Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2023

Hoa rơi từ bờ ngực trái

Hoa rơi từ bờ ngực trái

Lê Vũ Trường Giang đã khéo quán sát để nhận biết mình qua truyện ngắn “Hoa rơi từ bờ ngực trái” Những chiêm nghiệm đầy triết lý được anh ngân lên từ vết thương nội tâm: “Chỉ có núi non mới đầy bao dung, núi non mới khởi phát được chân lý vô thượng. Có bao giờ ta đánh đổi đời mình đi tìm chóp núi cuối cùng để đối mặt, chóp núi cô đơn, chóp núi của riêng ta, chóp núi giải thoát. Núi cao thử thách lòng ta để khi đối diện với chóp núi cô đơn cuối cùng của cuộc đời. Trên núi cao, ta mới quán sát được thế giới bao la này”.
Nhà văn Lê Vũ Trường Giang đi công tác Trường Sa
Ngày cha mất, mắt mẹ buồn như cơn đông miền núi Khước. Tôi vân vê những trái sầu bám riết bên ngực, bất lực nhìn đó đeo bám suốt quãng đời từ khi mở mắt.
Những trái ngày càng to ra, gần đấy còn lú nhú thêm vài cậu. Ngắt hết lũ chúng nó là mục đích của cuộc đời mông lung này, tưởng như bất khả. Mẹ nhìn tôi như cây nhìn mưa, dũ dượi bên hông cửa. Đám người bị cuốc bổ vào đầu không còn xuống nói chuyện với mẹ mỗi đêm. Những con tắc kè giông bị ngắt đuôi không còn thấy trên bàn nước sau mỗi lần họ về. Mỗi lần như thế, mẹ nói: Họ còn quá trẻ. Buồn nhỉ! Rồi mẹ rót rượu làng Chuồn vào ly sành mắt trâu xanh ngọc. Rượu tỏa khắp nhà, thấm qua cánh mũi tôi, nứt mùi nếp ngọt.
Tôi ngồi vót cây bên hiên, nói:
“Con sẽ đi mẹ à!”
“Con đi đâu? Con bỏ mẹ một mình sao?” Mẹ hỏi.
“Dạ,…”. Tôi ấm úng, mãi mới nói được. “Tìm con!”.
Mẹ im lặng, nhìn tôi như cây nhìn mưa, mưa mù sương.
“Con sẽ trở về khi tìm thấy con, mẹ ạ”.
“Cha con đi rồi, anh con cũng chưa về. Chỉ còn núi Khước này thôi”.
Tôi định nói con sẽ về sớm. Nhưng họ đã lấp ló ngoài cửa, những người bị cuốc bổ chăm chăm nhìn tôi như muốn nói điều gì. Tôi nói, họ đến rồi mẹ à. Mẹ bảo không thấy. Mẹ mất đi quyền năng thấy họ từ ngày cha mất. Họ chăm chăm nhìn tôi, những con tắc kè giông đứt đuôi quẫy đạp trên tay họ. Tôi đi ra, lắc đầu, tôi hết bị suyễn rồi, cám ơn mọi người. Tôi nói, sáng mai sẽ lên thăm họ. Mẹ nói, ra vườn cắt một nải chuối rồi thắp nén hương. Tôi làm theo. Họ thi nhau vặt, nước mắt nước mũi chảy dài. Những cái đầu lem luốc, chỗ trống chỗ đầy như vạt đất ruộng bị cuốc bổ.
Tôi hỏi vu vơ: “Cuốc gì mà sắc vậy mẹ?”
“Cuốc ngu”, mẹ buồn bã trả lời.
Tôi vác rựa đi lui vườn sau, định băng núi Khước xin nhánh kim giao nhà ông Đỏ để làm bát gỗ, đũa gỗ đi ăn dọc đường. Bị ám ảnh với muôn vàn độc tính bủa quanh, tôi chán cái cảm giác bất an khi ngồi giữa đám người lố nhố ngoài phố thị. Bước đến hàng rào thưa, tôi nhìn sang nhà nàng, hoa khôi núi Khước. Chào nàng một tiếng rồi đi chứ, đau lắm nếu phải xa nàng. Một tiếng cười giễu ướt vang lên cuối hàng cau, tiếng cười nàng găm vào da thịt tôi đau nhói. Có bao giờ nàng hiểu tôi đâu. Trái tim tình si bị băm vằm muôn mảnh ngày nàng cất chân rời núi Khước về xuôi. Chẳng buồn ngoái lại nhìn dáng hình yêu kiều ấy, tôi nhảy phốc qua nhà ông Đỏ.
Ông hàng xóm đã già, chẳng nhớ nổi tuổi. Nghe đồn ông gần 150 tuổi. Tóc ông trắng như mây, da nhăn ngả màu, nhăn nhúm như tàu lá chuối khô. Cả đời ông chỉ mặc mỗi bộ vải đỏ từ đời khai thiên lập địa. Cả đời ông chỉ biết làm những con ngựa giấy, những con ngựa thần.
Thấy tôi bước lên con dốc trước nhà, ông cười móm mém.
“Mày lâu quá!”
Tôi dạ rang.
“Ở lại làm với tao một cuốc rượu. Từ ngày cha mày mất, tao chỉ biết uống với mấy con ngựa khùng!”.
Tôi nhìn những con ngựa giấy, mặt lấm lét như vừa về từ trận can qua. Bờm chúng xù lên thẳng tắp cỏ lau, tấm thân được che kín giáp bằng giấy phủ tua, yên cương gọn gàng. Ông Đỏ nói, ngựa ông là ngựa thần cả. Kia là Xích Thố của Quan Vũ, sờ vào còn rịn ra mồ hôi màu đỏ ấy. Cả đời tao chỉ làm được 3 con. Mê nhất là bộ bát tuấn, đấy, tám con tuấn mã của Chu Mục Vương nào là xích kỵ, đào ly, bạch nghĩa, du luân, sơn tử, cử hoàng, hoa lưu, duyên nhỉ. Bộ này là những ngựa kéo xe đưa vua đi thăm thú khắp nơi, tao dùng để chở hàng từ dưới chợ lên vào những mùa tối trăng đấy.
Tôi nhìn đám ngựa màu sắc Trung Hoa ấy với thái độ dửng dưng. Ông Đỏ cười, tao biết mày nghĩ gì. Còn cả một kho ngựa Việt thuần chủng ấy nhé. Đây, ngựa sắt của Thánh Gióng, bằng giấy cứng như sắt, mày sờ thử đi. Con này độc bản, không bán. Nó giữ nhà cho tao mỗi khi đi vắng, không ai bước qua nổi hàng rào kia nếu nó đã nhớm chân phi nước đại. Tôi sờ vào ngựa Gióng bằng giấy, hơi lạnh khó hiểu của kim khí chạy dọc từ bàn tay ra toàn thân. Ngựa Gióng gục gục đầu, dậm chân trên nền nhà như chuẩn bị nghênh chiến. Lão Đỏ cười ha hả. Trong góc nhà ấy, ngựa Lam Sơn của Lê Lợi, đi kinh lý, ra trận không ai bằng nhé. Đám ngựa ấy mới đủ sức rượt quân Minh chạy về nước chứ. Lão nhấp một ngụm rượu cười khà.
Làm một chén nhé.
Rượu cay nồng xộc lên mũi, thân tôi nóng như một hỏa lò. Tôi khà một tiếng, đám ngựa quanh nhà rung rung. Ông bảo, đám ngựa này chạy rất nhanh, bảo nó họ kiến gió cũng không ngoa. Xem chúng đua nhé. Ông lại gần con Xích Thố nói thầm thì, vỗ vỗ mấy cái, lại sang con ngựa Gióng làm y như thế. Hai con ngựa lồng lên đâm bổ ra cửa như một trận cuồng phong. Tôi há hốc mồm, ra là thật. Chúng sẽ đem về cho ta hàng gửi dưới chợ. Không quan tâm đến chúng nữa, ông quay sang tôi:
“Cha mày đi nhanh quá, tội”.
Tôi chẳng nói gì, vô thường ấy, không cưỡng lại được.
Chết như thế, đất không mở lòng đâu. Rồi ông nhìn xa xăm, mắt thăm thẳm tin xa.
Gần hết cuốc rượu thì hai chú ngựa giấy chạy về. Con Gióng vào nhanh trước đúng một nhịp chân. Trên lưng chúng, mỗi bên hai túi rau dưa, giấy các loại đủ sắc màu.
“Ngựa Gióng thế mà khá, ha ha”. Ông Đỏ cười.
Nhưng bọn này chưa độc đâu. Ở phương Tây có nhân mã nửa người nửa ngựa, có ngựa thần mang cánh, có sừng trên đầu, hay phết. Nhưng mày chưa biết con Long Mã nước mình. Ngựa ấy mới là ngựa thần Đông Phương, dũng mãnh vô song, đi muôn nghìn dặm. Long Mã với đầu rồng, thân ngựa, vẩy cá chép, chân hươu, đuôi bò dẫm đạp lên hết thảy tốc lực, sẵn sàng cứu độ cho những kẻ thánh thiện. Nó là chúa loài ngựa Việt. Ông vỗ tay Long Mã lừng lững bước ra, oai vệ như một vị quân vương. Tôi nhìn Long Mã, thân mình run lên như gặp hộ thần.
Tôi hỏi xin ông một nhánh kim giao. Ông Đỏ nhìn tôi không chớp mắt. “Mày muốn đi xa ư? Mày chỉ nhớ là “ngựa nào gác được hai yên”, cứ chuyên tâm một việc, đường cứ thế mà trải.
Tôi dạ dạ, gật đầu. Ông nói rầm rì vào tai Long Mã, rồi vỗ vỗ lưng nó. Long Mã chạy ra khỏi cửa thì phi thẳng lên trời, nhắm hướng đại ngàn xanh um màu mắt.
Bóng ngựa qua cửa sổ thôi mày ạ! Ông Đỏ buồn rầu nói. Tao rồi sẽ biến mất khỏi trần gian này. Cả đàn ngựa rồi cũng hóa vàng theo tao. Đời tao chỉ chừng ấy gia tài để nuôi dưỡng đam mê. Ông gợi chuyện:
– Tao kể mày nghe chuyện “tiếng gọi”.
Trong lúc chờ Long Mã lấy Kim giao, không gì hơn lúc này là nghe ông lão kể chuyện. Ông nhắm mắt, bắt đầu kể bằng một chất giọng lạ lẫm, như người ta đang diễn tuồng.
Câu chuyện tiếng gọi
Một tráng sĩ đầu quân cho nhà Nguyễn. Anh rất giỏi võ, mưu lược đánh đâu thắng đó, mấy chốc thăng đến chức Phấn dũng tướng quân nắm cấm binh của triều đình. Làm quan to, đi đâu cũng có người bảo vệ, uy quyền vô hạn. Phấn dũng tướng quân chưa bao giờ biết cô đơn là gì. Thời bấy giờ, nước ta bị ngoại bang xâm lược, quân triều đình chống không lại nên chạy khỏi kinh thành. Xa giá đưa nhà vua lên vùng miền núi phía Tây. Đội quân của Phấn dũng tướng quân đi theo hộ giá, dũng cảm đánh nhiều trận chặn địch cứu vua.
Vì quá mệt trong lúc chạy theo tàn quân, ông bị tụt lại phía sau, lạc vào rừng vắng. Trời chiều đổ bóng âm u xuống thung lũng. Phấn dũng tướng quân uể oải nhìn bốn phía núi rừng xanh ngát, chẳng một tiếng người. Ông ngồi xuống dựa vào một gốc cây ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy, màn đen đã vây kín, im lặng bí hiểm ngự trị bốn bề không gian. Ông buột miệng gọi to tên những người lính theo đoàn. Không ai trả lời, chỉ có những tiếng vọng dội lại từ hẻm núi. Chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh này, ông, một cuộc chiến đấu với im lặng. Sương buông xuống thấm ướt tóc, áo. Cái lạnh miền sơn cước dìm ông trong nỗi cô đơn. Kiếm đâm xuống đất xả mối âu lo nhưng lòng trĩu nặng. Lòng trung không thể vẹn khi không ở bên bảo vệ nhà vua. Ông xót xa.
Tiếng kêu loài hoang thú lạnh lẽo vang lên, nhập thể bóng đêm vây siết ông. Những tiếng sột soạt phát ra quanh những bụi cây thấp. Là giặc, ông sẵn sàng chiến đấu, là gì khác ông chỉ biết chờ vận mạng. Ông thức gần hết đêm thì thiếp đi. Hai ngày hôm sau, ông đau đớn nhấc chân tìm đường nhưng vẫn lạc vào vùng hoang vắng khác. Đêm giày xéo Phấn dũng tướng quân. Trong cơn mệt mỏi ông không ngớt gọi: Ta là Phấn dũng tướng quân! Ta là Phấn dũng tướng quân!
Đêm thứ ba, một tiếng gọi của ai đó khác nhắc đúng tên ông. Tiếng gọi to dần, to dần như thể đã kề bên. Tiếng gọi ấy xác nhận đoàn quân đã phái người quay trở lại tìm ông, bảo đảm ông được cứu khỏi sự lạc đường khốn quẫn này. Ông cất tiếng trả lời, nỗi cô đơn và sợ hãi bỏ chạy mất. Ông là ông, Phấn dũng tướng quân phò giá ngai vàng. Tiếng gọi ấy đã bốc ông ra khỏi vùng tịch liêu câm lặng. Thân tâm ông dấy lên niềm phấn khích lạ kì, chuyển hóa toàn thể niềm lo âu thành niềm vui nhỏ bé. Trong bóng tối, chúng ta mất phương hướng, nhưng tiếng gọi sẽ giúp ta quay lại đường, chúng ta thoát khỏi sự mịt mù để đến với ánh sáng của triêu dương. Bỗng nhiên ông thấy lại mình, một Phấn dũng tướng quân tóc xõa, áo rách tả tơi sau cơn tháo chạy, mệt mỏi bên thanh kiếm cắm dựng trên đất rừng ẩm ướt. Ông nhìn lại mình, con người dũng mãnh xưa kia đâu rồi, nước non còn cậy ông được ư. Tiếng gọi là sự phát âm của thực tại đi đến và hiện thân trong mỗi con người. Tiếng gọi khởi lên tên, danh hiệu vốn có của ta, Phấn dũng tướng quân, khơi lại sức sống ẩn tàng và niềm khao khát vượt thoát hoàn cảnh. Tiếng gọi, nó chỉ tên ta, danh, đừng bao giờ quên nó khi chẳng còn cái phao hữu hình nào cả. Danh là cái miệng giữa bóng tối.
Tôi nhìn vào mặt cốc sóng sánh rượu, hương bốc nồng cánh mũi. Tôi hình dung mình đang lắng nghe tiếng gọi của rượu, về những trái sầu không với tay hái tới, chực chờ cơn lũ rượu cuồng say cuốn nhòa góc thẳm. Một người trẻ nghĩ về cuộc đời như vậy ắt hẳn chán lắm. Lấy hai tay xoa xoa đôi mắt cho sáng rõ hơn, làm như tôi đang cần tỉnh táo. Ông Đỏ nhắm mắt liu riu trong giấc xa, chân khẽ rung theo điệu nhạc vô hình. Rồi ông nhảy dựng lên:
Ta là ông Đỏ! Ta là nghệ nhân làm ngựa thần! Ha ha ha!
Ta là ông Đỏ! Ta là nghệ nhân làm ngựa thần! Ha ha ha!
Tiếng cười của ông phá tan cái im lặng ngàn đời của núi Khước, nơi chẳng chịu dung chứa những ai không biết phục tùng im lặng.
Tôi nhớ cái cảm giác một buổi chiều núi Khước, ngày cha nằm dưới huyệt sâu. Tiếng chim gọi chiều lẻ loi, có thứ gì đó khao khát trong tôi. Vục mặt xuống dòng nước trong vắt không một bụi bẩn, cả nguyên sơ thức giấc trinh nguyên. Tôi om chút nước đưa lên miệng uống cả núi rừng, cây lá, uống cả màu hoa đỏ thắm chiều hôm. Có tiếng vượn hú xa xăm. Rừng lạnh.
Những ngọn gió từ núi Khước tràn sang, áp bàn tay buốt giá lên da thịt tái tê. Mùi hương sầu đông ướp trong kẽ tay dìu tôi chạm tới những ngày cùng cha vào núi hái củi. Cả rừng hoa lún phún trắng trong tiết trời se sắt. Lối mòn phủ một màu êm dịu cứ đâm mãi vào những hẻm xanh. Sầu đông rơi lất phất như mưa, lấm tấm đậu trên đầu cha. Tôi ngây ngất trong mùi hương, cơ thể loãng ra hóa sương theo gió núi về đậu đóa sầu đông buốt trắng, lạnh lùng.
Tranh của Hữu Ước
Một bàn tay ấm đặt lên tay tôi, lay lay. Mở mắt ra, nghe tao kể chuyện tiếp. Tôi tỉnh khỏi cơn miên tưởng sầu đông, màu áo đỏ chói nhòa trước mắt. Ông Đỏ chép miệng: Con Long Mã đi lâu nhỉ! Nhánh Kim giao của mày thật đắt giá biết bao.
Tôi cười buồn: “Cháu sắp xa núi Khước rồi ông à?”. Ông vuốt lên tóc tôi: “Tao biết, tao biết. Kẻ nào suốt cuộc đời mà không có một hành trình nào thì không đáng sống lấy một ngày. Hãy cứ bước đi. Mày không cô độc nếu mày biết làm bạn với chính mình”. Tôi cảm ơn ông.
Một làn gió lạnh ào ạt táp vào mặt tôi. Con Long Mã đã bay về, nhánh kim giao được nó ngậm trước mồm. Nhánh cây màu xám bạc, nhiều cành lá với những trái tròn như viên tuyết nhỏ. Tôi không hiểu làm thế nào để nó bẻ cái nhánh khá to ấy ra. Ông Đỏ gỡ nhánh cây xuống rồi đập đập cho Long Mã vào nhà. Tôi cám ơn ông rối rít.
Mộ cha nằm bên triền dốc những cây hoàng đàn. Từ đó có thể nhìn xuống thung lũng nhỏ như một bờ ngực của núi Khước. Nơi đó có một cái ao nhỏ, phần nào thân xác cha còn nằm ở đấy. Vài người trong đám cuốc bổ đi theo tôi. Họ đứng bên mộ cha và lau nước mắt. Họ buồn. Ngày cha phát hiện ra họ bị vùi trong gò đất, cha đào những nhát cuốc vã mồ hôi cạn. Một quả bom phá MK82 rơi rớt đâu đó đụng phải nhát cuốc cha. Họ được đào lên, được an táng, còn cha bay đi bốn phía. Nhiều đêm tôi biết mẹ lên đỉnh núi Khước và khóc to bốn bề hư không. Tôi thắp cho cha nén nhang. Cha ơi! Núi Khước buồn quá cha à!
Về nhà, tôi quỳ xuống bên chân mẹ. Mùi cỏ cây ngoài vườn ủ mục xộc vào nhà. Mẹ ơi, con xin phép mẹ cho con được đi khỏi nơi đây? Tôi gồng mình nói những lời như dao cứa. Người mẹ im lặng nhìn hàng cây trơ trụi lá trước sân nhà. Mẹ nhìn đứa con đứt ruột sinh ra, 20 tuổi tròn trịa tháng ngày, tròn trịa công sinh thành dưỡng dục. Tương lai xán lạn mở ra trước mắt gia đình bé nhỏ, nghèo khổ bao đời. Bà mơ về những đứa cháu nội ríu rít bên mình, mơ về một ngôi nhà khang trang, không sợ nắng mưa. Mẹ ơi, con bất hiếu. Tôi ngước lên nhìn mẹ. Nhưng mẹ ơi, con không muốn sống giữa cảnh đời nhốn nháo, đầy bon chen này nữa. Con đã được khai thị. Mẹ nhìn tôi chảy nước mắt. Những hàng cây trơ trụi lá đung đưa vô hồn trong gió. Mẹ ơi, con bất hiếu. Mong mẹ tha thứ và chấp thuận cho con. Tôi lê gối, quỳ rạp lên bàn chân mẹ. Gió tạt vào nhà, gieo lên cái lạnh hoang lung.
Hoa khôi núi Khước
Tôi rời khỏi nhà sớm một ngày theo dự định. Đáng lẽ tôi phải dành thời gian ít ỏi còn lại cho mẹ, thẫn thờ bên chén rượu nhớ cha mỗi đêm. Nhưng đám tang của hoa khôi núi Khước đẩy tôi lên đường sớm. Nàng xấp xỉ ba mươi, bước ra từ bức tranh lụa của họa sĩ mù cuối làng, người suốt đời chỉ vẽ thiếu nữ với hoa sen. Tôi chỉ thấy hoa khôi đôi ba lần, lần nào cũng chết sững. Nàng đẹp lung linh như nụ sen dưới ánh nến đêm. Trai tứ phương ngày ngày về núi Khước ve vãn nàng như bầy ong háu mật. Tôi hay nhìn sang nhà nàng bất kể đêm ngày như con kiến nhìn miếng thịt trong chén con mèo. Nàng bao giờ cũng nghĩ tôi là thằng nhãi con, làm sao mó được tới tấm lụa là nàng.
Hôm tôi gặp nàng bên bờ giậu có lẽ là lần cuối cùng. Cuộc chơi xuyên đêm của nàng đã dứt, người ta tặng nàng một mầm bệnh chết từ từ. Cảm xúc gì đây, tiếc thương một hồng nhan núi Khước. Cái đẹp có quyền năng của nó, kết dính những kẻ cô lẻ bằng đức tin viễn cự. Tôi nhói đau, nụ sen trong trí tưởng tôi về nàng đã nứt vỡ, hóa đen than cháy. Nàng thoi thóp thở, nhọc nhằn những hơi đứt quãng, nàng vẫn còn muốn sống, muốn sống lắm. Mắt nàng nhìn lên cao, nàng thấy chân trời phía trước, giấc mơ còn chấp cánh, những đóa hoa rực rỡ vây quanh nàng, ơ, cả những tín đồ mến mộ nàng. Nàng vô vọng. Rồi mọi cảm xúc đương ắp đầy của tôi tiêu tan, khi tiếng bà mẹ cất lên:
“Sao mày không sớm chết đi con. Con sống thế đủ rồi, xa hoa sung sướng thế đủ rồi. Con còn sống ngày nào cha mẹ khổ sở chừng ấy con ơi”. Nước mắt bà không chảy, mặt lạnh như tảng đá sau núi.
Đứng chết lặng, mấy trái sầu phồng lên nhói người tôi giữa cơn đông giá. Tôi muốn ôm nàng giữa khoảnh khắc tàn tạ này bằng tình yêu của một đứa em dành cho chị, nụ sen của những ảo mơ.
Bà mẹ không chút thẹn thùng: “Con chết, vàng đeo đầy người, mẹ xin dây chuyền, lắc, hột xoàn để lại cho nhà mình. Con chịu thì gật đầu đi, con!
Nàng vẫn nhìn lên trời, ánh mắt hóa xanh mờ dại, ánh mắt người sắp chết vẫn thắp một hy vọng, một khổ đau. Tôi đứng trân nhìn nàng giữa bao người vây quanh. Ánh nhìn tôi có lửa, lửa sẽ xua đi giá lạnh đang sấn sổ đến, tàn nhẫn ôm nàng. Lửa sẽ vật nàng dậy, kéo nàng ra cõi chết. Nàng sẽ ngồi dậy, chải lại mái tóc mun, đôi mắt đen huyền của nàng trìu mến nhìn vào cảnh vật núi Khước tàn đông. Đôi mắt ấy nhìn tôi, nhìn tôi một cách tuyệt vọng. Nàng bỗng mở miệng mỉm cười, mỏng như cánh sen thơm. Đôi dòng nước mắt rỉ ra bên khóe mắt thao thiết buồn. Người tôi run lên. Bà mẹ trơ trẽn kia lại rầm rì bên tai. Nàng cố kéo đầu xuống gật bằng sức tàn cuối cùng. Khi ánh mắt ấy chuyển qua màu vàng, tôi lặng lẽ quay trở ra. Nàng mãi mở mắt như thế cho đến khi người ta đậy tấm áo quan lại để bóng đen siết lấy nàng trong vòng tay tịch mịch của nó. Tôi nghe sấm đất rền vang bốn bề núi. Chưa bao giờ lòng tôi quặn đau khi đi xuống con đường bao năm chỉ nhìn cho có hướng. Dưới kia là làng Bắc với những mái nhà ngói đỏ. Màu đỏ thì vui tươi. Hôm nay, sao màu ấy làm tôi đau và lạnh thế. Hoa khôi núi Khước.
Những trái sầu tôi căng nhức, phồng lên trong lồng ngực. Tôi rủa, khốn nạn, rồi bước đi vô định xuống núi. Tôi sẽ đi mãi để quên núi Khước u buồn này. Đường xuống núi mịt mùng, sương trắng thê lương. Những bông sim mùa này đã nở, tím rưng rưng trong trời tiễn biệt. Một ông lão đi từ đằng xa đến. Ông mặc bộ áo chàm nâu rách nát, đôi chân mang dép cỏ như thời nào xa xưa trở về. Gương mặt ông cuốn hút ngay từ cái nhìn trong trẻo, đôi mắt sâu, tĩnh như mặt nước thu. Cả con người ông toát lên cái vẻ của núi Khước, vừa gần gũi, bí ẩn, cao siêu. Tôi chưa thấy ông ở núi Khước bao giờ. Ông gùi sau lưng một gùi hoa đỏ như lửa. Cả con đường như ngập một mùi hương vi diệu. Tôi buột miệng hỏi: “Ông ơi, hoa gì vậy ạ?”
“Hoa Mạn Thù Sa cháu à”. Rồi ông dừng lại nhìn tôi.
Hoa này ở đâu ạ? Tôi lại hỏi.
“Trên núi Khước.”
“Sao cháu chưa thấy bao giờ?”
“Cháu không thể thấy được, vì trước mắt cháu là một màn vô minh dày đặc”.
“Vô minh là gì?”
“Màn vô minh như lớp sương mù giăng trước mắt cháu và ta. Cháu không thể nhìn thấy ngọn núi của rừng Pơ mu, không thấy con đường dẫn xuống làng. Đặc và lạnh. Vô minh”.
Sương mù mỗi ngày một nặng hơn. Gió từ phía đông thổi mạnh, đẩy những đám mây nặng phủ kín núi Khước. Bàn chân tôi chợt run. Tôi không biết sẽ đi đâu.
“Giờ ông đi đâu vậy?”
“Ta lên núi Khước.”
“Lên đó để làm gì vậy ông?”
“Ta trồng hoa Mạn Thù Sa”.
“Mạn Thù Sa là gì ạ?”, giờ tôi mới nhớ là mình không hiểu gì về nó.
“Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, nhưng sắc tức là không, không tức là sắc, thọ, tưởng, hành thức cũng lại như thế thôi”. Ông cười sảng khoái rồi cặm cụi bước lên con đường dốc.
Tôi đứng lặng một hồi, nhìn đất trời núi Khước quặn xiết trong cơn giá lạnh. Núi Khước là núi giã từ, ngày còn sống cha tôi nói. Núi Khước ơi, ai sẽ từ bỏ mày, ai sẽ ly biệt mày thật là kẻ không ra gì. Chỉ có núi non mới đầy bao dung, núi non mới khởi phát được chân lí vô thượng. Có bao giờ ta đánh đổi đời mình đi tìm chóp núi cuối cùng để đối mặt, chóp núi cô đơn, chóp núi của riêng ta, chóp núi giải thoát. Núi cao thử thách lòng ta để khi đối diện với chóp núi cô đơn cuối cùng của cuộc đời. Trên núi cao, ta mới quán sát được thế giới bao la này.
Tôi cất bước chạy theo ông, lúc này đã bị màn sương vô minh che khuất, chỉ còn đốm lửa gùi hoa Mạn Thù Sa. Có tiếng ngựa hí vang trời. Ngựa Gióng, ngựa Xích Thố, Long Mã… hàng trăm chú ngựa giấy đi cùng mây, hiện ra trong sương trắng. Một cỗ xe được kéo dưới đất, rõ mòn một chiếc áo quan màu vàng đậm. Ông Đỏ ngồi trên áo quan cười hiền, tay phe phẩy chiếc quạt mo.
“Ông đi nhé!”
“Ông đi đâu vậy? Ông cũng bỏ núi Khước mà đi sao?”
Tôi khựng lại không hiểu mô tê gì thì ông Đỏ và đàn ngựa đã bay lên trời. Hoa Mạn Thù Sa từ đâu rơi thắm con đường mưa ướt. Tôi khóc, khóc rất to, chưa bao giờ tôi khóc nhiều như thế. Trong màn mưa nước mắt, tôi bước theo đốm lửa đỏ đã biến mất giữa màn vô minh sương. Tôi chạy thật nhanh, thật nhanh để đuổi kịp đốm lửa. Đốm lửa đã dừng lại, trước sân nhà tôi. Hoa Mạn Thù Sa rơi thắm mái nhà. Tôi nghe mẹ tôi niệm Phật trong màn mưa. Những người cuốc bổ đứng xếp hai hàng nghiêm trang dẫn lối.
Tôi gỡ những trái sầu trên ngực ra, quăng vào xuống vực rồi bước vào nhà. Ngày hôm ấy, núi Khước rất thơm.
24/9/2022
Lê Vũ Trường Giang
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...