Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2023

Tiếng rung ngân của lòng hiếu thảo

Tiếng rung ngân
của lòng hiếu thảo

Bài thơ Tiếng thở mẹ nhọc nhằn của nhà thơ Phan Hoàng là một tiếng lòng thiết tha với người mẹ sinh thành, đồng thời góp một nét chạm khắc độc đáo về hình tượng cao quý của người mẹ Việt. Nhan đề Tiếng thở mẹ nhọc nhằn cũng là âm thanh chủ đạo trong cả bài thơ, trở thành hình tượng sâu đậm. Vì sao thi sĩ Phan Hoàng bật lên những câu thơ về “tiếng thở mẹ”?
Mẹ của nhà thơ Phan Hoàng ở Phú Yên
TIẾNG THỞ MẸ NHỌC NHẰN
Thơ Phan Hoàng
Thẫn thờ đêm tiếng thở mẹ nhọc nhằn
tiếng cánh cò rã rời trăm năm âm thầm mưa nắng
tiếng kết tủa buồn vui đời sông chạm biển về nguồn 
Quẳng gánh bôn ba phiêu bạt hư danh
bay về ngôi nhà tuổi thơ độc thoại gió xuân ký ức
như con bò đi hoang trở về hít thở mùi chuồng thân thuộc
cúi đầu tạ lỗi nghĩa trọng tình thâm
đêm đêm canh giữ tiếng thở mẹ nhọc nhằn
lòng nặng trĩu ngọn núi tuyết đông suy tư nhức nhói
Ngoài vườn côn trùng mê mải reo ca
đón chào những mầm non cựa mình vươn từ lòng đất
gió rón rén nép mình hơi ấm se sắt sinh thành
nước mắt lặng lẽ cứa vào lòng đêm
rơi theo từng tiếng thở mẹ nhọc nhằn dự báo
trận bão đau thương lớn nhất thế gian âm ỉ tràn về
Ước gì ngọn gió ta như mầm non mới cựa mình lòng đất
và cơ thể mẹ là ngôi vườn thanh xuân ấm áp tiếng hoang sơ.
Lời bình của Hà Phi Phượng:
Trong bài thơ Con cò, nhà thơ Chế Lan Viên từng viết rất hay về tình mẫu tử: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”. Nhạc sĩ Y Vân sáng tác ca khúc nổi tiếng Lòng mẹ có câu hát rất da diết: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…”. Với tuổi thơ, mẹ là chiếc nôi êm, là bầu sữa ngọt. Khi ta trưởng thành, mẹ như mái nhà trầm nâu đợi bước ta đường xa mỏi mệt trở về. Ở đâu có mẹ, ở đó có yêu thương. Và ta ước mẹ ta còn mãi, như ước hơi ấm yêu thương mãi mãi bảo bọc mình.
Nhà thơ - nhà giáo Hà Phi Phượng ở Thái Bình
Bài thơ Tiếng thở mẹ nhọc nhằn của nhà thơ Phan Hoàng là một tiếng lòng thiết tha với người mẹ sinh thành, đồng thời góp một nét chạm khắc độc đáo về hình tượng cao quý của người mẹ Việt. Nhan đề Tiếng thở mẹ nhọc nhằn cũng là âm thanh chủ đạo trong cả bài thơ, trở thành hình tượng sâu đậm. Vì sao thi sĩ Phan Hoàng bật lên những câu thơ về “tiếng thở mẹ”? Có lẽ đó chính là âm thanh khiến nhà thơ day dứt nhất, âu lo nhất, trong những ngày chăm mẹ ốm đau.
Chúng ta biết rằng, hơi thở vô cùng quý giá, vì đó là cốt tủy của sự sống. Với người mẹ già, “tiếng thở” phản ánh sức khỏe sinh mệnh rõ rệt. “Tiếng thở” của người mẹ trong bài thơ không là nhịp bình thường, mà tựa như của người phải mang gánh nặng. Đó là dấu hiệu sức khỏe mẹ đang suy giảm, thể trạng mẹ đang ốm yếu. “Tiếng thở mẹ nhọc nhằn” vang lên trong đêm khuya tĩnh lặng, đã gọi lên từ sâu thẳm hồi ức và suy cảm của người con:
tiếng cánh cò rã rời trăm năm âm thầm mưa nắng
tiếng kết tủa buồn vui đời sông chạm biển về nguồn
Hai câu thơ giàu biểu cảm, ẩn dụ cuộc đời mẹ với cánh cò, dòng sông. Nếu như con cò trong ca dao, dân ca Việt Nam đã trở thành biểu tượng của đức tính hiền lành, siêng năng, tảo tần “âm thầm” vượt khó, thì dòng sông trong cảm thức của Phan Hoàng là biểu tượng của lòng bao dung, cống hiến, một đời nhẫn nại, “kết tủa buồn vui” như phù sa bồi đắp xanh tốt bãi bờ. Chỉ với hai câu thơ, cuộc đời và phẩm cách của người mẹ đã được khắc họa thật giản dị mà cao quý,  trong cái nhìn yêu thương, thấu cảm và hiếu đễ của người con.
Nhà thơ Phan Hoàng bên mẹ già trong ngôi nhà tuổi thơ. “Bên mẹ, ta chỉ là đứa con bé nhỏ, được đằm mình trong tình yêu thương biển rộng của mẹ hiền”.
Ra đi từ nhà mẹ, ai trong chúng ta chẳng đã từng bị cuốn vào dòng chảy cuộc sống bộn bề lo toan mưu sinh, ít nhiều tham vọng. Nhưng đã về bên mẹ, tất cả gai góc, phong trần hay hào quang, danh lợi không còn quan trọng nữa. Bên mẹ, ta chỉ là đứa con bé nhỏ, được đằm mình trong tình yêu thương biển rộng của mẹ hiền.
Ở khổ thơ thứ hai, có cặp câu thơ rất độc đáo: “như con bò đi hoang trở về hít thở mùi chuồng thân thuộc/ cúi đầu tạ lỗi nghĩa trọng tình thâm”. Tôi đã giật mình trước lối so sánh trong cặp câu thơ này, bởi hình ảnh thơ đã chạm đến trái tim, gây niềm xúc động, đồng cảm sâu sắc. Có phải tuổi thơ anh lớn lên, quấn quyện với cánh đồng, hàng cây, với đàn bò – tài sản lớn của người nông dân ở miền Trung chang chang nắng gió, nên anh rất thân thuộc, yêu thương và hiểu rõ tập tính của loài vật nuôi hiền lành này. Dù “đi hoang” bao lâu, thì nó vẫn nhớ “mùi chuồng” mà tìm về. Như người con đi xa tới đâu, dẫu có thể ăn ngon, ở sang đến mức nào, cũng không quên được mái nhà đơn sơ, vòng tay ôm ấp thuở ấu thời của cha mẹ. Ngôi vườn ấy, gian bếp ấy, món ăn mẹ nấu, mùi cỏ cây hoa trái, mùi nắng gió, hay thậm chí mùi mồ hôi áo mẹ đã trở thành khí quyển thân thuộc và an lành nhất, thấm thía vào da thịt, vào buồng phổi, quả tim của anh, là dưỡng khí nuôi anh lớn lên, là phong vị lặn vào hồn anh, để rồi chỉ cần trở về “chiếc nôi tuổi thơ”, tất cả lập tức bừng thức!
Trong khí quyển thân thuộc, yêu thương và an lành ấy, mẹ là linh hồn, là nguồn năng lượng sưởi ấm, là bóng mát chở che, gần gụi mà cao rộng. Tâm trí chúng ta, vẫn hằng tin cha mẹ không thể yếu đi, không thể vắng bóng trên đời. Vì vậy mà, vào một ngày cha mẹ lâm bệnh, đau ốm, gầy gò và yếu ớt, ta mới giật thột, ngỡ ngàng!  Khi “đêm đêm canh giữ tiếng thở mẹ nhọc nhằn”, người con trong bài thơ “thẫn thờ” hoang mang, lòng con giá lạnh và âu lo “nặng trĩu ngọn núi tuyết đông suy tư nhức nhói”. Từng cử chỉ của con thật khẽ khàng, thận trọng, như sợ làm đau thân thể mẹ: “gió rón rén nép mình hơi ấm se sắt sinh thành”. Từng giọt nước mắt của con “cứa vào lòng đêm” thật xót xa, thật day dứt.
Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm” thì ở đây, giọt nước mắt trong thơ Phan Hoàng “rơi theo từng tiếng thở mẹ nhọc nhằn dự báo/ trận bão đau thương nhất thế gian âm ỉ tràn về”. Dẫu mẹ còn bên con, mà hình dung mẹ mất đi, con đã tưởng như bão tố, như sóng thần ngoài khơi đang lừng lững tràn về hòng cuốn phăng tất cả. Hình ảnh ẩn dụ mang hiệu ứng mạnh mẽ, gây xúc động sâu xa!
Kết thúc bài thơ là lời ước nguyện:
Ước gì ngọn gió ta như mầm non mới cựa mình lòng đất
và cơ thể mẹ là ngôi vườn thanh xuân ấm áp tiếng hoang sơ
Lời ước nguyện này là điều không thể đạt được trong đời thực. Nhưng hơn hết, tôi đọc được trong đó sự tỉnh thức, niềm yêu thương, trân quý, biết ơn: Sự thức tỉnh về cái cách một đi không trở lại của thời gian, của quy luật sinh lão bệnh tử trong kiếp người hữu hạn. Niềm yêu thương, trân quý, biết ơn về những hi sinh tuổi trẻ, thanh xuân, ước mơ, và có khi cả cuộc sống của mẹ, để cho con được hiện hữu, được hạnh phúc giữa cuộc đời.
Đến đây tôi tin rằng, bài thơ khép lại mà vẫn mở ra nhiều cộng hưởng cảm xúc, suy nghĩ, mong ước trong lòng độc giả. Bởi đó là tiếng ngân rung tinh tế, rất đỗi chân thành của lòng hiếu thảo!
Và trên đời, còn tình yêu nào hơn tình mẫu tử? Vẻ đẹp nào hơn vẻ đẹp lòng hiếu thảo của người làm con?. 
12/8/2022
Hà Phi Phượng
Nguồn: Báo Giáo dục Việt Nam
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...