Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2023

Những tiếng chuông ngân

Những tiếng chuông ngân

Lối đi riêng mà Hồ Loan đã chọn cho mình tôi gọi đó là cách đứng về “phe nước mắt”. Chị mở lòng mình, sẵn sàng đón nhận, nâng niu những số phận nhiều thiệt thòi về trên trang viết thấm đẫm tình người, để được lắng nghe, được sẻ chia, từ đó mong làm vơi đi những nỗi đớn đau, mất mát…
Tập truyện ngắn “Như giọt chuông ngân” của Hồ Loan
“Như giọt chuông ngân” (NXB Hội Nhà văn, 2002) là tập truyện ngắn đầu tay của tác giả trẻ Hồ Loan, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam.
Quan sát hành trình văn học của tác giả có thể thấy, dù sáng tác đã được một thời gian đủ được nhiều người biết đến trên một số diễn đàn văn chương, tuy nhiên chị đã không cho phép mình được vội vàng. Chị từ tốn, vừa học hỏi vừa viết, không ảo tưởng ngay cả khi có những tác phẩm đăng báo được đánh giá cao. Với tập truyện ngắn “Như giọt chuông ngân”, chân dung một người văn đã thật sự hiện diện rõ nét, chững chạc.
15 truyện ngắn trong tập sách là 15 lát cắt được chắt lọc từ đời sống bộn bề mà tác giả đã dành nhiều thời gian quan sát, trải nghiệm, ngẫm ngợi, được thể hiện bằng một văn phong giản dị mà chan chứa ân tình. Qua từng trang sách, người viết cho thấy một hành trình sống và viết nghiêm cẩn, trách nhiệm dù ở giai đoạn khởi đầu này không tránh khỏi những lỗi vụng về, tâm thế e ngại, dè dặt nên đôi lúc tác phẩm chưa được đến tận cùng cảm xúc.
Điều ấn tượng ở tập truyện ngắn chính là một thế giới các nhân vật “nặng ký”, bởi mang trong mình những số phận éo le, trắc trở, trĩu nặng tâm tư. Đó là người mẹ lặng lẽ sống như một chiếc bóng đơn côi bên cạnh những đứa con, thầy giáo trẻ bị bại liệt chọn cách náu mình vào cõi cô độc, người đàn ông mù cả cuộc đời mong cầu được đón nhận một vòng tay yêu thương, cô gái trẻ muốn đổi đời bằng việc cất bước đi làm dâu xứ lạ để rồi cuối cùng trở về lạnh lẽo trong hũ tro tàn…
Nhà văn trẻ Hồ Loan
Sự lựa chọn này tạo ra một Hồ Loan khác biệt, nhất là trong bối cảnh không ít tác giả trẻ mải mê chạy theo các đề tài có tính thời thượng, ăn khách. Lối đi riêng mà Hồ Loan đã chọn cho mình tôi gọi đó là cách đứng về “phe nước mắt”. Chị mở lòng mình, sẵn sàng đón nhận, nâng niu những số phận nhiều thiệt thòi về trên trang viết thấm đẫm tình người, để được lắng nghe, được sẻ chia, từ đó mong làm vơi đi những nỗi đớn đau, mất mát. Các chi tiết của đời sống được chị quan sát bằng trái tim người phụ nữ nhạy cảm, bao dung và tràn đầy yêu thương. Chính vì vậy, những thân phận con người được tái hiện trong từng trang sách dù nhiều khổ đau, ẩn ức song các tác phẩm tuyệt nhiên không mang mầu bi thương, tuyệt vọng. Mà từ chính những tác phẩm ấy, tựa hồ có tiếng chuông ngân lên, làm bến neo đậu của tình yêu thương, thôi thúc con người biết quan tâm, trân trọng và sống tử tế với nhau.
Bởi vì, dù cuộc sống ai đó có phải đối mặt nhiều khó khăn, nghịch cảnh thì chắc chắn vẫn sẽ có người thấu hiểu, sẵn sàng chia sẻ, để cùng nhau hướng tới những điều nhân nghĩa chưa hề mất đi trong cuộc đời này. Đó chính là con đường của văn chương chân chính.
PHONG ĐIỆP
Thời Nay 22.11.22
 
29/6/2021
Hoàng Việt Hằng
Nguồn: Thời Nay 22/11/2022
Theo https://vanvn.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...