Thứ Hai, 2 tháng 1, 2023
Trưng Nữ Vương - Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
Trưng Nữ Vương - Tiểu thuyết
Nhà văn Phùng Văn Khai sinh năm 1973 tại ải Thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Anh hiện đang công tác Tạp
chí Văn nghệ Quân đội, cấp bậc thượng tá, chức danh Phó Tổng Biên tập, là Hội
viên Hội
Nhà văn Việt Nam (2007), Phó Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam Nhiệm kỳ
(2020 – 2025). Phùng Văn Khai được biết đến là một tác giả viết nhiều bộ tiểu
thuyết lịch sử nhất gồm 6 bộ gồm: Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu
Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc. Và sắp tới đây anh sẽ
ra mắt bộ tiểu thuyết thứ 7 “Trưng Nữ Vương”. Trong những tiểu thuyết lịch sử của
anh, bạn đọc đặc biệt chú ý đến các bộ tiểu thuyết; Phùng Vương, Ngô Vương, Triệu
Vương phục quốc, trong đó bộ tiểu thuyết Ngô Vương nhận được giải thưởng Hội
Nhà văn Việt Nam thời kỳ 2016 – 2019. Qua trao đổi trước khi bộ Trưng Nữ Vương
sắp được ra mắt, anh cho biết, bộ tiểu thuyết lịch sử này sẽ có nhiều nét mới
trong lối hành văn nên văn phong cũng khác hẳn. Và tiểu thuyết Trưng Nữ Vương
là tiểu thuyết đầu tiên của anh có nhiều tình tiết hư cấu, có nhiều giai thoại
lẫn thần thoại xoay quanh các nhân vật chính, nó thể hiện sự khác lạ so với các
tiểu thuyết trước đây. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu Hồi thứ nhất của Bộ
tiểu thuyết lịch sử này.
Tiếng trống hội ầm ầm như trống trận nổi lên từ lúc còn tinh
sương chưa rõ mặt người. Hội xuân năm nay, huyện lệnh Mê Linh cho tổ chức liền
một lúc hội cờ, hội vật, thi kéo co, thi đánh đu và nhất là dựng riêng một kỳ
đài trên khoảnh bãi đất rộng sát đầm nước lớn hướng ra sông Nhĩ Hà để tổ chức hội
trọi trâu. Các môn đánh vật, kéo co, đánh đu, cờ tướng năm nào cũng có, nhưng
riêng hội trọi trâu phải ba năm mới tổ chức một lần nên dân chúng trong vùng
kéo đến xem đông đúc lắm. Mê Linh vốn thuộc đất cũ Phong Châu nên các nghề săn
bắn, thuần dưỡng thú rừng đã có từ thượng cổ. Tương truyền, ngay từ đời Hùng
Vương thứ nhất, đích thân vua cùng hai mươi vị Lạc hầu, Lạc tướng với quân
binh trong một cuộc săn lớn bắt về ngót một trăm trâu rừng, dồn chúng xuống
vùng đầm lầy thuần hóa sinh sôi phục vụ cày cấy. Cũng có khi nhớ rừng thẳm, bọn
trâu cày nửa đêm bứt sẹo bỏ trốn vào rừng sâu, song chỉ vài ba tháng thiếu muối
không chịu được lại phải quay về chịu đóng ách cày bừa như cũ. Bởi thế mới có tục
mùa đông các hội nuôi trâu hòa nước muối vảy vào rơm cỏ để giữ chân bọn chúng.
Trong nông trang mùa vụ, lũ trâu cày vốn dĩ hiền lành, song mỗi khi nghe
tiếng trống hội thúc ầm ầm, các gã trâu đực đôi mắt đỏ ké đột nhiên trở nên
hung dữ, liên tục cào móng xuống cày đất đá rào rào. Hội trọi trâu Cổ Lôi sơn
trang ba năm một lần là nơi quy tụ hàng trăm ông trâu trên khắp các vùng đất Mê
Linh. Sau ba ngày tranh tài cao thấp vòng ngoài, còn lại mười sáu ông trâu vào
chung cuộc chia làm tám cặp đợi ngày chính hội sẽ huyết chiến chọn ra ông trâu
vô địch để huyện lệnh làm vật tế thần. Đây cũng là vinh dự và danh tiếng của
chủ trâu sẽ được biên chép vào đình phả Cổ Lôi sơn trang. Trong bảy mùa hội trọi
gần đây, có tới hai lần phải đặt đồng giải nhất vì hai ông trâu chung cuộc tử
chiến không rời, cuối cùng đều chết thảm dưới cặp sừng đối thủ, chết rồi mà bốn
cặp chân vẫn cắm thẳng xuống đất như bốn cột đình khiến đám trai tráng phải mất
nửa khắc mới gỡ được xác hai ông rời nhau. Những năm đó ắt mùa vụ bội thu, các
phường săn vùng thượng du Mê Linh đều bắt về vô số hươu, nai, hổ, báo, trâu rừng,
và nhất là dăm chục thớt voi non để huyện lệnh chọn ra một cặp cung tiến xuống
Luy Lâu.
Vừa qua ải lũy thứ hai sát mép khu rừng cấm, tiếng tù và của
tên gia tướng Trưng huyện lệnh rúc lên liên tiếp ba tràng dài âm i vọng vào hai
bên vách đá. Lập tức hai loạt tù và đanh ngắn cất lên đáp lại cũng là lúc ngay
phía chân ải lũy, sát ghềnh đá ăn xuống mép dộc sâu cây cối dây leo chằng chịt
nhảy thốc ra ba bốn chục tráng đinh nai nịt gọn ghẽ. Đám người ấy, ai nấy đầu
chít khăn vải đỏ diềm trắng, mình bận bộ vải chàm dày dặn, chân đi giày da thú,
bắp chân, cổ tay nhất loạt quấn sà cạp đỏ viền trắng đều tăm tắp. Trên lưng mỗi
tráng đinh đều đeo một bộ cung tên, bên hông ai nấy cài sẵn bao dao quắm thò
chuôi dài quấn vải lủng lẳng. Nhìn kỹ dưới mỗi bắp chân, nơi các vòng sà cạp quấn
nối nhau đều cài sẵn sáu bảy cặp trủy thủ hằn qua lần vải.
Vốn rành rẽ thói săn mồi của cọp qua nhiều năm theo các phường
săn mùa động rừng, trưởng nữ họ Trưng rất hiểu cuộc bắt cọp này không chỉ tạo
thêm uy thế cho Trưng thị, mà chính là cuộc sinh tử nên không dám một phút lơ
là. Dẫu như thế, cũng không thể ngờ cọp trắng nấp sẵn trên cây một chiêu đoạt mạng
nên có đôi chút bất ngờ. Hiểu ra cơ sự, may mà còn kịp bất chấp đá hộc lởm chởm
ngã rạp xuống như chớp cứ thế lăn ngược hướng vồ mồi của mãnh thú thoát hiểm
trong gang tấc. Dẫu vậy, cọp trắng cũng kịp vồ trúng bộ cung tên khiến chúng bật
văng ra.
Thái thú Tích Quang vừa nói tới đó bỗng bên ngoài có tiếng ồn
ào. Mọi người nhìn ra chính là đoàn đặc sứ của triều đình đã tới đại điện. Tích
Quang vội rời chỗ ngồi đứng dậy, toàn bộ văn thần võ tướng nhất loạt đứng dậy
theo cũng là lúc vị quan đặc sứ hai tay bưng chiếu lệnh tiến thẳng vào chính điện
dõng dạc nói:
Hai vị huyện lệnh cùng với sư phụ Đỗ Năng Tế trong các cuộc
đàm đạo về thời thế, đã không còn bóng gió xa xôi mà chỉ thẳng ra mối nhục lệ
thuộc phương Bắc của các vùng đất phương Nam mà ngày trước mười tám đời quốc chủ
Hùng vương trấn nhậm. Trong luận bàn tìm về quốc thống, sư phụ Đỗ Năng Tế thấy
nhị vị huyện lệnh tâm thế phân ưu, tấm lòng trĩu nặng quan hoài không dứt cũng
chỉ biết chôn chặt trong lòng. Mấy hôm trước, khi bàn riêng với vợ chồng Trưng
Định – Man Thị, Đỗ sư phụ đã nhắc tới thời cơ chính là lúc bọn người phương Bắc
thay ngôi đổi chủ. Thái thú Tích Quang và Châu mục Đặng Nhượng đã được Hán Vũ đế
cho cáo lão hồi hương, người sắp sang đương chức Thái thú chính là Tô Định, một
kẻ gian hùng sắt máu vốn theo phái Pháp gia rất hà khắc tàn bạo đến nỗi các
quan đồng triều, các vị Thứ sử, Thái thú, huyện lệnh của Vũ đế nghe tới tên y đều
giật mình. Chuyện đã đến nước đó, song với bản tính thận trọng, lại chưa biết
Thái thú mới sẽ thực thi pháp độ ra sao, nên Trưng Định vẫn có ý chần chừ. Đỗ
sư phụ nhân thấy cha con huyện lệnh Chu Diên đầu xuân tế lễ miếu tổ Tản Viên
Sơn Thánh lưu lại Cổ Lôi sơn trang, mới dần dần khơi dẫn hùng tâm tráng chí của
nhị vị huyện lệnh. Ngài đặc biệt quan sát kỹ Thi Sách, con trai ngài huyện lệnh
Chu Diên. Đỗ sư phụ nhận thấy, Thi Sách không chỉ có tài văn võ mà ý chí quật
cường của chàng trai trẻ đã sớm tỏ rõ qua những lần đàm đạo riêng với họ Dương.
Cũng thực may mắn khi trưởng nữ họ Trưng và Dương công tử đã dần bén duyên
nhau. Quả đây đã như một mối duyên trời. Sư phụ Đỗ Năng Tế sớm nhìn ra mối thân
tình đặc biệt của hai vị huyện lệnh, trong đầu như vụt sáng cho rằng nếu đôi trẻ
kết duyên chồng vợ, nhất định sau này cơ trời vận nước của người phương Nam sẽ có
chuyển động khác thường bèn hết sức vun vào.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét