Thứ Năm, 5 tháng 1, 2023

Sự biến động bất khả nắm bắt của quyền lực

Sự biến động bất khả
nắm bắt của quyền lực

Tiểu thuyết lịch sử Lâu đài sói của Hilary Mantel là tác phẩm đồ sộ, phác họa một cách sống động và chân thực những biến động trong đời sống chính trị và xã hội của Vương quốc Anh dưới triều đại vua Henry đệ bát từ năm 1527 đến năm 1535. Bằng cách xoáy sâu vào cuộc đời của một nhân vật đầy mơ hồ và bí ẩn trong lịch sử, thái sư Thomas Cromwell, tác giả cuốn tiểu thuyết đã lần theo những nấc thang thâu tóm quyền lực của nhân vật này, để rồi từ một số phận cá nhân nhỏ lẻ mà dựng lên được cả khung cảnh một thời đại. Lâu đài sói đem về cho Mantel giải thưởng Man Booker danh giá năm 2009, và phần tiếp theo, Bring up the Bodies, tiếp tục mang về cho bà giải này năm 2012, đưa Mantel vào danh sách những tác giả hiếm hoi hai lần đoạt giải thưởng Booker.
Nhà văn Hilary Mantel (1952-2022)
Câu chuyện Lâu đài sói mở đầu kịch tính với cảnh miêu tả cậu bé Thomas Cromwell nằm trên mặt đất nhận những cú đạp trời giáng từ cha mình, một lão thợ rèn nát rượu. Với một thân thể bầm dập đau đớn, song cương quyết thoát khỏi sự bạo hành của người cha vô nhân tính, Cromwell lên đường trốn khỏi thị trấn. Và số phận của cậu đổi thay từ đây. Mantel đã miêu tả thật chi tiết bằng cách nào mà Cromwell, một kẻ xuất thân hèn kém, một kẻ chẳng là ai, lại leo lên chức vị cao nhất trong triều đại Henry VIII thế kỷ XVI, thái sư - cánh tay phải của nhà vua suốt mười năm quyền lực.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Mantel cho biết bà có thể cung cấp một cách nhìn khác, và từ đó viết khác đi về nền trị vì của Henry VIII, là nhờ vào Thomas Cromwell, bởi khi bà đặt mình vào vị trí và góc nhìn của Cromwell thì mọi thứ trong lịch sử thay đổi hẳn. Trong khi độc giả Anh có thể biết rất rõ về đời sống chính trị của nhân vật này, thì đời sống riêng tư của ông ta hầu như lại không được biết đến. Suốt ba mươi tới bốn mươi năm đầu đời của Cromwell, tư liệu ghi chép về ông hoàn toàn trắng xóa, thế rồi vào một ngày đẹp giời, Cromwell đột ngột bước ra ánh sáng, và trở thành bá tước Essex. Nếu với người viết tiểu sử, Cromwell là một cơn ác mộng, thì với một tiểu thuyết gia, ông là mảnh đất lý tưởng để bung trổ biệt tài hư cấu, tưởng tượng. Cromwell, dưới sự sáng tạo của Mantel, khác hẳn so với các quan niệm cũ mà ở đó ông vốn bị coi là một kẻ ác, kẻ chuyên thâu tóm quyền lực cá nhân và đẩy bao số phận vào đường cùng qua lớp vỏ cải cách. Ở Lâu đài sói, Cromwell là hiện thân của một người đàn ông tận tâm vì gia đình, hết mực trung thành, và vì thế nhiều lúc trở thành tay sai của (nhiều) người chủ tồi tệ. Những miêu tả của Mantel cho thấy Cromwell là một nhân vật đa tài đến trí trá, thức thời đến thực dụng, luôn ung dung tự tại mà chuyển biến mọi hoạn nạn thành lợi thế cho bản thân.
Mantel xây dựng song song hai quá trình: sự ngoi lên quyền lực của Cromwell, đi liền với những lời đồn đoán về mối quan hệ giữa tay nhà vua và phần trên đầu gối của người tình, tiểu thư Anne, và việc nước Anh tìm cách ra khỏi Âu châu, ra khỏi Giáo hội La Mã, để tách riêng thành Anh giáo. Độc giả hiện đại sẽ có cảm giác như đang chứng kiến một cú Brexit từ thế kỷ XVI. Tất cả các tình tiết được đan xen, cài cắm, trở thành một mạng lưới những câu chuyện được kể vô cùng rành rọt và hấp dẫn. Cao trào của truyện, không chỉ là việc hoàng hậu Katherine bị truất ngôi, và Anne Boleyn được phong hoàng hậu nhờ vào việc Henry VIII sở hữu quyền tối cao, mà còn là việc Henry từ nay không còn phải khiến cả vương quốc khánh kiệt vì tặng quà tiền mặt mỗi lần muốn chạm vào “vùng tự do” của Anne.
Lâu đài sói - Tiểu thuyết của Hilary Mantel do 
Nguyễn Chí Hoan chuyển ngữ, NXB Văn học 2016, 
đã đạt giải thưởng hạng mục dịch thuật 
của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
Đi hết Lâu đài sói, người đọc sẽ nhận thấy, chuyện lịch sử vương triều Anh hóa ra lại là những chuyện bình thường đến tầm thường. Đó là việc tìm kiếm một đứa con trai nối dõi, việc cố gắng lọt vào hàng ân sủng của nhà vua và việc hết được ân sủng thì số phận sẽ bi đát ra sao, việc một cô gái cương quyết không lên giường của hoàng thượng, giữ gìn trinh tiết vĩnh viễn để kích thích sự ham muốn của nhà vua, từ đó chiếm lấy ngôi vị hoàng hậu, việc nhà vua muốn li dị vợ cũ bằng cách đổ oan cho bà rằng bà không còn trinh khi lấy mình… Nhưng bện chặt với những câu chuyện đời sống này là những biến chuyển lớn trong đời sống tinh thần lẫn vật chất của người dân Anh, mà Thomas Cromwell đóng vai trò chủ chốt trong việc kích đẩy. Đó là việc chỉ ra Thiên Chúa giáo của Giáo hội La Mã nắm quyền tuyệt đối trong đời sống người dân, là việc nỗ lực thoát ra khỏi sự kiểm soát của giáo hội để cho nước Anh cơ hội độc lập, là việc cố gắng cải cách và thay đổi luật của nghị viện, là việc đem lại cho người dân quyền tự chủ trong diễn dịch lời của Chúa vào cái thời đại dịch Kinh thánh từ tiếng Latinh sang tiếng Anh có thể bị kết án là dị giáo và bị thiêu sống hoặc chém đầu, vì dám chống lại độc quyền đọc và hiểu nó của các linh mục…
Lâu đài sói đã phác dựng chân dung của những nhân vật quyền lực ở giữa một bối cảnh đầy rẫy đổi thay và bạo lực. Sự sụp đổ của hồng y Wolsey là do nhân vật này vừa cứng nhắc vừa đánh giá thấp khả năng của cô gái ngực lép Anne Boleyn. Phần trên đầu gối của Anne, váy được kéo lên bao nhiêu phân thì sự khao khát của vua Henry VIII được kích thích bấy nhiêu, cũng là bấy nhiêu cơ hội để Cromwell thành đạt. Chính Cromwell, mềm dẻo và khôn khéo, dần dần phải bắt tay với Anne để hạ bệ các đối thủ khác và khẳng định vị trí của mình. Điều mà hồng y Wolsey không làm được thì Cromwell đã hoàn thành xuất sắc, và cùng với cuộc ly dị của Henry VIII là cuộc ly giáo của nước Anh.
Các nhân vật của Mantel đều đi lại đầy sức sống trên trang sách của bà. Một vua Henry VIII được khắc họa ở đủ góc cạnh, hiện lên là một nhà vua thông minh, hay đòi hỏi, lại độc đoán và đồng bóng đến lố bịch. Một tiểu thư Anne Boleyn khôn khéo đến gian manh, đem trinh tiết và nhan sắc ra làm món nhử, tìm mọi cách duy trì mối quan hệ không tình dục với nhà vua suốt bảy năm. Mantel còn dành sự chú ý cho những nhân vật tưởng như mờ nhạt không có vai trò gì trong lịch sử, chẳng hạn như một cô hầu gái hay khóc lóc của Anne.
Vốn là người không hứng thú với thể loại tiểu thuyết nhiều độc thoại nội tâm, và hầu như không thể đọc nổi một cuốn truyện của nữ văn sĩ Virginia Woolf, Hilary Mantel đổ đầy hành động vào cuốn sách của mình. Các nhân vật của bà luôn hành động, luôn suy tính, luôn di chuyển. Với giọng kể dí dỏm, cùng những đối thoại đầy màu sắc, Lâu đài sói là một cuốn tiểu thuyết lịch sử tạo nên sự cuốn hút lớn với độc giả nhờ những chuyển biến tình tiết vô cùng mau lẹ. Toàn bộ câu chuyện về Cromwell được kể ở thì hiện tại, một phá cách đặc biệt so với tiểu thuyết truyền thống phương Tây, nơi mọi sự kiện luôn được đặt trong thì quá khứ và được nhìn từ một điểm nhìn xa xôi. Mantel cho biết, bà viết mà như đang thấy tất cả sự kiện trong truyện diễn ra trước mắt mình. Bằng cách dùng thì hiện tại, tác giả cung cấp một cái nhìn trực tiếp, thẳng thắn và trong suốt vào các nhân vật của mình, đặc biệt là Thomas Cromwell. Hiệu ứng thẩm mỹ ở đây là, mọi diễn tiến như được nhìn trực tiếp bằng con mắt của nhân vật chính, và các nhân vật của Mantel như không phải là những nhân vật lịch sử được kể lại từ điểm mốc thời gian năm trăm năm sau, mà đang sống rất chân thực trong chính lịch sử. Trong thế giới nghệ thuật tiểu thuyết của nữ tác giả, người đọc có cảm giác như chính mình đang hiện diện trong lịch sử, và lịch sử đang hiện diện trong chính mình.
Tiểu thuyết của Mantel là một minh chứng cho hình thức hư cấu hòa quyện mẫu mực với sự thật lịch sử. Lịch sử không đông cứng, mà sống động, năng sản qua những trang viết của Mantel.
18/12/2022
Quyên Nguyễn
Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...