Thứ Hai, 2 tháng 1, 2023

Giới thiệu tiểu thuyết "Gương mặt loài Homo Sapiens" của Trần Như Luận

Giới thiệu tiểu thuyết
"Gương mặt loài Homo Sapiens"
của Trần Như Luận

Nhà văn Trần Như Luận Sinh năm 1955 Thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế, Tốt nghiệp đại học Y khoa Huế năm 1980, hiện đang sống và viết tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Là ủy Viên Ban Chấp hành, Chi hội phó Chi Hội văn Học thuộc Hội VHNT tỉnh Bình Định.
Ông viết nhiều thể loại; Thơ, truyện ngắn sáng tác, thơ và truyện ngắn dịch,  truyện dài, tiểu thuyết, biên khảo. Từng cộng tác với: Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Thằng Bờm, Ngàn Thông (trước 1975); Tuần báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Tạp chí Văn nghệ TP HCM, Văn chương Phương Nam, Kiến Thức Ngày Nay, Quán Văn, Sông Hương, Văn nghệ Bình Định, Tạp chí Non Nước, Tạp chí Sông Lam (sau 1975 tới nay). Tác phẩm ông từng góp mặt trong 1000 Nhà Thơ Huế Đương Thời (tuyển thơ, 2008), Tuyển Truyện Ngắn Hay Báo Văn Nghệ 2008 (tập truyện) v.v…
Văn chương phương Nam trân trọng giới thiệu tiểu thuyết GƯƠNG MẶT
LOÀI HOMO SAPIENS do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2022.
Nhà văn Trần Như Luận
Chương 1
Một ngày đầu xuân 1948, Billy Smith ngồi đăm chiêu trước xấp văn bản chi chít chữ. Gã tự hỏi, không biết thứ tiếng sử dụng nơi văn bản này là ngôn ngữ gì. Người đánh máy những trang chữ quái lạ này là ai? Liệu nó quan trọng tới mức nào?
Gã lẳng lặng buông cặp kiếng cận xuống bàn, đứng dậy bước dần ra hành lang.
Bên ngoài, trời đang nắng. Ánh nắng chói chang rọi lên rặng hoa trout lily cánh vàng nhị nâu ở góc sân khiến chúng càng trở nên rực rỡ. Thời tiết Bang Virginia mùa này thật dễ chịu. Vài cơn gió lướt qua khoảnh sân rộng làm xao động hàng cây sumac lấp thấp. Phía bên kia con dốc, cây dogwood cao cao, tua tủa nhiều cành đã trổ hoa trắng xoá; vài bông hoa lững lờ bay trong gió. Gã có cảm giác tâm hồn mình nhẹ nhàng hòa nhập vào cái không gian thoáng đãng, êm đềm, thanh thoát ấy.
Nhưng chỉ một lát, trong đầu gã, mọi thứ vẫn không thôi tiếp diễn. Ôi, cả văn bản quả là cái mớ bòng bong! Tại sao những từ atomu, atomu lặp đi lặp lại nhiều lần như thế, với ý nghĩa gì? Nội dung tập tài liệu thực ra có liên quan gì tới vấn đề vũ khí nguyên tử[]? Liệu nó thực sự chứa đựng điều gì bí ẩn chăng?
Lạy Chúa, ta chưa tìm ra manh mối gì cả. Vậy cuộc họp chiều nay sẽ ra sao?
Là sĩ quan tình báo trưởng trạm Công Gô, được giao những nhiệm vụ bí mật tuyệt đối, Billy Smith đã nhiều lần trực tiếp gặp thiếu tướng Hillenkoetter, giám đốc CIA (Cục Tình báo Trung ương); song lần này, gã thấy lo lắng vô cùng.
Rồi gã nghĩ: Tại sao với sáu mươi trang dày đặc chữ, sau khi được hội đồng ngôn ngữ thẩm tra suốt hơn nửa năm trời, câu trả lời bằng văn bản cũng chỉ là:
Chúng tôi cho rằng văn bản này gõ trên một loại máy đánh chữ cổ lỗ sĩ mà các nước văn minh bây giờ không còn dùng tới nữa []. Còn thứ tiếng được sử dụng không phải là tiếng Yoruba như một số chuyên gia Phân ban ngôn ngữ đặt nghi vấn lúc ban đầu. Có vẻ nó là một thổ ngữ ở châu Phi. Ngôn ngữ đó đã được alphabet hóa rất tinh tế, và có lẽ là thứ tiếng của một bộ tộc quá xa lạ với nền văn minh.
Billy Smith quay gót vào phòng. Lòng gã không yên. Gã quyết định nhấc điện thoại xin gặp ngài giám đốc. Gã mạnh dạn kiến nghị hoãn buổi họp chiều nay. Gã thưa, cho đến giờ này, chưa giải mã được. Rồi gã hứa, sau một thời gian sẽ có câu trả lời chính thức.
Thoạt đầu, thiếu tướng Hillenkoetter chẳng mấy hài lòng. Nhưng đến cuối câu chuyện, ngài dặn gã cứ chủ động lên kế hoạch. Ngài còn nhắc, hãy tập trung vào các sự vụ chính yếu làm cho học thuyết Truman[] phát huy hiệu quả chứ không cần tìm tòi thêm những điều mới lạ làm chi.
Billy thở phào nhẹ nhõm. Tạm thời gã thoát nợ. Gã định ra về thì Jenny đỏng đảnh bước vào. Gã toan thốt lên “Anh đang bận!” thì cô nàng đã nhoẻn miệng cười với đôi môi hồng thắm, để lộ đôi hàm răng trắng sáng. Billy thoáng thấy đôi vồng ngực hấp dẫn của Jenny nhấp nhô gợi cảm.
Không ai bảo ai, đôi bạn trẻ lẹ làng nép sát vào phía sau cánh cửa, ôm chầm lấy nhau, môi kề môi, ngực áp ngực, mắt nhắm nghiền, lòng lâng lâng niềm cảm xúc mãnh liệt. Họ có thể cảm nhận cả tiếng tim của nhau – tiếng tim dồn dập như tiếng ngựa phi nước đại cùng bay lên một khung trời đầy mây trắng và các vì sao.
Nhưng một lát, Billy chợt nhớ tới những phút giây ân ái tuyệt đỉnh bên cô nàng Linda chân tình của gã cùng nhiều việc phải làm tại Công Gô trong tuần tới. Vì vậy, gã khẽ đẩy người cộng sự nữ sang một bên:
– Jenny, xin lỗi, giờ anh phải đi!
Disanka là cô gái hai mươi tuổi, người làng Osake, thuộc ngoại ô Léopoldville[], nước Công Gô thuộc Bỉ. Cô nhỏ nhắn, xinh xắn, có phần nhí nhảnh. Mắt cô đen lay láy, cùng nụ cười hiền lành toát ra vẻ trong sáng, hồn nhiên.
Cô làm việc cho một công ty trồng cao su và khai thác mỏ do người Bỉ đứng ra cai quản. Lâu nay, nhờ học nghề kế toán ở người cha nuôi giàu kinh nghiệm, đồng thời sử dụng tiếng Pháp thành thạo, cô được giao nhiệm vụ điều hành mười mấy nhân viên chuyên dự trù vật tư, tính toán mọi khoản thu chi cho cả công ty.
Hằng ngày cô phải gặp biết bao hạng người. Ông Nicolas Victor, người mà ai cũng quen gọi là ông chủ đồn điền nghe đâu là hậu duệ của hoàng đế Leopold II[]. Gần cuối thế kỷ trước, vị vua Bỉ ấy đã chiếm trọn mảnh đất Công Gô rộng lớn này làm của riêng. Y thâu tóm một gia tài khổng lồ toàn ngà voi và cao su nhờ bóc lột tận gốc rễ sức lao động của dân nô lệ. Đến thời ông Victor cũng chẳng thua kém gì: Ông cai quản hằng vạn hecta đất rộng bát ngát tại khu ngoại ô Léopoldville để trồng và khai thác mủ cao su. Ông sở hữu luôn hằng nghìn thợ mỏ và các cơ sở khai thác kim cương, cobalt và đồng tại Mabaya, Kawama và cả Kolwezi nữa. Thế nhưng, ông xem đám thợ mỏ ấy không ra gì. Hằng ngày họ phải tự tay đào hằng trăm mét khối đất trong điều kiện thiếu dụng cụ lao động, hầm mỏ có thể sập bất cứ lúc nào, vậy mà ông chẳng đoái hoài tới tính mạng của họ. Họ được trả lương nhỏ giọt để cầm hơi. Hầu hết gia đình lâm vào cảnh túng quẫn; nhưng họ đành phải cắn răng chịu đựng.
Disanka cũng không chịu nổi mấy gã đốc công hung ác và dâm ô. Ỷ vào sự bảo bọc của ông chủ, chúng thường ra tay đánh đập thợ mỏ hoặc quấy rối tình dục một số nữ công nhân đồn điền cao su. Mỗi khi đám người khổ sở ấy đến nhận lương hằng tháng, Disanka đều nhận ra vẻ mặt và tâm trạng não nề của họ.
Thời gian qua, Disanka đã nhiều lần gặp anh chàng Blaise người Pháp. Cô nhận ra tình cảm mình dành cho anh ngày càng sâu sắc. Nhưng cô không dám suy nghĩ nhiều. Nghĩ tới anh để làm gì trong khi bản thân cô có là gì đâu! Đồng lương quá ít ỏi. Nếu không có sự giúp đỡ của người cha nuôi ở trung tâm thành phố, liệu cô có cầm cự qua ngày được đâu.
Cho nên đối với Disanka, Blaise thân thiết đó, gần gũi đó, mà quá xa tầm tay.
Song, điều đáng nói là Disanka đã dành cho chàng trai ấy nụ hôn đầu đời vô cùng dịu ngọt. Trái tim cô luôn thổn thức, rộn ràng khi nghĩ tới anh. Đêm đêm, hoặc bất cứ lúc nào rảnh rỗi, cô vẫn không thôi tơ tưởng tới cảm giác thân thương, tê dại, đầy quyến rũ khi nhận được nụ hôn của chàng thanh niên ngoại quốc ấy.
“Phải lòng một chàng trai quý tộc phương Tây thì chỉ có nước chết!” – Disanka tự nhủ nhiều lần trong ngày như thế để cố gắng tập trung vào công việc.
Bỗng có người báo, cô có khách. Disanka tần ngần bước ra cửa. Cô hoàn toàn choáng ngợp trong sự bất ngờ pha lẫn chút lo lắng và mừng vui. Anh Blaise đứng đó. Dáng vẻ cao lớn, oai phong và hiền. Nụ cười rạng rỡ, hồn nhiên. Anh không có chút gì đáng sợ như các ông thực dân người Bỉ.
Disanka định kiếm ghế mời anh ngồi, nhưng mọi cử chỉ đều trở nên vụng về. Như mọi khi, anh ấy mở lời trước:
– Khỏe không, Disanka? Lâu lắm rồi anh mới sắp xếp công việc để rời Paris sang đây đấy nhé!
Disanka định nói “Em rất mừng”, nhưng cô gần như líu lưỡi. Mấy giây sau, cô ấp úng:
– Em nhớ… đã ba tháng chín ngày em chưa gặp lại anh.
Blaise nhoẻn miệng cười. Anh nói nhỏ vào tai cô anh rất nhớ cô. Anh khoe rằng anh vừa đến Công Gô bằng trực thăng. Anh còn bảo, lúc nào cô thích, anh sẽ đưa cô bay lơ lửng trên bầu trời chơi!
Disanka vui lây với niềm vui vừa thể hiện qua giọng nói và ánh mắt anh. Nhưng cô biết mình không nên tiếp anh vào giờ này. Cô khéo dặn ngày mai Chúa nhật, nếu được, cô sẽ sắp xếp đi chơi sau buổi lễ nhà thờ.
Sáng Chúa nhật, khi Disanka bước ra khỏi Nhà thờ Chánh tòa thì người đàn ông đầu tiên cô gặp không phải là Blaise Sanchez. Cô hơi bối rối nắm tay Imani, bạn cô, bên cạnh. Trái tim cô gần như đập loạn xạ khi người đàn ông có bộ râu quai nón bất ngờ bảo rằng ông cần cô đến công ty ngay sáng nay.
Disanka khẽ chau mày. Nhưng một cách nghiêm nghị, ông chủ đồn điền bảo có rất nhiều số liệu cần xác định lại trong sổ thu chi.
Mặc dù đã hẹn với anh Blaise nhưng Disanka không thể tìm ra lý do gì để từ chối ông ta. Cô lúng túng vô cùng. Nhưng rồi cô tâm sự với Imani, nhờ bạn ấy đứng đợi ở cổng nhà thờ, khi gặp anh Blaise thì nhớ nói giúp cho cô vài câu.
Xong xuôi, Disanka lên xe cùng ông chủ. Lúc đến nơi, văn phòng công ty thật vắng. Nắng lên rực rỡ cả khoảnh sân rộng. Trời đã bắt đầu oi bức. Sau gần hai tiếng tập trung vào công việc, ông Victor khá hài lòng với những lời giải thích chí lý của cô. Lúc chia tay, ông chìa bàn tay đầy lông lá ra bắt, và khen cô thông minh.
Rủi thay, khi bước ra hành lang vắng, cô tình cờ gặp tay đốc công Bỉ khét tiếng dâm đãng. Muộn rồi! Cô muốn quay lại phòng ông chủ để tìm sự chở che, nhưng không kịp.
– Chào cô bạn! – tên quỷ sứ chặn đường nói. Lần này cô đừng né tránh tôi nữa nhé. Tôi yêu cô mà, Disanka!
– Lạy Chúa! Hãy xê ra cho tôi đi!
– Hôm nay Chúa nhật mà em! Chúng ta hãy ở bên nhau một lát đi! – gã thực dân man rợ vừa nói vừa sấn tới, dồn Disanka vào tường.
Gần như toàn thân Disanka bị hắn đè vào đó. Đôi cánh tay nhỏ nhắn, yếu đuối của cô làm sao chống cự nổi sự cuồng bạo của tên quỷ dữ. Disanka có cảm giác ngạt thở. Trong nước mắt và hận thù chất ngất, cô la toáng lên:
– Ông chủ ơi! Cứu con! Ông chủ ơi!
Nhưng mọi bề im phăng phắc. Hắn ghì chặt Disanka; hai cánh tay như hai gọng kìm siết chặt đôi tay yếu ớt của cô. Cả cái bụng to ềnh cùng vòm ngực đầy lông lá để lộ ra sau chiếc sơ mi trắng đẫm mồ hôi đè chặt vào thân thể thon gọn của cô.
Disanka nghe rõ tiếng thở dốc man rợ của hắn. Cô thấy cả bầu trời sắp đổ. Nỗi nhục nhã ê chề chiếm hết tâm trí cô. Cô không thở nổi. Quá uất nghẹn. Cô ráng la lên:
-Gã khốn nạn! Xê ra! Xê ra… Chúa ơi!
“Rầm!”
Disanka bỗng nghe một lực xô đẩy thật mạnh khiến toàn thân tên quỷ sứ nhào xuống đất. Cô trông thấy anh Blaise xuất hiện với hai nắm tay khỏe khoắn trước ánh mắt khiếp đảm của kẻ dâm ô. Xa hơn một quãng là Imani, bạn cô.
– Disanka! Hắn không hại được em đâu! – Blaise cố nói to để trấn an cô.
Rồi anh trầm giọng:
– Nhất định anh sẽ báo chuyện này với ngài Victor. Em đừng sợ!
Chú giải:
1. Tiếng Anh, ATOM nghĩa là NGUYÊN TỬ, về sau gọi là HẠT NHẤN.
2. Người ta muốn ám chỉ loại máy đánh chữ do Shoilz sản xuất rộng rãi tại Mỹ năm 1873. Máy này được xuất khẩu sang Pháp, Bỉ và một số thuộc địa của các nước ấy.
3. Học thuyết do tổng thống Mỹ Truman đề ra vào tháng Ba 1947 nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản.
4. Đây là tên gọi cũ của thành phố Kinshasa, thủ đô Cộng hòa dân chủ Công Gô ngày nay.
5. Tên đầy đủ của ông vua này là Léopold Louis Philippe Marie Victor.
Chương 2
Từ thuở còn thơ, Imani và Marie đã gánh chịu bao khổ đau, giằng xé đầy nước mắt chỉ vì bố mẹ xung đột nhau. Hai chị em chưa kịp lớn đã bị chia cắt: Marie ở lại với mẹ tại thành phố Fort-Lamy; còn Imani được đưa sang Công Gô xa xôi sống cùng bố.  
Tại thủ đô Công Gô Bỉ, nhà phía nội của Imani và nhà cha nuôi Disanka ở kề nhau. Chính vì vậy, Imani kết thân với Disanka khi còn ấu thơ.
Do chính trị bất ổn, kinh tế khó khăn, việc học hành ở hầu hết các trường đều bị bỏ bê. Hai bạn không được đến trường. Nhưng vì cha nuôi Disanka từng là nhà kinh doanh giỏi, hai bạn đã học được rất nhiều điều từ ông. Bố Imani là nhạc công trong ca đoàn nhà thờ. Chính nhờ hai ông thường xuyên bảo ban nên hai bạn đã nhanh chóng trưởng thành trong một môi trường giáo dục đàng hoàng.
Theo truyền thống gia đình, cả hai đều là tín hữu Công giáo La Mã. Không Chúa nhật nào họ không cùng nhau tay trong tay đến nhà thờ. Tình bạn của họ nảy nở thật đằm thắm.
Ngay buổi chiều hôm đó, từng nấc một, hai bạn hồi hộp và thận trọng bước lên chiếc trực thăng do anh Blaise điều khiển. Tiếng cánh quạt khổng lồ xoay vù vù. Tiếng động cơ nổ ình ịch. Cảm giác rời khỏi mặt đất thật thú vị. Quả là khi nhìn từ trên cao, quang cảnh Léopoldville quá đẹp. Nó tựa như tấm thảm nhung đa sắc màu. Nó bao la bất tận, với chi chít những kiến trúc lớn nhỏ đan xen trên một nền xanh lá cây trải rộng. Họ thỏa thích ngắm nhìn cả những đám mây đang chập chờn lơ lửng tựa như những dải bông gòn trắng lững thững trôi trong nắng.
Trong khi Disanka không ngớt la lên: “Ôi! Lạy Chúa, tại sao mọi thứ đặc sắc đến thế nhỉ! Em thích quá! Thích quá!” thì Imani chỉ tấm tắc: “Ồ, đẹp thật, anh Blaise!”.
Imani được anh Blaise nhận vào làm tại một phân xưởng dệt may gần chỗ làm của Disanka. Cô được giao nhiệm vụ ghi chép hàng hóa xuất nhập kho và liệt kê năng suất công nhân. Cô thầm cảm ơn “ông chủ trẻ” đã tạo cơ hội để cô vượt qua giai đoạn vô công rồi nghề đã âm thầm “gặm nhấm” trí não cô bấy lâu nay.
Sau một tháng cật lực với công việc, quay về khu trung tâm Léopoldville cách chỗ làm của cô chừng mười ki-lô-mét, Imani đem xấp tiền ra khoe bố. Ông Kazadi rạng rỡ nhìn cô. Giọng ông đầm ấm:
– Bố biết rồi! Đây là thu nhập của con sau một tháng làm cho ngài Blaise Sanchez chứ gì? Con khiến bố rất vui!
– Bố ơi, con định mời bố và Disanka, cả anh Blaise nữa, cuối tuần đi ăn tiệm. Bố thấy vậy được không?
Ông Kazadi khẽ gật đầu. Ông nhẹ nhàng xoa đầu con. Rồi ông nói lên ao ước nếu giờ này có cả Marie bên cạnh, chắc bố con mình tha hồ mà vui.
Imani chạnh lòng nhớ tới đứa em gái bấy lâu xa cách. Đã mười mấy năm cô chưa có dịp gặp lại, không biết dạo này Marie lớn tới đâu. Cô cũng rất nhớ mẹ. Ôi, người mẹ lận đận thuở nào; giờ mẹ ra sao? Nghĩ tới đó, hai hàng nước mắt ấm nóng lăn dài trên má cô.
Buổi tiệc tối hôm đó quá vui! Ông Kazadi mừng ra mặt khi nhận thấy con gái đã trưởng thành. Trong lúc cao hứng, anh chàng Blaise đưa ra đề nghị trong một ngày không xa, cả nhóm sẽ tổ chức đi chơi tận Fort-Lamy để có dịp biết tới quê ngoại của Imani. Ông Kazadi vui vẻ nhận lời.
Nhưng phải đến mấy tuần sau, dự định của họ mới trở thành hiện thực. Bốn người vừa trẻ vừa già gồm cặp đôi Blaise – Disanka, và hai bố con Imani cùng lên đường. Họ thích thú và hồi hộp leo lên chiếc trực thăng do anh Blaise lái.
Sau khi cất cánh, phi cơ cứ nhắm thẳng hướng bắc mà bay.
Nhìn từ trên cao, thành phố Fort-Lamy vô cùng quyến rũ. Vì trời mưa nhẹ, quang cảnh thành phố thơ mộng nằm bên dòng sông Chari gần chỗ hợp lưu với sông Logone trở nên chập chờn, huyền ảo lạ.
Trực thăng đáp xuống bãi cỏ rộng mênh mông; chim chóc hoảng vía bay tứ tán. Sau khi thuê ô tô đi dần vào trung tâm thành phố, mọi người thỉnh thoảng bắt gặp vài nhóm người tụ tập bên đường. Nghe nói thành phố rộng thênh nhưng dân số chỉ vào khoảng hai mươi nghìn. Người ta bày bán muối, chà là và ngũ cốc khắp nơi dù trời cứ mưa lất phất.

Nơi đầu tiên họ tìm đến là nhà bà Kazadi. Do đường sá và nhà cửa đã có nhiều thay đổi, phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới tìm ra khu phố của những người Công giáo La Mã, nơi chôn nhau cắt rốn của hai chị em Imami.
Từ trong ngôi nhà cũ kỹ tường vôi loang lổ, một phụ nữ luống tuổi chậm rãi bước ra. Ông Kazadi gần như không tin vào chính mắt mình! Lạy Chúa, tại sao thời gian có thể biến người vợ lanh lợi, hoạt bát năm xưa trở thành người chậm chạp, tật nguyền và đờ đẫn thế này!
Bà Kazadi tỏ ra ngạc nhiên khi gặp lại chồng con.
Imani đứng thừ người ra. Mẹ cô chầm chậm bước tới, quàng tay ôm lấy đứa con thơ ngày nào mà khóc. Nước mắt giàn giụa. Bà than rằng bà là người bất hạnh nhất đời. Sau khi hai bố con Imani ra đi, bà và bé Marie khi ấy mới ba tuổi đã gặp phải tai họa khủng khiếp. Cuộc đụng độ giữa đội quân kháng chiến ở quê bà với thực dân Pháp khiến bà trúng đạn ở đùi; hậu quả, bà không thể đi lại bình thường được. Còn Marie bị găm mảnh đạn ở vùng thái dương, dù người ta đã phẫu thuật, vết thương đã liền sẹo, nhưng con bé cứ ngơ ngẩn suốt ngày.
Sốt ruột, ông Kazadi cất tiếng hỏi:
– Bây giờ con bé ở đâu? Tôi muốn gặp con!
Bà Kazadi nhăn mặt:
– Ối giời! Thân tôi tật nguyền, làm sao nuôi nổi nó! Tôi gửi vào cô nhi viện. Sau đó người ta nhận về nuôi. Giờ thì đã lớn lắm rồi.
– Bà đưa tôi đến chỗ con bé, được không?
Bà Kazadi cau có:
– Ông thật đáng trách! Tại sao suốt hằng chục năm giời, ông không tìm gặp mẹ con tôi? Bây giờ nó là con thiên hạ, ông tìm gặp có ích gì!
Ông Kazadi giải thích rằng, chính ông cũng trải qua không biết bao nhiêu gian nan mới nuôi được Imani tới ngày hôm nay. Rồi cả đoàn cùng nhau lên đường theo hướng dẫn của bà Kazadi.
Anh Blaise khéo sắp xếp nhường hai hàng ghế trước cho vợ chồng bà và Imani, còn anh và Disanka bước vào hàng ghế sau. Chú tài xế là một người bản địa đen đỉu; da chú đen nhất, bóng nhất so với những người còn lại. Disanka bất ngờ với tay lên vỗ vai bạn:
– Imani! Hôm nay vui quá phải không? Chưa bao giờ mình cảm thấy thú vị như thế này!
– Đúng vậy! Cuộc đoàn tụ kỳ diệu này là nhờ anh Blaise cả đấy!
Nói xong, Imani hướng mặt ra đằng sau, mỉm cười với anh chàng người Pháp, tỏ vẻ biết ơn. Xe lăn bánh hơn 10 ki-lô-mét thì dừng lại trước một ngôi nhà đồ sộ với nhiều hàng cây xanh mướt ở sân vườn. Theo lời bà Kazadi, bố mẹ nuôi của Marie quê ở Ai Cập, rất có tiếng tăm tại làng ngoại ô này.
Bé Marie bây giờ đã 18 tuổi. Thoạt đầu cô hơi ngỡ ngàng bối rối, nhưng sau một hồi cũng biểu lộ được niềm vui mừng và nỗi xúc động khi gặp lại người thân. Gương mặt cô có đôi nét hao hao giống chị. Nhưng nhìn kỹ, mọi người có thể nhận ra mắt cô hay giần giật một cách bất thường.
Ông Abaza, bố nuôi cô kể rằng, cô chính là niềm hãnh diện của gia đình ông. Mới đây, cô được Trường Năng khiếu Tổng hợp mời đi phiên dịch cho một số đoàn khách ngoại quốc. Mặc dù đọc văn bản hơi chậm vì bị rung giật nhãn cầu, nhưng Marie có trí nhớ hoàn hảo. Cô nói tiếng Pháp rành rọt và nhiều ngôn ngữ khác, kể cả các thổ ngữ tận các vùng thượng du xa lắc.
Sau một hồi lắng nghe Marie đối đáp bằng tiếng Pháp một cách trôi chảy với những cấu trúc câu và từ ngữ đặc sắc, Blaise có lẽ là người tỏ ra kinh ngạc nhất. Anh nói với ông Abaza, người đàn ông tóc muối tiêu:
– Thưa ông, các nhà tâm lý học nói đúng: Khi bị sút giảm chức năng một giác quan nào đó, người ta sẽ được tạo hóa bù đắp bằng cách tăng độ tinh nhạy ở một giác quan khác. Marie có lẽ là một trường hợp điển hình như thế, ông ạ.
***
Chiều xuống. Chiếc trực thăng của anh Blaise cất cánh quay về nơi xuất phát. Sau hơn hai tiếng đồng hồ bay lơ lửng, họ đã về đến làng Osake, ngoại ô Léopoldville, đáp xuống đồng cỏ rộng bát ngát.
Điều quái lạ đập ngay vào mắt họ là cả một góc trời phía đông nam sáng rực. Quan sát kỹ, hóa ra lửa đang bốc cháy dữ dội từ phía khu quản trị công ty Victor. Hơi lửa tỏa ra hừng hực đến mức, khi mọi người chưa kịp rời khỏi buồng phi cơ đã cảm nhận được độ nóng của nó.
Bước ra, họ nghe những tiếng la thất thanh từ xa vọng lại:
– Lửa! Lửa! Dập lửa nhanh lên!
– Cháy to quá! Lấy nước tới mau lên!
– Lạy Chúa! Xin Ngài cứu chúng con!
Disanka và mọi người đều hết sức bàng hoàng. Cả khu làm việc của cô, dãy phòng của các ông đốc công cùng phòng ngủ và phòng làm việc của ông Victor đều ở trong biển lửa. Mùi cao su, mùi củi khô, mùi gỗ cháy lan tỏa khét rẹt cả không gian.
Người ta thấy từ bên trong, ông chủ đồn điền hớt hải chạy ra, áo quần xộc xệch; phong thái nghiêm nghị, đường bệ thường ngày của ông biến mất. Thay vào đó là vẻ thất thần, khiếp đảm, hoảng loạn. Nửa chới với muốn cầu cứu, nửa bộc lộ sự điên tiết tột cùng. Nhưng mặc ông loay hoay thế nào, lửa vẫn ngùn ngụt cháy.
Chương 3
Vụ hỏa hoạn kinh hoàng ở khu quản trị công ty Victor gây thiệt hại trầm trọng cho ông chủ đồn điền và lắm tai tiếng cho giới cầm quyền Công Gô Bỉ. Riêng Disanka gánh chịu hai chuyện phiền phức: Một mặt, cô bị ông chủ quở trách nặng nề vì hầu hết các bảng kê thu chi quan trọng đều cháy rụi. Mặt khác, cô không có chỗ ngồi, buộc phải ôm đống sổ sách nặng trịch sang làm việc tận khu nhà tạm của mấy gã đốc công mà từ lâu cô ghét cay ghét đắng.
Ông Victor đúng là dữ tợn. Với mái tóc thô cứng và dày khiến đầu ông như đầu sư tử, ông thẳng tay chỉ mặt Disanka, quát tháo vang trời, đe dọa trừ lương. Disanka cố chịu đựng. Nhưng bản mặt hung ác ấy và những câu nói mỉa mai của mấy đồng nghiệp lâu nay thường hay ganh ghét cô cứ ám mãi vào tâm trí cô.
Cuối tháng Tám 1948, khoảng ba tháng nản lòng sau ngày xảy ra vụ cháy, cô quyết định bỏ việc. Anh Blaise và Imani hết lời khuyên can, nhưng cô không nghe. Cô khẳng định cô không thể chịu đựng sự ức hiếp quá đáng của người Bỉ thêm một ngày nào nữa.
Đúng thời điểm đó, anh Blaise chính thức ngỏ lời cầu hôn Disanka. Anh rót vào tai cô những lời êm ái ấy khi tới thăm cô tại nhà. Cô lưỡng lự mãi. Phải đến mấy tuần sau, với sự khuyên nhủ của Imani và nhất là sự thôi thúc của người cha nuôi, Disanka mới chịu gật đầu.
Lễ cưới được chuẩn bị khá công phu, tỉ mỉ. Blaise tìm hiểu mọi thứ để cố công thực hiện sao cho vừa phù hợp với truyền thống của người Công Gô, vừa ra vẻ tân thời như ở các nước châu Âu. Anh đứng ra làm thủ tục hành chính ở tòa thị chính. Tại nhà Disanka, anh tự tay thiết kế mẫu thiệp cưới và lên danh sách đúng một trăm người để chuẩn bị gửi thiệp. Anh đích thân cắt sẵn một trăm mảnh vải voan nhỏ xíu và chuẩn bị cuộn dây len màu đỏ. Anh bảo đó là mỹ tục lâu đời của người Pháp. Cứ đến cuối buổi tiệc, khách sẽ được tặng mỗi người một nhúm kẹo xinh xinh gói trong miếng vải voan màu, thắt dây len. Cô dâu chú rể sẽ đứng ở ngưỡng cửa mỉm cười trao từng người món quà xinh xắn đó.
Nhưng gần ngày cưới, đột nhiên mọi người chẳng thấy Disanka đâu cả. Ông Ilunga (cha nuôi của Disanka), cùng với anh Blaise và Imani ra sức tìm kiếm khắp nơi, nhưng không ai tìm ra cô. Mãi ba ngày sau, ông Ilunga tiếp được một cú điện thoại chớp nhoáng. Disanka nói ngắn gọn là cô đi xa, vẫn khoẻ mạnh, nhưng không nói rõ đi đâu, rồi cúp máy.
Blaise vô cùng bực bội, bối rối. Anh vừa lo cho Disanka, vừa thấy buồn lòng. Hơn một tuần sau, anh bất ngờ nhận được bức thư của Disanka do Imani chuyển đến. Anh vội vàng bước vào phòng riêng, hồi hộp xé phong bì ra đọc.
Anh Blaise thân yêu! Em thật có lỗi với anh. Em không biết nên nói sao đây để anh hiểu rõ tâm tư của em vào giờ phút này.
Em yêu anh kể từ khi chúng mình gặp nhau lần đầu. Hơn một năm qua, em cũng cảm nhận được tình yêu anh dành cho em ngày thêm sâu đậm.
Nhưng anh ơi! Sai lầm lớn nhất đời em là em đã chọn đất nước khốn khổ này để sinh ra và vùi đời mình vào đây. Em đoan chắc rằng dù chúng mình cưới nhau thành vợ chồng thì trong tương lai không xa sẽ có nhiều trắc trở mà cả anh lẫn em đều không thể nào vượt qua được đâu.
Công Gô giờ đây vẫn hết sức lạc hậu. Mọi thứ đều nghèo nàn thậm tệ! Không những nghèo về của cải, tiền bạc, mà cả về cách sống và cách nhìn nhận vấn đề. Anh biết không, khi em vô tư sánh bước cùng anh ở bất cứ nơi đâu, biết bao cặp mắt luôn nhìn em một cách khinh bỉ, biết bao kẻ tai mắt luôn xì xầm những lời xúc phạm em.
Em trước sau chỉ là một cô gái yếu đuối. Anh biết đó, vừa qua, sau vụ cháy, chỉ mấy lời độc địa của ông Victor mà em đã mất ăn mất ngủ cả tháng. Vậy thử hỏi, làm sao sau này, khi về chung sống cùng anh, trước  miệng đời oan nghiệt, em suốt đời có thể gánh chịu nổi không? Khi người ta lập gia đình, dù ở đây hay ở bên Âu – Mỹ, sự thuận tình của cha mẹ đôi bên thật quan trọng. Phía em thì chẳng có gì đáng nói.  Nhưng bên gia đình anh, liệu ba mẹ anh có chấp nhận cô dâu da đen tóc xoăn, thấp bé và xuất thân bần cùng như em?
Chính vì vậy, dù yêu anh vô ngần, dù trái tim em không thôi háo hức khi nghĩ tới anh, nhưng em buộc lòng nói lời chia tay. Em mong anh hiểu và đừng trách em, anh Blaise!  
Đây là thành phố tại Châu Phi Xích đạo thuộc Pháp, một thuộc địa rộng lớn hồi bấy giờ (trước năm 1960). Hiện nay, thành phố đó là N’Djamena, thủ đô của Cộng hòa Tchad.
Chương 4
Blaise Sanchez buồn ảo não thời gian dài kể từ khi người con gái anh yêu đột ngột ra đi, chẳng hẹn ngày về. Nhưng đến khoảng đầu tháng Hai 1949, anh bắt đầu nảy ra những ý định mới: Anh nhanh chóng kết thân với gia đình Kazadi thông qua cô con gái của ông là Imani.
Nhà văn Trần Như Luận
Anh dặn trợ lý kín đáo tăng lương ba tháng một lần cho cô. Anh có mặt ở nhà ông Kazadi tại trung tâm Léopoldville thường xuyên hơn. Ngoài ra, anh nhiều lần cùng ông bay sang thành phố Fort-Lamy, đến tận gia đình ông Abaza để tìm gặp Marie.
Càng tiếp xúc, anh càng khám phá ra rằng Marie quả là thiên tài. Cô có thể đọc và viết các thứ tiếng trong hệ ngôn ngữ Niger-Congo chỉ trong vài tuần với điều kiện có ai đó viết ra và phát âm thật chuẩn thứ tiếng ấy cho cô nghe. Đặc biệt, từ lâu cô đã quá thành thạo các thứ tiếng thuộc hệ ngôn ngữ Nilo-Sahara. Vốn từ tiếng Pháp của cô còn phong phú hơn cả Disanka và Imani.
Khi hoàn toàn chinh phục được niềm tin của mọi người, Blaise bắt đầu cuộc thử nghiệm của anh. Đầu tiên, dù không hiểu nghĩa, nhưng anh cố học thuộc cả một đoạn văn dài gồm những từ ngữ quái lạ mà anh từng biết. Anh cố phát âm thật rõ từng âm tiết, không sai lạc mảy may nào.
Thấm thoát, cái ngày để anh tiến hành công việc quan trọng ấy đã kề. Anh bay sang thành phố Fort-Lamy một mình. Khi biết rõ bố mẹ nuôi của cô vắng nhà cả buổi, anh đến gặp Marie. Anh nói rõ để cô hiểu, anh sẽ đọc một đoạn văn, cô cần nỗ lực dịch ra tiếng Pháp hộ anh.
Cô bé tật nguyền gật đầu. Mắt cô liên hồi giần giật. Mặt lờ đờ như đang nhìn vào một khoảng không nào đó. Blaise cố đọc rõ từng âm tiết:
A kaki jaja umi homo sapiens sukhonanu e hautu rho. Histo annu homo sapiens ist annkhukaritu. Ann vavanu unukhakhachi beeklanu, chacharunana at homenhu. Sasaxho umimu kararara ani uni nahmama kai lilikha.
Cô bé hơi nheo mày. Nhưng không để Blaise chờ đợi lâu, Marie cắt nghĩa đoạn ấy thành mấy câu tiếng Pháp như sau:
Sòng phẳng mà nói, loài homo sapiens thường hay nói chẳng thật lòng và rất háu ăn. Lịch sử loài homo sapiens thực chất là lịch sử của sự lừa dối và tranh ăn. Chúng không ngại đi khắp các châu lục, tha hồ tranh mồi cả những nơi thật xa so với nơi chúng ở. Nơi nào có chút béo bở thì chúng lừa phỉnh nhau, bắn bỏ nhau, tranh nhau không dứt.
Ồ! Thật tuyệt! Điều kỳ diệu đã diễn ra ngay trước mắt anh! Anh gần như không tin vào chính tai mình! Blaise trố mắt lên. Chúa ơi! Tại sao con người bằng xương bằng thịt có vẻ mặt khờ khạo trước mắt anh lại tài tình siêu việt đến thế! Xin Chúa hãy giải thích thật sự bên trong bộ óc con người chứa đựng những gì!
Blaise mừng phát run. Bất ngờ, theo phản xạ tự nhiên, anh ôm chầm lấy Marie, toan đặt lên người cô nụ hôn thân thiết.
– Đồ sàm sỡ! – cô tức thì đẩy anh ra, giận dữ hét to bằng tiếng Pháp.
Tay đặt lên ngực, Blaise tỏ cử chỉ xin lỗi cô. Rồi anh nói một thôi một hồi để trình bày tâm trạng vui sướng của anh một cách thành thực. Nhưng vô ích. Marie đứng bật dậy, quay lưng bước nhanh vào phòng riêng.
Cho đến khi quay về Léopoldville, tâm trí anh vẫn không ngớt bàng hoàng. Trời đất! Chẳng lẽ bao công lao khó nhọc của anh trong suốt mấy tháng qua giờ đành trút hết ra dòng sông Công Gô cả hay sao?
Anh liền nghĩ ngay tới Imani. Anh nhận ra rằng cô ấy là một người hiền lương và đầy nhiệt tâm. Cô nói tiếng Pháp không thua kém gì Disanka. Gương mặt cô rất xán lạn. Trong công việc, cô luôn tỏ ra là một nhân viên đầy tinh thần trách nhiệm.
Khoảng vài tháng sau, tình cảm nảy nở khá tự nhiên giữa anh và Imani. Vào một buổi tối, anh cùng cô thong thả đi dạo dọc bờ sông Công Gô. Hơi gió dịu dàng thổi lên từ mặt sông mát rượi. Lúc Blaise đánh bạo quàng tay ôm vòng eo thon gọn của cô, cô bất ngờ thú thật cô đã thầm yêu trộm nhớ anh từ khi mới gặp lần đầu.
Một tuần sau, cũng nơi bờ sông thơ mộng ấy, cô nói thêm rằng thuở xa xưa, do người ta biết quá ít về người châu Âu nên quan hệ hôn nhân giữa họ với dân bản địa còn vấp phải đôi chút khó khăn. Còn hiện giờ, tại các thành phố lớn, nhất là tại thủ đô này, gần như chả mấy ai thắc mắc về chuyện ấy. Thậm chí, đối với người giao thiệp rộng và biết sử dụng tiếng Pháp hằng ngày, có khi lấy được trí thức châu Âu là điều đáng hãnh diện cho cả gia đình.
Anh chàng người Pháp cởi mở tấc lòng. Anh đặt nụ hôn nồng nàn lên trán cô. Chưa đủ, anh say đắm hôn môi cô. Anh đê mê ngây ngất với cảm giác ngọt ngào nhận được từ thể xác và tâm hồn chơn chất của người con gái ấy. Khoảng hai tuần sau, anh hôn lên bờ ngực căng tràn nhựa sống của cô và đòi cưới cô làm vợ.
Thoạt đầu, Imani hơi e ngại vì chưa đầy một năm trước, anh Blaise đã quá thân thiết với Disanka, suýt cưới bạn ấy làm vợ. Nhưng thực lòng, Imani tự cảm thấy không thể kiềm chế nổi tình cảm mãnh liệt chực sôi trào trong huyết quản mỗi khi cô có dịp ở cạnh anh.
Khoảng nửa năm sau, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu phả xuống các khu vực phía nam Xích Đạo, Imani lẳng lặng bước vào phòng riêng của anh, khép cửa lại. Cô thì thầm, “Em đã có thai.”
Ánh mắt anh sáng bừng lên. Anh ôm chầm lấy Imani; giọng run run vì xúc động:
– Ôi! Chúa ơi! Thật tuyệt vời! Anh rất vui với tin này. Anh rất vui! 
Chương 5 
Trong chiếc kaftan thổ cẩm, Disanka nắm tay bạn vội vàng bước vào hội trường. Vào lúc này, vị diễn giả trẻ đã trình bày gần xong bài diễn thuyết về tài nguyên đất nước và trách nhiệm công dân. Trước khi dứt lời, anh vui vẻ kể:
– Các bạn biết không, cách đây ít tháng, tôi đang cùng một nhóm thanh niên trú mưa trước sở bưu chính, nơi tôi làm việc. Chợt có đoàn xe của ông Trygve Lie đi qua, bắn nước tung tóe. Một cậu to mồm chửi rủa bọn quan Bỉ. Một cậu thanh niên khác nói, xe ấy gắn cờ xanh, giữa có hình quả Địa Cầu, dứt khoát không phải xe “nước mình”. Cậu thứ ba đoán mò đó là cờ Đức Quốc Xã. Đám đông thanh niên ấy cãi vã kịch liệt. Thấy họ sắp đánh lộn, tôi buộc phải can ngăn. Tôi giải thích, đó là xe của phái đoàn Liên Hợp Quốc. Tôi nói rõ sau thế chiến thứ hai, Đức Quốc Xã tan rã hết rồi. Nghe vậy, họ thôi cãi cọ, xấu hổ tản đi mỗi người một nơi.
Khẽ ngừng một lát, vị diễn giả nhấn mạnh:

– Thưa quý vị! Điều tôi muốn nói là trình độ dân trí và nhận thức của chúng ta. Ai cũng biết tài nguyên thiên nhiên của chúng ta vô cùng phong phú. Nào kim cương, vàng, uranium. Nào cobalt, đồng và cả những mỏ đa kim nữa. Thế nhưng, dân ta đa phần mù chữ. Ngay cả mấy cậu thanh niên tôi vừa kể cũng chẳng quan tâm tới chuyện học hành. Các trường học hoạt động lấy lệ, chất lượng chẳng ra gì. Chí tiến thủ của thanh niên rất kém. Có những vùng dân cư, trẻ mới lên năm đã phải ra đồn điền cao su kiếm sống. Cả nước hiện nay có tới bốn triệu trẻ em lao động khổ sai và thất học như thế. Các anh chị nghĩ coi, với trình độ dân trí và mức nhận thức như vậy, liệu tới khi nào chúng ta mới giành được độc lập, tự do và thực sự làm chủ tài nguyên của chúng ta?
Hội trường yên ắng. Mọi người chú mục lên bục diễn giả. Họ quan sát cử chỉ của anh và chăm chú lắng nghe. Ngừng một lúc, anh tiếp lời:
– Thưa các bạn! Người Bỉ ở tận châu Âu tới. Vậy mà họ đã giành quyền thống trị và khai thác lợi nhuận từ mảnh đất này quá lâu. Kể từ khi cái gọi là Hội nghị Berlin 1885 có hiệu lực, người ta xem Công Gô này chỉ là vật sở hữu của ông vua Bỉ Léopold II. Từ năm 1908 cho tới tận ngày nay, Công Gô chỉ là một phần đất của Bỉ. Họ đã công khai cướp trắng đất và mọi tài nguyên khác của chúng ta đồng thời thống trị dân ta ngót 65 năm đằng đẵng! Đã đến lúc chúng ta phải giành lại quyền độc lập và quyền tự định đoạt số phận của đất nước này! Ở một số nước phía bắc, phong trào đòi trao trả độc lập đang rộ lên. Đây là thời cơ thuận lợi cho chúng ta. Chúng ta đang có chính nghĩa và cơ hội thắng lợi trong tay. Tôi kêu gọi mọi người hãy ra sức cùng tôi thề sống chết với chính nghĩa ấy!
Tiếng nói hùng hồn và sôi nổi của anh Patrice Lumumba chưa dứt hẳn, thì tiếng vỗ tay của đông đảo thính giả đã vang lên. Disanka có cảm tưởng như mình vừa được tiếp thêm sức mạnh phi thường. Bầu máu nóng trong người cô dâng trào mãnh liệt.
Khi diễn giả, trong bộ áo quần ka-ki giản đơn khẽ cúi đầu chào, anh chị em ở tất cả các hàng ghế, không ai bảo ai, đã tự động đứng lên.
Sau buổi gặp gỡ ấy, Disanka và Kangelu – bạn cô – tìm tới sở bưu chính làm quen và kết thân với anh. Rồi ba người tự thành lập một nhóm riêng. Từ đó, cứ vài tuần, cả nhóm gặp nhau một buổi. Ban đầu chỉ vài người, nhưng về sau, nhóm của cô đã lên tới mười lăm người.
Họ chọn ngôi nhà rộng thoáng và nhiều bóng cây của Kangelu Congo, nơi Disanka đang trú ngụ, làm nơi tụ hội. Đó cũng là nơi ươm mầm tình bạn thắm thiết giữa anh Patrice Lumumba và cô nàng Pauline, thành viên dễ thương, trẻ trung nhất của nhóm. Mặc dù Patrice có một giai đoạn phải sang tận Stanleyville phụ trách kinh doanh cho một hãng bia, song gần như bao thời gian và tâm huyết anh dành cả cho các hoạt động của nhóm.
Một hôm, trời đã tối, buổi họp mặt đã mãn từ lâu, Kangelu tình cờ nghe những tiếng động khẽ tại khu vườn đằng trước, nơi trồng đủ loài cây rậm rịt, sum suê ở nhà cô. Đó là vườn cây khá đẹp và rộng mênh mông, có ao cá, có đủ các loài hoa tỏa hương thơm ngát, có cả bóng cổ thụ và mấy tảng đá phẳng phiu.
Nép mình sau một thân cây lớn, cô nghe một giọng nữ thầm thì:
– Chán lắm anh! Em không chịu nổi bọn đốc công Bỉ tàn ác! Em ước ao trong nay mai, chúng ta sẽ ra sức đánh đuổi hết bọn khốn ấy ra khỏi đất nước mình.
– Anh cũng vậy. Là đàn ông con trai, anh thề anh sẽ làm được điều gì đó cho quê hương đau khổ của chúng ta. Anh muốn bảo vệ tình yêu của chúng mình, Pauline ạ.
– Anh có định cưới em không?
– Anh không lấy em thì lấy ai! Anh yêu em vô cùng, Pauline.
Sau khi nghe xong câu nói đó, Kangelu trố mắt kinh ngạc. Cô nhận ra, dưới ánh trăng loang lổ chiếu qua những nhành cây lá đan xen, anh Patrice và nàng Pauline ôm chầm lấy nhau. Nụ hôn dài ngất ngây, nồng nhiệt và đắm say của họ khiến Kangelu cảm động tận đáy lòng.
Đầu tháng Ba 1951, mọi người trong nhóm nhận được tin vui: Đôi uyên ương ấy thành hôn.
Đám cưới diễn ra thật vui nhộn. Có thể nói đó là bản hợp xướng hết sức lạ lùng: Ngoài gia đình và bạn bè đôi bên, còn có sự hiện diện của những người bạn Bỉ, chủ yếu là những người làm công việc chuyên môn, đồng thời có mặt mười mấy người trong nhóm của anh và mười người trong ban điều hành Câu lạc bộ Dân Trí nữa.
Vài tuần sau đó, sau nhiều đêm trăn trở, Patrice Lumumba một mình đến Tòa thị chính. Anh đệ trình một bản kiến nghị. Liệt kê mười lý do, anh yêu cầu nhà chức trách Bỉ mở mang giáo dục cho dân bản địa. Theo đề xuất của anh, cứ 3 khu phố hoặc 3 bản làng liền kề, ít ra phải có 1 trường tiểu học. Theo anh, đó là việc cấp bách cần lên kế hoạch để triển khai từng bước trong vòng 10 năm. Anh đưa ra lộ trình hẳn hoi, với mức chi phí hợp lý. Anh khẳng định đó là đòi hỏi chính đáng, có lợi cho cả người Bỉ và dân bản địa. Anh mong muốn người Bỉ thể hiện nhiệt tâm trong việc biến đề án đó thành hiện thực.
Chương 6
Nghe tin ông Kazadi – bố của Imani và Marie – đột tử, Disanka rất đỗi bàng hoàng. Cô khóc ngất một hồi, rồi vùng dậy thu xếp về nhà ngay, vừa đi vừa chặm nước mắt.
Cha nuôi cô rất mừng khi gặp lại cô. Nhưng hai cha con không có thời gian trò chuyện nhiều. Do quan hệ láng giềng thân thiết, ông Ilunga phải đứng ra lo mọi chuyện bên nhà người quá cố.
Đây cũng là dịp cô gặp lại Imani. Điều làm cô khá vui là Imani không những đã có con – cậu con trai gần ba tuổi da đen tóc xoăn kháu khỉnh – mà đang mang bầu nữa. Qua ánh mắt, Disanka biết là Imani thật sự mừng vui khi gặp lại cô.
Anh Blaise thì khác. Anh tỏ ra vô tư vô tâm, như thể trước đây giữa anh và cô chưa hề có một cuộc chạm môi yêu đương hay sự chung đụng nào. Disanka nghĩ, âu thế cũng là điều tốt đẹp cho cô, vì từ nay cô khỏi phải bận tâm.
Disanka biết thêm, trong những ngày tổ chức tang lễ cho ông Kazadi, cả nhà ông Abaza đang lo cho kỳ thi mãn khóa của Marie ở Fort-Lamy. Chính vì vậy, mãi gần một tuần sau, họ mới thu xếp để đưa Marie sang chịu tang.
Một buổi sáng, khi tang lễ đã kết thúc, lúc Disanka sang tiễn chân mọi người tại nhà bố Imani thì một chuyện không ai mong đợi lại xảy ra.
Xồng xộc từ cổng chính, ba người lạ mặt xông vào. Marie có lẽ là người phát hiện ra chúng đầu tiên. Cô hốt hoảng co rúm người, tay chỉ trỏ, miệng la toáng lên:
– Cướp! Cướp!
Cả ba đều bịt mặt bằng vải đen, chỉ chừa mấy đôi mắt toát lên vẻ hung tợn. Hai gã xông vào trước lăm le hai khẩu súng trường. Gã thứ ba to xác hơn, hùng hổ bước vào với cây dao găm sáng loáng và chiếc còng số 8 chực sẵn trên tay.
– A37, ngươi đã bị bắt! – gã ấy bất ngờ tìm tới ngay trước mặt tay trợ lý của anh Blaise, chĩa mũi dao, hét lớn.
“Rầm, rầm!”
Trong lúc chúng chưa kịp còng tay cậu trợ lý ấy thì anh Blaise xông ra, tung hai cú đá thần tốc vào ngực hai tên chĩa súng trước mặt, hất văng cùng một lúc hai khẩu súng xuống nền đất. Anh tiếp tục sấn tới, dùng bàn tay to khỏe tóm lấy bàn tay cầm dao của tên còn lại. Tất cả mọi người đều kinh ngạc khi nhận ra khả năng ứng phó vô cùng lanh lợi và thiện nghệ của anh.
Cậu bé Michael ré lên, ôm chầm lấy mẹ. Imani mặt cắt không còn chút máu. Disanka la lên:
– Quân khốn nạn! Cút ngay!
Blaise có ý định bắt một tên trong bọn để tra khảo xem chúng là ai; nhưng trong nháy mắt, chúng đã cao chạy xa bay, để lại khẩu súng trường còn mới tinh trên sân cỏ.
Disanka là người còn lại sau cùng vì Imani nhờ cô ở lại khóa cửa và trông nhà hộ. Cô phát hiện chính giữa phòng khách, ngay trên nền nhà là một chiếc cặp da còn khá mới. Cô đoán chắc đó là chiếc cặp của Marie thường dùng đến trường. Cặp khá nặng. Mở ra, cô thấy bên trong có nhiều tài liệu học tập, một chiếc lược ngà và đôi bông tai bằng vàng tây.
Cô cũng lôi ra được xấp tài liệu dày cộm. Đó là tài liệu được đánh máy chữ bằng thứ ngôn ngữ gì lạ lắm, kèm một bản tiếng Pháp chép tay, có lẽ là bản dịch.
Cô tò mò lật ra xem. Cô khá ngạc nhiên vì nét chữ bản tiếng Pháp có lẽ là thủ bút của Imani:
Thoạt đầu, Huu lấy Rat đẻ ra Xho, Mau và Pau. Xho lấy Mii đẻ ra Bu, Bit, Hoo và Pat. Pat lấy Min đẻ ra tôi và Mid.
Huu và cả bầy con cháu đông đúc ấy đều rất hiền. Chúng chỉ ăn trái cây hái trong rừng. Chúng ngủ trong rừng. Chúng bài thải mọi thứ trong rừng sâu. Vì rừng là nhà nên chúng không bao giờ biết sợ. Những người lớn to khỏe luôn đủ sức che chở cho cả bầy. Ở đây, có cả beo đốm và cá sấu. Có đủ loại rắn. Nhưng tất cả, từ già tới trẻ chẳng biết sợ là gì. Những người già biết nhiều cách để giữ cho cả bầy được an toàn.
Có những đêm trăng sáng, chúng kéo cả bầy ra tới bìa rừng để cùng ngắm trăng. Chúng vui vẻ cầm tay nhau. Chúng cười và nhảy. Chúng xem cả bầy là chính mình. Cả bầy vui là chúng vui.
Bộ tộc chúng tôi là thế đó. Bộ tộc chúng tôi được các bộ tộc khác gọi là Blasensenla, có nghĩa là cười và nhảy.  
Cái tên ấy nghe ra cũng không hề sai. Vì từ già tới trẻ, tất cả cứ gặp nhau là nhoẻn miệng cười. Cười là cách chào của chúng. Khi vui, chúng cười. Cả khi té ngã đau điếng chúng cũng cười. Có kẻ bảo, vì chúng vui trong lòng nên chúng cười. Nhưng thật ra, ý nghĩ đó không hề đúng. Điều đơn giản: chúng cười, vì vậy chúng vui.
Nhảy múa là điều thích thú của bộ tộc tôi. Nhảy múa làm cho mọi người thêm xinh đẹp. Bộ ngực và bộ mông của hầu hết các con đực biết nhảy một cách mạnh mẽ đều vô cùng xinh đẹp. Bộ ngực và bộ mông của đa số con cái biết nhảy một cách nhịp nhàng lại càng xinh đẹp hơn. Tất cả những điều đó thật đáng yêu. Có người bảo, vì chúng vui trong lòng nên chúng nhảy. Nhưng thật ra, ý nghĩ đó không hề đúng. Điều đơn giản: chúng nhảy, vì vậy chúng rất vui.
Disanka khẽ cười. Cô lấy làm lạ về tất cả những ý tưởng khá ngây ngô và lạ lẫm của “ông tác giả” đã viết ra những đoạn văn quái lạ này. Nhưng rõ ràng ấy là những ý tưởng vui. Ý tưởng vui thật là tuyệt vời khi được đặt bên cạnh một thế giới hổ lốn, nhốn nha nhốn nháo, đầy quỷ dữ và sự tranh cướp táo tợn như cái thế giới cô đang sống.
Disanka cảm thấy bị cuốn hút ngay bởi cách viết chân thực đến như vậy. Cô hiếu kỳ đọc tiếp:
Khi tôi sắp thành người lớn (về sau xác định thời điểm đó tôi 16 tuổi – thật ra những người sống trong rừng như tôi chẳng bao giờ để tâm xem mình đã sống bao lâu) một vụ cháy rừng khủng khiếp đã xảy ra hết sức bất ngờ cho cả bộ tộc tôi.
Lửa! Lửa! Lửa!
Không biết cơ man nào là lửa!
Tất cả mọi người đều bỏ hết mọi thứ để chạy tán loạn. Tôi chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy. Chạy! Chạy càng nhanh càng tốt. Chạy như một phản xạ để tự cứu lấy mình. Tôi không biết nên chạy cùng ai, nên chạy về hướng nào. Nhưng tôi phải chạy. Tôi chẳng thấy Min, Pat và Mid đâu cả. Tôi chỉ biết chạy để thoát khỏi sức nóng kinh hoàng của lửa.
Không còn rừng nữa, vì tất cả đã biến thành một khối lửa khổng lồ. Min ơi! Pat ơi! Mid ơi! Cả nhà chúng ta lạc nhau cả rồi. Tôi biết chạy đến đâu bây giờ?
Lúc thoát ra khỏi khu rừng hừng hực lửa, tôi bị trầy xước cùng mình, quá mệt và đói. Tôi gần như kiệt sức. Có lẽ đã bị ngất đi.
Chẳng biết bao lâu sau, mở mắt ra, tôi trông thấy chừng năm bảy người bao lấy quanh tôi. Họ to cao quá cỡ. Người nào người nấy trông thật kỳ lạ vì da trắng như bông xhorha. Ban đầu tôi hơi sợ. Nhưng thấy họ quan tâm chăm sóc vết thương cho tôi, tôi cảm thấy yên tâm.
Tôi dốc sức nói rõ để họ biết tôi là người của bộ tộc cười và nhảy. Tôi còn hăng say nói, nếu họ là người tốt, hãy mang tôi trả lại cho rừng. Tôi xin họ đừng bắt tôi đi đâu cả. Tôi muốn sống cùng bộ tộc của mình, trong ngôi nhà rừng.
Lúc tôi ngưng nói, họ phá lên cười. Họ nói với nhau những tiếng gì tôi không hiểu. Một người ra hiệu cho tôi biết họ không hề hiểu những gì tôi nói.
Một ông mang kiếng trông gương mặt rất hiền. Ông ngồi sát bên tôi. Ông tò mò sờ vào đầu tóc xoăn tít của tôi, thích thú mân mê từng sợi. Ông lại mỉm cười, đưa tay sờ lên da ngực tôi và cả cái khố bện bằng dây rừng của tôi nữa.
Mấy người khác cũng đến ngồi sát bên tôi. Tôi chỉ mỉm cười với họ, chẳng biết nói gì.
Chúng tôi đã làm quen với nhau như thế. Ông mang kiếng là người tốt bụng. Ông và một người nữa đã lấy thứ bánh gì đó cho tôi ăn, rồi dẫn tôi đi khắp khu rừng còn hừng hực hơi nóng với ý định tìm cho ra những người còn sót lại trong bộ tộc tôi. Nhưng khu rừng vắng ngắt rộng thênh thang và vô cùng hỗn độn lúc ấy chỉ còn là bãi than củi đen ngòm, sặc mùi khói nồng nặc; chúng tôi chẳng bắt gặp bất cứ ai.
Tôi chỉ còn biết khóc. Người mang kiếng (mà sau này là bố nuôi của tôi) và người đàn ông đi bên cạnh (mà sau này tôi luôn gọi là chú Antoine) đã ra sức vỗ về, an ủi tôi.
Bố André cho tôi ăn khi tôi đói. Bố ngủ đâu thì tôi ngủ đó. Và tôi rất ưng bụng khi vác giúp bố hoặc chú Antoine những vật dụng đi rừng.
Mấy ngày sau, trời trở lạnh, tôi nhớ Min và Pat vô cùng. Tôi cũng nhớ con bé Mid, em gái tôi. Hai chúng tôi đã cùng chơi đùa bên nhau thật vui trong suốt thời gian qua. Cứ về đêm, mỗi khi trời gai gai rét, Min hay ôm tôi, còn Pat hay ôm Mid. Những điều đơn giản, thú vị ấy bây giờ không còn nữa. Tôi cứ nằm đó, vô tình để nước mắt rơi. Tôi muốn thét to lên để thần Ahakana biết nỗi thống khổ tột cùng của tôi nhưng chỉ sợ bố André và mọi người lo lắng.
Ngay trong những ngày ấy, bố André và chú Antoine bắt đầu dạy cho tôi một vài từ ngữ tiếng Pháp. Cả hai hứng thú ra mặt khi tôi bật ra những âm thanh mà họ hiểu. Những từ đầu tiên tôi được học là oncle Antoine để chỉ chú Antoine, papa để chỉ bố André, oui để chỉ sự đồng ý và non để chỉ sự không đồng tình.
Khi tôi bật lên câu nói “Je m’appelle Po”, bố André mừng rỡ xoa đầu tôi và gật gù ra vẻ thích thú lắm.
Tôi đã trưởng thành dần lên như thế, trong sự bảo bọc và dạy dỗ của “hai người bố”, từ khu rừng này sang khu rừng khác, từ bản làng này sang bản làng khác.
Bố André và chú Antoine biết nhiều thứ lắm. Bố là nhà khảo cổ học, đồng thời nghiên cứu sâu về địa chất. Chú Antoine vừa là trợ lý cho bố tôi, vừa là người ham tìm hiểu động vật hoang dã. Cả hai ưa trò chuyện với tôi. Đặc biệt, họ tận tụy dạy tôi từng nết ăn, lối ở. Tất nhiên họ cũng dạy tiếng Pháp ngày càng nhiều và cách tính toán cho tôi. Họ sắm cả bút, mực, vở cho tôi. Họ ân cần trang bị cho tôi mớ kiến thức căn bản mà họ cho là vô cùng cần thiết.
Buồn cười nhất là khi cả đoàn tới một thị trấn nọ, họ sắm cho tôi y phục phương Tây; họ thuyết phục tôi ăn mặc như họ. Mỗi lần tôi cởi bớt đồ ra, mặc đơn giản cái khố dây rừng cho đỡ nực thì họ cứ nhìn tôi, lắc đầu, cười.  
Bố André bảo, ngày xa xưa, loài homo sapiens chúng ta cũng chỉ mặc đơn sơ như vậy. Nhưng càng về sau, khi văn minh lên, người ta nhận thấy chỉ mặc vậy thì không đủ ấm và không thể bảo vệ da tốt được. Nhiều côn trùng quấy rối chúng ta và mang mầm bệnh tới cho ta. Tôi nhe răng ra cười, yêu cầu bố giải thích xem homo sapiens là thế nào. Bố cắt nghĩa đấy là tên khoa học để chỉ loài người hiện đại chúng ta. Bố còn nói, đó là loài động vật thượng đẳng trong bậc thang tiến hóa của các loài động vật.

Tôi cười hỏi, bố ơi, phải chăng “thượng đẳng” là do loài người tự phong thôi hay ai phong, bởi vì thực ra có một số tính cách không hẳn loài người đã tốt hơn loài thú đâu. Tôi là người đã từng sống chung thoải mái với bao thú vật rừng sâu nên tôi biết rõ điều đó.
Bố cốc nhẹ vào đầu tôi, bảo tôi bướng. Nhưng kể từ đó, chẳng hiểu vì lý do gì, tôi rất thích quan sát tính cách và đức hạnh của cả loài homo sapiens. Tôi nghĩ, tình gắn bó tương trợ và tính cách của những người trong bộ tộc tôi đúng là tốt đẹp. Chúng tôi thường chào nhau bằng nụ cười và hào sảng cầm tay nhau nhảy múa vô tư, không hề công kích hay đánh đập nhau. Còn những tộc người khác ra sao, tôi làm sao khẳng định được?
Phát hiện đầu tiên của tôi khi chung sống với nhóm homo sapiens xuất xứ từ phương Tây ấy là ai nấy đều tỏ ra lịch sự thái quá, cảm ơn và xin lỗi hoài, nhưng rất nóng nảy, hung dữ và hay kình cãi. Nhớ lại, người bộ tộc tôi rất ít nói và mau hiểu ý nhau. Chúng tôi có khả năng đặc biệt hiểu nhau qua ánh mắt. Pat và Min chỉ nhìn nhau cười vui vẻ suốt ngày. Còn tôi và con bé Mid thích đút thức ăn cho nhau, thích cầm tay nhau nhảy múa trong tiếng cười khúc khích rộn ràng.
Trận cãi vã dữ dội nhất mà tôi chứng kiến diễn ra ngay trong căn nhà trọ tại một thị trấn nhỏ giữa ông Henri, trưởng đoàn và chú Antoine, phó đoàn. Chuyện xảy ra khoảng ba tháng sau khi tôi nhập đoàn. Chú Antoine muốn ở chung phòng với bố André (vì bố là anh ruột của chú). Nhưng ông Henri nhất quyết không chịu. Ông buộc chú Antoine phải ở phòng khác, chung phòng với anh tài xế, và chú Antoine có nhiệm vụ đánh thức anh tài xế ấy vào sáng sớm hôm sau trước 4 giờ 30. Lý do duy nhất khiến ông Henri buộc chú Antoine phải làm như thế là bởi vì chú Antoine có đồng hồ đeo tay, trong khi anh tài xế hay thức dậy muộn và không có đồng hồ.
Ông Henri rất hằn học. Ông quát tháo vang nhà. Mặt ông đỏ gay. Trông ông lúc ấy thật vô cùng hung tợn. Tôi có cảm tưởng ông muốn ăn tươi nuốt sống chú Antoine.
Tôi rất buồn. Tôi chỉ biết lặng lẽ nhìn, hết chú Antoine, lại đến ông Henri. Trống ngực tôi đánh liên hồi. Tôi muốn làm điều gì đó để ngăn hai người, nhưng chẳng biết nên làm gì.
Cuối cùng, một cách nhẹ nhàng, bố André cầm tay ông Henri, bảo ông ấy bình tĩnh lại. Bố bảo, một là Antoine vẫn ngủ ở đây nhưng khi đến giờ ấy thì sang phòng kia đánh thức anh tài xế dậy; hai là Antoine đưa đồng hồ cho chú Pierre, người sẽ ngủ tại căn phòng sát phòng anh tài xế. Rồi bố nói thêm, nếu một trong hai giải pháp ấy không làm vừa lòng ông Henri thì Antoine qua phòng ấy ngủ luôn cũng được, chả sao.
Nhưng ông Henri vẫn không ngưng quát tháo. Ông bảo chú Antoine ích kỷ và vô phép vô tắc. Và chỉ vì xích mích như vậy, suốt mấy tháng sau, giữa hai người vẫn tồn tại một khoảng cách lớn. Gần như họ không muốn nhìn mặt nhau.
Bố André bảo bố buồn về chuyện đó. Tôi khẽ nắm tay bố, nhẹ nhàng vặn hỏi loài homo sapiens thượng đẳng ở chỗ nào, bố hãy chỉ cho tôi đi.
Bố André lại cười hiền, gõ đầu tôi đau điếng. 
Chương 7
Một ngày tháng Sáu 1951, một người phụ nữ Công Gô mình khoác kaftan truyền thống đứng giữa gian phòng rộng nhất trong căn nhà cô Kangelu Congo đường Léopold, trịnh trọng nói:
– Thưa tất cả anh chị em! Tôi đã từng làm kế toán cho Công ty Victor trồng và khai thác cao su đồng thời cai quản nhiều hầm mỏ. Hôm nay, với chủ đề Người Bỉ làm gì tại Công Gô và thái độ của chúng ta, tôi xin bắt đầu bằng một sự tính toán như sau: Công ty ấy thành lập năm 1940. Vốn ban đầu chỉ có 2,3 triệu francs. Sau 3 năm, vốn tăng lên, đạt tới 46 triệu francs. Sau 7 năm, nó đã là 110 triệu francs. Sản phẩm của nó là cao su khô, đóng thành từng thùng 100 kg. Khi gửi về tới Bỉ, mỗi thùng có giá từ 2.500 đến 3.000 francs. Trong khi đó, tại Công Gô này, để có 1 thùng như vậy người Bỉ chỉ cần bỏ ra 500 francs.
Khéo dừng một lát để mọi người kịp tính toán, cô nói tiếp:
– Các anh chị cứ làm phép tính đi: Chỉ bỏ ra có 500 francs mà thu lại tới 2.500 hoặc 3.000 francs! Lãi của họ không thể nào tưởng tượng nổi! Nhưng không phải chỉ có vậy. Họ có trong tay nhiều hầm mỏ. Nếu tính riêng kim cương, mỗi năm họ kiếm được khoảng 12.000 carats. Có một số viên kim cương đặc sắc được khai thác tại Công Gô, với kỹ nghệ chế tác ở Bỉ, đã đem lại một khoản thu nhập khổng lồ lên đến 80.000 francs mỗi carat.
Vài cử tọa chặc lưỡi nói vào tai nhau rằng lợi nhuận của họ đúng là quá lớn. Disanka nhân đó, gật gù, nêu câu hỏi:
– Nhưng cả thành phố này có cả thảy bao nhiêu ông chủ Bỉ vừa kinh doanh ngành cao su vừa khai thác hầm mỏ các anh chị biết không? Có tới 38 ông thực dân như vậy! Và nếu tính luôn trên toàn cõi Công Gô thì có tới 292 công ty! Rõ ràng người Bỉ đã trở nên giàu sụ trên mảnh đất khốn khó của chúng ta. Hằng triệu người lao động Công Gô vì nghèo và thất học đã phải cúi đầu làm nô lệ cho họ. Chưa hết, theo báo cáo của Forte Publique, tại tỉnh Congo-Kasaï này, trong năm 1950 vừa qua, có tới 87 vụ sập hầm mỏ, gây thương vong và mất tích hơn 70 người. Bên cạnh đó, có 2.500 người bị các tai nạn lao động khác do phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Có 55 vụ công nhân bất mãn chống lại đốc công, bị cầm tù 30 người, bị đánh trọng thương 25 người. Mảnh đất Congo-Kasaï không phải chỉ thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, mà đã vấy máu! Chúng ta phải làm gì đây để đất nước thoát khỏi xích xiềng nô lệ?
Lời phát biểu hùng hồn của Disanka vừa dứt, tiếng vỗ tay không ngớt vang lên.
Nhưng đột nhiên, xen kẽ trong bao âm thanh đó, Disanka nghe có tiếng bước chân đông người đột ngột rộn lên. Rầm rập, rầm rập, rầm rập…
– Chạy đi! Chạy đi!
Cô trông thấy đám đông thính giả bỏ chạy. Và xuất hiện giữa cửa ra vào bốn tên Forte Publique Bỉ to lớn, râu ria bờm xờm, lăm le mấy khẩu súng trường.
Sắc mặt chúng thật hung tợn. Chúng quát:
– Tất cả đứng yên, không được chạy!
Một gã hô to:
– Bắt lấy chúng! Còng tay chúng lại!
Nhiều người trong nhóm ra hiệu bảo cô chạy đi, nhưng Disanka không sợ. Bọn Forte Publique hùng hổ xông tới. Chúng siết cổ cô và ba người nữa trong nhóm của cô. Chúng hung hăng còng tay các cô lại. Rồi chúng dùng vũ lực buộc bốn phụ nữ ra đường, bước lên chiếc xe nhà binh, ngồi lê dưới ánh nắng vô cùng gay gắt.
Mọi sự diễn ra nhanh đến nỗi Disanka chẳng biết nên làm gì. Nhưng có một điều chắc chắn, là cô tuyệt nhiên không sợ. Gương mặt cô vô cùng bình thản. Ánh mắt cô thật đanh thép.
Cô nói bằng tiếng bản địa cùng những người trong nhóm:
– Cuộc sống người dân Công Gô nhất định phải thay đổi! Nếu có chết vì chính nghĩa, chúng ta sẵn sàng!
Bọn Bỉ giam bốn chị em trong nhóm của Disanka được hai ngày ba đêm rồi thả. Mặc dù ra sức tra khảo nhưng cuối cùng chúng chẳng khai thác được gì. Câu trả lời duy nhất mà chúng nhận được nơi những người phụ nữ không có trong tay một tấc vũ khí ấy là: “Chúng tôi chỉ muốn thấy đất nước Công Gô độc lập. Chúng tôi chỉ yêu cầu người Bỉ trả lại nước Công Gô cho người Công Gô. Chúng tôi không có tội!”
Patrice Lumumba nghe tin có người bị bắt đã tức tốc rời Stanleyville quay về Léopoldville. Nhưng khi anh về tới nơi đã thấy Disanka và các bạn được trả tự do. Anh nhận định việc tha bổng sớm như vậy cũng có thể là mưu ma chước quỷ của bọn thực dân. Chúng muốn mọi người ra mặt hoạt động để dễ bề nắm bắt tình hình và thao túng sau này.
Anh nghĩ ngay tới việc cần có một lực lượng bí mật bảo vệ những người cùng chí hướng. Trong vòng vài tuần, anh chiêu mộ mười mấy thanh niên to khỏe, đa phần là người đồng hương. Họ có sức vóc hơn người và giỏi võ. Công việc duy nhất mà họ được giao là canh gác để báo động; khi cần thì khéo léo đứng ra cản lối nếu bọn Forte Publique đột nhập.
Sau khi tâm trí đã hoàn toàn yên ổn, Disanka hồi hộp lật xấp văn bản ra xem tiếp câu chuyện hấp dẫn của Po:
Phát hiện thứ hai của tôi khi chung sống với đồng loại homo sapiens là thế này: Đâu đâu cũng vậy, bọn tham lam và ác độc đông vô số kể. Tôi có cảm nghĩ, ngay cả số lá cây trong rừng già từng rụng xuống hết năm này sang năm khác, hết thập niên này sang thập niên khác cũng không thể sánh nổi số người hiểm ác trên thế gian này.
Năm 1935, lúc tôi 18 tuổi, đoàn khảo cổ của bố André được phép đến Lamu, một xứ sở của nước Đông Phi thuộc Anh. Lamu là tên gọi chung của bảy hòn đảo, đồng thời cũng là tên của một thị trấn cổ. Đó là nơi thích hợp để ngắm cảnh, tắm biển và thư giãn.
Quang cảnh ở đó đẹp lắm. Bầu trời trong xanh. Biển êm đềm phẳng lặng, với những bãi cát dài hút mắt. Đến những chi tiết được chạm trổ nơi những khung cửa sổ, những bức tường hoàn toàn bằng san hô và ánh sáng lung linh của những chiếc đèn lồng được thắp lên về đêm cũng khiến cả đoàn chúng tôi không ngớt trầm trồ.
Dân Lamu chỉ dùng tiếng Swahili nên chúng tôi khó lòng giao thiệp. Nhưng dẫu sao, sau khi ở đó vài ngày, tôi nhận thấy nhiều người trong số họ thật tử tế. Vợ chồng người chủ quán trọ đúng là tốt bụng. Họ phục dịch chúng tôi thật chu đáo. Ba đứa con trai của họ thật khôi ngô.
Nhưng một đêm nọ, lợi dụng lúc tối trời, một băng hải tặc ập đến. Chúng mặc y phục đen; đầu chít khăn đen. Chúng đông không đếm xuể. Với vũ khí trong tay, chúng chia ra từng nhóm, ùa vào các phòng trọ và nhiều nhà lân cận. Ba bốn tên tập trung ở hành lang rộng. Chúng la hét và chỉ trỏ lung tung. Chúng bắt buộc mọi người, ai có vàng bạc, ngọc ngà gì thì đem ra nộp cả cho chúng.
Sợ quá, tôi ôm chặt cánh tay bố André, đứng nép sát sau cánh cửa. Nơi dãy hành lang rộng ấy, vợ chồng người chủ quán trọ dập đầu lạy lục, van xin. Nhưng vô ích. Chúng dí súng vào ngực họ. Bà chủ quán trọ vô cùng kinh hãi. Với đôi tay run bần bật, bà gần như không thể tháo được mấy thứ nữ trang trong người ra.
– Đoành! Đoành!
Hai tiếng súng vang lên, đinh tai nhức óc. Bà ngã xuống nền nhà, mắt trợn trắng.
Quá tức giận trước cái chết phi lý và quá bất ngờ của vợ, người chồng dùng hết sức bình sinh nện ngay vào ngực tên sát nhân những quả đấm mạnh bạo. Do không đề phòng, hắn ăn đòn, ngã sóng soài xuống nền gạch.
Một tên khác lao tới với cây súng ngắn trong tay, vừa quát vừa bắn.
– Đoành!
Sau tiếng nổ chát chúa, ông chủ quán trọ gục xuống. Mấy đứa con thấy vậy, không giữ nổi bình tĩnh: Đứa lớn cầm chiếc rựa lao ra, phang tới tấp vào đầu tên cướp. Hắn chỉ kịp hét lên một tiếng rồi gục xuống. Đứa thứ hai liều lĩnh dùng cây chông nhọn hoắt đâm thí xác vào ngực tên cướp đối diện. Đứa còn lại ôm mặt khóc rống lên.
– Đoành! Đoành! Đoành! Đoành!
Tiếng khóc của nó chưa kịp dứt thì một loạt đạn bắn ra. Ánh lửa chớp sáng ghê rợn. Cả ba cậu thanh niên lần lượt ngã khuỵu xuống, đứa nọ chồng lên đứa kia. Một tên quỷ dữ bước tới, lật ngửa xác chúng ra. Hắn dùng lưỡi lê đầu súng đâm loạn xạ rồi ngoáy sâu vào bụng tử thi. Máu tươi và ruột phòi ra vô cùng khủng khiếp.
– Bọn khốn! Dừng lại! – không chịu nổi cảnh tượng ấy, ông Henri, trưởng đoàn của chúng tôi nhào ra ngăn lại, trên tay cầm khẩu súng trường. Ông là người duy nhất trong đoàn có thể nói tiếng Swahili; nhưng theo phản xạ, ông vừa buột miệng thét lên bằng tiếng Pháp. Ông trỏ vào xác chết. Ông muốn bọn chúng dừng tay lại. Sau đó, có lẽ ông phân bua rằng đoàn chúng tôi đi khảo cổ, không có vàng bạc chi cả.
Nhưng bọn hải tặc tiếp tục lục lạo. Từ các phòng trong nhà trọ, chúng ôm ra đủ thứ của cải. Tên ác ôn hồi nãy vẫn tiếp tục hành vi man rợ. Tôi có cảm tưởng hắn cố phanh bụng các tử thi để mua vui. Máu tươi từ các vết thương sâu hoắm tuôn ra thành dòng.
Ông Henri xông tới gạt hắn sang một bên. Nhưng hắn vẫn không buông tha cho các tử thi. Ông Henri trỏ thẳng vào mặt hắn và quát lớn. Có lẽ ông yêu cầu hắn và đồng bọn cứ việc lấy vàng bạc, nhưng không được phanh thây mổ bụng người dân.
– Đoành! … Đoành!
Chúng tôi nghe liền hai tiếng súng chát chúa nổ vang. Tên cướp hung ác giãy giụa trên mặt đất. Ông Henri hai tay ôm ngực. Một dòng máu đỏ ối từ tim ông trào ra. Rồi người ông từ từ khuỵu xuống.
Tôi cảm nhận rất rõ toàn thân bố André run lên. Nhưng bố chẳng biết phải làm sao.
Trong lòng tôi¸ tôi muốn thưa với bố, tuyệt nhiên ở bộ tộc tôi không bao giờ diễn ra những cảnh tượng như thế. Tôi hiểu rõ, ngay cả thú rừng cũng biết thương yêu đùm bọc nhau. Beo hung dữ, nhưng chúng không giết beo. Hổ dữ tợn và khi đói có thể tấn công cả người, nhưng chúng không bao giờ sát hại đồng loại của chúng.
Chương 8
Theo thời gian, mọi chuyện có vẻ lắng dịu. Anh Patrice Lumumba lại được mời đến thuyết trình cho hội viên Câu lạc bộ Dân Trí nghe về tình hình dân sinh ở Công Gô và chính trị thế giới.
– Thưa anh chị em – giọng anh sang sảng. Tất cả chúng ta đang sống tại Công Gô, hằng ngày phải bươn chải kiếm sống một cách vô cùng cực nhọc. Thân nhân và đồng bào của chúng ta cũng đang âm thầm gánh chịu những hậu quả tuy âm thầm, nhưng vô cùng khốc liệt của một nền kinh tế mà người khác nắm trọn lợi nhuận, còn chúng ta chỉ lam lũ làm ăn với đồng lương cầm hơi cùng nhiều tai nạn rình rập.
– Có người cho rằng – giọng anh vang lên – sở dĩ có tình trạng bi thảm đó vì chúng ta vừa nghèo, vừa sở hữu một tài nguyên chìm, vừa ít học, lại vừa hèn.
Vài thính giả phì cười. Anh Lumumba hạ giọng, nhưng mặt anh đanh lại:
– Thì không hèn sao được khi đất là đất của ta, hầm mỏ là hầm mỏ của ta, nhưng khi khai thác lên, mọi thứ đều chạy tọt vào túi tham của kẻ khác, còn chúng ta chỉ biết ngơ ngác nhìn nhau?
Rất nhiều cử tọa xì xào. Anh nêu câu hỏi; đôi mắt nhướng lên:

– Tại sao ở nhiều nước khác, người dân đồng lòng đứng lên vì dân chủ – dân sinh, còn chúng ta quanh năm chỉ biết cúi đầu chấp nhận? Phải chăng chỉ vì chúng ta quá nghèo, quá lam lũ nên đã quên đi cả việc đấu tranh?
Anh Lumumba đưa mắt nhìn quanh. Thấy mọi người rất chú tâm, anh nói:
– Tôi biết rất rõ, không ít người già đã cố nhịn ăn để nhường lương thực cho đàn con cháu đông đúc. Nhiều gia đình không đủ ngô để ăn hằng ngày. Không những vậy, bệnh dịch lan tràn khắp nơi. Việc chăm sóc thuốc men rất tệ. Cả thành phố 700 nghìn dân mà chỉ có độc một bệnh xá nhỏ tí tẹo. Đặc biệt, rất thê thảm, số người tử vong tại bệnh xá ấy rất đông.
Chợt anh băn khoăn hỏi:
– Thưa các bạn, có bao giờ các bạn thử đặt câu hỏi tại sao mọi chuyện tồi tệ như vậy chưa? Chúng ta thật sự có nhiều tiềm lực mà chưa hề khai thác được, hay thực chất chúng ta chỉ là những kẻ bất tài, hèn mọn?
Giọng anh Lumumba lại tiếp tục vang lên:
– Sức chịu đựng của người lao động chúng ta thật bền bỉ. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta cứ nên tiếp tục cúi đầu. Cái gì không biết thì học. Điều gì chưa rõ thì hỏi. Và trước bất công, phải biết đấu tranh. Lũ ăn cướp từ phương xa đến đã được ưu đãi quá nhiều. Trong khi đó, chúng ta, những người chủ thật sự của đất nước lại phải sống trong cảnh cơ hàn, tủi nhục. Các bạn có thấy điều đó bất công hay không?
Khẽ dừng để mọi người suy ngẫm, anh hạ giọng:
– Thưa các bạn, hiện nay tình hình thế giới khá căng thẳng. Từ năm 1946 đến nay có sự đối đầu giữa hai con sư tử đang gườm nhau là Liên Xô và Mỹ. Điều đó kéo theo sự chia rẽ cả thế giới. Liên Xô đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, có tầm ảnh hưởng to lớn đối với các nước Đông Âu và có khả năng chi phối chính trị đối với cả Ý, Pháp và nhiều nước khác. Trong khi đó, Mỹ ra sức thu hút sự ủng hộ của nhiều quốc gia bằng cách tăng cường viện trợ, nhất là đối với các nước Tây Âu. Mặc dù ngoại trưởng Mỹ Marshall tuyên bố rằng kế hoạch phục hưng châu Âu của Mỹ không hề chống lại quốc gia nào, chủ thuyết nào, nhưng trên thực tế nó đã trở thành trợ thủ đắc lực cho học thuyết Truman chống lại sự hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.
Lumumba khẽ dừng trong giây lát. Rồi giọng nói hùng hồn của anh lại vang lên:
– Thưa anh chị em. Mặc dù hiện nay chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô chưa ảnh hưởng nhiều đến tình hình châu Phi. Việc Bỉ gia nhập NATO, sau đó sáng lập Cộng đồng Than – Thép châu Âu mới trong năm nay cũng chưa liên quan gì tới tình hình Công Gô. Tuy nhiên, khuynh hướng đòi tự do, dân chủ do trào lưu tư tưởng ở các nước Tây Âu mà đứng đầu là Pháp đã chi phối mạnh mẽ xu hướng đấu tranh của giới thợ thuyền trên toàn thế giới. Hiện nay, tại Công Gô, người Bỉ sẽ tiếp tục quay lưng với quyền sống và quyền độc lập của dân tộc Công Gô nếu chúng ta không chịu đấu tranh. Chính vì lẽ đó, tôi kêu gọi anh chị em hãy nỗ lực phấn đấu vì một nước Công Gô tự do, độc lập. Mức sống và cuộc sống của người Công Gô nhất định sẽ tốt đẹp hẳn lên khi và chỉ khi chúng ta thật sự biết đấu tranh!
Câu kết luận của diễn giả Patrice Lumumba vang lên trong tiếng vỗ tay vang dội của đông đảo hội viên. Disanka và những người bạn, nãy giờ ngồi lặng thinh lắng nghe, đến giây phút này không thể nào câm nín được. Cô và nhiều người khác cùng đứng bật dậy, giơ cao nhiều cánh tay lên và hô vang:
– Công Gô độc lập muôn năm! Công Gô độc lập muôn năm!.
Chương 9
Disanka gần như hoàn toàn bị cuốn hút bởi những gì cô đọc được trong tập hồi ký của Po. Cô thắc mắc không biết điều gì sẽ diễn ra sau cái chết bi thảm của ông Henri và những người khác tại thị trấn Lamu. Vì vậy, chiều hôm ấy, chưa kịp ăn uống gì, cô vội vàng đọc tiếp.
Bố André và chú Antoine thật tội nghiệp. Cả hai muốn ở lại xứ sở đó để lo việc chôn cất cho ông Henri và các nạn nhân khác, nhưng không được.
Tảng sáng hôm sau, cảnh sát Anh ập đến. Họ lật qua lật lại từng xác chết, quan sát hiện trường thật tỉ mỉ, chụp ảnh lia lịa. Họ ra lệnh cho cảnh sát bản địa chôn cất các thi thể. Họ tịch thu súng của ông Henri, đối chiếu các mảnh vỏ đạn tìm thấy tại đó, rồi dí súng từng người. Chúng tôi cố sức phân trần, nhưng do bất đồng ngôn ngữ, họ nhất quyết bắt trói cả bảy người trong đoàn chúng tôi giải đi.
Đầu tiên họ chuyển chúng tôi đi bằng lừa. Lý do là thị trấn nhỏ nằm cạnh bờ biển ấy chẳng có lấy một con đường nào đủ rộng để ô tô vào. Khi cả đoàn ra tới đường cái, họ nhét chúng tôi vào chiếc xe nhà binh chờ sẵn. Xe của đoàn chúng tôi cũng bị họ trưng dụng để chở chúng tôi đi. Hai xe cà gật cà tàng vượt qua hơn 300 km đường đất đá gập ghềnh, chúng tôi tới một thành phố nhỏ. Mãi sau này tôi mới rõ đó là thành phố Mombasa, cũng là một nơi khá nổi tiếng của đất nước Đông Phi thuộc Anh.
Cảnh sát Anh tống cổ chúng tôi vào hai căn phòng chật chội, bẩn thỉu. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Vừa đói khát vừa lo lắng. Làm sao biết được khi nào họ xét xử, và liệu có được trả tự do không?
Chúng tôi nằm nhà lao hết ngày này qua ngày khác, chẳng ai đoái hoài gì. Nhà giam quá tồi tàn. Mỗi ngày mỗi tù nhân chỉ được phát tí bột ngô khuấy qua loa, ăn cầm hơi. Nước gần như không có để uống. Lúc nhúc giữa nền đất toàn ổ kiến. Trong từng manh chiếu rách, rệp bò lổn nhổn. Ngoài tên cai ngục mặt lạnh như tiền mỗi ngày một lần quẳng thức ăn đến, chúng tôi chẳng có cơ hội  tiếp xúc với ai. Sức khỏe và tinh thần ngày càng tệ.
Mãi ba tuần sau, họ mở khóa, lôi chú Antoine và bố tôi ra để lấy lời khai. Qua một tay cảnh sát Anh biết tiếng Pháp, họ dần dần hiểu ra mọi chuyện. Nhưng họ không tin những lời khai của bố và chú. Cuối cùng, chẳng hiểu sao, họ gọi tôi ra.
Gã cảnh sát có hàng râu quai nón đen kịt hỏi tôi bằng tiếng Pháp:
– Mày tên gì?
– Tôi tên Po – tôi vừa gãi đầu, vừa đáp.
– Mày họ gì?
– Tôi không có họ.
Gã trợn mắt:
– Gì kỳ vậy! Mày điên à?
– Bộ tộc tôi không có lệ ghép họ vào tên. Mà ở đấy cũng chẳng ai có họ.
Gã cau mày:
– Láo toét! Làm gì có bộ tộc nào như thế!
– Tôi chẳng biết láo toét để làm gì.
– Mày bộ tộc nào? Ở nước nào?
   – Bộ tộc Blasensenla. Nước nào không rõ.
Gã cảnh sát cười rống lên một cách man rợ. Dường như gã tỏ ra vô cùng khinh miệt khi nghe tên bộ tộc tôi. Tiếp sau tràng cười ấy, gã bảo tôi diễn vần từng chữ cái để gã ghi lại. Rồi gã quát:
– Mày là gì trong đoàn khảo cổ này?
– Tôi là con nuôi của ông André – vừa nói, tôi vừa gãi lia gãi lịa vì mấy ngày qua bị muỗi và rệp cắn tơi bời.
– Hừ… thôi được. Tao tạm tin như vậy. Mày nghe và thấy những gì ở Lamu thì kể hết ra đi.
Tôi lần lượt kể. Gã chăm chú lắng nghe, ghi ghi chép chép.
Sáng hôm sau, họ bất ngờ thả chúng tôi ra.
Ồ là la! Được trả tự do như vậy thật đáng mừng. Tôi reo lên. Và hát. Đôi chân nhún nhảy không yên. Cổ tay xoay xoay như múa. Nhưng cả đoàn hầu hết đều tỏ ra hậm hực. Bố André càu nhàu bảo lẽ ra họ phải xin lỗi vì những khổ sở mà chúng tôi phải gánh chịu trong mấy tuần qua. Chú Antoine điên tiết gọi cảnh sát Anh là đồ hắc ám, đồ ngu xuẩn, đồ dã thú. Riêng tôi, tôi không hề cảm thấy tức giận chút nào cả. Dường như đối với người bộ tộc tôi, cái ngưỡng để tạo ra những cơn giận dữ và nỗi oán thù cao hơn nhiều so với những người thuộc thế giới “văn minh” thì phải.
Nhưng qua câu chuyện, tôi quả thật rất kinh ngạc: Đồng loại homo sapiens quá lạm dụng vũ lực và khí giới. Khi nắm quyền hành và có vũ khí trong tay, chúng trở nên quá lộng hành. Chẳng phân biệt phải trái, chúng ưa làm gì thì làm. Chúng coi đồng loại chẳng ra gì. Muốn cướp là cướp. Muốn bắt là bắt. Muốn bắn bỏ là bắn bỏ.
Điều khiến bố tôi thường hay hãnh diện gọi là động vật “thượng đẳng” hóa ra là như thế sao?
Chương 10
Disanka và chín phụ nữ cùng nhóm đang sinh hoạt ở phòng khách quét vôi màu hoàng thổ khá cũ kỹ nơi nhà cô, tại khu trung tâm đô thị Léopoldville. Lúc đó khoảng mười giờ rưỡi. Căn phòng cách mặt đường Flanders chừng mười mét, nằm khuất sau hai thân cây bao báp vừa vạm vỡ vừa cao ngất ngưởng. Cô say sưa thuyết trình cho cả nhóm nghe về vấn đề nữ quyền. Giọng cô không lớn lắm, âm lượng chỉ vừa đủ cho các bạn nghe.
Không khí buổi gặp mặt vừa vui tươi, vừa nghiêm túc. Có người trong nhóm gọi đó là “bầu không khí nhiệt huyết”. Một số gọi cô là “đồng chí”. Song, kể từ khi đọc xong mảnh giấy nhỏ trong tay, cô thấy con tim mình cứ rộn lên, vừa hồi hộp vừa lo lắng.
Cô khéo lựa chỗ thích hợp để chấm dứt bài thuyết trình. Lúc mọi người lần lượt ra về hết, cô ngước mặt lên tường xem đồng hồ. Mười phút nữa sẽ có người tới gặp cô? Mà người ấy là ai?
Cô mở mảnh giấy nhỏ xíu ấy ra đọc lại. Đây là tờ ghi chú mà anh chàng vệ sĩ cùng quê với anh Lumumba nãy giờ ngồi canh trước sân đã nhét vào tay cô cách đây hơn nửa tiếng. Trên đó vỏn vẹn hai câu nghệch ngoạc:
Một anh chàng người Bỉ tìm cô lúc 10 giờ.
Tôi đã dặn gã quay lại lúc 11 giờ.
Đọc thêm lần này nữa, cô lại càng băn khoăn. Cô chẳng thắc mắc, bồn chồn sao được khi không thể nào đoán ra gã kia là ai.
Đúng giờ, gã ấy xuất hiện. Gã đưa hẳn chiếc xe Jeep trắng đỗ sát ngay trước cổng nhà cô. Lòng cô háo hức lạ thường. Trông chiếc xe quen thuộc, cô biết ngay gã là ai. Mình mặc áo pun, quần jeans, chân đi giày thể thao, gã nhanh nhẹn bước vào. Giọng mũi của gã khá rành rọt:
– Disanka, anh chờ em suốt buổi rồi đó!
Gần như quên hết mọi chuyện, Disanka nhoẻn miệng cười:
– Anh khỏe không? Vợ con đâu cả?
– Ôi! Nhắc vợ con làm gì. Anh ngán lắm rồi đây.
Sau tiếng thở dài, gã thong thả ngồi xuống nhìn vào mắt cô. Nhẹ nhàng đặt tay lên bàn, rất tự nhiên và thân mật, gã với tay sang nắm lấy bàn tay cô. Ánh mắt gã thể hiện tình cảm rất đỗi chân thành. Disanka không rụt tay về.
Anh Blaise Sanchez ngỏ lời mời Disanka cùng đi ăn trưa.
Sau đó anh rủ cô đi thẳng về phía nam thành phố, nơi ghi dấu bao kỷ niệm của hai người thuở còn say đắm bên nhau.
Đó là một không gian thoáng rộng. Mặt hồ bao la, quanh năm có thể nghe tiếng hằng trăm thân tre cựa mình vào nhau hòa cùng tiếng thác đổ. Khi thong thả ngồi hóng mát nơi bờ hồ, người ta có thể ngắm nhìn thỏa thích bầy bonobo tinh nghịch tắm, tung nước vào nhau và tranh nhau quấy phá mặt hồ. Tên gọi của nơi này là Petites Chutes de la Lukaya, bởi vì ở đây có hằng chục con thác lấp thấp chừng một mét suốt ngày đêm tuôn nước xuống mặt sông Lukaya, tạo nên mặt nước rộng thoáng.
Khi hai người đến nơi thì ánh tà dương còn phảng phất mặt sông. Họ khẽ ngồi xuống nơi mặt đá rộng. Đi ngay vào câu chuyện, Blaise bảo cuộc hôn nhân hiện nay của anh thật đáng chán nản. Có những ngày quá sầu não, anh phải nói dối vợ để đi chơi đâu đó một mình cho khuây khỏa.
Disanka nghe thế, thật xót xa. Cô cố nói để anh Blaise hiểu rằng Imani luôn đặt hết niềm tin nơi anh; vả lại, vợ chồng anh đã có với nhau hai “cậu ấm”, nếu không lo vun đắp hạnh phúc gia đình thì thật đáng thương cho các cháu.
Anh Blaise chỉ lắc đầu. Disanka nhấn mạnh rằng nếu anh còn chút tình cảm đối với cô, thì hãy tận tình với Imani và các con.
Trong phút giây tâm tư xao xuyến, Blaise choàng tay ôm cô, nhưng cô nhẹ nhàng gạt ra:
– Ôi thôi! Chàng thanh niên Paris bảnh trai, hãy coi em là bạn! Em không muốn có lỗi với Imani đâu đó!
Một hôm, Blaise vui vẻ nhận lời mời của ông bà Abaza sang Ai Cập, quê hương của họ. Cả nhóm khởi hành từ Fort-Lamy, đi theo hướng đông bắc. Họ phải mất gần năm ngày trường, ngày đi đêm nghỉ, mới đặt chân tới mảnh đất Cairo, thành phố lớn nhất của đất nước ấy.
Đó quả là một đô thị tráng lệ, xứng đáng với tên gọi al-Qāhirah trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “Khải hoàn”. Dân cư thật đông đúc, đa số mặc trang phục Hồi giáo rất kín đáo. Nam cũng như nữ đều có những chiếc mạng rộng, trùm đầu phủ vai, có người phủ tới tận lưng, chỉ chừa ra trên gương mặt những đôi mắt sáng trong và những chiếc sống mũi thẳng.
Dọc hai bên bờ sông Nile là những dãy phố tấp nập. Điều lý thú là vợ chồng anh và gia đình họ tình cờ đến đúng vào ngày 18 tháng Sáu 1953, ngày mà ông Muhammad Naguib vừa mới đứng tại quảng trường lớn tuyên bố độc lập. Khi ánh Mặt Trời chỉ còn le lói ở phương tây, người ta bắt đầu rủ nhau ra bờ sông, vừa hóng mát, vừa kể cho nhau nghe những câu chuyện liên quan tới cuộc đấu tranh chống thực dân Anh.
Trong ánh nắng chiều, trên các đường phố chính, những câu biểu ngữ rực rỡ vẫn hiện ra rất rõ nét: AI CẬP ĐỘC LẬP MUÔN NĂM!, TẤT CẢ VÌ MỘT AI CẬP TỰ DO! Quá sung sướng, ông Abaza muốn dang tay, gào lên một tiếng thật to vang động cả không gian để thỏa mãn sự thích thú trong lòng. Ánh mắt ông sáng rực. Miệng nở nụ cười. Cũng phải thôi, vì ông đã từng ao ước được về thăm lại quê nhà, thì nay đã thỏa. Mà lần này, ông càng phấn khích vì quê hương thoát vòng nô lệ.
Điều tuyệt vời nhất là ông gặp lại người em hằng chục năm xa cách. Em trai ông là quân nhân từng chiến đấu dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tướng Naguib. Khi mọi người cùng ngồi hóng gió tại một quán nước bên bờ sông Nile, vị cựu chiến binh hãnh diện kể về những chiến công hiển hách của mình.
Trong khi ông cao hứng nói không ngơi nghỉ, tay ra dáng như đang cầm súng bắn, thì ngay bàn bên cạnh, một phụ nữ mặc kaftan trắng, trố mắt nhìn, chăm chú lắng nghe. Dưới ánh sáng lập lòe hắt ra từ mấy ngọn đèn lồng, có thể nhận ra đó là một cô gái còn khá trẻ. Ngồi cạnh cô là một người đàn ông luống tuổi.
Imani quay đầu nhìn sang, tình cờ bắt gặp ánh mắt ấy. Cô ngạc nhiên reo lên:
- Disanka!
Phải, Disanka cùng người cha nuôi, khi nghe tin tại Cairo lực lượng cách mạng đang ăn mừng chiến thắng thì háo hức muốn đi. Thật ra, cả hai chẳng có chút dính líu gì tới đất nước này. Nhưng Disanka đến đây vì muốn biết người ta đã chiến đấu chống thực dân và bọn quân chủ chuyên chế ra sao. Cô cũng mong muốn thụ hưởng những phút giây thanh thản cùng cha nhìn ngắm thỏa thích dòng sông Nile – con sông từ lâu nổi tiếng trong xanh và xinh đẹp, rất hay được nhắc đến lung linh kỳ ảo trong sử thi Ai Cập.
14/9/2022
Trần Như Luận
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...