Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2023

Nắng sân trường… - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

Nắng sân trường… - Truyện ngắn
của Vũ Thị Huyền Trang

Hai bà cháu thằng nhỏ ở nhà trông nhau, quanh quẩn với khu vườn, căn bếp. Do hoàn cảnh nên thằng Mưa buộc phải tháo vát từ khi còn nhỏ, vừa chăm bà vừa cơm nước tinh tươm. Rau ngoài vườn, tép tôm cất vó dưới ao. Trứng gà sẵn trong ổ, muốn ăn thì mò ra xin gà mẹ. Nếu cần mua bán gì thì chịu khó dậy sớm đứng ngoài cổng chờ cô bác nào đó đi chợ thì vẫy lại nhờ. Năm tuổi thằng nhỏ biết nhóm lửa nấu cơm. Sáu tuổi biết dìu bà đi tắm. Bảy tuổi biết vun vén cửa nhà sạch sẽ, giặt quần áo xong khệ nệ bê chiếc ghế thắp hương cao ba bậc đứng lên phơi. Bước sang tuổi thứ mười, ngày giỗ mẹ, bố ốm nặng biết đạp xe ra chợ mua thứ này thứ kia về nấu cỗ.
Nhà văn trẻ Vũ Thị Huyền Trang ở Phú Thọ
Thằng nhỏ đang ngồi vắt vẻo trên cây nhãn rình con gà mái trắng chui trong bụi đẻ hoang. Thì bỗng đâu nghe thấy tiếng xe máy từ đằng xa. Một bóng người thân quen đang đi mỗi lúc một lại gần.
“A! Cô hiệu trưởng”, thằng Mưa reo lên khiến cô gà mái nấp dưới bụi cỏ dại giật mình kêu quang quác. Nhanh thoăn thoắt, thằng nhỏ đã nhảy phóc xuống đất, chạy ra ngoài cổng chờ cô.
– Em chào cô ạ.
Thằng nhỏ khoanh tay ngoan ngoãn khi thấy cô đỗ xe ngay trước cổng nhà. Cô giáo tươi cười, xoa đầu thằng nhỏ khen:
– Mưa đấy à, mới có mấy tháng hè mà lớn trông thấy hẳn. Nhưng chắc là hay đi dãi nắng lắm đúng không? Cô thấy da đen hết rồi này. Thế bố em đâu?
– Bố em đi làm trong xóm rồi cô ạ. Em thay bố ở nhà trông bà và trông trường ạ.
– Mưa ngoan lắm. Sức khỏe của bà em dạo này thế nào?
– Bà em khỏe cô ạ. Nhưng vẫn nhớ nhớ quên quên.
– Để cô vào thăm trường rồi lát nữa sẽ ghé thăm bà nhé.
Thằng nhỏ lăng xăng chạy trước mở cổng trường cho cô. Cánh cổng sắt hoen gỉ kêu ken két mở ra khoảng không gian rộng rãi và yên tĩnh của ngôi trường cấp một. Những quả bàng chín rụng đầy dưới sân trường, vài chú chim giật mình cất cánh bay lên bầu trời xanh ngắt. Trường lớp sau mấy tháng hè vắng bóng cô trò trở nên trầm mặc. Mầu tường dường như cũng đã bớt tươi hơn. Trên bàn ghế, những nét chữ học trò nguệch ngoạc ngủ quên trong tĩnh lặng. Cô hiệu trưởng chầm chậm đi qua từng lớp học, mở những cánh cửa sổ khép hờ để nắng gió thổi vào bớt đi mùi ẩm mốc. Lúc bước tới khu vườn nhỏ của trường cô mỉm cười khi thấy những khóm hoa mới trồng. Cô quay lại nói với cậu học trò bé nhỏ:
– Là em trồng đúng không nào? Mưa của cô ngoan quá.
– Em nhờ bố lúc đi làm, gặp nhà nào nhiều hoa đẹp thì xin về một ít trồng trong trường đấy ạ. Em rất thích trường mình quanh năm đều có hoa tươi thắm.
Cô nắm lấy tay cậu học trò bé nhỏ đi dưới tán me xanh. Thằng bé mất mẹ khi vừa mới ra đời, ở với bố và bà nội. Nhà sát bên nên nhà trường thuê bố thằng Mưa làm bảo vệ đã nhiều năm. Trường nằm dưới chân đồi vắng, chung quanh rất ít nhà cửa. Mùa hè bố Mưa thường đi làm thuê quanh xã, thêm đồng ra đồng vào. Bố thằng nhỏ khéo tay, việc gì cũng biết nên ai thuê gì làm nấy. Nay sửa điện, mai lợp mái, xây hàng rào. Cũng có khi bố bận đi đẵn rừng thuê cả tuần, ngày nào cũng ra khỏi nhà từ mờ sớm tới tối muộn mới về. Hai bà cháu thằng nhỏ ở nhà trông nhau, quanh quẩn với khu vườn, căn bếp. Do hoàn cảnh nên thằng Mưa buộc phải tháo vát từ khi còn nhỏ, vừa chăm bà vừa cơm nước tinh tươm. Rau ngoài vườn, tép tôm cất vó dưới ao. Trứng gà sẵn trong ổ, muốn ăn thì mò ra xin gà mẹ. Nếu cần mua bán gì thì chịu khó dậy sớm đứng ngoài cổng chờ cô bác nào đó đi chợ thì vẫy lại nhờ. Năm tuổi thằng nhỏ biết nhóm lửa nấu cơm. Sáu tuổi biết dìu bà đi tắm. Bảy tuổi biết vun vén cửa nhà sạch sẽ, giặt quần áo xong khệ nệ bê chiếc ghế thắp hương cao ba bậc đứng lên phơi. Bước sang tuổi thứ mười, ngày giỗ mẹ, bố ốm nặng biết đạp xe ra chợ mua thứ này thứ kia về nấu cỗ. Trên ghi đông lẫn trong đống giò chả, thịt thà treo lủng lẳng là túi thuốc mua cho bố, khiến ai cũng cảm thương. Thằng nhỏ ấy lớn vụt lên như cái cây vững chãi trước sân nhà…
– Bố ơi sao con tên là Mưa?
– Vì ngày con ra đời mưa trắng xóa. Mưa ngập đất trời, ngập cả lòng người.
– Sao khi sinh con ra mẹ lại mất ạ?
– Vì mẹ mệt quá rồi. Mẹ được quyền nghỉ ngơi con ạ.
Minh họa của họa sĩ Đặng Tiến
Những ngày mưa không có việc gì làm bố thường ngồi trước hiên nhà ngóng vọng xa xôi. Thằng nhỏ biết là bố đang nhớ mẹ hệt như nó vậy. Dù chưa từng một ngày được mẹ ẵm bồng, bú mớm nhưng tình mẫu tử vẫn chảy trong mạch máu, trong từng hơi thở. Mẹ đã hy sinh để cho thằng nhỏ được có mặt trên đời. Lúc còn minh mẫn bà hay dặn thằng nhỏ phải sống như mặt trời, như thân cây, sống thay cho cả phần đời của mẹ. Thằng nhỏ ôm lấy cổ bố hát véo von: “Cho tôi đi làm mưa với/Chị gió ơi chị gió ơi/Làm hạt mưa giúp cho đời/Không phí hoài rong chơi”. Rồi thì nắng tới nhanh thôi, bừng sáng cả khu vườn. Những giọt nước cuối cùng đọng lại trên tán cây, lấp lánh…
Cuối cùng thì ngày khai trường cũng sắp tới. Bố dừng việc đi làm thuê ở bên ngoài để ở nhà quét dọn trường. Thằng nhỏ cũng theo bố quét vun lại từng đống quả bàng chín rụng dưới sân. Tất cả những phòng học đều được quét sạch, bàn ghế kê lại gọn gàng. Những mảng tường bong tróc được bố sơn lại mới tinh tươm. Lá cờ bạc phếch vì mưa nắng đã được bố thay mới. Chỗ hàng rào đổ xuống sau cơn mưa bão lớn cũng đã kịp xây lại. Chiếc cổng sắt hoen gỉ được bố con Mưa thay lớp sơn mới mầu xanh nước biển. Thằng nhỏ đứng ngắm thành quả của hai bố con sau một tuần làm việc mà lâng lâng tự hào. Chỉ vài ngày nữa thôi ngôi trường sẽ tràn ngập tiếng nói cười. Trống trường sẽ vang lên. Trên bảng đen viên phấn sẽ theo tay cô nắn nót. Năm nay thằng Mưa lên lớp 5, bố nói: “Sắp thành anh thanh niên trong nhà rồi”. Mưa nhìn lên mái đầu của bố, sợi trắng lẫn sợi đen như mưa với nắng, buồn với vui cứ đan xen lẫn lộn.
Có những ngày bà chợt tỉnh táo lạ thường. Lúc thằng nhỏ đang lúi húi ngoài vườn bỗng nghe thấy tiếng gọi “Mưa ơi!”. Ba chân bốn cẳng chạy vào, bà cầm chiếc gậy tre chỉ ra ngoài vườn bảo:
– Sao không gọi người tới bán nốt cây nhãn đi con. Để thế lũ dơi về ăn hết.
– Bố đã gọi người đến bán hết rồi bà ạ. Còn cây kia là bố cho con để phần các bạn. Năm nào khai giảng xong chúng nó cũng vào vườn nhà mình hái nhãn mà bà.
Bà nghĩ ngợi một lúc ngẩng lên hỏi:
– Có phải đã mùa thu rồi không con?
– Vâng. Đã thu rồi bà ạ.
– Hình như bà ngửi thấy mùi hương thị ngát thơm.
– Vâng. Cây thị cạnh mộ ông quả đã chín rồi bà ạ.
Bà khẽ gật đầu rồi lại chìm trong nhớ nhớ quên quên. Bố vẫn miệt mài sơn lại tường rào của trường. Cứ một lúc Mưa lại chạy sang xem bố có cần giúp gì không. Các thầy cô đã bắt đầu tới trường để chuẩn bị cho một năm học mới. Vài tấm thảm thổ cẩm được giặt phơi ngoài ban-công. Ấm chén trong phòng họp được mang ra cọ lại. Thầy cô trong trường ai cũng thương Mưa lắm. Thầy Tùng mỗi lần đi du lịch cùng gia đình về thường mua quà cho Mưa. Khi thì quả bóng, bộ quần áo in hình danh lam thắng cảnh. Cũng có khi thầy đi Tây Bắc mua về cho bà mấy thang thuốc bổ máu của người dân tộc. Suốt mùa hè cô Hạnh có vài lần tạt qua gọi “Mưa ơi” dưới cổng. Có hôm chờ Mưa chạy xuống cô dúi vào tay thằng nhỏ ít bánh rợm, bánh gai nhà làm vẫn còn nóng hổi. Cô dặn: “Hôm nay Tết Đoan ngọ. Bánh cô mới làm nhớ thắp hương cho mẹ trước nghe em”. Mưa đứng ở cổng nhìn theo dáng cô khuất trong cái nắng hè oi ả, nhạt nhòa mà nước mắt tự nhiên ứa ra. Hẳn mẹ cũng sẽ thấy yên lòng khi thằng nhỏ được nhiều người thương mến. Ai cũng muốn bù đắp cho đứa nhỏ mồ côi mẹ từ lúc lọt lòng. Hồi Mưa mới học lớp 1, mỗi lần áo tuột chỉ là cô giáo mang về nhà khâu. Đôi dép rách bố chưa kịp mua là thầy cô đã xỏ vào chân Mưa đôi dép mới. Sách vở bị bung gáy, cũng là các cô mang về đóng lại.
Dù không ai kể lại với Mưa, nhưng các thầy cô ai cũng nhớ, lúc thằng nhỏ mới từ viện về còn đỏ hỏn, mẹ mất nên phải đi bú nhờ cô giáo Hương trong trường. Bố nó đau buồn vì mất vợ, sống cảnh gà trống nuôi con còn sai sót, vụng về. Các cô ngày nào cũng qua phụ cái này cái kia. Tiếng khóc đói sữa như xé vải của thằng Mưa khiến bài giảng của thầy cô dừng lại dở chừng, có đôi chỗ rưng rưng. Nhiều hôm cô Hương ít sữa, nhìn thằng nhỏ nhai bầu ngực cạn mà ai cũng xót thương. Các cô thay nhau bế Mưa đi ăn chực sữa khắp nơi. Thằng nhỏ lớn lên nhờ bầu ngực của bao người phụ nữ trong làng. Của biết bao giọt sữa mà những đứa trẻ khác đã nhường nhịn, sẻ chia. Những đứa trẻ ấy giờ lớn lên học cùng lớp cùng trường, thương nhau không chỉ bằng lời nói. Có những ngày cuối tuần, lũ trẻ ào đến hái chè, trồng rau, tát ao bắt cá giúp nhà Mưa. Có những buổi tan học, thấy trời sắp mưa cả lớp chưa vội về nhà mà tạt vào thu lúa, thu rơm giúp bạn. Thỉnh thoảng bạn dúi cho Mưa cái bút chì, cục tẩy, cuốn truyện tranh còn mới. Biết Mưa nhà neo người, phải ở nhà cơm nước chăm bà nên thỉnh thoảng chúng vẫn tranh thủ rủ nhau ghé thăm thằng nhỏ. Khúc khích cười dưới những tán cây. Cùng reo vang khi phát hiện một tổ chim đầy trứng. Có khi mấy đứa mải luồn lách bị bọ xít đái đầy vào mặt vẫn chẳng chừa. Mải chơi quên giờ về, bố mẹ tụi nhỏ cứ tìm đến cổng nhà thằng Mưa là thấy.
Nắng mùa thu rải vàng trên những hàng me. Đàn chim sẻ thỉnh thoảng lại ùa ra từ một tán cây nào đó. Bộ quần áo đồng phục đã được Mưa giặt sạch phơi trước cửa nhà. Nhìn chiếc khăn quàng đỏ thắm bay phất phơ trước gió lòng thằng nhỏ xốn xang. Ngày mai, chỉ ngày mai thôi ngôi trường sẽ rộn rã tiếng nói tiếng cười. Bỏ những ngày hè vắng vẻ lại phía sau, từng cánh cửa lớp được mở ra đón nắng mới ùa vào. Bảng đen, phấn trắng, những trang sách thơm tho như cũng biết rộn ràng. Ngoài vườn những chùm nhãn ngọt ngào cuối mùa đợi những người bạn nhỏ…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG
 
29/6/2021
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanvn.vn/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...