Thứ Năm, 5 tháng 1, 2023

Đến với bài thơ hay "Lấp lánh vầng trăng trôi dạt dưới chân cầu"

Đến với bài thơ hay "Lấp lánh
vầng trăng trôi dạt dưới chân cầu"

Những hình ảnh đối lập trong bài thơ đã làm tăng thêm sức ám ảnh, bộc lộ bao nỗi niềm trắc ẩn của nhà thơ trước cuộc đời.
Lấp lánh vầng trăng trôi dạt dưới chân cầu
Rơi bóng xuống dòng sông mê mải đục – trong con nước
Tròng trành những gương mặt người trong hạnh ngộ cơn say
Những cung bậc thảo nguyên, vô thức sự sinh tồn tàn khốc
Thế gian những tầng cao thấp, phũ phàng sự chiếm hữu vô tâm
Tất cả mọi niềm vui đều cũ, chỉ nỗi buồn là mới nguyên.
(Thơ Tạ Hùng Việt)
Lời bình của Nguyễn Văn Hòa:
Lấp lánh vầng trăng trôi dạt dưới chân cầu, được viết theo thể thơ 1-2-3*; đây là một bài thơ hay của nhà thơ Tạ Hùng Việt. Đọc bài thơ, tôi có cảm giác nhà thơ đang trải lòng mình trước cảnh thiên nhiên, thế sự. Những hình ảnh đối lập trong bài thơ đã làm tăng thêm sức ám ảnh, bộc lộ bao nỗi niềm trắc ẩn của nhà thơ trước cuộc đời. Ngay nhan đề bài thơ đã tạo nên ấn tượng, giàu chất thơ với hình ảnh đẹp, trong trẻo nhưng cũng dự báo trước điều bất bình thường sẽ xảy ra. Vầng trăng đẹp, lung linh ấy lại “trôi dạt” dưới chân cầu. Tạ Hùng Việt dùng từ trôi dạt ở chỗ này rất độc đáo. Để từ đấy nhà thơ có cơ sở để nói đến những sự việc diễn tiến sau đó. Thủ pháp nhân hóa, ẩn dụ góp phần làm cho câu thơ trở nên sinh động, có hồn, tạo nên những dư ba.
Rơi bóng xuống dòng sông mê mải đục – trong con nước
Tròng trành những gương mặt người trong hạnh ngộ cơn say
Nhà thơ Tạ Hùng Việt
Những cặp phạm trù đối lập: đục – trong, cao – thấp, vui – buồn, cũ – mới; cùng với việc dùng những từ ngữ tạo ấn tượng: mê mải, tròng trành, hạnh ngộ cơn say, vô thức, sinh tồn, tàn khốc, phũ phàng, chiếm hữu, vô tâm. Mỗi câu chữ là một nốt nhạc trầm, vừa gợi mở vừa lắng sâu, nỗi buồn man mác, giăng mắc và tạo nên những xốn xang, rung cảm. Lời thơ nhẹ nhàng, êm trôi như dòng chảy của cảm xúc. Đó là sự lắng lòng mình để dõi theo từng nhịp đập của cuộc sống.
Tạ Hùng Việt phác họa ra bức tranh đời sống muôn mặt với nhiều ẩn khuất lắm nỗi tỏ tường. Cái hay là nhà thơ không đi sâu vào bình luận, lý giải, phân tích những khía cạnh nội tại mà bản thân những câu chữ anh viết tự nó đã có sức lan tỏa và mở ra trong chiều sâu liên tưởng của bạn đọc.
Những cung bậc thảo nguyên, vô thức sự sinh tồn tàn khốc
Thế gian những tầng cao thấp, phũ phàng sự chiếm hữu vô tâm
Chỉ 69 chữ, trong 6 dòng thơ mà nhà thơ đã chuyển tải nhiều thông điệp, giãi bày  những dòng cảm xúc phức hợp, đa chiều trước những bản thể hữu hình của đời sống. Sự vô ý thức, sự tàn khốc, phũ phàng, vô tâm… của con người, của những tầng lớp thấp cao sẽ gây nên những hệ quả xấu, những cảnh tượng đau lòng, buốt nhói con tim.
Ở bài thơ này, điều đặc biệt là Tạ Hùng Việt không dùng từ ngữ nào trực tiếp để nói về nỗi buồn nhưng ẩn đằng sau những lời thơ có vẻ tự nhiên đó là sự dằn vặt, xa xót. Nhà thơ bàng bạc những nỗi lo âu khi nhìn thấy những điều không hay đang hiện hữu trước mắt. Ranh giới giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa niềm vui và nỗi buồn có vẻ mong manh. Và nỗi buồn bao giờ cũng chiếm ưu thế.
Câu kết của bài thơ là một chiêm nghiệm, tổng kết khá chí lý: Tất cả mọi niềm vui đều cũ, chỉ nỗi buồn là mới nguyên. Sau mỗi cuộc vui, con người ta ngẫm ngợi, nhìn nhận lại thì thấy thấm thía nỗi buồn và dường như cuộc đời này niềm vui chỉ là thoáng chốc, nỗi đau là bất tận triền miên.
Với lối quan sát tinh tế, sự suy tưởng sâu sắc, Tạ Hùng Việt đã đem đến cho người đọc triết lý chân thực, thấm đẫm chất trí tuệ.

21/12/2022
Nguyễn Văn Hòa
Nguồn: Văn hóa và phát triển
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...