Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Đi tìm cà vạt tím

Đi tìm cà vạt tím

– Có cà vạt tím không, cô? - Chữ tím được gã nhấn mạnh.
Người đầu tiên tròn mắt ngạc nhiên.
Người thứ hai lặng lẽ lắc đầu.
Người thứ ba phá lên cười.
Cười, cười cái gì? Gã cáu. Bán hàng mà vô duyên.
Gã rút kinh nghiệm, không hỏi nữa. Vào cửa hàng, cứ đi thẳng đến chỗ treo cà vạt, tự lục lọi. Ai hỏi, gã chỉ ậm ừ.
Đã qua năm cửa hàng. Rồi sáu, bảy. Gã ngạc nhiên khi thấy mình quá kiên nhẫn, một đức tính tự gã cũng thấy hiếm có ở chính mình. Giá mà theo đuổi sự nghiệp cũng như đi tìm mua cà vạt thì đời gã chắc hẳn đã khá hơn rất nhiều.
Gã vẫn đi. Đi gần hết một con phố toàn cửa hàng sáng trưng mà không nhặt ra được một cái cà vạt tím nào. Đủ thứ cà vạt nằm cuộn tròn trong các hộc tủ vuông hay duỗi dài trên giá, sọc dọc, sọc chéo, sọc ngang, không họa tiết hay có hoa văn, một màu hay nhiều màu… kiểu gì cũng có, nhưng không có cà vạt thuần tím. Gã chán nản, chân mỏi nhừ. Thỉnh thoảng lại xuất hiện một tiếng cười lạ trong đầu, tiếng cười của cô bán hàng thứ ba. Nó chui vào, nằm ở đó, dứt khoát không chui ra.
Nhà văn Tô Hải Vân
Chỉ còn một đoạn phố nữa thôi, một đoạn thôi, gã nhủ thầm, và lại rẽ vào một cửa hàng khác. Có cà vạt tím không, cô? Gã hỏi như một cái máy. Lần này, gã cũng chẳng thèm để ý đến thái độ của cô bán hàng. Và cũng chán chẳng buồn sục ngay vào quầy cà vạt.
Gã biết, đây quả là một cảnh phi lý, nếu xét theo con mắt người khác. Nhân vật của chúng ta, tên là K, đứng sững giữa cửa hàng, ngây ngô nhìn mọi thứ, rồi chằm chằm nhìn tủ cà vạt. Thử tưởng tượng xem, K nghĩ, một thằng cha (là gã) chẳng còn trẻ trung gì, năm mươi hai tuổi, mặt mũi nghiêm trọng, ăn mặc nghiêm chỉnh, lùng sục tìm một cái cà vạt màu tím, có phi lý không? Có, gã tự nói. Không, gã lại tự nói. Mặc, mình cần, mình đi tìm.
– Có không, cô?
– Không.
Đi ra.
Lạ, thiên hạ làm ra hàng tỉ cà vạt, mà không có cà vạt tím?
Đã là cuối phố. K ra khỏi cửa hàng, đứng ở vỉa hè, hút thuốc lá, buột miệng văng một câu chửi tục. Mở ngoặc: gã gần như không bao giờ chửi tục. Và nghĩ, mình, thật vô duyên.
Chỗ cuối con phố sang trọng này có một đám người vô công rồi nghề đứng chờ. Người nhìn đường, kẻ nhìn giời, kiểu đợi người đến thuê làm bất cứ việc gì. Gã đứng hút thuốc gần họ, đột nhiên nghe thoảng một câu bình phẩm: Thằng cha kia ăn mặc như trí thức mồm lại chửi bậy. Một vài tiếng cười rời rạc, một câu chửi bâng quơ, một tiếng thả ra như gió: Thường thôi…
K chạnh lòng, chợt nghĩ, biết đâu, đến một lúc nào đó, mình rất có thể cũng đứng đây như họ, không hút thuốc lá mà hút thuốc lào? Ở công ty gã, trong cơn suy thoái kinh tế này, sếp có vẻ như đang muốn giãn nhân công, và biết đâu trong cái danh sách đang nằm trên mặt bàn sếp lại chẳng có tên mình? Thằng già là thằng phải vứt đi đầu tiên. Tự nhiên gã thấy hơi hoảng.
Gã băng qua đường.
Vỉa hè bên này có vẻ êm đềm hơn. Mấy anh xe ôm. Một hàng nước chè chén buồn thiu. Một ông già trông rất đẹp lão bán vé số nhìn áo quần gã, vẻ chào mời. K nuốt nước bọt. Ờ thì không mua được cà vạt, ta mua vé số! Thò tay chọn ngẫu nhiên, lấy ra hai vé, trong sự ngỡ ngàng của ông già. Thế thôi à? Ông già gặng hỏi. Gã hơi sượng, không trả lời, hờ hững trả tiền, hờ hững đút hai tấm vé số vào túi. Phải hờ hững thật chứ không phải chỉ làm ra vẻ hờ hững mới mong trúng được một giải gì đó, dù là giải bét, gã vẫn nghĩ như vậy. Dịp may thường không đến với những người cố đi tìm. Gã bật cười, vì sau khi nhét hai tấm vé số vào túi, gã đã đoan chắc là sẽ chẳng trúng được giải gì, vì gã đã cố tình hờ hững. Chán thế!
Mỏi lắm rồi. Gã đã tiêu hai tiếng đồng hồ cho con phố này rồi. Về!
Hôm sau, ở công ty, vừa làm việc K vừa ngọ nguậy. Gã luôn bị cái cà vạt ám ảnh. Nó cứ thít lấy cổ, quay trái quay phải đều khó khăn. Thêm nữa, nó lại có một cái màu tím kỳ quặc. Ngẩng đầu lên thì đỡ, chứ cứ cúi đầu xuống đọc tài liệu hay gõ bàn phím là y như cái màu tím khỉ gió ấy lại ám gã. Gã cảm thấy công việc khó mà chạy suôn sẻ như trước kia. Gõ máy tính thường xuyên nhầm. Thảo một cái hợp đồng cũng nhầm lẫn đôi ba chỗ, lại phải đôi ba lần xem đi xem lại. Có lần gửi thư cho khách hàng này thì gã lại đề địa chỉ của khách hàng nọ. Nguy hiểm quá. Kiểu này mất việc như chơi. Mà không đeo cà vạt tím thì không được, quy định của công ty phải mặc đồng phục như thế. Công ty còn cấp cà vạt tím cho mọi đàn ông, nơ tím cho mọi đàn bà, đó là cái để nhận dạng thương hiệu, như ông tổng giám đốc đã từng tuyên bố.
K thấy các đồng nghiệp khác chẳng ai có ý kiến gì. Họ đeo cà vạt tím được trang bị một cách thản nhiên. Xấu hay đẹp thì vẫn cứ phải mặc ngần ấy thứ, đeo đúng cái ấy, bàn cãi để làm gì? Một cô văn phòng còn bảo: tốt, công bằng, từ nay em cũng như ai! Có hàng hiệu thì để nhà nhé, thích thì mặc vào trong nhé, còn thích khoe thì he hé nhé! Đôi khi vào bữa trưa ở quán bình dân bên cạnh, có người còn lấy cà vạt ra chấm chấm mép sau khi húp một thìa canh quá to. Vậy sao mình quá khó tính đến mức ấy?
Chắc do mình đã cứng tuổi, K nghĩ. Bọn trẻ, hay người dễ tính, không cà vạt hay có cà vạt cũng được, tím hay xanh cũng được, mà nếu tím, thì tím nào cũng được. Còn gã, cà vạt đã là điều khó chịu, lại phải tím đúng là tím. Chứ cứ tím như được phát, nó nhờ nhờ, thì cái khó chịu lên mức vô cùng.
Thằng con đầu của gã, mười sáu tuổi, cầm cà vạt của gã đưa lên ngắm, rồi tự ướm vào cổ mình, rướn người lên trước gương, bảo, cũng được đấy chứ, bố? Gã bảo, ranh con chúng mày thì cà vạt nào mà chẳng vừa, có đeo thừng vào cổ cũng có thể khen đẹp. Còn con gái gã, mười bốn tuổi, xì một cái thật dài, bảo, phải tay con, không thích cà vạt thì bỏ phéng công ty! Đơn giản! Mày ngu lắm, gã nghĩ, bỏ làm, ai nuôi mày đây? Còn mụ vợ thì lẩm bẩm, hồi xưa làm ở viện hay biết bao nhiêu, đùng đùng đòi ra khỏi viện, làm đến mấy nơi không xong, thôi thì yên phận đeo cái ấy vào đi. Đàn bà luôn luôn nghĩ đàn ông là loại ngu xuẩn. Mụ đụng đến nỗi đau, gã cáu, bỏ ra ngoài nhà.
Quả là K đã từng xin ra khỏi viện. Không phải “xin”, mà là “bỏ”.
Đó là một viện nghiên cứu lớn của thành phố, một nơi mà khối kẻ ngó nghiêng thèm rỏ dãi muốn xin vào. Hồi ấy, làm một “nhà nghiên cứu” thật sang trọng. Vừa ra trường, K đã được nhận ngay vào viện vì thành tích học tập xuất sắc, kể cũng là may mắn. Nghiên cứu, triển khai, đi thực tế, đi khảo sát, hì hụi trong phòng thí nghiệm, toét mắt ê đít trong thư viện, mỏi tay vì viết chuyên đề, lúc thành công lúc thất bại, đủ cả ngọt bùi đắng cay…
Nhưng sự đều đều của viện làm K chán ngán. Gã luôn mường tượng đến một cái bánh xe nước đang quay trên một dòng suối phẳng lặng, chẳng hiểu tại sao lại chui vào đầu gã cái so sánh kỳ quái ấy. Hơn nữa, người ở đây lại làm gã chán hơn. Cấp trên bảo nghiên cứu gì thì nghiên cứu ấy, bảo mấy năm phải xong đề tài là đúng mấy năm xong, ba năm một lần đều đều lên lương, làm lâu khắc được lên chức, như gã, đã lên tới chức trưởng phòng.
Phải sống đến quá nửa đời người K mới hiểu được là bất kỳ thứ gì diễn ra đều đều sẽ giết đi bao nhiêu thứ khác tốt đẹp trong cuộc đời. Ngoảnh đi ngoảnh lại thấy lũ trẻ đã lớn, mình đã xuất hiện cục u ở xương bàn tay, cái đau đau ở ngực, và một nỗi sợ hãi vô hình. Mình là K, gã nghĩ, ngần ấy thời gian trôi qua, K vẫn là K, chẳng khác đi tẹo nào, có họa chỉ có kém đi. Tự nhiên gã hay nổi cáu. Cáu với vợ con, cáu với đồng nghiệp, và nhiều khi cáu với chính mình, gã dường như tách hẳn ra và nhìn mình với con mắt khinh thường. Được một thời gian thì xuất hiện những cơn điên điên. Người nào trong đời mà lại chẳng nổi những cơn điên điên một vài lần? Có lần gã điên lên chửi một nhân viên trẻ vì một cớ rất vớ vẩn, rồi lại rối rít xin lỗi. Nhưng nói thật, mỗi lần điên lên như thế, gã mới cảm thấy mình đúng là K.
Còn đây chính là cơn điên nặng hơn. Một hôm, sau khi đọc một tờ tạp chí khoa học, K phát hiện một tác giả tên lạ hoắc có mấy bài viết hết sức thú vị, có liên quan đến một đề tài lớn mà viện gã đang triển khai. Đọc xong mấy bài viết ấy, gã sướng quá, nghĩ bụng đây chính là thiên tài. Mấy hôm sau, gã nghĩ sao mình không giới thiệu gã kia với viện trưởng, để ông mời gã kia về viện làm việc? Thêm một bộ cánh khỏe, viện sẽ như con đại bàng. Gã lẳng lặng tìm đến tòa soạn, khó khăn lắm mới xin được số điện thoại của gã kia, gọi cho gã kia, khen gã kia một cách thật lòng, háo hức bảo sẽ giới thiệu với viện. Gã lại về gặp viện trưởng, khen gã kia và đề nghị viện trưởng mời gã kia về làm việc, cảm thấy sung sướng tràn trề khi thấy viện trưởng gật gù. Cầu nối đã thiết lập xong, gã thấy hạnh phúc vì làm được một việc có ích.
Nhưng việc có ích không hẳn là việc có lợi. Viện trưởng cho là gã đang có âm mưu lật đổ ông, còn gã kia cho rằng gã đang có âm mưu lợi dụng gã. Cái gì cũ thì vẫn như cũ, chả có gì thay đổi, chỉ có gã là thay đổi: kết quả là cả hai tỏ ra ghét gã thậm tệ. Chán thế! Vợ gã lập tức đi đến kết luận: thôi ông đừng điên nữa. Gã khịt mũi, nghe lời vợ, tỏ ra rất ngoan ở cơ quan, và mọi chuyện lắng dần đi.
Thực ra, chẳng có gì lắng cả. K vẫn nhìn ra đâu đó những ánh mắt kỳ thị.
Bầu không khí trong viện dần dần trở nên ngột ngạt. Mắt gã tự nhiên nhìn thấy bao nhiêu điều mà bình thường gã chẳng nhìn thấy. Tỷ như thằng cha A sởi lởi và tốt bụng với tất cả mọi người, ai cũng khen người tốt, nhưng gã đã từng chứng kiến hắn nhảy chồm chồm chửi vợ vì mấy đồng tiền lẻ trả hớ, hay sai con đổ rác lén sang nhà hàng xóm. Rồi thằng cha B cánh tay thân tín của ông viện trưởng cũ nay đã về hưu, nhưng khi đồng nghiệp rủ đến thăm ông ốm nặng sắp chết, hắn cáo bận làm đề tài, nhưng sau đó lại bảo tay lái xe tao chả dại, viện trưởng mà biết tao thân với ông cũ lão đì cho chết, câu ấy gã nghe thấy khi đi ngang qua phòng hành chính. Ngay cả viện trưởng, chẳng biết tại sao những hành động của ông cứ như cố tình lọt vào mắt gã. Ông học ở Tây, đi Tây không biết bao lần, luôn mặc complet, mà vẫn như anh nông dân vừa ở ngoài ruộng về, thu vén con lợn con gà, tập giấy cái bút, danh hiệu nọ kia, và rất ghét ai có tí gì hơn mình. Thế là, trong hội nghị công nhân viên chức, tự nhiên K đứng dậy, như cái máy nước hỏng khóa ồ ồ chảy, gã tuôn ra hết tất cả những gì gã biết và gã nghĩ. Mọi người ngỡ ngàng. Sau buổi họp ấy, có đồng nghiệp đã khuyên gã đi khám bệnh, còn đồng nghiệp khác lại coi gã như thằng hủi. Còn gã, tự bảo, đừng bao giờ “lên cơn” nữa nhé! Đương nhiên, không còn con đường nào khác là phải thôi việc ở viện. Đó quả là một ký ức buồn.
Ký ức buồn ập đến thật nhanh chóng và bất ngờ. Nhưng dù nó có choán lấy gã thì cũng chỉ là trong chốc lát, bởi lẽ gã lại nhanh chóng bị cái cà vạt tím lôi lại thực tại.
Bây giờ khác rồi, không thể thôi việc vì không thể thôi sống, không thể thôi kiếm tiền trong khi lũ con còn chưa thành niên. Về đến nhà, chúng nó há hoác mồm nhìn bố nhìn mẹ đòi ăn, rồi bảo học phí chưa đóng, rồi quần chật quá rồi, vợ thỏ thẻ tháng này tiền điện leo lên đến đỉnh cột điện rồi anh ạ. Không có cà vạt tím thì đừng đi làm, sếp đã bảo thế. Nhưng có cà vạt lại tím nhờ nhờ thì đi làm cũng như không đi làm, tự gã bảo thế.
Đến công ty, nhìn mặt mấy tên trong Tổ kiểm tra tác phong văn phòng đứng lởn vởn giữa sảnh chính mà chán. Trước mặt K. là một gã trai áo quần xộc xệch bị Tổ kiểm tra chặn.
– Tại sao mặt lại buồn thế?
– Vợ bỏ.
– Bỏ thì bỏ ở nhà, không phải bỏ ở công ty. Nào, cười lên!
Gã trai cười.
– Tươi nữa lên!
Gã trai cười tươi.
– Thôi, cho qua.
đi tới, họ không hỏi gì. Chắc nể mặt “anh già”, dù cà vạt gã thắt không được đúng kiểu, hơi xộc xệch.
Đeo cà vạt đã là điều khó chịu, thắt cà vạt lại là cực hình. K. không sao thuộc cách thắt, nào ấu đơn, ấu đôi, nào cánh phẳng, cánh lõm. Thành ra, gã nhờ bạn bè thắt một lần, sau đó tháo chỉ cần nới ra, thắt chỉ cần choàng vào cổ, thít vào. Về nhà, gã treo cà vạt lên giá, để cái mũ lên trên, lúc nào trên cái giá treo quần áo cũng như có một thằng cha thắt cà vạt đang đứng đó, cười cười nhìn gã.
Thỉnh thoảng K. đi qua, nhìn “thằng cha” đó, gã cười khẩy: Chú mày đấy à? Vẫn sống à?
Hôm sau, sau giờ làm, gã quyết định đổi phương thức tìm tòi. Dãy phố sáng choang với đầy những cửa hàng như nhau thì chỉ có những mặt hàng giống nhau, nguyên lý ấy chẳng phải đã ghi đầy trong sách? Vậy ta phải đi tìm tại những cửa hàng ở xa nơi vốn có những cửa hàng.
– Có cà vạt tím không, cô?
– Có.
Đấy, quá tốt. Tư duy mới mẻ sẽ dẫn đến kết quả mới mẻ.
– Cho xem nào?
cầm cái cà vạt tím cô bán hàng đưa cho, thấy thất vọng nặng nề. Cũng là tím, nhưng nó… thế nào ấy.
Buổi tối, K. tìm đến ông bạn họa sĩ. Này, thế nào là màu tím? Gã hỏi. Đúng giọng một ông nghiên cứu viên. Ông bạn lôi hộp bột màu ra, trông đây, màu xanh dương ngoáy với màu đỏ, tím đấy! A, a… K. gật gù. Còn ông muốn chính xác như máy tính, thì đây, C:90, M:100, cứ thông số này đem xuống nhà in, họ khắc in cho ông đúng màu tím. Cái thằng tím này rất buồn cười, bình thường trên bảng màu gốc, các màu tương phản không thể đi cùng nhau, nhưng vàng với tím là ngoại lệ, tương phản mà lại đi được với nhau, lại đẹp nữa, thế mới lạ! Thế có nghĩa là để đẹp trai, tôi cần sắm một cái sơ mi màu vàng? K. phá lên cười.
Đêm, K. mơ thấy mình mặc một bộ đồ màu vàng và thắt cà vạt tím. Không thể mê được, gã nghĩ khi tỉnh dậy giữa đêm. Gã ngồi trong giường, nhìn cái đình màn, lẩm bẩm: Lý thuyết gì mà kỳ quặc? Hay thằng họa sĩ kia xỏ mình?
Già nên hay đi tiểu đêm. Trong bóng tối mờ mờ, K. đi ngang qua cái giá treo cà vạt, thấy dường như “thằng cha” đội mũ đeo cà vạt đứng đó nhe răng cười gã. K. cười lại, bảo: “Đứng yên đấy, mai đi làm mày đi cùng tao”. Đột nhiên, “thằng cha” không đứng yên, nó cựa quậy, rồi bảo: “Đi tìm làm quái gì cho mất công mất sức. Sao ông không thể giống như người ta?”. Gã bảo: “Phải đi tìm chứ, tao là tao, tao chán mày lắm rồi”. Nó bảo: “Thôi, hay để tôi đi tìm ông? Ông tìm tôi, tôi tìm ông, ha ha ha ha… Chúng ta sẽ chạy vòng quanh tít mù”. K. đưa tay thít một phát, cái cà vạt dúm lại, gã bảo: “Im mồm!”.
vẫn không bỏ ý định đi tìm. Cuối giờ làm, gã lại lang thang tới các con phố mà chưa bao giờ gã tới. Nhờ có cuộc truy tìm cà vạt mà gã biết được thành phố của gã đầy ngõ ngách, đầy bất ngờ, nhiều vẻ đẹp, nhiều vẻ xấu khó tưởng tượng nổi. Nhưng càng đi, có vẻ như cái thằng cà vạt ban đêm nói đúng, nó chạy trốn. Cà vạt cứ lớn dần lên trong đầu gã, lúc nào gã cũng thấy dường như nó ở đằng sau lưng mình, trốn mình, hay đuổi mình.
Đêm hôm đó K. lại thao thức. Gã chợt nhớ đến cái cảnh khốn khổ mấy tháng trời. Mấy tháng lang thang từ sáng đến chiều theo danh mục đã đánh số thứ tự trong tờ quảng cáo tìm việc làm. Vừa đi, gã vừa nhớ đến nét mặt của mụ vợ và lũ con. Phải là người đã từng nhìn thấy quyển sổ tiết kiệm teo dần như miếng da lừa thì mới hiểu được tâm trạng gã lúc đó. Sợ đến nóng bụng. Thỉnh thoảng nghĩ tới “nó” lại ran ran trong bụng, vì miếng da lừa của gã lại bé hơn của nhiều người. Vợ gã bảo, còn may là có, nhiều nhà còn không có. Trong đầu người đàn bà, phép so sánh là môn đại số cao cấp nhất, chứ không phải tích phân hay vi phân. Nhưng nó đúng, gã cay đắng nhìn nhận khi mụ tiếp lời, bảo giá mà ngay từ đầu ông đừng làm khoa học.
Một buổi sáng đẹp trời, K. bước chân vào một tòa nhà cao tầng, gõ cửa một công ty. Một căn phòng to, mấy chục cái máy tính đặt dọc theo ba bức tường, nhân viên đang gõ máy rào rào. Một cái bàn to đặt chính giữa, trên mặt bàn cơ man không biết bao nhiêu loại báo, vây xung quanh là chục nhân viên mắt cắm vào tờ báo, tay lăm lăm cây bút đánh dấu.
Tiếp gã là một người mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng, còn rất trẻ.
– Đã từng nghiên cứu khoa học nhiều năm, như vậy rất nhiều khả năng đọc và lọc, tầm chương trích cú, tốt – ông chủ trẻ nói sau khi đọc lý lịch của K. – Nhưng… hơi nhiều tuổi – hắn nhìn K, lịch sự và thẳng thừng nhận xét.
Ông chủ mà, K. nghĩ, có quyền ấy. K. là người biết điều, nên chỉ gật gù. Giá mà trước kia thì chắc cũng… khó chịu. Nhưng bây giờ, miếng da lừa đang teo…
– Vâng, hơi nhiều tuổi. Nhiều kinh nghiệm, như củ gừng ấy – K. nói.
Ông chủ trẻ gật gù. Có vẻ thích gã rồi. Bắt đầu giải thích: đây là một công ty dịch vụ thông tin. Nếu có một công ty hay một địa phương nào đó có nhu cầu biết thiên hạ nói tốt hay nói xấu bất kể điều gì về mình trên báo chí, kể cả quảng cáo phản quảng cáo, thì công ty này ký hợp đồng cung cấp tin chi tiết: Ngày ấy, trên những tờ báo ấy, có những thằng nào khen ông chê ông, liệt kê và bình luận. Rõ chưa? Rõ. Giờ làm việc bắt đầu từ 5 giờ sáng.
5 giờ? K. tá hỏa. Cựu nghiên cứu viên sợ hết hồn, vì gã chuyên thức khuya dậy muộn. Đêm yên tĩnh mới là lúc gã viết.
Nhưng 5 giờ thì 5 giờ, sớm cũng phải dậy. Gã phát hiện cái công ty này làm ăn được ra phết, hóa ra khối kẻ quan tâm đến danh tiếng của mình. Có vẻ như danh tiếng như áo quần, không mặc không được.
đi làm được một tuần thì gã trông không ra gã nữa. Người cứ héo rũ như cái cây không được tưới nước. Mắt lúc nào cũng trĩu nặng. Dần dần gã cũng quen. Nhưng điều gã không thể chịu đựng được lại ở chỗ khác. Có những đơn vị bị tần số chê rất lớn nhưng ngày này qua tháng khác tuy vẫn nhận được báo cáo đều đặn nhưng họ không hề sửa đổi, tần số chê vẫn giữ nguyên. Có những đơn vị được khen nhiều quá, lời khen lại quá sống sượng khiến gã thấy ngượng thay cho họ. Giá như gã cứ làm việc và ít suy nghĩ đi thì chắc là không sao, đằng này kết quả khảo sát cứ ám gã hàng ngày hàng đêm, khiến gã lần nữa lại nổi cơn hâm, lại… bỏ việc.
Thế rồi K. gặp cái công ty gã đang làm này. Khó có thể nói K. mất bao nhiêu công sức mới được nhận vào làm việc.
Tên nhân sự còn trẻ nhìn K. như nhìn khủng long, lật đi lật lại hồ sơ xin việc của gã.
– Sao… “anh”… đã nhiều tuổi rồi mà còn đi xin việc…?
Già rồi mà còn đi xin việc, ắt là người “có vấn đề”. Rất đúng, gã gật gù.
– Vì tôi muốn có mức lương cao hơn, ở viện khó sống quá anh ơi…
A a, thông cảm được, anh nhân sự gật gù. Đưa cho gã một tập tài liệu dày, bảo đọc đi, giới thiệu về công ty đấy, và các nội quy phải theo.
Khốn khổ, lúc đi đến đây lại quên mất kính ở nhà. K. giơ tập giấy lên, nhưng có đọc được chữ nào! Những dòng chữ như những dòng kiến, nhảy múa như trong đêm dài Trung cổ. Gã chỉ xem được hình ảnh, mà cũng nhòe nhoẹt.
Anh nhân sự có vẻ hài lòng khi thấy gã đọc rất nhanh. Từng tờ lật qua hẳn hoi. Chứng tỏ trình độ khá cao.
Bắt đầu tiết mục phỏng vấn.
Sức khỏe? Rất tốt. (Đau dạ dày, mỡ máu, sỏi mật thì có ma nào biết được.) Ngoại ngữ? Đọc, dịch xuôi dịch ngược, giao tiếp thoải mái, anh nghiên cứu viên nào mà chẳng thế! Tốt. Khả năng viết lách? Tuyệt vời, đã từng viết báo cáo khoa học, trình bày báo cáo trước hội thảo hàng trăm người. Tốt. Bằng cấp? Đây, khối bằng, xịn cả. Tốt. Thế nhưng…
Cái chữ “thế nhưng” chết tiệt. Hỏi cái gì có cái đó, “thế nhưng” là vứt đi hết. Gã phải làm lại hồ sơ, bổ sung cái này cái khác, chứng thực nọ kia mất bao thời gian. Vậy mà gã đã can đảm và kiên nhẫn làm bằng hết. Thậm chí lại còn mò ra cả số điện thoại và địa chỉ nhà anh nhân sự kia. Năn nỉ và quà cáp, đó là những cái mà gã rất ghét, nhưng ghét thì chết, còn biếu chai rượu ngoại tuy ngượng nhưng không chết.
Vậy mà quả chùy lại gõ vào đầu gã. Mọi thứ đều đã OK, đến tiết mục đồng phục thì K. nhăn nhó mặt mày. Nó có hết trong điều lệ công ty, nhưng khốn nỗi quên kính nên có đọc được gì đâu! Nếu đọc được, chắc hẳn gã đã quay đầu đi ra.
Vậy là, thoát khỏi cái cảnh dậy từ 4 giờ sáng chuẩn bị đi làm, nay lại lâm vào cảnh khoác một bộ đồng phục nhàm chán với một cái cà vạt khủng khiếp. Và, cái câu hỏi tồn tại hay không tồn tại cứ luẩn quẩn trong đầu suốt tuần đi làm đầu tiên. Gã chỉ muốn bỏ việc, luôn luôn khó chịu vì có cảm giác nhân viên như những con gián đang bò lổm ngổm trong văn phòng, và bản thân mình thì cựa quậy suốt ngày trong cái lốt ấy. Nhưng lại không thể bỏ việc, vì bao công lao mới xin được vào đây.
già sọm đi trông thấy. Buổi tối, trông thấy hai đứa con chí chóe giành nhau trong bữa cơm, rồi chúng đắm đuối trong ánh đèn bàn học bài, gã lại tự nhủ không thể bỏ việc. Nhưng sâu thẳm trong lòng là một nỗi sợ. Đến đêm nó mới dâng lên. Mất việc, thật đáng sợ. Không có tiền. Sẽ đứng đường, chờ và chờ. Còn nữa, tuổi già, nỗi cô đơn, bệnh tật và không tiền bạc, đó là mấy con ngoáo ộp luôn luôn thò đầu ra nhìn gã. Đôi khi gã tưởng tượng đến cảnh già ngồi một mình buồn bã nhìn qua cửa sổ và thiếu thốn đủ thứ.
Hôm sau, trong bộ đồng phục nghiêm chỉnh, trước khi vào công ty, K. rẽ qua ông bán vé số ở gần đó, mua hẳn một bộ. Mua một cách thờ ơ. Hồi hộp mất mấy hôm. Không trúng bất cứ số nào, nhưng bù lại là được sống trong hy vọng. Rồi dần dần, gã không còn thấy bộ đồng phục là cứng nhắc nữa, cũng không thấy lũ đồng nghiệp giống gián nữa.
Duy nhất chỉ còn cái cà vạt vẫn làm K. khó chịu. Cái khó chịu không dứt ra được. Thỉnh thoảng gã lại thò tay nới cà vạt ra thật rộng, mắt không quên liếc xem cái bọn Tổ kiểm tra tác phong văn phòng có xuất hiện hay không. Cái lũ đi dòm cổ và giày nhân viên. Vô phúc bị tóm thì tháng đó bị trừ lương. Đã có lúc bức bối quá, K. chạy vội vào nhà vệ sinh, thấy trong đó một lũ đang ngồi vắt vẻo trên thành bàn rửa mặt như một lũ khỉ, đứa nào đứa ấy chân trần vung vẩy, giày vứt la liệt dưới đất, nhìn gã cởi phăng cà vạt với con mắt đồng lõa.
Có lẽ Quang Minh, phát thanh viên đài truyền hình là cứu tinh của gã. Khi gã đang chán đến độ muốn bỏ việc lần nữa, một tối xem truyền hình, gã đã nhảy dựng lên sung sướng vì trông thấy trên màn hình nhỏ anh Quang Minh đẹp trai đeo cà vạt tím! Trông được đấy chứ! Trong lòng gã reo lên. Và trong đầu gã nảy ra ý đồ đi lùng mua cho mình một cái cà vạt tím thật ưng ý. Khi đó thì không còn phải lo sợ gì nữa, vĩnh biệt những ngày ngọ ngoạy không yên. Nếu có cà vạt tím như của Quang Minh, chí ít mình cũng không trở thành con gián…
Và K. đã mở chiến dịch đi tìm mua cà vạt tím như một chuyến truy tầm kho báu.
Vậy là, K. tổng kết, mình đã tìm ở con phố chuyên quần áo, tìm ở những con phố chẳng ai nghĩ ra, với ý nghĩ ở một cửa hàng nào đó vào một lúc nào đó ắt phải có cái cần tìm. Nếu chưa có, rồi sẽ có. Thế mà không có. Thế mới lạ.
Thằng cà vạt đến bây giờ vẫn lẽo đẽo đi theo gã trên từng bước chân, trốn gã, có lúc nhảy lên làm chủ gã.
Và giờ K. quyết định đi tìm tiếp, tìm ở phố Hàng Gai, Hàng Đào.
Gã đi qua những ngôi nhà nửa cổ nửa kim, vào những cửa hiệu có hơi thở cổ cổ nhưng lại thắp đèn LED ánh sáng lạnh đến rùng mình, lật tung những mớ cà vạt ngoại hay cà vạt lụa tơ tằm rất có tính dân tộc, cũng không có.
Chẳng biết có gì xui khiến mà K. lại trở lại con phố đầy cửa hàng ban đầu, nơi đầu đường có những người đứng chờ việc. Gã đứng bên này đường hút thuốc, nhìn sang bên kia đường, tưởng tượng đến một lúc nào đó sẽ có một gã tên là K. đang đứng lẫn trong đám người ấy.
nhìn ông già đẹp lão bán vé số. Ông hôm nay bán được bao nhiêu niềm hy vọng? K. cười khẩy, quyết định sẽ không bao giờ mua vé số nữa. Sẽ chẳng bao giờ trúng, ít nhất là đối với gã. Và chắc hẳn cũng chẳng cần thiết phải đến tận đài truyền hình để hỏi cái gã Quang Minh đẹp trai kia kiếm cà vạt tím ở đâu.
Trong một tâm trạng buồn bã, K. rẽ qua nhà mẹ đẻ. Mẹ gã hỏi:
– Con đã ăn gì chưa? Sao dạo này phờ phạc thế?
Dường như không phải gã năm mươi hai tuổi, mà chỉ mới mười bảy.
– Cà vạt, cà vạt… – K. trả lời.
– Con ạ, – mẹ gã nói – cà vạt, có cũng được, không cũng được. Hôm nay có canh riêu cua, ăn tạm một bát rồi về nhé?
Ở bên cạnh mẹ, thằng cà vạt lỉnh đi, rồi biến mất tăm.
Còn canh riêu cua thì tuyệt vời.
Hơn cà vạt nhiều.
Điên, sao lại ví canh riêu cua với cà vạt?
Hôm sau.
– Yêu cầu ông thắt lại cà vạt! – Đôi mắt nghiêm nghị của anh nhân viên tổ kiểm tra tác phong văn phòng xoáy vào cổ K. khi gã bước chân vào sảnh.
Trong lòng K. có cái gì dâng lên.
tháo cà vạt ra khỏi cổ. Bây giờ nó khá nhàu, và màu tím lúc đầu không còn, nó nhờ nhờ.
Gã cầm cà vạt trong tay, nhìn anh nhân viên kia, rồi bất đồ, gã ấn cái cà vạt vào tay anh ta.
Đeo cũng như không đeo, không đeo cũng như đeo, vậy đeo hay không đeo có gì phải nghĩ? Mẹ nói đúng.
Đứng ngay giữa sảnh, K. ngẩn ngơ nhìn vào phía trong nơi chỗ chờ thang máy đang khá đông người, ai cũng cà vạt tím, rồi lại nhìn ra ngoài đường đầy người đi lại.
Gã đàn ông ngồi trước mặt tôi im lặng đã quá lâu. Cốc cà phê đã nguội ngắt.
Tôi sốt ruột:
– Thế nào, cuối cùng thì ông có tìm được cà vạt tím không?
Gã cáu:
– Cà vạt gì? Tại sao lại cà vạt ở đây? Phải nói về canh riêu cua chứ?
Ơ kìa, rõ ràng gã gọi tôi đến uống cà phê, rồi kể chuyện về cà vạt, sau chuyển sang chuyện canh riêu cua, nay lại cáu? Rõ chán.
TÔ HẢI VÂN
 
14/5/2021
Nguyễn Cẩm Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...