Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Ký của Hồ Ngọc Quang: Văn chương và hiện thực sống động

Ký của Hồ Ngọc Quang:
Văn chương và hiện thực sống động

Những năm gần đây đời sống văn học nghệ thuật đứng trước một thử thách mang tính thời đại, đấy là sự nghiệp đổi mới đất nước, sự hội nhập quốc tế rộng mở toàn diện, cách mạng khoa học kỹ thuật 4.0 ảnh hưởng trực tiếp tới mọi số phận của con người mà mỗi nhà văn không thể không quan tâm tới với thiên chức vừa là người phản ánh hiện thực khách quan sống động vừa với vai trò định hướng dư luận, định hướng xây dựng tư tưởng phong cách một thế hệ mới.
Vấn đề đặt ra đối với nhà văn là năng lực sáng tạo và đối tượng khắc họa nhân vật của tác phẩm sao cho có ảnh hưởng trực tiếp đến số đông cộng đồng xã hội hay gần gũi hơn là một địa phương thậm chí chân dung của một con người góp phần tạo nên giá trị lịch sử một thời đại. Vậy họ sáng tạo như thế nào? Ở đây xin đề cập tới một mảng đời sống mà thể loại sáng tạo có vai trò quan trọng nhất, năng động nhất, linh hoạt nhất, sắc bén nhất, hiệu quả nhất đó là Ký văn học, Ký báo chí, một thể loại mà người ta ví như khẩu súng trường quyết định một trận đánh trên mặt trận.
Những năm gần đây đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật nói chung và văn xuôi nói riêng ở cả nước, Nghệ An xuất hiện nhiều cây viết vững vàng, sắc sảo, mạnh dạn đề cập những vấn đề mà cuộc sống đòi hỏi nhà văn lý giải hoặc khẳng định một chân lý sống, một phương hướng, một kết quả phát triển kinh tế xã hội, đời sống, giáo dục, y tế thậm chí một phương thức hoàn lương cho những người phạm tội. Như vậy, đề tài phản ánh, sáng tạo của thể loại ký là vô cùng và gần gũi với chính đời sống của nhà văn. Vấn đề đặt ra là nhà văn có dám theo sát đời sống, tìm đến ngọn nguồn của một vấn đề mà xã hội cần một lời giải thấu đáo hay không?
Nhà báo Văn Hiền tặng sách cho ông Phan Đình Trạc (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương)
Trên một số ấn phẩm văn chương có giá trị của Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Tạp chí Sông Lam, Báo Nghệ An… hai mươi năm gần đây xuất hiện một gương mặt viết Ký sung sức, bám sát cuộc sống, có nhiều tác phẩm gây dư luận tốt, để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc trong tỉnh và cả nước. Ấy là nhà văn Hồ Ngọc Quang.
Hồ Ngọc Quang may mắn sinh ra và lớn lên ở làng quê văn học được tiếng đỗ đạt cao, thời nào cũng có người làm nên sự nghiệp lớn trong đó có nhà thơ Hoàng Trung Thông, và nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương, bà Chúa thơ Nôm nửa đầu thế kỷ thứ XV. Phải chăng truyền thống văn hóa truyền đời và tài năng đích thực của những người con Quỳnh Đôi trong nhiều thế kỷ đã hun đúc nên phong cách, năng lực cảm nhận và sáng tạo văn học cho Nhà văn Hồ Ngọc Quang ở thế kỷ XXI này.
Tôi có duyên gặp gỡ nhà văn Hồ Ngọc Quang những năm 1980 khi anh làm phóng viên Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô rồi sau này về Nghệ An công tác ở Trường Cao đẳng Sư phạm. Biết anh có năng khiếu, linh hoạt và nền tảng văn hóa phong phú, tôi khuyên anh nên đi theo con đường “viết lách”. Và từ đấy anh trở thành cây viết sắc sảo, linh hoạt, bám sát đời sống, sáng tạo những tác phẩm báo chí, văn học gửi đăng trên Báo Nghệ An cuối tuần, Tạp chí Sông Lam, các báo Trung ương. Năm 1984, anh đã có bài “Nỗi đau chưa dứt” giải nhất Ký báo chí Nghệ An; Truyện ngắn “Gặp lại Bí thư” giải nhì, không có giải nhất Cuộc thi truyện ngắn của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An năm 2010; Ký “Rộn rã bình minh” đạt giải Ngành Nông nghiệp năm 2017. Anh còn viết cả kịch bản phim “Vết thương xưa” đạt giải vàng Liên hoan phát thanh truyền hình tỉnh Nghệ An 2000, giải nhất Búa liềm vàng tác phẩm “Bí thư huyện ủy” năm 2018.
Đấy là vốn liếng ban đầu để anh chuyên tâm sáng tạo tác phẩm với thể loại ký và truyện ngắn. Suốt nhiều năm gần đây bạn đọc trong và ngoài tỉnh đón đọc tác phẩm của anh trên Báo Văn nghệ, Cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Diễn đàn văn nghệ của Ủy ban toàn quốc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, Tạp chí Sông Lam, Văn nghệ Sài Gòn, Tạp san Văn nghệ Tùng Lĩnh… Mỗi một Nhà văn đều chọn cho mình một không gian, một miền quê thậm chí một thế hệ con người… để sáng tạo. Với anh Hồ Ngọc Quang gắn bó gần một đời người với quê hương xứ Nghệ với riêng Quỳnh Lưu đất mẹ thân thương trên cương vị lãnh đạo cơ quan phát thanh truyền hình địa phương và  bây giờ là hội viên hội nhà văn Việt Nam, cùng với lãnh đạo địa phương anh đã lăn lộn với phong trào thi đua của cơ sở những lúc khó khăn cam go, chống chọi với thiên nhiên, định họa, hay những ngày thuận buồn xuôi gió, anh đã chia ngọt sẽ bùi và cùng đồng hành với chín đời bí thư, bảy đời chủ tịch huyện với các bút ký sinh động chân thật phản ánh hơi thở cuộc sống  về vùng đất và con người ở quê hương anh, chúng ta đều có những cảm nhận sâu sắc, trực tiếp sống gắn bó với văn hóa vùng miền, thấu hiểu đằm mình trong vùng văn hóa đó viết nên những tác phẩm sinh động, thuyết phục của anh khiến người khác cảm nhận được tình yêu của tác giả với vùng đất, con người ấy để yêu thêm mong muốn đặt chân tới nơi đó. Ấy là môi trường máu thịt, động lực sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật của một Nhà văn trẻ, một nhà báo sung sức.
Ta có thể bắt gặp những gương mặt tiêu biểu là nhân vật, sự kiện sống động trong tác phẩm Ký văn học của Nhà văn Hồ Ngọc Quang thời kỳ hội nhập phát triển, khoa học công nghệ 4.0 ở một làng rau ven biển Quỳnh Lưu, vùng nửa đồi núi Tân Châu Thắng với con hươu sao được khẳng định vị thế và  thương hiệu trên cả nước, người nông dân có gương mặt mới sáng giá hơn trong sản xuất, không chỉ ngoài đời mà ngay trên cả màn hình vi tính, sử dụng thành thạo công nghệ điện tử trong giao dịch  và điều hành sản xuất trên phạm vi toàn quốc.
Nhà văn – nhà báo Hồ Ngọc Quang
Nhà văn Hồ Ngọc Quang gắn bó máu thịt với đề tài nông nghiệp, người nông dân hai sương một nắng, một gương mặt giáo viên, một người bạn làm nghề thủ công, bỏ cơ quan nhà nước về quê mở xưởng sản xuất và những người trăn trở với hướng đi mở rộng diện tích nuôi trồng con tôm hàng hóa trên đồng đất quê mình. Nếu không có tình yêu thương chân chất và cả sự trân trọng, một cống hiến, một hy sinh, của người cộng sản thời “Mo cơm quả cà và tấm lòng cộng sản đi xây dựng quê hương”, làm sao nhà văn Hồ Ngọc Quang có thể dựng lại chân dung Bí thư huyện ủy Quỳnh Lưu, Nguyễn Hữu Đợi. Người dân Quỳnh Lưu được uống nước ngọt, cây trồng được tưới tắm từ nguồn nước hồ Vực Mấu, làm sao có thể quên công lao Bí thư huyện ủy Nguyễn Hữu Đợi. Ở góc độ nào đấy, ở khía cạnh nhân văn nào đấy, nhà văn Hồ Ngọc Quang đã dựng tượng, lập miếu tri ân Bí thư huyện ủy Nguyễn Hữu Đợi bằng tác phẩm văn học chan chứa tình người, sống động hiện thực.
Nếu như khắc họa những đổi thay, những gương mặt mới của quê hương trong thời kỳ hội nhập phát triển thành công, hẳn chúng ta không thể không nhắc tới mảng đề tài đấu tranh chống lại sự tha hóa xuống cấp về nhân cách của một bộ phận cán bộ Đảng viên mà Nhà văn Hồ Ngọc Quang đã dùng ngòi bút sắc sảo của mình lách sâu vào đời sống “nửa sáng nửa tối” phơi mặt, phơi lưng, bọn cơ hội đục khoét dân, mà tiêu biểu là tác phẩm “Ông Bụt đất nung” “Tái Ngộ” “Tốt đã nhập cung”. Có lẽ phản ánh đề tài “nhạy cảm” trước thềm Đại hội Đảng các cấp, rất cần nhiều lắm những nhà văn bão liệt, đủ bản lĩnh để góp phần “Lò đã cháy lên rồi thì củi khô, củi tươi cũng cháy” như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói.
Cầm trên tay tác phẩm mới nhất của nhà văn Hồ Ngọc Quang với tên sách “Trở lại Hói Nồi” mà anh vừa tặng tôi trân trọng thêm một đóng góp mới của anh về mảng hiện thực thời kỳ đổi mới, hội nhập của đất nước, quê hương sau tác phẩm “Ông Bụt đất nung”, “Ma xó”. Đấy là tập sách mà Nhà văn giành cả tâm huyết để khắc họa nóng hổi hiện thực điển hình những năm gần đây, với thể loại chủ lực là Ký. Nhà văn Hồ Ngọc Quang sử dụng Ký là thể loại văn học năng động, linh hoạt, nhạy bén trong việc phản ánh hiện thực cuộc sống một cách trực tiếp, sinh động rõ nét nhất, tác phẩm Ký vừa có khả năng đáp ứng yêu cầu hiểu biết, nhận thức sự thật, đồng thời vẫn tạo được các xúc cảm mang tính nghệ thuật. Ở góc độ nào đó Ký như những bức Ký họa, những lát cắt muôn màu muôn vẻ, là tư liệu sống để họa sĩ, nhà điêu khắc, Nhà văn xây dựng nên những tác phẩm dài hơn, cao hơn, đồ sộ hơn và quy mô hơn, có tầm ảnh hưởng tư tưởng thẩm mĩ rộng lớn hơn.
Trong tập ký chọn lọc “Trở lại Hói Nồi” Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành năm 2020 với những tác phẩm gây dấu ấn trong lòng bạn đọc “Làng tôi làng Quỳnh”, “Trở lại Hói Nồi”, “Dấu ấn trên đất Quỳnh”, “Bí thư huyện ủy”, “Hoàng Mai- xốn xang kỷ niệm”, “Rộn rã bình minh”, “Vua bếp -bạn tôi”, “Tình đất Tương Dương”, “Những con người có đạo”, “Những bông hoa dâng Bác”, “Đền quy lĩnh linh thiêng và độc đáo”, “Lặng lẽ tỏa hương”, “Sắt son tình nghĩa Quỳnh Lưu- Bình Sơn”, “Bầu bạn Yên Thành trong tôi”, “Mênh mang rừng vàng biển bạc”. Hiện nay anh chuẩn bị ra mắt cuốn tiểu thuyết lịch sử “ Tể tướng Hồ Sỹ Dương” do nhà xuất bản hội nhà văn ấn hành
Tôi không phải người làm lý luận văn học, với tư cách đồng nghiệp, đồng hương cùng nhà văn Hồ Ngọc Quang. Anh ấy bây giờ là Thường vụ Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh, trưởng ban văn xuôi, có trách nhiệm tới đội ngũ sáng tác văn học của tỉnh nhà càng phải chịu nhiều sức ép về nghề nghiệp, về tác phẩm và nghệ thuật tập hợp đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật của tỉnh nhà. Chia sẻ với anh tôi chúc anh có thêm nhiều tác phẩm mới, đóng góp xứng đáng mảng thể tài Ký văn học cùng những tác phẩm sáng giá.
Vinh, ngày 14.7.2021
VĂN HIỀN
 
21/8/2021
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Văn học, số 5-5/2011
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ thiếu nhi của Trần Thanh Dũng Sóng cứ đùa dai/ vỗ vào vách núi/ bọt tung trắng xóa/ như râu ông già// Dài mút cà tha trắng trời...