Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2023

"Mật mã" Mối tình Phạm Thái - Quỳnh Như

"Mật mã" Mối tình
Phạm Thái - Quỳnh Như

Trước nay, ta vẫn biết đến cuộc tình nổi tiếng trong thời trung đại là mối tình giữa thi sĩ Phạm Thái và nàng Trương Quỳnh Như qua bài văn tế nổi tiếng mà Phạm Thái viết cho người yêu, rồi ngày nay được đưa vào sách giáo khoa để dạy học trò.
Quỳnh Như tự vẫn, nhìn từ con mắt ngày nay, chắc cũng không khác lắm cái chết vì tình của Julliet. Khác biệt ở chỗ, Julliet là một nhân vật trong kịch của Shakespears, còn Quỳnh Như thì… chết thật. Nghĩa là nàng “chết như tiểu thuyết”, nói thế thì quá nhẹ, đúng ra phải nói là nàng đã dùng cả tính mạng của mình để đặt cược cho tình yêu. Trong thế giới Nho giáo, vợ tự tử vì chồng thì nhiều, nhưng tự tử vì người yêu thì chỉ có một Quỳnh Như mà thôi, và để đáp lại nàng, Phạm Thái đã không lấy vợ, ông có lẽ cũng là hạng đàn ông hiếm hoi “chung thủy” với người yêu, cho đến tận cái chết. Hơn thế nữa, tôi cho rằng, ông cũng đã dùng rượu để hủy hoại bản thân mình để nhanh về với cõi của người yêu.
Ai là ai? Tài tử gặp giai nhân
Trước tiên ta cần biết rằng, cả Phạm Thái và Quỳnh Như đều là hai nhân vật lịch sử có thật. Phạm Thái sinh năm 1777 trong gia đình họ Phạm, lá số tử vi như ông tự xem, là có tướng khôi khoa hiển hoạn, tài năng hơn người. Cha ông là Trạch Trung hầu một bề tôi của nhà Lê Trịnh. Trong khi đó Quỳnh Như là em gái của Trương Đăng Thụ- một vị quan của nhà Lê, và hai người có một người cha cực nổi tiếng khi đó là Tiến sĩ Trương Đăng Quỹ, người Thanh Nê (Thái Bình).
Khi quân Tây Sơn ra bắc, xã hội động loạn. Bố Phạm Thái mất khi theo vua Lê. Phạm Thái quyết trả nợ nước thù nhà, đi theo phong trào Cần vương, phò Lê phục quốc. Ông từng bị truy sát, phải cải trang làm sư, lấy hiệu là Phổ Chiêu thiền sư tu ở chùa Tiêu. Đội lốt nhà sư, ông lên tận Lạng Sơn gặp đồng chí là Trương Đăng Thụ để kết nối. Đến khi Thụ mất, ông về viếng bạn tận nhà ở Thanh Nê (khoảng năm 1802). Ở đây, ông gặp cụ Trương Đăng Quỹ, được cụ mến tài, lưu lại làm môn khách, và sinh hoạt trong thi xã nhà ông. Chính trong thi xã này, Phạm Thái xướng họa hợp ý với Quỳnh Như, và phát hiện ra việc nàng cải trang nam nhân để bình văn học sách. Hai người mến cảm tài năng của nhau, và có qua lại. Phạm Thái gặp được duyên lành, bèn soạn “Sơ kính tân trang” để tặng người yêu. Trương Đăng Quỹ thấy đôi trẻ hợp ý, cũng muốn tác thành. Nhưng, mẹ của Quỳnh Như chê Phạm Thái bơ vơ, nghèo khó, hứa gả Quỳnh Như cho người khác. Quỳnh Như cự tuyệt không được, bèn tự vẫn, để nguyện bảo vệ tình yêu của mình.
Ảnh minh họa
Từ “dâm thư” đến cuộc tình như sách vở
Trước nay mọi người thường chỉ biết qua về mối tình Phạm Thái – Quỳnh Như qua cái chết của nàng Quỳnh, mà không mấy ai biết đến mối tình ấy cụ thể ra sao. Trong bài biết này, tôi cho rằng, cả Phạm Thái và Quỳnh Như đã “cảm nhau”, đến với nhau vì họ đã đọc và học theo một dòng sách thị dân đương thời về tình yêu đôi lứa. Dòng sách này vẫn thường bị các nhà Nho gọi là “dâm thư” (sách không chính đáng), với những cuốn tiêu biểu như là “Phan Trần”, “Ngọc Trâm kí”, “Trương Vu Hồ truyện”,…
Trong đó truyện Phan Trần là một văn bản đã được dịch ra cả chữ Nôm ở Việt Nam. Truyện này kể việc nho sinh Phan Tất Chính tán đổ ni cô Diệu Thường (Trần Kiều Liên) ngay dưới mái chùa, hai người say nhau đến mức: “Ngày người đất Bụt, đêm người động Tiên”. Để hợp lý hóa cuộc tình vụng trộm, tác giả đã khéo léo đưa chi tiết “trâm ngọc- hai người trao nhau vật hứa hôn” của hai bên gia đình trước khi hai người ngủ với nhau.
Chi tiết “trâm ngọc” này sau đó cũng dùng để chính danh “cái thai” trong bụng của Diệu Thường, và cũng là chứng cứ thoát tội “dâm ô tiền hôn nhân” của cả hai người. Trong thời cổ, người ta coi “vật hứa hôn” của hai bên cha mẹ như là một biểu tượng hợp thức về mặt pháp lý và đạo đức cho các cặp trai gái. Nên, trong “Phan Trần” và nhiều dâm thư khác, vật hứa hôn thường xuyên xuất hiện nhằm “siêu chỉnh” cho những hành vi vượt ngoài lễ giáo. “Đọc vị” được thủ pháp “lách luật” này, các nhà Nho vẫn cực lực lên án những cuốn dâm thư như “Phan Trần”: “đàn ông chớ đọc Phan Trần, đàn bà chớ đọc Thúy Vân – Thúy Kiều.”
Vậy “Sơ kính tân trang” – cuốn tự truyện tình yêu của Phạm Thái đã có những điểm nào giống với “Phan Trần”? Thứ nhất, “Sơ kính tân trang” dựng việc hai bên gia đình Trương – Phạm có hôn ước với nhau. Trong khi đó, từ góc độ lịch sử, ta biết Phạm Thái là bạn của Trương Đăng Thụ- anh của Quỳnh Như. Bố Phạm Thái và Trương Đăng Quế không có quen biết, và có ước hẹn với nhau. Việc “Sơ kính tân trang” lấy gương- lược làm vật ước giữa hai họ Phạm- Trương thực chất là mô phỏng vật ước quạt ngà – trâm ngọc trong “Phan Trần”: “Muốn cho vẹn nghĩa kim lan / Quạt trâm phải định Trần- Phan một lời”. Như vậy, Phạm Thái đã phát biểu hiển ngôn, khi nêu đích danh hai họ Trần – Phan trong sách Phan Trần. Điểm giống thứ hai, nàng Quỳnh Thư trong “Sơ kính tân trang” được mô tả xinh đẹp, nết na, giỏi thơ văn, sành âm điệu giống như nàng Diệu Thường trong “Phan Trần” và “Cổ kim nữ sử”.
Truyện này ghi nàng Diệu Thường ngoài 20 tuổi ở chùa Nữ Trinh, nhan sắc tuyệt trần, giỏi thơ văn, âm luật, biết cả cầm kì thi họa. Còn nam nhân vật chính của cả hai truyện thì là Nho sinh. Như thế, cặp nhân vật chính trong “Sơ kính tân trang” được xây dựng theo giống như truyện “Phan Trần”. Nhưng “Phan Trần” là truyện, còn Phạm Thái và Quỳnh Như là thật, tài tử giai nhân gặp nhau, cảm mến nhau là chuyện thường tình. Điều này cho thấy, “Phan Trần” có sức ảnh hưởng tích cực đến chuyện tình của Phạm Thái và Quỳnh Như.
Dấu vết của cuộc tình
Ngoài hai chi tiết trên, tôi còn phát hiện ra một cứ liệu vô cùng thú vị khác, đó là dấu vết của “Trương Vu Hồ” truyện đối với Phạm Thái và Quỳnh Thư. Như trên đã nói, truyện “Phan Trần” là một bản diễn Nôm ở Việt Nam vào thế kỷ 18-19 ở Việt Nam từ nguyên tác Ngọc Trâm ký viết bằng Hán văn. Bản thân tác phẩm Hán văn này cũng có nhiều dị bản khác nhau, trong đó bản “Trương Vu Hồ” truyện chỉ có bản Hán mà chưa từng được dịch sang tiếng Việt. Thế nhưng, “Sơ kính tân trang” có những dấu vết rõ rệt cho thấy các tác giả (Phạm Thái, Quỳnh Như) đã đọc trực tiếp bản Hán văn “Trương Vu Hồ truyện” mà không phải qua bản Nôm.
Nếu trong “Trương Vu Hồ truyện”, Tất Chính phát hiện ra tài năng và tâm hồn thi ca của Diệu Thường qua bài từ điệu “Tây Giang nguyệt”, thì trong “Sơ kính tân trang”, chàng Phạm và nàng Trương cũng dùng điệu “Tây Giang nguyệt” (trong khi “Phan Trần” chỉ dùng thơ lục bát và Đường luật). Nếu như, “Sơ kính tân trang” là cuốn tự truyện về chuyện tình của Phạm Thái – Quỳnh Như, được làm để tặng cho Quỳnh Như, thì có khả năng, Phạm Thái đã bảo lưu nguyên trạng hai tác phẩm xướng họa thực tế của hai người. Đó được coi như là nguyên nhân để hai người liên tài, cảm mến và đến với nhau, đó là dấu hiệu để hai người cùng nhận ra cái “nòi tình trong nhau”. Tây giang nguyệt chính là tín hiệu để hai người cùng nhận ra cái sở trường văn chương và tâm hồn luôn hướng đến tình yêu như trong sách vở.
Bài thứ nhất như sau:
Oanh yến véo von gọi khách,
Cỏ hoa hớn hở mừng ai.
Gió xuân hây hẩy giục đưa người,
Dễ khiến lòng thơ bối rối.
Thấp thoáng thoi oanh dệt liễu,
Thung thăng phấn bướm dồi mai.
Vũ Lăng xa diễn biết bao vời,
Khôn hỏi Đào Nguyên đâu tá!
Bài này do họ Phạm gửi tới trước để ngỏ lời. Vì không rõ người nhận tình ý thế nào, nên lời lẽ bài này cực tinh tế. Chim oanh chim yến hót véo von là biểu thị tin lành, hoa cỏ hớn hở mừng xuân. Hai chữ “khách” và “ai” ở cuối câu là rất vu vơ, nhưng thực ra là nhắm đến cái người nhận: ai là ai mà khách cũng là ai. Rồi những tín hiệu được đưa ra rất nhẹ nhàng: “thoi oanh dệt liễu”, “Phấn bướm dồi mai”, đều là các tín hiệu của mùa xuân. Làm tiền đề cho câu kết ở dạng nghi vấn: Đào Nguyên ở chốn nào? Chữ Đào Nguyên là lưỡng nghĩa, nếu là nhà Nho thì nghĩ rằng đó là cảnh giới lý tưởng trong thơ Đào Uyên Minh, còn nếu là người mơ mộng thì lại nghĩ ngay đến điển Lưu – Nguyễn nhập Thiên Thai gặp được tiên trong thơ Đường. Tức là, Phạm Thái đã dùng một từ có hai lớp nghĩa để ngụy trang tình ý, khiến cho sự ướm hỏi rất tinh tế và lịch sự. Và khi Quỳnh Như bắt được sóng, thì đã đáp lại bằng bài từ đúng điệu:
Im ỉm màn sương đợi khách,
Thênh thênh cửa nguyệt chờ ai.
Giai nhân tài tử mấy lăm người,
Trạnh tưởng tâm tình thêm bối rối.
Phơi phới gió lay chồi liễu,
Phau phau tuyết điểm cành mai.
Non cao chất ngất bể xa vời,
Ai biết Bồng Doanh chăng tá?
Bài trả lời còn hơn cả một lời đồng ý. Màn sương tuy đóng im ỉm, nhưng thực tế là “đang đợi khách”, cửa trăng thênh thênh mở ra như là đang chờ ai. Tín hiệu đã quá rõ ràng rồi. Bài trên hỏi khách, hỏi ai, thì bài đáp nói rõ khách đó ai đó hãy đến mà gõ cửa thưởng trăng. Bởi cả thế giới này đang đợi người rồi. Bởi nhẽ, đọc văn ra người, Quỳnh Như phát biểu rõ ràng rằng: đời này tài tử giai nhân có được bao nhiêu người đâu, nên tâm tình người gửi dù là bối rối xao động đấy, nhưng cũng làm cho người đọc xốn xang. Nếu trong thơ chàng là “thấp thoáng”, thì trong thơ nàng là “phơi phới”. Nếu chàng e ấp tỏ tình, thì nàng hân hoan đáp lại. Nếu chàng ý nhị nói nước đôi về chốn Đào Nguyên, thì nàng chỉ rõ một chốn Bồng Lai tiên cảnh.
Có thể nói, “Sơ kính tân trang” là cuốn tự truyện tình yêu, phần đầu của nó sáng tác ngay trong năm 1804, và được Phạm Thái dùng để tặng cho người yêu. Trong đó, “mật mã” tình yêu chính là điệu Tây Giang Nguyệt trong sách “Trương Vu Hồ truyện”. Nhưng đời không như là truyện, không môn đăng cũng chẳng hộ đối, nàng Quỳnh tìm đến cái chết để bảo toàn tình yêu đầu đời, và cuộc tình ấy đã đi vào thiên thu với hàng hàng tình lệ mà Phạm Thái đã để lại trong văn thơ Nôm của ông.
TRẦN TRỌNG DƯƠNG
 
7/10/2022
Tuấn Anh
Nguồn: TTO
Theo https://vanhocsaigon.com/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Trần Hòa Bình "Phiêu du trong gió"

Thi sĩ Trần Hòa Bình "Phiêu du trong gió" Vào quãng những năm 80 của thế kỷ trước, nhà thơ Trần Hòa Bình viết bài thơ “Sơn Tây m...