Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Mai Tiến Nghị: Thầy giáo làng

Truyện ngắn Mai
Tiến Nghị: Thầy giáo làng

Ông giáo ngồi nhìn xa xăm. Nhiều lần tủi thân vì bạn bè người ta cứ tưởng là Hiệu trưởng phải giàu. Nhưng người ta đâu biết thầy giáo trường làng lương ba cọc ba đồng tùng tiệm may ra đủ sống. Thu một đồng của học sinh cho việc không cần thiết là bóc lột, bởi học sinh nông thôn đa số đều nghèo…
Mồng hai Tết, mới năm giờ sáng, ông Nguyên đã thức dậy. Ngồi trên giường mươi phút cho cơ thể quen dần ngày mới. Xoa người, xoa chân tay rồi bước ra nhà ngoài mở cửa. Chỉ còn hôm nay nữa là hết Tết. Làng quê vẫn vậy. Người ta tất bật lo toan làm ruộng phát bờ, gieo mạ… sớm muộn gì cũng phải xong trước ngày hai chín. Rồi lúc ấy mới lo sắm Tết.
Đã thành tục lệ, Ba mươi gói bánh chưng, nướng cá cúng Tất niên, mồng Một sắp lễ khấn vái Trời đất, thắp hương kính cáo Tổ tiên mừng tuổi cha mẹ, mồng Hai làm mâm cơm hoá vàng tiễn các cụ. Vậy là xong Tết. Có muốn kéo dài cũng chả được vì ruộng đang gọi mạ… vụ chiêm đang chờ, cái ăn cái mặc, mọi sự buồn vui đều trông vào hạt lúa. Thành thử mọi người hối hả dồn sự vui vẻ trong ba ngày Tết.
Nguyên mở cửa, gió lạnh ùa vào nhà. Không khí mang mùi đất ngai ngái, hương thơm từ mấy khóm hồng, từ vài cây nguyệt quế… đánh thức khứu giác để  thấy vừa lạ lẫm vừa thân thuộc. Lên từ đường thắp một tuần nhang, tâm niệm cầu Tiên tổ ông bà cho một năm gia đình thuận hoà hạnh phúc, mọi sự hanh thông. Tĩnh tâm bởi mùi khói trầm ngan ngát trong cái lạnh se se, thấy thoảng chút gió rung cánh đào phai rộ nở nơi góc vườn, nhận ra mọi thứ đang tinh khôi mang đến sự ấm áp thay thế đại hàn buốt giá. Lâng lâng trong lòng: Đúng là Tết! Với ông giáo già thế là đã đủ khí xuân.
Nhà văn Mai Tiến Nghị
Thong thả lên nhà súc rửa ấm chén, châm một ấm trà. Ngồi ngẫm ngợi. Dăm năm bộ đội chiến trường, gần bốn chục năm ở quê dạy học, về hưu đã mươi năm. Giờ ngồi nhìn lại cuộc đời như một sát na. Chớp mắt tuổi đã ngoài bảy chục. Cũng nhờ sống chẳng tham sân si, biết tiết chế sở dục nên lòng thanh thản. Ăn ở với người thân, với đồng đội, đồng nghiệp nghĩa tình, nên được mọi người thương quý. Con cái ngoan ngoãn thành đạt, bản thân tự biết thế nào là đủ nên chả như người ta phải cố bon chen. Vậy nên được tiếng là có hậu.
Nhâm nhi độc ẩm, hương trà quyện hương trầm ngan ngát, vị trà đậm mà thanh khiến lòng tĩnh tại như thể nhập thiền. Ờ nhỉ, với mình thế là hạnh phúc.
Tiếng chuông điện thoại reo cắt đứt dòng thiền đang chế ngự tâm tưởng. Ông giáo cầm máy nhã nhặn dù chưa biết ai là người đầu máy bên kia: “Chúc mừng năm mới. A lô. Ai gọi tôi đấy ạ”.
– Năm mới kính chúc thầy mạnh khoẻ ạ. Thầy có nhà không ạ. Thầy ở nhà để chúng con đến chúc mừng năm mới!
Ông giáo bật cười. Cái cậu Mạnh này ngoài năm chục tuổi mà vẫn như ngày xưa. Vẫn cái tật nói như liên thanh, bỗ bã ra lệnh. Mấy chục năm đã qua, năm nào cũng vậy. Cứ mồng hai Tết thì anh ta cùng các bạn trong nhóm tứ quái của ngày xưa lại đến chúc Tết thầy.
Lát sau nghe lao xao ngoài ngõ… rồi hai cái xe máy chở bốn tay đàn ông cỡ tuổi ngoài dăm chục, mặt mũi cũ kỹ mà sởn sơ, áo véc tông nghiêm chỉnh nhưng chân dép tổ ong. Chỉ có một ông đi giày. Ông này lúc nào cũng cười. Cả bọn đứng trước sân nghiêm ngắn cúi đầu như người Nhật:
– Chúng con chào thầy ạ. Chúc thầy và gia đình năm mới mạnh khoẻ.
Ông giáo vội bước xuống sân:
– Ôi giời… cảm ơn chú Tuân! – Ông bắt tay lần lượt từng người: Cảm ơn chú Mạnh, cảm ơn chú Luyện… còn đây là…
Thầy giáo già dừng lại trước ông đi giầy. Nét mặt quen quen, cái miệng nhìn quen quen… Chắc do hắn béo lên. Đúng rồi!
– Tiến! Tiến Vổ phải không. Sao lâu nay ắng thế ? – Chợt nhận ra mình đã hơi suồng sã, dù sao thì người ta cũng đã đã năm chục tuổi. Ông vỗ vai khách: “Xin lỗi, mình xin lỗi”.
Ông đi giầy ngượng nghịu:
– Lâu rồi mà thầy. Chả là con đưa gia đình vào Nam lập nghiệp từ năm Chín Tám. Năm nay về ăn Tết ở quê. Thầy khoẻ không ạ.
Lúc Tiến ngẩng lên thì quả là vổ thật. Cái miệng lúc nào cũng như đang cười. Bây giờ thì ông ta đang cười thật. Nét mặt tươi tỉnh, cái đuôi mắt nheo nheo. Tiến đưa tay ôm ngang lưng thầy giáo: “Thầy Hiệu trưởng còn nhớ tới cả tên tục của con là con vui quá”.
Ông giáo tủm tỉm: “Quên sao được. Tứ quái các anh thì ai chả nhớ”.
Bốn người đàn ông đứng trước mặt ông giáo bây giờ là nhóm tứ quái của ngày xưa. Bọn hắn nghịch ngợm bày lắm trò đến nỗi giáo viên dạy ở lớp phát ớn. Ớn rồi sinh ra để ý. Cứ hễ có việc gì không hay thì lôi các hắn ra gán tội. Có hôm chúng tụ tập cả bọn cầm dao, vác một cành ổi to tướng le ve trước nhà tập thể giáo viên, mồm oang oang hát “Khẩu đội ta nhắm chúng nó… bắn”. Cô giáo dạy vật lý hoảng tam tinh chạy lên mách Hiệu trưởng Nguyên rằng chúng nó dọa đánh em. Ông giáo lấy làm lạ hỏi sao mà nó dám. Cô giáo bảo tại hôm trước em phạt thằng Tiến vì tội trong giờ của em lúc nào cũng thấy mặt nó như trâu nghênh cười cợt. Thế là chúng nó thù. Gọi các hắn lên hỏi, thì ra cả bọn vác dao đi xin cành ổi về đẽo xoay để chọi nhau với bọn lớp bên. Xin được cành ổi vác về thì khoái chí hát vì phen này chắc thắng bọn lớp kia. À ra vậy. Sau đó ông Hiệu trưởng mời cô giáo lên giải thích và bảo: “Cô dạy học cả năm mà không biết thằng Tiến nó vổ à, sao lại bảo nó lúc nào cũng cười. Nó nghênh mặt vì phải ngồi cuối lớp, phải nghển cổ lên mới nhìn thấy bảng. Chúng nó như con, như em mình. Sao cứ để ý vặt vậy”.
Bọn tứ quái sau đấy biết chuyện được thầy Hiệu trưởng bênh vực thì cảm động và tỏ ra ngoan ngoãn hẳn. Nhớ cái tết năm ấy, lần đầu tiên có học sinh đến chúc tết thầy Hiệu trưởng. Đó là tứ quái. Vì ở nông thôn, bọn trẻ chỉ chúc Tết những người trực tiếp dậy chúng, chả bao giờ chúc Tết Hiệu trưởng, Hiệu phó. Bọn hắn xách nải chuối rụng đến quá nửa, chìa cuộng như thể răng bừa… đến nhà thầy. Đi đứng thế nào mà Mạnh ngã xe, bị cái trục bàn đạp nhọn như bút chì đâm vào háng. Báo hại thầy Hiệu trưởng sớm mồng hai Tết phải kéo học trò xuống nhà dưới sơ cứu rồi đưa đi trạm y tế. Ra giêng hắn đi học mà vẫn còn lo. Lo cho đến khi hắn lấy vợ sinh con trai đầu lòng. Lúc ấy ông mới thở phào nhẹ nhõm. Năm ngoái hắn khoe đã có cháu đích tôn.
Bây giờ cả bọn đang ngồi trước ông Nguyên. Họ tíu tít người pha trà người rót nước. Đỡ chén nước trò cũ vừa mời, nhìn những khuôn mặt râu ria đầy nếp nhăn mà ông giáo rưng rưng: Gần bốn chục năm rồi. Già hết cả rồi. Chỉ có Tiến là khá hơn- ông đoán vậy- còn ba chàng kia học xong đi bộ đội, rồi trở về cắm mặt vào ruộng vườn. Nghĩ cũng tội.
Mạnh rút từ túi quần bộ đội bạc màu một chai rượu nút lá chuối đưa cho Tiến. Rồi Tuân rút ra hai phong bánh khảo, Luyện thì một gói giấy báo chắc là chè và một gói cà phê chắc của Tiến. Tất cả xếp gọn giữa bàn. Tiến trịnh trọng hai tay nâng chai rượu:
– Dạ thưa thầy… Nhân dịp năm mới chúng con có chai rượu mừng tuổi thầy.
– Rượu nếp cái nhà em nấu đấy. Ngâm cả tháng thầy ạ. Không nhức đầu đâu thầy ạ.
Người vừa nói là Mạnh. Có lẽ hắn hiền nhất trong tứ quái ngày xưa. Nhìn cái mặt teo tóp mà thương. Vốn dĩ từ bé đã gầy nên hay bị bọn lớp trên bắt nạt, hắn theo đuôi ba tay kia để được bảo vệ. Cũng may mà có hắn nên mọi hành động âm mưu của bọn này Hiệu trưởng Nguyên nắm được hết để nhắc nhở ngăn chặn. Ba tay kia đều biết nhưng không tẩy chay hắn. Chúng bảo mày nói với thầy Nguyên thì được chứ nói với người khác thì bọn tao tẩn bỏ mẹ.
Thầy giáo làng đỡ chai rượu trong vắt mà lòng rưng rưng. Học trò đến Tết mà không nhận thì cũng không phải nhẽ. Mà nhận vào thì băn khoăn…
– Các chú đến thăm tôi thế này là quý hoá lắm rồi. Nhưng bày vẽ quà cáp thế này thì phiền quá.
Thực ra đến Tết thầy chỉ là mấy anh nhà nghèo không thành đạt, phải ở quê bám ruộng bám vườn. Những người thành đạt thì nhiều nhưng họ ở xa, về quê chớp chảo vài ngày, chả mấy khi kịp đến thăm thầy. Nên ông giáo già tự hào với trò thành đạt nhưng thương quý trò nghèo là cái nhẽ thường tình.
– Gần bốn chục năm rồi thầy nhỉ…
Mạnh nhìn thầy giáo, thầy cũng đã già đi nhiều. Thầy nhìn trò, mới trẻ con hôm nào, giờ râu ria cả bọn, Tuân, Luyện đầu đã có tóc bạc. Nhìn đám bánh kẹo trà rượu trên bàn lại nhớ nải chuối rụng trơ cuộng răng bừa ngày xưa…
Ông giáo thong thả đến bàn thờ vái ba vái rồi lấy xuống hộp bích quy đưa cho Mạnh:
– Tôi gửi hộp bánh mừng tuổi thằng đích tôn nhé. Hơn năm rồi nhỉ. Ăn được bích quy rồi nhỉ. Chúc cháu hay ăn chóng nhớn nhá.
Mạnh bị bất ngờ, hai tay đỡ hộp bánh, giọng rưng rưng:
– Thầy! Cụ lại còn mừng tuổi cháu nữa. Con thay mặt cháu cảm ơn cụ ạ. Tết sang năm con sẽ cho cháu sang chúc tuổi Cụ.
Ông giáo cười hà hà. “Ừ cho nó sang chơi… Nhớ nhá. Có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ…” . Chưa nói hết câu lại ào ào tiếng xe máy. Một đám bảy tám phụ nữ sồn sồn đổ bộ xuống sân. Ríu ran tiếng chào, tiếng chúc “Năm mới chúng con chúc thầy mạnh khoẻ”. “Cảm ơn các em, năm mới chúc các em mạnh khoẻ hạnh phúc, làm ăn phát đạt. Nào… Vào nhà… vào nhà đi”.
Đám phụ nữ vào nhà rụt rè tìm chỗ ngồi. Ông giáo lễ mễ bê từ phòng ăn ra mấy cái ghế nhựa. Vẫn không đủ chỗ. Không ai bảo ai họ ngồi chen chúc nhau trên giường. Lại tíu tít châm trà pha nước. Vài hộp bánh hộp kẹo được đặt lên bàn với lời chúc thật thà: “Năm mới chúng con đến chúc tuổi thầy. Chả có gì cao sang chỉ có hộp bánh chúc thầy mạnh khoẻ”. “Các chị chỉ vẽ… tôi già rồi có ăn uống gì nhiều mà Tết. Đem về cho bọn trẻ ở nhà”. Đám đàn bà nhao lên: “Không ạ. Thầy phải nhận ạ”. “Thầy mà không nhận là chúng em xui cả năm”. “Thôi thì tôi nhận. Được chưa. Nhưng mà tôi gửi mừng tuổi lũ trẻ”. “Không ạ. Trẻ nhà chúng con có rồi. Với lại bây giờ chúng chả thích lớn đâu. Ngay chúng con giờ cũng vẫn thích được còn bé để được thầy dạy bảo như ngày xưa”.
Ông giáo già rưng rưng. Ôi dào… nhẽ già thật rồi. Cứ nói đến ngày xưa là cảm động. Đang cơn xúc động thì chợt nghe giọng nói như lệnh vỡ: “Năm mới con chúc tuổi thầy. Chúc tuổi các anh các chị…”.
Quay lại một ông vạm vỡ cao lớn đứng ngay trước mặt. Đám đang ngồi nhổm hẳn dậy bắt tay. Nhìn quen quen mà chẳng nhớ ra tên. Ông giáo giới thiệu: “Đây là Tùng. Học sau các anh các chị đến gần chục năm… – Ông hỏi Tùng: Vẫn còn trong quân đội đấy chứ?”.
Tuấn và Mạnh ngồi chung một ghế để nhường chỗ cho Tùng. Anh chàng vừa ngồi xuống ghế đã hỏi:
– Nhà thầy mới chuyển cái ngõ ạ? Con vào ngõ cứ ngờ ngợ hay đi nhầm nhà.
Ông Nguyên cười cười:
– Cậu nhớ dai nhỉ. À mà phải thôi. Ngõ cũ thẳng ra cầu ao. Năm ấy cũng mồng hai Tết, Tùng phi xe thẳng xuống ao. Thầy trò được phen hú vía nhỉ.
– Có chuyện đâm xuống ao thật ạ.
Tùng cười: “Thật đấy ạ. Hồi ấy em đi bộ đội rồi, Mượn được cái xe DD đỏ mới coóng đến thăm thầy vào buổi tối. Lúc về muộn phi xuống ao. Đang đêm thầy phải lội xuống ao đưa xe lên. Hôm ấy rét thầy nhỉ. Rồi thầy phải mượn tiền mừng tuổi của các con để trả tiền sửa xe. Em xấu hổ quá”.
Ông giáo bóc gói bánh và hộp kẹo bày ra đĩa: “Mời các em. Uống nước ăn bánh tự nhiên nhé – Ông cười cười quay sang Tùng: Hôm ấy hắn đeo quân hàm để ngầm khoe với mình hắn bộ đội hai năm đã Hạ sĩ. Phải không?”.
Tùng gãi gáy cười: “Thầy…”. Cả đám cùng cười. Chợt Luyện hỏi:
– Thế chú Tùng giờ sĩ quan cấp bậc gì rồi?
Tùng cúi đầu ngượng nghịu:
– Em giờ mới Trung tá. Ăn thua gì so với thầy.
– Ấy đừng nói thế. Mình ngày xưa chỉ Trung sĩ…
Tùng ngồi thẳng, giọng nói chắc nịch như đã ngẫm nghĩ rất nhiều từ trước:
– Con có là Tướng thì cũng vẫn học trò của thầy. Huống chi thầy đã từng là lính dăm năm trực tiếp cầm súng đánh nhau. Chúng con giờ được ưu đãi khá hơn. Thầy bao nhiêu năm cống hiến mà vẫn nhà cấp bốn, sống cuộc sống đạm bạc.
Ông giáo ngồi nhìn xa xăm. Nhiều lần tủi thân vì bạn bè người ta cứ tưởng là Hiệu trưởng phải giàu. Nhưng người ta đâu biết thầy giáo trường làng lương ba cọc ba đồng tùng tiệm may ra đủ sống. Thu một đồng của học sinh cho việc không cần thiết là bóc lột, bởi học sinh nông thôn đa số đều nghèo…
Cô tóc xoăn trong đám phụ nữ lên tiếng:
– Tại thầy liêm khiết quá cơ. Ngày con xin chuyển trường về đây… bố con đến nhà biếu thầy mấy trăm, thầy dứt khoát không nhận tiền, lại còn bảo rằng nếu ông để tiền lại đây thì tôi không nhận con ông. Có đúng thế không thầy?
Thầy giáo già cười:
– Ừ có việc ấy. Nhưng được đi học là quyền lợi của trẻ em, mình phải làm đúng lương tâm trách nhiệm. Nào có ban phát ơn huệ gì. Chưa kể ngày còn học, nếu biết chuyện thầy ăn tiền của phụ huynh thì lúc ấy các em coi thầy là người thế nào. Lúc ấy thầy nói thì có đứa nào thèm nghe. Phải không?.
Cả căn nhà trầm hẳn xuống. Mỗi người đều theo đuổi ý riêng của mình. Những lời thầy trải lòng là điều rất thật khiến mọi người thấy lý lẽ ấy thật giản đơn mà sâu xa, nhẹ nhàng mà cao cả, dẫu bây giờ người ta chụp giật, ăn chặn, lợi dụng nhau là chuyện bình thường.
Tuấn đứng lên phá vỡ không khí im lặng:
– Thưa thầy… nhân dịp năm mới chúng con đến chúc tuổi thầy. Chúc thầy một năm mới mạnh khoẻ vui vẻ, gia đình hạnh phúc.
Ông giáo già đứng lên đáp lễ:
– Cảm ơn các em. Chúc các em mạnh khoẻ hạnh phúc và thành đạt. – Rồi ông băn khoăn: Còn những thứ quà các em mang đến thầy xin mừng tuổi lại các cháu ở nhà.
“Không… không ạ”. “Thầy nhận cho ạ”- Tất cả nhao nhao.
Tiến Vổ khoanh tay trịnh trọng:
– Con có ý kiến thế này: Con đọc trong sách rằng con biếu mẹ cha, trò biếu thầy dù nhỏ dù to cũng không nên chối từ. Đây là tấm lòng biết ơn của chúng con. Mong thầy nhận cho.
Cầm đầu nhóm tứ quái nghịch ngỗ có tiếng ngày xưa mà nói đạo lý rành rẽ đâu ra đấy. Ông giáo đành xuôi tay. Chợt nhớ ra điều gì ông bảo:
– Các em đợi thầy một tý.
Ông giáo vào buồng bê ra một cái hộp giấy, hình như là hộp mì ăn liền được bọc bằng giấy báo:
– Đây thầy có cái này mừng tuổi các anh các chị. Các chị không dùng thì đưa về cho chồng nhé. Coi như quà của thầy nhá.
Ông Nguyên đặt cái hộp lên bàn mở ra. Tất cả xúm vào xem: Những cái cà vạt đủ màu sắc còn mới nguyên, xếp thẳng thớm… Dễ đến dăm chục cái.
– Ôi sao nhiều thế ạ. Thầy mua làm gì nhiều thế ạ.
Thầy giáo cười:
– Không. Đấy là quà hai mươi tháng mười một thầy được tặng đấy. Của ngày xưa còn đi dạy đấy. Mỗi lần có đám cưới, các ông trong xóm thường sang nhà mượn cà vạt. Thầy tặng luôn. Đã cho bớt đến một nửa rồi. Giờ thầy mừng tuổi mỗi người một cái. Đây thầy tặng Tiến, đây tặng Mạnh… – Ông giáo lấy từng chiếc đưa cho từng người. Đám học trò cũ đưa hai tay đỡ lấy: “Thầy cho con xin”. Khi phát đủ cho mọi người số cà vạt vẫn còn đến vài chục chiếc. Cánh đàn ông hớn hở quàng vào cổ áo nhưng không biết thắt thế nào. “Đưa mình làm cho”- Ông giáo nắn nót thắt từng chiếc thành nút củ ấu, vừa làm ông vừa giảng giải:
– Học sinh quê mình còn nghèo, mỗi năm vào 20-11 thầy phải ra lệnh cấm lễ tết các thầy cô giáo. Nếu có lòng thì mỗi lớp một bó hoa tặng toàn thể hội đồng là được rồi. Để tránh cho các cháu đi lại vất vả rồi tai nạn giao thông, mà các thầy cô khỏi mang tiếng. Nhưng bọn các hắn không nghe. Năm nào cũng vậy, chúng góp mỗi đứa mươi ngàn. Cả lớp được khoảng hơn bốn trăm. Mua tặng mỗi thầy một cà vạt, mỗi cô một cái kẹp tóc con bướm. Tổ chức chung ở nhà trường xong, chúng đến dúi cho từng thầy từng cô rồi ù té chạy. Chối cũng chả được. Thầy là Hiệu trường nên mỗi năm được đến hơn chục cái… trường chả có mười lăm lớp mà. Mấy năm liền như vậy cho đến lúc về hưu… Dễ có đến gần trăm cà vạt. Một gia tài đấy chứ…
Kể đến đây ông giáo ngẩng lên tưởng mọi người đang cười. Nhưng không. Tất cả lặng im. Mấy phụ nữ cúi mặt quay đi… hình như họ lén giấu những giọt nước đang ập oà nơi khoé mắt. Ông giáo ngơ ngác: “Ơ sao lại im hết vậy. Mình kể chuyện thật mà”.

Một đoàn người tuôn ra từ ngõ nhà ông giáo. Đàn ông ai cũng cà vạt nghiêm trang, đàn bà tay cầm cà vạt phấp phới như những lá cờ nhỏ đủ màu. Hàng xóm ngó nghiêng: nhà ông giáo Nguyên hôm nay làm gì mà như có đám cưới…
Ông giáo đứng ở giữa sân nắng nheo mắt nhìn mọi người đi khuất ngõ. Nắng dát vàng nơi ông đứng. Từ nơi ấy nắng xuân đang tràn về khắp nẻo theo tiếng nói tiếng cười của đám học trò cũ. Khi đám trò khuất hẳn ông mới quay vào… Ô kìa cây đào phai đã bung lộc biếc… thấp thoáng đầu cành những chiếc lá nhọn tý xíu như những đốm lửa xanh lấp loá nhuộm nắng xuân.
Tháng 12.2019
MAI TIẾN NGHỊ
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...