Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Đi giữa trời không

Đi giữa trời không

I. Những lúc ngồi một mình tư tưởng rối mông lung như gió vào nhà trong, có đọng lại chăng là nỗi nhớ Hùng. Mùa mưa này không biết nghĩa trang nơi ấy, người gác để cỏ may, mắc cỡ mọc tràn lan, nước đọng vũng soi bóng mấy con chuồn chuồn hay mấy đứa em của Hùng không ngại ngọn đồi trơn trợt leo lên làm cỏ cho ngôi mộ anh.
Vô tình cửa phòng tôi nhìn ra vách núi mầu vàng nhạt của xí nghiệp khai thác đá. Ban ngày công nhân đi lại rộn rịp, bụt như thuốc tán tung mù, công trường vắng tanh. buồn hoang. Đêm mùa mưa. Nước chảy róc rách từ triền đá xuống, núi hắt ẩm ướt vào phòng gặp cái tê dại của lòng, đã thế lũ ễnh ương còn thê thiết rền rĩ. Đêm mùa mưa trăng thả xuống từng giọt lóng lánh. Nhìn về núi thì mầu trắng đã nhạt nhòa hòa lẫn với khí lạnh từ núi tiết ra nghi ngút nhận chìm lấy tôi, mắt chẳng còn phân biệt đâu là chòm cây cao hay vồ đá mà những ngày nghỉ hai mẹ con tôi thường leo lên đó chơi.
Tôi hiu quạnh nơi đây, Hùng buồn so nơi đó. Hai không gian xa vời vợi tiêu điều dường như đang đợi tiếng vỗ tay là nhập vào nhau trong khoảnh khắc. Sau bao năm chờ tháng đi vội vàng đi ngay khi ngày hoà bình vì vết thương lúc chiến tranh, tôi biết anh nằm mà ấm ức… và tôi cũng ấm ức. Chính ở chỗ chiều mưa nhìn núi nhớ người… tôi cũng muốn đập vỡ những nỗi trống trải quanh mình, chắc anh cũng vậy nếu hất tung được ngọn đồi.
Nhà văn Ngô Khắc Tài
Nhiều lần nghe tiếng kẻng báo giờ tan việc tôi muốn chạy bay về với má. Nhà tôi cách nơi đây con sông rộng lại ngán nước qua đò bất tiện, với đứa con đang theo học lớp mẫu giáo. (Thật ra, giờ đây dường như tôi ngán bất cứ một chờ đợi nào, cóc nghiến răng chưa chắc trời đã chuyển, tuy nhiên trên bước đường đời rẽ ngoặt vẫn phải đủ trí khôn ngừa thứ bùa mê).
Phòng trống, lòng trống, giường con, tủ con, cái bàn ăn nhỏ bé không làm đặc được không gian, khi thôi nhìn vách núi quay mặt lại là đụng mặt đứa con. Này mắt, này miệng, này đôi tay quờ quạng lúc ngủ vẫn để lộ sự tham lam như lúc thức, từng chi tiết giống Hùng làm sao. Con đã làm cho mẹ thao thức. Giữa khuya tôi theo đuổi ý nghĩ của mình. Nhưng đôi khi ý nghĩ người cô độc nhường cho tiếng động của hàng xóm vang dội lại.
Đầu nhà bên kia, xóm của những người sống độc thân có giọng ngâm thơ nhừa nhựa của Ngần rồi tiếng cười khúc khích của con Hoa, rồi tiếng dép lẹp xẹp của anh Năm bước tới la rầy “Dịch bắt mấy đứa nầy, khuya rồi còn nhát ma, không cho ai ngủ nghê sáng dậy đi làm”. Giọng điệu của anh Năm lúc nào cũng tỏ ra một bậc đàn anh thông cảm độ lượng hơn là một thủ trưởng. Không như chị làm thủ phó luôn gắt gỏng, sáng ngày mặt mũi đã nhăn nhó, ai hỏi thế nào chị cũng quở, tại tụi quỷ vương không cho ngủ nghê.
Bên này xóm, những kẻ có gia đình, cứ đến mười giờ là rón rén nhẹ nhàng chuẩn bị giấc ngủ rất nguyên tắc. Giấc ngủ không lời như nói hàng xóm có ấm đầu cũng ráng mà chịu vì chúng tôi đã tới giờ đi ngủ rồi. Ban nãy chỉ riêng vợ chồng nhỏ Hà thức khuya đang nạo dừa nghe sồn sột (đáng lẽ anh Năm phải la hai đứa này mới phải…) Giọng con Lan sai khiến: “Anh ơi xuống bếp bỏ đường, em mắc bận vắt nước cốt. Đàn ông hảo ngọt mà hà tiện kỳ lắm, chị Hai không thích chè lợ lợ đâu, gái già khó tính”. Rõ ràng con nhỏ nầy biết tôi còn thức và cố tình nói cho tôi nghe. Lát sau có tiếng gõ cửa, lẽ ra tôi không ngồi dậy để nói với nó rằng “Cuộc đời đừng có chủ quan muốn cho ai ngủ, ai thức gì cũng được”. Nhưng tôi cũng bật ngồi dậy lấy tô chờ để trên bàn, chống tay lên cằm ngồi ngó. Làm sao tôi thưởng thức cho trôi của ngọt một mình trong khi bên kia cái Lan đang làm xiếc, tung hứng hạnh phúc. “Gì mà cắm cúi ăn ào ào một mình vậy cha”. “Ừa, giành ăn hả, ai coi vợ con gì nói chuyện với chồng như dùi đục”. “Ừa, tui giành ăn mà không phải giành ăn đó, chồng gì mà chỉ biết cái ăn cắm cúi không biết mời vợ một tiếng”. “Của nhà thì mạnh ai nấy ăn, nhóc nồi đó! Muốn mời thì tui mời. Dạ thưa mời con ác phụ…”. Cuộc ăn chè biến ra cuộc cãi vã, vợ chồng nó đúng là diễn viên xiếc tài ba. Tôi cũng có một thời ấm áp như vậy. Thường Lan than phiền chồng mình không hoàn chỉnh. Đến lúc xa nhau từng chi tiết còn thấy nữa đâu mà đòi với hỏi, do đó giá trị của phút bên nhau vụt long lanh lóng lánh lên. Phải vậy không?
II
Đáng lý ra buổi sáng đến xí nghiệp tôi phải nói cười hoạt bát để phá nếp sống lặng lẽ của mình. Vậy mà mỗi cử chỉ mỗi nụ cười tôi đều phải giữ kẽ. Tôi không thích ở cơ quan kinh tế bởi ý nghĩ người ta luôn thiên về việc mua bán. Trước khi tôi đến đây người ta đã kháo với nhau. “Có một bà già sắp sửa về làm phó phòng”. Nhưng tôi lại nài nỉ cho mình làm một nhiệm vụ bình thường, khiến cho mọi người chưng hửng. Chưng hửng vì tôi từ chối sự chiếu cố mà người ta có muốn cũng không được. Sau đó, anh Năm xếp cho tôi làm thủ kho. Thủ kho không phải ai muốn làm cũng như ý, uy tín của tôi lại tăng lên lạ lùng. Người ta đặt tôi lên một bàn cân tiểu ly, cân phải được cân bằng giữa hai bên đã xã hội và cá nhân. Dưới mắt của họ bên đã của tôi có sức nặng của Hùng. Nếu như vậy thì phũ phàng quá. Nếu như vậy thì người mất đi, những gì liên hệ với người đó được đóng vào một cái khuôn cứng ngắc.
Hai mẹ con tôi thân được với Đạt vì anh không có kiểu nhìn tính toán như vậy. Anh không đánh chìm mất tôi như mọi người. Đạt nói: giả dụ tôi làm mất uy tín của mình quá khứ có cứu vãn được không? Đây chỉ là cách nói nhưng phải cám ơn anh đã thấy được sức sống của tôi.
Tôi còn phát giác ra tính kinh tế trong những trái tim bao la, độ lượng của đàn ông dành cho các bà các cô. Không thể để cho họ lợi dụng sự cả tin của phụ nữ làm tấm lướt giăng, chẳng dính con này, cũng dính con kia. Gặp thứ cá mè hôi cũng cho là ngon thịt. “Gái một con trông mòn con mắt”. Tôi ghét ai nói câu ấy và cho rằng nó phát ra từ tiếng nói phía bên dưới, nằm giữa hai chân. Nhiều thằng cha mất nết tưởng bở, sử dụng chiến thuật trẻ con này.
– Đêm qua mưa, Hai chắc không ngủ được?
Vô tình tôi đút đầu vào làm bẫy cò mồi:
– Con tôi tối qua khóc quá làm phiền mọi người hả anh?
– Không phiền đâu. Nếu con không khóc, Hai cũng thao thức. Tôi cũng vậy!
– Khỉ gió anh, giở trò rồi đó nghe!
Tôi vui vẻ đáp lại, nào ngờ anh ta rất phũ phàng.
– Hai cho tôi đổ tám lít xăng đi.
Tiêu chuẩn có bốn lít mà xin đổ gấp đôi, nếu tôi nhớ không lầm, giọng nói anh êm ái ngọt lịm như con cáo dụ dỗ con quạ có chiếc bánh sữa ở trong chuyện ngụ ngôn.
Anh Năm tuyên dương tôi trước tập thể. Năm qua nhà kho ít hao hụt mất mát, số tiền lời trội hơn mọi năm là có công của tôi. Tiếng vỗ tay vang lên, tôi nở nụ cười đáp lại. Nhà kho bé nhỏ của tôi đầy những phế liệu kẽm gai, kềm búa, thùng gỗ thông, cây, sắt, xăng dầu và cả tôi nữa là thứ phó sản phẩm. Nhưng của công, của tư phải cho phân biệt, mắt mà nhìn lẫn lộn đó là con mắt lé. Nhìn công tư lẫn lộn, ý nghĩa của nó xét ra tồi bại lắm trở thành của chùa rồi. Có ai hiểu tôi.
III
Anh Năm tin tưởng ở tôi. “Cô Hai sắc sảo quá”. Con nhỏ Hoa thư ký cũng khen như vậy. Về Hoa thì có lần anh kêu tôi lại dặn nhỏ “Nhiều đứa cứng tuổi trông còn thấy khù khờ, con nhỏ Hoa lại có vẻ ba trợn, Hai chú ý chăm sóc nó dùm cho anh”. Về phía Đạt, anh chàng hay cự cãi, quần áo cởi ra bỏ bê bối khắp phòng, anh Năm cũng căn dặn “Thằng nầy buồn điều chi mà ưa nhậu nhẹt, em thuyết phục được nó anh khen em hay”. Anh Năm tin tôi lắm, một ngày nào đó anh sẽ té hen ra ngoài. Người đàn bà cô độc đi một mình vác cả trái đất trên vai, lúc thấm mệt cũng dám quăng bất tử trái đất xuống. Biết đâu!.
Giữa quán cà phê Hoa tình tứ quậy nước đá cho người nầy gấp thịt bỏ vào chén người kia. Những hôm xóm độc thân tổ chức rượu chè, nó xía tới gọt xoài thỉnh thoảng nó còn xúi quậy để nô vỗ tay cười chơi. Cánh thanh niên nhìn Hoa đắm đuối như bị bùa mê mà không thấy gì hết. Hoa rất cao ngạo, tay chân nó làm như vậy đó nhưng trong đôi mắt lộ rõ nét coi thường người. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, đi dê gái không thấy được điều này là “móc bọc” trúng thứ mủ hư. Nhưng Hoa nó không đi ngược đâu, nó là đáp số thuận cho một thứ tình yêu giả dối trong cuộc đời. Thằng bồ của Hoa (đứa giả dối đáng gọi bằng thằng) tới ngày hẹn làm đám cưới lặng lẽ gài số de, vì phát giác căn nhà ngói đồ sộ của gia đình Hoa chỉ là một lớp vỏ bề ngoài. Từ đó Hoa sinh ra ngổ ngáo. Tôi cho là người dù lớn cách mấy đôi khi cũng còn nhiều thứ giống trẻ con, dù tôi không lớn tuổi hơn nó bao nhiêu, chỉ nhờ cái bước rẽ ngoặt của mình nên thấy rõ vấn đề. Tôi nói với nó:
– Chị biết khó một người nào trở nên nồng nàn, sau khi bị đời hất hủi. Nhưng càng đùa như em, cuộc đời càng đắng chát thêm, không được. Trong khi chờ đợi nhà nước kế hoạch hóa lại, số lượng con trai ít, con gái nhiều,  trước hết hãy nguyền rủa chiến tranh đi, hãy kéo nhau nguyền rủa chiến tranh. Chính là tại nó. Sau đó cố sống và làm việc cho hết mình, trả nợ rồi đến chết mới thôi, cái duyên dáng tự nhiên sẽ đến, u ẩn sẽ qua. Tụi mình chỉ có thể gỡ thể bí của mình qua công việc. Chị thấy có nhiều người buổi sáng đến cơ quan lặng lẽ như một cái bóng. Một hình thức khác với em nhưng lại giống nhau trên nét tính cách. Cái bóng ấy ngày một lùi dần, khiến một hôm người chợt phát giác nó biến hồi nào không hay, dù nó có ở đây bên cạnh người.
Tôi nói nghe hay lắm, đêm đêm lại trằn trọc nhớ đến những người đồng cảnh ngộ với mình. Một nhân vật trong lịch sử người tôi kính phục hơn hết – đó là Trưng Nữ Vương. Này những bằng khen, bằng tưởng thưởng treo khắp phòng tôi – Trung Nữ hạ xong thành thứ tám mươi tư, nửa đêm ba quân yên ngủ, một mình bà ngồi trên ngai vàng khóc lặng lẽ:
Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá
Thềm vắng trăng vàng bóng lẻ loi.
Sáng sớm ngày mai bà khua trống lên đánh thức ba quân, trời đất Bắc mùa đông lạnh rét, vậy mà khí thế ngút trời “áo vàng gươm lệnh trở đầu voi” tiến lên hạ thành thứ tám mươi lăm. Tiến lên…
IV
Năm nay Đặt bắt đầu làm thân với hai mẹ con tôi kể từ buổi bình bầu thành tích. Hôm đó anh ngồi im lìm không phản đối nghe người ta đang chĩa mũi dùi vào người. Tôi đọc được vẻ không phục trên gương mặt anh. Suốt ngày anh ở ngoài nắng, dù nhiệm vụ một kiểm soát viên của xí nghiệp không bắt buộc anh như vậy. Ngoài công trường, bọn kẻ cắp rất ranh mãnh, những đống đá được mìn bắn xuống rơi ngổn ngang quanh chân núi là mục tiêu của họ. Họ thay phiên nhau chờ người kiềm soát vừa quay lưng đi. Con nít thôi cứ năm ngày lượm nửa khối đá, xí nghiệp cũng mất bạc nghìn. Nhiều khi từ trong nội bộ bằng nhiều hình thức làm những việc con kiến tha mồi lâu ngày đầy tổ kia… Lẽ ra xí nghiệp phải thưởng công sự vất vả của anh. Đằng này họ xúm nhau nêu những khuyết điểm của anh để cắt phần tiên tiến. Nghe họ phê bình, tôi có cảm giác họ lột một trái chôm chôm, vứt bỏ cái ruột mọng nước ngon lành đi để ăn cái vỏ. Nào là rượu chè kém tác phong, ít đoàn kết với bạn bè. Lạ thay, hàng ngày anh cũng rất mạnh dạn phê phán, sao hôm nay anh lại im lặng một cách khó hiểu. Nhìn những kẻ phê bình hùng hổ, tôi nhớ lại chính những người ấy đã nhiều lần vào nhà kho tôi xin xỏ, riêng Đạt thì chưa. Ngày có cuộc kiểm kê vào lúc không ngờ, những người ấy không hề léo hánh lại giúp tôi, chỉ có anh loay hoay với tôi, mồ hôi tuôn ra áo ướt dầm. Và cũng chính bọn họ mời Đạt ăn uống, giữa buổi liên hoan thỏ thẻ xin anh để lọt chuyến đá, khiến thức ăn dừng ngang cần cổ anh.
Tôi tự biết mình cũng có nhiều người ghét, vì có những thứ vượt khuôn khổ dưới mắt họ. Sao họ không dám nói. Họ sợ gì, à thì ra phía sau tôi còn có bóng dáng của Hùng. Tôi mạnh dạn đứng lên binh vực. Và tôi cùng thì thầm với anh Năm. Anh Năm vẫn biết năng suất ở xóm nhà lá độc thân trồi sụt không đều, nhưng anh thích dùng biện pháp hành chánh để đẩy nó lên, tôi thấy vẫn còn thiếu. Vì con người là kẻ chế tạo ra bàn đánh máy chữ, đồng hóa nó với tiếng gõ mà không thấy người bên cạnh mình đang sống thui thủi trên đường đời. Anh phải cần tìm một cái gì đó như tìm ra chất dầu để bôi vào máy. Dầu đó sẽ cho người thuộc loại như Đạt, cho cả anh nữa. Giữa người đều đặn đúng giờ, song trái tim vẫn chưa hề rung động, chưa từng giúp đỡ ai, lại luôn thành công trên bước đường đời và một người đắng chát, có khoảng đời xanh đổ vỡ nhưng vẫn giữ được niềm vui vẻ trong lao động và bảo đảm năng suất, ai sẽ có đạo đức hơn ai?
Đạt khen tôi mềm yếu mà lại như cây thông vững vàng. Lại một cách nói lạ không giống mọi người. Tôi không khen anh trước mặt, vì bạn bè cần nên tránh cái thói đó. Đạt là một tay trầm lắng có kết tinh như đá hoa cương góc cạnh sù sì nhưng lóng lánh khi có nắng chiếu tới. Trước đồng tiền có bao kẻ tối con mắt ngã dài dài… Còn anh ngược đi. Cái ấy cuốn lại hồn tôi. Có nhiều người tới già tới chết vẫn chưa được trưởng thành. Năm tháng đi qua đời họ cũng như không, bởi đồng tiền ám nhãn khiến cuộc đời họ lạt lẽo.
Thấy Đạt chơi thân với hai mẹ con tôi, thiên hạ bắt đầu xầm xì. Tôi biết anh
Đạt muốn nói với tôi điều gì đó, cứ trông vẻ ngượng ngập của anh thì biết. Còn tôi, tôi tự biết, gái một con giá cả phải cao hơn để hầu mua hạnh phúc trọn vẹn cho cả ba.
Mẹ tôi quý Đạt và không nói gì cả. Với cuộc đời nhọc nhằn bà có kinh nghiệm nhìn người từ những hành động thấp nhất đi lần lên. Lần nào, thứ bảy, chủ nhật đến nhà tôi chơi, anh bền bỉ ngồi chẻ tre, dán quạt giấy suốt ngày. Như là anh biết mẹ tôi yêu thích cái nghề mọn của mình đã phụ giúp vào đồng lương con cái để nó không mắc lỗi nhơ bợn. Đạt hôn con tôi bem bép khiến thằng bé cười hăng hắc. Tội nghiệp thằng nhỏ thiếu cha, không biết có phải vì thế mà tình cảm nó dồi dào ngay lừ lúc mới sinh, bỏ nó nằm một mình là khóc ngất. Có người là nó vui, một hôm con tôi chạy chơi té ngã máu ra tươm cả bàn chân, anh nâng vết thương nó lên đưa vào miệng nút chùn chụt rồi dẫn ra ao tắm rửa. Con tôi thiếu nhiều thứ quá, thiếu cả hoàng tử công chúa. Tôi cám ơn anh đem bóng mát cho nó dù ít phút, như câu chuyện cổ thần tiên.
Chúng tôi thường ra ngồi ngoài vườn rộng hơn công đất, nơi tràn đầy bao kỷ niệm. Đây là công trình của ba tôi tạo ra không gian xanh nằm gần bên một vùng đầy bụi mù, nhưng rồi ông lại qua đời không kịp thấy khu vườn tiếp tục tỏa bóng mát. Đến lượt tôi với Hùng, rồi Hùng theo anh em vô đồng rồi bị thương. Hai mẹ con tôi chân tay yếu đuối, mai bồi một chút, mốt đắp một ít, dần dần nó được như ngày nay. Hùng thích cây băng băng ở gốc ao lắm và chờ nó ra hoa. Nay những cánh hoa tím thẫm một góc vườn mà người chủ xưa thiên thu vĩnh cửu. Huê lợi miếng vườn nào có gì ngoài mấy gốc xoài, vài gốc mận, gốc ổi. Nhưng thương quá dưới cái bóng mát nhỏ bé của nó như vậy đã có mấy thế hệ. Giờ đây má tôi trong tuổi già, thằng con đủng đỉnh ra vào buổi ban trưa mê nắng.
Đạt trìu mến cầm tay tôi:
– Anh sẽ xứng đáng với em như Hùng.
Tôi rụt tay lại, hỏi anh nói có chắc chưa, anh có nghe người ta nói một thanh niên đang đi chơi với một thiếu phụ sao?
Tôi nói cứng bên ngoài, nhưng trong bụng xao động. Hôm qua tôi thương Hùng vì tôi thương tôi và gia đình ba tôi bị bụi đá, cái thứ mà lúc còn sống ba tôi rất sợ, lại hít phải nó bám vào đầy phổi. Hùng đấu tranh gian nan cho tôi. Hôm nay chuyện mới mẻ này, thật ra là tôi thương con tôi… nó cần sự che chở…
– Vậy là em có quyền tự hào với xã hội.
Đạt nói đúng, mấy năm nay trước bất kỳ công tác nào tôi đều đem hết sức mình ra vì vẫn nhớ dĩ vãng. Đạt cũng thông minh. Có những lúc đang nói chuyện với nhau bỗng dưng tôi im lặng, lập tức anh hiểu tôi đang hoài niệm về Hùng và tôn trọng sự yên tĩnh thiêng liêng cần thiết ấy. Đi với Đạt bỗng dưng tôi thấy đời thiếu phụ của mình đầy nắng và đẹp tươi hơn lên. Có khả năng thương yêu và gặp người thương yêu là một diễm phúc. Cái bất hạnh lớn lao của người ta là không biết yêu người, chứ không phải không được người yêu.
Tuy nhiên tôi thấy nụ cười anh có vẻ thân mật, mênh mông. Tôi mơ hồ nụ cười ấy quá cao ngạo, không ai có thể buộc cho chủ của nó một điều gì. Tôi hiểu điều nầy và chuẩn bị tất cả.
Trong khuôn viên xí nghiệp tôi có một cây xoài. Những chiều mùa mưa miền núi thường có giông to gió lớn, xoài nghiêng mình, vặn thân răng rắc đến tội nghiệp. Có lẽ xoài nó đau lắm. Trưa hè miền núi nắng muốn lột da, bóng mát lẻ loi của nó không đủ che thân nó và có cảm giác như bóng mát ít ỏi đó như bị ánh nắng bỏ tù. Trông nó đẹp lạ lùng, sự cô độc nào cũng hàm chứa vẻ kiêu kỳ. Vậy mà có một khuya tôi và Đạt đi chơi về bắt gặp cây xoài nó khóc. Phải chi nó khóc vào lúc trời giông mưa, khóc trong lúc trời mê man nắng lửa. Đằng này nó khóc lúc nửa đêm trăng sáng dịu dàng nhất. Sương núi tiết ra đọng dưới chuôi lá xoài long lanh, lóng lánh.
Cây xoài năm nào cũng ra bông nhưng không đậu trái. Có một lần tôi về nhà hỏi má, má trả lời: Xoài trong vườn cây này che gió cho cây kia nên bông ít rụng, vì thế xoài vườn thường trúng mùa. Rõ ràng là kinh nghiệm của người già về sự cô độc rất sắc sảo. Nhưng tôi tình cờ bắt gặp một người đàn ông đứng tuổi giữa đêm trăng ra ngồi dưới gốc xoài, đó là anh Năm. Sao lại là anh Năm.
V
Một buổi trưa mùa hè, tôi dắt con đến văn phòng Đạt chơi. Anh ra mở cửa và rất ngạc nhiên khi thấy mẹ con tôi. Trong phòng đang có rất nhiều bạn bè có một số ở xí nghiệp khác tôi không biết tên. Anh giới thiệu tôi với chung quanh: “Đây là chị Hai, thủ kho của xí nghiệp”. Tôi sửng sốt suýt kêu lên “chị à”. Song thấy mình giận dỗi vô lý nên lấy lại bình tĩnh. Mọi người tò mò ngó tôi trân tráo như muốn thấu hiểu, người đàn bà đội nắng ban trưa đến phòng Đạt làm gì.
Tôi ngồi xuống ghế một cách bình tĩnh. Đạt hỏi tôi: “Chị uống nước lọc không?”. Rồi suốt buổi đó anh gọi tôi bằng chị. Tôi nghe đầu óc mình váng vất rõ ràng anh hơi ngượng và muốn chứng tỏ cho các bạn mình biết chúng tôi chỉ là bạn. Cái nhầm lẫn của tôi cũng như của nhiều người là những gì có hôm nay, tôi cứ nghĩ là cái đó thuộc về tôi và giữ được đời đời, nên tôi quý những ngày tháng có anh. Có anh dù sao đứa con tôi cũng đỡ khổ.
Mình nói với ta mình hãy còn son
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò
Con mình những đất cùng tro
Ta đi gánh nước tưới chi con mình
Sự cao ngạo của Đạt vẫn hãy còn ở mức quá thấp. Tôi thấy không có lý do gì anh phải giấu giếm. Tình yêu là cái gì thanh khiết và chân mỹ. Khi yêu nhau đất bùn cũng trổ hoa thơm tho. Tại sao Đạt lại phải tự bôi bùn chỉ vì sự chỉ tay của thiên hạ? Ý nghĩ cuối cùng của tôi về tình yêu là tôi chỉ có giá trị nếu giúp cho người đối diện sống thật, thoải mái, hứng khởi trọn vẹn. Nếu anh phải đóng kịch, phải mang mặt nạ, nếu anh còn thấy bị kiềm chế, bị bao vây và tức thở thì giá trị tinh yêu chưa phải là tuyệt đối với anh. Tôi không muốn mình nhức đầu  và bối rối về tôi và tôi cũng không muốn anh nhức đầu bối rối về anh.
Tôi vừa đánh mất tình yêu nhưng tôi không thể đánh mất tương lai của tôi. Mai nầy khi đến nhà kho tôi sẽ dắt con theo, không phải gởi nó cho ai nữa. Lúc rảnh rỗi vừa quét dọn tôi vừa kể chuyện cổ tích cho nó nghe.
– Ngày xưa có một hoàng tử bé tý teo lớn lên trong một nhà kho. Và hoàng tử mỗi ngày vui vẻ sắp xếp vật liệu ở chỗ nào vào y chỗ đó.
Và Hùng ơi. Trên dòng thời gian đang huy hoàng lướt tới của một đời người có những ngày tháng buồn quá, có kẻ nào bảo hãy nuôi sẹo, riêng em thì ngày tháng buồn quá đó cần phải quên đi. Em đang đi giữa trời không.
NGÔ KHẮC TÀI
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...