Khúc tráng ca dã tràng:
Một cuốn tiểu thuyết lạ
Báo chí đưa tin tỷ lệ người mắc bệnh ung thư trong dân mình mỗi
năm một tăng. Rồi bạn hữu, đồng nghiệp cùng tuổi hay ít tuổi hơn cũng theo nhau
vĩnh biệt cuộc đời này. Cáo phó tới tấp xuất hiện trên báo giấy, báo mạng. Tư
dưng lo lo đến mạng sống của chính mình. Bỗng nhớ đến một cuốn tiểu thuyết đặc
sắc viết về một trong những mối hiểm họa của thế kỷ mà có lẽ còn ít người đọc: Khúc
tráng ca dã tràng của nhà văn Nguyễn Thu Trân.
Trước hết, xin được làm một thống kê rất cộng trừ: sách dày
110 trang, khổ 12×20. Câu chuyện diễn ra trong vài ngày. Tại mấy gian buồng của
một bệnh viện. Chuyện của một con bệnh ung thư giai đoạn cuối. Thêm nữa, con bệnh
tự kể chuyện mình, dĩ nhiên là bằng ngôi thứ nhất. Kể làm 6 phần, mỗi phần đều
có tít tựa rành rõ, nhưng vỏn vẹn cũng chỉ có 6 phần. Lại thêm nữa, chỉ kể ở thời
hiện tại, rất ít khi cần tới thủ pháp phục hiện của cinema. Từng ấy thôi bỗng nảy
sinh câu hỏi: liệu người kể chuyện có tự trói buộc tay chân mình bởi những khó
khăn, trở ngại vô hình và hữu hình?.Nhà phê bình Tô HoàngTheo cách khắc họa tính cách nhân vật của tác giả, chúng ta
hãy nhặt trong sách ra những mẫu người “bình thường”: đó là ông bố, là bà
mẹ của con bệnh; là Lam-chị ruột của bệnh nhân và Điền, người yêu của Lam. Chấm
hết! Số còn lại, tuốt tuột, là những nhân vật “không bình thường” tức những mẫu
người găm ngay vào trí nhớ của bạn đọc bởi diện mạo lạ, tâm lý lạ, cách xử thế
và cả niềm vui, nỗi buồn không giống ai. Một chàng nghiện nghèo xác xơ, yêu mà
không dám thổ lộ nỗi lòng với người con gái mình yêu; chỉ biết giãi bày cảm
xúc, tâm tư bằng những bài thơ đem dán khắp các bức tường, các cây cột đèn ngõ
nhà nàng; y hệt như cung cách người ta dán những tờ quảng cáo dạy tiếng Anh,
khoan cắt bê tông, sửa chữa đồ điện gia dụng tại nhà. Không ai khuyên anh chàng
tới trường cai nghiện được, nhưng khi biết tin người con gái mình yêu lâm bệnh
nặng, anh chàng tự nguyện chấp nhận việc này với niềm tin khi mình dứt bỏ được
nghiện hút, thì người mình yêu cũng sẽ vượt qua được bệnh hoạn. Một con bệnh
tâm thần sống lang thang, vạ vật trong khu bệnh viện ung thư để sáng sáng
nắm ngược cây phất trần đuôi gà gõ lên song cửa sổ buồng bệnh mà trò chuyện tỉnh,
lẫn với các bệnh nhân giúp họ giảm bớt cơn đau. Một ông thầy lang trị bách bệnh,
kể cả bệnh ung thư bằng… rắn. Khu vườn của thầy lang và phương pháp trị bệnh
chúng ta chưa từng nghe, từng đọc ở đâu. Cả thói lừa lọc, bịp bợm đầy tự tin, đầy
uy quyền của gã lang vườn này cũng có điều gì rất đặc biệt. Chưa hết, còn thêm
tay đàn ông đi mua tế bào ung thư để có cớ cột chặt bà vợ không cho ly hôn. Còn
cả người chiều chiều rắc bột đỏ trên nấm mộ của bệnh nhân tâm thần sau khi “thằng
khùng” này đột ngột qua đời. Lạ nhất, khác người nhất, cá tính không giống ai
nhất là ba nhân vật chính của cuốn sách: Tuấn, chàng sinh viên mắc chứng ung
thư dạ dày giai đoạn cuối; Mai Hân – người yêu của Tuấn và bác sĩ Tâm, người trực
tiếp điều trị cho Tuấn.Tiểu thuyết “Khúc tráng ca dã tràng” của Nguyễn Thu TrânTạo ra được một thế giới đông đảo những nhân vật độc đáo, lạ
lẫm như thế – theo cách nói một thời trận mạc của chúng tôi, nhà văn nữ Thu
Trân đã giật những trái bộc phá, khai thông cửa mở, tức thị làm bay biến những
hàng kẽm gai vô hình, hữu hình buộc thít đôi tay người sáng tạo. Thế giới được
miêu tả trong Khúc tráng ca dã tràng không chỉ là những phòng bệnh nồng
nặc mùi thuốc sát trùng, mùi bông băng với những gương mặt xám xanh, buồn thảm;
những dãy hành lang thấp thoáng tà áo blu trắng lươn lướt qua những dãy ghế gỗ
ken chặt người chờ khám bệnh hay người đi thăm nuôi bệnh nhân rầu rĩ, thất thần;
những khu vườn, mảnh sân trong bệnh viện không còn phân biệt nổi nắng sáng, nắng
trưa hay nắng chiều… Mà thế giới cuộc đời đã được mở bung ra; khơi sâu thêm,
móc nối với cuộc sống bên ngoài bốn bức tường bệnh viện, khiến cho cuốn sách
đâu chỉ có 110 trang khổ hẹp?
Có được một thế giới nhân vật phong phú, đa dạng, không ai giống
ai và hơn thế còn “rất lạ” là ước ao, là mong muốn, là gắng gỏi vươn tới của tất
cả những cây bút văn xuôi. Nhất là trong thời buổi sức sáng tạo được tháo cũi xổ
lồng. Bởi như một lẽ thường tình, một cốt truyện nhạt thường đi theo là những
nhận vật nhạt nhòa, không xương cốt và ngược lại. Ấy thế nhưng trong xu hướng
làm mới, làm hiện đại văn chương, đây đó không khó nhận ra những nhân vật “lạ”
một cách cố ý- những ma-nơ-canh cứng đờ, lạnh giá nhằm chuyển tải những ý đồ,
những tư tưởng này nọ hoặc thuần túy vì một mục đích duy nhất là làm cho khác
người, cho là lạ vậy thôi.
Nhân vật “lạ” trong Khúc tráng ca dã tràng tuyệt
nhiên không phải là đồ trang sức hoặc là thủ pháp làm cho mới, cho hiện đại những
trang viết. Nhân vật “ lạ” của Thu Trân nảy sinh trong hoàn cảnh “lạ” của một
con bệnh “thập tử nhất sinh” đang tìm tới những liệu pháp “lạ” để chống trả với
một bạo bệnh không còn là “lạ” với mọi người. Đến lượt chính những liệu pháp lạ
mà con bệnh thực thi – như một điều tự nhiên – làm phát lộ ra những diện mạo “lạ”,
những hành xử “lạ”, những tính cách “lạ”. Một con người “lạ”như Tuấn tất nhiên
sẽ cuốn hút, hấp dụ được một người bạn gái “lạ”như Mai Hân. Để rồi cùng đồng
lõa trong một lễ thành hôn rất “lạ”. Một con người “lạ” như bác sĩ Tâm chỉ có
thể thực thi phương pháp điều trị “lạ” với một bệnh nhân như Tuấn. Người đọc
không phải tiếp nhận một cách gượng gạo, áp đặt các nhân vật “lạ” trong Khúc
tráng ca dã tràng. Gặp gỡ các nhân vật “lạ” trong sách, người đọc thích
thú, say sưa; bị tác giả cuốn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Và khi đi tới
điều bất ngờ cuối cùng, tức sự chọn lựa cái chết hết sức “lạ” của ông bác sĩ đầy
lòng lạc quan yêu đời yêu người, người đọc dễ dàng chấp nhận cái kết cục “lạ” ấy
như một điều tất yếu.
Có được tất cả những điều trên, hiển nhiên nhà văn phải giàu
trải nghiệm, phải rất am tường, chí ít ra là lĩnh vực mình miêu tả. Vượt xa hơn
thế còn là một tài năng, một sự cứng cáp, chín muồi về tay nghề. Để tất cả mọi
bày đặt, mọi sắp xếp, mọi sự “bài binh bố trận” phăm phắp tuân theo ý muốn của
mình và để rồi thỏa mãn ý muốn của mọi người.Nhà văn Nguyễn Thu TrânVới chất liệu ấy, cách cấu tứ ấy, cách tao dựng bối cảnh và
không khí ấy; đặc biệt là với những nhân vật “lạ” ấy, chỉ cần một cú hích nhẹ, Khúc
tráng ca dã tràng sẽ chuyển về phía ẩn dụ, biểu tượng. Nhưng tác phẩm vẫn
cắm chân vững chãi ở mảnh đất hiện thực, để người đọc tin rằng ở đâu đó có một
bệnh viện, có những con bệnh và những ông bác sĩ Tâm như vậy. Đây cũng nên ghi
nhận thêm bản lĩnh của cây bút văn xuôi này.
Vậy Khúc tráng ca… hát ca về điều gì? Hát ca về nghị lực,
ý chí của những con người biết cách ứng xử khi bị số phận dồn vào bước đường
cùng. Nói về bệnh viện, về những con bệnh đang đối mặt với tử thần, về nghĩa
trang, về cái chết nhưng có cảm giác từng trang, từng trang tràn ngập tiếng cười
của tình thương yêu, sự cảm thông chia sẻ, những nỗ lực vượt lên nghịch cảnh… Khúc
tráng ca… còn hát ca về chính tiếng cười của những ai từ lâu đã ý thức được sự
ngắn ngủi, sự thoáng chốc của một kiếp người; để biết sống, biết yêu thương, biết
đối xử với nhau tử tế, nhân hậu hơn trong mỗi giờ, mỗi ngày còn được sống
trên cõi đời này.
Khúc tráng ca dã tràng đọc được một hơi. Đặt sách xuống,
bâng khuâng, bồng bềnh, cảm giác vừa nhọc mệt vừa khoan khoái. Như mới bước ra
khỏi một cánh rừng, như vừa sang tới bên kia một đỉnh dốc.
Mà vẫn muốn quay trở lại cánh rừng ấy, đỉnh dốc ấy…
14/7/2020 Tô Hoàng
14/7/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét