẹ tui qua nhà bà Hai ẳm thằng Bằng về nhà chơi…
… Buổi sáng mặt trời chưa lên dù đã hơn bảy giờ, sương mù giăng giăng tứ phía. Tuất cho xe chạy chậm, bật đèn pha mà chỉ thấy con đường trước mặt chừng vài mét. Tuất đang về thăm nhà, trung tá Đệ cho Tuất biết ngày mai cắm trại trăm phần trăm, nội bất xuất ngoại bất nhập, ai ra đường không có sự vụ lệnh bị QC (quân cảnh) hốt ráng chịu. Tuất chạy ngang trường tiểu học, lác đác vài đứa học trò đã mang cặp táp đến trường. Tuất cười mỉm khi nhớ lại những ngày mình còn đi học, buổi sáng đến trường học từ tám giờ đến mười một giờ, buổi chiều học từ hai giờ đến năm giờ. Khi nghe tiếng trống in phoa (un foid – trống báo sắp vào giờ học, thường đánh trước 15 phút) Tuất mới bắt đầu đi học bởi nhà Tuất cách trường chỉ vài trăm mét. Một tay Tuất xách cặp táp, trong đó đựng sách vở, cây viết ngòi lá tre, cục gôm, cây thước bằng gỗ có khắc đến từng mi li mét và… mấy hòn bi, tay kia thằng học trò thò lò mũi xanh mang bình mực. Không hiểu sao lúc đó Tuất chỉ thích màu mực tím cho dù có năm thầy cô chỉ cho học trò sử dụng mực xanh. Chuyện làm đổ mực trên sách vở, tay chân hay quần áo là chuyện thường xuyên xảy ra, nhất là với đám con trai…
Vừa dụng xe chưa kịp bước vô nhà, Tuất đã thấy bà Sáu từ nhà bà Hai Thị bước ra, trên tay bà ôm một bọc gì đó màu trắng. Tuất bước vội về phía mẹ miệng nói:
– Má ơi, má ôm cái gì đó để con ôm cho!
Bà Sáu nhìn lên thấy con trai, bà mừng rỡ nói:
– Tuất hả con, con về thăm nhà hay được nghỉ phép?
– Chiều con đi liền má ơi, để con ôm cái gì đó cho?
Bà Sáu vội quay qua một bên kịp khi Tuất giơ tay ra:
– Ấy không được đâu, con ẳm không được thằng Đùng đâu?
Tuất ngạc nhiên:
– Thằng nhỏ à, nó ở đâu ra mà má ẳm nó vậy?
Hai mẹ con vô nhà, bà Sáu đặt thằng nhỏ nằm lên giường, nó đang ngủ ngon lành trong một đống khăn lông màu trắng tinh. Bà Sáu vừa cho thằng nhỏ ngủ vừa nhỏ giọng nói với Tuất:
– Con con Loan, thằng con trai “dễ ghét” lắm!
Hai mẹ con đi ra nhà ngoài, Tuất nghe bà Sáu nói vậy trong lòng anh nẩy lên một cảm giác khó tả. Cảm giác đó trộn lẫn giữa nỗi buồn và sự bùi ngùi, Tuất thấy như có cái gì đó vỡ vụn trong lòng mình nhưng chính xác là cái gì thì anh chịu. Bà Sáu nói tiếp:
– Sáng nay con Loan đi làm, bà Hai gởi cháu cho má coi giùm một chút bị bà phải đi quán mua đồ!
Lâu nay Tuất cố quên cô hàng xóm nhưng hình như càng muốn quên thì hình ảnh Loan càng hiện diện trong hồn anh. Mãi mãi Tuất không thể nào quên Loan, Tuất hứa với lòng mình như vậy. Bây giờ thì thôi rồi, Tuất không còn tơ tưởng một chút gì đến cô gái ấy…
Đang nghĩ ngợi như vậy Tuất bỗng giật mình khi thấy bà Sáu giơ tay quơ quơ trước mắt mình, Tuất hỏi:
– Má làm gì vậy?
– Lạy trời con tỉnh rồi, má cứ tưởng con bị làm sao… khi không lại ngồi đực mặt ra vậy? Hay là con đói, để má nấu cho con một gói mì cua con ăn nghen?
– Má ơi con không sao đâu, thằng nhỏ là con của ai với Loan hả má?
Bà Sáu lắc đầu ra vẻ không biết. Thật vậy chuyện Loan có bầu rồi sinh ra một thằng con trai kháu khỉnh đã trở thành câu chuyện nóng hổi ở ngã ba cây số sáu này một thời gian dài. Người ta bàn ra tán vô đủ thứ mà trọng tâm ai cũng muốn biết cha đứa nhỏ là ai? Cô Loan không “khai” ra ai là tác giả cái bầu của cô, khi sinh con lại càng im lặng ai là cha đứa nhỏ. Vài người mặt dày hỏi thẳng bị ông Hai mắng cho tối mặt. Cũng phải thôi, nó là cháu ông bà, ông bà không có con đem nó từ quê vô nuôi nay lại bị người đời dè bỉu không tức mới lạ. Ông Hai không cần biết cha đứa nhỏ là ai, ông tuyên bố thẳng như vậy, miễn là ông có đứa cháu bồng là ưng bụng rồi. Ai ở không soi mói ông sẽ cho biết tay, là ông hăm như vậy. Quả nhiên sau khi ông Hai có thái độ chính thức dư luận xẹp dần rồi dứt hẳn…
Bà Sáu kể đầu đuôi cho Tuất nghe, nghe xong anh con trai thở dài đánh thượt… Thằng nhỏ ò ẹ thức giấc, bà Sáu và Tuất cùng đứng dậy vô phòng ngủ. Bà Sáu nựng:
– Bà đây… bà đây, cục cưng thức rồi à?
Đang mút tay thằng Đùng bỏ tay ra nhìn Tuất bỗng nhiên nó nở nụ cười, cái miệng nhỏ xíu bi bô:
-Ba… ba… ba!
Tuất nghe thằng nhỏ kêu ba, bỗng nhiên anh thấy dậy trong lòng một niềm khoái cảm dâng lên, Tuất nói:
– Ê cu, mày nhận tao làm ba hả, vậy thì tao có con trai rồi, hè hè…
Thằng Đùng vẫn toét miệng ra cười khoe hai cái răng sữa nhỏ xíu, hai tay hai chân nó dãy đành đạch làm như nó hài lòng lắm lắm….
… Ông Tuất kết luận:
– Là như vậy đó, mới đó mấy chục năm như một cái chớp mắt, các cậu thấy có đúng không?
Không ai trả lời ông cả, dường như mỗi người trôi theo cảm xúc của mình!
 
27/1/2021
Võ Anh Cương
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...