Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Hoàng Thị Thu Thủy và Tháng giêng ngày mỏng quá

Hoàng Thị Thu Thủy và
Tháng giêng ngày mỏng quá…

Không hiểu sao cảm xúc về tháng giêng cứ vẩn vơ, lại ám ảnh Vũ Bằng – “Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọt”, “Nguyên tiêu” (Hồ Chí Minh)… và trong vô thức bài thơ Mưa tháng giêng của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cứ ngân nga gõ nhịp…
Mưa tháng giêng 
 
Tháng giêng mưa ngoài phố
Mưa như là sương thôi
Những bóng cây dáng khói
Như mộng du bên trời
 
Tháng giêng ngày mỏng quá
Nỗi buồn nghe cũ rồi
Mà bên kia tờ lịch
Nỗi niềm mưa xót rơi
 
Tháng giêng mưa trên tóc
Những người đi lễ chùa
Theo giọt mưa cầu phúc
Tiếng chuông từ bi mơ
 
Tháng giêng mưa dưới bến
Mỏng mai cô lái đò
Mắt mưa em lúng liếng
Trói tôi bằng vu vơ
 
Tháng giêng mưa như cỏ
Non xanh đến tận trời
Trước vô cùng năm tháng
Thơ mình sương khói thôi
Nhà phê bình Hoàng Thị Thu Thủy
Có ai đó nói rằng Nguyễn Việt Chiến viết bài thơ này nhờ vào “ảo giác thăng hoa thần thánh” quả không sai chút nào. Bài thơ đẹp từ câu chữ đến ý tứ. Điệp khúc “tháng giêng mưa” lặp đi lặp lại trong cả năm khổ thơ đã làm nên giai điệu, nhịp điệu, âm nhạc cho bài thơ – “Thi trung hữu nhạc”. Rồi “mưa ngoài phố, mưa trên tóc, mưa như cỏ”… cứ đan qua dệt lại làm nên bức tranh mùa xuân tươi tắn, rạng ngời mà mỏng manh, hư ảo và quyến rũ – “Thi trung hữu họa”…
Trong bài thơ “Bến đò xuân đầu trại”, Nguyễn Trãi cũng phác thảo bức tranh mùa xuân bằng thơ vừa mơ hồ huyền ảo, vừa vắng lặng xa xăm, vì nơi ấy có cỏ xanh lẫn lộn với khói biếc, giữa màn mưa xuân nước sông như vỗ vào nền trời: “Cỏ xanh đầu bến xanh như khói/ Thêm nữa mưa xuân nước vỗ trời”… Thi nhân thiền trong cái không gian tĩnh lặng: “Đồng nội vắng teo hành khách ít/ Thuyền kề bãi cát trọn ngày ngơi”…
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cố chọn cho mình cái tâm tĩnh lặng để đón nhận “mưa tháng giêng” trong những giây phút tâm hồn phiêu diêu, thì hình ảnh “Mỏng mai cô lái đò/ Mắt mưa em lúng liếng/ Trói tôi bằng vu vơ” đã xao động trên từng dòng thơ… Thế mới biết thi nhân xưa và thi nhân nay cảm nhận mùa xuân với hai kiểu thi pháp khá đặc trưng. Với thi nhân trung đại, đối diện với thiên nhiên để mà suy tư, chiêm nghiệm. Với thi nhân đương đại đối diện với thiên nhiên thì không giấu được cái tôi chủ quan của mình.
Nguyễn Trãi cảm xuân trong tâm thiền tĩnh lặng, nhưng tĩnh mà động. Bởi con người vĩ đại ấy đã biết bao đêm “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”, thì làm sao có thể thảnh thơi mà “Thuyền kề bãi cát trọn ngày ngơi”…
Còn “Mưa tháng giêng” của Nguyễn Việt Chiến cứ diễn tả theo cái nhìn của nhà thơ từ gần đến xa, từ tâm trạng con người đến không gian phố, bến đò, sông núi… Chọn tứ thơ “Mưa tháng giêng”, nhà thơ đã thổi vào không gian xuân sắc màu năm mới với những nét đẹp của phong tục ngày xuân “Tháng giêng mưa trên tóc/ Những người đi lễ chùa/ Theo giọt mưa cầu phúc/ Tiếng chuông từ bi mơ”. Văn hóa Lễ Tết đã thấm sâu trong hồn dân tộc nên viết về tháng giêng không thể không viết về lễ hội… “Ngày xưa, còn nhỏ, ngày xưa/ Tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang/ Lòng vui quần áo xênh xang/ Tay cầm hương nến, đỉnh vàng mới mua”… (Rằm tháng giêng – Hồ Dzếnh)
Và rồi sắc xuân đã làm nên sự chộn rộn trong tâm hồn nhà thơ bởi “Tháng giêng ngày mỏng quá/ Nỗi buồn nghe cũ rồi/ Mà bên kia tờ lịch/ Nỗi niềm mưa xót rơi”. Mở đầu mỗi khổ thơ là “tháng giêng mưa” – không gian xuân, riêng khổ thơ thứ hai thay đổi không gian bằng thời gian với phép chuyển đổi thật lạ: “Tháng giêng ngày mỏng quá”, nhiều độc giả từng thán phục trước cách dùng từ “mỏng” của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa – “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”. Ở bài thơ này câu thơ “Tháng giêng ngày mỏng quá” thật lạ và thật hay. Ngày mỏng vì thời gian trôi nhanh quá. Xưa nguyễn Trãi còn “Bỉnh chúc dạ chu” – “Cầm đuốc chơi đêm”, vì “Tiếng chuông chưa dóng ắt còn xuân”; thì con người thơ đương đại nhận ra “ngày mỏng” mới là độc đáo.
Nữ thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ nhìn thời gian tháng giêng bằng cái nhìn trong veo, hồn nhiên để khỏa lấp đi nỗi tiếc nuối: “Tuổi vèo bay theo gió/ Ta vừa sang tháng mười/ Ngoảnh lại nhìn xa lắc/ Một tháng giêng nhoẻn cười”.
“Tháng giêng ngày mỏng quá” và “Một tháng giêng nhoẻn cười” là hai đối cực về cảm nhận thời gian nhưng cùng chung một đáp số, cho nên thi sĩ Xuân Diệu đã từng hoảng hốt trước thời gian mà đã rạo rực, gấp gáp, táo bạo và quyết liệt: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”…
Mỗi thi nhân trong Thơ mới và thi nhân đương đại cảm nhận thời gian tháng giêng theo kiểu riêng của mình, nhưng đều ẩn giấu đằng sau những câu chữ là sự tiếc nuối về nhịp thời gian vũ trụ vần vũ đến rồi lại đi vô tư và nghiệt ngã. Thi nhân Vũ Đình Liên còn sử dụng điệp ngữ: “Mỗi năm hoa đào nở… Năm nay đào lại nở” trong bài thơ “Ông đồ” để người đọc nhận ra bi kịch thời gian đời người với thời gian vũ trụ. Cho nên, thật có lý khi tết đến xuân về người ta lại nhớ đến bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác thiền sư: “Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai” (“Xuân đi trăm hoa rụng, Xuân đến trăm hoa nở” – bản dịch của Thích Thanh Từ), đó cũng là cách chấp nhận quy luật thời gian tuyến tính; và quan trọng là hai câu cuối của bài thơ đưa lại cảm giác thiền khi đã đốn ngộ: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, Đêm qua – sân trước – một nhành mai” – bản dịch của Thích Thanh Từ).
Chọn tâm thiền để cảm nhận thời gian xuân cũng là cách đưa con người vào triết lý quân bình. Biết là vậy, mà nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vẫn đưa người đọc đến với tâm trạng xôn xao, rạo rực rồi tiếc nuối và nhớ mong một điều gì đó mơ hồ mà da diết, vu vơ, mơ ảo mà cứ rạo rực, bâng khuâng. Đó cũng là trạng thái đa dạng và phong phú của tâm hồn. Nên khi đọc bài thơ “Mưa tháng giêng” của anh, người đọc không chỉ bị níu kéo vì nhịp điệu, nhạc điệu, vì hình ảnh mưa xuân trong hình dung và tưởng tượng mà còn ám ảnh, ngân nga bởi nghệ thuật đan dệt câu từ của nhà thơ.
“Tháng giêng mưa ngoài phố/ Mưa như là sương thôi” – so sánh mưa như là sương là đã gợi lên những cảm xúc thật lãng mạn, mưa như sương thì mới có chuyện “Tháng giêng mưa trên tóc/ Những người đi lễ chùa”… Đi trong mưa, du xuân trong mưa, mà mưa như sương, như khói… là hiện thực mà làm sống dậy cả một niềm mơ ước, cho nên nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ mới viết “Một tháng giêng nhoẻn cười”…
Ở khổ thơ thứ tư nhà thơ thật giỏi khi sử dụng các từ láy “mỏng mai, lúng liếng, vu vơ” để viết về đối tượng trữ tình là em: “Tháng giêng mưa dưới bến/ Mỏng mai cô lái đò/ Mắt mưa em lúng liếng/ Trói tôi bằng vu vơ”. Ba khổ thơ đầu nhà thơ giấu cái tôi trữ tình của mình trong cảm nhận về không gian và thời gian “mưa tháng giêng” và đến khổ thơ thứ tư này thì hình ảnh trữ tình là em xuất hiện tự nhiên, như vô tình nhìn thấy, nhưng thật ra đấy mới là nguyên cớ chính để làm nên tứ thơ “mưa tháng giêng”, bởi các từ láy trong khổ thơ đã làm nên sự quấn quýt, đắm say.
Sở dĩ, đến khổ thơ thứ tư mới xuất hiện đối tượng trữ tình là em, vì cái tôi thi nhân cũng “như mộng du, như vu vơ, như sương khói… Tháng giêng mưa như cỏ/ Non xanh đến tận trời/ Trước vô cùng năm tháng/ Thơ mình sương khói thôi”… Đúng là “ảo giác thăng hoa thần thánh” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã làm nên một bài thơ “Mưa tháng giêng” trữ tình, độc đáo. Thơ ca là vậy, mơ ảo, mông lung, vu vơ, sương khói, ảo giác, vô thức, mơ hồ và đa nghĩa … là giây phút sáng tác diệu kì của thi nhân.
HOÀNG THỊ THU THỦY
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bầu trời bên ngoài ô cửa

  Bầu trời bên ngoài ô cửa Mây bay về cuối trời Gió ơi xin hãy đợi Niềm riêng cho ta gởi Khi hồn đang chới với Thân xác chừng rã...