Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2023

Murakami và một lời giải thích cho tâm thức cái ác của Nhật Bản hiện đại

Murakami và một lời giải thích cho
tâm thức cái ác của Nhật Bản hiện đại

Cái ác của nước Nhật đến từ đâu? Tại sao sự phát triển và giàu có cũng không khiến cho con người bớt cuồng loạn và cực đoan? Thứ gì đang ngầm ẩn bên dưới những đô thị hiện đại ấy, khiến một số kẻ không thôi bị ám ảnh bởi máu?
“Hôm đó là Thứ hai, ngày 20. 3.1995, một sáng xuân tươi đẹp quang đãng… Hôm trước là Chủ nhật, hôm sau là Xuân phân, một ngày quốc lễ. Kẹp giữa cái mà lẽ ra phải là một kỳ nghỉ cuối tuần dài, bạn có thể đang nghĩ, “Mình ước gì không phải đi làm hôm nay”. Không may mắn như thế đâu… Bạn lên tàu, đông như vốn dĩ. Không có gì khác thường… Cho tới khi một người cải trang thọc đầu nhọn của chiếc dù lên sàn toa, chọc thủng vài túi chất dẻo chứa thứ chất lỏng lạ…” – đó là những dòng Murakami đã viết trong cuốn sách điều tra – phi hư cấu mang tên “Ngầm”, về một trong những sự kiện ám ảnh nhất của nước Nhật hiện đại, khi các thành viên giáo phái ngày tận thế Aum Shinrikyo đã đầu độc những người dân thường bằng khí độc sarin khiến hàng ngàn người bị thương.
Nhà văn Nhật Haruki Murakami
Một nước Nhật thịnh vượng và giàu có, một trong những đất nước an toàn nhất thế giới nếu bỏ qua những thảm họa tự nhiên mà chỉ tính đến nạn tội phạm, thế rồi giữa đất nước ấy, một vài kẻ điên rồ nào đó không biết từ đâu xuất hiện, phá tan sự an ổn chỉ bằng một vài chiếc túi độc, hay mới đây, một phát súng vào ngực vị chính trị gia lỗi lạc bậc nhất – dù ông đã từ bỏ chính trường.
Cái ác của nước Nhật đến từ đâu? Tại sao sự phát triển và giàu có cũng không khiến cho con người bớt cuồng loạn và cực đoan? Thứ gì đang ngầm ẩn bên dưới những đô thị hiện đại ấy, khiến một số kẻ không thôi bị ám ảnh bởi máu?
Năm 1981, Haruki Murakami lúc này mới bắt đầu viết văn toàn thời gian và cuốn sách đầu tiên ra đời trong thời kỳ này là “Cuộc săn cừu hoang”, câu chuyện về một người đàn ông thành thị với cuộc sống tẻ nhạt, không có gì đặc biệt, bất chợt vì một tấm bưu thiếp hình một đàn cừu mà vướng vào cuộc phiêu lưu đi tìm con cừu có hình sao trên lưng, theo yêu cầu của tay áo đen độc ác, trợ lý của Ông Chủ bí hiểm.
Con cừu hóa ra là một kiểu ý niệm được hữu hình hóa, với “một kế hoạch vĩ đại nhằm thay đổi nhân tính và thế giới loài người”. Nó nhập vào con người, lợi dụng họ, khi đã xong việc, nó sẽ rời bỏ cái xác rỗng ấy và lại kiếm tìm một kẻ khác. Nó lấy đi mọi thứ, ý thức, giá trị, tình cảm, nỗi đau, nó đẹp đẽ khiến ta phát cuồng nhưng xấu xa đến mức làm ta sởn tóc gáy. Khi ấy, Murakami không đưa ra một định nghĩa cụ thể nào mà chỉ mô tả thật mơ hồ con cừu độc nhất vô nhị này nhưng ta cảm nhận được nó liên quan đến một cái ác cao cấp, một tâm thức có tổ chức chiếm lĩnh và điều khiển con người trong sự tàn nhẫn vô biên của nó. Trong một đoạn lướt qua, nhà văn đã mô tả ngôi làng nơi con cừu đang trú ngụ đã từng là nơi nhận trợ cấp chính phủ để nuôi cừu làm áo len cho những người lính đi gây chiến tại Trung Quốc. Nói cách khác, con cừu hiền lành, con cừu ngây thơ là hình bóng của hệ thống cái ác ngầm.
Thế nhưng, phải nhiều năm sau, khi đã rời khỏi Nhật Bản và tạm sống ở Mỹ, khi đã có một khoảng cách nhất định với quê hương, Murakami mới thực sự “ngắm nghía” tâm thức về cái ác của nước Nhật. Bất cứ ai nói rằng ông là một nhà văn đã ly cách khỏi những gì làm nên một người Nhật thực thụ, coi thường ông như một nhà văn Nhật ăn mì spaghetti và gà rán KFC sẽ phải nghĩ lại khi họ đọc “Biên niên ký chim vặn dây cót”, có lẽ là cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất của ông. Có thể trong văn chương ông không có hoa anh đào, không có geisha, không có mono aware, nhưng Murakami vẫn đi tới cùng để hiểu tại sao cái ác không buông tha người Nhật. Cái ác mà ông khảo cứu không phải kiểu cái ác sinh ra từ cái đẹp như trong “Bức bình phong địa ngục” của Akutagawa, “Đẹp và buồn” của Kawabata hay “Kim các tự” của Yukio Mishima. Đó là một cái ác không chút nên thơ, không liên quan gì tới nghệ thuật mà là cái ác thuần túy nhất.
Trong hơn 100 trang của “Biên niên ký chim vặn dây cót”, Murakami đã tưởng tượng về cuộc chiến tại Nội Mông với những trường đoạn thảm sát khiếp đảm. Chính những dư âm từ cuộc giết chóc người Trung Quốc của binh lính Nhật là thứ mà nhân vật chính, anh chàng Toru Okada đang sống một đời tưởng rất bình thường trong một đô thị Nhật Bản, phải vượt qua trước khi kết nối lại được với chính mình. Hành trình đi tìm con mèo, rồi đi tìm người vợ mất tích của một người đàn ông trung niên thất nghiệp chấp chới vô phương trong cuộc sống, cuối cùng trở thành hành trình lần lại những ảnh tượng nguyên thủy, những di sản tâm linh từ lịch sử dự phần trong trí óc anh ta, trở thành bóng ma cái ác bám dính lấy anh ta, dù anh ta là một kẻ chẳng liên quan và đã sống sau những sự kiện hàng chục năm. Nói như Jay Rubin, dịch giả quan trọng của Murakami: “Thứ lao vào nhân vật kể chuyện từ sâu thẳm ký ức cá nhân của anh ta chính là quá khứ cận đại đen tối và bạo lực của Nhật Bản. “Nó đều ở tất cả trong tôi: Trân Châu Cảng, Nội Mông, bất cứ cái gì”, Murakami nói về mình như thế”.
Có gì đó bị trống rỗng và khuyết thiếu bên trong một vài người Nhật, khiến họ tìm đến giá trị của cái ác để được lấp đầy, khiến họ mở cửa tâm trí cho phép “con cừu” nương trú để nhận được cảm giác đầy đủ về quyền lực, về ý chí, về sức ảnh hưởng, dù chỉ là sự đầy đủ giả tạo. Những thành viên của tà giáo đã tấn công thường dân Nhật Bản vào năm 1995, trong cuộc phỏng vấn riêng với Murakami, đã thừa nhận với ông rằng: “Những người lớn khôn trong các gia đình hạnh phúc thì chắc sẽ không gia nhập giáo phái Aum đâu”. Họ đã ký thác cái tôi của mình cho một thứ lớn hơn và đó là con đường ngắn nhất dẫn ta đến một cái ác vô song ta không thể nào kiểm soát.
Một trong những chương sách hay nhất mà Haruki Murakami từng viết ra nằm trong tiểu thuyết “Kafka bên bờ biển”, kể về cuộc gặp gỡ siêu thực giữa một ông già chậm phát triển trí tuệ nhưng biết nói chuyện với mèo và một người đàn ông bí ẩn tự nhận là Johnny Walker, kẻ bắt cóc những con mèo rồi lấy đầu của chúng. Johnny Walker đưa ra một yêu cầu thật điên rồ, rằng ông già phải giết mình, bằng không, y sẽ giết từng con mèo ông quen trước mặt ông. Ông già khăng khăng mình chưa từng giết ai và cũng không có ý định ấy, nhưng Johnny Walker thuyết phục:
“Chẳng ai bận tâm ta có muốn giết người hay không. Mà chỉ là một việc ta phải làm. Còn không chính ta sẽ là người bị giết. Đoàng! Lịch sử con người bản chất chỉ có thế thôi”.
Nói rồi, hắn lôi từng con mèo trong bao tải ra, xé chúng làm đôi và ăn trái tim chúng. Chẳng còn cách nào khác để ngăn lại, ông già hiền lành và ngu ngơ buộc phải đâm chết kẻ kỳ quái kia. Một chương sách hài hước mà cũng thật khủng khiếp về sự mời gọi không thể tránh khỏi của cái ác.
Khi nghi phạm ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe khai rằng y đã giết ông vì ôm mối hận với một giáo phái mà y cho rằng có liên hệ với ông, vì giáo phái ấy đã tẩy não mẹ y và khiến gia đình y tan nát, tôi chợt nghĩ đến chương truyện này của nhà văn nổi tiếng nhất Nhật Bản hiện tại. Tất nhiên, nghi phạm kia không phải ông già ngốc Nakata, vị cựu Thủ tướng Nhật Bản cũng chẳng phải người giết những chú mèo hay bất cứ sinh vật vô tội đáng thương nào, thực tế cũng không phải tiểu thuyết, không gì biện giải được cho tội ác vô nghĩa của hung thủ, nhưng như Murakami vẫn nói, chia phe “địch” và phe “ta” thì dễ quá, cái ông muốn biết là “chúng ta có từng trao phó phần nào con người mình cho một hệ thống hay trật tự to lớn hơn? Và nếu như thế, có một lúc nào hệ thống kia đòi hỏi chúng ta một vài kiểu “loạn trí” hay không? Có phải câu chuyện mà giờ đây ta sở hữu thật sự và đích thị của ta nữa hay không? Các giấc mơ của ta có thật sự là giấc mơ của chính ta không?”.
Cái ác không phải một tế bào đơn lẻ sống riêng trong mỗi cá nhân, cái ác của người này luôn có sự “thần giao cách cảm” với cái ác của kẻ khác, cái ác này khơi lên cái ác kia như những quân domino, cái ác của một giáo phái không chỉ giật dây cái ác của những kẻ thuộc về giáo phái mà còn giật dây cái ác của một kẻ căm thù giáo phái, cái ác có khả năng đồng hóa tất cả chúng ta, đun sôi chúng ta trong một nồi nước dùng, dù mềm như nấm hay cứng như cua cũng bị luộc chín trong cái ác, cho nên trừng phạt kẻ thủ ác thì dễ rồi, nhưng ta phải làm gì với đường dây cái ác lắt léo như thế?.
10/8/2022
Hiền Trang
Nguồn: An ninh thế giới
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...